Ký Ức Tựa Mùa Rơi
Chương 11-2: Đơn phương 2

Chủ nhật một tuần sau đó, tôi lên trường hướng dẫn sinh viên sử dụng máy móc xong thì trở về. Tôi buồn chán ở trong nhà, nằm trên ghế xem tivi, xem được một lúc lại ngồi dậy ăn vặt, ăn một lúc lại nằm xuống xem.

Hôm trước Như ngồi đan len, thấy tôi cả buổi trời cứ lặp đi lặp lại hành động đó thì thở dài:

-  Tui hết biết bà luôn. Bà không có việc gì làm hả?

-  Làm gì?

-  Ngoài lúc lên trường hoặc lúc đi công việc, hễ bà ở nhà là tui thấy bà chỉ làm ba việc: ăn, ngủ, coi tivi.

-  Ừ, chứ làm gì?

-  Thiếu nữ nhà người ta, lúc rãnh thì đọc sách, cắm hoa, học nấu ăn…

-  Tui không có khí chất đó. Học hành gần hai mươi năm, tui đọc sách muốn ói mửa ra rồi. Cắm hoa thì lãng phí lắm, hoa đầy ngoài đường, thích thì ra ngồi ngắm. Còn nấu ăn thì tui không ham, đi mua ăn ngon hơn nhiều đó. Dạng chân đất mắt toét như tui, chỉ muốn ngày ngày nằm hưởng thụ thôi

-  Lãng phí tuổi trẻ!

-  Tôi trẻ lâu lắm, không sợ lãng phí.

-  …

Như chả buồn đôi co với tôi nữa, tiếp tục đan len.

Không phải Như nói không có lý, nhưng mỗi người đều có một hệ quy chiếu khác nhau. Tuổi trẻ đâu nhất thiết phải biết mấy thứ đó. Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cố gắng phấn đấu làm tốt công việc được giao, cố gắng thông qua những chương trình trên tivi mà học được thêm một chút kiến thức thường thức, thông qua những bộ phim nước ngoài để củng cố vốn ngoại ngữ của mình… Lãng phí hay không là do cách nghĩ của mỗi người, tự bản thân tôi vấn đáp chính mình, tôi sống không lãng phí.

Hôm nay Như đi hẹn hò, không có người càm ràm nữa, tôi tùy tiện ăn uống, tùy tiện xem phim. Đầu giờ chiều Như về, mang theo một đóa lavender còn rất tươi.

-  Mua hả.

-  Ờ, đi ra đồng hoa chụp hình, lúc về mua một bó.

-  Đẹp thế.

-  Thơm lắm, ngửi thử đi.

Hai năm gần đây, ven thành phố có một làng hoa lớn bắt đầu trồng loại hoa này. Mùa này năm ngoái, tôi còn chưa kịp đi ngắm hoa thì người ta không còn cho vào tham quan nữa, bởi vì sự thiếu ý thức của khách du lịch, hoa bị phá hoại khá nhiều gây thất thu lớn cho nhà vườn. Năm nay đến mùa hoa rồi thì không thể tự đi và hết hôm nay họ sẽ thu hoạch toàn vựa hoa. Tôi nhìn mấy tấm hình như chụp, tiếc nuối ngập tràn.

Không biết là cảnh hoa thực đẹp hay nhờ người chụp biết lấy góc, hoặc là vì nhờ tính năng hiện đại của điện thoại, mỗi bức hình đều đẹp lung linh, hư hư, thực thực.

Trong không gian rộng lớn, trời cao đầy ắp gợn mây, trắng bồng bềnh như bọt tuyết. Ở đường chân trời, những luống hoa oải hương kéo dài vô tận, chạy đến cả nơi giao nhau giữa trời và đất ấy, tím nhạt cả một vùng. Loài hoa này không mang đến niềm rộn rã như hoa quỳ, cũng không mang đến cảm giác nền nã của hoa mai, bông hoa nhỏ màu tím này, chính là làm cho người ta tự mình khắc khoải, trầm buồn vô hạn. Nếu có thể cảm nhận được mùi hương của nó, cảm giác ấy còn nặng nề hơn.

Tôi buông điện thoại Như xuống, lật đật đi lấy giấy vẽ và bút màu, nhìn theo bức ảnh mà vẽ thành tranh. Như nhìn tôi vẽ, hài lòng nói:

-  Đó, lâu rồi mới thấy bà làm chút việc khí chất.

-  Khí chất là cái gì mà bà nói hoài thế.

-  Vẽ là một loại khí chất.

-  Đâu phải cứ muốn vẽ là vẽ. Tui phải đợi xuất thần mới vẽ được.

-  Hây, giỏi chống chế.

Nói rồi, Như bỏ đi tắm, tôi ngồi một mình trong phòng khách tập trung phác thảo. Đang tập trung vẽ còn chưa kịp hoàn thành thì mẹ tôi gọi tới.

-  Alo.

-  Gì á mẹ?

-  Gì mới được gọi mày hả?

-  Thì con nói thế thôi mà, sao mẹ nặng lời thế.

-  Bị gãy tay hồi nào?

-  Dạ mới mấy ngày.

-  Giỏi nhỉ, tay bị thế không về nhà thì thôi, còn không thèm gọi về.

-  Bình thường mà mẹ, có bị gì nặng đâu.

-  Vậy chắc mày đợi bị nặng hả. Mà xong việc rồi sao không về. Về nhanh, làm hồ sơ, mẹ đưa mày đi xin việc.

-  Từ rồi xin.

-  Từ từ, từ từ cái gì. Học xong bảo xin thì kêu để con tự xin, tự xin không được thì kêu học tiếp, giờ học tiếp xong rồi còn muốn gì. Hai sáu tuổi đầu rồi còn muốn lông bông đến khi nào?

-  Con lớn rồi, con tự lo được.

-  Ừ mày lớn rồi, lớn rồi thì thích làm gì thì làm hả…

Mẹ la mắng tôi một hồi, sau đó cúp điện thoại đột ngột không báo trước. Có lẽ cô chủ nhà nói với mẹ tôi bị gãy tay. Nhưng hôm nay mẹ nổi trận lôi đình như thế chắc hẳn không chỉ vì cái tay của tôi.

Gần đây nhất mẹ nổi giận với tôi cách đây hai năm, cũng vì chuyện xin việc. Lần đó mẹ bị vài người nói xấu, họ bảo mẹ tôi keo kiệt không chịu bỏ tiền ra xin việc cho tôi. Thế là mẹ ấm ức, về nhà thấy tôi coi tivi liền trút giận. Không biết lần này lại gặp phải chuyện gì.

Tôi nhìn cái tay trái bị bó bột trắng một cục thì hết hứng vẽ vời, ngồi ngây ngốc. Tôi biết mẹ lo cho mình, biết mẹ muốn mình được sống an nhàn ổn định, biết mẹ luôn sẵn sàng vì mình mà hy sinh tất cả. Nhưng hiện tại, tôi vẫn thật sự mông lung, không biết bản thân đang muốn gì. Mỗi đêm nằm ngủ, tôi đều thao thức cả tiếng nghĩ về con đường phía trước, thực sự quá mịt mờ.

Chỉ mới tháng trước thôi, tôi cho mình một quyết định, đó là tạm thời đi dạy hợp đồng hoặc phụ việc cho phòng thí nghiệm ở trường đại học, sau đó từ từ tìm ra hướng đi mình muốn nhất. Nếu hai năm tới vẫn cứ mông lung như hiện tại, tôi sẽ chấp nhận sự an bài.

Tôi ngồi đực một chỗ hồi lâu, lại có một cuộc điện thoại khác, lần này là Đăng.

-  Cô……

-  Ông trời con đi du lịch về rồi hả?

-  Dạ, về hôm qua rồi. Cô đang ở đâu em mang quà qua cho cô nè.

-  Ở nhà bạn.

-  Cho em địa chỉ…

Nửa tiếng sau, Đăng có mặt. Cậu còn chả thèm điện thoại xác nhận với tôi, trực tiếp đứng trước cửa nhà Như gọi lớn:

-  Cô… cô… cô…

-  Ồn ào quá, sao không gọi điện?

Tôi ra gặp Đăng, liếc xéo cậu một cái. Đăng cười hề hề, đưa cho tôi hai cái đèn lồng lớn.

-  Quà Hội An.

-  Đẹp thế.

-  Chuyện…

-  Chịu khó nhỉ, to vầy cũng xách về.

-  Chuyện.

-  Thôi ông tướng. Bây giờ rãnh không, cô dẫn đi ăn.

Đăng chau mày, bộ dạng khó nghĩ. Lát sau lắc đầu từ chối.

-  Không, giờ em đi coi bóng chuyền rồi.

-  Ở đâu?

-  Ở nhà thi đấu tỉnh á. Hôm nay anh Hai em đánh trận chung kết nè, giải tỉnh.

-  Thiệt hả?

-  Thiệt. Cô làm gì ngạc nhiên dữ vậy. Mắt muốn lòi ra ngoài luôn.

-  Cho cô đi với.

-  Dạ?

-  Cho cô đi với, cô cũng thích coi bóng chuyền mà.

-  Đi thì đi, em chở cô đi.

Thế là tôi vào nhà cất đèn lồng, sau đó chạy lẹ ra leo lên xe Đăng. Niềm vui được đi coi bóng chuyền đẩy nỗi buồn bị mẹ la dần trôi vào dĩ vãng.

Tôi rất thích xem bóng chuyền, giải đấu trong nước hay quốc tế nào cũng thường xuyên cập nhật và theo dõi. Nếu hỏi tên chủ tịch tỉnh tôi có thể không biết, nhưng tôi có thể đọc vanh vách tên của các vận động viên đội tuyển bóng chuyền Việt Nam và những đội bóng lớn khác trên thế giới. Hay những trận bóng lớn nhỏ trong trường, trong phố, nếu rãnh rỗi tôi cũng tham gia xem nhiệt tình. Tôi mê đến nỗi, hồi nhỏ có lần mẹ sai đi mua mắm, đi ngang qua sân bóng chuyền trong khu phố, tôi ngồi xem người ta chơi đến tối mịt mới nhớ việc mẹ sai, lúc đó cuống cuồng chạy đi mua mắm mang về. mẹ tôi hỏi tại sao đi lâu như thế, tôi phải vòng vo nói dối, bịa đủ lý do.

Tôi và Đăng đến sân đấu, set đầu tiên đã đi đến những điểm số cuối cùng. Trận chung kết này diễn ra giữa đội thành phố và đội của huyện tôi. Từ khán đài nhìn xuống, tôi thấy Quân đang đánh ở vị trí chủ công trong màu áo đội huyện. Bộ đồng phục của anh chính là bộ đồ tôi thấy anh mặc vài tháng trước, ngày mà tôi gặp anh ở nhà chị Trang.

Quân di chuyển rất linh hoạt, phòng thủ chắc chắn, tấn công dứt điểm rất gọn gàng. Tôi không ngờ người này giỏi thể thao như vậy. Bình thường gặp Quân, nếu như không phải anh đang đánh máy thì sẽ là xem tài liệu, nếu bên mình không phải là chiếc cặp táp lớn thì là một túi hồ sơ. Từ trên xuống dưới, hoàn toàn là bộ dạng của dân văn phòng chính hiệu.

-  Anh em nhìn vậy mà chơi hay phết.

-  Chuyện…

-  Chuyện hoài.

-  Ổng chơi giỏi lắm, hè nào cũng đi đánh giải này. Hồi đại học cũng làm đội trưởng đó.

-  Ồ, ngưỡng mộ.

-  Chuyện…

Tôi cốc Đăng một cái. Thầm cảm thán, cũng may người dưới sân kia, nhan sắc vừa vừa, chiều cao vừa vừa, sự nhiệp vừa vừa, gia cảnh vừa vừa,… không thì chắc không phải người thật rồi. Nếu như Quân cái gì cũng tốt hơn chút nữa, hẳn là sống chẳng yên lành, đi đến đâu cũng gây ghen ăn tức ở, ai mà chịu nổi.

Sau set một, chiến thắng thuộc về đội Quân. Đến giữa set hai, trước tình thế liên tục bị dẫn điểm, đội kia thay người. Chuyền hai mới được đưa vào, và người vào sân ấy… là Nam.

Tôi mất tập trung, không để ý vào trận đấu được nữa. Bên dưới sân kia, có một người tôi đã từng đơn phương, có một người tôi đã từng rung động, họ đang gắng sức thi đấu cho đội của mình.

Nam vẫn chơi ở vị trí đó. Vị trí mà theo như lời cậu nói, đó chính là vị trí của người hùng thầm lặng. Thầm lặng đưa bóng cho đồng đội ghi điểm, thằm lặng cản trở việc ghi điểm của đối phương.

Ngày làm hồ sơ thi đại học, tôi luôn đinh ninh Nam sẽ thi vào trường thể dục thể thao để học bóng chuyền, nào ngờ cậu lại chọn học một ngành hoàn toàn khác. Khi tôi thắc mắc, Nam trả lời sâu sắc lắm, sâu sắc quá nhiều so với tuổi cậu thời điểm đó:

-  Thích chơi bóng không có nghĩa là sẽ chơi bóng để sống. Với cả ngoài bóng đá ra, theo thể thao bèo bọt lắm. Tuổi thọ của nghề vận động viên rất ngắn, dù học có bằng cấp, nhưng sau khi giải nghệ chả được mấy người có thế dựa vào cái bằng đó mà sống. Đam mê gì thì đam mê, nhưng tương lai vẫn nên đặt trên cả đam mê.

Thì ra, bao năm rồi, cậu vẫn luôn ở đấy, vẫn theo đuổi đam mê của mình, bằng một con đường mòn khác.

Tôi đang trầm tư thì nghe tiếng cỗ vũ trên khán đài ngày một to hơn. Bên dưới sân đấu diễn ra một pha bóng kéo dài, hai bên đều phòng thủ chắc chắn, không cho đối phương ghi điển. Cuối cùng Nam tinh ranh, không đưa bóng lên cho đồng đội đập nữa, trực tiếp bỏ bóng vào sát đường biên, lấy điểm về cho đội mình.

Đội thành phố có sự thay đổi chiến thuật, thi đấu dần tốt hơn, sau set hai, thế trận trở về điểm cân bằng. Hai đội dằng co qua lại, hết set bốn, tỉ số là hai - hai, đưa trận đấu vào set năm quyết định.

Tôi nín thở theo dõi từng điểm số, đội nào ghi điểm cũng kịch liệt hét lên. Có lần quá khích, quên mất tay trái còn đang bó bột, tôi vỗ mạnh hai tay khiến cái tay đau nhức vô cùng.

Kết quả, chiến thắng thuộc về đội của Nam. Đăng ngồi bên cạnh tôi, hụt hẫng xem lẫn thất vọng nói:

-  Tưởng năm nay thắng chứ, lại thua. Đội này trâu bò lắm cô, lúc nào cũng đánh năm set ăn người ta. Dễ sợ!

-  Về đi.

-  Ơ, ở lại coi trao giải đi cô, xong chụp hình với anh Hai.

-  Chở cô về đi, cô có việc.

-  Ơ lúc nãy cô nói rãnh mà.

-  Có việc thật đó. Đi, chở cô về rồi em quay lại.

-  Quay lại thì xong mất tiêu rồi. Hây, hết biết cô. Uổng công đi coi mà không gặp anh Hai.

-  Anh em sáng mở mắt là thấy nhau rồi. Mà con trai gì đâu cứ thích chụp hình.

Tôi gắng sức lôi Đăng đứng dậy. Cu cậu vì thế mà bất đắc dĩ ra về, đi sau tôi không ngừng phụng phịu, lằm bằm, đáng yêu như một đứa nhóc lên năm.

***

Như đang nấu ăn trong bếp, thấy tôi về thì dừng tay, bước ra hỏi:

-  Làm gì mà nãy chạy đi gió thế. Điện thoại còn không mang. Việc gấp lắm hả?

-  Ừ. Đi coi bóng chuyền.

-  Chuyện gấp là coi bóng chuyền hả? Lạy bà. Bà cứ sống như người trời, tui quen bà bao năm mà vẫn chưa lý giải nổi.

Tôi kệ Như nói linh tinh, lại lên ghế nằm. Nằm một hồi, tivi nói gì cũng chẳng nghe nổi vào tai, tinh thần xuống dốc trầm trọng. Tôi chán nản vào bếp, muốn kiếm đồ ăn vặt. Lúc quay qua qua lại chẳng may chấn đầu vào cửa tủ ở trên cao, đau điếng người.

-  Trời ơi! Đau không? Tự dưng mò mò vô đây chi không biết.

-  Kiếm đồ ăn.

-  Có mấy gói snack tui mua để kia kìa.

Tôi đến cái giỏ treo bên tủ lạnh lấy ra một gói, rồi ôm đầu trở về ghế. Lúc nãy đụng rất mạnh, bây giờ vẫn còn đau nhói. Tôi đưa tay rờ rờ vào phần da đầu bị va đập, cảm thây hơi xót. Mấy ngón tay dính máu, da đầu bị rách rồi.

Tôi lục hộc tủ của Như, tìm được một mớ thuốc sát khuẩn và bông băng mang để lên bàn. Không thể tự mình băng bó, tôi  ngồi yên đợi Như rãnh tay. Sau đó tôi mở snack ăn, vì xé vỏ bao hơi mạnh, snack bị hất ra ngoài, rơi vãi lung tung. Tôi nhìn mớ snack dưới chân, nhìn mớ bông băng, ấm ức khóc òa lên.

Như vốn đang tập trung nấu ăn, giật mình từ phòng bếp chạy ra.

-  Bà! Bị gì, bị gì?

-  Rơi hết… rồi.

-  Rơi thì thôi, sao mà khóc?

-  Đầu chảy máu rồi.

Như luống cuống chạy đến rửa vết thương cho tôi, mặc kệ tôi khóc, không nói một câu. Tôi ngồi yên cho Như sát trùng, vừa bốc số snack còn lại trong bao bỏ vào miệng. Nước mắt giàn dục trên khuôn mặt, lâu lâu lại khóc nấc mấy tiếng.

Như dán băng cho tôi xong thì quét dọn mấy miếng snack vương vãi rồi tiếp tục nấu ăn, trước sau không mở miệng. Cô luôn như thế, lúc tôi khóc sẽ để yên cho tôi khóc, tôi có khóc to cỡ nào, cô cũng vờ như không nghe thấy.

Sau khi tôi hết khóc, Như ở trong bếp nói vọng ra:

-  Khóc đã chưa?

-  Rồi.

-  Ăn cơm.

Tôi theo lời Như vô bếp ăn cơm. Cô bạn thấy tâm trạng tôi dần ổn định, lúc nãy mới hỏi.

-  Bị gì?

-  Đập đầu, đau.

-  Còn nữa.

-  Mẹ chửi.

-  Còn nữa.

-  Đi coi bóng chuyền, gặp cả Quân, cả Nam.

Như buông chén cơm, há hốc miệng.

-  Trời ạ, đủ chuyện. Bởi vậy, chứ đâu phải không không bà khóc như bò rống vậy.

-  Đang buồn, đừng chọc nữa.

-  Mẹ la vụ xin việc nữa hả?

-  Ừ.

-  Còn hai người kia?

-  Thì Quân ở đội bóng huyện, Nam ở đội bóng phố, hai đội đấu nhau.

-  Ồ… Thật đáng kinh ngạc.

-  …

-  Nhưng tui thấy bà khổ quá, quá xá khổ, cứ lậm số thương thầm.

-  Ừ, hảo bi thương, hảo bi thương.

-  Cạn lời. Chớ bà còn thương không?

-  Hết.

-  Cả hai?

-  Nam thì lâu rồi, Quân thì chắc thế.

-  Vậy còn buồn chi nữa trời, tình cảm vớ vẩn đó bỏ đi.

-  Này, bỏ vào miệng bà đi.

Tôi nói rồi gắp vào chén Như một miếng trứng, Sau đó im lặng, không muốn tiếp tục bàn luận vấn đề này nữa.

Đối với tôi, tìm cảm đó không phải là thứ vớ vẩn. Tôi coi đơn phương như báu vật, bởi tình cảm của mình, chính mình còn không trân quý thì còn tìm được ai trân quý nữa.

Tôi luôn sợ rằng, sợ chỉ có tim tôi loạn nhịp. Đơn phương cũng giống như việc tung đồng xu lên rồi ngồi chờ xấp, ngửa, nhưng so với cái đó, điều khó hơn là gặp người mình thích, mà người đó xác xuất thích lại mình bằng không.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương