Mạn Thiên Hoa Vũ
-
45: Tức Mặc
Hành cung Tức Mặc – Thiên Trường toạ lạc tại tỉnh Nam Định của thời hiện đại.
Khởi hành từ kinh đô Thăng Long, chúng tôi phải đi qua Lô Giang - tức sông Hồng, tiến vào Vĩnh Giang rồi mới có thể "tiếp cận" hành cung Tức Mặc.
Nơi đây sở hữu một hệ thống sông ngòi chằng chịt, những con sông này không chỉ mang nhiệm vụ bảo vệ hành cung mà còn là con đường lưu thông vô cùng tiện lợi giữa các cung điện với nhau.
Vĩnh Giang, tức sông Vĩnh, bao bọc Tức Mặc từ Đông sang Tây, có thể nói dòng sông này chính là linh hồn của phủ Thiên Trường.
Xa hơn về phía Đông là Lô Giang, phía Bắc là Hoàng Giang.
Tuy không phồn hoa như thành Thăng Long – nơi thành và thị đều phát triển rực rỡ - nhưng hành cung Tức Mặc cũng đủ đầy lầu son gác tía, phú quý muôn phần.
Lấy trung tâm là cung Trùng Quang – nơi ở của Thượng hoàng sau khi truyền ngôi, hành cung còn hai kiến trúc lớn nữa: Cung Trùng Hoa ở phía Đông, xây riêng cho vị vua đang tại vị khi về chầu Thượng hoàng; và chùa Phổ Minh ở phía Tây.
"Mười năm trước" tôi vượt thời gian, xuất hiện ở phủ Thiên Trường và gặp được Trần Thuyên, đến giờ ký ức về nơi ấy đã trở nên mờ ảo không ngờ, nhất thời suy nghĩ cũng không thể nhớ ra hành cung trông như thế nào nữa.
Tác giả Phạm Văn Thắm từng miêu tả hành cung trong cuốn Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Định như sau:
"Khu đất này có sông uốn khúc bên trái, núi trùng điệp trải dài bên phải, phía bắc sông Hoàng hội họp mặt sau, bên nam các dòng nước như chầu phía trước, cảnh thanh thư thái, sông biếc nước trong, cỏ hoa lớp lớp ngát hương thơm, chùa miếu khang trang lộng lẫy..."
Tuy vài câu không thể miêu tả hết được, nhưng cũng phần nào mường tượng ra một vùng đất cảnh đẹp nên thơ.
Đó là những suy nghĩ nhàm chán của tôi khi nằm trên thuyền lớn, lênh đênh xuôi dòng Lô Giang để đến với hành cung Tức Mặc – Thiên Trường.
Mới chỉ trước đó vài giờ, tôi còn mang tâm trạng muốn bực bội khó tả, chỉ muốn đánh người.
"Là thuyền ngự của Thánh Bà phu nhân."
Tôi chợt nổi giận.
Tên nhóc Trần Thuyên hay ho thật, đi thăm cha già Trần Nhân Tông là phải mang theo vợ lớn vợ bé, gióng trống ầm ĩ, khoa trương đủ điều.
Không hổ danh là vị vua đào hoa nhất nhì trong lịch sử Việt Nam nhỉ!
Đang lầm bầm chửi bới bỗng nghe tiếng loạt xoạt vang lên, ngay cả Đoàn Nhữ Hài bên cạnh cũng quỳ xuống.
Không cần xác minh, tôi biết là nhân vật nào đã xuất hiện.
Tôi bình tĩnh quỳ xuống theo, cùng đám người xung quanh hô lớn: "Quan gia muôn tuổi!"
Giọng Trần Thuyên như có như không cho bình thân, cả bọn lại ào ào đứng dậy.
Anh nói mấy câu xã giao với đám quan lại, tôi không nghe lấy một từ.
Trong lòng còn bề bộn bao điều, ai rảnh mà nghe mấy lời vô nghĩa ấy chứ.
Tôi cúi đầu nhìn chân, vân vê vạt áo chốc lát rồi cũng không nhịn được mà len lén ngẩng đầu lên, ngay lập tức đón lấy một ánh mắt chiếu tướng sáng rực.
Hôm nay Trần Thuyên mặc tiện phục của hoàng đế, khoác áo Tứ Điên trắng.
Áo cổ tròn, từ phần ngực trở xuống thì được xẻ bốn vạt, gió đến bay phất phơ.
Tóc anh vẫn búi lên cao như thường nhưng riêng hôm nay lại được bọc lại bằng lụa trắng.
Một thân uy nghi dưới nắng vàng lấp lánh, đích thực trông như thần tiên hạ phàm.
Trần Thuyên miệng thì răn dạy đám quan lại, mắt lại chưa từng rời khỏi tôi.
Thấy tôi ngẩn người nhìn, anh liền nháy mắt một cái, khoé miệng kéo lên một nụ cười mơ hồ.
Tôi giật mình tỉnh dậy từ trong sương mù, cơn giận dữ từ đâu lại kéo đến, trào dâng trong lồng ngực.
Giật tay áo Đông Ly một cái, tôi dứt khoát quay đầu rồi phăm phăm đi về phía con thuyền mà mình được sắp xếp.
Không biết tên nhãi nào nhận nhiệm vụ này, xếp cho tôi và em trai Nhữ Hài cái thuyền ở xa tít mù tắp.
Đông Ly cuống cuồng chạy theo tôi, nén giọng thì thầm: "Quan gia chưa lên tiếng mà cô đã dám kéo con đi thế này, tội lớn đó ạ!"
Tôi trừng mắt nhìn, khẽ quát: "Sợ cái gì! Không thích thì quay lại đấy mà đứng!"
Con bé lập tức ngậm chặt miệng, không dám ho he thêm câu gì nữa.
- --
Không biết qua mấy ngày trời, cuối cùng đoàn thuyền cũng cập bến hành cung Tức Mặc.
Hơn trăm người rồng rắn kéo nhau lên bờ, tôi và em trai Đoàn Nhữ Hài ở tít phía sau, đến cái góc quần Trần Thuyên cũng không được nhìn thấy.
Hai cung điện chính là cung Trường Quang và Trùng Hoa đều đã có chủ, chùa Phổ Minh là nơi hương khói, còn lại quý tộc, hậu phi và quan viên được phân chia ở cung thất bao quanh.
Muốn di chuyển từ cung này sang cung kia có thể sử dụng hai hình thức: Một là ngồi kiệu, hoặc nhanh hơn thì dùng thuyền nhẹ.
Đúng vậy, dòng Vĩnh Giang còn len lỏi bên trong hành cung, đích thực khác biệt so với kinh thành.
Điều đáng buồn là tới thế kỷ 15, nhà Minh đem quân xâm lược đã phá huỷ gần như toàn bộ hệ thống cung điện tại hành cung Tức Mặc, cho tới hiện đại chỉ còn sót lại duy nhất ngôi chùa Phổ Minh mà thôi.
Theo như Đông Ly hỏi thăm được thì hoàng thất sẽ ở cung Đệ Nhất, bỏ qua cung Đệ Nhị (nơi được coi là "doanh trại" của quân Thiên Thuộc) và cung Đệ Tam, thì hậu phi ở cung Chiêu Thành; còn quan viên được sắp xếp ở cung Đệ Tứ – cũng là nơi xa xôi nhất.
Và vì thân phận không như hoàng gia nên đám chúng tôi phải chờ cho mấy vị vương hầu, cung quyến rời đi rồi mới có người tới dẫn đường.
Đương nhiên là không ai dám cằn nhằn, còn phải vui vẻ tạ ơn nữa chứ.
"Khoan đã...!khoan...!đã...!"
Một bóng người nhỏ thó lao ra từ phía cổng lớn, chạy đến trước mặt tôi thì dừng lại, gập lưng thở hổn hển.
Tôi nhận ra đó là Phước Lộc, cậu nhóc từng được Trần Thuyên dẫn đến nhà Đỗ Chi một vài lần.
Trông trang phục thế này, tới chín phần cậu bé này đúng là hoạn quan rồi.
Mất một lúc Phước Lộc mới hồi lại sức, nó quay về phía Đoàn Nhữ Hài, chắp tay nói: "Dạ bẩm, Quan gia có chỉ, Trung tán Hài chuyển tới cung Đệ Nhất."
Phía đằng sau bắt đầu rộ lên tiếng lao xao bàn luận.
Tôi còn nghe rõ ai đó thì thầm rằng: "Quan gia ưu ái quá rồi đấy."
Chỉ là...!thì thầm mà sao to đến vậy hả?
Em trai Đoàn Nhữ Hài mặt không biến sắc, dập đầu tạ ơn.
Phước Lộc lại nhìn tôi, giọng cao vút: "Về phần gia quyến...!trú tại cung Chiêu Thành."
Trên đầu tôi sét đánh ầm một cái thật to.
Mới lúc trước Đông Ly kể rằng lần này tới hành cung Tức Mặc còn có thêm một vị đại vương nào đó, có lẽ vì lý do này mà tôi mới không thể theo Đoàn Nhữ Hài tới cung Đệ Nhất được.
Tuy thế...!lại đưa tôi tới cung Chiêu Thành để ở cùng một chỗ với Thánh Bà phu nhân? Được, tên nhóc Trần Thuyên này suy nghĩ kỳ quặc quá rồi đấy.
"Dư âm" say sóng vẫn còn bám chặt trong đầu không buông, tôi càng không dám dùng thuyền nhẹ, nhưng lại không đủ cao quý để ngồi kiệu nên chỉ còn cách đi bộ.
Nữ quan dẫn đường thẳng lưng bước đi phía trước, Đông Ly ôm bọc hành lý lớn không kêu ca một lời ở phía sau, tôi ở giữa lại thấy chân cẳng rã rời, nhức mỏi hết sức.
Chúng tôi đi mãi, đi mãi rồi cũng đến nơi.
Qua cửa lớn cung Chiêu Thành là một khoảng sân rộng, xung quanh được đặt các chậu cây – hoa cảnh mà tôi không biết tên, nhìn qua chỉ nhận ra được có vài chậu hoa cúc trắng.
Giữa sân là ao cá lớn, có cung tỳ đang vung thức ăn từ trên xuống, cả đàn cá con nào con nấy béo núc ních.
Phải đi vòng qua ao cá mới đến khu vực cho người ở.
Cung Chiêu Thành này không biết được chia thành bao nhiêu gian phòng, nữ quan đều giọng thông báo rằng Thánh Bà phu nhân ngự ở gian chính, còn tôi đương nhiên chỉ ở gian phụ mà thôi.
Tuy gọi là phụ nhưng một gian phòng ở đây rất rộng, còn có đủ phòng khách, phòng ngủ và một gian trống để đặt thùng nước phục vụ cho việc tắm rửa.
Sân trong tuy không rộng bằng sân ngoài nhưng cách sắp xếp cũng khá ổn.
Ở góc sân có trồng một cây liễu lớn, dưới tán cây rủ là chiếc xích đu gỗ với dây thừng to bằng nửa bắp tay, vô cùng chắc chắn.
Cạnh đó là bàn tròn bằng đá, có bốn, năm cái ghế đặt xung quanh.
Sân được lát gạch màu đỏ tươi theo kiểu chéo góc, trang trí hoa văn tinh xảo, quan sát kỹ thì thì hoá ra lại là hình hoa cúc.
Buổi tối có cung nhân mang thức ăn đến, bày ra chật kín mâm.
Có canh cá, canh dưa lạc, tép kho, thịt luộc...!tôi với Đông Ly nhìn nhau lo lắng, như thế này có phải hơi nhiều quá rồi không?
Chuẩn bị đụng đũa thì bên ngoài xuất hiện thêm một người, Phước Lộc lại mang bộ dáng vừa chạy trối chết như ban chiều, cúi đầu thưa: "Bẩm cô, Quan gia cho vời cô tới cung Trùng Hoa ạ."
Tôi đập đũa xuống mâm rầm một cái, nhận ra mình hơi thất thố nên hắng giọng một cái rồi mỉm cười hỏi: "Thượng hoàng cũng đang ở đó sao?"
Phước Lộc quả nhiên ngơ ngác: "Dạ bẩm...!không ạ."
Tôi liền phẩy tay: "Thế thì thôi, tôi không đi đâu."
Bị thái độ của tôi doạ cho hoảng sợ, Phước Lộc lập tức quỳ xuống mếu máo cầu xin: "Cô Niệm Tâm thương xót con, Quan gia đã ra lệnh, không mời được cô đến thì con ăn đòn mất!"
Nghe vậy tôi cũng chẳng mảy may dao động, chỉ đáp: "Nội quan nên đi đi, tôi đến hành cung vì Thượng hoàng có lời, hiện tại nếu không phải là yết kiến Thượng hoàng thì tôi sẽ không rời khỏi cung Chiêu Thành đâu."
Đoạn, quay sang Đông Ly bảo: "Tiễn khách rồi đóng cửa lại."
Đông Ly vâng dạ, chạy ra thuyết phục một hồi thì Phước Lộc mới chịu rời đi, nghe bảo còn rơm rớm nước mắt.
Được nằm trên giường lớn chắc chắn, tôi dần không bị ảnh hưởng bởi cơn say sóng dai dẳng mấy ngày qua nữa mà ngủ một giấc rất yên lành tới sáng.
Do đây không phải nhà mình nên tôi không dám ngủ nướng, tới giữa giờ Mão đã dậy vệ sinh cá nhân, vừa lúc cung nhân đem đồ ăn sáng tới.
Điểm tâm nhẹ nhàng, hai bát cháo với mấy cái bánh gạo, còn có thêm nước ép hoa quả.
Đã sắp tới tiết Đại Thử - tức cuối hè – nên thời tiết cũng không quá oi bức.
Tôi kéo Đông Ly ra bàn đá ngoài sân, lại gọi cung tỳ mang lên một ấm trà hoa cúc.
Nhắm mắt hít một hơi thật dài, tôi chợt nhận ra Nam Định cũng là quê nội của tôi khi còn là Nguyễn Từ Niệm Tâm, vậy coi đây là một chuyến về quê ngắm cảnh cũng không sai.
"Trước đây nơi này chỉ là hương Tức Mặc, sau này mới được đổi thành phủ Thiên Trường." Đông Ly rót trà, nhẹ nhàng nói.
"Con nghe các cụ già kể rằng hành cung Tức Mặc đã có từ xa xưa nhưng quy mô không lớn, phải đến khi Thánh Tông ra lệnh sửa sang mới trở nên hoành tráng như bây giờ đó ạ."
"Ồ." Tôi khen ngợi Đông Ly một hồi.
Đúng là ngoài việc biết Thiên Trường là Nam Định, nơi họ Trần phát tích, thì tôi không biết gì về chốn này hết sất.
Chợt nghe giọng nói lanh lảnh cất lên: "Ai đang ngồi ở đó vậy?"
Tôi và Đông Ly quay đầu lại, thấy một cô gái chừng hai mươi tuổi đang tiến đến gần, phía sau còn có ba bốn cung tỳ đi theo.
Đông Ly vốn đang ngồi cùng tôi, thấy người khác đến liền bật dậy rồi lùi ra phía sau đúng phận hầu gái.
Ở cung Chiêu Thành này, ngoài tôi ra cũng chỉ còn một người nữa.
Thánh Bà phu nhân được tỳ nữ đỡ tay, uyển chuyển từng bước gần lại phía tôi.
Dưới mắt cô lộ rõ quầng thâm, đôi môi nhợt nhạt nứt nẻ, trên mặt mười phần thì chỉ có ba phần sinh khí.
Và có vẻ như cô cũng không thèm che giấu điều này.
Đông Ly đứng sát phía sau tôi, giật giật áo nhắc nhở: "Cô Tâm, mau hành lễ đi! Thánh Bà phu nhân đấy!"
Tôi không phải kiểu người vô pháp vô thiên, rất cung kính quỳ xuống hô: "Phu nhân vạn phúc."
Thánh Bà phu nhân chậm rãi ngồi xuống ghế, chỉnh trang lại áo xống một phen rồi mới nhẹ nhàng đáp lời, bảo tôi đứng dậy.
Thú vị đấy, là muốn dằn mặt tôi chăng?
"Cô là Niệm Tâm, em gái của Trung Tán Nhữ Hài?" Thánh Bà phu nhân mỉm cười dịu dàng.
Tôi liền sửa lại: "Đúng vậy, là chị gái."
Cô ta gật gật, trên mặt phảng phất một sự cam chịu.
"Cô ngồi xuống uống trà cùng ta đi."
Sắp đặt mông xuống ghế đến nơi thì Đông Ly lại giật mạnh áo từ phía sau, tôi đành đứng nguyên một cách bất đắc dĩ, tỏ vẻ khiêm tốn mà từ chối.
Thánh Bà phu nhân cười: "Cô Niệm Tâm cứ ngồi đi, không cần lo mấy thứ lễ nghi này nọ đâu.
Cô đứng lâu như vậy, bị truyền ra ngoài thì ta không gánh nổi tội mất."
Hừm, cô ta có ý gì?
Tôi không tỏ vẻ nữa mà ngồi phịch xuống, một hơi uống hết chén trà còn dang dở khi nãy.
Khác với tưởng tượng, Thánh Bà không nói thêm bất cứ câu nào, chỉ yên lặng cùng tôi uống trà, ngắm trời, thưởng hoa.
Xem ra khi nãy không phải móc mỉa gì quá đáng, có vẻ như cô cũng chỉ muốn thăm dò tôi mà thôi.
Khoảng chừng ba mươi phút sau thì Thánh Bà đứng dậy, nói rằng người hơi mệt nên cần quay về nghỉ ngơi.
Cô đi được mấy bước thì thở dài một cái, quay sang tỳ nữ nhỏ giọng: "Nàng là người thứ ba..."
Thật muốn phát điên, vì sao ai cũng thì thầm lớn tiếng như vậy chứ? Rõ ràng là cố ý cho người khác nghe thấy mà.
Còn nữa, tên nhóc Trần Thuyên chết tiệt! Anh ta đã dẫn bao nhiêu cô gái đến hành cung này rồi? Thứ ba cái con khỉ! Tôi đây không thèm làm thứ mấy thứ mấy của anh đâu nhé!
Đến nửa đêm mà cơn tức giận vẫn không tiêu tan.
Tôi bảo Đông Ly ăn thật nhanh rồi thổi tắt đèn từ sớm, tránh có khách không mời tới quấy rầy.
Đông Ly thả màn xuống cho tôi, đang bước ra phía sạp kê gần đó thì nghe tiếng gõ cửa, tiếp đó vang lên giọng trầm thấp của một người đàn ông: "Tiểu thư Niệm Tâm..."
Đông Ly chỉ nghe một lần đã nhận ra, vội nói: "Là anh Thành An!"
"Tiểu thư...!ra ngoài một chút có được không?" Thành An thỏ thẻ như con mèo già ở ngoài, bóng in lên cửa trông rất tức cười.
Tôi cao giọng: "Không! Anh về ngay đi!"
Cô nhóc Đông Ly mò mẫm trong bóng tối đến gần tôi nài nỉ: "Hay là em mở cửa..." sau đó bị tôi đánh vào tay mới chịu im lặng.
Thành An vẫn đứng ngoài, không hề biết trong lòng tôi đang bừng lửa giận tới mức nào.
"Tôi đã nói rồi, tôi ở nơi này là vì Thượng hoàng có lệnh.
Còn Quan gia của các anh ngày đêm bận rộn làm gì tôi không cần biết.
Xin anh về cho! Còn nữa, đây là cung Chiêu Thành dành cho hậu phi nữ quyến, anh thân là thị vệ, xuất hiện ở đây không hợp tình hợp lý cho lắm đâu!"
Y bị tôi mắng té tát, cái bóng trước cửa đứng ngoài phòng dùng dằng hồi lâu, cuối cùng cũng mờ dần dần rồi biến mất.
Ngày thứ ba tại hành cung Tức Mặc, tôi vẫn ra bàn đá ngồi nhưng không gặp Thánh Bà phu nhân mà thay vào đó là em trai Đoàn Nhữ Hài.
Cậu ta mang ít bánh ngọt đến, bày ra bàn dụ dỗ tôi ăn rồi tỏ vẻ ngoan ngoãn như con cún.
Tôi bĩu môi, nhón một miếng bánh nhân mứt đào cho vào miệng rồi cười hỏi: "Hôm nay không phải tới chầu Thượng hoàng và Quan gia sao?"
Cậu ta gãi gãi đầu: "Có chứ, nhưng mà Quan gia nói là..."
Chỉ nghe tới đây, tôi lập tức tung chân sút một cú vào ống đồng cậu ta một cái, mạnh đến mức đến tôi là người tấn công mà còn thấy tê rần cả chân.
Đến em trai mình cũng phản bội, trở thành thuyết khách cho hoàng đế cơ đấy!
Mà nói cũng phải, người cho cậu ta lương bổng, cho cậu ta chức quan đâu phải là tôi, đương nhiên Đoàn Nhữ Hài phải cung cúc tận tuỵ với Trần Thuyên rồi.
Đoàn Nhữ Hài thất bại, cà nhắc rời đi.
Buổi tối lại rất yên bình, không có ai tới làm phiền cả.
Sang ngày thứ tư, Đông Ly chạy vào phòng thông báo: Thánh Bà phu nhân được Thượng hoàng vời đi rồi.
Ơ kìa, có khi nào là Trần Thuyên bảo Đoàn Nhữ Hài lừa gạt tôi đến đây không? Tôi hít một hơi thật dài, tâm tình dần dần bình tĩnh trở lại.
Được rồi, tình cảnh như hiện tại cũng không khác gì đi du lịch mà chỉ ở trong phòng khách sạn, có gì to tát đâu chứ.
Tôi bắt Đông Ly đẩy xích đu cho mình, lực tay cô nàng hơi yếu nên chỉ đưa qua đưa lại một cách vô cùng nhẹ nhàng.
Đột nhiên nghe thấy tiếng gió, tiếp đó xích đu bị một lực đạo không hề tầm thường ập đến, cả người tôi bay về phía trước.
Cũng may bản thân có chút võ vẽ phòng thân nên tôi phản ứng khá nhanh, tiếp đất một cách an toàn.
Vỗ vỗ ngực vài cái, tôi giận dữ quay người lại, muốn xem tên nào dám làm càn.
Bên cạnh chiếc xích đu, dưới tán cây liễu đang đung đưa là một chàng thiếu niên mặc viên lĩnh màu trắng, lưng thắt dây thao.
Gương mặt góc cạnh mang bảy phần tương tự với Trần Thuyên, chỉ có điều trẻ trung hơn, có lẽ là bằng hoặc kém tuổi tôi.
Cậu ta nhe răng, nhăn nhở cười.
Tôi híp mắt, mù mờ nhìn cậu ta, cũng không chịu lên tiếng.
Thiếu niên trợn mắt: "Cô không biết ta là ai sao?"
Tôi vừa bị cậu ta trêu chọc nên không vui vẻ gì, hằn học đáp lại: "Vì sao tôi phải biết?"
Lời vừa nói ra, tôi lại muốn vả vào mồm mình một cái.
Người có thể xuất hiện trong hành cung, lại có diện mạo giống với Quan gia vài phần...!e rằng chính là vị "vương thất" đi cùng mà Đông Ly nhắc tới hôm trước rồi.
Đông Ly đang đứng sau lưng thiếu niên kia, luôn miệng "nhắc bài" nhưng tôi thật sự không thể nhìn ra khẩu hình, giải mã ý nghĩa những gì cô muốn nói.
Đoán bừa vậy, anh em của Trần Thuyên mà tôi biết chỉ có một người thôi.
"Huệ Vũ vương..." Tôi dè dặt mở lời.
Thiếu niên kia liền cười rộ lên, ánh mắt lấp lánh: "Thì ra cô không bị mù."
Dù sao cậu ta cũng là Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn, tôi không dám thái độ nữa, khuỵu chân định quỳ xuống.
Trần Quốc Chẩn phóng khoáng khoát tay, tỏ ý tôi không cần quỳ.
Cậu ta nheo mắt, thẳng thừng hỏi: "Cô là Niệm Tâm?"
Tôi gật đầu bổ sung: "Chị gái của Trung tán Đoàn Nhữ Hài."
"Ta biết." Quốc Chẩn cười ha ha, lại nói: "Ta đang chán muốn chết đây, hay là cô đi chơi với ta?"
Tôi:?
Mấy người họ Trần này bị làm sao vậy?
"À...!mong Vương thứ lỗi cho.
Thân phận của tôi mà đi cùng ngài thì không hợp lý cho lắm...!Hơn nữa, tôi cũng đang cảm thấy hơi mệt..."
Trần Quốc Chẩn cười xoà, ra vẻ không để tâm: "Có gì mà không hợp lý? Thượng hoàng và Quan gia đều đang bận rộn, ở đây ta là to nhất rồi, không sao đâu."
Ngưng một giây để nghĩ ngợi điều gì, cậu ta lại nói: "Nếu cô không chịu thì ta sẽ phạt cô tội hỗn láo, thấy đại vương mà không chịu quỳ."
Trời đất quỷ thần chứng giám! Rõ ràng ngay lúc trước tên nhãi này còn tỏ vẻ không cần tôi chào hỏi, bây giờ cậu ta lại dám lật mặt rồi đổ tội cho người hiền lành chất phác như tôi ấy à?
Thấy tôi vẫn cứ đứng đực một chỗ, Trần Quốc Chẩn nghiêng người, ngoắc tay gọi một tên thị vệ đến gần rồi hỏi: "Ngươi có nhìn thấy cô ta quỳ không?"
Tên thị vệ nghiêm túc lắc đầu: "Dạ bẩm, con không thấy ạ."
Hoàng thân quốc thích mà lại vô lý đến thế! Tôi đuối lý, đành phải vào thay một bộ trang phục gọn nhẹ rồi dẫn Đông Ly rời khỏi cung Chiêu Thành cùng với Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn.
Chúng tôi sử dụng thuyền nhẹ, lướt như bay.
Các địa điểm mà cậu ta muốn dẫn tôi đến cũng đều nằm trong hành cung Tức Mặc, không cần phải di chuyển quá xa xôi.
Chốn dừng chân đầu tiên: Côi Sơn tự.
Thực tế khi đến tận cửa rồi tôi vẫn không biết đây là nơi nào.
Trần Quốc Chẩn dẫn tôi vào thắp hương, tôi liền nhắm mắt nhắm mũi lầm bầm cầu nguyện, xin xỏ các vị ở trên sớm ngày đưa tôi về với thân phận thật.
Vừa bước ra ngoài, chúng tôi bị một đám trẻ con vây quanh, đứa nào đứa nấy đều mặc áo nâu tối màu như các vị sư thầy trong tự.
Chúng nó reo hò: "Đức Huệ Vũ đến rồi! Đức Huệ Vũ đến rồi! Lần này ngài có mang gì cho chúng con không ạ?"
Trần Quốc Chẩn cười ha hả nói đương nhiên là có rồi, sau đó có hai ba tên cung nhân khệ nệ bưng vào nào bọc lớn, nào hộp to.
Thêm quần áo mới, lại có đồ ăn ngon, cả đám nhóc tì không quẩn quanh bên chúng tôi nữa mà ôm đồ chạy biến đi mất.
Thấy tôi nhìn theo không chớp mắt, cậu giải thích: "Chúng là con em của các binh sĩ đã tử trận, không còn ai nuôi nấng.
Nếu cô chưa biết, thì nơi này chính là Côi Sơn tự."
Tôi à một tiếng.
Đại Việt đã phải trải qua ba cuộc chiến lớn với quân Mông – Nguyên, số lượng người vì nước bỏ mạng là không hề ít...!Hệ luỵ của chiến tranh bao giờ cũng thật tàn khốc, triều đình nhà Trần lại biết chăm lo cho con em binh lính, quả thực là rất tốt.
Mục đích đến với Côi Sơn tự chỉ là để Trần Quốc Chẩn gửi đồ cho đám trẻ con, xong việc chúng tôi lại lên thuyền di chuyển tới địa điểm khác.
Thật giống kiểu đi du lịch theo tour, mỗi nơi chỉ được dừng chân trong vòng mười lăm phút, cố đứng lại uống ngụm nước thôi mà cũng bị ông hướng dẫn viên giục như hò đò.
Địa điểm tiếp theo: Phường Phương Bông, nơi ở và luyện tập của các ca cơ, vũ nữ.
Chủ phường là một người phụ nữ chừng hơn bốn mươi, tuy gọi là đã có tuổi nhưng tay chân vẫn rất linh hoạt, đích thân lên sân khấu làm mẫu cho mấy cô vũ công trẻ tuổi ngồi phía dưới.
Trần Quốc Chẩn là nhân vật lớn, vừa đến đã có người kê sạp rót trà, hầu hạ một cách cung kính hết mực.
Tôi vì đi chung với cậu ta nên được thơm lây, vì vậy không hề kiêng kỵ mà trèo thẳng lên sạp ngồi ngang hàng.
Huệ Vũ vương không để tâm cho lắm, phẩy tay nhắc đám vũ nữ tiếp tục luyện tập.
Chủ phường đứng nghiêm cẩn ở góc sân diễn, sau đó bốn thiếu nữ từ dưới bước lên, xem chừng họ cũng chỉ tầm mười lăm mười sáu tuổi.
Các cô gái tập trung phía trên rồi tôi mới thấy rõ một "dàn nhạc" khá đông đúc ngồi ở dưới bậc thềm.
Một người phụ trách một chiếc trống lớn, giữ nhịp đều xuyên suốt từ đầu đến cuối; hai ba người giữ loại trống nhỏ xíu vừa tay, tạo nên tiếng vang rất rõ ràng.
Những loại nhạc cụ khác tôi đều không biết tên, ví dụ như cây đàn ba dây kia, cán rất dài, nhìn qua khá giống với đàn đáy của thời hiện đại.
Khi luyện tập cũng cần một sự nghiêm túc nhất định, đặc biệt đây còn là "giáo phường" hoàng gia.
Bốn thiếu nữ kia được mặc trang phục múa thêu kim tuyến lấp lánh, hai bên vai gắn hình nộm hoa sen lớn, trên đầu đội mũ có gắn một quả bông nhỏ xinh.
Nhạc vừa tấu lên, nhóm vũ công liền xoè quạt lớn, chân bước theo hàng đều tăm tắp, nhanh chóng tạo thành một hàng ngang.
Điệu nhạc khoan thai, lúc nhanh lúc chậm, tôi ngắm các thiếu nữ phía trên uyển chuyển múa đến say mê.
Nhạc cung đình quả nhiên khác biệt, với thân phận dân thường thì cả đời này cũng đừng hòng có được cơ hội tham gia đại lễ, tôi phải cố gắng tận hưởng.
Điệu nhạc này có vài phần giống với ca trù, tuy nhiên tôi chẳng phải người quá yêu thích các hình thức ca múa nhạc truyền thống nên cũng không có mấy kiến thức để có thể nhận xét.
Bài nhã nhạc cung đình duy nhất tôi từng biết là Lưu Thuỷ Kim Tiền của triều Nguyễn, thậm chí cũng chỉ nghe đúng một đoạn đầu mà thôi.
"Hướng dẫn viên" Trần Quốc Chẩn làm rất tốt nhiệm vụ, ngồi bên cạnh thuyết minh cho tôi nghe: "Điệu múa Bài Bông là do đức Chiêu Văn và đức Chiêu Minh cùng nhau dựng lên rồi cho người truyền dạy các giáo phường.
Chiêm ngưỡng điệu múa và nghe tấu nhạc rồi...!cô cảm thấy sao?"
Nghĩ nát óc cũng không nghĩ ra được câu thơ nào để ra vẻ học vấn, tôi liền đáp một cách rất cụt lủn: "Ừm...!tôi thấy khá thoải mái và vui vẻ."
Trần Quốc Chẩn gật đầu cái rụp: "Chính xác.
Ý nghĩa của điệu múa này chính là để ngợi ca cảnh đất nước thái bình, đặc biệt là sau chiến tranh lần thứ ba với đám người phương Bắc."
Tôi há mồm, giơ ngón tay cái với Trần Quốc Chẩn.
Cậu ta nheo mắt nhìn, tỏ ra không thèm chấp nhặt một con người kỳ lạ như tôi.
Xem múa xong thì cũng đã tới giờ trưa, chúng tôi đi thuyền tới phòng Hậu Bồi – "nhà bếp" hoàng gia, cũng là "ngự thiện phòng" của hành cung Tức Mặc trong truyền thuyết! Lúc này công việc nấu nướng đã xong xuôi, cung nhân ra vào nườm nượp.
Gọi là "phòng" nhưng phòng Hậu Bồi thực chất cũng là một cung thất, quy mô không tầm thường, phòng lớn phòng nhỏ xếp liền san sát.
Nội quan phụ trách phòng Hậu Bồi nhận ra Trần Quốc Chẩn, và có vẻ cũng quen thuộc với sự tuỳ hứng của vị đại vương này nên ngay lập tức sai cung tỳ dẫn đường cho chúng tôi ra gian phòng phía sau.
Trong phòng có đặt một chiếc chõng tre lớn, vừa an vị thì cũng là lúc người dưới bưng theo một mâm thức ăn vào.
Tuy không gian hơi nhỏ, lại bị ám mùi dầu mỡ nhưng tôi không nề hà, cơm vừa xới là vùi đầu vào ngay.
Cung nhân tại hành cung đúng là được dạy bảo rất nghiêm khắc, mắt luôn hướng xuống dưới, từng cử chỉ nhanh nhẹn dứt khoát.
Bởi vậy, không có ai nhìn tôi với thái độ thắc mắc hay tò mò gì cả.
Bữa cơm vài món mặn nhanh chóng kết thúc, tôi sung sướng với suy nghĩ sẽ được thoát khỏi sự áp bức của Huệ Vũ vương, trở về với giường lớn đệm êm, đánh một giấc đã đời cho đến tối.
"Nào, đi dạo cho tiêu cơm." Trần Quốc Chẩn lau lau miệng, ngang nhiên ra quyết định thay cho tôi.
Rốt cuộc thì tôi đã đắc tội với tên nhãi này lúc nào vậy nhỉ?
Cuối cùng tôi vẫn bị Trần Quốc Chẩn lôi cổ ra ngoài.
Tôi thấp hơn cậu ta cả một cái đầu, độ dài bước chân thì càng không dám đem ra để so sánh, vì vậy thì cái gọi là "đi bộ cho tiêu cơm" của cậu ta hoàn toàn chẳng thể áp dụng với tôi được.
Một quãng đường dài tới cả kilomet, tôi thở hổn hển đuổi theo Trần Quốc Chẩn từ phía sau, dù cố gắng cách mấy cũng không theo kịp bước chân cậu ta.
"Mặt hồ liễu rủ mi xanh
Tóc vương gò má, mỏng manh thoáng mày."
(Bài thơ "Gối tay" – Huy Cận)
Trần Quốc Chẩn dẫn tôi đi vào một khu vườn rộng bát ngát, được gọi là Liễu Nha.
Nghe tên là biết loài cây được trồng chủ yếu tại nơi này chính là cây liễu.
Giữa vườn còn có hồ nước xanh ngắt, bao quanh là hàng liễu rủ.
Lối đi được tỉa tót gọn gàng, ở đình hóng mát còn có cung nhân đứng chờ phục vụ.
Đây rõ ràng là một kiểu "ngự hoa viên" của hành cung, dành cho Thượng hoàng hay vua chúa, vương tôn quý tộc gì gì đó tới dạo chơi ngắm cảnh.
Chuyến đi này cũng hay ho ra phết!
Tôi dựa vào cột đình, điều hoà hơi thở một lúc mới cảm thấy người đỡ mệt đôi chút.
Tỳ nữ rót nước mời, tôi vội xua tay, hỏi nhỏ có bát nước trắng thì cho tôi xin một ngụm.
Tỳ nữ nhoẻn miệng cười vâng dạ, cong eo từ từ rời đi.
Đại khái tôi vẫn không thể giống như đám người cổ đại này lấy trà giải khát được, vẫn cần uống nước đun sôi để nguội.
Một lát sau tỳ nữ quay lại, tôi có nước uống, lại thêm một bát đầy những hạt lựu đỏ mọng.
Trần Quốc Chẩn nhìn tôi, nhàn nhạt nói: "Ăn thử đi."
Tôi xúc một thìa cho vào miệng rồi xuýt xoa khen, hạt lựu mọng nước, ngọt lịm tim.
Tôi chia cho Đông Ly đang đứng sau một ít, cũng may Trần Quốc Chẩn không để ý mấy thứ nhỏ nhặt này.
lại hỏi xuất xứ, tỳ nữ mỉm cười trả lời rất lễ phép: "Bẩm cô, lựu này mới được được hái từ Lựu Viên phía đông ạ."
Thì ra cạnh vườn liễu lại có một vườn lựu, của nhà trồng được, sản phẩm chất lượng cao!
Được ăn ngon, hóng gió mát nên tôi quyết định không hằn học với Trần Quốc Chẩn nữa, thi thoảng còn đáp lời nhau rất ăn ý.
Tôi trộm nghĩ nếu được sống ở hành cung này thì quả là không còn gì sánh bằng.
Sáng tới phường Phương Bông nghe hát, chiều ra Liễu Nha đọc sách dưới tán liễu rủ, ăn một quả lựu, trò chuyện cùng cung nhân.
Mười năm trước Thượng hoàng Trần Nhân Tông luôn dành cho tôi một sự ưu ái nhất định, không biết hiện tại nếu tôi xin xỏ ông cho ở lại đây thì có ông cho phép không nhỉ?
"Này..." Trần Quốc Chẩn vỗ vỗ tay gây chú ý, biểu cảm trên mặt có chút thiếu kiên nhẫn.
Dường như cậu ta đã gọi tôi mấy lần rồi nhưng tôi không thèm trả lời.
Ây chà, lại ngây người ra rồi.
"Ta muốn hỏi cô một điều."
"Xin Vương cứ nói." Tôi nhoẻn miệng cười.
Cậu ta ho húng hắng, thấp giọng: "Hôm nay...!cô đi chơi có vui không?"
Ơ này...!trông bộ dáng thẹn thùng ấy...!có phải là đến Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chẩn cũng không thể cưỡng lại được sự quyến rũ của tôi? Phải lắm, tôi gật gật gù gù trong lòng, tôi đây vừa xinh đẹp lại vừa thú vị, ai mà không mê được chứ.
Tôi gật đầu, đáp: "Cũng vui."
Vẻ ngại ngùng khi nãy biến mất tăm mất tích, Trần Quốc Chẩn ngoắc tay gọi tên thị vệ đứng gần đó lại gần rồi cười bảo: "Ngươi nghe rõ rồi chứ?"
Thị vệ mặt không cảm xúc, xác nhận với Trần Quốc Chẩn rằng đích thực tôi đã nói rằng đi chơi rất vui.
Mặt tôi nghệt ra, lắp bắp hỏi như vậy có nghĩa là gì.
Trần Quốc Chẩn nhe răng cười: "Cũng không có gì to tát, là ta cá cược với một người ấy mà.
Sau đó cậu ta vỗ đùi kêu "đét" một cái, đứng bật dậy: "Tốt lắm, giờ thì về thôi."
Đầu tôi giăng đầy sương mù, ngơ ngơ ngác ngác, được Trần Quốc Chẩn đưa về tới tận cửa cung Chiêu Thành.
Cậu ta chưa vội đi ngay, còn đứng đánh giá tôi một thôi một hồi.
Cảm thấy tên nhãi đáng ghét này không có ý gì tốt lành, tôi vội xua tay: "Được rồi, mời Vương đi cho."
Cậu ta cười rộ lên: "Ừ, ta phải mau chóng quay về báo cáo với Quan gia."
Lạy Chúa trên cao, còn nói thẳng như thế này luôn ư?
Tôi còn chưa kịp phản ứng, tên nhãi ấy đã phất áo bước đi thật nhanh, như gắn tên lửa sau mông vậy.
Bị bỏ lại phía sau với một tâm trạng phức tạp rối ren như tơ vò, tôi thật muốn ngất xỉu.
Đông Ly mím môi đi phía sau, vẫn không dám lên tiếng, thất thểu cùng tôi bước vào trong cung Chiêu Thành.
Chúng tôi đi qua sân lớn, vào tới sân trong thì gặp một nữ quan đang đứng chờ gần cái xích đu.
Trông cô gái này khá quen mắt, hình như rất lâu về trước, tôi đã gặp cô ở đâu đó rồi.
Nữ quan thấy tôi thì cong eo cúi chào, đoạn nói: "Bẩm cô, Thượng hoàng cho mời ạ.".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook