Lạc Đường
Chương 23: Kết cục của đồng thoại

Lý Hạo về đến nhà, cởi áo choàng trên người ra, Hồng Nguyệt Nhi nhận lấy, giũ tuyết rơi xuống đất rồi cẩn thận đến hong khô bên lò xông hương. Tôi đặt sách trong tay xuống, nói với cậu ta: "Bên ngoài lạnh không? Đến ngồi cạnh lò than này."

"Tuyết rất lớn!" Cậu ta ngồi đối diện tôi nói, "May mà không làm nhục sứ mệnh."

"Ta rất tin ở đệ." Tôi cười nói, "Nói qua chút tình hình đi." Cũng vì Lại bộ Sơn Đông Thanh Lại Ti lang trung Hải Đô là chỗ vướng mắc cuối cùng, quả thật là khiến cho tôi hao phí rất nhiều tâm tư. Nhờ cậy Văn Ngũ Gia hẹn vài lần, rốt cuộc cũng miễn cưỡng đáp ứng gặp một lần. Để Lý Hạo ra tay cũng có chút bất đắc dĩ, việc này cũng thật chỉ có cậu ta mới có thể làm.

Lý Hạo uống một ngụm trà nóng, nói: "Cũng chiếu theo thân thế tỷ đã sắp xếp, nói dối Dương Quý Thiệu kia là biểu thúc. 'Đại tỷ vì chuyện của biểu thúc mà đổ bệnh, ta và nhị tỷ biết rõ đại nhân vô cùng công chính liêm minh, mong đại nhân thấu rõ mọi việc, trả lại trong sạch cho biểu thúc' ---- Cứ như vậy đúng không? À, đúng rồi, lại tình cờ gặp Cửu Gia ở quán trà đó."

Đó là đương nhiên, bằng không Nhiếp Tịnh cũng có thể sớm về nhà ôm con rồi. Lý Hạo có hơi nghi hoặc nói: "Đệ nói theo lời ban đầu đã dự tính, tình hình so với tỷ nghĩ cũng không khác mấy. Nhưng, tỷ, 'lão gia mà chũng ta sẽ chăm sóc' là ý gì? Cửu gia biết Dương Quý Thiệu sao?"

"Không biết. Đệ đừng xía vào, ta lừa bọn họ thôi." Tôi lại nói, "Cửu a ca còn nói gì không?"

Cậu ta liền đáp: "Cửu gia không nói gì cả, chỉ hỏi tỷ dạo này thế nào. Tỷ, tỷ có chiêu gì bí hiểm vậy?"

Tôi thở dài nói: "Ài, đệ đừng hỏi, không biết thì tốt hơn."

Cậu ta im lặng nhìn tôi một lát, sau đó hỏi: "Cao Lăng, có phải cô có tâm sự hay không?"

Tôi cười nói với cậu ta: "Không có gì, tự ta sẽ giải quyết."

Cậu ta nhìn tôi ngây người. Tôi nghĩ nghĩ, cầm tay cậu ta nói: "Ta muốn sớm nhất là đầu năm, chậm nhất là tháng tư sẽ trở về Thịnh Kinh. Sau này cũng chỉ còn mình đệ ở kinh thành. Nếu thật có khả năng, ta hy vọng đệ đáp ứng với ta một chuyện."

"Tỷ, tỷ muốn nói cái gì?" Lý Hạo nắm chặt tay tôi, sốt ruột hỏi.

Tôi nhìn ánh mắt cậu ta, chậm rãi nói: "Chuyện của đệ và Dung Huệ không có cách nào thay đổi được, nhưng, về sau hãy cố gắng đừng thân cận quá với các a ca. Nếu như có cơ hội, hãy tìm một nơi nào đó để được phái đi, một là để rèn luyện, hai là...Trong kinh không thích hợp với đệ."

Cậu ta há miệng, lại không thốt nên lời. Tôi đè nặng mu bàn tay cậu ta, hỏi: "Đệ có thể đồng ý với ta không?"

Lý Hạo vẫn ngồi im lặng thật lâu, tôi cứ nhìn chằm chằm cậu ta, cho đến khi cậu ta khẽ gật đầu. Tôi mới nhẹ nhàng thở ra, cười nói với cậu ta: "Ta hiểu có một số việc không thể thuận theo bản thân mình, khi làm hết sức để chọn lấy con đường sống cũng là phải thôi."

Tôi không biết cậu ta nghe có hiểu hay không, cậu ta đã không phải là đứa trẻ, nói đến vậy tôi nghĩ cũng đủ rồi.

Quyền thế thật sự là thứ dùng rất tốt, đưa một chút thông tin mập mờ về 'đại tỷ' và lão Cửu hư vô mờ mịt, diễn một cách không đầu không đuôi, lang trung đại nhân liền cắn câu.

Tôi ở trong xe ngựa ngăn cách với bên ngoài bằng chiếc rèm lụa mỏng, khẽ thở dài với Hải Đô ở trong chiếc xe đối diện: "Đêm đó tỷ tỷ sai người đến tìm biểu thúc mới hại thúc ấy bị xác nhận là người khả nghi, chịu tai ương lao tù như vậy. Nếu biểu túc có gì bất trắc, tỷ tỷ sẽ...Ài, Vẫn cảm phiền đại nhân tốn chút tâm tư vì chuyện của biểu thúc."

Chỉ nghe bên kia nói: "Đó là tất nhiên, tất nhiên."

"Như vậy, ta thay mặt tỷ tỷ và tiểu đệ tạ ơn đại nhân." Tôi nói xong, để Hồng Nguyệt Nhi nâng một cái hộp gấm xuống xe giao cho Hải Đô.

"Đây là? Không dám nhận..." Đối phương từ chối không chịu nhận, Hồng Nguyệt Nhi chỉ giơ lên bất động.

Tôi cười nói: "Sớm đã nghe nói đại nhân thanh bạch liêm khiết, bên trong hộp này chỉ là chút điểm tâm, đầu bếp trong nhà làm cái này cũng không khó gì. Chút quà nho nhỏ, bất thành kính ý."

"Vậy thì...cung kính không bằng tuân mệnh." Ông ta sai hạ nhân nhận lấy món quà.

Điểm tâm ở bên ngoài, bên trong hộp vẫn còn để tượng ngọc Bao Chửng, ngọc thuộc loại hảo hạng, chạm trổ cũng dễ nhìn, đưa một đồ vật như vậy cũng chỉ là thăm hỏi mà thôi.

Đợi Hồng Nguyệt Nhi lên xe, tôi liền cáo từ ông ta, sau đó buông rèm, gọi Nhiếp Tịnh đánh xe rời đi.

Kết quả phúc thẩm, không đến vài ngày đã có, điểm khả nghi trùng điệp, tất nhiên là lại phúc thẩm. Tiếp đó liền có người báo đương sự Cung Ngạch chiếm đoạt chỗ ở lân cận xây dựng hoa viên, bức tử mạng người. Sau khi lấy cung cũng hoài nghi người này hãm hại Dương Quý Thiệu, vì có cùng mục đích. Nhà của Dương gia và hậu viện của Cung Ngạch chỉ cách một bức tường.

Nhiếp Tịnh kì quái nhìn chằm chằm tôi hỏi: "Dương tiên sinh có thể vô tội cũng xong rồi. Ngươi còn tìm những người đó lật lại chuyện cũ làm gì, lại trị Bất Tử Cung Ngạch?"

Tôi uống một ngụm canh nấm tuyết, khuấy thìa nói: "Sao có thể tiện nghi cho hắn như vậy! Ha ha, không phải là nghe nói người này nhiều tiền hơn sao."

"Hắn có tiềm mắc mớ gì đến ngươi?" Cậu ta nói, "Ta nói ban đầu việc gấp rút thì không quan hệ gì đến ngươi, bây giờ sao lại tích cực như vậy?"

"Đinh---" Tôi thả chiếc thìa vào bát không, cười nói với cậu ta: "Không vì sao cả, cũng chỉ phát tiết một chút thôi."

Hiện tại cũng ổn rồi, mọi người đâu đã vào đấy: "Họ Dương khỏi phải bị chém đầu hoặc treo đứt cổ; Lưu Tự Thừa thỏa mãn với cảm giác chính nghĩa của ông ta; Sát Nhĩ Kỳ được cấp trên tán thưởng, được các quan trên quan tâm; Hải Đô thì cũng không bị tố giác phản bội với trốn tránh. Về phần Cung Ngạch, chỉ cần ông ta thức thời, cũng không bị sao cả.

Khuôn mặt Nhiếp Tịnh rất trẻ con, bộ dáng tức giận rất thú vị, tôi liền muốn kích động cậu ta một chút: "Đúng rồi, nghe nói Hội Tam Hợp của các ngươi gần đây lại cướp đoạt hai hộ dân Bát Kỳ, một nhà là hoàng tộc nhàn tản, đánh chết một người, làm bị thương bảy người, rất có thể nha! Làm hại người có chút tài sản trong kinh đều rất bất an!"

"Nói láo!" Gân xanh trên huyệt thái dương của cậu ta nhảy dựng lên, sau đó, dường như cố gắng hạ giọng xuống nói, "kẻ điên tà giáo, bị 'lão Nhị' xúi giục mua chuộc, tung hỏa mù làm ầm ĩ, vậy cũng thôi đi, không được mạo danh chúng ta làm loại chuyện hạ lưu này!"

"Lão Nhị?" Tôi nghi hoặc nhìn cậu ta. Cậu ta trừng mắt, một phần là châm chọc một phần là nghi ngờ nhìn chằm chằm tôi. Tôi hít vào một hơi, tôi nghĩ có lẽ tôi đã hiểu rồi.

Cậu ta cười lạnh nói: "Ta mặc kệ ngươi có muốn nghe hay không, nói thật cho ngươi biết, bọn họ chậm nhất trong hai mươi ngày nữa sẽ hành động. Hận ai giết ai, ngươi hẳn là biết rõ, không cần ta phải nói. Đây là hai ngày trước tra khảo một tên tà giáo khai ra, trừ ngươi và ta, không ai biết được."

"Người kia đâu?"

"Ai?" Cậu ta hỏi.

"Chính là người ngươi bắt được."

Cậu ta phủi phủi tay áo nói: "À, xử lý rồi."

Không muốn biết, cũng biết rồi. Tôi nhắm mắt lại, thở dài nói: "Ta có một cách để chúng ta đều thoải mái nhẹ nhàng."

Cậu ta nhíu mày nói: "Nói nghe một chút xem."

"Ngươi đưa hành tung của nhóm người đó cho thống lĩnh nha môn. Tự nhiên sẽ tiêu diệt được." Tôi dùng nước trà súc miệng nói.

Nhìn cậu ta nửa do dự, nửa khinh thường, tôi lại bỏ thêm hai câu: "Nếu đều không phải là bằng hữu, để cho bọn họ một bên giúp ngươi diệt trừ bên kia, ngươi không cảm thấy là tiện lợi hơn sao? Nếu như làm theo cách của ta, cho dù xem như thanh toán xong chuyện thiếu nợ của họ Dương kia cũng được. Ngươi suy nghĩ đi."

Hai chuyện này cũng coi như là thuận ý tôi, chuyện của Cung Ngạch kia, quả thật là nhờ Hải Đô biếu hai ngàn lượng ngân phiếu, chỉ nói đưa cho Dương Quý Thiệu an ủi. Tôi đưa cho Văn Ngũ Gia ba trăm lượng, thêm chi phí hành động sáu bảy trăm lượng, thừa cả ngàn lượng. Tôi để Văn Ngũ truyền lời, chẳng qua chỉ là lỡ vai, nếu biểu thúc chỉ là bị khổ lao ngục, cảm phiền Cung gia chịu chút lộ phí cũng coi như xong rồi.

Trước khi Văn Ngũ đi, tôi lại nói với ông ta: "Vu cáo người tội chết không xử tử, theo luật là có liên quan, cũng không cần làm khó hắn quá, đuổi đi Hắc Long giang ngồi hai ba năm là được rồi." Cũng tốt, chi viện kiến thiết biên cương.

Mà chỗ Nhiếp Tịnh, tôi không biết cậu ta có nghe theo đề nghị của tôi không. Nhưng nghe thấy quân doanh, tuần bổ gần đây bắt được không ít bọn cường đạo của 'hội Tam Hợp', cũng yên tâm rồi.

Uống xong cháo mồng tám tháng chạp, không khí mừng năm mới lại càng đậm. Mọi nhà đều mua tranh tết, câu đối tết, treo tiền, vàng bạc, mời thần giữ cửa. Người nhà nghèo chỉ chuẩn bị chút tiền đồng lúc sắp hết năm, nhà có tiền thì lại đem tiền đến cửa hàng đổi chút vàng bạc nguyên bảo.

Cha gửi thư nói đã chọn vài nhà thích hợp để tôi xem trước một chút. Đối với những miêu tả gia thế kia tôi chỉ vội quét mắt qua liền ném sang bên cạnh, định bụng trở về Thịnh Kinh sẽ chọn kĩ hơn. Dù sao cha cũng để tôi từ từ xem, không cần phải gấp gáp. Tôi vốn cũng không vội.

Hôm nay, lúc tôi đang muốn nghỉ trưa, Hồng Nguyệt Nhi bưng khay trà tiến vào. Sau khi cô nàng để xuống lại vẫn đứng thẳng tắp ở đó, tôi liền hỏi: "Có chuyện gì sao?"

Cô nàng trả lời: "Cữu phu nhân bảo Xảo Yến tỷ tỷ đến truyền lời, gọi tiểu thư sang chỗ cữu phu nhân chọn vải để may quần áo cho năm mới."

"À, biết rồi. Lát nữa sẽ qua." Tôi đáp lời, nhìn cô vẫn không hề có ý rời đi, liền hỏi, "Còn chuyện gì nữa?"

Cô nàng cắn cắn môi dưới ngẩng đầu, nói: "Tiểu thư, xin cô đi theo Thập Tứ gia!"

Tôi ngây ngẩn cả người, một hồi lâu mới chớp chớp mắt, hỏi: "Ta theo y cái gì?"

"Mấy năm nay, tâm ý của Thập Tứ gia đối với cô, chẳng lẽ cô không biết! Nếu cô cùng Tứ, Tứ gia cũng...Tại sao không đi theo Thập Tứ gia?" Ánh mắt cô nàng trong suốt chứa hơi nước, lớn tiếng hỏi tôi.

Tôi thật sự không hiểu, chỉ có thể nhẹ nhàng hỏi: "Em có biết em đang nói gì không?"

Cô nàng bỗng quỳ gối trước mặt tôi, "phịch" một tiếng, chấn động đau nhức màng nhĩ của tôi. Cô nắm chặt tay của tôi, khóc không ra tiếng: "Tiểu thư, tiểu thư, cầu xin cô!"

Tôi nâng mặt của cô lên, hỏi: "Hồng Nguyệt, em...Không phải là em thích Thập Tứ đó chứ?"

Nước mắt từ trong hốc mắt của cô tràn ra, một giọt lại một giọt trượt xuống gò má, rơi trên vạt áo. Biểu cảm như vậy, dường như tôi rất quen thuộc, rồi lại cảm thấy xa lạ như thế. Âm thanh phát ra từ cổ họng như cũng không phải của chính tôi: "Ta không thể đáp ứng em. Em cũng không nên hy vọng xa vời cùng y, em hiểu chưa?"

Cô lắc lắc đầu, khuyên tai trân châu giống hệt những giọt nước mắt, run rẩy trong không trung thành những đường cong lóe sáng. Cô khóc không thành tiếng nói: "Tiểu thư, loại thân phận thấp hèn này của nô tỳ...chưa từng...chưa bao giờ nghĩ sẽ được Thập Tứ gia coi trọng! Nhưng mà, cô không giống vậy! Trong lòng Thập Tứ gia chỉ có cô thôi!"

Tôi hít sâu một hơi, quả quyết với cô: "Hồng Nguyệt, ta không phù hợp với bất kỳ người nào trong bọn họ, em cũng vậy. Biết không?" Tôi không để ý đến lời nỉ non cầu xin của cô, tách tay cô ra, cũng không ngoảnh lại nhìn cô gục trên ghế, run rẩy nức nở, cứ như vậy thẫn thờ ra khỏi phòng. Gió tháng chạp cũng chẳng thể khiến tôi thanh tỉnh.

Ngẩn ngơ đi dọc theo hành lang về phía trước, cho đến khi một cái áo choàng chụp lên đầu mới cảm thấy lạnh thấu xương. Vội vàng khoác lại, sau khi rùng mình một cái mới thấy Nhiếp Tịnh đang đứng trên hành lang liếc xéo tôi nói: "Ra ngoài hít thở không khí, có muốn cùng đi không?"

Thúc Bạo Tuyết xông lên triền núi, gió lạnh thốc vào cổ áo, khuôn mặt cũng đã đông cứng lại, nhưng lại có cảm giác thoải mái lạ kì. Khi gần đến đỉnh, từ từ ghìm chặt giây cương giảm bớt tốc độ lại, cảnh vật thành Bắc Kinh ung dung phồn thịnh cứ như vậy không hề bị che khuất hiện ra trước mắt. Tường thành nguy nga, nhà cửa trùng điệp, bầy bồ câu lượn quanh trên bầu trời thành thị...Tạo thành một bức tranh hài hòa.

Nhiếp Tịnh điều khiển ngựa đi song song với tôi, giơ roi chỉ về phía cung điện thấp thoáng phía xa nói: "Ngươi xem, Nam Cảnh Sơn là Thần Võ Môn. Ta thật sự rất hiếu kỳ, thành hào rộng mười lăm trượng bao quanh, tường thành cao ba trượng vây bọc Tử Cấm Thành bên trong, rực rỡ tráng lệ biết bao!"

Tôi nhìn cậu ta, cười nói: "Nếu ngươi muốn biết, chỉ có có thể tịnh thân vào đó làm công công thôi."

Lần này cậu ta lại không phản ứng nhiều lắm, vô vị cười cười: "Ngươi không tò mò sao? Chỉ cần ngươi bằng lòng, muốn biết cái gì là thiên gia phú quý thật sự cũng không khó."

Tôi đưa đôi tay tê cóng vào những bông tuyết trắng xóa, nói với cậu ta: "Ta đã từng vào bên trong rồi. Chỉ là Hồ Quảng, gỗ Sơn Tây, tường đá cẩm thạch, đá da hổ Bàn Sơn, đá hoa cương Khúc Dương, lát nền gạch Tô Châu, tường gạch Sơn Đông Lâm Thanh, nhan liệu (chất dùng để hồ màu, vẽ ngoài mặt) ở núi Lỗ Sơn Đông và núi Yên Đồng Tuyên Hóa. Lúc tham quan cố cung ở viện bảo tàng cũng đã đủ tận hứng rồi. Hơn nữa cũng không cảm thấy thoải mái khi ở đó.

Nhiếp Tịnh hồ nghi nhìn tôi nói: "Ngươi thật sự đã vào đó rồi sao?"

"Ta nằm mơ thôi!" Cười nói với cậu ta, "Nhưng nằm mơ cũng chẳng có gì thích thú!"

Dường như Nhiếp Tịnh đã sáng tỏ liếc tôi, lầm bầm lẩm bẩm: "Cũng chỉ muốn nhìn một chút thôi. Thật muốn nhốt mình ở bên trong, đổi cho ta làm hoàng đế cũng mặc kệ..."

"Ngươi yên tâm, không có ai đổi cho ngươi đâu!" Cười lớn bỏ lại cậu ta, tôi liền ghìm cương xoay đầu ngựa, men theo đường lúc đến chạy xuống dốc núi. Lúc này đập vào mắt đều là đồi núi nhấp nhô chập chùng, cảm thấy con đường thế này đẹp hơn ban nãy nhiều lắm.

Lúc trở về, trên đường bị một người dáng dấp tùy tùng cản lại. Tôi nhìn theo hướng cậu ta chỉ, nhìn thấy Anh Tô trong xe ngựa ven đường mặt mày rạng rỡ cười vẫy tay với tôi. Tôi thở dài, xuống ngựa, kiên trì đến trước xe. Anh Tô giục nói: "Cô nương mau lên đây." Không còn cách nào khác, đành phải lên xe, vén rèm tiến vào trong.

Bát phúc tấn cười khanh khách chỉ vào Anh Tô nói với tôi: "Cũng may là nàng tinh mắt, không thì cũng chẳng thấy muội."

Tôi cười nói: "Phúc tấn cũng ra ngoài đi dạo sao, thật có hứng!"

"Đâu có, vừa từ miếu đền thần trở về." Cô kéo tay tôi nói, "Gặp muội cũng đúng lúc. Ta còn định sai người nói với muội, sau khi Thập Cửu phong tước, chúng ta đi thôn trang chơi hai ngày."

Tôi khéo léo từ chối: "Tạ thịnh tình của phúc tấn, chỉ là..."

Cô nàng ngắt lời tôi nói: "Đừng nói với ta muội phải về Thịnh Kinh! Ta đã nghe nói a mã muội sang năm sẽ vào kinh báo cáo công tác, trong lúc này sao có thể gọi muội về được?"

Tôi nhất thời nghẹn họng, chần chừ suy nghĩ tìm cớ khác. Bát phúc tấn không đợi tôi lên tiếng, nhân tiện nói: "Cứ quyết định như vậy đi. Bây giờ ta thấy muội cũng không có việc gì, đến chỗ ta ngồi một chút đi."

Vì thế, lại bị bắt giữ chơi ở nhà lão Bát rồi ăn cơm. Sau đó lại gặp được lão Bát, vừa mới nói hai câu, anh ta đã hỏi: "Cô và Tứ ca sao vậy?"

Tôi vừa mở miệng lại khép lại, chỉ mở to mắt nhìn anh ta, sau một lúc lâu mới nói: "Làm sao ngài biết?"

Anh ta cười nói: "Nét mặt Tứ ca đối với cái gì cũng đều thản nhiên. Con người yêu thích cái gì cũng không giấu diếm được người khác."

Tôi rũ mắt xuống nói: "Chúng ta kết thúc rồi."

Anh ta cũng không hỏi nhiều, chỉ nói: "Chẳng trách gần đây tâm tình của Tứ ca có chút không thuận!"

Từ chỗ lão Bát ra ngoài, tôi nghĩ dường như có gì đó không đúng, liền nói với Nhiếp Tịnh: "Sau khi phong tước, quan trong kinh đều không làm việc."

Nhiếp Tịnh trầm ngâm nói: "Ừ, trong thành cũng buông lỏng rồi. Thủ vệ ở trang viên ngoại thành chỉ sợ còn không bằng..."

Tôi cau mày nói: "Vậy trước hết ngươi đừng về, chờ theo ta lần này rồi bàn tiếp."

Ai ngờ cậu ta lại cười nói: "Ha ha, việc đã xong xuôi còn không về? Ta cũng không phải nghiện làm nô tài cho ngươi đâu!"

Tôi lườm cậu ta: "Đã nói ngươi muốn bao nhiêu cũng được mà."

Cậu ta dựng một đầu ngón tay lên, nói: "Một ngàn lượng. Ngươi đừng mắng chửi người, lần này không thể so với lần trước, có lẽ còn có..." Tay phải cậu ta giả thành đao, làm động tác cắt cổ, nói tiếp "Chuyện xấu như vậy. Giá của ta không đắt." Ta chỉ có thể cười nói: "Ngươi dò la cũng thật kĩ càng. Cứ vậy đi!"

Gần tối về đến nhà cậu, bị gọi đến phòng mợ chọn vải. Tôi liền nói với mợ: "Mợ, con có thể mượn Xuyến Vân mười ngày nửa tháng không?"

Mợ cười nói: "Nếu con thích nó cứ dẫn nó đi, còn nói mượn cái gì! Chỉ sợ con chê nó không bằng tri kỉ Hồng Nguyệt Nhi của con thôi."

Tôi cười ngồi xuống bên cạnh bà: "Một mình cha ở Thịnh Kinh, con lại sợ người khác hầu hạ không tận tâm. Đưa Hồng Nguyệt Nhi trở về cũng thay con chăm sóc tốt cho cha."

Mợ vỗ tay tôi nói: "Hiếm thấy con có phần hiếu tâm này."

Tôi chỉ cười nặng trĩu.

Tiếng lục lạc "đinh đang" vang lên dưới chân, Mẫn Mẫn giơ một chân trước ôm lấy hài tôi, ngẩng đầu nhìn tôi. Nó đói bụng sao? Trước kia đều có Hồng Nguyệt Nhi chuẩn bị thức ăn cho nó, lục lạc trên cổ cũng là cô ấy đeo cho nó. Tôi ngồi xổm xuống ôm lấy nó, ngón tay xoa xoa lông mềm trên cổ nó, khẽ nói với nó: "Chỉ còn lại hai chúng ta thôi."

Nó không kiên nhẫn liếc nhìn tôi, từ trong tay tôi nhảy xuống, cuộn tròn trên ghế lông nhỏ của nó. Tôi thở dài, gọi Xuyến Vân đi vào, dặn dò cô chuẩn bị thức ăn cho nó.

Nhiếp Tịnh ở ngoài cửa lớn tiếng nói: "Bẩm cô nương, xe đã chuẩn bị xong, có thể khởi hành rồi."

Xe ngựa chấn động có quy luật, Bát phúc tấn nhắm mắt nghỉ ngơi, Dung huệ gối lên đầu gối tôi ngủ thiếp đi. Lần này cả Thập Phúc Tấn cũng không đi, chẳng trách cô nàng nhất định phải kéo theo tôi, bằng không cũng chỉ có cô cùng một đống nam nhân và một tiểu quỷ nghỉ lại hai ba ngày.

"Lão Thập Tứ, ngựa của đệ phờ phạc quá vậy, tối hôm qua không được ăn no sao!" Tiếng lão Thập truyền đến.

Thập Tứ hừ khinh bỉ, nói: "Không biết sao lại kém cỏi thế này? Quay về phải thưởng cho bọn họ mấy roi mới biết thế nào là lợi hại!"

Chợt nghe tiếng lão Bát cười nói: "So đo với hạ nhân làm gì!"

Thập Tứ không lên tiếng.

Tôi vén lên một góc rèm, nhìn bên ngoài. Bọn họ chỉ dẫn theo một ít thị vệ ở nhà, có lẽ thôn trang còn có người....Cho dù như vậy cũng không đủ! Không thấy Nhiếp Tịnh, có lẽ là theo tuốt ở phía sau, người này làm việc vẫn rất chu toàn, không cần lo lắng cho cậu ta. Thu hồi tầm mắt về hàng ngũ sau cùng, vừa vặn chạm với Thập Tứ, dường như cần cổ cậu ta bị mắc kẹt cứ nhìn tôi, ánh mắt ngày càng mở to. Tôi gật đầu với cậu ta, khẽ động khóe miệng, trao cho cậu ta vẻ mặt không biết có phải là cười hay không.

Vừa mới buông rèm xuống liền nghe thấy tiếng lão Thập quát lên: "Lão Thập Tứ, mắt con ngựa đệ cũng bị mù sao? Sao cứ giẫm vào hố thế!" Sau đó là tiếng Thập Tứ hô lên khống chế ngựa.

"Ta nói đệ này, đám nô tài trong nhà đệ là nên bị trừng trị cho tốt vào!" Lão Thập cười to nói, "Ngựa của chủ tử cũng dám sơ suất! ha ha ha!"

Thập Tứ đáp: "Những thằng khỉ đó, đánh mắng cũng vô dụng, lúc nào cũng tranh thủ lười biếng. Đệ cũng chẳng thèm phí tâm làm gì..."

"Ta không nói cho đệ ấy biết." Chẳng biết lúc nào mà Bát phúc tấn đã dựa qua đây, ghé vào tai tôi nói. Tôi quay đầu lại, vừa lúc thấy đôi mắt cười trêu ghẹo của cô. Cô nói tiếp: "Chỉ sợ phút cuối muội không đến, tiểu tử này lại sống không yên!"

"Phúc tấn..." Tôi đã không còn hơi sức mà xác định nữa.

Bát phúc tấn khẽ cười nói: "Ta nói muội đó, cũng đừng chần chừ như vậy, cứ cho người ta một câu trả lời chính xác đi. Đã kéo dài nhiều năm, nếu như là người khác cũng đã bồng con rồi!"

Tôi thở dài thật sâu, nói: "Vâng, muội sẽ nói với ngài ấy." Không ngờ sau hai năm, vẫn còn phải nói lời đó lần thứ hai.

Trong xe ngoài xe đều tranh cãi om sòm, Dung Huệ cũng tỉnh dậy, xoa xoa mắt ngồi dậy. Nói đùa với Dung Huệ một lát, chẳng biết thế nào, con bé lại quấn lấy tôi đòi tôi kể cho nó nghe chuyện xưa, tôi ôm lấy con bé, đành phải đáp ứng. Tiểu cô nương gần mười tuổi, là lứa tuổi đọc truyện cổ Grimm. Tôi bèn nói: "Sau thời Xuân Thu, có một nước chư hầu, nhân vật chính của truyện là trưởng nử của một vị Tụy Chính."

"Lý tỷ tỷ, Tụy Chính là cái gì?" Dung Huệ ngắt lời tôi nói.

"À, đó là tên của quan địa phương khi đó." Ta nói tiếp, "Cô bé tên Tự Tuyết này rất đáng thương, vừa sinh ra mẹ đã chết, không lâu sau cha lại cưới kế thất, liên tiếp sinh ra hai muội muội, Tự Hoa và Tự Ngọc. Mẹ kế Thái phu nhân đối xử với Tự Tuyết rất tệ, thường xuyên bắt cô bé phải làm cái này làm cái kia, về sau hoàn toàn coi cô như hạ nhân sai bảo". Dung Huệ lại cắt ngang lời tôi, vội hỏi: "Cha của Tự Tuyết kia sao lại bỏ mặc không quan tâm vậy?"

Tôi làm sao mà biết? Lúc tôi đọc câu chuyện này trước đây cũng muốn hỏi như vậy. Nghĩ nghĩ đáp: "Có lẽ là bởi vì Thái phu nhân quá lợi hại, cha cô sợ vợ; cũng có thể là cha cô cảm thấy đại nữ nhi không đủ đáng thương, để sau này mọi người nghe câu chuyện mà đồng tình với cô, nên muốn 'lao động vì gân cốt, đói khát vì bụng dạ'" Nhân vật chính của chuyện cổ tích không phải đều bị ngược đãi như vậy sao?

Dường như Dung Huệ có chuyện muốn nói, tôi nhân tiện nói: "Cách cách, muội muốn nghe tiếp hay là hỏi tiếp đây?"

Cô bé nghiêng đầu sang một bên, nói: "Nghe tiếp."

"Vậy thì kể tiếp. Tự Tuyết mỗi ngày trời chưa sáng đã dậy gánh nước, nhóm lửa, nấu cơm, giặt quần áo, thân thể bẩn thỉu dơ dáy nên bị gán cho một biệt danh là 'Cô bé lọ lem'. Năm nay Tự Tuyết mười tám tuổi, đúng lúc Hầu gia chọn vị hôn thê cho đại công tử, dán cáo thị, nữ tử thiện lương chưa lập gia đình trong cả nước đều có thể tham gia tuyển chọn."

Dung Huệ hưng phấn nói: "Tốt nha, cái này là tuyển tú rồi."

"Đúng, tuyển tú. Thái phu nhân trang điểm cho hai nữ nhi của mình rất lộng lẫy, lấy xe ngựa tốt nhất của nhà bọn họ để đi tham gia tuyển chọn. Cô bé lọ lem Tự Tuyết không có quần áo không trang sức, đành phải ở nhà khóc lóc."

Bát phúc tấn chen lời: "Người làm cha này cũng thật là thiên vị!"

"Nhưng thiên vị mới hay, nếu không thì làm sao thấy được nhân vật cô bé lọ lem đặc biệt thế nào chứ!" Tôi nói tiếp, "Lại nói về Tự Tuyết ở nhà khóc. Bỗng nhiên xuất hiện một quý phụ nhân trang phục sinh đẹp. Bà tự xưng là Thiến phu nhân, chính là thần ở nhà xí, vì để khen ngợi cô bé lọ lem đã cần cù quét dọn, nên quyết định giúp cô đi tuyển tú. Thiến phu nhân dùng lá cây để đổi một bộ quần áo xinh đẹp, nan tre biến thành đồ trang sức, chỉ vào con chuột trong nhà xí trở thành tuấn mã, biến cái bô mới chưa dùng đến trong nhà thành một xe ngựa hết sức khí phái...."

"Cái bô...May mà chưa dùng qua." Bát phúc tấn cười ha hả.

"Ừ, dù sao hai thứ đồ này cũng hơn kém một chữ, cũng thích hợp. Phiền toái nhất là giày, tìm không được thứ đồ gì mới mẻ để biến, Thiến phu nhân liền đưa đôi hài bát bảo lưu ly tâm đắc của mình cho Tự Tuyết, vô cùng may mắn là vừa chân. Trước khi đi lại dặn dò, trước canh hai nhất định phải về nhà, bằng không pháp lực sẽ quá hạn, con chuột trở về lại con chuột, cái bô trở về cái bô. Như vậy là Tự Tuyết đến phủ Hầu gia, công tử Yến Kỷ vừa liếc thấy cô đã chẳng còn quan tâm đến các tiểu thư khác, chỉ ra sức lấy lòng cô. Thề non hẹn biển thật lâu, Tự Tuyết thiếu chút nữa đã quên thời gian, bỗng nhiên nghĩ đến có thể chỉ có lá cây che đậy thân thể, cũng không để ý đến công tử Yến Kỷ hết lời giữ lại, vội vàng chạy về nhà. Lúc chạy đi lại mất một chiếc hài lưu ly. Công tử Yến Kỷ nhặt được, phát cáo thị cả nước tìm kiếm mỹ nhân huyền bí này, để ướm thử chiếc hài lưu ly này làm căn cứ. Sau ngàn người vạn người thử qua chiếc hài, cuối cùng công tử cũng tìm được người trong lòng mình, Tự Tuyết cô nương của chúng ta."

"Sau đó thì sao, sau đó thì sao?" Dung Huệ hỏi.

"Sau đó?", tôi nói, "Sau đó Tự Tuyết gả cho công tử Hầu gia, từ đó phu xướng phụ tùy, hạnh phúc mỹ mãn."

"Thật là rất thú vị. Muội nghe ở đâu thế?" Bát phúc tấn cười hỏi.

"Xem trong sách thần quái." Tôi thuận miệng cười nói, sau đó lại hỏi Dung Huệ, "Nghe xong chuyện này muội có hiểu được điều gì không?"

Dung Huệ ngẩng mặt lên đáp: "Mỹ nhân mới có thể được công tử nhìn trúng."

Tôi nói: "Thật ra ta muốn nói, người cần quần áo, Phật cần chuông. Muội xem Tự Tuyết kia tuy đẹp, không có quần áo trang sức xinh đẹp cũng không thể lộ ra phong thái cao quý được."

Dung Huệ lắc đầu nói: "Không phải đâu, Lý tỷ tỷ mặc gì cũng đẹp."

Tôi gật đầu nói: "Ừ, cách cách làm ta lại hiểu được một đạo lý, nịnh bợ vĩnh viễn là không sai."

Bát phúc tấn cười dữ dội: "Chưa từng thấy cảnh ca tụng nhau như vậy!"

Xe ngựa bỗng nhiên ngừng lại, Bát phúc tấn hỏi, "Làm sao vậy?" Liền có hạ nhân đáp lời nói, đến nơi rồi.

"Tình hình thế nào?"

Nhiếp Tịnh nhìn nhìn tôi, cũng không trả lời, chỉ hỏi: "Ngươi cải trang thế này làm gì?"

Tôi cau mày nói "Thuận tiện thôi, quan tâm chuyện đó làm gì? Nhanh nói vào chủ đề chính đi!" Chẳng qua tôi mượn quần áo của Lý Hạo để mặc, cưỡi ngựa đi săn, mặc nam trang vẫn thoải mái thuận tiện nhất.

Cậu ta bất mãn lườm tôi, nói thầm vài từ "bất nam bất nữ", tôi chẳng muốn đáp lời, chỉ trừng mắt chờ câu trả lời của cậu ta. Trước lúc tính kiên nhẫn của tôi cạn kiệt thì rốt cuộc cậu ta cũng nói: "Trước mắt vẫn không có động tĩnh gì."

"Vậy thôi?"

"Vậy thôi." Cậu ta ngáp một cái nói. Tôi hận không thể quất cho cậu ta một roi. Cậu ta uể oải bổ sung một câu: "Mấy chỗ có thể xảy ra chuyện bất ngờ ở đây ta đều đã xem qua rồi. Có biến động gì ta cũng đều biết được, ngươi yên tâm đi!"

Tôi hừ lạnh: "Thôn trang lớn như vậy, ngươi chỉ có một đôi mắt, hai lỗ tai, ngươi bảo ta yên tâm chỗ nào?"

Cậu ta liếc tôi, nói: "Ta không kiêu ngạo đến mức một người chiếm cả một ngàn lượng đó đâu."

"Cuối cùng cũng còn nhớ cầm của ta một ngàn lượng nhỉ!" Tôi cười lạnh nói, "Gia sản của Chỉnh Phó đều bị ngươi lấy hết, tốt nhất là đừng làm cho ta phát hiện ra thứ gì không có giá trị!"

"Ngươi không có tiền?" Cậu ta thiếu chút nữa đã phun nước bọt vào mặt tôi, "Nếu không thì ngươi đưa chậu Nhữ Dao Thủy Tiên đặt trên án thư cho ta, ta sẽ xem như ngươi không có tiền!"

Chậu thủy tiên kia hả, đều đã kết tua rồi, chắc là cũng sắp nở hoa. Tôi cũng đã quên. Còn nhớ năm trước lúc anh ta đưa cho tôi đã nói, "Đợi đến lúc qua năm mới hãy mở ra. Nếu như sợ mùi thơm nồng thì để xa một chút." Khi đó tôi nhìn một đám tỏi giống như quả thủy tiên, cười nói với anh ta, "Màu sắc của cái chậu này thật đẹp!" Anh ta cũng cười nói, "Biết nàng thích màu xanh thẫm này mà." Trước đó vài ngày, Hồng Nguyệt Nhi vừa lấy ra, đặt vào một quả thủy tiên mới nữa, chắc là ngày tết cũng nở hoa...

Tôi khẽ thở dài, nói nhỏ: "Cái chậu đó không thể cho ngươi được."

Nhiếp Tịnh hừ lạnh, nói: "Ta cũng không cần." Cậu ta nói là nói như vậy, nhưng lại nhìn chằm chằm vào cái nhẫn ngọc đeo trên ngón cái tôi.

Tôi trách mắng: "Tại sao thứ gì của ta ngươi cũng đòi thế hả?"

Cậu ta vẫn nhìn chăm chú, thì thầm nói: "Chậc chậc, ngọc Dương Chi thượng hạng nha! Trông màu sắc này...lớp sơn trơn bóng...Rơi vào nước cũng không dính..."

Tôi không để ý đến cậu ta, thúc ngựa chạy xuống núi. Dưới dốc núi có vài ngựa cưỡi, chạy đến gần mới phát hiện là lão Bát và tùy tùng của anh ta. Lão Bát cười nói với tôi: "Rất nhanh nhẹn" Quét đến nhẫn trong tay tôi có hơi sững sờ, một lát sau lại vừa cười vừa nói: "À, dường như là đến để săn bắt."

Tôi cười đáp: "Nếu không thì tôi đến đây làm gì?"

Lúc này phía sau truyền đến tiếng chân liên tục, chỉ chốc lát sau hơn mười ngựa cưỡi đã đến bên cạnh. Lão Thập từ xa đã kêu lên: "Bát ca!" Anh ta nhìn thấy tôi, đầu tiên là trợn tròn mắt, sau đó cười 'khà khà' với Thập Tứ bên cạnh: "Thập Tứ, trong lòng không kìm nén đến mức luống cuống chứ?"

Thập Tứ chỉ cười, không nói gì.

Lão Bát cười nói: "Tản ra hết đi, nếu không đêm nay ngay cả một món ăn dân dã cũng không nếm được đâu!"

Lão Thập nghe vậy dẫn vài người chạy dọc theo dòng suối nhỏ, chạy được ba bước vẫn không quên quay đầu lại cười chúng tôi, tôi lo cho anh ta không cẩn thận ngã từ trên ngựa xuống bị gãy cổ.

Không thấy con thú nào, tôi thả ngựa chậm rãi đi dạo. Khe suối chảy róc rách, tỏa ra hơi nước mỏng manh, mùa đông giá rét thế này vẫn không bị đóng băng, không biết đầu nguồn có phải là ôn tuyền không.

Thập Tứ lẳng lặng theo sát, không hề chớp mắt nhìn chằm chằm chiếc nhẫn trên tay tôi. Đồ chơi này thật đúng là có thể làm người khác chú ý, nếu không hữu dụng tôi đã không đeo. Tiểu tử này nhìn cái gì vậy? Không phải là muốn trở về chứ? Lúc này không được, đợi lúc trở về cũng có thể trả lại cho cậu ta...Tôi cau mày, lườm cậu ta, cậu ta mới chuyển tầm mắt đi. Qua một hồi lâu, cậu ta mới nói nhỏ: "Nàng không ném đi sao..."

Tôi "ừ" một tiếng, nghĩ thầm, xa xỉ cũng không phải cách này.

Bỗng nhiên bên kia có động tĩnh, tiếng gào, tiếng huýt sáo, tiếng ngựa hí hỗn độn. Tôi gọi Thập Tứ: "Đi thôi, xem ai đoạt được phần thưởng của hôm nay."

Bị dồn vào vòng vây là một chú thỏ rừng, con vật nhỏ xui xẻo này đã vô cùng lúng túng kinh hoàng, hai đầu bị chặn lại trốn vào đống cỏ khô mọc san sát. Thật ra đội ngũ người ngựa nhiều như vậy vì trò chơi đi săn thế này rất lãng phí, mà các tùy tùng cũng không thể động thủ, đây là để các chủ tử tìm trò vui chơi. Tôi thúc vào bụng ngựa xông lên gia nhập vào vòng chiến, nếu đã chơi thì phải chơi cho thỏa thích.

Bọn người lão Thập lão Bát cũng theo lên, lão Thập bắn mũi tên thứ nhất, vừa lúc con thỏ chui vào sau một tảng đá, rơi xuống khoảng không, anh ta vô cùng chán nản. Tôi vừa lúc chặn được hướng cho thỏ chạy tới, cơ hội tốt thế này sao có thể bỏ lỡ, buông dây cương, rút một mũi tên trong bầu đựng tên, mắc vào dây cung, di chuyển nhắm đúng theo mục tiêu, hai ba giây sau mới bắn đi. Lúc này, còn có ba bốn mũi tên đồng thời bay đến con thỏ, hay thật, chắc có thể biến thành con nhím rồi.

Tiếc là chẳng biết người nào ngắm sai mục tiêu, một mũi tên bay sang vừa lúc rơi xuống bên cạnh chân Bạo Tuyết, nó cả kinh hí lên một tiếng, giơ chân trước nhảy bật lên. Giãy giụa như vậy thiếu chút nữa đã đẩy ngã tôi, Thập Tứ bên cạnh và lão Bát kinh hô lên: "Cẩn thận!", tôi nắm thậy chặt dây cương, quát nó hai tiếng, sau đó vẫy tay với bọn họ, tỏ ý không có gì. Bạo Tuyết an tĩnh lại, nhưng vẫn phun khí kháng nghị tôi ngược đãi nó, tôi vỗ nó vài cái, nghiêm phạt nó không được hí lên vậy nữa, nó vô cùng bất mãn đi vòng quanh, phát ra tiếng phì phì trong mũi, gật gù lắc lư, nhất định không nghe lời. Tôi dở khóc dở cười, chưa từng thấy nhân vật nóng nảy như vậy, đành phải cúi người sờ sờ bờm lông trấn an nó.

Có tùy tùng đem con thỏ về, lão Bát cười nói: "Xem công đầu thuộc về ai."

Tùy tùng kia đáp lời: "Bẩm gia, cùng trúng hai mũi tên, tên trên lỗ tai này là của Thập gia, tên trí mạng trên mình...là của Lý cô nương."

Lão Bát kinh ngạc nhìn tôi một lát, sau đó phân phó: "Đưa cho mọi người xem đi."

Tùy tùng nâng xác con thỏ đi một vòng trước mặt mọi người. Tôi biết rõ nó sẽ biến thành đồ ăn, nhìn thấy con vật huyết nhục mơ hồ kia vẫn giật giật khóe mi. Lão Bát hiểu được nhìn tôi, sai bọn họ đưa con mồi lui xuống.

Lão Thập quay về phía tôi hét ầm ĩ: "Ta đã bắn trúng rồi, cô còn xem náo nhiệt gì nữa! Vốn có thể bắt sống được rồi."

"Đa tạ." Tôi chắp tay với anh ta, cười hỏi: "Bắt sống làm gì, thế nào cũng làm thịt ăn, ngài còn muốn dùng da nó à?"

Lão Thập bất mãn nói: "Còn sống có thể để cho Dung nha đầu chơi đùa..."

Tôi bèn cười nói với anh ta: "Được rồi, nếu có thêm con thỏ nữa thì mời một mình Thập gia ngài lên, tôi sẽ không làm loạn."

Sao hỏa, lóng lánh như lửa, giữa bầu trời đêm xanh thẫm, lấp lánh tỏa sáng. Tôi ngửa đầu nhìn say mê hành tinh được xưng là "sao hỏa", trên điểm sáng này, cát đá khắp nơi, hoang vu tĩnh mịch, những hố thiên thạch uốn lượn khắp nơi, đan xen, lòng sông khô cạn kéo dài mấy ngàn cây số. Lúc nào sao hỏa cũng có một lớp bụi dày bao phủ...

"Đang ngắm sao hả?"

Tôi không quay đầu lại, đáp: "Thật lâu trước kia, tôi đã ao ước được bay lên ngôi sao này." Lúc còn học tiểu học, ước mơ lớn nhất của tôi là được lên sao hỏa, nói tương đối thì tôi là người ủng hộ trung thành của kế hoạch cầu hóa sao hỏa. Có lẽ sẽ cần khoảng mấy trăm năm, tôi tin có thể thực hiện được việc di dân lên sao hỏa, nó sẽ trở thành trạm khai thác đầu tiên trong hành trình lên các vì sao của nhân loại. Nhưng mà, hiện thực và ước mơ rất ít khi được trùng khớp, giấc mộng du hành vũ trụ chung quy vẫn là tiêu tan.

Lão Bát chuyển đến trước mặt tôi, nói: "Suy nghĩ của cô vẫn luôn không giống người bình thường."

Tôi xoa xoa cần cổ đau mỏi, cười nói với anh ta: "Tôi hiểu hiện nay nói vậy là không thực tế, chỉ suy nghĩ một chút thôi."

Anh ta cười lắc đầu, nói: "Đi thôi, có lẽ đã đợi hai chúng ta ăn cơm rồi."

"Bát gia." Tôi gọi anh ta lại, đón lấy ánh mắt nghi hoặc của anh ta, tôi nhẹ giọng hỏi, "Ngài đã nói sẽ không hối hận, đúng không?"

Anh ta thoáng ngớ ra, trầm ngâm nhìn tôi, sau đó dịu dàng lại quả quyết cười nói: "Đúng."

Tôi cúi đầu thấp hơn, đứng dậy nói: "Đi thôi."

Bước vào bữa cơm bày ở phòng khách thì phát hiện quả nhiên những người khác đều đã đến, chỉ chờ hai người chúng tôi. Sáu người ngồi vây quanh một bàn tròn, bên phải tôi là Dung Huệ, bên trái là Thập Tứ. Sau khi mỗi người ngồi vào chỗ của mình, lão Bát nói: "Ăn cơm đi." Tôi liền thành thật không khách khí.

Trong bữa cơm, bọn họ dùng tiếng Mãn khẽ nói chuyện, làm tôi nhớ đến những việc trải qua vài năm trước, chẳng qua lão Cửu đã đổi thành Thập Tứ, còn thêm Dung Huệ. Bát phúc tấn cười nói: "Cửu đệ cho ta mượn đám đầu bếp Tô Châu của y, nếm xem thử tay nghề thế nào."

Loại chuyện nếm thử này tôi rất thích, chỉ là lúc ăn cái gì đều cảm thấy bị hai vị tổ tông một lớn một nhỏ hai bên nhìn chằm chằm, thật sự là không thể bảo tốt được. Tôi ngưng đũa, hỏi Dung Huệ: "Cách cách, muội không đói bụng sao?"

Dung Huệ lắc đầu, dịu dàng nói: "Tỷ tỷ, cái này ăn ngon không?"

"Cái gì?"

Con bé chỉ chỉ mầm đậu tôi gắp đặt trong đĩa, đôi mắt to trong veo như nước chớp chớp nhìn tôi.

Tôi cười nói: "Món này tên là 'lựu ngân điều', dùng mầm đậu xanh, hành lá, giấm trắng, hạt tiêu, ớt trái, muối, dầu vừng, đầu tiên là trụng ớt thành màu đỏ, thả mầm đậu vào nồi sau khi đã đun dấm, một lát sau thì xong, rất giòn mềm mà lại cay cay."

Dung Huệ nhìn thấy dường như đã động lòng, liền có công công lên hầu hạ. Cô bé ăn xong món này lại hỏi món khác mà tôi đã từng nếm qua, thế nào cũng phải bắt tôi nói ra cách chế biến. Mộc tê nhục, hà ngọa kim tiễn hương cô, thiêu như ý đông duẩn, thập cẩm đậu hũ, tôi ăn cái gì, con bé ăn cái đó. Sau đó, tôi nói đến món nào, bọn thái giám đều đưa một phần đến đĩa của mỗi người, tôi cũng không biết là tôi đến ăn cơm hay là đến làm mẫu. Nuốt xong miếng bánh gạo cuối cùng, tôi cũng không thèm chú ý lễ tiết, đứng dậy nói: "Tôi no rồi, các vị cứ chậm dùng." Nói xong cúi người liền ra khỏi phòng khách.

Quay về phòng, chỉ thấy Nhiếp Tịnh bắt chéo hai chân, ngồi trên ghế thái sư uống trà. Tôi nhíu mày hỏi: "Chuyện gì?"

Cậu ta chỉ chỉ một người phía trước bị cậu ta nhét vải vào miệng, trói gô vào ghế gỗ lim bốn chân, nói: " Người này lén lén lút lút, giống như rất có hứng thú với ngươi."

"Ngươi đã hỏi chưa?" Tôi ngồi trên kháng, lấy cây đao nhỏ cắt quả cam, lập tức hương cam lan tỏa bốn phía. "Không hỏi được gì cả, đợi ngươi trở về cùng nghĩ ra trò vui thôi." Nhiếp Tịnh cười hì hì kéo mảnh vải trong miệng người nọ, đi tới cầm nửa quả cam cắn. "Ừ, ngọt." Cậu ta vừa ăn vừa nói. "Tiểu tử này rất mạnh miệng, không giở chút thủ đoạn sợ là không được."

Tôi nhìn về phía người nọ, anh ta vừa chạm vào tầm mắt tôi thì lập tức rũ mắt xuống. Tôi dùng ngón tay gõ gõ trên kháng trác (*), nói với Nhiếp Tịnh: "Ngươi ra ngoài một lát đi."

(*) một loại gia cụ ở Bắc TQ, Nhật Bản, Triều Tiên đều có sử dụng gia cụ, cùng phổ thông bàn hình dạng giống nhau, 4 chân, cao khoảng 20-40 cm, dùng cho mọi người ở trên giường ăn cơm, viết chữ sử dụng rất tiện lợi.

Nhiếp Tịnh trợn mắt nhìn tôi một hồi lâu, hỏi: "Ngươi, được không?"

Tôi cười nói: "Không được thấy tài năng của ngươi rồi."

Cậu ta sờ sờ mũi, nói: "Được rồi, ta cho ngươi canh chừng" Nói xong ngậm nửa quả cao trong miệng, đi ra ngoài đóng cửa lại.

Tôi đi đến trước mặt người kia, hỏi: "Ngươi tên gì?"

Người nọ cúi đầu trả lời: "Bẩm cô nương, tiểu nhân là Từ Kiệt."

"Làm gì?"

"Tiểu nhân là người chăn ngựa trong trang."

Tôi kéo cái ghế tựa, ngồi xuống đối diện anh ta, nói: "À, mới tới à. Trước kia hầu hạ trong phủ nào?"

"Tiểu nhân không hiểu ý của cô nương...."Anh ta nói quanh co.

"Không hiểu à?" Tôi rót chén trà cho mình, chậm rãi hớp một ngụm, nói: "Không biết thấy Bát gia rồi có phải ngươi sẽ hiểu được hay không?"

"Tiểu nhân, tiểu nhân chỉ chăm sóc ngựa, yên ngựa cho các chủ tử, không biết đắc tội cô nương lúc nào..." Vẻ mặt anh ta dường như vẫn mờ mịt cầu xin.

Tôi cười xen lời anh ta: "Đắc tội, ha ha...Là đắc tội, không bằng ta sẽ nói với Tứ gia các ngươi, ngươi mưu đồ phi lễ ta thì thế nào?"

"Gia sẽ không tin!" Anh ta vội la lên, nói xong lập tức biết mình lỡ miệng, cúi đầu không nói tiếng nào.

"Ừ, chắc là sẽ không tin..." Tôi đặt chén trà lên bàn, cậu ta bị tiếng động này làm cho giật mình, nhưng vẫn cứ cúi gầm mặt. Tôi vòng ra đằng sau cậu ta, một tay đặt trên vai cậu ta, nói: "Nếu như biểu hiện hôm nay của ngươi không làm ta hài lòng, chỉ sợ sẽ không tốt hơn được..." Tôi bóp nhéo xương quai xanh của cậu ta, nói tiếp: "Ngươi có biết ai là người đứng đầu không?" "Tiểu nhân không biết." Cậu ta trả lời.

"Ở một quốc gia rất xa ở phía tây, người ở nơi đó rất thích đưa người chết làm xác ướp, đương nhiên là dùng người sống để làm rỗng hết." Tôi chỉ chỉ chóp mũi cậu ta, cười nói, "Đầu tiên là cắm vào lỗ mũi một cái ống, xuyên vào đầu, hút não ra từng chút một, sau đó dùng rượu rửa sạch sọ não. Đúng rồi, ngươi thích rượu Phần hay sáp rượu, rượu dừa Lưỡng Việt (Quảng Đông và Quảng Tây) cũng có phong vị riêng. Ừm, sau khi rửa sạch hết, còn phải nhét vải vào mũi, lấp đầy bộ não, không thể để trống rỗng được."

Mồ hôi lạnh trên mặt Từ Kiệt túa ra. "Vậy còn chưa hết đâu." Tôi lại chỉ chỉ bụng của cậu ta, nói: "Còn phải mổ chỗ này ra, đều rút hết dạ dày này, ruột này, gan này, cả phổi ra nữa, cũng dùng rượu rửa sạch, nhét vải đã tẩm hương thơm và gỗ vụn vào, Long Tiên Hương có được không? Nhưng mà, lấy não thì người đã chết, rút ruột xẻ bụng cũng chẳng còn cảm giác nữa rồi. Ngươi xem, tẩy não trước hay là tẩy người trước?"

Cậu ta đột nhiên khẽ động, ghế tựa ngã 'phịch' xuống đất, cậu ta kinh hoàng mở to mắt nói: "Cô nương tha mạng! Tha mạng !"

"Tha mạng gì hả? Cơ thể như vậy không còn trọn vẹn, đầu vẫn còn ở trên cổ. Không tốt." Tôi ngồi xổm xuống, cười toét miệng với cậu ta nói: "Ngươi có người nhà hay không? Cha mẹ, huynh đệ tỷ muội, đưa ngươi về cũng được chứ? Có con chưa? Dù sao cũng cần phải có người bê bài vị cho ngươi."

"Cô nương, cô nương, ta nói là được, ta nói..." Lỗ mũi cậu ta thở phì phò, chân bị trói muốn di chuyển lại không động được, cái ghế tựa bị cọ xát trên thảm lông nhưng cũng không có tiếng vang gì lớn. Xem ra Nhiếp Tịnh buộc rất chặt.

"Chịu nói là tốt rồi. Ta sẽ hỏi ngươi mấy câu. Gia các ngươi phái ngươi tới đây làm gì?"

"Không, không làm gì hết, chỉ phân phó ta xem cô nương nói gì làm gì, ta nói thật, thật là lời nói thật!" Cậu ta trợn mắt nói.

Trong lòng thở dài, tôi cùng anh ta, từ khi nào lại trở nên mệt mỏi như vậy. Tôi gật đầu nói: "Xem như ngươi nói thật, còn gì nữa?"

Dưới cái nhìn chăm chú của tôi, cậu ta còn nói: "Thuận tiện xem tình hình..."

"Một vấn đề cuối cùng, tổng cộng các ngươi có mấy người?" Tôi hỏi.

"Không biết. Ta chỉ có một người, có lẽ còn có vài người khác, nhưng ta không biết." Cậu ta nói, "Ta nói đều là sự thật, không lừa cô!"

Lừa tôi cũng không sao cả, tôi cũng chẳng muốn biết. Đứng lên xoa xoa đầu gối tê mỏi, gọi Nhiếp Tịnh vào. Nhiếp Tịnh nhìn người trên đất, hỏi: "Thế nào?"

"Không khác là bao. Ngươi nghĩ cách đi, ta không muốn để hắn nghe chúng ta nói chuyện." Tôi nói với cậu ta.

Nhiếp Tịnh đi qua, đá một cước vào sau người kia, người đó liền hôn mê.

Tôi nói: "Chỉ là tai mắt thôi."

Cậu ta gật đầu, hỏi: "Xử lý hắn như thế nào?"

Người này đã biết không ít, lại không chịu được tra hỏi, nếu bị người khác bắt, chỉ sợ cũng là tai họa đối với cậu ta. Do dự một lát, nói với Nhiếp Tịnh: "Ngươi xem rồi xử lý đi."

Nhiếp Tịnh nhìn tôi, cười quỷ dị nói: "Hiểu rồi."

Nhiếp Tịnh vừa mới đưa người kia ra ngoài, tôi cũng vừa ngồi xuống, còn chưa nghỉ ngơi được năm phút, chợt nghe tiếng gõ cửa 'đốc đốc'. Rất không tình nguyện mở cửa, quả nhiên là tên tiểu tử Thập Tứ.

"Chuyện gì?" Tôi lạnh nhạt hỏi.

Cậu ta lại hỏi: "Ta có thể vào trong hay không?"

Định nói không thể, nhưng người này không dễ xua đuổi như vậy, không bằng cứ xem cậu ta muốn làm gì. Thế là lui ra một chút cho cậu ta đi vào.

"Ngồi." Tôi cầm cái cốc đặt trước mặt cậu ta, vừa mới xách ấm trà trên bàn lên, cậu ta liền cướp lời: "Để ta."

Tôi liếc mắt nhìn cậu ta, nói: "Được rồi. Ấm trà này tôi còn dùng được." Không mang theo Xuyến Vân, nhưng cũng không làm phiền người khác, loại việc nhỏ này tôi vẫn có thể làm được.

Cậu ta chỉ đành ngồi xuống lại, nhìn tôi rót trà cho mình.

"Nói đi, tìm tôi có chuyện gì?" Tôi vuốt vuốt cổ tay áo hỏi.

"Cũng không có gì..." Một tay cậu ta nắm cốc trà nói.

Nếu như là tán dóc, thật xin lỗi, không tiếp. Cậu ta nhìn tôi bày ra vẻ mặt mệt nhọc, lập tức không chuyện lại nói nhảm: "Ban nãy nghe Dung nha đầu nói, nàng kể chuyện xưa cho nó nghe, thật đúng là thú vị."

"Ngài cảm thấy thú vị sao?" Tôi cười nói, "Muốn nghe tiếp không?"

Cậu ta nghi ngờ hỏi: "Còn nữa sao? Không phải là kết thúc rồi sao?"

"Đối với cách cách, dĩ nhiên là kết thúc rồi. Nếu như ngài có hứng thú, cũng có thể kể cho ngài nghe phần sau." Tôi nói.

"Rửa tai lắng nghe." Cậu ta lại hưng phấn ngồi thẳng lưng, chờ tôi kể.

Tôi đùa ngịch cốc trà của mình, nói: "Cô bé lọ lem Tự Tuyết gả cho công tử Yến Kỷ. Cuộc sống lại không vừa ý, vì nghĩ đến mẹ kế Thái phu nhân, mười mấy năm hành hạ cô, trăm điều ngượi đãi, lòng sinh hận, liền phái người bắt Thái phu nhân tới, bắt bà mang giày sắt nung đỏ, Thái phu nhân kêu la thảm thiết, Tự Tuyết nghe đủ lại sai người bỏ mẹ kế vào bao bố, ném xuống hồ ngoài tòa nhà. Còn hai muội muội, lúc ở nhà cũng đối xử với cô khôngg tốt, cũng đưa tới, sau khi bắt uống xong hai ly rượu độc thì chôn dưới cây đào trong hoa viên."

Tôi chú ý phản ứng của cậu ta, cậu ta nói: "Ban đầu những người đó đối xử với nàng ấy không tốt, cũng nên..."

Tôi cười cười, kể tiếp: "Trừ bỏ xong những người khiến cô không thoải mái, còn có người đã từng thấy cô nửa người tro bụi nửa người bùn đất, chính là thần nhà xí Thiến phu nhân. Tự Tuyết cũng không cam lòng lại có người biết rõ bộ dáng lúc cô nghèo khổ, sai người lấp đi nhà xí trong nhà cũ, dùng bùn thạch cao trát lên thật dày, lại giấu đập nát đôi hài bát bảo lưu ly chưa tinh phách pháp lực của Thiến phu nhân."

Thấy cậu ta chỉ sững sờ nhìn tôi, lại nói tiếp: "Vậy là cuối cùng cô cũng dễ chịu rồi. Sống qua vài năm thoải mái lại sinh ra một tiểu công tử. Ngày vui chóng tàn, sau khi Tùy Hầu chết, công tử Yến Kỷ thành Tùy Hầu mới, y sống cùng với Tự Tuyết nhiều năm như vậy cũng có chút phiền chán, vì thế bắt đầu nạp sủng thiếp nuôi mĩ tỳ. Tự Tuyết làm sao chịu được, hai phu thê thấy mặt nhau không cãi nhau thì là chiến tranh lạnh. Qua thêm vài năm nữa, rốt cuộc Tự Tuyết cũng không nhịn nổi nữa, tìm một cơ hội, cấu kết với nội thị hạ độc trượng phu, tuyên bố với bên ngoài là bệnh nặng chết bất đắc kỳ tử."

Thập Tứ nhíu mày nói: "Yến Kỷ này thật đáng đời, ai kêu hắn thay lòng đổi dạ."

Tôi thở dài, nói: "Đáng đời sao? Có lẽ vậy. Lại nói về Tùy Hầu phu nhân Tự Tuyết, biến hóa nhanh chóng, trở thành mẹ của Tùy Hầu mới. Nắm giữ hết quyền lực của Tùy quốc, bắt hết những đứa con của trượng phu đã mất và những nữ nhân khác, treo cổ, chặt chém, nói chung là diệt sạch. Thế giới này, đối với cô như vậy mới gọi là sạch sẽ thư thái."

Thập Tứ cúi đầu uống trà, không nói gì. Tôi nói với cậu ta: "Chuyện đã kể xong rồi, tôi cũng mệt rồi, ngài về đi."

Cậu ta gật đầu, nhìn tôi nói: "Nàng nghĩ ngơi sớm một chút."

Tôi tiễn cậu ta ra ngoài, trước khi đi cậu ta lại hỏi: "Sao không thấy Hồng Nguyệt Nhi?"

Điều này làm cho tôi nhớ đến một chuyện, tôi hỏi: "Đưa nàng về Thịnh Kinh rồi. Đúng rồi, ngài có biết Du Chân cách cách hay không?"

Cậu ta mù mịt hỏi lại: "Đó là ai?"

"Không biết thì thôi." Tôi đẩy cậu ta ra ngoài, khép cửa lại.

Lúc nằm lên giường, thầm nghĩ, đúng là một ngày buồn chán, ngày mai còn không biết thế nào đây.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương