Chương 10

Lê Hoàn như vầng dương rực rỡ, tỏa ra ánh sáng chói lòa, khiến người khác nhìn vào phải choáng ngợp. Ta cũng chỉ có thể như những người khác, đứng từ xa xa nhìn ngắm ánh hào quang ấy.

∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞§§∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞∞

Ngày mai đã là ngày mười lăm tháng chạp, sau khi mất ba bốn ngày năn nỉ hết lời, hao tổn biết bao nhiêu tâm kế, à nhầm, tâm tư, Lê Hoàn mới chấp nhận cho ta cùng theo hắn đến bờ Hoàng Hà gặp Đinh Bộ Lĩnh. Ta đối với buổi hội ngộ này vô cùng vô cùng hào hứng. Được cùng lúc diện kiến cả hai vị vua tương lai của triều Đinh và triều Lê, may mắn này không phải ai cũng có được. Ngày sau quay về thời hiện đại, kể cho hội bạn của ta nghe, chắc chúng nó sẽ hâm mộ ta đến chết mất thôi. Ta trước giờ vốn rất ngưỡng mộ Đinh Bộ Lĩnh, ngài ấy là anh hùng bậc nhất đương thời, là người sẽ kết thúc hơn hai mươi năm loạn thế, mở ra một thời kỳ hoàng kim mới cho cả dân tộc, sáng lập nên quốc gia độc lập đầu tiên của người Việt- nhà nước Đại Cồ Việt. Trước giờ, đều chỉ mới nghe tên ngài ấy trong sách vở, ngày mai gặp mặt thực sự không biết ngài ấy là người như thế nào đây? Anh minh thần võ? Uy phong lẫm liệt? Ta háo hức đến mức cả buổi tối không tài nào ngủ được. Trước khi đi ngủ còn soạn sẵn một bộ y phục mới cho ngày mai, bộ y phục này vốn dự định để sang năm mới mặt, nhưng thôi kệ, đi diện thánh mà, dù có mặc nam trang thì cũng phải mặc sao cho khôi ngô, tuấn tú chút mới được.

Trời còn chưa sáng ta đã thức giấc, một thân thanh y chỉnh tề, tóc búi gọn gang đứng đợi sẵn trước cửa phòng Lê Hoàn. Chẳng bao lâu sau, Lê Hoàn đẩy cửa bước ra, thấy ta đứng ngay trước cửa làm hắn thoáng giật mình. Ta vừa thấy hắn liền cười toe toét:

 - Tướng quân, chúng ta đi nhanh thôi đừng để Đinh Sứ quân phải đợi.

Hắn khẽ nhíu mày:

 - Bình thường sao không thấy ngươi siêng năng như thế?

Ta không đáp chỉ cười hì hì. Hôm nay đã nói rõ là chỉ uống rượu đàm đạo nên Lê Hoàn không mặc giáp bạc, khoác trường bào đỏ như mọi ngày, mà mặc trường bào xanh thẫm, bên ngoài lại khoác áo lông vũ đen, trông vừa hoa mỹ vừa không kém phần uy dũng. Hắn lại liếc mắt nhìn ta buông lời châm chọc:

 - Lại còn mặc y phục mới nữa cơ à?

Ta hơi đỏ mặt, cắn cắn môi trả lời hắn:

 - Dù gì cũng là buổi hội ngộ quan trọng, không thể làm mất mặt tướng quân được.

Bọn ta cùng sánh bước ra xe ngựa. Các tướng quân Hoàng Thành Nhã, Từ Mục và Đinh Thừa cùng một trăm tinh binh đã sẵn sang ngoài phủ đợi lệnh. Thấy Lê Hoàn và ta bước ra, bọn họ xuống ngựa vái chào Lê Hoàn, mời hắn lên xe. Ta và Lê Hoàn cùng ngồi một cỗ xe ngựa, sau khi yên vị, Lê Hoàn nghiêm mặt dặn dò ta:

 - Chốc nữa ngươi cứ đứng sau lưng ta, đừng lên tiếng. Nếu thấy có biến cố gì phát sinh thì trước nhất phải tự tìm cách bảo toàn cho bản thân, tốt nhất tìm cách thoát thân ra ngoài xe ngựa, một đường chạy thẳng về Phong Châu hội ngộ với quân của Ngô Tử Canh, không cần đợi bọn ta. Ngươi thông minh như vậy, những chuyện này ta không cần nói chắc ngươi cũng tự biết?

Ta xua xua tay:

 - Tướng quân, ngài yên tâm đi, không có việc gì xảy ra đâu. Đinh Sứ Quân một lòng muốn mời ngài về phò tá hắn mà. Ngài ấy sẽ không ám toán ngài đâu, làm vậy khác nào để cả thiên hạ chê cười!

 - Ngươi nghĩ những Sứ quân khác để yên cho liên minh này à?

Ta bắt đầu thấy hoang man:

 - Ý ngài là, các Sứ quân khác bọn họ có thể sau lưng giở trò? Có thể tập kích ngài hoặc Đinh Sứ Quân?

Hắn gật đầu:

 - Đúng vậy, chỉ cần ra tay với một trong hai người cũng đã đủ chia rẽ hai thế lực Đinh Lê, khơi mào giao tranh hai bên, bọn họ ở giữa ngư ông đắc lợi.

Mặt ta méo xệch đi. Hắn tủm tỉm cười:

 - Sợ rồi à? Nếu giờ ngươi muốn quay trở lại thì vẫn còn kịp đấy.

Ta lập tức chống chế:

 - Dương Vân Nga ta nào phải kẻ ham sống sợ chết. Ta nhất định phải đi theo vì ngài mà ra sức.

 - Sao ta lại thấy ngươi chuẩn bị cứ như đi xem mắt Đinh Bộ Lĩnh thế nhỉ?

Ta khổ sở đáp:

 - Tướng quân, ngài nói vậy thật sai quá sai! Ta đây đều là vì ngài mà thôi.

Hắn lại mỉm cười. Ta sựt nhớ ra chuyện quan trọng:

 - Tướng quân, vậy chúng ta chỉ đem theo một trăm tinh binh liệu có đủ không? Có cần cho người về thông báo Tử Canh Tướng quân đưa thêm quân tới tiếp viện?

Hắn trả lời:

 - Minh tranh dễ tránh, ám tiễn khó phòng. Nếu đã có thích khách mai phục thì có đem theo một hai vạn quân cũng không làm gì được, quân lính tinh gọn lại dễ dàng thoát thân hơn.

Ta nghĩ cũng đúng. Hắn lại tiếp lời:

 - Hơn nữa, những việc này Đinh Bộ Lĩnh cũng tự khắc hiểu rõ, chắc chắn bản thân hắn cũng đã bố trí vệ binh tầng tầng lớp lớp bảo vệ tiệc rượu lần này rồi.

Xem ra buổi gặp mặt cuối năm này là một trong những bước ngoặt rất lớn trong công cuộc dẹp loạn Thập nhị sứ quân. Bất kể kết quả cuộc gặp mặt này ra sao cũng sẽ làm thay đổi toàn cục Tĩnh Hải Quân. Mấu chốt của buổi hội ngộ này chính là Nguyễn Siêu- Nguyễn Hữu Công, một trong những ẩn số lớn nhất của thời đại này. Con người này có thể đẩy lùi được mười vạn đại quân của Đinh Bộ Lĩnh thì không thể xem thường hắn được rồi. Xem ra chiến thắng của Lê Hoàn lần trước ở hẻm Thạch Bàn Sơn và Nhị Môn Sơn cũng do quân của Nguyễn Siêu chủ quan khinh địch. Trong tình cảnh hiện nay, Lê Hoàn rốt cuộc hắn muốn liên minh với Đinh Bộ Lĩnh hay Nguyễn Siêu đây? Thế cục chân vạc bao giờ cũng là khó đấu nhất, nếu theo đúng diễn tiến lịch sử, thì đại cục tốt nhất chính là Lê Hoàn và Đinh Bộ Lĩnh liên minh đánh dẹp Nguyễn Siêu, sau đó Lê Hoàn quy thuận về dưới trướng Đinh Bộ Lĩnh. Hiện tại trong tay Đinh Bộ Lĩnh đang thiếu có tướng giỏi, mà Lê Hoàn lại là mãnh tướng trăm năm khó gặp, Đinh Bộ Lĩnh đương nhiên là khao khát nhân tài như Lê Hoàn, nhưng sau đó thì sao? Nếu ta là Đinh Bộ Lĩnh, ta có an lòng để một người công cao át chủ ở bên cạnh, để rồi cuối cùng người ấy làm cuộc binh biến tự xưng vương lập triều? Nếu ta là Lê Hoàn, ta có cam lòng giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp Nguyễn Siêu để Đinh Bộ Lĩnh xưng vương hay không? Rốt cuộc thì Đinh Bộ Lĩnh đã dùng cách gì để Lê Hoàn chấp nhận quy phục đây?

Lê Hoàn thấy ta trầm tư như vậy thì lên tiếng hỏi:

 - Ngươi lại đang nghĩ gì thế?

Ta ngần ngừ một hồi rồi cảm thấy thực ra bản thân Lê Hoàn chắc chắn đã có câu trả lời, xem ra trước mắt cứ xem kết quả buổi gặp mặt này rồi mới liệu đường suy tính tiếp được, nên chỉ khẽ lắc đầu với Lê Hoàn. Lê Hoàn thấy ta không nói gì nên cũng thôi không hỏi tiếp.

Bọn ta đi chừng hai canh giờ thì đến bờ Hoàng Hà, ngoại thành Cổ Loa. Ta vén rèm cửa xe nhìn ra thì thấy khu vực Đinh quân tập kết cờ xí ngập trời, binh mã tầng tầng lớp lớp chỉnh tề bên ngoài cổng vào. Khu vực tập kết đươc dựng hàng rào chắn chu vi kéo dài gần cả dặm, cứ cách một mét lại có lính cầm giáo đứng gác, đến một con ruồi cũng không thể lọt lưới. Xem ra, đúng như Lê Hoàn nói, Đinh Bộ Lĩnh thực sự đã bố trí chu toàn cho buổi tiệc rượu lần này.

Ta theo Lê Hoàn xuống xe ngựa, cùng hai vị tướng quân Hoàng Thành Nhã, Từ Mục, hộ về Đinh Thừa và một trăm tinh binh bước vào cổng. Một vị quân sư tuổi trạc ba mươi, ngũ quang phúc hậu, một thân áo vải trông rất thanh bạch, giản dị đã đứng sẵn ngoài cổng chờ tiếp đón bọn ta. Người này tự xưng tên Lưu Cơ, ta mỉm cười nhìn y, một trong tứ trụ của Đinh Bộ Lĩnh đây mà. Lưu Cơ vái chào Lê Hoàn rồi mời bọn ta vào, lại cho người sắp xếp ổn thỏa cho một trăm tinh binh đứng đợi gần cổng. Bên trong, bọn họ dựng một cái đài cao chừng hơn một mét, rộng tầm bốn năm chục mét vuông bên bờ sông. Chính diện đài treo một bức trướng lớn thêu nổi ba chữ vàng “Vạn Thắng Vương”. Bên dưới là bàn tiệc của chủ, hai bên là hai dãy bàn cho khách. Lưu Cơ mời bọn ta đi thẳng về phía đài, ta thoáng thấy trên đài cao một bạch y nam tử chừng hai bảy, hai tám tuổi cùng hai cận thần đã đứng đợi sẵn.

Vừa thấy bóng dáng bọn ta, bạch y nam tử liền vội bước xuống đài, áo trắng khẽ lay động, bộ dáng tuấn tú phong nhã, khuôn mặt ôn nhu như ngọc, khóe mắt mang ý cười. Giữa cái rét mướt của tháng chạp, nam tử này lại như một cơn gió xuân phất qua làm lòng người phải rung động. Ngài ấy mặc trường bào trắng tinh, đeo đai ngọc, bên ngoài khoác thêm áo lông trắng, trên tay lại phe phẩy một chiếc quạt cũng màu trắng nốt, trông vô cùng ung dung, tao nhã.

Lưu Cơ thấy vị bạch y nam tử bước đến gần liền xá chào:

 - Chúa công.

Vị bạch y nam tử chỉ khẽ gật đầu. Ta giật mình nhìn người nam nhân trước mặt. Ngài ấy chính là Đinh Bộ Lĩnh sao? Thật sự hoàn toàn khác xa với những gì ta đã tưởng tượng. Nam tử mỹ mạo không phải ta chưa từng gặp qua, trong đó đẹp nhất phải kể đến tuấn nhan hoa mỹ chói lòa của Lê Hoàn hay vẻ đẹp phong tình tà mị của Lê Viễn, mà nam nhân này so với hai người bọn họ hoàn toàn không hề thua kém. Mắt phượng mày ngài, sống mũi thẳng tắp, hơn nữa, toàn thân ngài ấy lại toát ra một khí chất vương giả, vô cùng thanh tao và cực kỳ thu hút người khác. Ta nhìn ngài ấy không chớp mắt, chỉ đến khi nghe ngài ấy lên tiếng ta mới hoàn hồn:

 - Lê Sứ Quân, nghe danh đã lâu, nay mới có dịp gặp mặt, hạnh ngộ, hạnh ngộ.

 - Đinh Sứ Quân, hạnh ngộ.

Đinh Bộ Lĩnh tươi cười giới thiệu:

 - Vị này là Lưu Cơ, Lưu quân sư. Chắc các vị đã biết.

Đoạn, ngài ấy lại giới thiệu hai vị cận tướng bên cạnh.

 - Hai vị này là Nguyễn Bặc tướng quân và Đinh Điền tướng quân.

Hai vị tướng quân này trạc tuổi Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Bặc tướng quân thân hình cao lớn, gương mặt chữ điền, râu hùm hàm én, đôi mắt sáng quắc, tinh tường, dáng vẻ khẳng khái, bộc trực. Trong khi đó, Đinh Điền tướng quân lại toát lên một dáng vẻ điềm tĩnh, thận trọng, mặt rộng, má bầu, mắt thước. Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, cùng với Trịnh Tú là tứ trụ dưới trướng của Đinh Bộ Lĩnh, đã đi theo ngài ấy từ cái thuở hài nhi chăn trâu, cờ lau tập trận, ân tình sâu nặng, gốc rễ bền chặt. Chỉ đáng tiếc dịp này không có cơ hội được diện kiến Trịnh Tú- Trịnh Quân sư.

Nguyễn Bặc tướng quân và Đinh Điền tướng quân vái chào Lê Hoàn. Lê Hoàn cũng lên tiếng giới thiệu:

 - Đinh Sứ quân, vị này là Từ Mục Tướng quân, vị này là Hoàng Thành Nhã Tướng quân. Hai vị này là cận tướng của ta, Đinh Thừa và thư đồng của ta, họ Dương.

Bọn ta cũng nhất loạt vái chào Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh giang tay mời bọn ta theo cùng lên đài dự yến. Ngài ấy ngồi vào vị trí bàn chủ tọa ở vị trí trung tâm, Lê Hoàn ngồi bàn khách đầu tiên bên tả, tiếp theo sau là các bàn của Từ Mục Tướng quân và Hoàng Thành Nhã Tướng quân. Ta và Đinh Thừa đứng hầu sau lưng Lê Hoàn, vị trí ta đứng vô cùng thuận lợi để quan sát Đinh Bộ Lĩnh. Các bàn bên hữu lần lượt là bàn của Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Lưu Cơ.

Đinh Bộ Lĩnh nâng chén mời Lê Hoàn và chúng tướng. Sau khi mọi người cạn chén, Đinh Bộ Lĩnh cất tiếng:

 - Lê Sứ quân trong vòng ba tháng đánh bại Kiều Thuận, Kiều Công Hãn, chiêu hàng Nguyễn Khoan, đẩy lùi quân Nguyễn Siêu, quả thật là đệ nhất dũng tướng. Thật khiến người khác ngưỡng mộ.

Lê Hoàn tiếp lời:

 - Đinh Sứ quân quá lời, Đinh Sứ quân dụng binh như thần, Cổ Loa Thành dẹp loạn, đánh tan ba đạo quân Kiều Công Hãn, Đỗ Cảnh Thạc, Lã Xử Bình. Danh tiếng Vạn Thắng Vương uy trấn thiên hạ, không ai không biết.

Đinh Bộ Lĩnh khoát tay:

 - Không dám, không dám. Kể từ sau cái loạn Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, trong vòng hơn hai mươi năm nước nhà bị cắt xẻ tan nát, lòng ta đau như cắt. Đinh Bộ Lĩnh dù bất tài nhưng cũng nguyện vì Ngô chủ đánh dẹp bốn phương, định yên nước nhà. Nếu Lê huynh cũng có thể vì Ngô chủ ra sức thì đúng là phúc khí của bá tánh trong thiên hạ.

Lê Hoàn trả lời:

 - Nước nhà gặp nạn, đã là bậc trượng phu phải có trách nhiệm trừ nội loạn, thống nhất nước nhà. Chỉ đáng tiếc Ngô Sứ quân bản tính nhu nhược yếu đuối, chỉ tham luyến cuộc sống an nhàn, hoàn toàn không phải là minh công có thể gánh vác đại nghiệp bình định nước nhà.

Đinh Bộ Lĩnh cười hỏi rằng:

 - Vậy theo Lê huynh, ai mới có thể gánh vác đại nghiệp này?

Lê Hoàn quả quyết:

 - Người đó phải là bậc anh hùng, dũng khí nhất đời, mưu lược to lớn, lòng ôm muôn dân, đức độ soi sáng thiên hạ, có chí vác cả núi ngăn cả bể.

Đinh Bộ Lĩnh trầm ngâm một hồi, lại hỏi:

 - Thiên hạ hiện nay liệu có mấy người được như Lê huynh nói?

Ta suýt bậc cười, nhớ đêm nào cùng Lê Hoàn uống rượu bên thành Tam Giang, Lê Hoàn cũng đã từng hỏi ta câu hỏi tương tự. Xem ra hai con người này cũng có chỗ giống nhau à nha. Lê Hoàn cau mày nhìn ta, làm ta giật mình, vội bịt chặt miệng.

Lê Hoàn không tự mãn cũng không thoái thác, khẳng khái đáp lời Đinh Bộ Lĩnh:

 - Thiên hạ hiện nay, chỉ có ta và Đinh Sứ quân là đủ sức gánh vác đại nghiệp thống nhất nước nhà.

Ta thầm than khổ trong lòng, Đinh Bộ Lĩnh từ đầu đến cuối là muốn dò xét dã tâm xưng vương, xưng đế của Lê Hoàn đây mà! Lê Hoàn à, ngài cũng thật tình là quá thẳng thắng rồi.

Đinh Bộ Lĩnh nghe xong bậc cười một tràng sảng khoái.

 - Haha…Lê huynh thật là hào sảng. Ta kính huynh một ly.

Đinh Bộ Lĩnh lớn tuổi hơn Lê Hoàn, nhưng khi mở miệng xưng hô đều gọi Lê Hoàn là huynh, thái độ nhún nhường hết lời, con người này quả thật không đơn giản.

Đoạn, Đinh Bộ Lĩnh lại nói:

 - Ta cũng chỉ vì Ngô chủ mà tận sức. Chỉ đáng tiếc tâm ý của Lê huynh không hướng về Ngô chủ, ta vẫn luôn mong được cùng Lê huynh hợp về một chiến tuyến.

Nói rồi, Đinh Bộ Lĩnh một mình nâng chén, vẻ mặt tràn đầy tiếc nuối khiến ai cũng cảm cái nỗi bất đắc ý đời này. Đinh Bộ Lĩnh rõ ràng là mượn danh Ngô Sứ quân để đi tranh giành thiên hạ, thu phục nhân tâm, nhất ngôn nhất động đều cẩn mật che dấu tư tâm. Rõ ràng muốn lôi kéo Lê Hoàn, nhưng lại lấy Ngô chủ ra làm lá chắn. Hai con người này, một người tâm cơ kín kẽ, một người lại tự cao khẳng khái, quả là kỳ phùng địch thủ.

Lê Hoàn lại hỏi:

 - Hiện tại ở Phương Bắc, nhà Tống mới lập quốc, căn cơ còn chưa vững, đây là thời cơ thuận lợi để người Việt ta dành độc lập tự chủ. Không biết cách nhìn của Đinh Sứ quân với thời cục nước nhà như thế nào?

Đinh Bộ Lĩnh không chút do dự đáp lời:

 - Nguyễn Siêu vốn là thế lực phương Bắc cài cắm vào đất nước ta, hắn ở trung du Giao Châu không ngừng thu phục anh hào, bành trướng thế lực, đánh phá các châu lân cận. Giao châu lại nằm ở trung tâm toàn Tĩnh Hải Quân, vị trí quân sự trọng yếu. Nếu không trừ Nguyễn Siêu thì nghiệp lớn khó thành.

Lê Hoàn chậm rãi trả lời:

 - Đinh Sứ Quân nói phải.

Nghe Lê Hoàn tán đồng với ý kiến của mình, Đinh Bộ Lĩnh vô cùng mừng rỡ, bèn nói tiếp:

 - Nếu Lê huynh chịu hợp sức cùng ta, chỉ trong vòng nửa năm là có thể diệt được Nguyễn Siêu, bình định Giao Châu.

Giao Châu là châu lớn nhất của Tĩnh Hải Quân, chỉ riêng châu này đã có bảy, tám sứ quân cát cứ, tình hình vô cùng rối ren, phức tạp. Mạn Bắc Giao châu vốn do Nguyễn Khoan cát cứ nay đã lọt vào tay Lê Hoàn. Mạn Tây Giao Châu là địa phận của Ngô Nhật Khánh và Đỗ Cảnh Thạc. Vùng Đông Bắc Giao Châu khu vực Cổ Loa Thành lại do Đinh Bộ Lĩnh thao túng. Trong khi đó mạn Đông Giao Châu là địa phận thường xuyên tranh chấp của hai Sứ quân Lý Khuê và Lã Đường. Đông Nam Giao Châu là nơi Phạm Bạch Hổ cát cứ. Cuối cùng, toàn bộ vùng trung du Giao Châu là khu vực chiếm đóng của Nguyễn Siêu, sứ quân lớn mạnh nhất toàn vùng Giao Châu. Sở dĩ các sứ quân đều tập trung tại Phong Châu bởi nơi đây là miền đồng bằng trù phú, hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thương thủy lợi phát triển. Bình định được Giao Châu chính là bình định được thiên hạ.

Đinh Bộ Lĩnh lại tiếp lời:

 - Bình định Giao Châu, thiên hạ phân đôi.

Mọi người trong bữa tiệc đều rúng động bởi câu nói này của Đinh Bộ Lĩnh, ngoại trừ Lê Hoàn, xem ra hắn đã trù tính được tương lai sẽ có ngày này. Lê Hoàn chỉ mỉm cười, đáp lời Đinh Bộ Lĩnh:

 - Được.

Đinh Bộ Lĩnh vô cùng cao hứng, lại nâng chén mời Lê Hoàn và chúng tướng.

 - Lê huynh, một lời đã định. Ta kính huynh một ly.

Ta vẫn luôn lo ngại, Lê Hoàn sẽ liên minh với Nguyễn Siêu, đánh một trận long trời lở đất với Đinh Bộ Lĩnh. Nhưng không ngờ tinh thần tự chủ dân tộc của Lê Hoàn quá lớn, hắn sẽ không liên minh với một kẻ phương Bắc như Nguyễn Siêu, xem ra ta đúng là lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử rồi. Như vậy cũng tốt, đánh dẹp được Nguyễn Siêu, các sứ quân còn lại đều không phải là mối họa lớn, ngày thống nhất nước nhà không còn xa nữa rồi.

Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn đã đồng thuận mùa hạ sang năm sẽ cùng tiến công Tây Phù Liệt. Đại kế đã định, mọi người cùng uống rượu, trò truyện vui vẻ. Đến khi tàn tiệc, lúc Lê Hoàn và chúng tướng đứng lên cáo từ, Đinh Bộ Lĩnh đã ngà ngà say nhưng vẫn dắt tay tiễn Lê Hoàn xuống đài. Hai người bọn họ đi trước, ta đi ngay theo sau Lê Hoàn, tiếp theo là chúng tướng Lê Quân và chúng tướng Đinh Quân.

Lúc bước xuống đài, không biết ta luýnh quýnh thế nào mà chân đạp phải vạc áo của chính mình, cả người trượt sấp mặt về phía trước. Ta thất kinh trong lòng, thôi rồi lần này té thẳng vào hai vua rồi, ta không tự chủ được nhắm chặt mắt lại chờ đợi điều tồi tệ xảy đến. Không ngờ bỗng nhiên hai tay lai cảm nhận được hai luồng lực đạo níu ta lại, ngăn không cho ta lăn xuống bậc thang, hai chân trụ vững lại được, bên tai vừa nghe được tiếng Lê Hoàn, vừa nghe được tiếng Đinh Bộ Lĩnh:

 - Nga.

 - Cẩn thận.

Nói thì chậm nhưng sự việc thì diễn ra quá nhanh. Ta cả người giật thót, từ từ mở mắt ra, thấy cánh tay trái đang được Lê Hoàn nắm mà tay phải thì được Đinh Bộ Lĩnh đỡ. Ta chỉ đành lắp ba lắp bắp:

 - Đa tạ nhị vị tướng quân.

Lê Hoàn thấy ta không sao thì lập tức buông tay bước tiếp, còn không quên lẩm bẩm mắng:

 - Hậu đậu.

Đinh Bộ Lĩnh cũng từ từ rút tay về, ngài ấy cúi đầu tinh tế nhìn ta, vẻ mặt ôn nhu, khóe mắt mang ý cười. Lê Hoàn quay lại thấy ta còn đứng tần ngần liền lên tiếng:

 - Còn không đi mau?

Ta lật đật bước theo sau Lê Hoàn, nhưng vẫn không cầm lòng được mà ngoái đầu lại nhìn Đinh Bộ Lĩnh. Ngài ấy vẫn đứng dưới đài, mái tóc phiêu dật trong gió, bộ dáng tuấn nhã tuyệt luân, miệng nở nụ cười dịu dàng. Chứng kiến khung cảnh tươi đẹp ấy, không biết sao tự nhiên ta cũng ngây ngốc nở một nụ cười lại với ngài ấy. Vừa xoay người định bước tiếp đã thấy Lê Hoàn liếc nhìn ta bằng ánh mắt sắc như dao, nếu như ánh mắt có thể giết người được, thì chắc ta đã bị thương tích đầy mình rồi.

Suốt cả quãng đường trở về, Lê Hoàn cũng không them nói chuyện với ta một lời. Hơ hơ, cái tên Lê Hoàn này sao mà vui buồn, nóng giận thất thường quá vậy? Ta lại đắc tội với hắn lúc nào vậy a?

-Hết chương 10-

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương