Kính Vị Tình Thương
4: Hiến Nữ Không Thành Chôn Người Gây Họa


Lại qua mấy ngày, A Cổ Lạp đưa cho Ba Âm vòng cổ nanh sói mà nàng tự tay làm, người sau đeo vào ngay tại chỗ, cũng từ trong lòng lấy ra sừng trâu tinh xảo mà hắn đã sớm chuẩn bị tốt: "An đạt, đây là tù và sừng trâu mà ta tự mình làm, bên trong còn khắc tên hai đứa chúng ta, ngươi lúc nào cũng phải mang theo bên người đó!"
A Cổ Lạp nhận lấy tù và sừng trâu, đặt vào trong lồng ngực: "Được, ta sẽ."
Hai người thiếu niên nho nhỏ ngồi trên mặt đất, nhìn đàn cừu ở nơi xa đang thản nhiên ăn cỏ.

Mệt mỏi thì bọn họ sẽ đơn giản nằm ra phía sau, xung quanh chính là mùi hương cỏ xanh, không ngừng nhìn về phía không trung xanh thẳm và những đám mây mang theo hình dạng khác nhau.

Ngươi một lời ta một ngữ không câu thúc, chia sẻ những "tiểu bí mật" mà giữa an đạt với nhau mới có thể nói ra.

Ba Âm: "An đạt, ngày hôm qua ta đi tiểu đêm, nghe được ngạch cát (mẫu thân) đang gào khóc."
A Cổ Lạp nghiêng thân mình: "Làm sao vậy? Sinh bệnh sao?"
Trong mắt Ba Âm hiện lên một chút mờ mịt, hắn nghiêng đầu nói: "Ta trộm xốc lều trại lộ ra một khe hở, nhìn thấy a ba ta đang đè ở trên người ngạch cát, hai người bọn họ đều không mặc quần áo, còn nhích tới nhích lui.

Ngươi nói xem, bọn họ đang làm gì?"
A Cổ Lạp cũng mù tịt, tự hỏi trong chốc lát nhưng cuối cùng vẫn lắc đầu: "Sao ngươi không hỏi một chút xem?"
Ba Âm lắc đầu như trống bỏi: "Ta không dám, a ba ta hung dữ, sẽ đánh ta cho mà xem!"
A Cổ Lạp suy nghĩ một chốc, trả lời: "Nếu như ngươi muốn biết, ta trở về sẽ giúp ngươi hỏi mẫu thân của ta." Ai ai trên thảo nguyên cũng đều biết Phù Dung dịu dàng và hiền lành.

"Được."
Ba Âm tùy tay ngắt một nhánh cỏ ngậm ở trong miệng, lại hỏi: "Lần này ngươi muốn đệ đệ hay vẫn là muội muội?"
A Cổ Lạp không cần nghĩ mà lập tức đáp: "Đệ đệ."
"Cũng phải, ngươi đã có Nặc Mẫn."
"Mẫu thân ta cũng vẫn luôn muốn cho ta thêm một người đệ đệ..." A Cổ Lạp tự giác nói lỡ, vì thế nàng ngừng câu chuyện, cũng may Ba Âm vẫn chưa nhận ra có gì đó không ổn.

"An đạt."
"Sao?"
"Khi nào thì chúng ta mới có thể đánh lại bọn người Cáp Nhĩ Ba Lạp?"
A Cổ Lạp nhìn những đám mây chậm rãi trôi trên bầu trời, biểu tình nhàn nhạt: "Có lẽ lại qua mấy năm nữa."
- --

Bên kia hào trời, từ khi đăng cơ tới nay, Nam Cung Nhượng đối nội nghiêm túc lại biết dùng người hiền, đối ngoại thì cai trị nhân từ, nghe theo dân ý.

Giang sơn bị tiên quân hung tàn làm cho tàn tạ khắp nơi, trải qua ba năm tu sửa thì cũng dần được khôi phục.

Với sự phụ tá của đại tướng quân Lục Quyền, triều đình nhanh chóng bình định dẹp yên nông dân và những cuộc khởi nghĩa do tiền triều gây ra.

Không chỉ vậy, Nam Cung Nhượng còn áp dụng chính sách vỗ về chiếu an đối với võ trang có quy mô sơn trại.

Hắn viết một giấy chiếu cáo tội mình, vì thế trấn an không ít phản quân, miễn đi rất nhiều chiến sự, tiết kiệm phí tổn triều đình ở mức tối đa.

Nam Cung Nhượng vì để bá tánh biết rõ bản thân là một vị nhân quân nên tự mình bãi bỏ chi tiêu cung đình, ngay cả ngự thiện ngày thường của hắn cũng chỉ có bốn món ăn và một chén canh.

Tin tức vừa lan ra, bá tánh đều bị cảm động đến mức rơi lệ, lại không có ai dị nghị.

Sau khi thời cuộc ổn định, Nam Cung Nhượng đã rút ra bài học kinh nghiệm, bắt đầu cải tổ lại cơ cấu của triều đình.

Hắn xóa bỏ tả hữu thừa tướng, lập thêm ba tỉnh, bên dưới lại bố trí ra lục bộ, dưới lục bộ phân chia rõ thành hai mươi bốn ty, mặt khác lại tự mình lập ra Cửu Khanh tự chuyên quản một ít việc vặt.

Cho đến nay, Vị Quốc không còn bố trí chức vị binh mã đại nguyên soái nữa, binh tướng phù được phân thành hai, hoàng đế và thái uý giữ một nửa.

Vào ngày sinh nhật lần thứ 39 của Nam Cung Nhượng, một vị tán nhân tha phương tên là Vu Tử Kỳ dâng đưa lên một bản đồ có tên "Cửu Châu hoàn vũ".

Nam Cung Nhượng thế mới biết, thì ra ở một bên hào trời kia lại bát ngát như thế!
Nam Cung Nhượng tự mình mở tiệc chiêu đãi Vu Tử Kỳ, lưu hắn tại kinh thành mấy ngày để nghe đối phương kể về những hiểu biết ở tha phương nhiều năm qua, đương nhiên càng nhiều là để dò hỏi chuyện ở phía bắc hào trời.

Khi Nam Cung Nhượng nghe thấy phía bắc có dê bò thành đàn, chiến mã vô số, vị đế vương dã tâm bừng bừng này sinh ra tâm tư khác: Bản thân hắn được quan lại ủng hộ vạn dân kính yêu, nhất định sẽ trở thành thánh quân tái khai quốc lưu vào sử sách, không có lý do gì mà chỉ ngồi nửa giang sơn.

- --

Mỗi năm, khi đồng cỏ đến mùa màu mỡ, phần lớn thảo nguyên đều sẽ cử hành thịnh điển trong bảy ngày liên tục, thường là vào tháng bảy và tháng tám.

Bọn họ sát ngưu giết dê, vừa múa vừa hát cảm tạ thiên thần ban cho.

Đến lúc đó, các bộ lạc thảo nguyên tề tụ cùng nhau, dù là đang giao chiến cũng sẽ tạm thời không nói đến.

Đây là quy ước trong trăm ngàn năm qua.

Thịnh điển đại hội là ngày mà bọn trẻ con trên thảo nguyên thích nhất.

Dưới sự dẫn dắt của Tô Hách Ba Lỗ, Xanh Lê bộ đã trở thành tân bá chủ ở thảo nguyên, cho nên đại hội lần này do Xanh Lê bộ làm chủ.

Các bộ lạc đều mang đến hồi vật phong phú, ngay cả Đồ Ba bộ bị đuổi đến bờ Lạc thủy cũng tới.

Ban đêm, đống lửa trại to lớn rực cháy trên mảnh đất trống trước vương trướng dưới chân núi Mô Mô.

Trong không khí tràn ngập mùi thịt nướng thơm ngào ngạt, các dũng sĩ thảo nguyên nâng cốc nói chuyện vui vẻ, các nữ nhân thì ăn mặc những bộ xiêm y mỹ lệ nhất, tay kéo tay vòng quanh lửa trại vừa múa vừa hát.

Tô Hách Ba Lỗ và thê tử cùng ngồi một bàn, Phù Dung đã có thai được năm tháng, Tô Hách Ba Lỗ cố ý sai người trải da hổ trân quý bên dưới chỗ ngồi của Phù Dung.

Yến hội đã diễn ra được một nửa, trong sân đã có không ít dũng sĩ say ngã trên mặt đất.

Tuy là có tửu lượng rất tốt, nhưng Tô Hách Ba Lỗ cũng đã hơi say.

A Cổ Lạp chơi mệt mỏi mới dẫn theo muội muội Tiểu Điệp trở lại bên cạnh phụ mẫu, Phù Dung vừa vặn cắt thịt cho hai đứa nhỏ.


"Hãn Vương Tô Hách Ba Lỗ." Nghe được thanh âm, một nhà bốn người đồng thời ngẩng đầu lên, chỉ thấy một vị nam tử cường tráng râu tóc hoa râm đang dắt một tiểu nữ hài bảy tám tuổi đi tới trước bàn bọn họ.

Tô Hách Ba Lỗ vẫy vẫy tay, hộ vệ bên cạnh bàn trải một tấm da thú lên: "Thì ra là Ngạch Nhật Hòa thúc thúc, ngồi." Người tới đúng là Hãn Vương của Đồ Ba bộ – Nạp Cổ Tư Ngạch Nhật Hòa.

A Cổ Lạp và Tiểu Điệp đều bị tiểu nữ hài hấp dẫn, nữ hài mặc một cái áo khoác nhỏ làm bằng lông hỏa hồ rất trân quý, một đôi mắt to ngập nước, lông mi thật dài nhấp nháy, nàng kia cũng đang tò mò đánh giá các nàng.

"Đây là tiểu nữ nhi Cát Nhã của ta, năm nay tám tuổi."
Cát Nhã ngoan ngoãn gọi: "Hãn Vương, Khả đôn."
Tô Hách Ba Lỗ gật gật đầu, tự mình vì Ngạch Nhật Hòa đổ một chén rượu Mã Nãi: "Mời."
Hai người bưng bát rượu lên uống một hơi cạn sạch, Tô Hách Ba Lỗ ra hiệu cho dũng sĩ ở phía sau cắt thịt cho Ngạch Nhật Hòa, người sau trầm ngâm một lát, thấp giọng nói: "Ta lần này tới là có việc muốn thương lượng với Hãn Vương."
"A? Mời thúc thúc nói."
A Cổ Lạp nhận ra Cát Nhã vẫn luôn nhìn nàng không chớp mắt, trong ánh mắt mang theo chút tìm kiếm, còn có một ít cảm xúc nàng đọc không hiểu.

Ngạch Nhật Hòa nói: "Nghe nói ngươi có đứa con trai được thiên thần ban cho khả năng thuần phục ngựa quý, cưỡi ngựa bắn cung cũng thật tốt, có đúng như vậy không?"
Tô Hách Ba Lỗ cười ha ha, một phen ôm lấy A Cổ Lạp: "Đây là đứa con này của ta, A Cổ Lạp."
"A Cổ Lạp gặp qua Ngạch Nhật Hòa Hãn Vương." A Cổ Lạp và Tiểu Điệp đều được mẫu thân tự mình dạy dỗ lễ nghi, tuy rằng Phù Dung chưa từng đọc sách nhưng trong xương cốt người Vị Quốc trời sinh đã có chút khiêm tốn và ôn hòa hơn người thảo nguyên.

Đáng tiếc lễ phép vẫn chưa đổi lấy hảo cảm, Ngạch Nhật Hòa đánh giá A Cổ Lạp, tâm tình phức tạp: Vị thần đồng thảo nguyên trong truyền thuyết không giống như những gì hắn tưởng tượng.

Hắn vốn tưởng rằng A Cổ Lạp sẽ kế thừa huyết thống ưu tú của Tô Hách Ba Lỗ, nhưng không ngờ vậy mà lại pha lẫn dòng máu của mẫu thân phương nam ti tiện kia.

Thân mình nhu nhược đơn bạc, ngoại trừ cặp mắt màu hổ phách thì không có chút gì giống với Tô Hách Ba Lỗ.

Nhưng tiểu nữ hài bên cạnh lại càng giống với người thảo nguyên, đáng tiếc lại có một đôi mắt đen láy của người phương nam.

Ngạch Nhật Hòa ở trong lòng thở dài: Đồ Ba bộ bị xua đuổi tới biên giới, thiên hà vô thường, hằng năm có nhiều gia súc ăn không đủ no.

Mấy năm nay đã đào rỗng căn cơ của Đồ Ba bộ, tuy hắn cùng Duy Khả bộ liên hôn, nhưng đối phương kiêng kị Tô Hách Ba Lỗ nên không chịu giúp đỡ!
"Cát Nhã là vào năm ta 49 tuổi mới sinh hạ, là minh châu trong lòng Ngạch Nhật Hòa ta.

Lần này ta định lưu Cát Nhã lại Xanh Lê, phó thác cho Hãn Vương Tô Hách Ba Lỗ."
Lời vừa nói ra, người vui mừng nhất không ai khác ngoài Tiểu Điệp, bởi lẽ trong Xanh Lê bộ cũng không có nữ hài nhi trạc tuổi với nàng.


Trong lòng Phù Dung bỗng cảm thấy không tốt, nàng âm thầm kéo lại tay trượng phu.

Tô Hách Ba Lỗ cũng nắm lại tay thê tử làm nàng an tâm, hỏi: "Nếu là bảo bối trong lòng thúc thúc thì vẫn là nên nuôi dưỡng ở bên người mới tốt, vì sao lưu tại chỗ ta?"
Ngạch Nhật Hòa nuốt lại tiếng thở dài vào trong miệng, gượng cười và nói: "Lại nói tiếp, hai bộ chúng ta vốn đáp ứng liên hôn..." Nhìn thấy sắc mặt Phù Dung khẽ biến, hắn chuyển hướng "A Cổ Lạp và Cát Nhã cùng tuổi, ta để Cát Nhã ở chỗ ngươi dưỡng mấy năm, chờ A Cổ Lạp qua mười ba tuổi liền cưới nàng đi! Ta lần này còn mang đến một ngàn con dê béo, năm trăm con bò khỏe mạnh, một trăm con ngựa tốt cùng một trăm tấm da thú hoàn chỉnh làm của hồi môn cho Cát Nhã, chỉ hy vọng ngươi có thể nhường lại mấy khối đồng cỏ màu mỡ để ta mang theo tộc nhân di chuyển."
Hai tay Ngạch Nhật Hòa ấn chặt hai đầu gối, vết nhăn trên mặt căng chặt.

Hắn cảm thấy tôn nghiêm của mình đang rỉ máu, ngày xưa Đồ Ba bộ của hắn uy phong cỡ nào? Cũng chỉ mới mười mấy năm, thế nhưng lưu lạc đến nỗi hiến nữ cầu hòa!
"Ầm" một tiếng, dao nhỏ trong tay Phù Dung rơi trên bàn.

Tiểu Điệp ở một bên cười xán lạn, còn A Cổ Lạp thì nghiêng đầu tự hỏi: Nàng cũng là nữ tử, có thể cưới một nữ tử khác sao? Nhưng mà nàng lại không dám loạn hỏi.

Lần trước nàng giúp Ba Âm hỏi mẫu thân, ngược lại còn bị đánh một trận! Mông nàng còn bị sưng lên hai ngày đây!
Tô Hách Ba Lỗ siết chặt bàn tay thê tử, cảm nhận được độ ấm lòng bàn tay của trượng phu, Phù Dung mới hơi bình tĩnh lại.

"Sao thúc thúc lại nói như vậy? Ta gọi ngài một tiếng thúc thúc, Cát Nhã là muội muội của ta.

Cát Nhã muội muội chính là trưởng bối của A Cổ Lạp đây."
Người thảo nguyên cũng không chú trọng đến quan hệ huyết thống hay bối phận, chuyện huynh trưởng chết trận đệ đệ nghênh thú tẩu tử; phụ hãn chết trận nhi tử nghênh thú thứ mẫu có đôi khi cũng xảy ra.

Ngạch Nhật Hòa lại từ lời của Tô Hách Ba Lỗ nghe ra ý châm chọc: Năm đó Tô Hách Ba Lỗ cự thân Ngạch Nhật Hòa, hắn tái giá nữ nhi với vương tử Duy Khả bộ, đối phương cũng nhỏ hơn nữ nhi hắn một lứa, chẳng lẽ Tô Hách Ba Lỗ đang châm chọc hắn hiến nữ cầu sinh sao?
Sắc mặt Ngạch Nhật Hòa cực kỳ khó coi, Tô Hách Ba Lỗ càng tiến thoái lưỡng nan.

Nếu như Phù Dung không ở đây, e rằng hắn sẽ đáp ứng trước: Một mặt là Hãn Vương Đồ Ba bộ tự mình cầu hòa, nếu cự tuyệt thì cũng có nghĩa là tuyên chiến, mặt khác của hồi môn mà đối phương đưa cũng coi như phong phú.

Đồ Ba bộ xưa đâu bằng nay, Ngạch Nhật Hòa có thể lấy ra của hồi môn như vậy đã là ở yếu thế cầu hảo.

Nếu là Phù Dung không tại, hắn nhất định sẽ đáp ứng, ngày sau bản thân cùng Phù Dung có nhi tử, nhi tử lại cùng Cát Nhã thành hôn là được...!
Tô Hách Ba Lỗ áy náy, vì thế bưng bát rượu đầy tới trước mặt Ngạch Nhật Hòa, đối phương lại đánh nghiêng, hộ vệ dũng sĩ ở phía sau hai vị Hãn Vương đồng loạt rút loan đao ra, A Cổ Lạp theo bản năng ôm Tiểu Điệp vào trong ngực để bảo vệ.

Ngạch Nhật Hòa hừ lạnh mấy tiếng, chỉ vào cái mũi của Tô Hách Ba Lỗ, nói: "Ngươi hay lắm Tô Hách Ba Lỗ, Ngạch Nhật Hòa ta sẽ nhớ kỹ."
Nói xong, hắn lôi kéo Cát Nhã, tức giận vội vàng rời đi..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương