Mạn Thiên Hoa Vũ
-
30: Trùng Phùng
"Chuyện sinh tử, biết đâu mà hỏi
Bởi nhân duyên, đúng lối mà thành..."
Bàn tay tôi khựng lại giữa không trung, trong lòng dâng lên một nỗi hoảng sợ.
Cái đập vai khi nãy không hề nhẹ.
Người kia từ từ quay lại, và rõ ràng, anh ta không phải là Trần Thanh.
Ánh trăng đêm như tạc rõ từng đường nét trên khuôn mặt tuấn tú cùng đôi mắt sâu thẳm.
Một cái nhíu mày từ anh ta cũng đủ khiến tôi không chịu nổi mà muốn lùi một bước.
Tôi thu tay về, cười hề hề giả ngu: "Ồ, nhầm người mất rồi.
Xin lỗi nhé!"
Thiếu niên trẻ tuổi kia đánh giá tôi trong giây lát, không thèm hồi đáp mà quay người đi.
Dáng vẻ như tạc tượng, bất động nhìn xa xăm.
Mí mắt tôi giật giật vài cái, không cần phải khinh người tới mức vậy chứ?
Vốn muốn ra mạn thuyền hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh sông đêm êm đềm mà tự dưng lại có người phá rối.
Phút chốc tôi đã muốn bỏ đi, nhưng rồi bản thân lại thấy không cam lòng.
Cái thuyền này của anh ta chắc? Mà nếu thật sự là của anh ta, tôi đã trả tiền thì tôi hoàn toàn được hưởng mọi quyền lợi chính đáng, ví như đứng hóng gió ở bất cứ vị trí nào mà tôi muốn.
(Xin được đính chính, là Trần Thanh chi trả, tôi hưởng sái!)
Nghĩ thấy mình hoàn toàn có lý, tôi mặt dày chọn chỗ tựa ngay cạnh thiếu niên kia, chỉ cách vài gang tay.
Có vẻ như anh ta cũng không quan tâm tới tôi cho lắm.
Tôi nhắm hờ mắt, để gió sông lướt qua da mặt, lạnh lẽo nhưng thật thoải mái.
Không khí trong lành như gột rửa mọi bộn bề, tôi tham lam hít vào một hơi thật dài, trong lòng cảm thán mình hoàn toàn đúng đắn khi thuyết phục Trần Thanh để được tham gia vào chuyến đi này.
Tâm trạng vui vẻ, tôi khẽ ngân nga hát:
"Một mảnh trăng treo, suốt đêm thâu
Anh ơi, trăng đã ngả, ngang đầu
Thương nhớ ai?
Sương rơi, đêm sắp tận, trăng tàn
Cành tre đưa trước ngõ,
Làn gió la đà, em vẫn mong chờ
Sao chẳng thấy đâu..."
Giữa dòng sông đêm trôi lững lờ, chỉ có tôi, có trăng và cõi lòng nhạt nhoà này.
"Không lạnh à?"
Tâm trí đã trôi đến tận nơi nào, tôi bỗng bị lôi giật lại bởi một giọng nói trầm thấp, có chút khàn khàn.
Tôi mở mắt, tự hỏi là ai đang nói chuyện với mình.
Khẽ quay đầu sang trái, thiếu niên khi nãy vẫn đang đứng bên cạnh tôi, ánh nhìn đã bớt đi sự lạnh lùng.
"Hỏi tôi à?" Tôi ngu ngơ nói.
Anh ta trịnh trọng gật đầu.
Tôi thật thà đáp: "Cũng hơi lạnh một chút."
Thực ra, là rất lạnh, cực kỳ lạnh.
Ngay khi bước chân ra ngoài tôi đã cảm thấy hối hận vì không khoác theo chiếc áo Điêu Cừu mà Đỗ Chi tặng.
Bảy trăm năm trước, không có hiệu ứng nhà kính, không có ô nhiễm không khí – thời tiết chớm thu cũng đủ sánh bằng mùa đông của thế kỷ hai mốt.
Hiện tại chúng tôi còn đang ở giữa sông nước, không lạnh mới lạ.
Một mặt tôi lười trở lại phòng, một mặt tôi cảm thấy nếu mình quay bước đi sẽ phá hỏng cái bầu không khí dễ chịu tại đây...!nên đành cắn răng mà chịu đựng vậy.
Tôi muốn tỏ ra lịch sự, bèn hỏi ngược lại: "Anh không lạnh à?"
"Không."
Được rồi...!
Anh ta lại nói thêm: "Tiểu thư đi tới lộ Bắc Giang sao?"
Tôi gật đầu, chẳng biết nói gì nên tiếp tục hỏi ngược: "Anh cũng đến đó à?"
"Không."
Tôi cạn lời!
Cuộc nói chuyện nhạt như nước ốc!
Tôi vuốt vuốt ngực cho trôi cơn tức.
Một kẻ mặn mòi như tôi mà cũng phải chịu thua trước tên con trai nhạt nhẽo này.
Thật nhớ những ngày tháng cãi nhau cùng em trai Nhữ Hài, không ai chịu thua ai, đến cuối cùng đều lăn ra cười không dứt.
Không cần nói chuyện thêm, tôi cũng có thể tiên tri rằng chỉ cần ba câu nữa anh ta cũng đủ bức tôi tức giận tới ói máu.
Lạy Chúa!
Khi tôi quyết định mặc xác anh ta, tiếp tục công cuộc ngắm trăng ca hát của mình thì tên dở hơi này lại bắt chuyện.
"Nhìn tiểu thư rất quen, không biết trước đây chúng ta đã từng gặp nhau chưa?"
Câu làm quen cũ rích!
Không, nhất định là chưa đâu, thưa ngài.
Nếu đã từng tiếp xúc với một người nhạt như anh ta, giữa những Trần Thanh, Đoàn Nhữ Hài hay Phạm Bân đầu óc nhanh nhạy, thông minh hài hước thì tôi nhất định sẽ nhớ mãi không quên.
"Tôi lại chẳng thấy anh quen gì hết á." Tôi cười hì hì.
Thiếu niên nhạt nhẽo tỏ ra suy nghĩ.
"Không biết tiểu thư tên họ là gì?"
Ái chà.
"Tôi ấy à? Tôi là Niệm Tâm." Ngừng một lát, tôi hỏi.
"Còn anh tên gì?"
Mới đứng cạnh anh ta một lát thôi mà tôi bắt đầu nghĩ mình thực ra cũng không mặn đến thế.
Có khi nào do tôi không biết cách nói chuyện nên anh ta mới kiệm lời tới vậy không?
"Quân Trì." Thiếu niên đáp tên một cách ngắn gọn.
Khi ấy, gió thoảng qua, lọn tóc trên trán anh ta bay nhè nhẹ.
Tôi bỗng ngẩn ngơ.
Quả là tên hay như người, cảnh đẹp như tranh.
Rất lâu về sau Quân Trì mới tiết lộ, đó thật sự không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Nhớ ngày ấy, tôi một thân ốm nặng chạy tới Kiểm Pháp phủ tìm Trần Thanh, trên đường đã va phải anh ta.
Trí nhớ của Quân Trì rất tốt, sách chỉ đọc qua một lần, người - không cần gặp tới lần thứ hai là đã có thể ghi nhớ.
Tôi đứng bất động chẳng hề lên tiếng, mà Quân Trì cũng không mở miệng thêm.
Đúng lúc ấy, phía sau chúng tôi có tiếng bước chân dồn dập.
Cả hai cùng quay lại, thấy một tên nhóc đen nhẻm đang hớt hải ôm trong lòng chiếc áo cừu lớn chạy tới.
"Bẩm cậu, Bính ngủ quên, để cậu phải chịu lạnh rồi!"
Thì ra là kẻ hầu của Quân Trì.
Anh ta nhận chiếc áo từ tay cậu nhóc tên Bính kia, chẳng nói chẳng rằng đưa cho tôi.
Dáng vẻ như muốn tôi nhận rồi sẽ quay người đi khỏi đây luôn.
Trong lòng "wow" một tiếng, anh ta cũng ga lăng đó chứ.
Tôi lắc đầu từ chối, cười bảo: "Tôi chỉ đứng đây thêm một lát thôi, anh về đi."
Quân Trì cũng không nài nỉ, gật đầu với tôi: "Được."
Đoạn, chắp tay rồi xoay lưng chầm chậm rời đi.
Tôi nhìn theo bóng dáng Quân Trì, không khỏi đổ mồ hôi hột.
Phải công nhận dáng người cao ráo, mảnh khảnh kia phải giống Trần Thanh tới bảy phần.
Ba phần còn lại, là do động tác không nhẹ nhàng như anh.
Tiễn Quân Trì bằng ánh mắt xong, tôi quay người, vịn tay vào thành mạn thuyền dõi mắt ra xa.
Đêm càng lúc càng sâu, không khí lạnh lẽo, trên người tôi lại chỉ có vài lớp áo mỏng manh.
Thôi, chuẩn bị trở về ngủ tiếp kẻo mai lại nướng tới trưa thì ngại ngùng lắm.
Còn chưa kịp nhấc tay, một cơn sóng lớn ào đến, chiếc thuyền vốn chắc chắn dập lên dập xuống khiến tôi không kịp trở tay mà đổ nhào người về phía sau.
Tôi thầm oán thán, lần này ăn đủ với sàn thuyền rồi.
Chờ mãi không thấy đau đớn, tôi bỗng nhận ra cả người đang nằm gọn trong một vòng tay rắn chắc từ lúc nào.
Hương trà nhàn nhạt vấn vít quanh thân, hơi thở nóng vội phả vào tai khiến tôi run lên.
Hai tay ôm chặt lấy tôi, đôi mắt Trần Thanh nhắm chặt.
"Trần Thanh..." Tôi gọi, anh không đáp lời.
Tôi giãy dụa đòi thả ra, anh mặc kệ.
Tôi đành thở dài: "Quan gia..."
Trần Thanh, không, phải gọi là Trần Thuyên - sững người, hai mắt mở trừng ra nhìn tôi.
Trần Thuyên, Trần Thanh...!chính là Anh Hoàng, vị hoàng đế thứ tư của Hoàng triều Trần nước Đại Việt.
"Nàng...!nàng nhận ra từ khi nào?" Giọng anh run run.
Tôi mỉm cười: "Điều ấy có quan trọng sao?"
Anh vội lắc đầu.
Trần Thuyên cũng biết rằng tôi không phải kẻ ngốc.
Suốt từng ấy thời gian gặp gỡ nhau, vô số lần nhỡ miệng, sự kính cẩn của Ngũ đô chỉ huy sứ Đỗ Quân, của thái y Phạm Công Bân hay Hàn lâm viện phụng chỉ Nguyễn Tái dành cho anh cũng đủ khiến tôi nghi ngờ thân phận phía sau một thiếu niên suốt ngày tỏ ra lười nhác, chỉ thích đùa giỡn người khác.
Cơn sóng dữ qua đi, thuyền lớn lại yên ả rẽ sóng.
Tôi dở khóc dở cười, không biết phải làm gì cho phải.
"Sao thế?" Tôi vỗ vỗ lưng Trần Thuyên, cảm giác như đang dỗ dành cậu thái tử mười ba tuổi ngày ấy.
Trần Thuyên từ từ buông tôi ra, chưa được vài giây lại kéo tôi vào lòng mà siết chặt.
Tên nhóc này bị làm sao vậy chứ?
Anh nói, giọng nhẹ bẫng: "Ta sợ."
"Anh sợ cái gì?"
"Rằng sẽ lại đánh mất nàng thêm một lần nữa, giống như mười năm trước."
Lần này Trần Thuyên thực sự đã để tôi rời khỏi vòng tay anh.
Cả người tôi như hóa đá, chấn động tâm can.
Trần Thuyên chậm rãi khoác lên người tôi chiếc áo Hồ Cừu tinh xảo.
Lúc này đây, tôi lại trở nên thật nhỏ bé trước anh.
Trần Thuyên đứng ngay trước mắt tôi, còn tôi lại cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn anh...!
Đôi mắt lấp lánh trời sao, nụ cười nửa miệng mơ hồ.
Thân phận đã được xác nhận, Trần Thuyên không còn là người thanh niên hay cợt nhả với tôi nữa.
Không gian ngưng đọng, cái lạnh đêm khuya dường như chẳng thể ảnh hưởng tới chúng tôi.
Trần Thuyên nhận ra mình đã cư xử không phải, ngượng ngùng lùi lại vài bước.
Tôi thầm than trong lòng, không ngờ cả tôi và anh đều đã nhận ra nhau từ trước, chỉ là không ai chịu nói ra.
Trần Thuyên thì không có vấn đề gì, anh vốn là hoàng đế, làm gì cũng chẳng có ai chỉ trích nổi.
Còn tôi đã tiết lộ ra rằng mình biết anh chính là Anh Hoàng rồi, từ giờ có lẽ không thể anh anh tôi tôi, cười nói thoải mái cùng anh nữa.
Cả hai chúng tôi cứ đứng chôn chân trước mặt nhau, một lời cũng không nói tiếp.
Tôi vốn không phải là người chịu nổi sự im lặng gượng gạo như vậy, đành mở lời xua tan bầu không khí:
"Thái tử ngày ấy...!cũng trưởng thành rồi."
Câu nói này có vẻ không ổn lắm nhỉ?
Trần Thuyên phì cười: "Dĩ nhiên, hiện tại ta không còn là cậu nhóc mười ba tuổi lẽo đẽo theo nàng đòi kể chuyện nữa."
Lòng tôi bỗng trùng xuống, không rõ nguyên nhân.
Tôi chưa kịp mở miệng, Trần Thuyên lại nói: "Còn nàng...!vì sao lại không già đi? Thậm chí so với mười năm trước còn trẻ hơn bội phần..."
Đích thực Trần Thuyên đã nhận ra tôi chính là Niệm Tâm ngày ấy, nhưng rõ ràng là anh cũng không thể lý giải được những câu hỏi này.
Và cả...!
"Nàng có thật sự là chị gái của Nhữ Hài không?" Một tia sáng lạnh lẽo lóe lên trong mắt Trần Thuyên nhưng rồi biến mất rất nhanh.
Tôi thở dài: "Tất cả những gì quan gia đang thấy trước mắt đều là thật.
Tôi là chị gái ruột của Hài, và hiện tại mới mười tám tuổi.
Tôi sẽ không nói dối, đúng là chúng ta đã gặp nhau mười năm trước tại hành cung Tức Mặc."
Cả người Trần Thuyên thả lỏng, khuôn mặt nghiêm túc giãn ra vài phần.
Hẳn là anh đang thở phào trong lòng vì tôi đã thừa nhận.
"Có rất nhiều chuyện đã xảy ra, không thể giải thích được chỉ qua vài câu ngắn ngủi.
Dần dần tôi sẽ kể hết với Quan gia.
Như vậy có được không?" Tôi chầm chậm nói.
Trần Thuyên đáp không nghĩ ngợi: "Được.
Nhưng nàng cũng phải đồng ý với ta một điều."
Tôi mím môi chờ đợi yêu cầu của Trần Thuyên.
Khóe miệng anh khẽ nhếch lên, vẽ thành nụ cười: "Từ giờ không được gọi ta là Quan gia nữa."
Tôi dở khóc dở cười: "Vậy biết xưng hô ra sao? Cũng đâu thể gọi quan gia là anh Thanh như trước được nữa."
Anh bướng bỉnh đáp: "Không biết." Nghĩ một chút lại nói: "Bỏ qua cái tên Trần Thanh, cứ gọi như lúc trước là được."
Tôi đành gật đầu đáp ứng cho qua.
Anh tuỳ ý dễ dãi, không có nghĩa là tôi cũng vậy đâu nhé.
Chúng tôi đã ở bên ngoài mạn thuyền rất lâu, cho đến khi bình mình sắp ló dạng mới chịu trở về phòng.
Trần Thuyên hiểu rằng hiện tại tôi chưa muốn tiết lộ gì về thân phận của mình nên anh không hề hỏi thêm bất kỳ câu hỏi nào về quá khứ của tôi – hay cả "chị gái của Đoàn Nhữ Hài".
Tôi và Trần Thuyên ngồi bệt dưới sàn, lưng dựa vào thành thuyền.
Một người miên man nói, người kia triền miên nghe.
Anh kể rằng, khoảnh khắc tận mắt chứng kiến tôi chìm sâu dưới làn nước mười năm trước thỉnh thoảng vẫn quay lại ám ảnh anh trong giấc mơ.
Điều đáng sợ nhất – theo lời Trần Thuyên ủ rũ thở than – là một đám lính tráng nhảy xuống sông ngay sau khi tôi trượt ngã, nhưng không một ai thấy được bóng dáng một cô gái, chứ đừng nói là cứu được tôi lên.
Tôi cứ thế mà biến mất, không một dấu tích.
Nếu không phải Hiếu Hoàng ra lệnh, có lẽ cậu nhóc Trần Thuyên mười ba tuổi vẫn sẽ phái người ngày ngày lặn xuống sông để tìm tôi cho bằng được.
Thật có lòng, tôi cảm kích nhìn Trần Thuyên.
Anh cười cười, sau mười năm lại được gặp nàng là tốt rồi.
Tôi bỗng nảy ra ý định trêu chọc anh, tinh nghịch hỏi: "Nếu tôi nói tôi chính là tiên nữ trên trời, là Thần Phật phái xuống gặp Quan gia thì ngài có tin không?"
Trần Thuyên thoáng ngẩn người, xem chừng rất khó chịu khi tôi không chịu sửa xưng hô, sau cùng vẫn mở miệng nói: "Không tin."
Tôi đần mặt ra nhìn anh.
"Bởi tiên nữ sẽ phải trở về trời, còn ta sẽ không để nàng rời đi nữa."
Hai má tôi nóng bừng lên, trái tim không yên phận nảy lên liên hồi.
Tên nhóc này nói như vậy...!ý là làm sao?
Trần Thuyên thấy tôi thất thần một lúc lâu, khẽ cười.
Anh ranh mãnh nhìn tôi rồi chuyển chủ đề.
Trần Thuyên nói, đám Đỗ Quân chắc cũng sắp phát điên khi phải diễn trò cùng anh rồi.
Tất cả mọi người, e rằng cả Đoàn Nhữ Hài đều biết Trần Thanh chính là hoàng đế.
Nhưng để chiều lòng vị Quan gia nghịch ngợm này, ai cũng phải dối lòng mà kêu lên hai tiếng "anh Thanh" ở trước mặt tôi.
Chẳng trách ngày ấy khi phải lựa chọn giữa việc đưa tôi về nhà - hộ tống Trần Thuyên trở lại trong cung, thì Đỗ Quân chẳng ngại ngần mà lựa chọn anh.
Đương nhiên, so với hoàng đế thì tính mạng tôi chỉ là con tép.
Tôi và Trần Thanh nói chuyện thật lâu, cùng cười phá lên khi nhắc đến những kỷ niệm vui vẻ.
Đến khi phải về phòng, tôi vẫn còn có chút lưu luyến.
Nếu không phải chúng tôi sắp chết cóng bên ngoài – thậm chí tôi đã "khi quân phạm thượng" vì giành áo khoác với Trần Thuyên – và hai mắt tôi đã díu tới mức chỉ nhìn thấy một dải mơ hồ phía trước, thì có lẽ tôi sẽ thuyết phục được anh tiếp tục trò chuyện thêm nữa.
Anh ép tôi trở lại phòng, không quên dặn dò đắp chăn thật ấm rồi mới rời đi.
Tôi vừa ngả lưng xuống giường, ngay lập tức chìm sâu vào giấc ngủ.
Có lẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc nói chuyện khi nãy, tôi đã mơ thấy Trần Thuyên.
Một cơn ác mộng đúng nghĩa.
Tôi thấy hai tay Trần Thuyên đầy máu, đang ôm lấy tôi trong lòng.
Khuôn mặt rối loạn, hai mắt đỏ hoe.
Tay tôi vươn lên, chạm vào má Trần Thuyên một cái thật nhẹ.
Hình như tôi đã nói với anh rằng chúng ta nhất định sẽ gặp lại nhau hay cái gì đó đại khái như vậy.
Tỉnh giấc bởi tiếng huyên náo phía bên ngoài, tôi còn nằm yên trong chăn ấm mà bần thần.
Lạy Chúa, mơ gì mà bi thương quá vậy?
Tiếng chân dồn dập chạy qua chạy lại, tiếng người nói ồn ào.
Tôi buộc phải trở dậy, sửa soạn qua loa.
Đúng lúc ấy, Trần Thuyên gõ cửa hỏi tôi đã dậy chưa.
Tôi búi vội tóc, khoác lên người chiếc áo rồi mở cửa.
"Ngoài này có chuyện gì thế?"
Khuôn mặt Trần Thuyên không hề dễ nhìn chút nào.
Anh hít một hơi, hạ giọng nói: "Phát hiện có người chết."
——
(*) "Sinh tử do lai bãi vấn trình,
Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành."
Dịch thơ:
"Tử sinh bần phú do trời
Nhân duyên mưa nắng cõi đời tự nhiên"
(Trích thơ An định thời tiết - Tuệ Trung thượng sĩ
Dịch thơ: Phạm Hiển Thái).
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook