Kiếm Lai
Chapter 1: Kinh trập.

Mồng hai tháng hai, rồng ngẩng đầu. (2) Vào chiều hôm, tại một nơi yên tĩnh gọi là ngõ Nê Bình trong trấn nhỏ, có một thiếu niên gầy gò lẻ loi trơ trọi. Lúc này hắn đang làm theo tập tục, một tay cầm nến, một tay cầm nhánh đào, soi sáng các nơi như xà nhà, vách tường, giường gỗ... dùng nhánh đào gõ gõ đập đập, muốn mượn chuyện này xua đuổi rắn rết bò cạp các thứ, miệng lẩm bẩm câu châm ngôn lưu truyền nhiều đời trong trấn nhỏ này: “Mồng hai tháng hai, soi sáng xà nhà, đào gõ vào tường, rắn rết trong nhân gian không nơi nào ẩn náu.” Thiếu niên họ Trần, tên là Bình An, cha mẹ mất sớm. Đồ gốm của trấn nhỏ rất nổi tiếng, từ khi bản triều khai quốc tới nay, trấn nhỏ đã đảm nhận trọng trách “phụng chiếu sản xuất đồ dùng cúng tế lăng mộ”, hàng năm có quan viên đóng giữ ở đây giám sát công việc của lò gốm triều đình. Thiếu niên không nơi nương tựa, từ rất sớm đã làm thợ lò nung gốm, ban đầu chỉ có thể làm vài chuyện tay chân lặt vặt, đi theo một sư phụ nửa mùa tính tình tệ hại, vất vả chịu đựng mấy năm mới trau dồi được một chút cách thức nung gốm. Kết quả thế sự vô thường, trấn nhỏ đột nhiên mất đi lá bùa hộ mệnh là chế tạo vật dụng cho triều đình, mấy chục lò gốm hình dáng như rồng nằm chung quanh trấn nhỏ, trong một đêm đều bị quan phủ buộc phải đóng cửa tắt lửa. Trần Bình An bỏ nhánh đào mới bẻ kia xuống, thổi tắt nến, sau đó đi ra khỏi nhà, ngồi trên bậc thềm, ngẩng đầu nhìn trời sao lấp lánh. Đến nay thiếu niên vẫn nhớ rõ, lão sư phụ chỉ chịu nhận mình làm nửa đồ đệ kia họ Diêu, vào sáng sớm cuối thu năm ngoái, bị người ta phát hiện ngồi trên một chiếc ghế trúc nhỏ nhìn về hướng lò gốm, mắt đã nhắm rồi. Nhưng số người lâm vào bế tắc như lão Diêu chung quy cũng không nhiều. Thợ thủ công trong trấn nhỏ nhiều đời chỉ biết nung gốm, đã không dám vượt quyền chế tạo cống phẩm triều đình, cũng không dám bán đồ gốm trong kho cho dân chúng, đành phải nhao nhao tìm đường khác. Trần Bình An mười bốn tuổi cũng bị đuổi ra ngoài, sau khi trở lại ngõ Nê Bình thì tiếp tục trông coi ngôi nhà cũ đã rách nát từ lâu này, tình cảnh tiêu điều gần như chỉ còn bốn bức tường, cho dù hắn muốn làm kẻ phá của cũng không biết bắt đầu từ đâu. Sống vật vờ như cô hồn dã quỷ một thời gian, thiếu niên thật sự không tìm được công việc kiếm ra tiền. Dựa vào một chút tích góp ít ỏi miễn cưỡng lấp đầy bụng. Mấy ngày trước nghe nói ở ngõ Kỵ Long cách đó mấy con đường, có một lão trợ rèn họ Nguyễn từ nơi khác đến, tuyên bố với bên ngoài muốn thu bảy tám học đồ làm nghề nguội, không trả tiền công nhưng sẽ bao cơm, Trần Bình An liền vội vàng chạy đến thử vận may. Không ngờ ông lão chỉ liếc xéo hắn một cái đã từ chối ngoài cửa. Khi đó Trần Bình An nghi hoặc, chẳng lẽ công việc làm nghề nguội này không phải xem lực cánh tay lớn nhỏ, mà là xem tướng mạo tốt xấu? Nên biết Trần Bình An mặc dù nhìn có vẻ yếu đuối nhưng sức lực không thể xem thường, đây là thân thể được rèn luyện từ những năm tháng thiếu niên nung gốm nặn phôi. Ngoài ra hắn còn theo ông lão họ Diêu chạy khắp núi sông trong phạm vi trăm dặm chung quanh trấn nhỏ, nếm đủ mùi vị của các loại đất đai khắp nơi, nhẫn nhục chịu khó, sẵn lòng làm bất cứ công việc dơ bẩn và mệt nhọc nào mà không hề do dự. Đáng tiếc lão Diêu vẫn luôn không thích Trần Bình An, hiềm vì thiếu niên không có thiên phú, đầu óc chậm tiến không sáng suốt, kém xa đại đồ đệ Lưu Tiện Dương. Chuyện này cũng không trách được ông lão thiên vị, sư phụ nhận vào cửa, tu hành do cá nhân. Ví dụ cùng là việc nặn phôi khô khan nhàm chán, Lưu Tiện Dương chỉ tốn công sức nửa năm ngắn ngủi, đã ngang với trình độ của Trần Bình An vất vả ba năm. Mặc dù cả đời chưa chắc đã dùng đến ngón nghề này, nhưng Trần Bình An vẫn giống như trước đây, nhắm mắt lại tưởng tượng trước người mình có đặt phiến đá xanh và trục quay, bắt đầu luyện tập nặn phôi, quen tay hay việc. Đại khái cứ qua một khắc đồng hồ thì thiếu niên lại nghỉ ngơi một lúc, rung rung cổ tay, lặp lại như vậy nhiều lần cho đến khi cả người mệt mỏi rã rời. Lúc này Trần Bình An mới đứng dậy, vừa đi dạo trong sân vừa chậm rãi thư giãn gân cốt. Trước giờ không có ai dạy cho Trần Bình An những điều này, đây là phương pháp do hắn tự mày mò nghĩ ra. Trong khung cảnh vốn đang yên tĩnh, Trần Bình An bỗng nghe được một tiếng cười nhạo chói tai. Hắn dừng bước, quả nhiên nhìn thấy tên bạn cùng lứa đang ngồi xổm trên đầu tường, nhếch miệng không hề che giấu vẻ khinh thường. Tên này là hàng xóm lâu năm của Trần Bình An, nghe đâu là con riêng của đại nhân trông coi sản xuất tiền nhiệm. Vị đại nhân kia sợ thanh danh bị gièm pha, quan giám sát trong triều tố cáo, cho nên cuối cùng một mình trở lại kinh thành báo cáo công việc, giao đứa trẻ cho quan viên thay thế có quan hệ thân thiết giúp trông coi chiếu cố. Hôm nay trấn nhỏ mất đi tư cách chế tạo đồ gốm cho triều đình một cách khó hiểu, vị đại nhân phụ trách giám sát công việc lò gốm thay triều đình còn khó giữ được mình, giống như Bồ Tát đất qua sông, nào còn chiếu cố được con riêng của quan lại đồng liêu. Ông ta chỉ để lại một chút tiền bạc rồi vội vã bất an chạy về kinh thành lo lót quan hệ. Thiếu niên hàng xóm bất giác đã trở thành đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng cuộc sống vẫn an nhàn tự tại như trước, suốt ngày dẫn theo nha hoàn thiếp thân của mình dạo chơi trong ngoài trấn nhỏ, quanh năm suốt tháng chơi bời lêu lổng, cũng chưa từng ưu sầu về tiền bạc. Tường viện bằng đất vàng của mọi nhà trong ngõ Nê Bình đều rất thấp, thực ra thiếu niên hàng xóm hoàn toàn không cần nhún chân cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng bên sân kia, nhưng mỗi lần nói chuyện với Trần Bình An thì hắn đều thích ngồi xổm trên đầu tường. So với tên gọi Trần Bình An thô thiển tầm thường, tên của thiếu niên hàng xóm lịch sự tao nhã hơn nhiều, gọi là Tống Tập Tân. Ngay cả tỳ nữ nương tựa với hắn cũng có một cái tên nho nhã, đó là Trĩ Khuê. Lúc này thiếu nữ đang đứng ở bên kia tường viện, cô có một đôi mắt hạnh, trông có vẻ yếu đuối rụt rè. Chỗ cửa viện bên kia có một giọng nói vang lên: - Tỳ nữ này của ngươi có bán không? Tống Tập Tân sững sốt, quay đầu nhìn theo giọng nói, trông thấy một thiếu niên áo gấm đang mỉm cười đứng ở ngoài viện, gương mặt hoàn toàn xa lạ. Bên cạnh thiếu niên áo gấm có môt ông lão thân hình cao lớn đang đứng, dung nhan trắng nõn, sắc mặt hòa nhã, khẽ hí mắt quan sát thiếu niên thiếu nữ ở hai nhà sát nhau. Ánh mắt của ông lão đảo qua Trần Bình An cũng không dừng lại, nhưng lại dừng trên người Tống Tập Tân và tỳ nữ, nụ cười dần rõ hơn. Tống Tập Tân liếc mắt nói: - Bán! Sao lại không bán! Thiếu niên kia mỉm cười nói: - Vậy ngươi nói giá đi. Thiếu nữ trợn to mắt, vẻ mặt khó tin giống như một con nai nhỏ đang hoảng hốt. Tống Tập Tân liếc mắt, đưa một ngón tay ra lắc lắc: - Một vạn lượng bạc trắng! Sắc mặt thiếu niên áo gấm vẫn như thường, gật đầu nói: - Được. Tống Tập Tân thấy dáng vẻ thiếu niên kia không giống như nói đùa, vội vàng đổi giọng nói: - Là vạn lượng hoàng kim! Khóe miệng thiếu niên áo gấm nhếch lên, nói: - Đùa với ngươi thôi. Sắc mặt Tống Tập Tân âm trầm. Thiếu niên áo gấm không để ý tới Tống Tập Tân nữa, dời mắt nhìn về phía Trần Bình An: - Hôm nay nhờ ngươi nên ta mới mua được con cá chép kia, sau khi mua về ta càng xem càng thích, thầm nghĩ nhất định phải ở trước mặt cám ơn ngươi một tiếng, cho nên đã bảo Ngô gia gia dẫn ta suốt đêm tới tìm ngươi. Hắn ném một cái túi thêu nặng trĩu cho Trần Bình An, vẻ mặt tươi cười nói: - Đây là đền đáp, xem như ngươi và ta không còn nợ nần gì nữa. Trần Bình An vừa muốn nói chuyện, thiếu niên áo gấm đã xoay người rời đi. Trần Bình An nhíu mày. Ban ngày mình vô tình nhìn thấy một người trung niên xách theo giỏ cá đi trên đường, bắt được một con cá chép vàng ánh lớn cỡ bàn tay, giãy rất mạnh trong giỏ trúc. Trần Bình An chỉ liếc nhìn một cái đã cảm thấy rất thích, bèn mở lời hỏi xem có thể dùng mười đồng tiền mua nó hay không. Người trung niên vốn chỉ muốn khao cái bụng của mình, trông thấy có cơ hội kiếm chác nên lập tức tăng giá, giống như sư tử há miệng lớn, đòi ba mươi đồng tiền mới chịu bán. Trần Bình An trong túi lép xẹp nào có nhiều tiền dư như vậy, nhưng thật sự luyến tiếc con cá chép vàng rực kia, cho nên thèm thuồng đi theo người trung niên liên tục cò kè, muốn hạ giá xuống mười lăm đồng, cho dù là hai mươi đồng cũng được. Khi người trung niên có vẻ muốn chấp thuận, thiếu niên áo gấm và ông lão cao lớn vừa lúc đi qua, bọn họ không nói gì thêm đã dùng năm mươi đồng tiền mua con cá chép và giỏ cá. Trần Bình An chỉ có thể trơ mắt nhìn bọn họ nghênh ngang rời đi mà không làm gì được. Nhìn chằm chằm theo bóng lưng càng lúc càng xa của hai ông cháu kia, Tống Tập Tân thu hồi ánh mắt hung tợn, nhảy xuống tường, dường như nhớ đến chuyện gì, nói với Trần Bình An: - Ngươi còn nhớ con vật bốn chân vào tháng giêng không? Trần Bình An gật đầu. Làm sao không nhớ, ký ức quả thật vẫn còn mới mẻ. Dựa theo phong tục lưu truyền mấy trăm năm của trấn nhỏ này, nếu có con vật thuộc loại rắn chui vào trong nhà mình là điềm tốt, chủ nhân tuyệt đối không nên xua đuổi hoặc giết chết nó. Vào mùng một tháng giêng Tống Tập Tân đang ngồi ở ngưỡng cửa phơi nắng, bỗng có một con vật nhỏ thường được gọi là rắn mối lủi vào nhà ngay trước mắt hắn. Tống Tập Tân liền bắt lấy ném ra ngoài sân, không ngờ con rắn mối đã ngã lăn quay kia càng gặp khó thì càng lớn gan, tiếp tục muốn chui vào, khiến cho Tống Tập Tân vốn không tin quỷ thần bị chọc tức, trong cơn nóng giận đã ném nó vào sân của Trần Bình An. Ai ngờ hôm sau Tống Tập Tân tại nhìn thấy con rắn mối kia cuộn tròn nằm dưới gầm giường của mình. Tống Tập Tân phát giác thiếu nữ đang kéo kéo tay áo của mình. Thiếu niên và cô có một sự hiểu ngầm, lời đã ra đến miệng bất giác lại nuốt trở vào. Hắn muốn nói là gần đây trên trán của con rắn mối vô cùng xấu xí kia lại gồ lên, giống như đỉnh đầu mọc sừng vậy. Tống Tập Tân đổi sang câu khác nói: - Tháng sau có thể ta và Trĩ Khuê phải rời khỏi nơi này rồi. Trần Bình An thở dài: - Đi đường cẩn thận. Tống Tập Tân nửa thật nửa giả nói: - Có vài món đồ ta chắc chắn không mang đi được, ngươi cũng đừng thừa lúc nhà ta không có ai mà táo tợn trộm đồ. Trần Bình An lắc đầu. Tống Tập Tân bỗng cười sằng sặc, dùng ngón tay chỉ vào Trần Bình An, cợt nhả nói: - Nhát như chuột, chẳng trách người ta bảo là nhà nghèo hèn không thể sinh quý tử. Đừng nói là đời này nghèo khổ mặc cho người ta khi dễ, nói không chừng đời sau cũng trốn không thoát. Trần Bình An im lặng không nói gì. Từng người trở về nhà mình. Trần Bình An đóng cửa lại, nằm trên giường gỗ cứng rắn, thiếu niên bần hàn nhắm mắt nhỏ giọng rủ rì: - Vỡ vỡ bình, tháng tháng an, vỡ vỡ bình an, tháng tháng bình an... (3) ...... Chú thích: (1) Kinh Trập còn được gọi là “Khải Trập”, là tiết thứ ba trong hai mươi bốn tiết của năm (như Lập Xuân, Thanh Minh, Đông Chí...), bắt đầu từ ngày 5 hoặc 6 cho đến 20 tháng 3 dương lịch. (2) Rồng ngẩng đầu (mồng 2 tháng 2 âm lịch) còn được gọi là lễ Xuân Canh, lễ Nông Sự, lễ Thanh Long, lễ Xuân Long... là một ngày lễ dân gian truyền thống của Trung Quốc. “Rồng” là chỉ chòm sao Thanh Long (tên gọi chung của chòm bảy ngôi sao ở phía đông trong chòm Nhị Thập Bát Tú). Mỗi năm vào đầu tháng 2, “sao Long Giác” lại từ đường chân trời phía đông dâng lên, cho nên gọi là “rồng ngẩng đầu”. (3) Vỡ vỡ bình an: câu nói thường dùng khi lỡ tay làm rơi vỡ đồ vật, nhằm cầu xin đây là một điềm lành.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương