1.
Bầu trời quang đãng, trong vắt như được gột rửa.

Mảnh trời xanh ngắt phản chiếu trên tháp chuông cùng tháp trống xanh xám loang lổ, trông cổ kính trang nghiêm lạ thường.

Có đám bồ câu nọ vỗ cánh bay ngang qua trời, kéo theo tiếng còi chim (*) lanh lảnh.
Còi chim
Bầu trời khi ấy mới xanh làm sao.

Những tháng ngày thuở đó, cả đời này cũng chẳng quên được.

Hồi Úc Giải Phóng quen Tưởng Ái Quân, hai đứa đều chỉ mới sáu tuổi.
Năm ấy, nhà nước kêu gọi diệt tứ hại (*).
Diệt tứ hại
Khắp đường to ngõ nhỏ đều có thể bắt gặp từng nhóm người gõ thau đập lọ đuổi chim sẻ, thỉnh thoảng còn thấy những người rơm, người rạ đầu đội mũ rách thân phủ áo cũ được dựng trên đường, không cho chim sẻ đậu xuống.

Người người nhà nhà tự chế bẫy chuột, mua thuốc chuột nhằm đối phó lũ phá hoại ấy.
Trong phong trào vận động dọn dẹp vệ sinh kỳ lạ và rầm rộ trên cả nước mà hiếm có trong lịch sử này, đám trẻ con là người hào hứng nhất.
Con mấy đồng đội cũ của bố Úc Giải Phóng – xem như anh chị của Giải Phóng – đều đã là học sinh cấp hai, rất nhiệt tình thu nhặt đuôi chuột để đem nộp cho trường học, giành lấy danh hiệu tấm gương diệt tứ hại.
Úc Giải Phóng khi ấy chẳng qua mới chỉ là con nít ranh, anh chị chẳng thèm dắt nó đi bắt chuột.

Nhưng Giải Phóng cũng có việc của Giải Phóng, nó không thèm bám đít các anh chị.
Giải Phóng thông minh lại nghịch ngợm, nó cũng có một đám con nít làm thủ hạ của riêng mình theo sau.
Hồi đó Giải Phóng do sinh ra là con cán bộ cấp cao nên từ nhỏ cũng chẳng phải chịu khổ gì nhiều, cơ thể phát triển đầy đủ, lại thêm đôi mắt tròn đen láy cùng cái miệng chúm chím, thế nên thường bị mọi người nhận nhầm là học sinh lớp hai.
“Giải Phóng, Giải Phóng ơi.” Thằng nhóc đuổi theo Giải Phóng vừa chạy vừa khịt mũi.

“Đám tụi Cố Nam Hạ chiếm bãi rác sau tòa nhà rồi, chúng nó ở đó đập ruồi cả ngày, đập được nhiều lắm, tụi mình tính sao đây?”
Thằng nhóc đang nói này hơi lùn hơn Giải Phóng, cũng gầy hơn chút.
“Tụi mình cũng đi kiếm chỗ tốt, mày nói xem trong khu này ở đâu nhiều ruồi nhất?”
“Bãi rác chứ sao.” Thằng nhóc đáp.
“Trần Đại Quân đúng là thằng ngốc, nên gọi mày là Trần Đại Ngốc mới đúng.” Giải Phóng đảo mắt xem thường.
“Vậy mày bảo ở đâu nhiều ruồi nhất?”, rồi nó vỗ tay cười: “Tao biết rồi, là nhà xí đúng không?”
Giải Phóng đập vào đầu nó một cái rõ to.
“Đám tiểu binh ngày nào cũng dọn dẹp ở đấy, mày dám tranh ruồi với tụi nó à?”
Trần Đại Quân xoa xoa chỗ đầu bị đánh đau, tủi thân lẩm bẩm, “Vậy mày nói xem là đi đâu?”
Giải Phóng vươn eo, kéo kéo vạt áo, nhả từng chữ một: “Nhà – ăn!”
Đám trẻ con khi ấy đều thích túm năm tụm bảy lại, mỗi nhóm lại có một đứa thủ lĩnh.

Giống như một người anh nọ của Giải Phóng – Kháng Sinh, là thủ lĩnh của một đám trẻ lớn.

Anh mặc trên người bộ quân phục vàng bằng vải xương cá đã được giặt đến bạc màu, trên vai có hai lỗ nhỏ để đeo cấp hiệu, không khoa trương khoe mẽ, nhưng vẫn lộ ra khí chất hiên ngang, một cảm giác vượt trội, đi tới đi lui trong khu nhà binh một cách đầy khí phách.
Còn Giải Phóng cũng rất nổi bật trong đám trẻ con, tuy không phải thủ lĩnh thật sự, nhưng bởi sự thông minh nhanh nhẹn nên cũng đã có đôi ba phần khí thế của thủ lĩnh.

Lúc này Giải Phóng mới phất tay: “Đi thôi!” Đám trẻ con bèn xông về phía nhà ăn, đồng thời tuyên bố ‘chiếm đóng’ nhà ăn, đóng quân ở đây để đánh ruồi.
2.
Hôm đó, Giải Phóng lại dẫn đám nhóc đến nhà ăn đập ruồi, mỗi đứa tay cầm một cái hộp nhỏ.
Hộp của Giải Phóng là kinh người nhất, là một hộp bánh quy bằng sắt, bên trong đã có xác của hàng chục con ruồi.

Hễ đậy nắp lại mà lắc sẽ nghe thấy tiếng sột soạt.
Rất nhiều năm sau, Giải Phóng đến Thâm Quyến, không chớp mắt mà ăn mấy món cổ quái lạ lùng cùng đám người Quảng Đông khiến mọi người ai nấy cũng ngạc nhiên.

Thật không ngờ một kẻ miền Bắc ấy thế mà lại chẳng bị món ăn của người Quảng Đông dọa sợ.
Khi ấy Giải Phóng nghĩ, các anh thì biết cái gì? Sự ghê tởm cả đời này của tôi đều bị cái hộp đầy ruồi đó bào mòn sạch rồi.
Đám trẻ con tay cầm đập ruồi, lùng sục khắp mọi ngóc ngách của nhà ăn.

Lũ ruồi còn chưa kịp đậu xuống đã bị tụi nhỏ ‘bép bép’ tiêu diệt, vừa nhanh lại chuẩn.
Nhưng hôm nay chẳng biết làm sao, có lẽ lũ ruồi bị đám trẻ dọa sợ mất mật rồi nên không dám đến nữa.

Tụi nó đập cả nửa ngày trời mà cũng chỉ được hai ba con.
Giải Phóng bỗng nhiên nghe thấy bên tai có tiếng vo ve, một con ruồi lớn bay ngang qua mắt nó.
“Ngoan nào,” Giải Phóng nghĩ, “còn là đầu xanh à.”
Con ruồi đậu trên một chiếc ghế dài, Giải Phóng nhón chân bước qua.

Chiếc đập ruồi trong tay vừa chuẩn bị hạ xuống thì ruồi kia lại vo ve bay lên, lát sau đáp xuống chân của một chiếc ghế khác.
Giải Phóng tính toán, góc này khá là khó đập, bèn vẫy vẫy đập ruồi cho nó bay lên.
Con ruồi tuy to lớn mà rất linh hoạt, bay tới bay lui nhưng không chịu đáp xuống, Giải Phóng vội vã đến mức đầu đầy mồ hôi.
Cuối cùng ruồi ta chắc là mệt rồi, đậu lại trên mặt đất.
Giải Phóng khom lưng đi qua, vừa định vụt đập ruồi xuống thì nào ai ngờ có kẻ còn nhanh hơn nó, ‘bép’ một tiếng, con ruồi đã nằm im bất động.
Lửa giận của Giải Phóng bùng lên, thằng này được lắm, dám cướp ruồi trên tay nó? Giải Phóng ngẩng đầu lên, gân xanh trên trán giật giật, mắt trợn càng thêm tròn, giống như một chú sư tử nhỏ đang xù lông vậy.
Đưa mắt nhìn, là một đứa trẻ thấp hơn nó chừng nửa cái đầu.
Thằng nhóc gầy guộc, hai tay sau lưng cầm một cái đập ruồi.

Đó là kiểu đập ruồi được cắt từ bìa cứng, bên trên có đục rất nhiều lỗ rồi dùng dây buộc lại một đầu vào chiếc cọc tre mảnh.
Trông Giải Phóng tức giận bừng bừng, đứa nhỏ kia cười khì khì, răng bị rụng mất một chiếc, nụ cười ấy khá khiến người ta thương yêu.
Là một tên nhóc khi không cười thì an tĩnh, cười lên thì khá vui mắt.
Giải Phóng cũng chẳng biết tại sao, cơn giận chốc lát đã xẹp biến.
Ai ngờ đứa trẻ kia ngồi xổm xuống, dùng đập ruồi giấy nhặt con ruồi kia lên rồi đưa đến trước mặt Giải Phóng, bảo: “Cho cậu.”
Giải Phóng mở hộp bánh quy, đứa trẻ đó thả ruồi vào.
Giải Phóng đóng nắp lại rồi ngẩng đầu hỏi: “Cậu là ai? Sao tôi chưa từng thấy cậu?”
Đứa trẻ nói: “Tôi là Tưởng Ái Quân, tôi với mẹ đến giao nước tương.”
“À, “ Giải Phóng nhớ ra ban nãy lúc vào nhà ăn có thấy một cái xe đẩy nhỏ, trên xe có một cái thùng lớn thoang thoảng mùi mằn mặn ướt át, trên xe còn có dòng chữ màu đỏ: ‘Nhà máy nước tương đường Hồng Tinh’.

Đúng rồi, hôm nay là ngày họ giao nước tương cho nhà ăn bộ đội.
Hai đứa trẻ đánh giá lẫn nhau, lúc này có tiếng phụ nữ vang lên: “Ái Quân, Ái Quân ơi!”
“Dạ, mẹ ơi, con ở đây.” Đứa trẻ cất giọng lanh lảnh đáp lại.
Người phụ nữ đi tới, trên người mặc một chiếc tạp dề loang lổ vết nước tương nâu sẫm.


Mái tóc xù, khuôn mặt thanh tú, kéo tay Ái Quân dẫn nó đi.
Giải Phóng đuổi theo: “Này Tưởng Ái Quân, cậu có chơi thẻ bài không?”
“Có chứ!” Ái Quân quay đầu lại, cười tít mắt đáp.
Người phụ nữ kia nghe thấy có đứa bé nói chuyện với con trai mình bèn đứng lại, mỉm cười nhìn Giải Phóng.
Hai mẹ con có nụ cười thật giống nhau, sạch sẽ thoải mái đem lại cho người ta một cảm giác ấm áp.
Giải Phóng nói: “Tôi là Úc Giải Phóng, tôi sống ở đây.

Lần sau cậu lại đến chơi nhé!”
“Ừ!” Ái Quân nhỏ vừa cười vừa đi lùi, vẫy vẫy đập ruồi giấy trong tay, tựa như cử chỉ tạm biệt.
Đó là lần đầu tiên Giải Phóng và Ái Quân gặp nhau.

Vốn là hai đứa trẻ ngăn sông cách núi, ấy thế mà từ giây phút này, sợi dây sinh mệnh bắt đầu đan xen và quấn quít mãi về sau.
3.
Phía sau quân khu là một con hẻm chật hẹp, vốn gọi là hẻm Ruột Dê, nhưng mọi người đều gọi nó là hẻm Ba Mùi.
Ở ngoài cùng con hẻm là một tiệm trút lông đầu heo, cái bếp đen sì to đùng ở ngay đối diện cửa ra vào, trên bếp là chiếc nồi sắt khổng lồ với đầy nhựa đường nóng hừng hực.
Thả đầu heo đen nhẻm vào, lúc lấy ra thì biến thành màu đen như mực, để nguội một lát rồi xé toạc lớp nhựa đường đã khô được một nửa ra, lớp lông mịn đen trên đầu heo cũng theo đó mà rụng xuống, để lộ phần thịt trắng nõn.

Cái mùi đó khỏi phải nói là hăng nồng khó chịu thế nào.

Đi vào trong một chút thì có một nhà vệ sinh công cộng, lại vào trong chút nữa là nhà máy sản xuất nước tương đường phố mà mẹ Ái Quân ở.

Trong không khí nồng nặc mùi mằn mặn ướt át.
Cái tên hẻm Ba Mùi cũng từ đó mà ra.
Con hẻm chật hẹp lại dài và sâu, đi mãi vào bên trong mới là nhà ở.
Giải Phóng chạy như bay vào hẻm Ba Mùi, đến trước của một đại tạp viện, khum tay thành hình cái loa gọi với vào trong: “Tưởng Ái Quân, ra đây chơi đi.

Tưởng Ái Quân, mau ra chơi nào!”
“Ơi!” Bên trong ngay lập tức có tiếng đáp lời, sau khi tiếng bước chân lạch bạch vang lên, Ái Quân chạy ra.
Trong ký ức của Giải Phóng, Ái Quân nho nhỏ luôn mặc khố quái (*) rộng đến kinh người.

Quần áo rõ ràng là của người lớn, vải mỏng dính, tay áo cắt may cẩn thận được xắn lên gọn gàng, ống quần cũng vậy, nhưng phần eo lại không được chỉnh khiến Ái Quân trông giống như một con rối vải.
Khố quái

Tóc Ái Quân cắt ngắn tủn, nhưng sau đầu để lại một nhúm tóc dài mềm mại, đó là tóc máu (*).
Tóc máu
Giải Phóng từng nghe bà nội bảo, đứa bé trân quý trong nhà mới để lại tóc máu này.
Cũng phải, Ái Quân là con một mà.
“Giải Phóng, Giải Phóng ơi.” Ái Quân thân mật gọi.
Đến mẹ Ái Quân cũng thấy kỳ lạ, con trai mình từ bé đã chẳng mấy thân thiết với đám trẻ đồng trang lứa, kể cả là con nhà họ hàng thì thằng bé cũng chỉ qua loa một hai câu rồi chạy sang một góc chơi một mình, ấy vậy mà sao lại hợp ý với thằng nhóc mới gặp mấy lần này thế không biết.
Giải Phóng véo véo chùm tóc mịn sau đầu Ái Quân, bảo: “Tôi đưa cậu đi xem yêu tinh nhảy múa.”

Ái Quân nhướn mày ngạc nhiên.
Mắt nó tròn tròn ở đầu gần cánh mũi, đến đoạn đuôi mắt thì lại dài và mảnh, nghiêng nghiêng hất lên, tựa như hai chú nòng nọc, trông rất vui.
Giải Phóng giơ hai ngón tay, ấn vào đuôi mắt mình rồi kéo lên, bắt chước bộ dạng ngạc nhiên của Ái Quân rồi cười như điên.
Cười xong bảo: “Không lừa cậu đâu.

Thật sự đáng xem lắm.

Đi nào.” Dứt lời, kéo tay Ái Quân chạy ra khỏi hẻm.
Quần áo Ái Quân rộng, giày trên chân cũng vậy nên lạch bạch chạy không nhanh nổi.
Giải Phóng dứt khoát dừng lại cởi giày của nó, rồi quay lại cởi luôn giày và tất của mình.

Dù sao thì đang là mùa hè, đi chân trần mát mẻ đến lạ.
Hai đứa trẻ cùng nhau lon ton chạy vào một ngôi trường cấp hai.
Đó là trường của Kháng Mỹ – con gái một chiến hữu của bố Giải Phóng, trường này được xây dựng lại từ một trường cấp hai dạy học trước giải phóng, vẫn giữ lại hành lang dài kiểu Châu Âu, râm mát thông thoáng.
Giải Phóng kéo theo Ái Quân khe khẽ đến dưới của sổ của một căn phòng lớn, dẫm lên viên gạch rồi ngó đầu lên thăm dò.
Căn phòng rất rộng rãi, dưới sàn trải một tấm thảm mỏng màu xanh nhạt cũ kỹ.

Bốn phía có gióng múa bằng gỗ cùng một tấm gương ở bức tường đối diện.
Hơn chục thiếu nam thiếu nữ đang học khiêu vũ, dáng người các cô gái xinh đẹp lạ thường, uyển chuyển xoay tròn, cơ thể mảnh mai chưa phát triển phô ra những tư thế mềm mại khác nhau, cho đến khi nam nữ nắm tay nhau, nét mặt của những đữa trẻ trở nên vô cùng nghiêm túc.
Một cô gái lớn hơn trong đó vỗ tay hô dừng: “Không được! Các cậu làm gì mà cứng đơ vậy? Cứ như hai khúc gỗ không bằng, thế thì làm sao mà thể hiện được sức trẻ dồi dào của thanh thiếu niên xã hội mới chúng ta?”
Các cô gái không vui bảo: “Vậy phải nhảy thế nào, cậu làm mẫu đi.”
Cô gái lớn hơn kia là chị của Giải Phóng – Kháng Mỹ.
Chị tiến lên một bước, nắm tay người con trai thấp hơn mình nửa cái đầu ở một bên, ngẩng đầu vặn eo rồi bày ra một tư thế, “Như này…”
Giải Phóng và Ái Quân dán vào cửa thủy tinh, hai cái mũi nhỏ cũng bị ép tới bẹt ra.

Nhìn thấy động tác của chị gái, Giải Phóng nhịn không được mà cười lớn, bị chị phát hiện rồi ‘hừ’ một tiếng, Giải Phóng liền kéo Ái Quân cùng ngã xuống bãi cỏ dưới cửa sổ, hai đứa ôm nhau cười lăn lộn, tựa như hai chú chó nhỏ.
Giải Phóng nói: “Yêu tinh nhảy múa đó, không lừa cậu ha.”
Ái Quân đang vật lộn với bộ quần áo như cho người béo phì của mình, khó khăn lắm mới thò tay chân ra được.

Nó dán người vào thảm cỏ mát lạnh, đạp đạp hai cái bảo: “Anh Giải Phóng ơi là anh Giải Phóng, tôi cười tới đau cả bụng rồi, mau xoa cho tôi.”
Giải Phóng giơ tay qua vén áo nó lên, nhẹ nhàng xoa xoa bụng.

Sau đó nó kéo Ái Quân dậy, học theo các anh các chị, lôi Ái Quân nhảy cùng.

Nhảy chưa được mấy bước thì chân hai đứa đã vướng vào nhau rồi cả hai ngã chổng vó.
Suốt cả mùa hè, Giải Phóng và Ái Quân đều dính lấy nhau, Giải Phóng dần dần đá những đứa nhóc chơi cùng khác đi, chỉ tập trung chơi với Ái Quân.
Hai đứa trèo cây lội suối, làm súng cao su, chơi bắn bi, đập thẻ bài, thậm chí buổi tối còn chạy đến ngôi miếu đổ nát để ‘xem quỷ’.

Đầy nắng đến mức đứa nào đứa nấy đen nhẻm như cục than.
Khi mùa hè trôi qua, Giải Phóng lại cao thêm nửa cái đầu, Ái Quân cũng cao hơn nhiều, đôi mắt nòng nọc cũng sáng hơn, tựa như ngọc lưu ly đen.
Hai đứa trẻ đều phải đi học rồi.
4.
Ái Quân và Giải Phóng học cùng một trường.

Ngôi trường có một cái tên rất tao nhã – Tư Viễn.
Đây vốn là trường dành riêng cho con em cán bộ bộ đội, Ái Quân không thể vào học.

Nhưng Giải Phóng quấn lấy mẹ, đòi mẹ nghĩ cách.


Mẹ cũng muốn bên cạnh Giải Phóng có một người bạn có thể cùng nhau chơi vui vẻ, bèn đích thân chạy tới trường học một chuyến rồi gặp hiệu trưởng xử lý chuyện này.
Giải Phóng và Ái Quân tay nắm tay cùng bước vào cổng trường.

Giải Phóng đeo chiếc cặp quân dụng màu vàng đã bạc phếch, còn của Ái Quân thì được mẹ tự may cho bằng tấm vải xanh mới, ở góc còn thêu một chú chim bồ câu trắng nho nhỏ.
Giải Phóng kéo Ái Quân vào lớp một – hai, hai đứa trở thành bạn cùng bàn như một lẽ tự nhiên.
Ngày đầu tiên đi học, đám trẻ cảm thấy thích thú và mới lạ không chịu được, đứa nào đứa nấy lưng thẳng như tấm thép, chỉ sợ cô giáo không nhìn thấy mình.
Sau khi ngồi xuống một lúc, chú khỉ nhỏ hiếu động Giải Phóng bắt đầu khó chịu, nó cúi lưng, hai chân gác lên chân ghế của bạn học ngồi trước.
Người ngồi trước vừa hay là Trần Đại Quân, liên tục quay đầu lại làm mặt xấu với Giải Phóng.
Cô giáo yêu cầu lấy bút chì ra tập viết, Giải Phóng mở hộp bút lấy bút chì ra, ‘phạch’ cái đóng nắp hộp; viết được vài ba chữ lại mở hộp bút lấy ra một cục tẩy, đóng hộp bút lại, hì hục tẩy xóa rồi tiếp tục mở hộp bút bỏ cục tẩy vào, lại đóng hộp bút cái ‘phạch’.

Một loạt hành động như vậy khiến người ta hoa cả mắt, Ái Quân mở to đôi mắt nòng nọc ngẩn tò te nhìn nó.
Giải Phóng phát hiện hộp bút của Ái Quân ấy thế mà lại là một chiếc hộp giấy hình chữ nhật, giống như vỏ của một đồ vật gì đó, bên ngoài được dán một lớp giấy trắng phẳng phiu.

Trái tim nhỏ bé của Giải Phóng chẳng biết sao lại khẽ đau, nó đảo mắt nói nhỏ: “Ái Quân ơi, tôi thích hộp bút của cậu, hai đứa mình đổi nhé.”
Ái Quân lắc đầu như trống bỏi: “Của cậu là mới còn của tôi là làm bằng giấy thôi, tôi không muốn đổi.”
Giải Phóng bảo: “Tôi thích cái của cậu, bởi vì lúc đóng lại không phát ra tiếng.

Cô giáo đã nhìn tôi mấy lần rồi, sắp phê bình tôi đến nơi.

Thôi, đổi cho tôi đi Ái Quân.”
Ái Quân: “Ừ, vậy được rồi.”
Thế nên Giải Phóng động thủ, đổ hết đồ trong hộp bút của hai người ra bàn rồi nhanh tay để lại.
Một màn này cuối cùng cũng khiến cô giáo chịu hết nổi.
Ngày đầu tiên đi học, Giải Phóng đã bị phê bình, yêu cầu ở lại sau giờ học.

Ái Quân cũng không được về, đứng cùng Giải Phóng ở hành lang ngoài văn phòng giáo viên.
Hai đứa nhỏ đứng ngán ngẩm, quay người tựa trán lên tường, mát lạnh.
Ái Quân nói: “Kiến kìa.”
Giải Phóng cũng vui mừng “Kiến kiến.”
Hai con kiến một trước một sau, chầm chậm bò dọc theo bức tường.
Giải Phóng giơ ngón tay ra làm thành chiếc cầu vòm cho lũ kiến chui qua bên dưới.
Ái Quân bắt chước nó, cũng duỗi ngón tay dựng một chiếc cầu.
Ái Quân nói: “Kiến Giải Phóng.” Lại chỉ con nhỏ hơn: “Kiến Ái Quân.”
Giải Phóng bảo: “Không đúng, không đúng.

Cậu biết không, trong đàn kiến lợi hại nhất là kiến thợ nhỏ con đó.

Nó có thể bảo vệ các kiến khác.” Nói xong chỉ con kiến nhỏ hơn, “Đây mới là kiến thợ Giải Phóng.

Tôi bảo vệ cậu, Ái Quân.”
Cô giáo đi ra, Giải Phóng không nói gì nữa, mở to đôi mắt tròn nhìn cô giáo trẻ trung với hai bím tóc nhỏ.
Ái Quân ngoan ngoãn chào cô, nói: “Cô ơi cô, chúng em sai rồi ạ.”
Cô giáo xoa đầu Ái Quân, rồi lại xoa đầu Giải Phóng: “Được rồi, cho các em một cơ hội.

Cơ mà ngày mai cô muốn các em phải ngồi tách nhau ra.”
Giải Phóng gấp gáp: “Em không chịu đâu cô ơi.

Em muốn ngồi cùng Tưởng Ái Quân, em đảm bảo sẽ không ngọ nguậy nữa.”.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương