Ký Linh
Chương 21

Với Đàm Vân Sơn, chuyện không nghĩ ra, vậy thì ba chữ: kệ nó vậy.

Với Ký Linh, chuyện con sông tiên thứ hai có phải tên là Vong Uyên không, vậy thì bốn chữ: liên quan gì tôi.

Vậy là chỉ còn lại mỗi Phùng Bất Cơ, người đàn ông được cho là tới gần chân tướng nhất nhưng lại đi lướt qua nó, là buồn bực suy nghĩ, mãi tới lúc Ký Linh cho huynh ta mượn Lục Trần Kim Lung ngắm nghía huynh ta mới thôi băn khoăn.

Chuyến này Lễ Phàm thượng tiên đi dường như cũng mang yêu ma quỷ quái đi theo. Kể từ bữa đó, ba người đi một mạch về phía bắc rất thuận lợi, nhờ có nguồn tiền dồi dào của Ký Linh, họ thuê chiếc xe ngựa tốt nhất, ở khách điếm rộng rãi thoáng đãng nhất, tới ngày thứ bốn mươi thì đặt chân tới Mặc Châu.

Mặc Châu ở phương bắc, dù vẫn có bốn mùa nhưng xuân hè ngắn, thu đông dài.

Lúc nhóm Ký Linh rời Hòe Thành chỉ vừa vào thu, không ngờ ngày đầu tiên tới Mặc Châu thì đã đổ tuyết.

Bông tuyết nhỏ tới mức gần như không thể nhìn thấy, vừa chạm đất là tan ngay, thi thoảng để lại mấy chấm nước lác đác trên lá rụng.

Họ đi từ phía nam tới Mộc Châu còn U Thôn lại ở cực bắc Mặc Châu phải qua Bạch Quỷ Sơn mới tới nên mất thêm ba ngày ngồi xe ngựa nữa mới tới được chân núi Bạch Quỷ Sơn.

Đêm trước tá túc lại một thôn trang quanh vùng, người trong thôn kể Bạch Quỷ Sơn vốn tên là Bạch Quy Sơn do đứng nhìn từ xa, núi trông giống một con rùa, đỉnh núi một năm ba mùa tuyết phủ, chỉ vào mùa hè ngắn ngủi mới nhìn thấy đỉnh núi, vào thu là trắng xóa lại cho nên có tên gọi như vậy. Song về sau thường có người vào núi gặp phải yêu quái, dần dà Bạch Quy Sơn bị gọi là Bạch Quỷ Sơn.

Đường vượt Bạch Quỷ Sơn khó khăn hiểm trở, xe ngựa đi lại không tiện, lại thêm có truyền thuyết kiểu này nên bất kể nói gì phu xe cũng không chịu đi tiếp. Nhóm Ký Linh xuống xe, không làm khó người ta.

Ở dưới chân núi không nhìn thấy những thứ như cao ngất tầng mây, uy nghi hùng vĩ, trùng trùng điệp điệp chỉ thấy rừng sâu núi thẳm, mấy con đường mòn người ta đi nhiều mà thành trông đường chẳng ra đường, chọn đại lối nào cũng đều vào được trong núi, chỉ khác ở đi đâu về đâu.

Hôm qua tuyết đã ngừng, dưới chân núi không có tuyết đọng, chỉ có một lớp lá rụng ướt đẫm vừa dày vừa nặng.

Ba người đã mua thêm quần áo dày sau khi vào Mặc Châu, quấn kỹ chúng bao lấy người, không chần chừ, chọn một lối mòn có vẻ có nhiều người đi lại, ngược gió đi lên núi.

Ba người kẻ trước người sau thành một hàng dọc trên đường núi, càng lên cao gió càng lạnh. May được ngày nắng to, ánh nắng xuyên qua tầng tầng lớp lớp tán cây rừng chiếu xuống mặt đất.

Ký Linh đi đầu thường hay phải quay đầu lại nhìn xem Đàm nhị công tử có bị tụt lại đằng sau không, xác nhận không bị xong còn phải dặn một câu: “Đàm Vân Sơn, đừng để bị lạc.”

Đàm nhị thiếu gia nhắm mắt theo đuôi sau lưng Phùng Bất Cơ chỉ sợ bị tụt lại đằng sau một bước cam đoan bằng chân tình trước nay chưa từng có: “Chỉ cần hai người không dùng khinh công thì tôi có thể đi theo tới cùng trời cuối đất.”

Ký Linh cười.

Tuy phần lớn thời gian Đàm Vân Sơn đều làm người ta tức nghiến răng chằng lợi nhưng riêng chuyện thẳng thắn thì hơn rất nhiều những kẻ thích làm bộ làm tịch khác, nhất là lúc thẳng thắn nhận mình kém có cảm giác ngay thẳng đến dễ thương.

Đang nghĩ bâng quơ, Phùng Bất Cơ bỗng hỏi: “Tôi nhớ lúc xuống xe, tay đánh xe nói cho dù đi nhanh, không lạc đường thì muốn vượt núi cũng phải đi tới nửa đêm nhỉ?”

“Đúng vậy,” Ký Linh gật đầu, “cho nên dù trời tối chúng ta cũng không được dừng lại, trên núi rất lạnh, không thể qua đêm, phải quyết tâm vượt núi.”

Phùng Bất Cơ gật gù: “Hiểu rồi.”

Nói thì nói vậy nhưng “đi nhanh” thì có thể cố gắng còn “không lạc đường” lại phải dựa vào may mắn. Cực kỳ bất hạnh, ba người vẫn thiếu một chút may mắn. Không biết họ đã đi đến đâu của núi, đâu đâu cũng là cây cao cỏ thấp giống nhau như đúc. Nếu không phải họ nhận ra bất thường, đánh dấu ký hiệu lên một thân cây sau đó gặp lại thân cây đã làm dấu ấy thì vẫn cứ nghĩ là mình vẫn đang tiếp tục tiến về phía trước.

“Làm sao bây giờ?” Phùng Bất Cơ dựa vào thân cây thở không ra hơi, đi lòng vòng không ra được làm người ta nóng ruột.

Ký Linh bình tâm, thong thả nói: “Chớ nóng. Chúng ta có nước có lương khô, cho dù bị kẹt ở đây mấy chốc cũng không sợ. Chỉ cần chúng ta không cuống lên thì kiểu gì cũng tìm được đường ra.”

Phùng Bất Cơ từ ngày phiêu bạt giang hồ thì chỉ đi các thành trấn, tới những chỗ đông đúc náo nhiệt. Huynh ta trường sinh bất lão nhưng không phải không đói không mệt, vẫn phải ăn phải ngủ, ở những chỗ đông người mới dễ kiếm cơm ăn, trong rừng trong rú dù có bắt được yêu cũng chẳng ai cho cơm cho tiền.

So với bản thân, huynh ta nhận thấy Ký Linh là người đã quen chịu khổ: “Có phải Ký Linh hay nhằm mấy chỗ rừng sâu núi thẳm thế này mà đi không?”

Ký Linh hà hơi vào lòng bàn tay rồi áp lên má: “Bình thường, cũng không phải tôi cố ý lao vào rừng, chẳng qua là lũ yêu ác hễ phát hiện tôi muốn ra tay là lại thích chạy vào rừng trốn.”

“Phải đấy,” Phùng Bất Cơ nói, “ở phố phường nơi con người tụ tập sinh sống, chúng ta là chủ, chúng nó là khách không mời mà đến, vào trong rừng thì ngược lại.”

“Đúng vậy.” Ký Linh đáp không mấy tập trung, mắt dáo dác nhìn quanh cố gắng tìm đường.

“Đi tiếp thử xem, nếu vẫn không ra được thì đành phải dùng tới cách ngu ngốc nhất…”

Ký Linh nghe Phùng Bất Cơ bảo vậy thì vội quay qua hỏi: “Cách gì?”

Phùng Bất Cơ đáp: “Chặt cây, đi tới đâu chặt tới đó, tôi không tin làm vậy mà còn không ra được!”

Ký Linh cười, cách này đúng là ngốc thật nhưng nếu có thể có đủ sức để đi tới đâu chặt tới đó thì đây chắc chắn là biện pháp đơn giản trực tiếp hữu hiệu nhất.

Ba người lại đi một hồi lâu, tới lần thứ năm nhìn thấy gốc cây làm dấu, Ký Linh hết chịu nổi, nói với Phùng Bất Cơ: “Chặt đi.”

Phùng Bất Cơ đã nôn nóng muốn thử từ lâu, nghe vậy lập tức vung tay rút… con dao của Đàm nhị thiếu gia.

Đàm Vân Sơn giật mình, vội giữ cổ tay Phùng Bất Cơ lại, tha thiết bảo: “Huynh à, đây là binh khí phòng thân duy nhất của đệ…”

Phùng Bất Cơ thở dài: “Đệ à, huynh không thể cầm kiếm gỗ đào chặt được mà phải không?”

Đàm Vân Sơn yên lặng nhìn sang Ký Linh.

Ký Linh chớp chớp mắt rồi hiểu ra, dở khóc dở cười nói: “Được, để tôi.”

Chuông Tịnh Yêu được lấy ra, con dao của Đàm nhị thiếu gia rốt cuộc cũng được an toàn.

Chuông Tịnh Yêu hóa thành chiếc chuông lớn lơ lửng trên không rồi đập mạnh vào thân cây!

Cú va chạm mạnh làm chim chóc cả khoảnh rừng giật mình bay lên, muông thú kêu tiếng gần tiếng xa, có tiếng hoảng hốt có tiếng giận dữ.

Ký Linh đâm ra không nỡ nhưng mà thân cây bị đập nứt một góc vẫn đứng vững không đổ.

Phùng Bất Cơ và Đàm Vân Sơn hợp sức lại đẩy cũng chỉ nghiêng thêm một chút.

Ký Linh hạ quyết tâm, đập thêm một lần nữa.

Cuối cùng gốc đại thụ cũng đổ ầm xuống, chim muông lại nháo nhào chạy trốn thêm một phen.

Song nếu muốn xuống núi thì đây mới chỉ là khởi đầu.

Ký Linh chần chừ nói: “Cứ đập tiếp thế này, e là chúng ta xuống được núi, rừng cũng bị phá.”

Phùng Bất Cơ vốn suy nghĩ đơn giản nhưng sau khi làm đổ được một gốc thì mới nhận ra cách làm này có phần ác độc. Chim muông sống dựa vào rừng, họ làm đổ cây là phá nhà của kẻ khác.

Đàm Vân Sơn không hiểu vụ này, tóm lại Ký Linh và Phùng Bất Cơ làm thế nào thì chàng theo thế ấy, chỉ là có một chuyện chàng cứ thắc mắc mãi, thấy đồng đội thảo luận thì cũng chêm vào một câu: “Giờ là canh mấy rồi?”

Ký Linh ngớ ra, ngẩng đầu nhìn trời, vẫn chưa hoàng hôn: “Chắc là vẫn còn sớm.”

Đàm Vân Sơn nhíu mày lẩm bẩm: “Nhưng tôi có cảm giác là đã đi lâu lắm rồi.”

Phùng Bất Cơ cũng ngẩng đầu lên nhìn, quả đúng là trời xanh trong vắt không một gợn mây bèn châm chọc bảo: “Đệ đi mệt quá nên muốn nghỉ chứ gì.”

Ở trong rừng không chỉ làm người ta dễ mất phương hướng mà còn dễ mất phán đoán về thời gian.

Đàm Vân Sơn nghiêng đầu cân nhắc một lúc vẫn không nghĩ ra được nguyên do. Bỗng có tiếng sột soạt, nhìn về phía đó liền thấy một bóng trắng đi vụt qua chỗ bụi cỏ!

Đàm Vân Sơn giật mình, Phùng Bất Cơ hô lên trước chàng: “Có yêu khí!”

Còn chưa dứt tiếng, Phùng Bất Cơ đã xông tới.

Ký Linh vội vàng cất chuông Tịnh Yêu, nhanh chóng đuổi theo.

Đàm Vân Sơn không dám nấn ná, vội chạy theo như điên, chẳng qua vừa chạy còn vừa ngậm ngùi nghĩ, với tác phong gặp yêu là liền đuổi theo, gặp ác là phải diệt trừ của Ký Linh và Phùng Bất Cơ, hành trình Trần Thủy này của chàng e là đâu chỉ năm con yêu thú, có năm mươi con cũng làm được…

Bóng trắng di chuyển rất nhanh giữa những lùm cây thấp, ba người chỉ thấp thoáng nhìn thấy bóng con thú màu trắng đó to hơn chó một chút, nhỏ hơn sói một chút nhưng chạy thì cực nhanh, trước sau luôn duy trì khoảng cách khá xa với họ lại thêm có cây cối cản tầm nhìn nên hoàn toàn không xem rõ được hình dáng.

Trong rừng rậm không dùng được khinh công, huống hồ đằng sau còn có Đàm Vân Sơn nữa.

Cuộc truy đuổi giằng co không biết bao lâu, đến mức Ký Linh cũng phải thở hổn hển thầm nhủ hay là thôi, dù sao cũng chỉ biết là yêu, không biết là xấu hay tốt, chưa biết chừng nó chỉ ngoan ngoãn ở trong núi hấp thụ tinh khí tu luyện thôi, nếu thế thì dù có đuổi kịp nàng cũng không xuống tay với nó, thành ra lại mất công.

Trong khoảnh khắc dao động ngắn ngủi đó, bóng trắng đằng xa bỗng biến mất.

Ký Linh kinh ngạc, chạy một mạch lại, chỉ còn cỏ cây ở đó, đâu có bóng yêu nào nữa.

Phùng Bất Cơ tới ngay sau, thở hổn hển hỏi: “Sao, sao, đang đuổi theo lại đâu mất rồi?”

Ký Linh gật đầu thất vọng.

Đàm nhị thiếu gia mặt trắng bệch cuối cùng cũng lóc cóc chạy tới, còn chạy tiếp nữa khéo dễ chàng phải để mạng lại Bạch Quỷ Sơn này nên bất giác sinh lòng cảm kích với vị bỏ trốn mất dạng kia.

Chàng còn chưa thôi cảm kích thì nhận ra sự khác lạ của hoàn cảnh xung quanh, ngần ngừ lên tiếng: “Nói chứ… chúng ta quay lại đường núi rồi phải không?”

Được Đàm Vân Sơn nhắc nhở, Ký Linh và Phùng Bất Cơ mới để ý thấy cỏ dưới chân có vẻ ngã rạp nhiều hơn xung quanh, xem ra là thường xuyên bị người dẫm, hơn nữa cây cối xung quanh cũng thưa thớt hơn, phóng mắt nhìn ra xa thậm chí có thể thấp thoáng nhìn thấy con đường dài dốc xuống.

Họ không chỉ đã quay về đường mòn mà còn là đường xuống núi ở phía bên kia trái núi.

Chẳng trách con yêu thú kia bị họ bám đuổi một hồi lâu lại có thể đào thoát dễ dàng như vậy, hóa ra là nó cố ý để cho họ đuổi theo.

“Nó dẫn đường cho chúng ta.” Ký Linh thở dài mang theo những cảm xúc khó mà nói rõ.

Phùng Bất Cơ không nói gì, lặng lẽ thấy xấu hổ vì mới rồi mình đã định trừ yêu.

Đàm Vân Sơn không hề lấn cấn chút nào, từ đầu chí cuối chàng chỉ là kẻ chạy theo, giờ cũng thoải mái chuyển sang đứng về phe yêu thú: “Nếu tôi là nó, thấy nhà mình bị người ta phá thì cũng ước sao họ mau mau đi cho.”

Có đường, ba người không gặp rắc rối gì nữa, đi thẳng một mạch xuống chân núi, thôn trấn đã ở ngay trước mặt.

Tới U Thôn rồi.

Ở sườn núi bên kia tuyết vừa rơi xuống đất đã tan, ở sườn bên này thì đã khoác tấm áo choàng trắng lên mình.

Trời vẫn sáng rõ, tuyết phủ kín mặt đất phản chiếu ánh mặt trời làm lóa mắt.

Ba người đi tới cửa thôn, chân giẫm trên tuyết kêu sột soạt.

U Thôn giống y như lời Phùng Bất Cơ kể, thay vì gọi là thôn thì đáng ra nên gọi nó là trấn. Đứng ở cửa thôn, đường lớn rộng rãi không thấy điểm tận cùng, hai bên đường, nhà cửa san sát, cảnh tượng sẽ hết sức phồn hoa… nếu như không phải trên đường không một bóng người.

Không có người, cũng không có tiếng, cả U Thôn tĩnh mịch như một ngôi làng ma.

Ba người đi trên đường phố quạnh quẽ, lòng đều thấy bồn chồn.

Cuối cùng, Phùng Bất Cơ là người đầu tiên nói gì đó nhưng cũng không dám nói to như thể sợ nói to lên thì sẽ làm ai đó kinh động vậy: “Ban ngày ban mặt, người chạy đi đâu hết rồi…”

Ký Linh trầm ngâm một hồi rồi hỏi: “Mọi người có thấy gió rất lạnh không?”

Phùng Bất Cơ ngẩng đầu nhìn trời, mặc dù không nhìn thấy mặt trời đâu nhưng nắng rất to, chói không mở nổi mắt nên cũng đâm ra thắc mắc: “Hơi lạ, ngày nắng như vậy mà đứng chẳng thấy chút hơi ấm nào, ngược lại còn gió lạnh.”

Đàm Vân Sơn thấy rờn rợn trong lòng, cảm giác có điều bất thường, muốn nói nhưng trước khi nói phải ngáp một cái, xem ra đã mệt mỏi quá độ, cuối cùng chàng cũng nhận ra được vấn đề: “Mọi người có cảm thấy chúng ta đã đi lâu lắm rồi không?”

Ký Linh nhìn chàng khó hiểu: “Ý là sao?”

Đàm Vân Sơn nói: “Tay đánh xe nói cho dù đi nhanh, không lạc đường thì muốn vượt núi cũng phải đi tới nửa đêm. Chúng ta lạc đường, đi vòng vèo một lúc lâu mới sang được núi, sao trời vẫn còn sáng?”

Ký Linh ngớ ra. Lúc leo núi phải lo tìm đường nên không chú ý giờ giấc, Đàm Vân Sơn hỏi vậy mới thấy sởn gai ốc.

Kengggg…

Xa xa bỗng có tiếng gõ cầm canh*.

Âm thanh bất ngờ vang lên giữa thôn làng vắng vẻ càng làm người ta thấy thêm phần kỳ dị.

Ký Linh bất giác lần sờ chuông Tịnh Yêu, Phùng Bất Cơ cũng nắm chặt kiếm gỗ đào, Đàm Vân Sơn nín thở cầu nguyện đừng ép bản thân phải đổ máu.

Cạch cạch.

Tiếng động ở ngay gần sát họ.

Ba người nhất tề nhìn sang. Quán rượu cạnh họ gỡ ván cửa ra, tên bồi bàn trông thấy họ liền nhiệt tình chào mời: “Các vị nếm thử rượu mật ong lên men độc quyền của quán chúng tôi nhé?”

*rượu mật ong lên men (tiếng Anh là mead) là mật ong được cho thêm men và ủ thành rượu, đôi khi có cho thêm trái cây, ngũ cốc, tương tự như cách làm rượu vang, độ cồn nhẹ, khác với rượu ngâm mật ong phổ biến ở Việt Nam

Tên bồi bàn vừa nói xong, mấy nhà bên cạnh cũng lục tục mở cửa, cả con đường bỗng chốc như sống lại, nhà mở cửa nhà réo gọi.

Ký Linh thầm ngạc nhiên trong lòng, Phùng Bất Cơ hỏi: “U Thôn các người… toàn là trời sắp tối mới bắt đầu buôn bán à?”

Tên bồi bản ngẩn ra rồi cười đắng chát: “Bác chớ nói đùa, vừa mới sáng ra thôi mà. Với cả, U Thôn đã lâu lắm rồi có tối đâu.”

Phùng Bất Cơ không hiểu: “Không tối là thế nào? Với cả không tối thì lấy đâu ra vừa mới sáng?”

Tay bồi bàn quan sát họ một hồi rồi hiểu ra: “Các bác là người nơi khác chứ gì, U Thôn này đã ba năm nay không hề có buổi tối rồi, bất kể là lúc nào cũng vẫn luôn sáng như ban ngày. Tôi nói trời mới vừa sáng là dựa theo canh giờ, bác có nghe thấy tiếng gõ cầm canh vừa rồi không? Đấy là canh giờ nghỉ ngơi của chúng tôi, trời có thể không tối nhưng chúng tôi thì vẫn phải ngủ mà.”

Ba người nhìn nhau, lòng hoảng hốt.

Trong lúc họ nói chuyện, phố xá dần trở nên náo nhiệt. Người U Thôn đã quen với chuyện này, không hề thấy có gì lạ.

Ba người vào quán mua rượu đặng hỏi chuyện tên bồi bàn một hồi.

Song tên bồi bàn cũng không kể được thêm gì nhiều, chỉ cho biết rằng vô duyên vô cớ bị như vậy từ ba năm trước, trời chẳng bao giờ tối cũng không nhìn thấy mặt trời nhưng rất là sáng. Ban đầu mọi người rất sợ hãi, cho rằng trời có dị tượng ắt là điềm gở, nhưng sau đấy nhận ra là ngoài việc không còn ban đêm thì không xảy ra thêm điều gì khác nữa.

Dần dà, mọi người phát hiện ra là mặc dù trời không tối nhưng dường như vẫn ngày đêm luân phiên đúng như bình thường. Trong thôn dùng phương pháp đồng hồ nước để tính thời gian thì thấy rằng vào lúc ban ngày theo đồng hồ nước, gió ấm áp hơn một chút, tới ban đêm thì gió lạnh đi. Tương tự, bốn mùa vẫn luân phiên như lệ thường, khí hậu không có gì khác xưa, dường như chỉ có “ban đêm” là bị lấy đi, những thứ khác đều không thay đổi.

“Song, muốn thích nghi thật chẳng dễ dàng,” Tên bồi bàn nói đoạn thở dài, “Hoa mầu phát triển chậm hơn ngày trước thì thôi, tốt xấu gì vẫn đủ ăn, cái chính là mọi người không được nghỉ ngơi tử tế. Bọn tôi trẻ thì còn tạm, cứ nghỉ ngơi theo tiếng gõ cầm canh, đóng cửa lại là ngủ được nhưng người có tuổi rồi thì khó, ngủ ngày mấy canh giờ cũng không thể ngon bằng ngủ một canh giờ buổi tối, có nói với các cụ là đã tối rồi các cụ cũng không quen được. Cha tôi… độ ấy suy nhược rồi đi, vốn sức khỏe hẵng còn kiện khang lắm, thế mà nói đi là đi…”

Mấy câu cuối tay bồi bàn nói trong nghẹn ngào, tìm đại một cái cớ rồi đi xuống.

Ba người nặng nề trong lòng, sau một hồi im lặng thật lâu, Phùng Bất Cơ hỏi Ký Linh: “Ký Linh có nghĩ là do Sùng Ngục không?”

“Không biết.” Ký Linh lắc đầu, tính nói vào sâu trong thôn xem thử nhưng thấy Đàm Vân Sơn ngáp liên tục mới nhớ ra họ đã cả đêm không ngủ. Lúc xuống núi thấy trời còn chưa tối chẳng qua là do núi này sát U Thôn cũng bị giống U Thôn, đều là chỗ không có đêm, tính thử thời gian, lúc họ lạc đường e là đã là đêm khuya. Nghĩ vậy, nàng đổi ý nói: “Tìm một chỗ trọ nghỉ ngơi lát đã. Trời đã sáng quắc ba năm, cũng không gấp gì dăm ba khắc.”

Phùng Bất Cơ gật đầu.

Đàm Vân Sơn vui vẻ rót cho nàng một chén rượu.

Ký Linh không uống rượu nhưng thấy chàng xun xoe nịnh nọt vậy thì liền nhoẻn cười.

Ba người nghỉ một lát ở quán rượu rồi đi tìm chỗ ngủ trọ. Ấy vậy mà, đi khắp U Thôn cũng chẳng tìm được một khách điếm nào. Sau khi nghe ngóng mới biết, ba năm nay, do dị tượng ở đây, khách lui tới làm ăn giảm mạnh, khách điếm không hoạt động nổi nên chuyển sang kinh doanh quán cơm quán rượu các kiểu, tối thiểu không có khách vãng lai thì vẫn có khách trong thôn.

Không có khách điếm thì đành phải đi xin ngủ nhờ. Ba người chọn tới chọn lui, cuối cùng chọn một ngôi nhà khang trang nhất, nhà to ắt nhiều phòng, không đến mức làm chủ nhà phải khó xử.

Nhìn từ xa chỉ thấy là nhà lớn, tới gần mới thấy rõ, so về độ bề thế thì không hề mảy may thua Đàm phủ. Song Hòe Thành là thành lớn, Đàm phủ đúng là ngôi nhà bề thế nhất nhì Hòe Thành nhưng cũng không quá tương phản với các nhà gần đó. Còn ở U Thôn, một ngôi nhà khang trang như vậy thực sự quá hút mắt, thậm chí có phần không hợp với xung quanh.

Ký Linh gõ cửa, theo cách nói của Đàm Vân Sơn và Phùng Bất Cơ thì con gái đi gọi cửa người ta bớt đề phòng hơn.

Ký Linh có cảm giác lời này hình như có mấy phần không phải ý tốt.

Người ra xem cửa là một tên gia đinh cường tráng nhưng thái độ rất thân thiện, vừa nghe nói ba người là thầy pháp muốn tìm chỗ ngủ trọ thì liền đi thông bẩm ngay.

Tên gia đinh quay lại rất nhanh, dẫn ba người họ vào sảnh chính, trên đường đi nói cho họ biết đây là Hắc phủ, trong nhà có một lão gia và ba phu nhân, lão gia tên là Hắc Kiệu làm nghề buôn vải, có cửa hàng ở khắp Mặc Châu, là hộ giàu nhất ở U Thôn này.

Trong cách nói của tên gia đinh xen lẫn niềm tự hào, ba người cứ tưởng hắn đã hầu hạ cho nhà này nhiều năm lắm, kết quả hỏi ra mới hay là chỉ mới tới được một năm. Rõ ràng là vị Hắc lão gia này đối xử với kẻ dưới khá tốt nên kể cả ở sau lưng người ta vẫn không quên nói tốt cho chủ.

Ba người được dẫn vào sảnh chính gặp một người đàn ông cường tráng tuổi ngoài bốn mươi, vóc dáng không chênh so với Phùng Bất Cơ là bao nhưng có da có thịt hơn nên nhìn thêm to khỏe. Tên người hầu chào một câu “lão gia” làm rõ thân phận đối phương đúng là Hắc Kiệu.

“Ba thầy mau ngồi đi.” Hắc Kiệu nhiệt tình gọi, “Ba thầy tới nhà kẻ hèn này ngủ nhờ đúng là một vinh dự.”

Ký Linh vội nói: “Không dám, là chúng tôi nên cảm ơn Hắc lão gia chịu cho ở mới phải.”

Hắc Kiệu thấy người hầu đã dâng trà lên bèn chủ động bắt chuyện: “Không biết ba thầy tới U Thôn là để…”

Ký Linh vừa nhấp một hớp trà lại phải bỏ xuống, trịnh trọng đáp: “Bắt yêu.”

Hắc Kiệu gật gù xem chừng đã sớm đoán được: “Chuyện ngày đêm ở U Thôn đúng là kỳ dị.”

Ký Linh thành khẩn nói: “Chúng tôi không dám nói nhất định có thể trừ bỏ vấn đề này nhưng xin được cố hết sức.”

Hắc Kiệu thở dài, buồn bã nói: “Trừ được thì tất nhiên là tốt nhưng giả như không trừ được thì thầy cũng không cần cố quá.”

Phùng Bất Cơ nghe thấy lạ: “Xin chỉ giáo cho.”

Bỗng đâu xen vào một tiếng sang sảng làm Hắc Kiệu giật nảy mình, bình tĩnh lại rồi mới cười rầu rầu đáp: “Thầy đừng hiểu lầm, nếu là yêu tà quấy phá, tất nhiên tôi mong có thể diệt trừ nhưng…”

Phùng Bất Cơ nhíu mày: “Nhưng gì?”

Hắc Kiệu không nhìn huynh ta mà chỉ nhìn Ký Linh cứ như thể chỉ có vậy mới dám nói thật: “Nhưng chỉ sợ lỡ như không diệt trừ được lại đắc tội thứ yêu tà kia thì há chẳng U Thôn sẽ gặp họa. Dù sao hiện giờ cũng chỉ là không có đêm, xuân hạ thu đông vẫn theo lẽ thường, hoa mầu cũng…”

“Nhưng mà nhiều cụ cao niên không thể thích ứng được.” Ký Linh ngắt lời ông ta, giọng buồn buồn, “Theo như chúng tôi biết, ba năm nay, rất nhiều cụ cao niên trong thôn đã đi.”

Hắc Kiệu trầm ngâm một hồi rồi rầu rĩ bảo: “Nếu thực sự là yêu tà quấy phá thì thế này đã coi như là tử tế với U Thôn.”

Sợ hãi là chuyện thường tình, có thể thông cảm được nhưng phải nói chuyện với người như vậy thì khá là nóng ruột. Ký Linh liếc nhìn Đàm Vân Sơn đã ngủ gà ngủ gật, nói thẳng: “Hắc lão gia, chúng tôi đi cả đêm qua núi, đến giờ vẫn chưa hề ngủ…”

Hắc Kiệu ngầm hiểu ý, lập tức sai bảo kẻ dưới dẫn ba người họ qua phòng khách.

Trên đường tới phòng khách, Ký Linh nghĩ tới tay bồi bàn ở quán rượu rồi lại nghĩ tới Hắc Kiệu, nàng hạ quyết tâm, bất kể ở U Thôn có bao nhiêu người chịu đau khổ hay có bao nhiêu người đã thích ứng chấp nhận hiện trạng không có ngày đêm này, nàng nhất định phải bắt cho kỳ được kẻ đầu sỏ gây ra nó!

Chú giải:

*gõ cầm canh: ở Việt Nam xưa hay dùng mõ và trống nên hay gọi là tiếng trống canh, tiếng gõ mõ cầm canh, ở Trung Quốc có nơi người ta còn gõ bằng cồng chiêng, ống tre, v.v… Một đêm được chia thành năm canh bắt đầu từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng (có câu: Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, Năm canh chầy thức đủ năm canh. Hay câu: Nửa đêm giờ Tí canh ba, Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi), người đi tuần đêm sẽ đi gõ khắp các phố phường, ngõ ngách để báo thời gian, canh mấy thì gõ bấy nhiêu tiếng, tiếng đầu dài, các tiếng sau ngắn, đi kèm với việc hô các câu khẩu lệnh, phổ biến là:

Canh 1: Trời hanh vật khô, cẩn thận củi lửa

Canh 2: Đóng cửa đóng nẻo, đề phòng trộm cắp

Canh 3: Bình an vô sự

Canh 4: Trời lạnh đất giá

Canh 5: Ngủ sớm dậy sớm, bảo trọng thân thể

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương