Nguyễn Tái uống cạn chén trà, chầm chậm đứng dậy đi về phía sau gian nhà. Lát sau, ông ta quay lại với mâm cơm trên tay, cười nói với tôi: "Nhờ tiểu thư Niệm Tâm lấy giúp ta thêm bộ bát đũa."

Tôi vội đứng dậy.

Bước ngang qua Nguyễn Tái, tôi thật muốn được kéo ông lại mà nói rằng tôi chính là Niệm Tâm mà chín năm trước ông đã từng gặp. Là người đã đòi ông tặng một bài thơ về hoa cúc, là người nói ông sau này đừng lấy vợ...

"...Vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng,

Riêng cúc đông ly vẫn được màu..."

Tôi khẽ thở dài, dù tôi có nói thì liệu ông có tin tưởng được hay không?

Ngoài những kỷ niệm ra, tôi chẳng có gì để chứng minh bản thân mình. Chín năm trước, tôi nói với họ rằng tôi là một thiếu nữ hai mươi hai. Đến nay, tôi lại sống trong thân xác của một cô gái mười tám tuổi. Có khi Nguyễn Tái còn nghĩ tôi thần kinh, hoặc tệ hơn là bị ma quỷ quấy nhiễu gì gì đó.

Cơm canh đạm bạc, không có lấy một món mặn nhưng đủ khiến bụng tôi réo lên liên hồi. Cả sáng chạy qua chạy lại, tôi cũng thấm mệt rồi.

Nguyễn Tái xới cơm, tôi so đũa, Trần Thanh chia bát cơm cho từng người. Cảm giác rất thân thiết, như thể chúng tôi đã từng có những bữa ăn cùng nhau thế này cả trăm ngàn lần.

Trần Thanh chẳng nói chẳng rằng, gắp lên một cọng rau đặt vào bát tôi. Mí mắt tôi giật giật, tên này muốn gây sự hay sao ấy nhỉ?

Bữa cơm trôi qua trong yên lặng, bỗng nhiên Trần Thanh huých vào tay tôi một cái. Anh thản nhiên nói: "Quên mục đích tới đây rồi à?"

Tôi ngẩn người: "Mục đích..."

"...Thần Giữ Của." Trần Thanh lại gắp thêm một cọng rau vào bát tôi.

Tôi đã cố tình vứt nó ra khỏi đầu rồi mà.

Nguyễn Tái nhướn mày, chờ đợi tôi mở lời. Không muốn đôi co thêm với Trần Thanh, tôi đành một lời tóm tắt một lượt vụ án Tống Chí Khiêm, cái gì không cần thiết để người khác biết thì trực tiếp lược bỏ. Ví như việc Trần Thanh bế tôi từ dưới tầng hầm lên chẳng hạn.

Nguyễn Tái lắng nghe rất chăm chú: "Có vài điểm kỳ lạ."

Tôi vội ngồi thẳng lên, muốn cướp lời: "Đúng đúng, tôi cũng cảm thấy như vậy nhưng lại chẳng biết sai ở đâu?"

Nguyễn Tái gác đũa, chầm chậm nhắc lại: "Tổng cộng có bảy thiếu nữ bị bắt cóc, năm người đã chết, riêng tiểu thư và con gái của Đại hành khiển là may mắn sống sót."

Tôi gật đầu xác nhận.


"Lý do năm người kia chết là gì?"

"Bị bỏ đói đến chết."

Ông trầm ngâm, lại hỏi: "Tiểu thư có nhắc tới việc cứ mỗi ngày đều được một người đàn ông xuống hầm cho ăn?"

"Đúng vậy. Là kẻ hầu của Tống Chí Khiêm."

"Cách thức đều sai cả rồi." Nguyễn Tái lắc đầu.

"Học sĩ có vẻ rất am hiểu về thứ gọi là Thần Giữ Của này..."

Y cười khổ: "Tà đạo. Ta chưa từng gặp nhưng có tìm hiểu qua. Không xét đến vị trí đặt căn hầm – vốn phải là một mảnh đất hợp mệnh gia chủ, tức Tống Chí Khiêm, riêng việc hắn chạy tới chạy lui bắt người bừa bãi là đã không thể nên chuyện rồi. Thứ nhất, những thiếu nữ được lựa chọn để trở thành Thần giữ của phải thật sự tinh khiết."

"Tinh khiết?" Tôi mở to mắt, ngạc nhiên với cách dùng từ của Nguyễn Tái.

Ông đột ngột dừng lại, tỏ ra khó xử.

Trần Thanh híp mắt, cũng đặt đũa xuống: "Không hề gì, học sĩ cứ nói."

Nguyễn Tái gật đầu, quay ra giải thích với tôi: "Phải là những thiếu nữ nguyên trinh. Ta nghe nói khi xưa, những kẻ muốn thờ Thần giữ của đều là đi mua con gái của những gia đình nghèo khó, dưới danh nghĩa làm vợ lẽ. Như vậy mới không khiến người khác nghi ngờ. Trước khi nhập quan, người thiếu nữ sẽ được chăm sóc vô cùng đặc biệt. Không những bị nhốt tại một chốn riêng biệt mà còn phải cách ly hoàn toàn với đàn ông để tránh bị ô uế."

Tôi thốt lên: "Vậy việc tên hầu kia cho chúng tôi ăn mỗi ngày..."

"Là hoàn toàn vi phạm quy tắc." Trần Thanh nói nốt vế sau của tôi.

Hơn nữa, ngày tháng cũng phải được tính toán kỹ lưỡng. Vào đêm nhập quan, cô gái sẽ được tắm rửa sạch sẽ, mặc một bộ quần áo thật đẹp, ngồi kiệu tới hầm mộ đã được tỉ mỉ xây dựng. Quên không nói, với mỗi Thần giữ của sẽ đều có một thầy phù thủy "làm phép", bằng cách nào đó giữ cô gái sống sót trong vòng một trăm ngày với một miếng sâm hoặc ngọc quý ngậm trong miệng, không ăn không uống. Sau một trăm ngày, tác dụng của sâm cũng hết, cô gái chết đi và biến thành Thần giữ của.

Sáng nay, trong ngục giam, Tống Chí Khiêm từng lẩm bẩm: "Hắn đã đảm bảo..."

Vậy là rõ ràng, vụ án này còn có sự tham gia của một người đàn ông bí ẩn. Không phải Đặng Bá, bởi chính Tống Chí Khiêm đã khai rằng gã chỉ làm theo sai khiến của hắn mà thôi.

Tôi đem nghi vấn của mình nói với Trần Thanh và Nguyễn Tái, sau khi suy nghĩ, họ cũng đã đồng ý với tôi rằng Tống Chí Khiêm thật sự không hoàn toàn là một sát nhân liên hoàn tàn độc. Có vẻ như có một người đang đứng phía sau bóng tối, chi phối hắn, dạy bảo hắn.

"Muốn thờ Thần Giữ Của, thì nhất thiết phải có một..."

"Thầy phù thủy!" – "...thầy phù thủy." Tôi há miệng ra, nói cùng lúc với Nguyễn Tái.


"Ta chỉ tìm hiểu qua loa cũng nắm được cách thức cơ bản, như những gì Tống Chí Khiêm đã làm thì có lẽ người phía sau hắn cũng không thực sự hiểu biết về chuyện này."

"Còn một trường hợp khác." Tôi trầm ngâm. "Kẻ bí ẩn kia đã cố tình chỉ sai cách cho Tống Chí Khiêm!"

"Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra." Trần Thanh đồng ý với tôi.

Và thậm chí nó còn hợp lý hơn hẳn nữa.

Lại thế rồi. Giống như một củ hành, bóc một lớp lại còn một lớp, muốn hun người ta khóc hết nước mắt.

Bữa cơm kết thúc, Trần Thanh nói với tôi rằng khi về sẽ sai người đi điều tra thêm về Tống Chí Khiêm, tôi chỉ biết ậm ừ cho qua.

Tôi dọn dẹp bát đũa, lại xung phong đi rửa bát. Nguyễn Tái không từ chối, chỉ nói cảm ơn một cách chân thành. Tôi cười hì hì, cũng chẳng mấy khi tôi tỏ ra chăm chỉ.

Thấy tên nhóc Trần Thanh vẫn đang ngồi rung đùi trên chõng, tôi kéo tay anh đứng dậy: "Nào, giúp tôi rửa bát!"

Nguyễn Tái đột nhiên bị ngứa họng, ho khan liên tục.

Tôi không để ý tới ông, cằn nhằn với Trần Thanh: "Đã đến ăn chực nhà người ta rồi thì phải biết điều chứ..."

Anh rất không tình nguyện mà ngồi xổm cạnh tôi tráng bát. Trông cái bộ dáng lúng ta lúng túng kia, đúng là một tên nhà giàu từ nhỏ không phải động tay động chân làm bất cứ việc gì.

Tôi cười ha ha, hất nước vào áo Trần Thanh trêu đùa. Anh lại nhìn tôi với ánh mắt như mẹ hiền. Tôi mất tự nhiên, không thèm để ý tới anh nữa.

Dọn dẹp một hồi, ra chõng tre đã lại thấy ấm trà nóng, hơi bay nghi ngút.

Lần này tôi thật sự không chê bôi gì thêm, yên lặng thưởng trà cạnh Trần Thanh. Tôi nhấp một ngụm nhỏ, từ từ nuốt xuống để cảm nhận rõ vị đắng dần chuyển ngọt như anh đã từng miêu tả.

Gió mát hiu hiu, tâm trạng tôi như được xoa dịu.

"Lần này tôi mời cậu qua đây cũng là có việc cần nhờ." Nguyễn Tái híp mắt nói.

À, thì ra là có hẹn nhau từ trước.

Không thấy Trần Thanh nói gì, ông lại tiếp tục: "Cậu Thanh còn nhớ thằng Đồng bên họ ngoại nhà ta không?"


Trần Thanh hơi khựng người lại, rồi gật đầu.

"Cách đây không lâu, mẹ nó gửi tới chùa Thượng Tân gần nhà theo học các thầy, đợi đủ lớn sẽ cho xuất gia."

"Ồ?" Trần Thanh nhướn mắt, không tỏ thái độ gì rõ ràng.

"Mới vào chùa chưa được một tháng mà nó đã gây chuyện, nếu không tra ra được chân tướng rõ ràng thì... có lẽ sẽ bị đuổi ra khỏi chùa. Là cậu họ, ta cũng không thể trơ mắt nhìn nó như vậy được."

Tôi yên lặng nghe hai người Trần Thanh và Nguyễn Tái nói chuyện, lại cảm thấy có gì đó không đúng. Quan sát vẻ mặt của Nguyễn Tái, dường như ông không hề lo lắng cho đứa cháu bên ngoại như bản thân mình đang thể hiện. Chỉ là... không biết điểm sai sai đó nằm ở đâu?

"Đã xảy ra chuyện gì?"

"Tiền cúng bái Rằm tháng trước bị mất một nửa, về sau tìm được dưới gối của Đồng. Đương nhiên nó không giải thích được tiền từ đâu ra, phải chịu tội ăn cắp. Ta đã nhờ người hỏi thăm, hôm đó có hai người cùng trông coi hòm tiền cúng, là Đồng và một đệ tử mới xuất gia. Sáng hôm sau mở hòm thì thấy thiếu mất một nửa so với số tiền đã kiểm."

"Học sĩ cho rằng kẻ cắp không phải là Đồng?" Trần Thanh híp mắt nói.

Nguyễn Tái gật đầu: "Không thể chắc chắn được, nhưng ta vẫn cảm thấy có vài điều đáng ngờ cần phải tìm hiểu. Ít nhất... cũng không thể để kẻ làm điều xấu đắc ý, khiến người tốt bị liên lụy."

Tôi thật sự không hiểu y đang muốn nói đến điều gì nữa, toàn nói bóng nói gió.

"Vậy học sĩ có ý kiến gì?"

Nguyễn Tái hơi cúi đầu, chắp tay về phía Trần Thanh: "Lần này phải nhờ cậu Thanh về lộ Bắc Giang với ta một chuyến. Cậu đã từng tiếp xúc với nhiều án oan, chắc sẽ có cách cứu được Đồng."

Ồ, thì ra là vậy.

Trần Thanh trầm ngâm hồi lâu, cuối cùng cũng đồng ý. Anh nói, sớm nhất cũng phải là năm ngày nữa mới có thể xuất phát. Công việc bề bộn, sẽ phải sắp xếp ít nhiều. Đương nhiên Nguyễn Tái không phản đối, chỉ mong có thể đến nơi sớm, tránh đêm dài lắm mộng.

Trong lòng tôi chửi ba tiếng, nghĩ thầm sao cái đám người cổ đại này văn vẻ đến thế, nói một câu mà phải bóng gió cả ngàn ý nghĩa đằng sau.

Bữa trưa đã ăn, trà đã uống, mà chuyện cần nói cũng đã nói, chúng tôi liền đứng dậy chào tạm biệt Nguyễn Tái. Ông vội giữ tôi lại, nói rằng có món quà nhỏ muốn gửi đến tôi. Khỏi phải nói tôi hào hứng đến mức nào.

Nguyễn Tái chạy vào nhà, lát sau trở ra cùng một tờ giấy gấp làm tư, nhìn qua cũng thấy cũ mèm. Trong lòng tôi chưng hửng.

"Thấy tiểu thư, ta chợt nhớ đến một người bạn cũ." Ông nói rồi đặt vào lòng bàn tay tôi.

Tôi cười cười cảm ơn, cùng Trần Thanh rời khỏi nhà Nguyễn Tái.

Đi được một đoạn, thấy ông không còn đứng ở cửa ra vẻ tiễn biệt nữa, tôi liền thả tờ giấy vào tay Trần Thanh. Anh đã biết tôi không biết chữ từ trước, rất hiểu ý mà đọc to nội dung trong đó. Tôi nhìn qua, thấy cũng chỉ là vài ba dòng chữ ngắn gọn.

Chất giọng ấm áp và dịu dàng của Trần Thanh như quyện trong cơn gió mùa thu, khẽ lay động tâm trí tôi.


"Xuân lai hoàng bạch các phương phi,

Ái diễm liên hương diệc tự thì.

Biến giới phồn hoa toàn trụy địa,

Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly."

Cả người tôi như bị chấn động, khẽ rùng mình một cái. Trần Thanh bị lỡ bước, liền quay lại nhìn tôi đang đứng như trời trồng một cách chăm chú. Tôi hoàn toàn không để ý cách anh đang quan sát tôi, như tìm tòi một thứ gì đó.

Đây... chính là bài thơ về hoa cúc ngày trước mà Nguyễn Tái đã viết cho tôi mà?

"Còn có một dòng chữ nhỏ phía dưới." Trần Thanh đã lại đứng cạnh tôi từ khi nào, đang phe phẩy tờ giấy trước mặt tôi.

"Anh nói luôn được không?" Giống như tên này đang trêu đùa tôi vậy.

Trần Thanh hắng giọng, nói: "Nó có nghĩa là... Dành tặng Niệm Tâm."

Trong đầu tôi nổ ầm một cái.

Vậy... đúng là nó rồi. Có lẽ ngày ấy trở về, tôi quên không mang theo và Nguyễn Tái vẫn giữ bên mình.

"Hình như nàng và người bạn cũ kia của học sĩ Tái cùng tên?" Trần Thanh mỉm cười, lơ đãng hỏi.

Tôi vẫn đang thất thần, không để ý liền gật đầu một cái rồi giật mình: "Sao kia?"

"Không có gì." Trần Thanh trả lại tờ giấy vào tay tôi, sải bước phía trước.

Tôi khó nhọc chạy theo anh, cảm giác khó chịu dâng lên trong lồng ngực.

Trần Thanh đưa tôi về tới cổng nhà anh em họ Đỗ. Anh như muốn nói gì đó nhưng rồi lại thôi, thái độ lúng ta lúng túng này thật sự chẳng hợp với anh gì cả. Tôi đành cười một cái khích lệ.

"Từ giờ tới tháng sau chúng ta sẽ không gặp nhau."

"Hả?" Hẳn là lúc ấy mặt tôi phải thất vọng lắm mới khiến Trần Thanh bật cười lớn tới như vậy.

Anh ho vài tiếng, giải thích: "Để có thể tới lộ Bắc Giang cùng học sĩ Tái, trước mắt ta sẽ phải trực tiếp giải quyết công việc và sắp xếp người ở lại, những ngày tới sẽ cực kỳ bận rộn. Xong xuôi cũng sẽ lập tức xuất phát... không có thời gian gặp được nàng."

Tôi hừ một tiếng: "Tôi cũng đi!"

Đến lượt Trần Thanh mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi.

Mấy người nghĩ tôi là ai, muốn bỏ lại tôi ở lại một cách dễ dàng như vậy á? Không có chuyện ấy đâu!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương