Liêu Nhàn
-
1: Bán Đi Gia Sản
Phương bắc xuất đế vương, Giang Nam nhiều văn sĩ.
Ôn Chủy Vũ sinh ra tại đất Giang Nam, nơi nổi tiếng sản sinh ra nhiều văn nhân nhã sĩ.
Ông nội cô là Ôn Nho, tên hiệu Hồng Cô Lão Nhân, là một họa sĩ dành cả đời vẽ hoa điểu.
Bà nội cô trước đây là giáo viên dạy thanh nhạc cho một học viện nghệ thuật, sành về âm luật, cầm kì thư họa đều tinh tường.
Cái tên Chủy Vũ này là do bà nội đặt cho cô, được lấy từ năm âm "cung, thương, giốc, chủy, vũ" trong Ngũ Âm Bất Toàn(1).
Ngày cô chào đời thì mẹ cô cũng liền tạ thế, chính vì vậy mà hai bên nội ngoại đoạn tuyệt quan hệ.
Cô chỉ có thể ngắm mẹ qua những bức ảnh, những bức ảnh đã ố vàng, trong ấy có người phụ nữ Giang Nam dịu dàng thanh tú, mi mắt như họa, đôi ngươi như biết cười, bên cạnh là hoa quỳnh nở rộ thành đoàn đoàn cụm cụm, đầy cây đầy cành.
Cô lớn lên rất giống mẹ, chỉ là không dịu dàng ôn hòa bằng bà ấy, lại nhiều hơn mấy phần thanh tú cùng lạnh lùng.
Ba cô là một thương nhân, nghe nói lúc trẻ là một vị tài tử mạo hiểm lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh, sau này luôn khoe khoang mình là một doanh nhân tri thức.
Từ lúc Ôn Chủy Vũ bắt đầu biết nhận thức, trong trí nhớ của cô, ba vẫn luôn bận rộn chuyện xã giao, bên cạnh người nho nhã như ông trước giờ chưa từng vắng bóng những bóng hồng tri kỷ.
Khi cô còn nhỏ, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, ba bận, bóng hồng tri kỷ thay ông đi, trong sáu năm liên tiếp, bóng hồng cũng đổi thay, mỗi lần lại là một người khác nhau.
Bà nội nói những người đó đều là hồ ly tinh.
Sơn Hải Kinh - Nam Sơn Kinh(2) có ghi: "Núi Thanh Khâu có loài thú, dáng như hồ nhưng có chín đuôi, tiếng kêu giống trẻ sơ sinh khóc, có thể ăn thịt người, ăn được thịt nó thì yêu tà khí độc bất xâm".
"Ăn" về nghĩa chính là nuôi dưỡng.
Theo truyền thuyết kể, hồ tu nghìn năm mới được chín đuôi.
Họ Đồ San, tộc Thuần Hồ, tộc Hữu Tô vân vân đều lấy hồ ly làm vật tổ.
Hồ ly trong mắt cô là một thứ linh thiêng thần thánh.
Bọn họ, hình như chẳng dính dáng gì đến hồ.
Cô thích truyền thuyết về các thượng cổ thần, thích miên man suy nghĩ, thích vẽ ra một thế giới thần thoại khác biệt phàm tục ở trong đầu, thích mang nó họa lên giấy.
Lúc Ôn Chủy Vũ học sơ trung, trong giờ văn, cô trốn sau đống sách dày vẽ đằng xà, bị giáo viên dạy ngữ văn bắt được.
Giáo viên đó cầm lấy tập tranh của cô, tức giận mắng: "Em mà có thể thi đậu cao trung á, tôi dùng tay không chiên cá cho em ăn."
Cô lặng lẽ nhặt lại tập tranh của mình, lặng lẽ thi được thứ hạng cao nhất lớp từ dưới đếm lên, đành phải thi vào lớp năng khiếu nghệ thuật, ba cô lại tốn thêm một mớ tiền bù vào mấy điểm còn thiếu đó, để cô có thể học ở trường cấp ba trọng điểm của thành phố.
Năm cô lên ba, ông nội đã dạy cô cầm bút cọ, từ đó về sau Ôn Chùy Vũ chưa từng buông bút xuống.
Khi còn học tiểu học, cuộc sống mỗi ngày sau giờ học của cô là đều cầm cọ vẽ vẽ, sau này lại càng si mê hơn.
Ba năm sơ trung, cô vẽ hết ba năm.
Cao trung ba năm, ba năm qua cô cũng chỉ vẽ.
Học bốn năm đại học, cô vẽ suốt bốn năm.
Năm hai mươi mốt tuổi tốt nghiệp đại học cho đến hiện tại lại vẽ được thêm năm năm.
Cô đắm chìm trong thế giới thần thoại cổ xưa, cô mang nào núi, nào mây, nào gió, nào là bụi nước sương mù, nào là sơn lâm cổ thụ, nào là hoa, là cỏ, là sơn tinh yêu quái, thần yêu tiên ma ở trong đầu một bút phác họa lên mặt giấy.
Ông nội nói nét vẽ của cô rất có hồn, là người có thiên phú thích hợp theo đuổi con đường này.
Thật ra, cô chỉ đơn thuần muốn dùng cây bút ở trong tay vẽ nên thế giới trong tưởng tượng của chính mình, thần và hồn của cô đều ở tại nơi ấy, hết thảy mọi thứ trong thế giới này của con người đều giống như ánh sáng hòa quyện cùng bóng tối.
Cả đời ông nội cô vẽ hoa họa điểu.
Đến nay, ngoại trừ thi thoảng mua bán một ít cổ vật hay vẽ vài bức giao lưu qua lại với bè bạn, thường thức tác phẩm, phần thời gian còn lại ông đều ở nhà trồng hoa nuôi cá, bên trong ngôi nhà cổ theo lối kiến trúc đặc trưng thời Minh Thanh này còn được ông bày trí thêm một ít cảnh vật lâm viên, đủ để hưởng thụ cuộc sống an nhàn thanh thản của tuổi già.
Cô cho rằng mình có thể mãi sống cùng ông nội trong căn nhà này, chuyên tâm vẽ sơn tinh yêu quái của cô, không cần sầu lo vì cuộc sống.
Thế nhưng, đời lại tặng cho hai ông cháu cô một trò đùa to lớn.
Tháng trước, Ôn Thời Tập tiên sinh còn nói chỉ cần huy động thêm vốn thì có thể làm cho giá cổ phiếu của công ty tăng lên gấp vài lần, nghe nói giờ đã ôm theo tiền bỏ trốn.
Cô và ông nội, cả cô ba cũng không liên lạc được với ông ấy, chỉ có cô hai của cô nghe ngóng được chút tin tức, cô hai nói ba cô hình như đã trốn ra nước ngoài, nhưng rốt cuộc ở nơi nào thì lại chẳng rõ.
Ôn Chủy Vũ chưa từng hỏi đến chuyện làm ăn của ba mình, công ty xảy ra chuyện gì cô cũng không mấy rõ ràng, điều duy nhất cô biết chính là sau khi ba mình chạy mất, cửa nhà trước sau đều bị chủ nợ chặn kín, người ta đứng trước cửa nhà cô khóc, nói ba cô gạt sạch tiền dưỡng già bọn họ.
Cảnh sát cũng đến tận nhà, bảo ông ấy có liên quan đến chuyện tập trung vốn phi pháp, sợ tội nên bỏ trốn.
Lão tiên sinh tức đến nỗi thiếu chút nữa đập nát chiếc tách hoa điểu ông yêu thích nhất.
Ôn Thời Tập tiên sinh chạy rồi, coi như ba của tiên sinh là Ôn Nho lão tiên sinh cùng cháu gái Ôn Chủy Vũ tiểu thư phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ do Ôn Thời Tập tiên sinh bỏ lại.
Ôn Chủy Vũ miệt mài vẽ suốt hai mươi ba năm, đến hôm nay cũng xem như là có chút tiếng tăm, nhưng, tranh của cô trước giờ đều chỉ dành tham gia triển lãm và dự thi, một bức cũng không nỡ bán, người không có nguồn thu nhập như cô phải luôn dựa vào Ôn Nho lão tiên sinh và Ôn Thời Tập tiên sinh cấp dưỡng.
Ôn Nho lão tiên sinh, năm nay bảy mươi lăm tuổi, đã đến độ tuổi mà ngay cả con gái ruột cũng không dám cho ông vay mượn.
Ông cháu hai người gánh trên vai món nợ kếch xù của Ôn Thời Tập tiên sinh, chỉ còn mỗi cách bán đi gia sản.
Những công ty môi giới bất động sản, thương nhân am hiểu về đồ cổ nghe tin bèn lũ lượt kéo đến, còn chịu khó cần mẫn hơn cả chủ nợ.
Khoản nợ khổng lồ khiến ngôi nhà và tất cả những đồ vật bên trong nó đều bị treo giá, thậm chí bạn thân ngày trước của Ôn Thời Tập tiên sinh cũng đến ra giá với cô.
Nhân thế đổi thay, chẳng gì sánh kịp.
Người tiến vào nhà cô nườm nượp không dứt.
Đồ mà ông nội cô sưu tầm hơn nửa đời người, nội thất cổ gìn giữ từ thời Minh Thanh ở trong nhà, giường babu(3) của cô, chiếc trường kỷ la hán đặt cạnh cửa sổ, đàn tranh cùng giá đỡ đàn...!Từng món từng món đều bị người ta nhìn trúng, thương lượng giá, gói mang đi.
Ngay cả mười mấy con chim ông nội nuôi đã lâu treo ở hàng lang bên nhà, đồ cưới bà nội để lại cho cô làm của hồi môn đều không thể giữ lại.
Cứ lần lần lượt lượt liên tục như thế, chưa đầy một tháng, cả ngôi nhà to lớn không giữ nổi một chậu cảnh.
Nhà của Ôn Chủy Vũ giờ đây chỉ còn sót lại một căn nhà trống rỗng và một gian phòng chứa đầy tranh của cô, trước kia có người ra giá cao muốn mua thì cô không bán, bây giờ muốn bán, một bức cũng chẳng có ai mua.
Thế nhân đều săn đón danh gia, trước khi mua tranh phải xem chủ.
Đối với một họa sĩ trẻ tuổi chỉ có trong tay chứng nhận nghệ sĩ bậc ba cấp quốc gia và vài giải thưởng nho nhỏ, gia đình lại phá sản, chẳng đáng chú ý đến.
Những người đến nhà cô, không phải chủ nợ thì chính là người đến xem nhà.
Họ đều biết hoàn cảnh của gia đình Ôn Chủy Vũ, người muốn mua nhà đều ép giá đến mức rất thấp, không chịu thương lượng.
Mấy ngày này, lúc buôn bán đồ đạc trong nhà ông nội vẫn luôn mang cô theo bên mình, để cô đứng cạnh xem.
Hóa ra trong nhà vẫn coi như có chút của cải, cô cũng được xem như thành thạo một nghề, trừ việc vẽ ra cũng không còn yêu thích thứ gì khác, càng không có thói hư tật xấu gì, nghĩ, gia sản này hẳn đủ cho cô cơm no áo ấm sung túc cả đời.
Bây giờ trong nhà suy sụp, dùng lời của ông nội để mà nói thì chính là sau này cô phải tự dựa vào sức mình kiếm cơm sống qua ngày, khó tránh khỏi việc phải tiếp xúc với muôn hình vạn trạng người, từ giờ trở đi phải học hỏi nhiều hơn, quan sát nhiều hơn.
Cũng may, Ôn Chủy Vũ vẫn còn trẻ, sau này tiến bộ thêm chút nữa, hẳn sẽ tìm được cho mình một đường công danh.
Hơn mười giờ sáng, lại có thêm một nhóm người đến xem nhà.
Mưa xuân lất phất, như khói, như sương, như sợi bông mảnh.
Cơn mưa nhỏ tí tách chảy trên lớp ngói, đổ xuống vũng nước dưới hiên – nơi đọng lại những giọt mưa suốt bao năm bao tháng, làm tung tóe từng cụm bọt nước li ti.
Cây thông cây bách, hoa cảnh, bàn tròn ghế đá trong sân vườn đều bị đưa đi, bây giờ chỉ còn thừa lại hai chậu trúc kiểng không có giá trị.
Ôn Chủy Vũ đứng dưới mái hiên, nhìn ra màn mưa xuân rả rích, nhìn nước mưa nhuộm lên những cây trúc đùi gà(4) một màu xanh biếc lạ thường, cô loạn nhịp thất thần.
Ngôi nhà bao dưỡng cô từ thuở nhỏ, hôm nay sắp bị bán đi rồi, ngay cả khi cô muốn bản thân thôi để ý đến, thì trong lòng cũng khó tránh khỏi nghẹn ngào.
Dù cô không nỡ, ngôi nhà này cũng phải bán.
Dì Tôn là người giúp việc trong nhà từ khi cô còn bé tí đang đón mấy người đến xem nhà.
Cô quay đầu nhìn sang, liền trông thấy một nữ nhân khoảng chừng hai ba chục tuổi, bên cạnh người ấy còn có hai người đàn ông, cả ba đang tiến vào sân nhà.
Lúc cô xoay đầu nhìn vô tình chạm mắt với nữ nhân kia.
Người đó có mái tóc gợn sóng xoăn dài qua vai, một thân quần áo công sở được cắt may khéo léo tỉ mỉ ôm lấy cơ thể, bộ dáng vô cùng nghiêm cẩn, già dặn.
Thoạt nhìn, cô thấy nữ nhân này hẳn đến để bàn chuyện làm ăn, nhưng nghĩ lại cũng không sai, đến mua nhà của cô cũng được tính là bàn chuyện làm ăn lớn.
Ánh mắt nữ nhân kia rơi trên người của cô, dường như cũng đang đánh giá.
Trên mặt người kia không có chút cảm xúc, nhưng đôi mắt lại chứa một tia sâu thẳm khó lường, tựa hồ như muốn nhìn thấu người khác, khiến cô có đôi chút không thoải mái.
Giọng nói của ông nội từ trong phòng khách vọng ra, bảo cô dẫn khách vào trong.
Ôn Chủy Vũ hơi gật đầu với nữ nhân kia, dùng tay ra hiệu mời khách.
Nữ nhân ấy nhẹ nhàng mỉm cười, gật gật đầu, đi theo Ôn Chủy Vũ vào phòng khách.
Phòng khách đã bị dọn trống, chỉ còn lại một bàn trà đãi khách.
Nữ nhân họ Diệp, tên trên danh thiếp là Diệp Linh.
Không biết có phải do cô sinh ảo giác hay không, lúc Diệp Linh đưa danh thiếp tựa hồ có hơi lưỡng lự một chút, sau đó mới đưa cô một tấm danh thiếp chỉ ghi mỗi tên và số điện thoại cá nhân.
Thái độ của Diệp Linh so với mấy người đánh rắn dập đầu đến nhà cô trước kia tốt hơn rất nhiều.
Bất luận cô ta đến đây có mục đích gì, trong lòng suy tính chuyện chi, ít ra trông mặt mũi cô ta cũng không phải dạng tiểu nhân thấy người gặp nguy thừa cơ hãm hại.
Nhân tình nóng lạnh, thế thái thất thường, trong một tháng vừa qua Ôn Chủy Vũ đã phải chứng kiến quá nhiều.
Bây giờ đột nhiên thấy được một người có thái độ tốt, có vẻ như thật lòng muốn mua lại ngôi nhà này, hảo cảm lại tăng thêm vài phần, cho nên lúc cô dẫn Diệp Linh đi xem nhà, trong lòng cũng mang theo một ít chân thành, hi vọng có thể thỏa thuận thành công chuyện mua bán lần này.
Hơn hai mươi năm sống trong ngôi nhà này, chỗ nào đã từng chỉnh lại mái chèo, dùng vật liệu gì, tìm thợ thủ công lành nghề ở đâu, còn có những chỗ nào là cổ tích mấy trăm năm chưa từng bị động đến, Ôn Chủy Vũ là người rõ nhất.
Từng viên gạch, miếng ngói, gian phòng, từng khe từng rãnh đều chất chứa những ký ức cùng chuyện mà cô đã trải qua trong hơn hai mươi năm sinh hoạt ở đây.
Bất tri bất giác, họ đã đi đến trước phòng tranh của cô.
Phòng tranh của Ôn Chủy Vũ là ba gian phòng được bố trí thông liền với nhau ở cạnh bờ hồ, giữa phòng có treo một tấm hoành phi có đề hai chữ "Họa Đường".
Diệp Linh hỏi cô có thể vào trong tham quan được hay không?
Ôn Chủy Vũ hồi thần, gật đầu, đi chầm chậm lên phía trước, đẩy mở phòng tranh đang kín cửa.
Tranh do cô vẽ, toàn bộ đều ở trong gian phòng này.
Giang Nam khí hậu ẩm ướt, các bức họa của cô phải được đặt trong tủ chống ẩm được chế tác riêng biệt, chỉ chừa lại một bức Côn Luân Vạn Yêu Đồ treo ở nơi bắt mắt nhất.
Côn Luân Vạn Yêu Đồ, dài đến bốn mét chín, họa chín nghìn chín trăm chín mươi chín loài yêu, là bức họa mà cô dành hết ba năm tâm huyết để vẽ ra và cũng là tác phẩm nổi danh của cô.
Lúc mới vẽ xong, cô vốn muốn đề tên "Côn Luân Lão Nhân" lên đó, ông nội không bằng lòng liền nói: "Con mới được bao lớn, vậy mà cũng dám tự xưng mình là lão nhân." Ôn Chủy Vũ lập tức đổi tên thành "Côn Luân Tiểu Quái".
Cô nhìn lên bức họa, Diệp Linh đứng ở bên cạnh cũng đang nhìn ngắm nó.
Diệp Linh chăm chú nhìn bức Côn Luân Vạn Yêu Đồ rất lâu, hỏi cô: "Tranh của cô có bán không?"
Một tháng nay, đây là người đầu tiên hỏi cô có bán tranh hay không.
Ôn Chủy Vũ nhìn chằm chằm tác phẩm của chính mình, gật đầu nói: "Bán."
Đồ của cô, thứ quý giá nhất, hẳn chính là bức Côn Luân Vạn Yêu Đồ này rồi.
Diệp Linh bảo: "Cô ra giá đi."
Ôn Chủy Vũ đáp lại: "Cô xem giúp tôi." Khi Diệp Linh nhìn bức tranh này, từ trong ánh mắt, cô có thể thấy được trong lòng Diệp Linh thật sự yêu thích nó.
Diệp Linh vẫn chưa rời mắt khỏi Côn Luân Vạn Yêu Đồ, nói: "Hai triệu."
Ôn Chủy Vũ kinh ngạc quay đầu nhìn Diệp Linh, cô cho rằng bản thân mình nghe nhầm rồi, cũng hơi vui mừng vì có người yêu thích tranh của cô mà chấp nhận trả giá cao để mua về.
Cô ăn ngay nói thật: "Mặc dù tranh này là tác phẩm nổi tiếng của tôi, nhưng danh tiếng của tôi không đáng để ra giá cao như vậy."
Diệp Linh quay sang Ôn Chủy Vũ, nàng nói: "Tôi nói chính là toàn bộ tranh trong căn phòng này, hai trăm vạn."
Ôn Chủy Vũ: "..."
Diệp Linh lại tiếp: "Trong phòng này của cô chứa nhiều tủ tranh cùng họa tác như thế, dọn đi chắc chắn vô cùng bất tiện.
Vì tôi thành tâm muốn mua lại căn nhà này và tôi cũng khá hài lòng về mức giá mà bên cô đưa ra.
Ý tôi là, nếu như cô đây bằng lòng với giá cả tôi vừa nói, tôi sẽ mua lại căn nhà và chỗ tranh này, để chúng có thể tiếp tục được giữ nguyên trạng và bảo quản tại nơi đây."
Ôn Chủy Vũ hiểu rõ rồi.
Đây chính là biến tranh của cô làm quà tặng kèm khi mua lại căn nhà!
- ------------------------
Chú thích:
(1) Ngũ Âm Bất Toàn: năm âm trong nhạc lý cổ của Trung Hoa.
(2) Sơn Hải Kinh - Nam sơn Kinh: Sơn Hải Kinh là một cuốn sách cổ của Trung Quốc tổng hợp về địa lý, thần thoại và các sinh vật huyền bí.
Nam Sơn Kinh là chương đầu tiên trong Sơn Hải Kinh.
(3) Giường babu: Một loại giường xưa của người Trung Quốc.
Đúng như tên gọi, "Babu"(拔步) là một chiếc giường phải bước một bước thì mới có thể lên giường, bề ngoài giống như một chiếc giường có mái che được đặt trên một bệ gỗ, phía trước giường có một hành lang can, mép giường nhô ra ba hoặc bốn thước.
Có thể đặt một số đồ đạc nhỏ và đồ lặt vặt ở hai bên.
Ngoài ra còn có lưới treo tứ phía nhằm ngăn muỗi và thuận tiện hơn trong sinh hoạt.
(4) Trúc đùi gà: Tên một loại trúc kiểng.
Trong bản tiếng Trung thật ra tác giả dùng tên trúc bụng phật, ngoài ra còn có nhiều tên gọi khác như trúc quan âm, trúc đùi ếch,....
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook