Khó Bề Hòa Hợp
Chương 43: Sự kiện chống bán khống của Tập đoàn Oceanwide (4)

Có câu “Trận này chưa qua trận khác đã tới”, còn có câu tục ngữ là “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”.

Chuyện lộn xộn của Kinh Thiên Bình và Livestream Vô Giới còn chưa thỏa thuận xong xuôi thì Tập đoàn Oceanwide đã gặp phải một đợt bán khống* trên Nasdaq. Nhóm người bán khống đã “mượn” một lượng lớn cổ phiếu của Tập đoàn Oceanwide và bán trước với hy vọng chờ đợi sự sụt giảm mạnh, sau đó bọn họ sẽ mua và trả lại cổ phiếu theo giá thị trường trong thời gian thực. Bán cao mua thấp, kiếm lời nhờ vào chênh lệch giá.

*Bán khống (short sale) trong tài chính có nghĩa là một cách kiếm lợi nhuận từ sự tụt giảm giá của một loại chứng khoán như cổ phiếu hay trái phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư theo một khoản đầu tư dài hạn, hy vọng rằng giá của loại chứng khoán đó sẽ lên. Để thu lợi từ việc giá cổ phiếu đi xuống, người bán khống có thể mượn một lượng chứng khoán và bán nó đi, mong muốn rằng nó sẽ giảm giá trong tương lai để người bán khống có thể mua nó lại với mức giá thấp hơn và hưởng lợi nhuận từ sự chênh lệch giá bán và mua. Mình sẽ sử dụng song song cả “bán khống” và “short” để tránh lặp từ.

Một người chuyên bán khống nổi tiếng ở Hoa Kỳ và là người đứng đầu quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới đã nói trong một cuộc phỏng vấn, “Bây giờ là thời điểm rất tốt để short Oceanwide.” Ông ta còn nói rằng mình đang short Oceanwide và đã tăng vị thế short của Oceanwide trong danh mục đầu tư của mình lên khoảng 20%.

Trong phần tiếp theo của buổi phỏng vấn, ông ta đề cập đến nhiều vấn đề mà Tập đoàn Oceanwide đang phải đối mặt:

Thứ nhất là rất khó mở rộng thị trường do phải cạnh tranh với Thanh Huy. Ông ta chia sẻ, những sản phẩm của Oceanwide đã chặn tất cả các liên kết dẫn đến các sản phẩm của Thanh Huy, người dùng không thể chia sẻ các liên kết video ngắn của Thanh Huy trên các công cụ mạng xã hội của Oceanwide, trong khi những video ngắn của Thanh Huy cũng không hiển thị thông tin sản phẩm của Oceanwide bên dưới, bao gồm cả những trò chơi mới nhất của Oceanwide. Ông ta cũng cho biết với các nền tảng thương mại điện tử, nhiều sản phẩm và thậm chí cả sản phẩm đầu tư của cả hai bên, bao gồm app đặt đồ ăn, app cho thuê nhà, app đặt taxi, app mua vé, app du lịch, v.v. đều không thể sử dụng các công cụ thanh toán của bên đối thủ. Trong khi nền tảng video ngắn của Thanh Huy là phương tiện truyền thông Web 2.0 quan trọng nhất với tầm ảnh hưởng ngày càng rộng hơn, nó vắt kiệt thời gian trên các nền tảng khác của người dùng và các nền tảng khác đang dần suy thoái. Cứ thế này thì Oceanwide sẽ gặp khó khăn.

Thứ hai, nghiệp vụ trò chơi của Oceanwide là nguồn lợi nhuận rất quan trọng. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã ngừng cấp số phiên bản* vào năm 2018, và đến tháng Tám thì thậm chí kênh đăng ký lấy số phiên bản cũng bị đóng. Cho đến nay, cơ quan chức năng đã không đưa ra số phiên bản nào trong suốt nửa năm, điều này là trí mạng đối với Oceanwide, phía chính quyền không có thái độ thân thiện với lĩnh vực “trò chơi” trong những năm gần đây.

*Số phiên bản tương đương với giấy khai sinh hoặc giấy phép kinh doanh của trò chơi, là văn bản pháp lý bảo vệ bản quyền của nhà phát triển và cũng là văn bản chấp thuận của quốc gia cho phép phát hành trò chơi và hoạt động trực tuyến. Theo luật pháp và quy định liên quan, các ấn phẩm không có số phiên bản sẽ không được bán hoặc thu phí.

Thứ ba, nghiệp vụ tài chính của Tập đoàn Oceanwide cũng là nguồn lợi nhuận quan trọng, tuy nhiên trong những năm gần đây, việc giám sát tài chính ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Một số công cụ tài chính của Oceanwide ví dụ như những nghiệp vụ cho vay có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi các chính sách này. Sản phẩm Cho Vay AI vốn đã được nghiên cứu và phát triển kỹ lưỡng nhưng không thể mang lại sự tăng trưởng do còn tồn tại những mập mờ trong quy định, lý do nằm ở quy trình phê duyệt tự động. Ông ta cũng cho biết phân khúc tài chính và trò chơi chiếm tới một phần ba lợi nhuận của Oceanwide.

Thứ tư, nghiệp vụ quảng cáo duy nhất còn lại cũng đang chịu tác động từ các video ngắn và chương trình phát sóng trực tiếp của Tập đoàn Thanh Huy, ví dụ như chi phí marketing ban đầu mà các doanh nghiệp lớn chi cho video dài đã được chuyển phần lớn sang video ngắn.

Thứ năm, đối với các lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo hay điện toán đám mây, Tập đoàn Oceanwide không có lợi thế về mặt công nghệ so với nước ngoài. Trong tương lai, những lĩnh vực này chắc chắn sẽ được những gã khổng lồ quốc tế quản lý và kiểm soát, ông ta không thể nhìn ra được điểm tăng trưởng mới.

Thứ sáu, bọn họ nghi ngờ Tập đoàn Oceanwide đã thực hiện một số hành vi lừa đảo. Ví dụ như có một số lượng lớn nguồn nhà chim mồi trên ứng dụng nhà ở đã qua sử dụng. Đầu tiên, môi giới sẽ cho khách hàng mục tiêu xem một số “nhà chim mồi” thường có giá cao và chất lượng không tốt, sau đó họ sẽ bất ngờ thông báo cho bên kia rằng mình tình cờ có trong tay một căn nhà rất tốt, khách hàng so sánh xong sẽ lập tức ký hợp đồng. Một mánh khác đó là phương pháp ngược lại, dùng “nhà chim mồi” giá thấp nhưng tình trạng tốt để thu hút khách hàng, sau đó lại nói nhà này đã bán hết nhưng có một căn khác cũng khá ổn và rất hot, khách hàng sốt ruột cũng sẽ ký hợp đồng ngay.

Cuối cùng vậy mà vẫn còn điểm thứ bảy, dựa theo nguồn tin đáng tin cậy, CEO Kinh Hồng của Tập đoàn Oceanwide có tranh chấp với CEO Kinh Thiên Bình của Siêu thị Thiên Bình, Siêu thị Thiên Bình có thể sẽ tách ra, dường như là mâu thuẫn rất nghiêm trọng và dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến nghiệp vụ kinh doanh “thực phẩm tươi sống” quan trọng của Tập đoàn Oceanwide.

Trên thực tế, vị thế short của Tập đoàn Oceanwide đã rất cao từ trước cuộc phỏng vấn này. Bắt đầu từ năm ngoái, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ đã leo thang, tương lai cho những sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ cực kỳ mờ mịt. Trong đó ngành công nghệ còn nhạy cảm hơn, phiên bản nước ngoài của một số sản phẩm đã bị cáo buộc về bảo mật, đặc biệt là các nền tảng video và thông tin khác. Suy nghĩ của phía bên kia rất dễ hiểu, những nền tảng này tương tự như phương tiện truyền thông và không thể bị Trung Quốc kiểm soát.

Ngay khi cuộc phỏng vấn được đăng lên, giá cổ phiếu của Oceanwide đã lập tức giảm mạnh và tất cả các phương tiện truyền thông lớn đều đưa tin:

[Tư bản quốc tế bán khống Oceanwide, giá cổ phiếu của Oceanwide giảm hơn 8% chỉ trong một ngày.]

[Quỹ Greyhawk* bán khống Oceanwide, trước mắt Oceanwide vẫn chưa đưa ra phản hồi.]

*Đây là quỹ hư cấu trong truyện.

[Oceanwide bị bán khống lên con số kỷ lục, dữ liệu của S3 Partners* cho thấy vị thế short đã tăng lên 50%, Oceanwide đang phải chịu rất nhiều áp lực!]

*S3 Partners LLC là công ty dịch vụ, phân tích và dữ liệu tài chính. Công ty cung cấp các giải pháp dữ liệu tài chính cho các nhà quản lý tài sản, các trung gian tài chính (một tổ chức hoặc cá nhân đứng giữa hai hay nhiều bên tham gia vào một bối cảnh tài chính) và các quỹ phòng hộ.

Ngoài ra còn có:

[Lại một vụ bán khống nữa của Oceanwide! Liệu lần này có thể bình yên vô sự không?]

Cùng ngày, các tổ chức riêng lẻ đã thay đổi xếp hạng cổ phiếu* của Oceanwide thành “bán ra”, nhưng Morgan Stanley và các công ty chứng khoán khác cũng nhấn mạnh lại xếp hạng “mua vào” của họ.

*Đánh giá, xếp hạng cổ phiếu theo tiêu chí cơ bản và biến động giá, được xem là công cụ “chẩn đoán” tình trạng sức khỏe doanh nghiệp, từ đó tìm ra những mã chứng khoán khoẻ mạnh và có khả năng tăng trưởng tốt.

Kinh Hồng cũng biết thực ra quỹ Greyhawk đã luôn có cái nhìn bi quan về Tập đoàn Oceanwide trong thời gian dài và đã bán khống nhiều năm, bọn họ đặt cược rằng Oceanwide sẽ gặp rắc rối, cho rằng giá cổ phiếu sẽ quay đầu để nhăm nhe “thu hoạch Oceanwide”. Lúc này đối diện với những “vấn đề” kể trên, hẳn là ông ta đang rất tự tin nên mới công khai lý do bán khống, đây là muốn nhét thêm củi và châm thêm một mồi lửa.

Ngoài ra, người đứng đầu quỹ Greyhawk cũng nhấn mạnh sự nghi ngờ của mình đối với nghiệp vụ tài chính của các công ty Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn.

Việc này cũng có nguyên nhân trong quá khứ.

Trào lưu bán khống “doanh nghiệp Trung Quốc” bắt đầu vào tám năm về trước, khi đó Orient Paper bị Muddy Waters* đặt nghi vấn về quy mô sản xuất và doanh thu cũng như tính xác thực của khách hàng, v.v. vì Muddy Waters không tìm thấy bất kỳ hoạt động hậu cần nào trong quá trình kiểm tra thực địa tại nhà máy. Giá cổ phiếu của Orient Paper đã giảm hơn 80% trong ba năm. Sau đó, vì người ta phát hiện ra rằng Sino Biopharmaceutical đã gửi dữ liệu tài chính khác nhau cho SAIC (Cơ quan Quản lý Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc) và SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ), một mặt để trốn thuế ở Trung Quốc, mặt khác là để nhận tiền từ Mỹ, Sino Biopharm đã bị đưa ra đặt nghi vấn trong báo cáo kép của Citron. Ngay khi báo cáo được đưa ra, Sino Biopharm Trung Quốc đã bị hủy niêm yết. Về sau, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc đã trở thành mục tiêu bán khống, bị hủy niêm yết hoặc bị chuyển sang thị trường Pink Sheets*.

*Muddy Waters Research LLC là một công ty đầu tư tư nhân của Mỹ dựa trên cơ sở thẩm định chuyên sâu, tiến hành nghiên cứu điều tra về các công ty đại chúng đồng thời đảm nhận các vị thế đầu tư phản ánh nghiên cứu của họ. Công ty đã phơi bày những vấn đề kế toán và gian lận tại một số công ty, chủ yếu ở Trung Quốc mà còn ở các quốc gia khác ở Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ.

*Orient Paper, Inc. là nhà sản xuất và phân phối hàng đầu các sản phẩm giấy đa dạng ở miền bắc Trung Quốc; Sino Biopharmaceutical Limited (Sino Biopharm), là một doanh nghiệp dân doanh chủ yếu kinh doanh các sản phẩm thuốc ở Trung Quốc.

*Citron Research cung cấp các dịch vụ dựa trên internet. Công ty cung cấp bản tin đầu tư trực tuyến, xuất bản các báo cáo nhằm vạch trần các công ty được định giá quá cao và có liên quan đến gian lận.

*Pink Sheets là thuật ngữ dùng để chỉ các cổ phiếu chưa được niêm yết, giao dịch thông qua thị trường phi tập trung (OTC) chứ không phải qua một sàn giao dịch lớn như sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) hoặc Nasdaq.

Sau khi cơ quan điều tra phát hiện vấn đề tài chính của các công ty Trung Quốc quá nghiêm trọng, bọn họ bắt đầu mở ra một “lễ hội” và liên tiếp bán khống hàng chục công ty. Quy trình thông thường vào thời điểm đó là cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra trước rồi thông báo cho nhiều quỹ phòng hộ về kế hoạch bán khống của mình, sau đó cơ quan điều tra và các quỹ phòng hộ cùng nhau thiết lập vị thế short. Kế đến cơ quan điều tra sẽ công bố báo cáo tiêu cực hoặc tuyên bố “công ty mục tiêu có vấn đề”, các cơ quan xếp hạng hạ mức xếp hạng khiến thị trường hoảng loạn, một lượng lớn cổ đông đã bán cổ phiếu của mình và giá cổ phiếu ngay lập tức lao dốc. Mà tốt nhất là có thể kích động một đợt kiện tập thể và khiến giá cổ phiếu tiếp tục giảm. Trong quá trình này, những ngân hàng đã chấp nhận cầm cố cổ phiếu cũng có thể ngắt vị thế của mình để giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc. Cuối cùng, các quỹ phòng hộ sẽ mua vào và bảo đảm vị thế của mình, nhờ vậy mà các quỹ phòng hộ và cơ quan điều tra sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Vào đầu thế kỷ 21, rất nhiều các công ty Trung Quốc được các bên trung gian đưa sang Mỹ để dán nhãn, niêm yết và được đổ bộ sàn OTCBB* thông qua tiếp quản ngược*, đồng thời do kiểm toán xuyên quốc gia rất khó khăn nên tình trạng gian lận rất phổ biến. Nhưng ban đầu, kẻ khởi xướng những hành động này chắc chắn là bên trung gian của Mỹ, vì khi đó các doanh nghiệp Trung Quốc không biết gì về quy tắc của thị trường quốc tế nên không đủ khả năng để lừa gạt Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ, chắc chắn bọn họ đã bị bên môi giới xúi giục, lầm tưởng rằng quy trình “vào OTCBB trước rồi chuyển sang NYSE hoặc Nasdaq” là rất đơn giản, cứ thế nhảy vào thị trường Mỹ trong mơ hồ. Nhưng sau đó, một số công ty Trung Quốc bắt đầu chủ động tìm kiếm các bên trung gian để thực hiện APO khiến thị trường tràn ngập các kiểu lừa đảo khác nhau. Tuy nhiên trên thực tế, có rất ít doanh nghiệp Trung Quốc có thể chuyển dịch thành công từ OTCBB, và yêu cầu của hai sàn cũng hoàn toàn khác nhau về cấp bậc. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã che đậy lỗ hổng của những công ty APO Trung Quốc. Cổ phiếu khái niệm* của Trung Quốc là cứu cánh cho Phố Wall vào thời điểm đó, vậy nên mãi đến tận năm 2011 thì vụ việc mới được đưa ra ánh sáng. Về sau, các công ty niêm yết theo cơ cấu VIE* cũng gặp rủi ro về tài chính.

*Chứng khoán pink sheet giao dịch thông qua OTCBB (Over-the-counter Bulletin Board). OTCBB là bảng điện tử niêm yết giá đối với các cổ phần OTC không đáp ứng được nhu cầu trị giá tối thiểu và những yêu cầu khác của hệ thống niêm yết Chứng khoán NASDAQ.

*Tiếp quản ngược hoặc sáp nhập ngược là việc mua lại công ty đại chúng bởi một công ty tư nhân để công ty tư nhân có thể bỏ qua quá trình trở thành công ty đại chúng dài và phức tạp.

*APO: Chào bán công khai thay thế (Alternative public offering) là sự kết hợp của việc sáp nhập ngược với khoản đầu tư đồng thời vào vốn chủ sở hữu công cộng. Nó cho phép các công ty có một giải pháp thay thế cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) như một phương tiện để IPO trong khi huy động vốn.

*Các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc (China concepts stock) – là các cổ phiếu được đăng ký và niêm yết ở nước ngoài, nhưng quyền kiểm soát lớn nhất lại thuộc về doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân ở Trung Quốc.

*VIE: Mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity) dùng để chỉ một cấu trúc kinh doanh hợp pháp, trong đó một nhà đầu tư có lợi ích kiểm soát mặc dù không có đa số quyền biểu quyết. Các VIE thường được thành lập dưới dạng một công ty phục vụ mục đích đặc biệt để nắm giữ tài sản tài chính một cách thụ động, hoặc để tích cực tiến hành nghiên cứu và phát triển.

Buộc phải thừa nhận, hành vi bán khống có cơ sở có thể giúp cơ quan quản lý tìm ra vấn đề, nhưng về sau, mọi chuyện lại dần biến chất, vì giờ nhìn ai cũng giống như đang kinh doanh giả dối vậy. Số doanh nghiệp Trung Quốc trên OTCBB cũng chỉ có tầm khoảng một trăm mà thôi, các tổ chức khác nhau lao vào các công ty này như sói đói, sư thì nhiều mà cháo thì ít, công ty nào có vấn đề thì cũng đã bị moi ra rồi, nhưng những tổ chức này không cam lòng, lòng tham ngày càng bành trướng nên tình trạng bán khống ác ý ngày một nhiều hơn. Vì không có mối liên hệ giữa “nguyên nhân” và “kết quả”, các kết luận đưa ra đều không có bằng chứng, quá trình điều tra cũng cực kỳ qua loa, đã vậy còn thiếu đi sự hiểu biết sâu rộng về Trung Quốc, tất cả là để lợi dụng sự mất lòng tin của người đầu tư với các doanh nghiệp Trung Quốc, hoang phí uy tín đã gây dựng trước đó.

Ngoài ra, bọn họ không còn hài lòng với OTCBB và đã chuyển sang bảng điện chính, nhiều cổ phiếu khái niệm chất lượng cao của Trung Quốc cũng trở thành mục tiêu bán khống, chẳng hạn như tập đoàn giáo dục lớn nhất nước, phương tiện truyền thông cộng đồng lớn nhất đất nước… Có rất nhiều công ty bị tố cáo tội danh nghiêm trọng một cách đột ngột trong khi đang hoạt động tốt.

Một số công ty đã chiếm lại được sự tin tưởng của thị trường thông qua việc làm rõ mọi chuyện và giá cổ phiếu của họ lập tức đảo chiều hình chữ V, một số thậm chí đã đạt được chiến thắng tuyệt đối thông qua kiện tụng. Trong khi với một vài công ty khác, bọn họ vẫn ù ù cạc cạc không biết ai đúng ai sai, giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh trên diện rộng sau một trận chiến khốc liệt, thậm chí còn phải chủ động xin tư nhân hóa và hủy niêm yết, cuối cùng trở thành một vụ án chưa được giải quyết.

Người bán khống Oceanwide dẫn đầu lần này, tức người đứng đầu quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Greyhawk Fund luôn tỏ ra nghi ngờ các công ty Trung Quốc, đồng thời người này cũng là đại diện của phe “Bearish* Trung Quốc” ở Phố Wall. Năm 2014 là lần đầu tiên ông ta tuyên bố mình đang short cổ phiếu của Oceanwide, sau đó cũng đưa ra những nhận xét tương tự nhiều lần:

*Thuật ngữ Bearish không chỉ ám chỉ xu hướng giảm giá của một loại tài sản cụ thể mà còn được sử dụng để miêu tả sự giảm xuống về giá trị, phát triển của một ngành, lĩnh vực hoặc tổng thể của một thị trường tài chính hoặc nền kinh tế. Ở đây có thể hiểu là phe bi quan và e dè trước sự phát triển của Trung Quốc.

“Hiện giờ chính là thời điểm tốt nhất để short cổ phiếu của Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng mãi được.”

“Cuộc khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc sẽ đến dù sớm hay muộn, có vẻ như các quân cờ domino ở đó đã bắt đầu sụp đổ.”

“Công ty này đang làm ăn quá tốt, tốt đến mức không chân thực. Tôi không thể tin vào một báo cáo tài chính sạch đẹp đến như vậy.”

“Theo quan điểm của tôi, công ty này gặp nhiều vấn đề về tài chính nhất trong số hàng trăm công ty lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ.”

“Tôi thật sự không thể hiểu được làm thế nào công ty đó có thể kiếm được nhiều tiền như vậy.”

***

Cắm cờ đỏ liên tục nhưng cũng vô cùng thiếu chuyên nghiệp, mà điều thần kỳ là dù thua bao nhiêu lần thì ông ta vẫn kiên trì bám riết không tha. Trên thực tế, ông ta cũng chỉ là một người đại diện, có rất nhiều quỹ khác cũng short Oceanwide vì lý do tương tự. Tất nhiên cũng có rất nhiều người có quan điểm trái ngược, hai bên thường xuyên tranh luận với nhau.

Hai công ty Oceanwide và Thanh Huy đã nhiều lần trở thành mục tiêu. Trong hai năm qua, do có một vài biến động nhỏ nên vị thế short của Tập đoàn Oceanwide đã lên tới khoảng một trăm năm mươi triệu cổ phiếu, chiếm đến 7,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành thậm chí còn cao hơn, vượt xa cái tên đứng vị trí thứ hai đã từng là mục tiêu lớn nhất của Phố Wall trong thời gian qua.

Nhưng lần này, trên cơ sở “bearish Trung Quốc” và “nghi vấn về tài chính”, danh sách lý do bán khống của ông ta lại có thêm bảy gạch đầu dòng, chẳng trách ông ta công khai nguyên nhân bán khống.

Với quy mô khổng lồ của Oceanwide, rất khó để chèn ép giá cổ phiếu một mình, nhưng ông ta hoàn toàn có thể kêu gọi công chúng trên thị trường trên thái độ bi quan và đổ thêm dầu vào lửa.

***

Vào thời điểm nhạy cảm như vậy, lại có thông tin lộ ra rằng Quỹ XX của Nga, một cổ đông lớn của Tập đoàn Oceanwide, đã giảm tỷ lệ sở hữu của Oceanwide trên quy mô lớn. Phóng viên đã phát hiện trang chính thức của SEC hiển thị cổ đông này đã bán cổ phiếu Oceanwide trong ba ngày liên tiếp vào tuần trước, với số lượng cổ phiếu vượt quá hai mươi triệu. Mặc dù cổ đông này thể hiện thái độ rằng việc giảm vốn sở hữu hoàn toàn xuất phát từ lý do riêng của công ty, mong muốn gia tăng dòng tiền và chống lại sự khắc nghiệt của thị trường, nhưng tin đồn vẫn lan truyền trên diện rộng trong suốt khoảng thời gian này. Việc cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu đồng nghĩa với việc cổ đông lớn đó đã biết tin tức nội bộ gì sao?

Ngày hôm sau, hai quỹ từng mua rất nhiều cổ phiếu của Tập đoàn Oceanwide vào thời điểm niêm yết cũng giảm tỷ lệ sở hữu của mình trong Tập đoàn Oceanwide.

Giá cổ phiếu của Oceanwide lại tiếp tục giảm.

“Ba tổ chức bán đứng đầu là Deutsche*, XXXX và XXXX, và ba tổ chức mua đứng đầu là… Tổng số lệnh bán hiện tại là…” CFO của Tập đoàn Oceanwide báo cáo xong thì hỏi, “Giám đốc Kinh, đêm nay có tổ chức họp qua video call không? Lần này không thể mặc kệ nữa nhỉ?”

*Deutsche Bank (Công ty cổ phần Ngân hàng Đức) là tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Đức có trụ sở chính đặt tại Frankfurt am Main, được thành lập vào năm 1870.

“Được.” Trước giờ Kinh Hồng luôn khá thận trọng, anh gật đầu, “Mọi người ở bên kia chịu vất vả thêm một chút, phía Mỹ cũng sẽ đưa ra thông báo làm rõ trước khi thị trường mở cửa.”

CFO nói, “Vâng. Lát nữa nội dung cuộc họp và thông báo sẽ được gửi vào email của sếp.”

Giống với nhiều doanh nghiệp khác, CFO của Tập đoàn Oceanwide cũng là một người phụ nữ độc lập mạnh mẽ, bình thường mỗi khi tức giận là nạt nộ người khác cực kỳ giỏi, chất giọng không chỉ vang mà âm vực còn rất cao.

Kinh Hồng nói, “Ừ.”

Đây là một chiến lược ứng phó phổ biến. Đầu tiên là tổ chức một cuộc họp qua video call, mời các nhà phân tích từ các công ty chứng khoán và các quản lý cấp cao để giải đáp từng câu hỏi và nghi vấn. Sau đó, một báo cáo làm rõ sẽ được đưa ra để đáp trả những lời cáo buộc và phản bác lại những người bán khống. Một số công ty còn thuê các tổ chức độc lập để tiến hành điều tra.

CFO lại hỏi, “Giám đốc Kinh, thực ra đúng là lần này có khác một chút. Có cần mua lại một phần không? Vừa rồi CIC* cũng nói có thể ăn lại một ít.”

*China Investment Corporation (CIC): Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Quốc hay còn được gọi là Quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc.

Đây cũng là động thái khá phổ biến. Công ty mua lại cổ phiếu của chính mình để ổn định giá cổ phiếu và thể hiện sự tự tin, đồng thời các ngân hàng đầu tư hợp tác tăng lượng cổ phần nắm giữ để bảo vệ thị trường cũng là một biện pháp khả thi. CIC là một doanh nghiệp nhà nước thường đóng vai “người bảo vệ”, mang theo trong đó là ý nghĩa khá bi tráng.

“Tạm thời chưa cần.” Kinh Hồng khép tập tài liệu lại rồi nhìn cô, “Tôi có sắp xếp khác.” Oceanwide có rất nhiều tiền mặt trong tài khoản, nhưng hiện tại hoàn toàn không cần thiết.

CFO gật đầu và không hỏi cụ thể chi tiết thêm, “Được.”

Dừng một chút, CFO lại báo cáo tình hình mới nhất, “Sau Morgan Stanley thì Merrill cũng xác nhận lại đánh giá “mua vào” của mình.”

Kinh Hồng nói, “Tôi biết rồi.”

Bước thứ ba trong ba bước là sự ủng hộ từ các tổ chức bên ngoài, bao gồm công ty chứng khoán, chính phủ, hiệp hội ngành nghề và thậm chí cả chủ nợ, ý là người ta đang cho chúng tôi vay còn không lo thì mấy người lo cái gì?

Cuộc họp kết thúc, CFO thở dài cảm khái, “Bán khống cổ phiếu Oceanwide hết lần này đến lần khác, trước giờ có lần nào thành công đâu? Sao trí nhớ của bọn họ ngắn vậy chứ? Lại bán khống, rồi lại mất tiền. Những bên short Oceanwide năm ngoái và năm kia thua lỗ bao nhiêu? Mấy bên trong số đó lại cắm đầu vào lần này, chắc cảm thấy có thể lật kèo đấy.”

Kinh Hồng trêu đùa, “Phải gọi là “lại một lần nữa*”.”

*Gốc là 又双叒叕 được sử dụng để nhấn mạnh sự xuất hiện trở lại của một điều gì đó đã thường xảy ra trước đây; hoặc sự tái diễn của một sự kiện đã thường xảy ra. Có thể hiểu là, nhấn mạnh sự lặp đi lặp lại của một hành động, hay sự việc nào đó. 又双叒叕 được ghép lại bởi rất nhiều từ 又 (có nghĩa là “lại”, biểu thị sự lặp lại).

“Vâng, giám đốc Kinh cũng đã vượt qua bao nhiêu sóng lớn rồi.”

“Cũng bình thường, sóng này cũng ở mức trung bình thôi.” Kinh Hồng lại quay về chủ đề công việc sau đôi câu vui đùa, “Có điều đúng là lần này không như những lần trước, một số bình luận là sự thật, vẫn phải đối phó thận trọng.”

“Tôi hiểu.”

“Được rồi, đi chuẩn bị đi.”

Sau khi CFO rời đi, Kinh Hồng đi tới trước cửa sổ kịch trần, lại ngắm nhìn ánh đèn rực rỡ bên dưới.

Phải, đây đã là lần bị bán khống thứ 1001 của Oceanwide, vị thế short thường rất cao, nhiều khi không hề có lý do chính đáng.

Nhưng một nhóm người ở Phố Wall vẫn bám riết không tha.

Mấy năm trước, Kinh Hồng cũng đã từng cảm thấy uất ức và tổn thương. Tại sao các người lại bi quan về Oceanwide như thế? Vì sao lại không tin rằng Oceanwide có thể tăng trưởng liên tục?

Nhưng về sau anh đã hiểu.

Vì Oceanwide và Thanh Huy là những đại diện lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc.

Không phải bọn họ không tin Oceanwide có thể tăng trưởng liên tục, thứ mà bọn họ không tin có thể tăng trưởng liên tục phải là Trung Quốc.

Bọn họ không bi quan về Oceanwide, họ bi quan về Trung Quốc.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương