Kiếm Lai
-
Chapter 6: Quẻ hạ.
Trần Bình An đi tới cửa đông, thấy người đàn ông kia đang khoanh chân ngồi trên gốc cây ở cổng rào, uể oải phơi nắng đầu xuân, nhắm mắt lại ngâm nga khúc nhạc, hai tay vỗ vào đầu gối.
Trần Bình An ngồi xổm xuống bên cạnh hắn, đối với thiếu niên thì chuyện đòi nợ thật sự khó mà mở miệng được.
Thiếu niên đành phải yên lặng nhìn về con đường lớn rộng rãi ở phía đông, quanh co và dài đằng đẵng giống như một con rắn dài màu vàng to lớn.
Hắn theo thói quen vốc một nhúm đất lên, nắm chặt trong lòng bàn tay chậm rãi xoa nắn.
Hắn từng đi theo lão Diêu trèo đèo lội suối chung quanh trấn nhỏ, vác bọc hành lý nặng trịch chứa đầy những dụng cụ như dao chẻ củi hay cuốc. Đi rồi lại dừng khắp các nơi theo sự chỉ dẫn của ông lão, Trần Bình An thường phải “ăn đất”, vốc một nhúm đất bỏ thẳng vào miệng nhai, cẩn thận nhấm nháp mùi vị.
Lâu ngày quen tay hay việc, cho dù Trần Bình An chỉ dùng ngón tay nghiền nắn một hồi cũng biết rõ tính chất của đất đai. Cho đến sau này ngay cả mảnh sứ vỡ của một số lò gốm lâu năm, hắn ước lượng một chút cũng có thể biết là thuộc lò gốm nào, thậm chí là do vị sư phụ nào làm ra.
Lão Diêu tính cách quái gở, không hợp tình hợp lẽ, hở một tí là đánh chửi Trần Bình An. Đã từng có một lần lão Diêu chán ghét Trần Bình An thiên phú quá kém, đúng là một tên đần độn đầu óc không được thông suốt, trong cơn tức giận đã bỏ hắn lại vùng núi hoang vu, còn ông lão thì trở về lò gốm một mình.
Đến khi thiếu niên đi hết sáu mươi dặm đường núi, gần tới lò gốm kia thì đêm đã khuya. Ngày đó mưa như trút nước, thiếu niên loạng choạng bước đi trong bùn lầy, cuối cùng khi nhìn thấy một điểm sáng ở xa xa, lần đầu tiên thiếu niên quật cường tự lực cánh sinh lại kích động muốn khóc.
Thế nhưng thiếu niên chưa từng oán trách ông lão, càng sẽ không mang hận.
Thiếu niên gia thế nghèo hèn chưa từng đọc sách, nhưng vẫn hiểu được một đạo lý nằm ngoài sách vở, đó là trên đời ngoại trừ cha mẹ thì không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với ngươi.
Mà cha mẹ của hắn đã ra đi rất sớm.
Trần Bình An nhẫn nại đến mức ngây ra. Người đàn ông lếch thếch dường như cảm thấy quá nửa là không thể lừa gạt qua được, bèn mở mắt cười nói:
- Không phải chỉ là năm đồng tiền sao, đàn ông hẹp hòi như vậy sau này không có tiền đồ đâu.
Vẻ mặt Trần Bình An bất đắc dĩ:
- Chẳng phải ông đang kì kèo sao?
Người đàn ông nhếch mép lộ ra hàm răng vàng không đồng đều, cười hề hề nói:
- Cho nên nếu không muốn sau này độc thân như ta thì đừng nhớ đến năm đồng tiền kia nữa.
Trần Bình An thở dài, ngẩng đầu lên nghiêm túc nói:
- Nếu như ông đang túng thiếu, năm đồng tiền này xem như cho qua đi. Nhưng trước đó phải nói rõ, sau này một phong thư một đồng tiền không được nợ nữa.
Gã đàn ông trên người tỏa ra mùi chua quay đầu, cười híp mắt nói:
- Thằng nhóc, với cái tính cách như đá hôi dưới hầm cầu này của ngươi, tương lai rất dễ phải chịu thiệt thòi lớn. Chẳng lẽ ngươi chưa từng nghe một câu nói cũ, thua thiệt là phúc? Nếu ngươi không thể chịu được một chút thiệt thòi...
Hắn liếc thấy nhúm đất trong tay thiếu niên, dừng lại một lúc rồi ranh mãnh nói:
- Chính là cái số bán mặt cho đất bán lưng cho trời rồi.
Trần Bình An phản bác:
- Vừa rồi chẳng phải tôi đã nói không cần năm đồng tiền nữa sao? Chẳng lẽ không tính là chịu một chút thiệt thòi?
Người đàn ông kia có phần chào thua, sắc mặt bực bội phất tay đuổi người:
- Cút cút cút, nói chuyện với thằng nhóc ngươi thật phí sức.
Trần Bình An buông tay ném nhúm đất xuống, đứng dậy rồi nói:
- Gốc cây nhiều hơi ẩm...
Người đàn ông ngẩng đầu cười mắng:
- Ông đây còn cần ngươi tới dạy đời sao? Người trẻ tuổi hơi ấm dồi dào, dưới mông có thể nướng bánh đấy!
Người đàn ông quay đầu liếc theo bóng lưng thiếu niên, miệng méo méo lẩm bẩm một câu, giống như đang chán nản mắng ông trời.
---------
Hôm nay chẳng biết tại sao thầy giáo Tề tiên sinh lần đầu tiên kết thúc buổi học sớm hơn một chút.
Sau trường có một khoảng sân, phía bắc mở một cổng tre nhỏ thấp thấp có thể thông đến rừng trúc.
Khi Tống Tập Tân và tỳ nữ đang nghe cố sự dưới cây hòe già thì bị người ta gọi đi đánh cờ. Tống Tập Tân không tình nguyện lắm, nhưng người kia nói đây là ý của Tề tiên sinh, muốn xem thử kỹ năng đánh cờ của bọn họ có tiến bộ hay không.
Tống Tập Tân có một cảm giác khó miêu tả đối với Tề tiên sinh luôn nghiêm túc, nhìn chung có thể gọi là vừa kính vừa sợ. Cho nên khi Tề tiên sinh tự mình hạ thánh chỉ này, Tống Tập Tân đành phải đến nơi hẹn, nhưng hắn nhất quyết muốn chờ nghe xong cố sự mới đi đến sân sau trường học.
Thiếu niên áo xanh giúp tiên sinh chuyển lời đành phải trở về trước, không quên dặn dò Tống Tập Tân nhất định đừng tới quá trễ, nói lải nhải liên thiên một hồi vẫn là mấy luận điệu cũ rích, chẳng hạn như tiên sinh nhà ta rất coi trọng quy củ, không thích những kẻ nói không giữ lời...
Lúc đó Tống Tập Tân chỉ ngoáy tai, nhẫn nại bảo là biết rồi biết rồi.
Khi Tống Tập Tân dẫn theo Trĩ Khuê đến sân sau trường học thì gió mát hiu hiu, thiếu niên áo xanh nho nhã lịch sự đã ngồi ngay ngắn trên ghế phía nam như thường ngày, lưng thẳng tắp.
Tống Tập Tân đặt mông ngồi xuống phía bắc, đối diện với thiếu niên áo xanh ở phía nam.
Tề tiên sinh ngồi ở phía tây, vẫn luôn nhìn cờ không nói gì.
Mỗi khi thiếu gia nhà mình đánh cờ với người khác, tỳ nữ Trĩ Khuê đều sẽ vào rừng trúc đi dạo để tránh quấy rầy đến ba “người đọc sách”, hôm nay cũng không ngoại lệ.
Trấn nhỏ nằm ở một góc hẻo lánh không có gia đình trí thức nào, cho nên người đọc sách có thể xem là hàng quý hiếm.
Theo như quy tắc cũ do Tề tiên sinh lập ra, Tống Tập Tân và thiếu niên áo xanh phải đoán cờ, cầm quân đen đi trước.
Tống Tập Tân và tên bạn cùng lứa ở đối diện gần như bắt đầu học đánh cờ cùng lúc, có điều Tống Tập Tân tư chất thông minh, kỹ năng đánh cờ tiến bộ thần tốc một ngày ngàn dặm, cho nên được Tề tiên sinh dạy hai người đánh cờ xem là cửa trên.
Lúc đoán cờ sẽ do Tống Tập Tân lấy một nhúm cờ trắng từ trong hộp cờ ra trước, số lượng không biết, không để người khác thấy. Sau đó thiếu niên áo xanh sẽ lấy ra một hoặc hai quân cờ đen, đoán đúng cờ trắng chẵn hay lẻ là có thể cầm đen đi trước, như vậy sẽ có ưu thế. Hai năm qua Tống Tập Tân đánh cờ, dù là cầm trắng đi sau hay cầm đen đi trước đều không thua lần nào.
Nhưng Tống Tập Tân không hứng thú với đánh cờ lắm, không kiên trì được thời gian dài. Ngược lại thiếu niên áo xanh tư chất thua kém, vừa là học sinh trường làng vừa đảm nhiệm chức thư đồng, sớm chiều chung sống với Tề tiên sinh, cho dù chỉ đứng bên cạnh quan sát tiên sinh ngồi đánh cờ cũng được lợi không nhỏ. Cho nên thiếu niên áo xanh từ ban đầu phải cầm đen mới có thể thỉnh thoảng may mắn chiến thắng, đến hôm nay chỉ cần cầm đen là tỷ lệ thắng bại đã năm năm với Tống Tập Tân, kỹ năng đánh cờ tiến bộ rõ ràng.
Đối với việc một người tiến bộ còn một người thụt lùi như vậy, Tề tiên sinh không hề khen ngợi hoặc phê bình, chỉ khoanh tay đứng nhìn mà thôi.
Tống Tập Tân vừa định cầm lấy quân cờ, Tề tiên sinh đột nhiên nói:
- Hôm nay các ngươi hãy đánh một ván cờ tọa tử (1), cầm trắng đi trước.
Hai thiếu niên đều ngơ ngác không biết “cờ tọa tử” là gì.
Tề tiên sinh không nhanh không chậm cẩn thận giải thích quy củ, sau đó không hề rườm rà đặt hai quân đen và hai quân trắng ở vị trí tứ tinh.
Động tác người trung niên lấy cờ đặt cờ thuần thục như nước chảy mây trôi, khiến người ta vui tai thích mắt.
Bình thường thiếu niên áo xanh luôn tuân thủ quy củ nghiêm ngặt, sau khi nghe “tin dữ” lại trợn mắt há mồm, ngơ ngác nhìn bàn cờ, cuối cùng cẩn thận nói:
- Tiên sinh, làm như vậy hình như có rất nhiều thế cờ không dùng được nữa.
Tống Tập Tân nhíu mày suy nghĩ một lúc, ánh mắt nhanh chóng sáng lên, chân mày giãn ra nói:
- Là kết cấu của bàn cờ nhỏ đi rồi.
Sau đó Tống Tập Tân giống như tranh công ngẩng đầu cười hỏi:
- Đúng không Tề tiên sinh?
Nho sĩ trung niên gật đầu đáp:
- Đúng là như vậy.
Tống Tập Tân nhướng nhướng mày với tên bạn cùng lứa ở đối diện, cười hỏi:
- Có cần nhường hai quân trước không, nếu không tên này chắc chắn sẽ thua.
Sắc mặt thiếu niên đối diện lập tức đỏ tới mang tai, lúng túng ậm ừ. Bởi vì hắn biết rõ số lần chiến thắng của mình càng ngày càng nhiều, ngoại trừ kỹ năng đánh cờ nâng cao, nguyên nhân chủ yếu là do hai năm qua Tống Tập Tân đánh cờ càng ngày càng không tập trung, có lúc còn nhẫn nại không muốn kết thúc. Thậm chí Tống Tập Tân còn cố ý bỏ qua rất nhiều nước cờ phân thắng bại, hoặc là sau khi chiếm ưu thế trên nước rõ ràng, đánh tới giữa ván lại cố gắng mạo hiểm để ăn một lần thật nhiều quân.
Đối với đánh cờ, Tống Tập Tân đầy tài hoa có vui vẻ hay không, có hứng thú hay không mới là chuyện quan trọng nhất.
Còn đối với thiếu niên áo xanh, từ lần đầu tiên cầm cờ đặt xuống bàn cờ, hắn đã cố chấp với hai chữ thắng thua.
Tề tiên sinh nhìn học trò trong lớp của mình:
- Con có thể cầm trắng đi trước.
Kế tiếp thiếu niên áo xanh hạ cờ chậm chạp, cẩn thận chặt chẽ, từng bước thận trọng. Tống Tập Tân vẫn hạ cờ như bay, phóng khoáng rộng rãi, không thấy hình bóng.
Tính cách hai bên khác biệt một trời một vực.
Nhưng sau hơn tám mươi nước, thiếu niên áo xanh đã thua nát bét, cúi đầu không nói gì, chỉ mím chặt môi.
Tống Tập Tân chống khuỷu tay lên bàn nâng cằm, dùng hai ngón tay kẹp quân cờ gõ nhẹ vào bàn đá, nhìn chăm chú vào ván cờ.
Theo như quy củ của Tề tiên sinh, hai bên chỉ cần bỏ cờ im lặng nhận thua là được, tuyệt đối không được nói ba chữ “ta thua rồi”.
Dù thiếu niên áo xanh không cam lòng thế nào vẫn chậm rãi bỏ cờ.
Tề tiên sinh lại dặn học trò:
- Đi luyện chữ đi, không cần thu dọn tàn cục, hãy viết ba trăm chữ “Vĩnh”.
Thiếu niên áo xanh vội vàng đứng dậy, cung kính chắp tay thi lễ cáo từ.
Sau khi bóng dáng của thiếu niên kia biến mất, Tống Tập Tân mới nghẹ giọng hỏi:
- Tiên sinh cũng phải rời khỏi nơi này rồi sao?
Văn sĩ nho nhã tóc mai trắng như sương gật đầu nói:
- Trong một tuần sẽ rời đi.
Tống Tập Tân cười nói:
- Vậy thì tốt, ta còn có thể tiễn tiên sinh.
Vị tiên sinh dạy học này do dự một lúc, cuối cùng mới nói:
- Không cần tiễn ta. Tống Tập Tân, sau này ngươi ra ngoài trấn nhỏ hãy nhớ không nên quá rêu rao. Trên người ta không có thứ gì khác, chỉ có ba bộ sách vỡ lòng là “Tiểu Học”, “Lễ Nhạc” và “Quan Chỉ”, ngươi có thể cầm đi hết.
- Phải thường xuyên ôn tập, nên biết đọc sách trăm lần thì sẽ tự lĩnh hội được ý nghĩa. Nếu có thể đọc hết vạn quyển thì sẽ càng hạ bút như có thần, chân ý của nó... sau này ngươi tự nhiên sẽ hiểu. Còn về ba quyển sách hỗn tạp gồm thuật toán “Tinh Vi”, kỳ phổ “Đào Lý” và văn tập “Sơn Hải Sách”, lúc rãnh rỗi đừng ngại lật xem, cũng có thể dưỡng tính khiến mình vui vẻ.
Vẻ mặt Tống Tập Tân sửng sốt, hơi lúng túng, lấy can đảm nói:
- Tiên sinh giống như đang “gởi gắm con cái trước lúc lâm chung”, khiến ta không thích ứng được.
Vẻ mặt Tề tiên sinh tươi cười, ôn hòa nói:
- Không khoa trương như ngươi nói, đời người thiếu gì chốn có thể chạm mặt nhau, sau này sẽ có ngày gặp lại.
Lúc vị tiên sinh này mỉm cười gây cho người ta cảm giác như tắm gió xuân.
Ông ta đột nhiên nói:
- Ngươi đến chỗ Triệu Dao xem thử, coi như nói lời từ biệt sớm.
Tống Tập Tân đứng dậy cười nói:
- Được rồi, vậy làm phiền tiên sinh thu dọn ván cờ này.
Thiếu niên vui vẻ chạy đi.
Nho sĩ trung niên cúi người thu dọn quân cờ, nhìn giống như phía đông một quân, phía tây một quân lộn xộn vô trật tự, nhưng thực ra đen trước trắng sau, bắt đầu nhặt từ quân cờ đen cuối cùng mà Tống Tập Tân đặt xuống, đảo ngược thứ tự không sai một quân nào.
Chẳng biết từ lúc nào tỳ nữ Trĩ Khuê đã từ rừng trúc quay về, nhưng chỉ đứng ngoài cổng tre chứ không bước vào trong sân.
Ông ta không quay đầu, trầm giọng nói:
- Tự thu xếp ổn thỏa đi.
Lúc này gương mặt của thiếu nữ lớn lên ở ngõ Nê Bình đầy vẻ mờ mịt, yếu đuối rụt rè, điềm đạm đáng yêu.
Nho sĩ lịch sự tao nhã thoáng lộ ra vẻ giận dữ, chậm rãi quay đầu nhìn.
Ánh mắt lạnh nhạt.
Dánh vẻ của thiếu nữ vẫn mơ mơ màng màng.
Hồn nhiên ngây thơ.
Người trung niên trí thức đứng lên, tuấn tú tiêu sái, nhìn về phía thiếu nữ kia cười lạnh nói:
- Nghiệp chướng nghịch chủng!
Thiếu nữ chậm rãi thu lại vẻ mặt vô tội, ánh mắt dần dần trở nên lạnh lùng, khóe miệng nở một nụ cười chế nhạo.
Cô giống như đang nói, ngươi có thể làm gì ta?
Cô nhìn thẳng mặt nho sĩ như vậy.
Trong ngoài sân nhỏ giống như có một đôi mãng xà và giao long đang đối diện với nhau.
Hai người nhìn nhau đầy thù địch.
Tống Tập Tân ở phía xa hô lớn:
- Trĩ Khuê, về nhà thôi.
Thiếu nữ lập tức nhón chân lên, lanh lợi đáp một câu:
- À, được rồi, công tử.
Cô đẩy cổng tre ra, chạy chầm chậm sát qua người tiên sinh dạy học, sau khi chạy ra mấy bước còn không quên xoay người, nhìn bóng lưng kia làm động tác chúc phúc, giọng nói uyển chuyển động lòng người:
- Tiên sinh, Trĩ Khuê đi trước nhé.
Một lúc lâu sau nho sĩ mới thở dài.
Gió xuân ấm áp, lá trúc đung đưa như tiếng lật sách.
---------
Đạo nhân trẻ tuổi đầu đội mũ hoa sen đang dọn dẹp gian hàng, than vắn thở dài. Dân chúng trấn nhỏ quen biết hỏi nguyên do, y chỉ lắc đầu không trả lời.
Cuối cùng một vị phu nhân mới lấy chồng từng xem nhân duyên ở đây đi ngang qua, trông thấy đạo nhân trẻ tuổi khác thường như vậy bèn ngượng ngùng dừng bước, cất giọng dịu dàng, ngoài mặt là hỏi thăm, nhưng cặp mắt long lanh như nước biết nói chuyện kia lại quanh quẩn trên gương mặt anh tuấn của đạo nhân trẻ tuổi.
Đạo nhân trẻ tuổi không lộ tâm tình liếc nhìn vị phu nhân kia, ánh mắt hơi nghiêng xuống dưới, trông thấy một hình ảnh căng phồng. Sau đó đạo sĩ nuốt một ngụm nước bọt, nói một câu bói toán khác với lẽ thường:
- Hôm nay bần đạo tính cho mình một quẻ, là quẻ hạ, không may.
---------
Chú thích:
(1) Cờ tọa tử là một quy tắc cờ vây của Trung Quốc, trước khi bắt đầu sẽ đặt hai quân đen và hai quân trắng ở góc tinh đối diện nhau.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook