Tùng nghi hoặc nhìn con bé mặt non choẹt, không cần tiền không cần cưới vậy nó cần cái gì? Chẳng lẽ qua một đêm mà nó mê say cái cơ thể hết sảy này sao.

Nghĩ vậy, không nhịn được nhếch môi cười mãn nguyện.
Mi nhìn điệu bộ của ông chú kia chỉ muốn đạp vài phát.

Cô thừa đọc được suy nghĩ trong cái đầu già kia là gì.

Cô nén giận quay sang mẹ và mấy người trong làng.
– Tục ngủ thăm có thật nhưng nếu trai gái qua một đêm không ưng nhau thì vẫn có thể xem xét lại.

Con và chú này cần nói chuyện đã, mọi người cứ ra ngoài đi rồi con sẽ thông báo sau.
Bà Vông nghiêm mặt nhìn con gái, nó nói không ưng nhau là thế nào, đã chung chạ với nhau một đêm không thể cứ nói không ưng là không được.
– Nhìn hai đứa thế này nói không có chuyện gì đêm qua ai tin hả con?
– Mẹ cứ ra ngoài đi.

Con sẽ nói chuyện sau.

Không có chuyện người này đi dễ dàng được.

Mẹ phải tin con chứ!
Bà Vông và mấy người bực bội đi ra ngoài.

Mi quay sang Tùng.
– Chú xuống dưới ngõ chờ tôi, tôi muốn thỏa thuận.
– Không làm gì được tôi đâu, đừng có cố.
– Chú muốn tôi đâm đơn kiện ngay bây giờ thì cứ việc, tôi sống ở bản làng chứ không phải robinson ngoài đảo hoang.
Tùng nghẹn họng, nghĩ đến cái giọng lảnh lói và mấy cục u trên trán lần đầu tiên gặp nó dưới suối mà rùng mình.

Để xem con bé này nó muốn làm gì, trứng đòi khôn hơn vịt sao.
Mi vội đóng cửa lại, rút cái danh thiếp nhét dưới đệm nhìn chằm chằm vào cái tên Ó Homestay.

Suy tính một lúc vội vàng bấm điện thoại cho đứa bạn thân.

Anh ta đã khiến cô mang tiếng với cả làng thì vài đồng tiền có thể mua lại danh dự được sao.

Mi nghe điện thoại một lúc, lẩm nhẩm đọc thuộc trong miệng rồi vội vàng thay quần áo, cho vào túi nilon mấy cái áo của Tùng rồi đi ra đầu ngõ.

Nhìn điệu bộ nhởn nhơ chân đá ống bơ của anh ta cảm giác ghét dâng lên tận não.

Ngay từ lần đầu gặp mặt dưới suối đã biết con người không đứng đắn.
– Chú đã ở trong phòng tôi, những dấu vết trong phòng và trên người tôi đủ cấu thành tội phạm.

Chú không đồng ý lấy tôi ok thôi, nhưng chú phải đền bù tổn thất.
– Này con bé kia, tổn thất cái gì, mất cọng tóc nào hả?
– Tôi nói chưa hết chú nhảy vào họng tôi ngồi là bất lịch sự đấy.

Chú tên Tô Tất Tùng, cầm tinh con Mão đầu chữ Đinh.

Mỗi tháng chú đổi 1 chị gái, chú đồng sở hữu Ó homestay cùng một người nữa là Joe Phạm.
Tùng trợn mắt không thể nào tin nổi.

Con bé này có phải con ma không, tại sao có thể biết tường tận tên tuổi chỗ làm của mình được.

Có vẻ nó nghiên cứu con mồi rất kỹ càng.

Anh bỗng có cảm giác đề phòng, nói gì thì nói không phải địa phận của mình không thể chủ quan được, hơn nữa dân tộc thiểu số lại rất nhiều tục lệ ma quái.
– Nói nhanh đi, dài dòng!
– Ok, vuông vắn thế này.

Tôi muốn chú sắp xếp cho tôi một công việc part-time sau giờ học và cuối tuần ở Ó Homestay.
– Cái gì? Cô đùa hả?
– Tôi ghi âm hết lại lời chú nói từ lúc nãy rồi.


Tôi cũng đã chụp lại hình ảnh sáng nay, cộng với việc chú đã từng nhìn trộm tôi và chị gái tôi tắm dưới suối.

Việc này có người thứ 3, thứ 4 chứng kiến, chú muốn lên xã cứ việc làm theo ý mình.
Tùng nhếch môi mỉa mai, hoá ra là cần việc làm.

Được lắm, cho nó kiện ra toà, xem làm cái gì được.
– Cứ việc, đằng nào cũng nổi hơn một tí ở cái đất này thôi Dớn rừng ạ.
– Chú cứ suy nghĩ cho kỹ, tôi cho chú 1 ngày.

Đây là số điện thoại của tôi.
Mi chẳng nói thêm dài dòng, cô bé chìa ra một tờ giấy nhỏ ghi số điện thoại rồi quay ngoắt vào nhà.

Tiện tay hái một bông hoa bưởi đưa lên mũi hít hà, cảm thấy sáng nay thời tiết thật là dễ chịu, cứ như mùa xuân hoa nở là vì có mình trên đời.

Cô không muốn ngủ thăm một chút nào, học còn chưa hết phổ thông.

Sự việc gây hiểu nhầm có thể cũng là một cơ hội để trai làng không còn có ý định dòm ngó nữa.

Nếu ông chú kia đồng ý điều kiện thì cô lại có một công việc làm thêm, chẳng phải quá tốt hay sao.
Bà Vông đứng ở sân, nhìn cái điệu bộ nhởn nhơ của nó chắc mẩm con bé này đã kiếm được chồng ngon, bà vồ vập hỏi.
– Thế nào, nó thế nào hả.

Bao giờ đặt lễ.
– Thả cho về rồi, cưới xin gì loại người đó.
– Trời ơi con ơi, sao mà ngu dại thế.

Cả làng đã đồn ầm lên mày có trai ngủ thăm giờ nó không lấy thì chó nó rước một đứa đã lang chạ với trai hả.
– Lang chạ nào, chưa có gì xảy ra.

Chú kia say có biết trời đất gì đâu, nôn hết vào người con, con phải lấy tạm áo mặc đấy chứ.

Mẹ bày ra cái trò khóa cửa ngoài con mới bị tiếng như thế, không thì con đã đạp người ta ra khỏi cửa từ đêm qua rồi.

Bực mình, giờ phải lên dọn dẹp phòng nữa, còn đống bài tập tết.
– Mày thấy mấy đứa học cao ở cái bản này rồi cũng đi làm nương cắt cỏ cả không hả.

Mày có biết nhà mình không còn một đồng không, con Mai lấy chồng xa, mẹ thì đã già cả sức đâu mà làm lụng nuôi mày học hành.

Học xong tiền đâu mà xin việc, cái con chữ có mài ra mà ăn được không? Mày có biết 1 tháng mẹ phải cắt thuốc hết bao nhiêu tiền không?
Mi thở dài, nhìn mẹ chống lưng đi vào nhà bất chợt nghẹn ngào dâng lên cổ.

Bố đã mất sớm, chị gái thì đi lấy chồng, đúng là mẹ cô không còn sức để làm lấy tiền cho cô ăn học nữa.

Mi học dưới trường PTTH dân tộc nội trú, cuối tuần được nghỉ cũng tranh thủ chạy bàn cho quán ăn để có tiền sinh hoạt và mua thuốc cho mẹ nhưng cũng không đủ.

Chị gái vì không được học hành lấy chồng từ năm 17 tuổi cả ngày chỉ cắm mặt vào đồng ruộng.

Nếu lại như chị thì tương lai cũng khổ vậy thôi.

Mi rất thích học, không đam mê gì bằng con chữ.

Cô muốn trở thành một cô giáo, vào những bản làng xa xôi để dạy học.

Chỉ còn một cách được vào chỗ kia làm thêm mới mong có thể yên tâm học tiếp.
(Truyện thuộc bản quyền tác giả Miên Lam, Lam Trần)
***
Tùng đi về homestay, mệt rã rượi thả người xuống ghế ư.

Tết với nhất rượu chè mệt hết cả người ngợm, cái loại rượu San Lùng trong bản cay xé nhưng lại nồng đượm khó cưỡng nên mới gây ra cớ sự như đêm hôm trước.

Tùng đưa tay sờ cánh môi sưng vều lên như bị ong đốt, vẫn còn hơi ran rát từ vết cắn của con bé ranh con, anh lẩm bẩm “con nít khôn lỏi”.


Bé tí tuổi chẳng khác nào con hổ rừng, không phải nói nó là con báo gầm mới đúng.

Lần nào gặp không xây xước mặt mày cũng tổn thọ với nó.
Mắt anh loé lên, vội lôi máy ảnh từ trong hộc bàn ra, lấy thẻ nhớ cắm vào laptop, vừa nhìn ảnh vừa hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp con bé.

Lần đầu tiên anh đi xuyên rừng cùng một người bạn vào bản.

Lúc về qua một con suối thì bắt gặp cảnh sơn nữ tắm tiên mới dừng lại ngắm nhìn và chớp vài kiểu ảnh.

Anh đã chụp trộm mấy tấm ảnh lưng trần của con bé Dớn rừng rồi bị nó phát hiện.

Nó ném cho u cả đầu mấy ngày mới xẹp.

May mắn còn mấy bức này định mang đi dự thi quốc tế mà công việc bận quá để lãng quên.

Không ngờ đêm qua gặp lại con bé Dớn rừng đanh đá.

Đúng là của nợ, hễ cứ đụng mặt là có chuyện.
Tùng bỗng nâng môi cười, mấy tháng không gặp dường như nó lớn hơn một chút.

Nhưng cái sự chanh chua cũng theo cấp số nhân, hẳn là đã đào được thông tin của anh từ lần đó, khá khen cho sự thông minh lanh lợi.

Anh bấm điện thoại gọi quản lý giao việc.
Anh cảm thấy cực kỳ hả hê khi tưởng tượng ra cảnh con bé tưng tửng mồm mép kia phải đi giặt đồ, lau dọn vệ sinh buồng phòng.

Xem thử nó có làm được không mà dám ra điều kiện với anh.
***
Mùng 6 Mi xuống trường đi học với một tâm thế vô cùng thoải mái, bà Vông làm cho con mấy hộp lạc vừng, thịt trâu khô lạp xưởng gác bếp.

Bà cằn nhằn.
– Con với cái, đã không cưới được thằng nào cho tử tế lại còn đòi học hành.

Mẹ không đỡ đần gì được lại phải căng lưng ra để làm thêm.

Mày có thấy khổ không con.
– Mẹ đừng lo, con sẽ có việc làm thêm mà.

Kỳ vừa rồi con suýt được học bổng, kỳ này chắc chắn con sẽ lấy được phần thưởng.

Học dễ ẹc còn khỏe hơn là đi làm nương làm rẫy ấy.
Bà Vông đứng trước ngõ nhìn con gái vác một ba lô to quá đầu mà rớt nước mắt.

Bà không phải người dân tộc thiểu số, dưới xuôi vợ chồng không làm ăn gì được lên đây đào đá đỏ mong đổi đời.

Đào được tí đá đỏ thì nó mất giá lỗi thời, vậy là đá đỏ chỉ còn để trưng.

Nhà không còn của nả gì nữa.

May mắn được hai đứa con gái đứa nào cũng chăm ngoan, tiếc là không có tiền để cho con ăn học đàng hoàng.

Bà thương con lắm, cũng muốn cho nó học hành tử tế nhưng cái nghèo đeo bám, ăn từng bữa còn phải vào rừng hái rau xuống suối bắt cá.

Nương rẫy già cả không làm được không đào đâu được ra tiền.
Mi xuống đến ký túc xá, cất đồ đạc vào ngăn tủ xong xuôi thấy con bé Trà ôm đống khăn đi vào.
– Tết nhất không nghỉ được một hôm à? Đưa đây tao gấp với, làm thông tết luôn sao?
– Thì tết nhất mới nhiều khách du lịch mua hàng, tao ôm về tranh thủ xếp lại.

Kể đi, chỗ kia sao rồi, có được đi làm không?
– Tao không biết, tự dưng chiều hôm đó thấy có người bên đó gọi bảo ra tết đi làm.


Chắc là ông kia thấy tao nắm lý lịch kinh quá.

Mày biết lương đó bao nhiêu không, tao có được làm bán hàng như mày không nhỉ.
– Lương được 3 triệu thì bà Huệ quản lý trừ gần hết.

Đi muộn 1p trừ 50 ngàn, phục vụ chậm 100 ngàn, đồng phục nhăn 100 ngàn.

Tan học hôm nào cũng muộn, chạy đến không kịp trừ còn dưới 2 triệu đây.
– Bà sếp ở đó khó lắm à?
– Đi làm rồi biết!
Mi bỗng cảm thấy hồi hộp, tò mò xen lẫn lo lắng.

Cô cũng thường đi làm thêm nhưng chỉ là chân phục vụ chạy quanh cho người ta sai vặt, hoặc cao hơn là đứng bán đào tết.

Bây giờ nghe bạn kể quy tắc quy củ vậy cũng có chút rón rén.
– Trà, vậy… ông kia… khó tính không?
– Có mấy chủ cơ, ai cũng còn trẻ.

Tao không làm việc trực tiếp với ông ấy không biết.

Tuỳ bộ phận làm với người nào thôi.

Sợ gì, mình cứ làm tốt việc của mình là được.

Nhưng ông chú kia thì mỗi tháng thay một cô, toàn các chị xinh gái.
– Kệ chứ mình cứ làm việc lấy tiền thôi.

Tao mang ở quê lên nhiều đồ lắm, mình ăn đi, chiều học xong tao với mày đến homestay.

Còn về học tiếng Anh nữa, kỳ vừa rồi suýt rớt học bổng vì điểm tiếng Anh kém.
Một nữ sinh khác đi vào, gương mặt ưa nhìn ăn mặc chải chuốt liếc xéo sang đống đồ ăn trên giường Mi mỉa mai.

Hạnh nhíu mày đuôi mắt nhếch lên.

Nó nhìn chăm chăm hai con bé trên giường bên kia nghĩ lời con Trà nói.

Hai con nghèo mạt rệp kia lại có thể xin được chỗ nào làm?
Trà kéo Mi đi vào sảnh homestay.

Nói là homestay nhưng quy mô không kém khách sạn là mấy.

Lần đầu tiên đi xin việc làm ở một chỗ chuyên nghiệp thế này, cô bé hơi run.

Mi lấy hết can đảm gõ cửa.

Nghe tiếng “vào đi” lạnh như đá tim nẩy lên mấy nhịp.

Một chị gái khá trẻ, gương mặt trang điểm kỹ càng ngẩng đầu lên thấy Mi nhíu mày.
– Cô là ai?
– Em chào chị.

Em là Chử Họa Mi, hôm qua em có nhận được điện thoại nói đến nhận việc ạ.

Đây là lý lịch của em.
Huệ chỉ liếc qua vỏ bìa hồ sơ, tiếp tục nhìn vào máy tính thủng thẳng nói.
– Cô đến kho, báo với thủ kho lấy 2 bộ đồng phục, từ ngày mai sẽ dọn dẹp vệ sinh.
Mi trố mắt ngạc nhiên.
– Dọn vệ sinh sao?
Huệ nhìn thái độ ngạc nhiên của con bé nhếch một bên miệng.
– Còn làm cái gì nữa.

Cô bao nhiêu tuổi, bằng cấp có không? Muốn làm cái gì?
– Chị… Em có thể bán hàng.

Em vẫn đi bán hàng tết và chạy phục vụ ở quán ăn.
– Cô tưởng bán hàng ở đây muốn là làm được sao? Cô không có một tí kiến thức nào thì chỉ có thể chạy bàn hoặc lao công chứ làm được gì.
Mi mừng rỡ, chạy bàn với lao công thì cô quen rồi, với lại công việc này giờ giấc sẽ linh động.
– Em còn đi học nên có thể làm ngoài giờ.

Chị có thể cho em xin làm nhân viên vệ sinh và chạy bàn từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối, chiều thứ 7 và cả ngày chủ nhật được không ạ.


Em hứa sẽ cố gắng làm việc thật tốt không để khách phàn nàn.
– Ok, đi làm việc đi.
– Chị ơi… cho em hỏi về mức lương ạ?
Huệ nhìn con bé mặt non choẹt, mới buổi đầu còn yêu cầu đòi hỏi này nọ chướng cả mắt ừ một câu lạnh nhạt.
– 2 triệu.

Đi muộn trừ 100 ngàn, để khách phàn nàn trừ 200.

Vi phạm 4 lần 1 tháng trừ 50% lương.
Mi cảm thấy chỗ này lương còn thấp hơn cả đứng bán đào tết nhưng nhìn nét mặt không mấy hoà hảo của chị quản lý không dám đòi hỏi.
Mi tìm đường đến kho, được một cô trung tuổi hướng dẫn cách giặt sấy là hơi ủi đồ phơi phóng.

Mi vừa học làm vừa nhẩm tính trong đầu.

Công việc này không cần suy nghĩ cũng không mấy vất vả, lại không tiếp xúc với khách coi như đỡ phiền.

Cái Trà ban đầu cũng làm công việc này rồi mới lên bán hàng, hy vọng mình cũng sẽ được như thế.

Nghĩ vậy, cô hăng hái gấp khăn phơi phóng, hít hà mùi thơm của nước xả vải, cảm thấy mùi hương này đúng là mùi của không gian sạch sẽ và thư giãn, thậm chí còn thấy ảo giác phát ra mùi tiền.
Tùng khoác áo gió cầm chìa khoá xe vội vàng về homestay.

Mùa xuân ở miền sơn cước mới đúng là xuân.

Hoa đào, hoa mận, hoa lê bung nở khoe sắc trên những ngôi nhà trình tường, trên mái ngói rêu phong.

Văng vẳng dưới thung lũng tiếng khèn Mông lúc chơi vơi khi cao vút như lời tình tự sâu lắng khiến cả tâm hồn cũng rạo rực theo.

Chẳng biết từ lúc nào anh cảm thấy không thiết tha về đồng bằng nữa, chỉ muốn rong ruổi đất trời với gió và mây trên đỉnh núi này.
Anh bước qua ánh lửa trại bập bùng giữa sảnh homestay, bỏ mặc ánh mắt ngước nhìn của những cô gái trẻ đi về khu giặt giũ, thấy bóng lưng nhỏ nhắn quen mắt dừng lại.

Hình như hôm nay con bé Dớn rừng đến nhận việc, liệu có phải nó không nhỉ.

Anh đứng ở phía hành lang đối diện, tựa lưng vào tường nhếch môi cười khoái trá.

Để xem làm được mấy bữa, lũ trẻ bây giờ có mà ăn chơi nhảy múa chứ làm lụng được gì.
Mi chăm chú nhìn cô buồng phòng gấp khăn hình thiên nga rồi làm theo.

Gấp mấy lần con thiên nga vẫn không ngóc đầu lên nổi.

Thật bày đặt nga với ngỗng làm gì, đằng nào về phòng cũng lăn ra mà ngủ thôi.

Người giàu thật những thú vui không hiểu nổi.
– Cô ơi, cái này học bao lâu thì gấp đẹp được ạ? Cháu gấp xấu quá!
– Người như cô chắc cả năm mới thạo việc!
Nghe giọng nam trầm nhưng cố với lên cao, Mi giật mình ngẩng đầu lên.

Nhận ra ông chú già hôm trước suýt bĩu môi một cái nhưng phanh lại kịp.

Cô niệm chú trong đầu “ông chú là sếp, ông chú trả tiền lương”, cố nặn ra một nụ cười.
– Chào chú!
Tùng tức muốn ói máu.

Hôm trước nghe nó gọi chú chú cháu cháu mà hết hồn, vội vàng về cạo râu tóc sạch sẽ.

Bây giờ giao diện thế này mà nó vẫn dám gọi là chú thì mắt nó có vấn đề.

Này là nỗi sỉ nhục không thể nuốt trôi.
– Làm thì làm cho tử tế đi.

Đầu óc không tập trung thì làm thế nào được.
– Tôi vẫn đang làm đây chứ có nhìn đi đâu đâu ạ.
– Để đấy, đi vào đây.
Mi ngơ ngác nhìn sang cô buồng phòng.

Cô ấy cũng không hiểu gì, đưa mắt ra hiệu cô đi theo Tùng.

Mi thả khăn tắm đi theo người kia, cảm thấy dường như trời sắp sập rồi.

Nếu ông chú kia có tính cách nhỏ nhen để bụng thì chắc chắn cô sẽ bị trả đũa hôm nay.

Không thể khinh địch được, người kia hơn cô tận chục tuổi, kinh nghiệm đường đời khó mà đối phó lại..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương