Lục Mạch Thần Kiếm
Chương 105: Cưu ma trí diệu võ dương oai

Quần tăng chùa Thiếu Lâm chăm chú nhìn nét mặt Thần Quang Thượng Nhân để xem lão có tìm ra được chứng cớ gì trong ba bản kinh sách để làm tài liệu cãi chối không? Nhưng mặt lão vẫn trơ như đá, không lộ vẻ vui mừng hay thất vọng chi hết. Sau thấy lão mở từng trang một xem rồi gấp cuốn Ma Ha chỉ quyết, cầm một tay trả lại Huyền Từ phương trượng.

Rồi lão nhắm mắt lại ngẫm nghĩ không nói câu gì.

Huyền Từ đại sư thấy bộ dạng lão như vậy cũng không đoán được ý tứ của lão.

Sau một lúc lâu, Thần Quang Thượng Nhân mở mắt ra nhìn Triết La Tinh nói:

- Sư huynh! Ngày trước sư huynh đã đọc những yếu quyết về Ban Nhược chưởng cho tiểu tăng nghe. Tiểu tăng còn nhớ câu tiếng Phạn: "Nhân khổ nãi la ty, Bát nhĩ cam nhi tinh, Kha la ba cơ tư tin, binh na tư ni, phạt nhĩ bất thân la..." Dịch sang Hoa ngữ nghĩa là: "Ban đêm tịch mịch nghĩ vẩn vơ thì làm cách nào để chế phục?" ý nghĩa thứ nhất về nội công Ban Nhược chưởng là ở chỗ đó, có đúng thế không?

Triết La Tinh sững sờ một lát rồi hiểu ý tứ liền đáp:

- Ðúng rồi! Sư huynh dịch rất sát nghĩa!

Quần tăng chùa Thiếu Lâm ngơ ngác nhìn nhau, ai cũng kinh hãi thất sắc. Cả những vị sư vào hàng hậu bối cũng lắng tai nghe.

Thần Quang Thượng Nhân lại nói lý lố một hồi tiếng Phạn rồi hỏi:

- Những câu tiếng Phạn như thế, tiểu tăng dịch sang Hoa ngữ thế này: "Cần đem lòng dạ rối ren để xét những chỗ rối ren. Cửu xét thông ra được thì ý nghĩ rối ren cũng chẳng còn. Quay lại cứu xét lòng dạ mình thì chỗ cứu xét ở đâu? Ðã không cứu xét vào đâu được thì cõi lòng thành tịch mịch. Tịch mịch mà không phải tịch mịch, thì chẳng ai là người tịch mịch được. Muốn soi cho sáng àm không còn chỗ để soi. Cảnh trí đều tịch mịch thời lòng lo nghĩ sẽ yên lại. Bên ngoài chẳng tìm ra ngọn ngành mà bên trong cũng không yên lặng. Hai đường đều biến mất thì tính tình yên tĩnh trở lại". Ðó là yếu quyết về luyện nội công Ban Nhược chưởng.

Triết La Tinh đáp ngay:

- Phải lắm! Phải lắm! Hôm ấy tiểu tăng cùng sư huynh đàm luận Phật pháp tại chùa Thanh Lương núi Ngũ Ðài rồi bàn luận sang võ công. Yếu quyết luyện nội công Ban Nhược chưởng của nước Thiên Trúc đúng là như vậy.

Thần Quang Thượng Nhân lại nói:

- Hôm ấy sư huynh có nói về yếu chỉ Ðại Kim Cương quyền và bí quyết Ma Ha chỉ tiểu tăng cũng còn nhớ.

Ðoạn lão lại đọc ra một tràng thao thao bất tuyệt.

Huyền Từ cùng các vị cao tăng chùa Thiếu Lâm ai nấy đều hoảng sợ tái mặt vì Thần Quang Thượng Nhân đọc thuộc làu làu không sai một chữ và đúng là bí quyết ghi trong ba pho sách đó. Không một ai ngờ sách vở chỉ qua mắt một lần mà lão học thuộc lòng ngay được. Vừa rồi lão lẳng lặng lật từng trang sách lên xem là để học thuộc lòng các yếu quyết về những môn võ học trong ba bộ bảo kinh.

Thần Quang vốn tinh thông Phạn ngữ, lão phiên dịch những yếu quyết thành tiếng Phạn rồi theo trong kinh đọc thuộc lòng những câu đó bằng Hoa ngữ. Lão làm như những pho sách này nguyên trước bằng Phạn văn rồi có người dịch sang Hoa văn. Thế là tội Ba La Tinh ăn trộm kinh sách đã được lão tẩy sạch.

Mặt khác Nguyên Nguyên đại sư, Bát Chỉ Ðầu Ðà cùng mấy vị cao tăng tiền bối chùa Thiếu Lâm lại thành ra những người dịch lén lại những trang sách kia và mang tiếng là người trộm cắp bịp đời.

Giả tỷ việc này theo lẽ phải mà tranh luận thì dù Thần Quang có dẻo lưỡi đến đâu chưa chắc đã biện bạch được.

Huyền Từ trong lòng căm tức vô cùng, nhưng trong lúc này đại sư chưa biết phải đối phó bằng cách nào.

Huyền Sinh lại rẽ mọi người bước ra nhìn Triết La Tinh nói:

- Ðại sư! Ðại sư bảo những môn Ban Nhược chưởng, Ma Ha chỉ và Ðại Kim Cương quyền đều từ Thiên Trúc truyền lại cho bản tự, chắc đại sư tinh thuộc vô cùng. Việc này chân hay giả tìm ra cho rõ chẳng khó khăn gì. Bây giờ tiểu tăng muốn lãnh giáo đại sư mấy cao chiêu về ba môn võ công đó, và tiểu tăng nói chắc chắn những chiêu thức của tiểu tăng nhất quyết không ra ngoài ba môn đó. Ðồng thời xin đại sư chỉ điểm cũng trong phạm vi ba môn đó mà thôi.

Huyền Từ lẩm bẩm:

- Mình dốt thật! Làm như vậy quả nhiên rõ trắng đen ngay. Thế mà mình không nghĩ ra.

Thần Quan Thượng Nhân không khỏi run lên nghĩ thầm:

- Biện pháp này thiệt là lợi hại. Dĩ nhiên Triết La Tinh không hiểu thế nào là Ban Nhược chưởng... Bây giờ biết bảo hắn trả lời ra sao?

Triết La Tinh vẻ mặt bẽn lẽn đáp:

- Võ công nước Thiên Trúc bao la bát ngát. Nguyên những màn nổi tiếng đã có đến ba trăm sáu mươi tuyệt kỹ. Tiểu tăng tuy biết đại khái hết cả, nhưng không thể nói môn nào cũng tinh thục được. Tiểu tăng nghe nói chùa Thiếu Lâm có bảy mươi hai môn tuyệt kỹ. Vậy tiểu tăng xin hỏi sư huynh: "Sư huynh có tinh thông được hết thảy bảy mươi hai tuyệt kỹ đó không? Giả tỷ tiểu tăng chỉ định cho sư huynh diễn ba thứ trong bảy mươi hai môn, sư huynh có dám nhận lời không?"

Câu đáp của Triết La Tinh quả nhiên làm cho Huyền Sinh phải chưng hửng.

Nên biết rằng bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của chùa Thiếu Lâm, mỗi vị cao tăng có giỏi ra là chỉ học được năm, sáu môn. Nếu gặp phải chỉ định ba môn thì bất luận là ai cũng không thể làm được.

Huyền Sinh là một tay võ công rất tinh thâm. Những điều nhà sư hiểu biết tuy rộng rãi, nhưng trong bảy mươi hai môn tuyệt kỹ thì chỉ có hiểu nhiều lắm là được sáu môn.

Huyền Sinh còn đang ngẫm nghĩ tìm câu trả lời thì một giọng nói dõng dạc từ đằng xa vọng lại:

- Chư vị đại đức Thiên Trúc cùng các vị cao tăng Trung thổ tụ hội tại chùa Thiếu Lâm để bàn luận võ công thiệt là một thịnh sự. Tiểu tăng may được gặp đây, liệu có được vào bàng thính lời cao luận của hai bên không?

Câu nói rành mạch từng chữ lọt vào tai hết thảy mọi người.

Thanh âm này từ ngoài cửa sơn môn vọng vào đã rõ ràng lại nghiêm nghị, hoà bình mà không chói tai. Người phát thanh phải là một tay nội công cao thâm thuần hậu, có điều họ ở xa mà biết rõ được tình cảnh đại điện thì tất là một tay nội công của nhà Phật đến mực Thiên nhĩ mới phải.

Huyền Từ đại sư hơi lộ vẻ kinh ngạc rồi vận nội lực nói:

- Ðã là đồng đạo trong Phật môn, xin mời đại sư quang lâm

Huyền Từ phương trượng lại nói:

- Hai vị sư đệ Huyền Minh và Huyền Thạch xin đại diện cho tiểu huynh ra nghênh tiếp tân khách.

Huyền Minh, Huyền Thạch khom lưng dạ một tiếng toan trở gót đi ra khỏi điện thì người kia đã vào đến cửa nói:

- Tiểu tăng không dám để các vị nghênh tiếp. Tiểu tăng rất ngưỡng mộ Huyền Minh đại sư giỏi về môn thần kỹ gầm lên như sư tử rống và Huyền Thạch đại sư vung tay đấm vỡ bia cũng vào bậc thiên hạ vô song. Nay được gặp hai vị cao tăng chùa Thiếu Lâm thật may mắn vô cùng.

Nói hết mỗi câu, người này lại tiến gần lại thêm mấy trượng.

Lúc y vừa dứt lời thì người đã xuất hiện ngay trước cửa điện.

Mọi người nhìn ra thì là một nhà sư đứng tuổi vẻ mặt trang nghiêm, hai tay chắp để trước ngực, hớn hở nói:

- Sơn tăng là Cưu Ma Trí ở nước Thổ Phồn, xin tham kiến phương trượng chùa Thiếu Lâm.

Quần tăng thấy thân pháp y đều hết sức kinh dị. Khi nghe lão báo danh là Cưu Ma Trí thì mọi người ồ lên một tiếng nói:

- Té ra là Ðại Luân Minh Vương nước Thổ Phồn giá lâm!

Huyền Từ đứng lên rảo bước tới gần, nghiêng mình thi lễ nói:

- Minh vương làm quốc sư nước Thổ Phồn chẳng quản đường xa diệu vợi qua Ðông Thổ. Tiểu tăng thường ngưỡng mộ quốc sư là một bậc quang minh chính đại. Bữa nay tệ tự có một việc khó giải quyết may được đại giá quang lâm thật là vinh hạnh. Tiểu tăng xin quốc sư cầm cán cân công bằng để phân biệt chân giả vụ này cho.

Huyền Từ dứt lời liền đưa Thần Quang, hai anh em Triết La Tinh, cùng bọn Long Mãnh đại sư ra tương kiến.

Triết La Tinh đã gặp Cưu Ma Trí và bị một vố cay. Hắn mất bao nhiêu công phu mới đoạt được cuốn Dịch Cân Kinh ở trong mình Du Thản Chi, rồi bị Cưu Ma Trí hớt tay trên mất. Bây giờ hắn lại gặp Cưu Ma Trí thì trong lòng không khỏi hoang mang và căm phẫn. Hắn biết rằng võ công Cưu Ma Trí còn cao hơn hắn nhiều.

Lúc Huyền Từ dẫn Triết La Tinh cùng Cưu Ma Trí tương kiến thì hắn chỉ lặng lẽ hành lễ chứ không nói nửa lời.

Cưu Ma Trí nhìn Triết La Tinh chỉ cười nhạt một tiếng, chứ không đề cập đến chuyện cũ.

Mọi người làm lễ tương kiến xong, Huyền Từ sai đặt ghế chính giữa điện rồi mời Cưu Ma Trí an toạ.

Cưu Ma Trí cũng ngỏ đôi lời khiêm tốn khách sáo rồi ngồi xuống. Thế là chỗ ngồi Cưu Ma Trí ở ngay mé trên Thần Quang.

Ðối với người khác thì đó là chuyện thường, nhưng Thần Quang trong lòng hậm hực khó chịu. Lão mắng thầm:

- Thằng cha Phiên tăng này chỉ khéo làm bộ làm tịch, vị tất đã có bản lãnh gì đáng kể. Ðể rồi ta sẽ thử coi.

Cưu Ma Trí nói:

- Phương trượng yêu cầu tiểu tăng cầm cán cân công bằng để phân xử kẻ phải người quấy thì tiểu tăng không dám. Nhân vừa nói tiểu tăng dừng chân trên lưng chừng sườn núi được nghe Huyền Sinh đại sư cùng Triết La Tinh đại sư giảng luận võ công thì thấy cả hai vị đều có chỗ phi lý.

Cưu Ma Trí vừa nói câu này thì quần tăng trong đại điện tức run lên, nghĩ thầm:

- Miệng lưỡi cha này đáo để đây!

Triết La Tinh đã được nếm đòn lợi hại của Cưu Ma Trí, không dám tiến ra khiêu chiến. Còn Huyền Sinh tính tình cương cường mà chưa hiểu võ công y, không nhẫn nại được nói ngay:

- Tiểu tăng lầm lỗi ở chỗ nào xin Minh Vương chỉ giáo cho.

Cưu Ma Trí tủm tỉm cười đáp:

- Vừa rồi Triết La Tinh sư huynh chất vấn đại sư, nói rằng phái Thiếu Lâm có bảy mươi hai môn tuyệt kỹ chưa chắc đã có lấy một người tinh thông hết cả được, câu đó không đúng. Còn đại sư lại nhận những môn Ma Ha chỉ, Ban Nhược chưởng, Ðại Kim Cương quyền là những môn bí truyền của phái Thiếu Lâm, trừ bọn đệ tử chính tông của quý phái còn người ngoài không ai biết cả. Nếu không đúng thế thì nhất định quý phái đã đi học lỏm của người ta. Câu đó cũng sai lầm.

Lão nói liền môt lúc chê trách cả hai người. Quần tăng nghe thấy ngẩn mặt ra nhìn nhau không ai hiểu ý lão thế nào.

Huyền Sinh dõng dạc hỏi:

- Theo lời quốc sư thì ra có người kiêm thông được cả bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của tệ phái ư?

Cưu Ma Trí gật đầu đáp:

- Ðúng thế!

Huyền Sinh hỏi:

- Xin hỏi quốc sư vị đại anh hùng đó là ai?

Cưu Ma Trí đáp:

- Cái đó tiểu tăng không tiện nói ra.

Huyền Sinh biến sắc hỏi:

- Là quốc sư chăng?

Cưu Ma Trí gật đầu chắp hai tay để trước ngực vẻ mặt nghiêm trang đáp:

- Chính thị!

Lão vừa nói hai chữ chính thị, quần tăng đều biến sắc lẩm bẩm:

- Thằng cha này khoác lác quá, hay là hắn mắc bệnh điên khùng?

Nên biết rằng bảy mươi hai môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm thì có người chuyên luyện hạ bàn, có người chuyên về khinh công, có người sở trường về quyền chưởng, có người lại dùng ám khí để thủ thắng. Ngoài ra hoặc luyện theo đao hoặc kiếm, hoặc sử côn, sử bổng. Môn nào có đặc điểm của môn ấy. Người nào đã chuyên dùng trường kiếm thì không thể nào sử thiền trượng. Người chuyên về đại lực, thần quyền thì lại không giỏi thu phát ám khsi. Tuy có người tinh thông được năm, sáu môn nhưng những môn đó không xung khắc nhau, mâu thuẫn nhau. Các bậc cố lão có truyền lại đời trước trong đám cao tăng có một vị kiêm thông được kêu bằng Thập tam tuyệt Thần tăng. Phái Thiếu Lâm đã sáng lập đến mấy trăm năm mà mới có được một người như vậy. Ðằng này Cưu Ma Trí lại bảo một mình y kiêm thông cả bảy mươi hai môn tuyệt kỹ thì thật là một câu chuyện bịp đời.

Huống chi trong bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm có đến mười ba, mười bốn môn cực kỳ khó luyện. Dù là bậc thiên tư cực cao suốt đời khổ luyện lấy một môn chưa chắc đã thành tựu. Hiện thời tổng số tăng nhân chùa Thiếu Lâm đến hơn năm trăm vị. Cả hơn năm trăm vị hợp lại cũng chưa tinh thục được hết bảy mươi hai môn tuyệt kỹ, thế mà Cưu Ma Trí trạc ngoài bốn mươi tuổi thì dù cho mỗi năm y luyện được một môn, kể từ ngày y mới lọt lòng cũng chưa được bảy mươi hai năm luyện tập. Vả lại môn tuyệt kỹ này thì môn nào cũng rất phức tạp, trong vòng một năm y làm thế nào mà luyện được mấy môn?

Huyền Sinh cười thầm trong bụng, nhưng ngoài mặt vẫn giữ vẻ cung kính nói:

- Quốc sư không phải là người trong phái Thiếu Lâm chúng tôi, vậy mà những môn Ma Ha chỉ, Ban Nhược chưởng, Ðại Kim Cương quyền cũng đều tinh thông cả chăng?

Cưu Ma Trí cười đáp:

- Tiểu tăng không dám! Còn mong Huyền Sinh đại sư chỉ giáo cho.

Dứt lời y nghiêng người đi một chút. Tay trái đột nhiên đưa ngang ra, quyền bên phải vèo một tiếng đánh tới. Chiếc đỉnh hương đồng đặt trước bàn thờ Ðức Phật Như Lai, bật lên tiếng boong rồi hằn lên. Ðó là một chiêu Lạc chung đông ứng trong phép Ðại Kim Cương quyền.

Quyền không đụng vào đỉnh đồng phát ra tiếng cũng chưa lấy làm gì khó. Nhưng thoi quyền đó đánh ngang ra phía trước mà đỉnh đồng bật tung lên thì quyền lực thật là xảo diệu vô cùng, đúng là đã luyện đến chỗ bí ảo của Ðại Kim Cương quyền.

Cưu Ma Trí không chờ cho đỉnh đồng rớt xuống, lại phóng tay trái đánh ra một chưởng theo chiêu Nhiếp trượng ngoại đạo trong môn Ban Nhược chưởng.

Một tiếng choang vang lên! Từ trong đỉnh đồng có một vật rớt xuống rồi mịt mờ khói toả. Tàn hương trong đỉnh đồng cũng tung toé ra mù mịt trông không rõ là vật gì.

Lúc này dư lực của chiêu Lạc chung đông ứng hết rồi, đỉnh đồng rớt ngay xuống.

Cưu Ma Trí lại giơ ngón tay cái ra bật một cái. Một luồng chỉ lực lợi hại bắn ra khiến cho chiếc đỉnh đồng đột nhiên trệch đi nửa thước.

Cưu Ma Trí lại bật ngón tay luôn hai cái nữa, đỉnh đồng lui xa thêm một thước rưỡi rồi mới rót xuống trên mặt đá xanh trong đại điện.

Bọn Huyền Từ, Huyền Sinh cùng các vị cao tăng thấy thế ai cũng phải thán phục. Nhất là ba lần bật ngón tay của Cưu Ma Trí coi rất tầm thường chẳng có chi kỳ dị, thế mà bên trong lại tiềm tàng một luồng nội lực đến độ siêu phàm nhập thánh. Chiêu đó mệnh danh là Tam nhập địa ngục trong phép Ma Ha chỉ chính tông. Sở dĩ nó mang cái tên đó vì người cho thành công mỗi một cái bật tay phải chịu khổ sở chẳng khác gì vào địa ngục một lần.

Lúc này tàn hương đã lắng xuống dần dần, vật rơi xuống đất lớn bằng bàn tay đã lộ ra. Quần tăng trông thấy bất giác la lên một tiếng kinh hoảng.

Nguyên vật đó là một chiếc bàn tay bằng đồng, năm ngón rất rõ, cườm tay và cạnh ngón tay đều lấp loáng có ánh sáng rực rỡ như vàng. Lưng bàn tay lại sắc xanh xám.

Cưu Ma Trí phất tay áo bào một cái rồi cười nói:

- Chiêu Cà sa phục ma công này tiểu tăng luyện chưa được tinh thục, còn nhờ phương trượng sư huynh chỉ giáo cho.

Vừa dứt lời, chiếc đỉnh đồng ở phía trước cách chừng bảy thước thốt nhiên chuyển động luôn mấy cái. Lúc đỉnh đồng đứng lại thì mé trong hướng ra mé ngoài. Bỗng thấy chính giữa thân đỉnh bị khoét mất một miếng giống như hình bàn tay. Chỗ đỉnh bị cắt, ánh vàng chói lọi.

Bấy giờ những nhà sư thấp kém mới hiểu rõ Cưu Ma Trí vừa sử chiêu Nhiếp phục ngoại đạo trong phép Ban Nhược chưởng. Chưởng lực chiêu này sắc bén như lưỡi bảo đao cắt đỉnh đồng ra một miếng hình bàn tay. Lạ hơn nữa là chỗ bị cắt lại không ở phía hướng về Cưu Ma Trí mà lại ở mé bên kia.

Huyền Sinh tự nghĩ dùng chưởng lực cắt đỉnh đồng ra một miếng thì mình còn làm được, nhưng cắt ở mé bên kia thì không tài nào làm được.

Lát sau nhà sư trong lòng chán nản tự nghĩ:

- Không chừng vị thần tăng này nói đúng sự thực và bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm có khi cũng tự nước Thiên Trúc truyền đến thật. Y luyện tập ở tận tổ cho nên những chỗ ảo diệu cũng cao thâm hơn ở Trung Thổ nhiều.

Huyền Sinh nghĩ vậy hai tay chắp để trước ngực khom lưng nói:

- Thần kỹ của quốc sư khiến cho tiểu tăng được mở rộng tầm mắt. Tiểu tăng rất lấy làm bội phục.

Cưu Ma Trí sử chiêu sau cùng chiêu Cà sa phục ma công. Môn này chính Huyền Từ đã tốn không biết bao nhiêu công phu cùng thời giờ luyện tập, đến nỗi vì nó mà trễ nải việc tu luyện thiền học. Thường thường đại sư vẫn hối hận về chuyện này không khác gì người ta thường nói: "Ðược buổi giỗ lỗ buổi cấy", chỗ sở đắc không đủ đều bù lại chỗ sở thất. Nhưng đại sư lại nghĩ đến mình luyện được môn tụ công vào bậc nhất thiên hạ thì cũng an ủi được đôi chút.

Bây giờ Huyền Từ thấy Cưu Ma Trí phất tay áo một cách nhẹ nhàng không lộ hình tích, vẻ mặt vẫn tươi cười, y còn không sợ vì miệng nói mà để chân khí phải tiết ra ngoài thì thật mình không bằng y.

Ðại sư nghĩ vậy lại cảm thấy buồn rầu.

Trong nhà đại điện không một tiếng động. Ai nấy đều bị thần công của Cưu Ma Trí trấn áp.

Bỗng Huyền Từ thở dài nói:

- Bữa nay lão tăng mới biết rằng bên ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác, bên ngoài cõi người này còn có cõi người khác. Lão tăng khổ học mấy chục năm trời nhưng đối với con mắt quốc sư chưa đủ làm trò cười.

Ngừng một lát Huyền Từ lại nói tiếp:

- Ba La Tinh sư huynh! Chùa Thiếu Lâm như vũng nước nông cạn không đủ để giao long vùng vẫy. Nơi đây phước bạc chẳng dám lưu quý khách. Vậy xin sư huynh tuỳ tiện.

Huyền Từ vừa nói ra, Triết La Tinh cùng Ba La Tinh đều lộ vẻ mừng vui.

Thần Quang Thượng Nhân thì lại vừa vui mừng vừa âu sầu. Vui mừng ở chỗ Ba La Tinh quả nhiên đã thuộc làu những tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm và Huyền Từ đại sư bằng lòng thả y về. Còn lão buồn là vì vụ này lão chẳng có công trạng gì mấy, mà do thần kỹ của Cưu Ma Trí làm nên. Cưu Ma Trí đã cao siêu rất mực, khống chế được toàn cuộc thì dù mình có được Ba La Tinh truyền cho những môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, nhưng cũng còn là những việc rất khó.

Cưu Ma Trí vẫn thản nhiên không lộ vẻ gì. Y chắp tay để trước ngực nói:

- Phúc đức thay! Phương trượng sư huynh hà tất phải quá khiêm?

Toàn thể tăng nhân chùa Thiếu Lâm đều cúi đầu buồn bã.

Nên biết rằng Huyền Từ bị áp bức đến độ phải nói những câu đó là tự nhận tuyệt kỹ Thiếu Lâm không bằng người. Tiếng tăm lừng lẫy mấy trăm năm đầu sỏ những môn võ học ở Trung Nguyên, phái Thiếu Lâm chưa bao giờ bị nhục nhuệ khí như bữa nay. Vụ này chẳng những phái Thiếu Lâm bị bại nhục mà cả các phái võ Trung Nguyên đều mất mặt với người Phiên.

Những nhà sư Long Mãnh, Ðại Thanh, Giác Niên, Dung Trí, Thần Âm cũng vẻ mặt buồn thiu. Sự tình biến diễn đến mức độ ra ngoài những sự liệu trước của họ mới lúc lên chùa Thiếu Lâm.

Huyền Từ đại sư không muốn cưỡng lưu Ba La Tinh đã nghĩ kỹ lắm. Ðại sư nghĩ rằng chùa Thiếu Lâm mà giữ Ba La Tinh là cốt để cho các môn tuyệt kỹ bản tự khỏi tiết lộ ra ngoài. Bây giờ mắt thấy một Cưu Ma Trí kiêm thông cả bảy mươi hai môn tuyệt kỹ thì giữ Ba La Tinh lại cũng chẳng ích gì. Vả lại Ba La Tinh có thuộc lòng chăng nữa chỉ được đến bảy tám môn là cùng so với Cưu Ma Trí chưa thấm vào đâu. Kể về võ công của Cưu Ma Trí thì trong bản tự dĩ nhiên không một ai địch lại được. Nếu kéo cả hơn năm trăm nhà sư nhảy vào tấn công là ỷ mình nhiều người để thủ thắng thì đâu có phải hành vi của phái Thiếu Lâm đã từng vang danh thiên hạ?

Huyền Từ nghĩ vậy rồi lẩm bẩm:

- Bữa nay Ba La Tinh xuống núi rồi thì chỉ trong vòng một tháng trên chốn giang hồ sẽ đồn đại những tiếng không hay. Phái Thiếu Lâm đã không làm được lãnh tụ võ lâm mà chính mình cũng không còn mặt mũi nào làm phương trượng chùa Thiếu Lâm nữa. Nếu bữa nay không xử sự như vậy, thì cũng không còn tìm ra được lối thoát nào khác.

Những việc xảy ra trong đại điện, Hư Trúc đều nhìn rõ hết. Ðến khi y nghe phương trượng nói mấy câu sau cùng rồi toàn thể chư tăng bản tự nhất là các bậc tiền bối đều nét mặt sầu thảm. Y liếc mắt nhìn sư phụ mình là Tuệ Luân thì thấy người nước mắt nhỏ xuống như mưa, tỏ ra rất đỗi thương tâm! Thậm chí còn có mấy vị sư thúc đấm ngực khóc rống lên.

Hư Trúc tuy không hiểu rõ chi tiết về vụ này nhưng cũng biết rằng Cưu Ma Trí vừa phô trương võ công, bản tự không người địch nổi đành để hắn đem Ba La Tinh đi. Nhưng trong lòng Hư Trúc có thắc mắc nhất ở chỗ Cưu Ma Trí sử Ðại Kim Cương quyền, Ban Nhược chưởng pháp, Ma Ha chỉ pháp, chiêu thức trúng hay trật, vì y chưa học qua thì không có cách nào hiểu được. Nhưng cách vận dụng nội lực về quyền pháp, chưởng pháp, chỉ pháp thì y trông rõ cả và nó đúng là công phu Tiểu vô tướng công.

Hư Trúc học được công phu Tiểu vô tướng công của Vô Nhai Tử, sau lại được Thiên Sơn Ðồng Mỗ truyền dạy những ca quyết về Thiên Sơn chiết mai thủ. Lúc bà ta phát giác ra y có công phu Tiểu vô tướng công thì rất đỗi thương tâm và căm hận, vì công phu này sư phụ bà ta chỉ truyền cho một mình Lý Thu Thủy, mà Hư Trúc lại học được ở Vô Nhai Tử. Thế thì rõ ràng giữa Vô Nhai Tử và Lý Thu Thủy đã có mối liên quan mật thiết với nhau, nên bà ta nổi lòng ghen tức.

Hư Trúc lại nhớ khi Thiên Sơn Ðồng Mỗ hết cơn giận đã nói kỹ cho y nghe về phép vận dụng Tiểu vô tướng công. Nhưng về sau y được Lý Thu Thủy chỉ điểm rõ hơn.

Về võ học Hư Trúc chẳng những không được quảng bác mà có thể nói ra rất đỗi hẹp hòi, song riêng về môn Tiểu vô tướng công thì y đã thuộc lòng. Khi về cung Linh Thứu, Hư Trúc lại học được những đồ hình trong thạch thất dưới đường hầm thì môn này y đã đến được chỗ kỳ diệu bí ảo.

Tiểu vô tướng công là môn võ học của Ðạo gia giảng dạy cách giữ lòng thanh tĩnh, thần trí phiêu diêu, so với cái học vô sắc, vô tướng của nhà Phật tuy nghe hình như có chỗ tương đồng, mà thực tế lại khác hẳn.

Hư Trúc vừa nghe đến thanh âm Cưu Ma Trí lúc còn ở ngoài sơn môn đã biết hắn dùng trung khí để truyền tiếng nói ra xa và y đã phải run sợ. Hư Trúc hiểu rằng môn Tiểu vô tướng công của Cưu Ma Trí đã đến chỗ rất thâm cao. Sau Cưu Ma Trí thi triển quyền pháp, chưởng pháp, chỉ pháp, tụ pháp, bề ngoài tuy biến ảo khôn lường, nhưng thực ra hắn đã hoàn toàn phát động môn Tiểu vô tướng công.

Sư thúc tổ Hư Trúc là Huyền Sinh và cả Ba La Tinh sử chiêu thức Thiên y vô phương từ trong đến ngoài, thuỷ chung vẫn là công phu của Phật môn. Cả đến những nội công về Ban Nhược chưởng, Ma Ha chỉ cũng đều có lề lối riêng biệt, không pha trộn công phu ngoại lai vào.

Bây giờ Hư Trúc nghe Cưu Ma Trí miệng nói là tinh thông hết bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm, song lúc thi triển chiêu thức thì rõ ràng hắn đã phát động công phu về môn Tiểu vô tướng công. Lúc hắn thi triển Ban Nhược chưởng, Ðại Kim Cương quyền, cũng phát huy cường kinh về môn Tiểu vô tướng công uy mãnh đến cực điểm để trấn áp những người hiện diện đương trường. Trong con mắt người chưa hiểu Tiểu vô tướng công liền cho ngay là hắn đã tinh thông các môn tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm.

Tuy đó là trường hợp vàng thau lẫn lộn nhưng phải thành thực nhận chận là uy lực môn Tiểu vô tướng công chẳng thua kém gì những tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm. Có điều hắn đã trỏ con hươu mà bảo con ngựa để bưng mắt mọi người.

Hư Trúc rất lấy làm kỳ ở chỗ Cưu Ma Trí rõ ràng sử dụng môn Tiểu vô tướng công lại nói là tuyệt kỹ phái Thiếu Lâm, mà trên từ Huyền Từ phương trượng trở xuống đến hơn năm trăm nhà sư sao chẳng một ai vạch chỗ bịp đời của hắn ra?

Hư Trúc có hiểu đâu rằng môn Tiểu vô tướng công vừa tinh thâm vừa bao la bát ngát lại là thứ võ học của Ðạo gia. Những người hiện diện toàn là Phật môn đệ tử thì dù võ công cao đến đâu mà chưa từng luyện nội công của Ðạo gia thì nhìn nhận thế nào được. Nhất là môn Tiểu vô tướng công đúng như tên gọi của nó, đã tướng vô hình thì còn biết đằng trời nào mà mò.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương