Thành phố Iowa là một thành phố thú vị, được xây dựng dưới bóng trường đại học dọc theo bờ sông. Một vài khu nhà ở rực rỡ ánh mặt trời, với cây được trồng theo hàng, thẳng, những con phố nhắc Emily nhớ lại những bức tranh minh hoạ của tờ Bưu điện tối thứ Bảy - liệu đây có phải là những gì mà người Mỹ trông thật sự như vậy? - và cô muốn sống trong một trong những ngôi nhà màu trắng cổ xưa rộng rãi của họ; nhưng rồi họ phát hiện ra một boongalô bằng đá trông thật kỳ lạ trên một con đường bụi bặm ở ngoại thành, cách thành phố bốn dặm. Nó đã được xây dựng như một xưởng làm việc của các nghệ sĩ, người phụ nữ buôn bất động sản giải thích; điều đó giải thích nguyên nhân vì sao phòng khách được để ở bên ngoài và cửa sổ được thiết kế cao. “Nó thật không thích hợp cho những người có con,” bà ta nói, “nhưng nếu chỉ dành cho hai anh chị thì ngôi nhà này là một điều thú vị.”

Họ mua một chiếc xe ô tô rẻ tiền và dành nhiều tối để khám phá vùng ngoại ô, nơi hoá ra ít buồn tẻ hơn họ tưởng. “Em nghĩ đó là những cánh đồng ngô và thảo nguyên,” Emily nói, “Anh có nghĩ vậy không? Và ở đây toàn là đồi và rừng - à, và chẳng phải nó có mùi thật tuyệt diệu hay sao?”

“Ừ, đúng thế.”

Và thật là thú vị khi về với ngôi nhà bé nhỏ.

Chẳng bao lâu có một buổi họp nhân viên khiến Jack quay trở lại trạng thái hân hoan. “Em à, anh không có ý cáo biệt tính khiêm nhường trẻ con đã thành thói quen của anh,” anh nói, đi tới đi lui trên sàn với ly rượu trong tay, “nhưng anh chợt trở thành nhà thơ sáng giá nhất mà họ có ở đây. Có thể là người duy nhất. Chúa ơi, em cần phải gặp những chú hề này - em cần phải đọc được họ.”

Cô không đọc họ, nhưng cô gặp họ, ở mọi buổi tiệc khó hiểu, gàn gàn.

“Em thích người đàn ông già hơn,” cô nói với Jack khi họ lái xe về nhà một tối. “Tên ông ta là gì nhỉ? Hugh Jarvis?”

“À, Jarvis thì cũng ổn, anh nghĩ thế. Anh ta viết một vài tác phẩm cách đây hai mươi năm, nhưng bây giờ anh ta đã thôi không viết nữa. Em nghĩ gì về chàng trai Krueger bé nhỏ?”

“Trông cậu ta có vẻ ngượng nghịu. Em thích vợ cậu ta, dẫu sao, cô bé - thật thú vị. Cô bé là người em thích được giao thiệp.”

“Mm,” anh nói. “Thật ra, nếu điều đó chỉ có nghĩa là đưa vợ chồng Krueger đi ăn tối, hay một cái gì tương tự như vậy thì em nên quên chuyện đó đi. Anh không muốn cái thứ đỏm dáng vớ vẩn đó trong nhà mình.”

Và thế là không có một ai trong nhà của họ ngoại trừ họ ra. Họ bị tách biệt. Jack đặt cái bàn làm việc ở trong góc phòng chính và anh ngồi đó hầu như cả ngày, uốn cong người cùng chiếc bút chì.

“Anh nên sử dụng cái phòng nhỏ làm việc,” cô nói. “Chẳng phải như vậy sẽ tốt hơn sao?”

“Không. Anh thích có thể nhìn lên và thấy em. Đi vào đi ra trong bếp, kéo cái máy hút bụi, hoặc bất kỳ việc gì em làm. Điều đó làm cho anh biết là em thật sự đang ở đây.”

Một buổi sáng, khi công việc dọn nhà đã xong, cô mang ra một chiếc máy chữ xách tay và đặt nó càng xa càng tốt căn phòng của anh.

MỘT NGƯỜI NEW YORK PHÁT HIỆN RA MIỀN TRUNG TÂY

Ngoại trừ khu vực của New Jersey, và có thể là cả Pennsylvania, tôi luôn hình dung mọi vật đều giữa dòng sông Hudson và Rokies (những tảng đá) như một miền đất bị bỏ hoang.

“Em viết thư à?” Jack hỏi.

“Không, một việc khác ạ. Chỉ là những suy nghĩ xuất hiện trong em. Liệu máy chữ có làm phiền anh không?”

“Đương nhiên là không mà.”

Ý tưởng đã sôi sục trong cô nhiều ngày, hoàn thành với cái tiêu đề đó và lời dẫn đầu; bây giờ cô có thể ổn định làm việc. Vâng, đương nhiên, những ốc đảo không đầy đủ và thô cứng về phía bắc của Chicago, có những chốn bị biệt lập như Madison, Wisconsin, được nổi bật với những sự mô phỏng duyên dáng xinh đẹp của văn hoá phương Tây, ngoại trừ phần chủ yếu không có gì được nhìn thấy ở đó ngoài những cánh đồng bao la của ngô và lúa mì và sự kém hiểu biết đến nghẹt thở. Những thành phố hối hả với những con người như Goerge F. Babbitt; những thị trấn bé nhỏ không thể đếm hết bị ám ảnh bởi những gì mà F. Scott Fitzgerald đã nói “sự điều tra vô tận của họ chỉ miễn cho trẻ nhỏ và người già.”

Liệu chăng có sự hoài nghi rằng tất cả những nhà văn nổi tiếng được sinh ra ở Trung Tây đều phải bỏ chạy ngay khi có thể? Ôi, cuối cùng họ có thể tự cho phép mình trong những khúc ngâm thơ khoa trương buồn về cuộc sống, nhưng đó chỉ là sự hoài cổ; bạn sẽ không bao giờ nghe thấy tiếng của họ quay trở lại đó để sống. Như một người miền Tây, sinh ra ở chính New York, tôi thật sự vui mừng chỉ cho những người khách miền Trung Tây hoang mang, tản mạn qua phần đời của tôi. Đây, tôi sẽ giải thích; đây là con đường mà chúng tôi...

“Đây có phải là bí mật to lớn của em không?” Jack hỏi với qua phòng. “Liệu em có thể kể với anh về điều đó không?”

“Ôi, nó chỉ là... em không biết chính xác đó là gì nữa. Nó có thể trở thành một mẩu tạp văn hay gì đó.”

“Ôi!”

“Em không biết. Em chỉ làm việc linh tinh mà”

“Tốt,” anh nói. “Đó cũng là điều anh đang làm”

Vào những ngày thứ Hai và thứ Năm anh biến mất trong trại sáng tác, và khi anh quay về anh luôn dễ cáu - hoặc là chán nản hoặc là hồ hởi, phụ thuộc vào lớp học ngày hôm đó như thế nào.

“À, những đứa trẻ này,” một lần anh càu nhàu, trong lúc rót cho mình một ly rượu, “những đứa trẻ này... Dành cho chữ M một nửa cơ hội và chúng sẽ nuốt sống mình.”

Anh cũng uống quá nhiều vào những ngày đẹp, nhưng anh thoải mái hơn khi có người đi cùng: “Này, công việc này là một cơn gió nhẹ, em à, nếu không cố gắng quá nhiều. Đến đó và nói chuyện về những gì mình biết, và họ nuốt lấy từng lời như thể họ chưa bao giờ nghe thấy vậy.”

“Có thể họ chưa bao giờ nghe thấy trước đó,” cô nói. “Em tưởng tượng anh là một người thầy rất giỏi. Anh đã dạy em rất nhiều.”

“Thật á?” Trông anh ngượng nghịu và rất hài lòng. “Về thơ á? Ý em là?”

“Về tất cả mọi thứ. Về thế giới, về cuộc sống.”

Và đêm đó họ chỉ kịp đợi ăn cho xong một bữa tối mát mẻ trước khi họ rơi vào giường.

“Ôi, Emily,” anh nói, vuốt ve và mơn trớn cô. “Em à, em có biết em là gì không? Anh muốn nói mãi “Em thật tuyệt” và “Em hoàn hảo” và “Em thật khác thường,” nhưng không một từ nào trong số đó là đúng. Em có biết em là gì không? Em là phép kỳ diệu. Em là phép kỳ diệu.”

Anh nói cô là phép kỳ diệu rất nhiều lần, nhiều đêm, và cuối cùng cô nói “Jack, giá anh đừng nói như vậy nữa nhỉ.”

“Sao thế?”

“Chỉ vì. Em đang bắt đầu già rồi.”

“Già á? Hừ! Được thôi” Và anh dường như bị tổn thương.

Nhưng cô chưa bao giờ nhận thấy anh hạnh phúc hơn như thế khi anh về nhà muộn ba tiếng một ngày lên lớp, một tuần hay hơn gì đó. “Xin lỗi, em yêu.” anh nói. “Anh phải đi uống với một vài đứa trẻ sau khi tan lớp. Em đã ăn chưa?”

“Chưa ạ, đồ ăn vẫn để trong lò hấp.”

“Khỉ thật. Đáng nhẽ anh đã phải gọi điện cho em, nhưng chỉ vì anh không nhìn giờ.”

“Không sao đâu anh.”

Khi họ ăn món sườn lợn đã bị khô đi, làm cho anh phải nuốt cùng uýtki ngô và nước, anh không thể dừng nói. “Điều tệ nhất là: Có một học sinh tên là Jim Maxwell - anh đã nói với em về cậu ta chưa?”

“Em không nghĩ thế.”

“Một gã to béo, vạm vỡ, đến từ một nơi hoang vắng ở miền Nam Texas, đi ủng cao bồi và những đồ tương tự như vậy. Hắn ta luôn làm anh kinh hoàng trong lớp vì hắn quá hung bạo - và cũng rất thông minh. Cũng là một nhà thơ giỏi, ngớ ngẩn nữa, chẳng bao lâu nữa hắn sẽ như vậy. Dù sao, tối nay hắn ta đã đợi đến lúc tất cả những học sinh khác dời quán bar, chỉ còn lại hai bọn anh, hắn lé mắt nhìn anh và nói hắn ta có một vài điều muốn chia sẻ với anh. Rồi hắn ta nói - khỉ thật, em à, thật là thái quá - hắn ta nói khi hắn đọc quyển thơ thứ nhất của anh, nó đã làm thay đổi cuộc đời hắn. Chẳng phải đó là một điều khỉ nhất hay sao?”

“Thế à,” cô nói. “Đó là một lời khen vĩ đại.”

“Không, nhưng ý anh là anh không thể dừng được. Em có thể tưởng tượng anh có thể viết được những điều có thể làm thay đổi cuộc sống của một người hoàn toàn lạ mặt ở Nam Texas không?” Và anh xiên một miếng sườn lợn vào miệng và nhai chúng hết sức, nhấm nháp niềm vui. Đến tháng mười một anh phải công nhận, hay đúng hơn là khăng khăng, rằng công việc của anh không trôi chảy tí nào. Anh phải đứng lên ra khỏi bàn nhiều lần trong ngày để đi lại trên sàn, búng mẩu thuốc còn lại vào lò sưởi (lớp tàn thuốc ở lò sưởi trở nên tắc nghẽn với mẩu thuốc lá mà chỉ có làm bùng cháy một khúc gỗ mới có thể đốt được chúng), và nói những điều như “Ai là người đã nói với tôi là tôi có thể là một nhà thơ giỏi, dù thế nào đi nữa?”

“Em có thể đọc một vài dòng những gì anh đang viết không?” Một lần cô hỏi. “Không. Em sẽ chỉ làm mất đi chút ngưỡng mộ nhỏ nhoi còn lại của em dành cho anh. Em có biết nó giống như thế nào không? Nó giống như một mẩu thơ tầm thường tồi tệ. Thậm chí không phải là một mẩu thơ tầm thường nữa. Anh chắc sẽ là một người sáng tác bài hát ở thế mười chín mất thôi, chỉ có anh mới có thể thất bại, thậm chí ngay cả với việc đó. Nó sẽ mất hai mươi bảy năm của anh để làm nên một Irving Berlin.” Anh đứng đó đình trệ và nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ lớn chỗ bãi cỏ đã héo úa và hàng cây trần trụi. “Một lần anh đã đọc một bài phỏng vấn Irvng Berlin,” anh nói. “Tên nhà báo hỏi ông nỗi sợ lớn nhất của ông là gì, và ông nói “Một ngày nào đó tôi sẽ gặp điều đó, và điều đó sẽ không hiện diện ở đó.” Thật ra, đó là anh, em à. Anh biết anh đã có nỗi sợ đó - anh có thể cảm nhận nỗi sợ đó, giống như kiểu em cảm thấy máu trong người mình vậy - và hiện giờ anh đang gặp nó, đang gặp nó và nó vẫn không hiện diện ở đó.”

Rồi mùa đông Trung Tây trắng dài đã đến. Jack quay về New York để thăm con nhân dịp Giáng sinh, và cô có ngôi nhà cho riêng mình. Đầu tiên nó thật trống vắng, cho đến khi cô nhận ra cô thích được một mình hơn. Cô cố gắng làm việc với bài tản bút của mình, nhưng những đoạn văn căng thẳng, đóng cục lại với nhau dường như chẳng đi đến đâu; rồi vào ngày thứ ba cô nhận được một lá thư Giáng sinh sôi nổi từ chị cô. Cô đã quan tâm riêng đến Jack Flanders quá lâu đến nỗi thật là kỳ lạ khi ngồi xuống một cách thích thú với lá thư này và nhớ ra mình là ai.

... Tất cả mọi việc đều tốt ở Great Hedges, và tất cả đều gửi đến em những lời yêu thương. Tony ngày càng làm việc ngoài giờ nhiều, vì thế mẹ con chị ít gặp anh ấy. Mấy cậu bé đang trưởng thành...

Chữ viết tay của Sarah vẫn là những chữ viết gọn gàng, thời con gái mà cô đã tự luyện khi còn ở hồi trung học. (“Thật ra, đó là những dòng chữ viết tay ngọt ngào, con à,” Pookie nói với cô, “nhưng nó hơi thiếu tự tin. Nhưng không sao, dẫu sao; nó sẽ phát triển cứng cỏi hơn khi con nhiều tuổi hơn.”) Emily đọc lướt qua những phần vụn vặt của lá thư cho đến khi cô đọc đến phần cốt lõi:

Như em đã biết, Pookie đã mất việc làm - công ty bất động sản bị phá sản - và lẽ đương nhiên là chúng ta phải quan tâm đến mẹ. Nhưng Geoffrey đã đưa ra một ý kiến rất rộng lượng. Ông ấy thu xếp một căn hộ ở phía chỗ gara thành một ngôi nhà nhỏ cho mẹ, nơi mẹ có thể sống mà không cần phải trả tiền thuê nhà. Mẹ có đủ tư cách để hưởng bảo hiểm xã hội. Tony cảm thấy hơi kỳ cục khi có mẹ ở đây, và chị đồng ý - không phải vì chị không yêu mẹ, nhưng em biết những gì chị nói - nhưng chắc chắn rằng chúng ta sẽ có thể giải quyết được.

Bây giờ là dành cho những tin nóng hổi: bọn chị sẽ được thừa hưởng ngôi nhà chính! George và Edna sẽ quay trở lại New York vào mùa xuân - bà ấy không được khoẻ và ông ấy mệt mỏi với việc đi lại dài như vậy và muốn về gần văn phòng của ông ta hơn. Khi họ chuyển đi, bọn chị sẽ chuyển vào, và cho thuê túp lều cho những ai có thu nhập rất thấp. Em có thể hình dung ra không, chị phải chăm sóc một nơi rộng đến như thế?

Chị đã xếp xó George Fall vì hoá ra chị không thể phát triển nó quá xa nếu như chị không làm nghiên cứu ở Montana. Em có thể hình dung chị đã từng đến Montana không? Chị vẫn đang viết, mặc dầu vậy, đặt kế hoạch cho một sê-ri các bản thảo chuyện hài hước về cuộc sống gia đình - thể loại mà Cornelia Otis làm rất tốt. Chị vô cùng ngưỡng mộ công việc của bà ta. Còn nhiều hơn như thế - Sarah luôn kết thúc thư với những lời tốt đẹp, thậm chí nếu như cô phải bắt mình làm như vậy - nhưng nỗi buồn chính của mẩu tin từ St.Charles đã quá rõ.

Khi Jack về nhà anh được lấp đầy với mục đích tối cao. Anh thông báo, không một kẻ ngớ ngẩn nào lảng vảng xung quanh. Không uống quá nhiều mỗi tối. Trên tất cả, không để cho công việc của sinh viên choán hết thời gian của anh.

Liệu cô có nhận ra anh đã để cho mọi việc trượt đến điểm công việc của anh đã làm với những bản thảo của sinh viên đã choán như hầu hết các ngày không? Điều vô lý ở đây là gì vậy?

“... Bởi vì đây là vấn đề, Emily: anh đã suy nghĩ rất nhiều trong chuyến đi. Liệu anh có tốt khi đi vắng và đưa mọi chuyện vào viễn cảnh, vấn đề là, anh nghĩ, anh thật sự có một cuốn sách. Và điều duy nhất đang đứng ngáng trên đường để có thể hoàn thành công việc vào mùa hè là - điều duy nhất - là một nửa trong anh là con lừa. Nếu anh cẩn thận, và may mắn - phải may mắn cũng như cẩn thận - anh có thể cứu vãn được tình thế.”

“Thế ạ,” cô nói. “Thật là tuyệt diệu, Jack.” Mùa đông dường như cứ kéo dài mãi. Lò sưởi bị vỡ hai lần - họ phải ngồi sát vào với nhau cạnh lò sưởi, cả ngày mặc áo len và áo choàng, với chăn quàng qua vai - và ô tô bị hỏng ba lần. Thậm chí khi cả hai làm việc theo thứ tự thì cũng vẫn có một khoảng khó chịu ảm đạm đối với những ngày như vậy. Đi vào thị trấn có nghĩa là phải đi tát dày và ủng, quán khăn choàng quanh cằm và rùng mình cho đến khi bộ phận làm nóng trong ô tô thổi ra gió ấm, mùi xăng sực nức quanh mặt, rồi lái xe bốn dặm không thể tin được trong đá và tuyết, dưới một bầu trời dày đặc và trắng như chính tuyết vậy.

Một hôm khi Emily hoàn thành việc đi chợ - cô đã học được cách làm thế nào để không bị ngớ ngẩn khi đi chợ, làm thế nào để giải quyết việc đi chợ nhanh chóng, thành thạo để mang lại kết quả - cô ngồi một lúc lâu trong sự rực chói của máy giặt hơi nước. Cô quan sát xà phòng xoay tít và quần áo được ngâm qua ô cửa của máy giặt; rồi cô ngắm những khách hàng khác, cố gắng hình dung ai là sinh viên, ai là cán bộ giảng dạy và ai đến từ thị trấn. Cô mua một thanh sô-cô-la và ăn nó ngon một cách đáng ngạc nhiên - như thể, nếu không có sự nhận biết của cô, ngồi đó và ăn sô-cô-la là điều duy nhất cô muốn làm cả ngày. Chờ đợi cho việc sấy khô xong quần áo, cô bắt đầu cảm thấy mơ hồ một nỗi kinh hoàng, nhưng nó không rõ ràng cho đến khi cô ngồi bên cạnh cái bàn gấp điểm một vài vết đốm, ám áp thì cô nhận ra: cô không muốn về nhà. Và đó không phải vì lái xe qua tuyết và đá làm cho cô chết khiếp, đó là vì về nhà với Jack.

“A, cái thằng Krueger chết tiệt,” anh nói khi đóng sầm cánh cửa lúc vào nhà một tối tháng Hai. “Anh muốn đá vào hai cái hòn của hắn, nếu hắn có.”

“Bill Krueger, ý anh là?”

“Đúng rồi, ‘Bill’, cái thằng nhỏ thó chó đẻ với má lúm đồng tiền và cái con vợ duyên dáng và ba cô con gái xinh phát ghét.” Và đó là tất cả những gì anh nói cho đến khi anh rót cho mình một ly rượu và uống hết một nửa chỗ đó. Rồi, với một nắm đấm tựa vào thái dương và bàn tay anh kéo dài ra lông mày, như thể anh lo sợ làm cho cô nhìn thấy mắt anh, anh nói. “Vấn đề là ở chỗ, em à. Cố gắng hiểu nhé. Anh là những gì mà bọn trẻ ở đây gọi anh là ‘truyền thống.’ Anh thích Keats và Yeats và Hopkins và - khỉ thật, em biết những gì anh thích mà. Và những gì của Krueger được gọi là ‘thí nghiệm’ - hắn ta đã thải đi tất cả. Tính từ phê phán ưa thích của hắn ta là ‘táo bạo.’ Một vài bọn trẻ vớ được hòn đá để ở trong nồi và viết nguệch ngoạc ra điều đầu tiên thẩm thấu vào đầu của hắn, và Krueger sẽ nói ‘Mm, đó là một dòng táo bạo.’ Sinh viên của hắn tất cả đều giống nhau, là những đứa trẻ thò lò mũi xanh nhất, ít trách nhiệm nhất trong thị trấn. Chúng nghĩ rằng con đường để là một nhà thơ là mặc những bộ quần áo kỳ dị và viết lệch sang một bên giấy. Krueger đã xuất bản ba cuốn sách, một cuốn nữa sẽ ra trong năm nay, và hắn ta luôn được quảng cáo trên mọi tạp chí. Thậm chí sẽ không thể mua một tờ báo mà không có quảng cáo của Willima Krueger chết tiệt, và em à, đây là con ngựa non háu đá - đây là điểm nút: gã nịnh hót nhỏ thó đó trẻ hơn anh chín tuổi.”

“Ôi, thế ạ. Nhưng thế thì saọ? Đã có chuyện gì xảy ra hả anh?”

“Đúng là vớ vẩn. Chiều nay là cái mà họ gọi là ngày Lễ Tình yêu. Có nghĩa là họ phân phát ‘phiếu lựa chọn’ và tất cả bọn trẻ đều viết xuống tên giảng viên mà chúng muốn học ở kỳ tới; rồi các giảng viên ngồi lại với nhau và phân loại. Em không cần phải quan tâm đến việc này, đương nhiên rồi, và mọi người làm việc này rất thờ ơ, nhưng Chúa ơi, em cần phải nhìn thấy những bộ mặt đỏ ửng và những bàn tay run run. Dù sao, anh cũng đã tuột mất bốn sinh viên sang tay Krueger. Bốn sinh viên. Và một trong những sinh viên đó là Harvey Klein.”

“Ôi.” Cô không biết Harvey Klein là ai - Có những tối cô không thật sự lắng nghe - nhưng đây đơn thuần là lúc cần được an ủi. “Jack à, em có thể rõ ràng nhận thấy điều đó đã làm anh cảm thấy phiền lòng như thế nào, nhưng vấn đề là không cần thiết phải như vậy. Nếu em là một sinh viên ở một lớp học như vậy, em sẽ muốn làm việc với càng nhiều những giảng viên khác nhau càng tốt. Chẳng phải điều đó là hợp lý hay sao?”

“Không hẳn.”

“Và ngoài ra, anh không đến đây để lãng phí sức lực chỉ để căm thù Krueger - hay thậm chí để dạy dỗ Harvey Klein. Anh đến đây để hoàn thành công việc của mình.” Anh bỏ tay khỏi trán mình, cuộn lại thành nắm đấm và đấm vào bàn, điều đó làm cho cô nhảy lên. “Đúng,” anh nói. “Emily, em hoàn toàn đúng về việc này. Cuốn sách ngớ ngẩn là tất cả những gì phải quan tâm đối với anh, hàng ngày. Thậm chí, vào chính giây phút này, nếu anh có một nửa giờ trước bữa tối anh cần phải ngồi ở đằng kia, bên cạnh bàn làm việc, thay vì kêu than với em những điều tầm thường, đố ky như thế này. Em đã đúng, em à; em đúng. Anh muốn cám ơn em đã lưu ý anh về việc này.”

Nhưng anh đã dành thời gian còn lại của buổi tối trong sự trầm uất chết lặng không thể phá vỡ được. Hoặc có thể là chính đêm đó hoặc cũng có thể là chính một vài đêm sau đó, khi cô tỉnh dậy lúc ba giờ cô thấy anh đi ra khỏi giường. Rồi cô nghe thấy tiếng anh đi quanh bếp, thả những viên đá vào cốc. Không khí quanh phòng nồng nặc mùi khói thuốc, như thể anh đã ngồi đó hàng giờ liền hút thuốc.

“Jack à,” cô gọi.

“Anh đây. Xin lỗi đã làm em thức giấc.”

“Không sao mà. Quay vào đi ngủ đi anh.” Và anh đã quay vào, nhưng không vào giường. Anh ngồi thụp trong bộ áo choàng tắm trong bóng tối, uống, và một lúc lâu âm thanh duy nhất ở trong nhà là tiếng ho khan thi thoảng của anh.

“Em à, đây không phải là anh,” cuối cùng anh đã cất lời. “Đây không phải anh.”

“Ý anh là gì? Không phải anh? Hình như giống anh hoàn toàn đáy chứ.”

“Ý anh là anh ước mong với Chúa giá mà em biết anh khi anh còn đang viết cuốn thứ nhất, hay thậm chí cuốn thứ hai. Đó là anh. Anh mạnh mẽ hơn nhiều. Anh biết những gì ngớ ngẩn anh đang làm và and đã làm, và mọi việc khác nữa diễn ra xung quanh việc này. Anh không luôn than vãn và càu nhàu và la hét và nôn mửa. Anh không đi lang thang giống như một gã không da, không thịt, và lo lắng không biết liệu mọi người đang nghĩ gì về mình. Anh không...”, anh hạ thấp giọng để thể hiện vấn đề tiếp theo sẽ là điều cần nói nhất và ngớ ngẩn nhất... “Anh chưa phải bốn mươi ba tuổi.”

Mùa xuân đang đến làm cho mọi việc khá hơn một chút. Trong nhiều ngày có sự xuất hiện của bầu trời xanh thẳm và ấm áp; tuyết tan dần trên những cánh đồng và thậm chí cả ở trong rừng nữa, và một buổi sáng trên đường đến trường, Jack háo hức quay về nhà để nói rằng anh đã tìm thấy một cây nghệ tây ở trong sân.

Họ bắt đầu đi thả bộ mỗi chiều, đi xuống con đường bụi bặm, đi qua bãi cỏ và dưới những cây to. Họ không nói chuyện nhiều - Jack luôn đi bộ, cúi gằm mặt xuống và tay đút túi, ngẫm nghĩ - nhưng thời gian đi ra ngoài của họ chẳng bao lâu trở thành mục đích tối cao trong ngày của Emily. Cô ngóng chờ việc đi ra ngoài hăm hở như Jack ngóng chờ việc được uống khi họ về nhà. Mỗi chiều cô chờ đợi với sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng cho đến lúc cô có thể mặc áo jacket da lộn, đi đến bàn của anh và nói “Anh có muốn đi dạo không?”

“Đi dạo nào,” anh sẽ nói, ném chiếc bút chì xuống như thể vui mừng rũ bỏ được nó. “Lạy Chúa, đó là một ý kiến tuyệt vời.”

Và những lần đi dạo thậm chí còn hay hơn sau khi họ “thừa kế” một con chó từ vài người hàng xóm ở dưới phố, một nàng chó săn lai trắng-và-vàng nâu tên là Cindy. Nàng nhảy cẫng lên theo họ hoặc nhảy dựng lên quanh họ, thể hiện, hoặc chạy đua trên cánh đồng để đào bới cái gì đó.

“Xem này, Jack,” một lần Emily nói, trong lúc nắm lấy tay anh. “Cô nàng sẽ đi vào trong cái ống dưới phố - cô nàng muốn đi qua cái ống và ra bằng đầu bên kia.” Và khi cô nàng hiện ra mập mờ và run run ở đầu phía bên kia của cái ống, cô kêu lên “Tuyệt quá, Cindy! ôi, chó con! Chó con!” Cô vỗ tay. “Chẳng phải là khéo quá hay sao, Jack?”

“Ừ, khéo quá, em nhỉ.”

Lần đi dạo đáng ghi nhớ nhất là vào một buổi chiều gió hiu hiu tháng Tư. Ngày hôm đó họ đi dạo xa hơn, và đi về nhà qua một cánh đồng bị lầy nặng nề, mệt mỏi nhưng hăng hái, họ đi đến một cây sồi độc nhất dường như vươn thẳng lên trời giống như một bàn tay khổng lồ. Nó buộc hai người phải im lặng khi họ đứng dưới bóng cây nhìn lên qua những tán lá, và cả hai đều nhớ ra rằng Emily có sáng kiến này trước. Cô cởi chiếc áo da lộn và thả nó xuống đất. Rồi cô mỉm cười với anh - cô nghĩ rằng anh trông thật đẹp trai khi gió thổi tóc anh bám vào trán - và bắt đầu cởi những chiếc cúc áo.

Rất nhanh họ đều khỏa thân và quỳ ghì chặt lấy nhau; rồi anh giúp cô nằm xuống chỗ đất ẩm, “Ôi, em yêu, em yêu...” Và cả hai người đều biết rằng Cindy chắc chắn sẽ sủa nếu ai đó dám bước vào nơi thiêng liêng này.

Một nửa giờ sau, khi về đến nhà, anh nhìn rụt rè e thẹn từ ly uýtki và nói “Wow, wow. Thật sự là một điều gì đó.”

“Thật ra,” cô nói, nhìn xuống, và cô cảm nhận thấy bản thân mình xấu hổ, “Còn nghĩa lý gì nữa khi sống ở ngoại ô nếu như thỉnh thoảng mình không làm chuyện ấy như thế anh nhỉ?”

Hầu như trời toàn mưa trong tháng sau đó. Những con giun đất chết làm bẩn quãng đường đi bộ từ cửa nhà ra ô tô, và những chiếc lá của năm ngoái được thổi hắt vào chiếc cửa sổ quảng cáo và trượt thành dòng. Emily dành hàng giờ liền với chiếc cửa sổ đó, thỉnh thoảng đọc nhưng ít thường xuyên, nhìn chằm chằm ra ngoài mưa.

“Dù sao, em nhìn gì ở ngoài đó đấy?”

Jack hỏi cô.

“Em chẳng nhìn gì cả. Chỉ suy nghĩ thôi, em nghĩ thế.”

“Em đang nghĩ gì?”

“Em không biết. Em phải mang đồ giặt vào thôi.”

“Thôi nào; đồ giặt có thể đợi được mà. Tất cả những gì anh muốn nói, nếu có gì đang làm em phiền muộn thì anh đều muốn được biết.”

“Không, không mà,” cô nói. “Không có gì làm em phiền muộn cả.” Và cô đi lấy đồ giặt vào.

Khi cô đi qua bàn làm việc của anh trên đường đi ra cửa, kéo mạnh cái túi vải bông nặng nề, anh nhìn lên và nói “Emily!”

“Mm?”

Anh đã bốn mươi ba tuổi, nhưng vào lúc đó khuôn mặt với nụ cười nửa miệng của anh làm cho anh trông tuyệt vọng như khuôn mặt của một đứa trẻ. “Em vẫn thích anh chứ?” Anh hỏi.

“Vâng, đương nhiên rồi,” cô nói với anh, và làm cho mình bận bịu với cái áo mưa. Gần như vào cuối học kỳ mùa xuân anh nói anh nghĩ rằng cuốn sách của anh về căn bản là hoàn thành. Nhưng đó không phải là một chiến thắng để công bố, hay thậm chí có thể coi như một điều đáng mừng. “Vấn đề là,” anh giải thích, “Anh vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng gửi đi. Phần việc quan trọng đã hoàn thành, anh nghĩ thế, nhưng nó cần phải được gọt tỉa và sắp xếp. Anh nghĩ rằng có thể sẽ sáng suốt hơn nếu như giữ lại chờ đến mùa hè. Tạm đặt ra một giới hạn là đến tháng Chín và có cả mùa hè để kết thúc công việc.”

“Thế ạ,” cô nói. “Tốt thôi. Anh có ba tháng không phải lên lớp.”

“Anh biết; nhưng anh không muốn ở đây. Trời sẽ nóng kinh khủng và sẽ chết mất thôi. Ngoài ra, em có biết mình còn bao nhiêu tiền trong ngân hàng không? Chúng ta có thể đi đến một nơi nào gần đây.”

Cô vụt có hai viễn tưởng - một là lướt trên đá và cát trắng, bờ biển Đông hay Tây gì đó, và một là những rặng núi mây che phủ tím ngắt. Liệu yêu nhau ở bãi biển và trên núi thì ở đâu sẽ thú vị hơn nhỉ? “Thế ạ,” cô nói, “Anh muốn đi đâu?”

“Cái đó thì anh sẽ theo em, em à.” Và cách mà anh nhìn cô làm cho cô nhớ đến bố cô cách đây đã lâu vào buổi sáng Lễ Giáng sinh, khi cô và Sarah xé toạc những tờ giấy bọc quà và đó chính là những món quà họ muốn. “Anh có muốn đi châu Âu không?”

Họ bay trên vòng quay của trát đất; Sân bay Heathrow đón họ lúc bảy giờ sáng thật ngỡ ngàng, chợt thấy họ run rẩy và bắt gặp đôi mắt trừng trừng gan góc do việc thiếu ngủ. Không có gì nhiều để xem trên đường về đến Luân Đồn - dường như không khác lắm như việc đi từ St.Charles đến New York - và khách sạn rẻ tiền được hãng du lịch giới thiệu đầy những hướng dẫn viên du lịch không định hướng, thận trọng như chính bản thân họ vậy.

Jack Flanders đã sống ở Luân Đôn với vợ mình ngay sau khi chiến tranh kết thúc, và bây giờ anh liên tục điểm mọi cảnh vật đã thay đổi như thế nào. “Toàn bộ thành phố trông giống Mỹ quá,” anh nói. “Anh nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy điều gì đó hay hơn.” Anh cứ gặng nói là tàu điện ngầm thật tuyệt... “Hãy xem tàu điện ngầm ở đây tốt hơn ở New York như thế nào” - và đưa cô đến nơi mà anh gọi là người hàng xóm cũ của anh, nơi South Kensington và Chelsea đã được chia ra bởi đường Fullham.

Người phục vụ ở quầy rượu không nhận ra anh, cho đến khi Jack nói tên và bắt tay anh ta; rồi anh ta trở nên rất thân mật, những rõ ràng là theo cách anh ta không nhìn vào mắt Jack cho việc anh ta đang cố tỏ ra.

“Vấn đề là anh quá già để quan tâm xem liệu một vài người phục vụ quầy rượu kém cỏi có nhận ra anh không,” Jack nói khi họ uống bia nóng ở cái bàn trong góc, tránh xa khỏi trò chơi ném lao. “Và ngoài ra, anh luôn căm ghét những những người Mỹ quay lại từ Anh với những câu chuyện cũ rích về những quán rượu nhỏ tuyệt diệu. Hãy ra khỏi đây em.”

Anh đưa cô đi trên hè phố đến một ngôi nhà tối đen mà ở đó có lần anh đã thuê căn hộ tầng hầm, và anh tách ra khỏi cô để nhìn nó chằm chằm, ngồi sụp xuống và ngẫm nghĩ, một lúc lâu. Emily đứng gần lề đường nhìn vẩn vơ xuống con phố quá tĩnh mịch đến nỗi cô có thể nghe thấy tiếng kêu vo vo và lách cách phần máy của đèn giao thông ở góc phố. Cô biết sẽ thật là ngớ ngẩn khi thiếu kiên nhẫn - có thể anh đang nảy sinh ý tưởng cho một bài thơ - những điều đó cũng không giúp cô làm tăng tính kiên nhẫn.

“Khỉ thật,” anh nói khẽ khi cuối cùng quay lại từ toà nhà. “Những kỷ niệm, kỷ niệm. Thật là sai lầm, em à, khi mình đi đến ngôi nhà này; nó thật đã làm anh bị mất tinh thần. Đi uống đi em. Một ly thật sự, ý anh là như vậy.”

Nhưng những quán rượu đã đóng cửa. “Được thôi,” anh khẳng định lại với cô.

“Có một tụ điểm nhỏ ở gần góc phố tới có tên là Apron Strings; anh là một thành viên; anh nghĩ là họ sẽ cho chúng ta vào. Có thể chúng ta sẽ đụng với một vài người mà anh đã từng biết.” Thay vào đó họ gặp phải một người mặt lạnh như tiền người Tây Ấn không cho họ vào; tụ điểm đã thay đổi người từ thời của Jack.

Họ vào trong một chiếc taxi và anh ngả người về phía trước một cách tha thiết để nói với người lái xe. “Anh có thể đưa chúng tôi đến một nơi nào đó để uống một ly được không? Tôi không có ý đến nơi với giá cắt cổ; tôi muốn đến nơi kha khá để uống một ly.” Và khi anh ngồi lùi lại bên cạnh Emily, trong lúc đi anh nói “Anh biết em sẽ nghĩ điều này thật ngớ ngẩn, nhưng nếu anh không cho được vào người một chút uýtki thì tối nay anh sẽ không ngủ được.”

Họ được đón chào trong một phòng chờ với một người trong bộ ximôckinh trông giống như người Ai Cập hay Libăng gì đó. “Ở đây rất đắt,” anh ta nói với họ với một nụ cười đáng tin, tử tế. “Tôi không khuyến khích anh chị.” Nhưng cơn khát của Jack đã thắng, và họ ngồi trong một cái hầm được trải thảm nơi một người thanh niên da đen giống như đàn bà chơi piano cẩu thả ở quầy bar, và là nơi mà hoá đơn cho hai ly lên đến hai mươi hai đô.

“Có thể đây là một trong những quãng thời gian vớ vẩn nhất mà anh đã làm trong cuộc đời mình,” Jack nói khi họ đi về khách sạn, và khi họ bước vào sảnh và tìm thấy một quầy bar còn đang mở. “Ôi, Chúa ơi,” anh nói, đập tay vào thái dương mình, “Thật đúng là - anh quên mất. Quán bar ở khách sạn cũng mở cửa muộn. Chẳng phải đây là điều ngớ ngẩn nhất hay sao? Thật là; đáng nhẽ chúng ta đã có thể mua được một chiếc mũ mềm.”

Nhấp ly rượu mà cô không muốn, lắng nghe những âm thanh nghịch tai the thé của những giọng Anh và Mỹ - một thanh niên đẹp trai người Anh ở quầy bar đã làm cô nhớ đến Tony Wilson có thể đã có vẻ như thế vào năm 1941 - Emily biết rằng cô sắp khóc. Cô cố gắng ngoảnh đi với một mánh khoé của trẻ con mà thỉnh thoảng đã có tác dụng trước đó - ấn cả hai móng tay của ngón cái thật mạnh vào thái dương phía dưới ngón tay trỏ, để đau đớn này có thể đau hơn nỗi đau của cái cổ họng đang căng phồng lên - nhưng nó không có giá trị gì cả.

“Em à, em ổn chứ?” Jack hỏi. “Trông em... Ôi Chúa ơi, trông em như sắp... Đợi đã. Đợi anh trả tiền đã, và chúng ta sẽ... Em có thể chờ cho đến khi chúng ta lên trên gác không?”

Trong phòng cô đã khóc và khóc, trong khi anh ôm cô và vuốt ve cô, hôn cái đầu đang rung lên của cô, và nói “Em à, thôi nào. Anh biết điều đó thật là khủng khiếp, nhưng đó là lỗi của anh; nhưng nó chỉ có hai mươi đô thôi mà.”

“Không phải vì chuyện hai mươi đô,” cô nói.

“Vậy thì, là tại toàn bộ buổi tối tệ hại. Việc anh đã kéo em đến ngôi nhà và phải trải qua một trong những sự chán nản bê tha của anh; việc anh...”

“Không phải tại anh; tại sao lúc nào anh cũng nghĩ mọi việc là tại anh? Đó là vì... vì đêm đầu tiên của em ở nước ngoài và đã làm cho em nhớ nhà kinh khủng.” Và điều đó cũng đủ là sự thật rồi, cô nghĩ vậy khi cô ra khỏi giường để xì mũi và lau mặt, nhưng nó chỉ là một phần của sự thật. Phần còn lại của sự thật là cô không muốn đi du lịch với một người đàn ông mà cô không yêu.

Paris đẹp hơn: mọi thứ trông giống như những bức ảnh Paris mà cô đã xem suốt đời mình, và cô muốn đi dạo hàng giờ liền, “Em không mệt à?” Jack nói, đi chậm lại phía sau cô. Anh cũng đã sống ở đây, ở những ngày xa xưa, nhưng bây giờ khi anh lê bước chậm chạp với một vẻ hoang mang bực tức thể hiện qua đôi mắt anh là hiện thân của một người du lịch Mỹ đi lang thang vô định. Khi họ bước vào không gian tĩnh mịch vô tận của nhà thờ Notre Dame cô phải ấn hai ngón tay vào đằng sau thắt lưng để ngăn không cho anh đi thẳng vào chỗ ngồi của những người đang cầu nguyện.

Họ đặt kế hoạch kéo dài ngày nghỉ ở Cannes, để Jack có thể làm việc. Anh nói anh đã hoàn thành tác phẩm hay nhất đời mình ở Cannes; nó mang đến cho anh một sự hấp dẫn đa cảm.

Và cô hưởng thụ không khí ở biển. Cô thích bơi, và cô bằng lòng thú nhận cô thích những người đàn ông Pháp rám nắng nhìn cô chằm chằm trong bộ đồ bơi bikini. Mảnh khảnh, vâng, dường như họ muốn nói; ngực bé, chắc chắn rồi; nhưng xinh. Rất xinh.

Khi ngày kết thúc cô thường quay về khách sạn và nhận thấy phòng mình đặc màu xanh và cay xè của khói thuốc. “Khói sẽ bay đi đâu nhỉ?”, cô thường hỏi vậy. “Kinh khủng.” Anh thường đứng lên và đi tới đi lui, trông phờ phạc. “Em có biết không? Một quyển thơ không thể át được một bài thơ tồi của chính nó. Và một vài... năm hay sáu bài gì đó - quá tồi đến nỗi chúng sẽ kéo những bài khác xuống. Toàn bộ cuốn sách vớ vẩn sẽ bị lắng xuống như một hòn đá vậy.”

“Anh hãy nghỉ một ngày đi. Ngày mai anh hãy ra biển.”

“Không, điều đó chẳng giúp ích được gì.”

Không gì có thể giúp ích được, và trong nhiều ngày anh cáu bẳn và càu nhàu.

Cuối cùng anh nói “ở đây quá đắt; chúng ta đang tiêu hết nhiều tiền quá. Chúng ta nên đến Ý, hay là Tây Ban Nha.”

Và họ đến cả hai nơi.

Cô thích kiến trúc và điêu khắc của Florence - cô tiếp tục nhìn mọi vật theo cách cô đã được học ở những giờ lịch sử nghệ thuật cách đây đã lâu - và trong cửa hiệu và quầy hàng quanh cái cầu có mái che cô mua những món quà nhỏ cho Pookie, Sarah và bọn trẻ; nhưng Rome thì đủ nóng để làm đổ mồ hôi mắt. Cô gần như ngất xỉu đi trên đường đi thăm quan Nhà thờ Sistine: cô phải lảo đảo loạng choạng đi vào một quán cà phê không thiện cảm để uống một cốc nước; cô phải ngồi nhìn chằm chằm vào ly cà phê một lúc lâu trước khi cô lấy lại được sức lực quay trở về cái khách sạn ngột ngạt, nơi Jack đang ngồi chờ đợi với một chiếc bút sau tai và cái kia thì kẹp vào miệng.

Họ đều khẳng định là họ thích Barcelona - có cây và gió biển; họ tìm thấy một căn phòng mát mẻ trong khả năng tài chính của họ và cũng có những nơi thú vị để ngồi nghỉ và uống bia trong những buổi chiều - nhưng Madrid thì bí hiểm và kiên định như London. Điều thú vị duy nhất ở Madrid, Jack nói, là quán bar ở khách sạn của họ, nơi bạn luôn có một nửa ly hào phóng khi bạn gọi một ly uýtki.

Rồi họ nghỉ tại Lisbon, và đã đến lúc về nhà.

Không có gì thay đổi ở thành phố Iowa. Cảnh vật của ngôi nhà bé nhỏ của họ, và rồi căn phòng to trong đó, gợi lại những kỷ niệm của một năm trước đó: cứ như thể là họ chưa bao giờ đi vắng vậy.

Emily đi đón Cindy từ nhà mà họ đã nhờ trông hộ, và khi cô nàng nhận ra cô, vẫy đuôi ve vẩy và vui mừng nhe răng, cô chợt nhận ra cô đang mong chờ khoảnh khắc này trong suốt mùa hè.

Vào tháng Mười, Jack nói “Em có nhớ anh đã nói anh đặt ra kỳ hạn cho anh là vào tháng Chín? Điều đó để thuyết phục em tin anh và những cái kỳ hạn vớ vẩn của anh.”

“Sao anh không cứ để thế gửi nó đi?” Cô hỏi. “Một biên tập giỏi có thể sẽ giúp anh loại bỏ được những bài thơ yếu; có thể thậm chí người ta còn giúp anh làm cho nó được hay hơn.”

“Không, không có một biên tập nào có thể giỏi đến mức đó. Tuy nhiên nó không chỉ hẳn có một vài bài thơ yếu; toàn bộ cuốn sách có một sắc thái đau khổ và hoảng loạn. Nếu anh có can đảm để em đọc nó em sẽ hiểu điều anh nói. Anh sẽ làm điều em gợi ý. Anh sẽ chuyển đồ của anh vào phòng nhỏ, và làm việc ở đó.”

Đó là một sự cải thiện: cô không còn cảm giác anh đang nhìn cô cả ngày nữa.

Ngay sau khi anh bắt đầu làm việc ở cái phòng nhỏ cô đi vào trong phòng lớn và dọn dẹp, trong lúc anh đến trường, cố gắng sắp xếp chỗ cho chiếc hộp bìa cứng đựng quần áo mùa đông. Nó bị nghiêng và đổ ra ngoài, và cô tìm thấy một phần năm chai rượu uýtki, bị gói giấu dưới cái áo choàng. Cô định mang nó ra và để vào giữa những chai rượu chính ở trong tủ bếp, nhưng cuối cùng cô lại đặt nó cẩn thận vào nơi mà nó dường như thuộc về. Cô phục hồi lại bản thảo Một người New York phát hiện ra miền Trung Tây và làm việc hoàn toàn nghiêm túc với bản thảo này trong vài ngày, nhưng cô không thể làm cho nó mạch lạc, chặt chẽ. vấn đề, cô quyết định, chính là điểm chính của bài báo là một sự nói dối: cô đã không phát hiện ra Trung Tây, không khá hơn việc cô phát hiện ra châu Âu.

Một buổi sáng Chủ nhật cô ngồi trên chiếc ghế đá trong chiếc áo choàng, với Cindy cuộn tròn trong vạt áo. Một tay cô cầm ly cà phê sáng, còn tay kia thì vuốt ve bộ lông dựng đứng của cô nàng Cindy, cô hát khẽ bài hát thuở ấu thơ, hoàn toàn không nhận thức được là đang hát nó: Mày có khoẻ không, Cindy?

Hôm nay mày thế nào?

Mày không phải là bạn của tao à?

Tao sẽ chỉ cách cho mày?

“Em có biết không?” Jack nói, cười với cô bên bàn ăn sáng. “Cách em chơi với cô nàng chó đó, với bất kỳ một ai đều có thể nói rằng em muốn có con.”

Cô giật mình. “Con á?”

“Ừ, đúng rồi.” Anh đứng lên và đến bên cạnh cô, những ngón tay đùa với một mái tóc cô. “Chẳng phải một lúc nào đó người phụ nữ đều muốn có con hay sao?”

Sự dễ chịu khi được ngồi, trong lúc anh đứng, là cô không phải gặp mắt anh. “Ôi, em không biết,” cô nói. “Vâng, chắc chắn rồi. Đôi khi em có cảm giác đó.”

“Điều đó chỉ ra rằng,” anh nói, “em sẽ không thể trẻ mãi được.”

“Điều đó có nghĩa là gì, Jack?”

“Hãy để Cindy xuống. Em đứng dậy đi. Đến ôm anh nào. Và anh sẽ nói em biết.” Anh ôm cô trong vòng tay mình và cô tựa đầu mình vào ngực anh, để không phải gặp đôi mắt anh. “Nghe này,” anh nói. “Khi anh lấy vợ anh đã không biết được là anh đang làm gì; lấy vợ vì tất cả những lý do sai lầm; và hàng nhiều năm nay, kể từ khi ly dị, anh vẫn tự nhủ là anh sẽ không bao giờ lấy vợ nữa. Nhưng vấn đề là em đã thay đổi tất cả, Emily. Nghe này. Không phải bây giờ - không phải bây giờ, có con ý, nhưng chóng thôi - ngay khi cuốn sách này được hoàn thành - em có nghĩ rằng em sẽ lấy anh chứ?”

Anh cầm lấy cả hai tay cô và ôm lấy cánh tay cô. Mắt anh đang sáng lên, và môi anh đang cong lên ngượng nghịu và tự hào giống như một cậu bé vừa mới hôn nụ hôn đầu. Một giọt lệ rơi trên cằm anh. “Thật ra em cũng không biết nữa, Jack,” cô nói. “Đó là điều mà em cần phải suy nghĩ, em nghĩ vậy.”

“Được thôi,” trông anh bị tổn thương. “Được thôi; anh biết rằng anh không có giá trị gì mà.”

“Đó không phải tại anh; đó là tại em. Em chỉ không biết liệu em đã sẵn sàng cho việc đó...”

“Được thôi,” và sau một lúc anh đi vào phòng nhỏ và đóng cửa lại.

Họ vẫn đi thả bộ gần như hàng chiều - thôn quê thật nhiều lá mùa thu - nhưng hiện giờ chính Emily là người có chiều hướng thả bộ với cái đầu cúi xuống, không để lộ ra suy nghĩ của mình, nhìn xuống đôi giày. Không nói bất kỳ điều gì về việc đó, họ tránh con đường đi qua cây sồi đơn độc đó.

Tháng Mười một cô quyết định chia tay với anh. Cô muốn quay về New York nhưng không phải quay lại với Nhà quan sát Lĩnh vực Thực phẩm, cô sẽ tìm một công việc tốt hơn, và một căn hộ cũng tốt hơn; cô sẽ bắt tay vào một cuộc sống mới tốt hơn, và cô sẽ tự do.

Tất cả những điều cần làm là phải thông báo. Cô chuẩn bị những lời mở đầu trong đầu và luyện chúng nhiều lần: “Mọi việc đều không ổn, Jack. Em nghĩ cả hai ta đều biết. Em đã quyết định điều tốt nhất để làm, cho cả hai ta, là...” Và cô đợi anh phía bên ngoài cửa phòng nhỏ.

Khi anh đi ra ngoài anh đi như thể anh đã bị bắn ở đằng sau gáy. Anh rơi vào chiếc ghế sofa chéo qua cô, và cô nhìn anh thật gần với những dấu hiệu chắc hẳn anh đã nốc rượu ở cái chai rượu bí mật, nhưng anh không say. Mắt anh to tròn như mắt diễn viên ở cảnh cuối của tấm bi kịch. “Anh không thể,” anh nói, gần như là thì thầm, và cô được gợi nhớ đến cách Andrew Crawford đã nói “Anh không thể” trên giường, cách đây nhiều năm.

“Không thể làm gì ạ?”

“Không thể viết.”

Cô đã thường xuyên an ủi anh với những lần như thế này nhưng bây giờ cô cảm thấy trống rỗng bởi những lời an ủi và vỗ về; cô chỉ có thể nói với anh những gì là sự thật. “Em mong anh không nói như vậy,” cô nói.

“Em mong thế á? Anh cũng mong thế. Anh mong rất nhiều điều.”

Rõ ràng là cô không thể nói điều đó bây giờ. Cô đợi trong vòng hai, ba ngày, cho đến khi cô quyết định liệu cô có nên đợi lâu hơn nữa hay không, và rồi cô đã nói.

“Mọi việc đều không ổn; Em nghĩ rằng cả hai chúng ta đều biết. Em đã quyết định tốt nhất là...”

Sau đó cô không thể nhớ được cô đã kết thúc câu nói của mình như thế nào, và anh đã trả lời như thế nào, và cô đã nói gì tiếp theo. Cô chỉ nhớ được sự vô cảm thoáng qua của anh rồi đến cơn thịnh nộ, khi anh hét lên và ném ly uýtki vào tường - dường như anh cảm thấy là anh có thể giữ cô ở lại nếu họ chỉ cần cãi nhau thật to - và rồi sự sụp đổ của anh trở thành một sự van nài: “Em à, em đừng làm thế; xin đừng làm thế với anh...”

Đó là lúc hai giờ sáng trước khi cô có thể dọn giường ngủ cho mình ở ghế sofa.

Rồi mùa thu se lạnh nhanh chóng chuyển sang đông, cô quay về New York chỉ có một mình.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương