Tôi nằm viện hơn một tuần thì được xuất viện về nhà.

Thật ra cậu Tư muốn tôi nằm viện thêm vài ngày nữa nhưng mà tôi nhất quyết không đồng ý.

Tôi cố vòi vĩnh muốn được xuất viện về sớm, khóc lóc kể lể nói nhớ ba, muốn được đi thăm ba và em trai.

Trước sự mích ước mè nheo của tôi, cậu Tư cuối cùng cũng không chịu được mà buộc lòng phải chiều theo ý của tôi.

Cậu cũng hứa sẽ đưa tôi đi thăm ba và em trai, nhưng với điều kiện là tôi phải nhanh khỏe trở lại thì mới được.
Thật ra với “bệnh án” của tôi thì nằm viện thêm vài bữa nữa cũng tốt, nhưng mà tôi có thật sự bị cái đó đâu, chỉ là giả thôi mà, bắt tôi nằm ở trên giường hoài, tôi chịu không có nổi.

Chân đi quen rồi, giờ ở yên một chỗ, trông nó cứ ghê ghê làm sao á.

Với lại, ngày mà tôi xuất viện cũng là ngày mà tôi chính thức khoát vai, không còn là cô Út Lụa, cũng không còn là mợ Tư của nhà họ Trần nữa.

Tôi đã chờ đợi ngày này lâu lắm rồi, thật sự không thể chờ đợi thêm được nữa…
Xuất viện, cậu Tư đưa tôi đến một căn nhà riêng ở khá xa nhà họ Trần, với lại chỗ này cũng gần bệnh viện nơi ba và em trai tôi đang nhập viện, thuận tiện cho tôi đi tới thăm nom.

Hiện tại thì tôi sẽ sống ở đây, còn về tương lai sau này tôi ở đâu thì tôi cũng không rõ, đang đợi cậu Tư xong việc sẽ tính tiếp.

Mà nói chung thì chỉ cần không phải là Út Lụa thì sống ở đâu tôi cũng đồng ý.

Chỉ là nếu như không phải làm dâu ở tại nhà họ Trần thì sẽ càng tốt hơn.
Kể từ cái hôm tôi và cậu Tư trùng phùng, ở nhà họ Trần cũng bắt đầu nổi lên sóng gió dữ dội.

Tình hình về tên Phú, về mẹ con con Trà, tôi có nghe nói nhưng không để tâm tới quá nhiều.

Con người tôi là kiểu phân minh rõ ràng, một khi đã quyết không nhúng tay vào, không quan tâm tới thì chắc chắn sẽ là không quan tâm tới nữa.
Tôi quá chán ngán với cái cảnh sống mà phải đấu đá rồi trả thù, rồi bắt tội người khác lắm rồi.

Cực chẳng đã mới phải tính kế trả thù qua lại, hết thảy cũng vì bản khế ước sống thay cuộc đời cho người ta, chứ tôi nào có muốn cuộc sống của tôi toàn là ám toán như vậy.
Ở đời này, được sống cuộc sống tự do tự tại, không hơn thua, không tranh giành, không trả thù nhau… đó mới thật sự là chân lý sống mà bản thân tôi đang theo đuổi.

Thật ra một đứa con gái từ nhỏ đã phải mưu sinh vất vả như tôi, có ba bệnh nặng, có em trai bệnh hiểm nghèo, người thân thì không còn ai… phải trải qua một cuộc sống khắc nghiệt như vậy thì mới hiểu được giá trị của một cuộc sống không lo toan hơn thua là quý giá đến nhường nào.

Nếu được, tôi ước phần đời còn lại, tôi sẽ không phải đau đầu để oán hận ai, cũng sẽ không nhọc lòng để trả thù ai!
………………………….
Sáng hôm nay cũng như thường ngày, tôi đến bệnh viện thăm ba và em trai từ sớm, ở lại đến trưa thì tôi phải về vì hết giờ thăm nuôi bệnh nhân.

Ban đầu tôi cũng không định để cậu Tư đến đón nhưng đột nhiên cậu lại gọi điện thoại cho tôi.

Cậu kêu tôi đợi cậu, cậu sẽ đến đón, sẵn tiện đưa tôi đi ăn trưa ở bên ngoài.
Vì cậu đã đặt bàn ăn từ trước nên lúc bọn tôi đến chỉ cần nói tên là được nhân viên đưa vào, thức ăn cũng được dọn lên ngay sau đó.
Gắp cho tôi thịt gà nướng, cậu nhìn tôi, dịu giọng, nói.
– Anh đã gọi cho bệnh viện ở thành phố, sau khi xong việc ở đây, anh và em đưa ba và Út lên nhập viện ở trên đấy.

Về bệnh của Út anh có gửi hồ sơ bệnh án cho bác sĩ trưởng khoa ở bệnh viện, ông ấy nói để hội chẩn lại rồi mới quyết định có mổ cho Út được hay không.
Tôi chớp chớp mắt nhìn anh, trong lòng quả thật là có phần ngạc nhiên không nghĩ tới.


Tôi biết rõ thời gian này anh rất bận, đến ngủ còn ngủ không được đủ giấc, phải ngủ riêng phòng với tôi vì sợ làm phiền tới giấc ngủ dưỡng sức của tôi.

Vậy mà không nghĩ tới là anh lại âm thầm làm những chuyện này, chỉ vì muốn cho tôi có được cảm giác yên lòng khi ở bên cạnh anh.
Tôi khựng tay, cảm xúc dao động mạnh mẽ, tôi cố gắng bình tâm lại, hỏi nhỏ.
– Là bệnh viện A đúng không anh? Em từng gửi hồ sơ bệnh án của Út mà không được… anh gửi hồ sơ từ khi nào vậy ạ?
Anh cười, trả lời:
– Anh gửi gần nửa tháng rồi, lúc theo bà Mười tới thăm ba với Út, anh có gặp riêng bác sĩ để hỏi thử.

Sau đó về anh cố gắng nhờ mối quan hệ để liên lạc với viện trưởng, may là hồ sơ của Út được nhận.
Nghe anh nói tới đây, tim tôi vô thức như muốn co rút lại vì vỡ òa trong bất ngờ và xúc động.

Cái cảm giác vừa biết ơn vừa hạnh phúc cũng vừa đau lòng, nó trộn lẫn rồi lan tỏa khắp cơ thể tôi, làm cho tôi xúc động tới mức rưng rưng muốn khóc.

Hóa ra không phải là mới đây, mà là ngay khi anh đang phải đối mặt với vô vàn những khó khăn thì anh đã cố gắng tính tới chuyện lo cho người thân của tôi.

Vậy mà tôi còn nghĩ là công lao của tôi to lớn lắm, còn bắt anh phải chiều chuộng và cảm kích công lao của tôi… tôi đúng là giống loài gian manh mà!
– Chắc là em phải đợi thêm chút nữa, bây giờ anh vẫn chưa giải quyết xong mọi chuyện.

Để em đưa ba và Út đi bây giờ thì cũng được, nhưng mà anh không yên tâm để em một mình với hai người bệnh.

Thôi ráng đợi anh, đợi anh đưa đi, nha?
Tôi muốn khóc thật rồi, anh càng nói thì tôi lại càng xúc động.

Cuối cùng thì giữa cuộc sống đầy giông tố này cũng có người sẵn sàng hy sinh bảo bọc cho tôi mà không cần tôi báo đáp lại… Tôi trước đây toàn là tay xách nách mang ba lô, ôm hồ sơ chạy từ bệnh viện này tới bệnh viện khác.

Có khi còn gục xuống vì đói và mệt mà cũng có bỏ cuộc đâu, bởi vì tôi không có ai che chở, không có ai bảo bọc và quan tâm tôi giống như là anh bây giờ…
Tôi hít sâu vào một hơi, cố ngăn cho dòng cảm xúc kích động đang dâng trào mạnh mẽ.

Giọng tôi run run, tôi cố gắng nói chuyện một cách bình thường nhất có thể.
– Dạ… em đợi được mà, ba và Út cũng đợi được.
Anh cười, lại múc cho tôi một chén canh hầm, đưa tới cho tôi, anh căn dặn.
– Ăn hết chén canh này cho anh, ăn nhiều vào mới có sức mà theo anh được.

Dạo này anh bận quá, không kiểm soát được em ăn gì, có ăn đầy đủ không.

Em phải tự biết chăm sóc cho mình, em mà ngã bệnh ra là anh bệnh theo em luôn đó.

Ăn nhiều một chút đi.
Tôi gật gật đầu, chút xíu nữa là nước mắt rơi ra ngoài.

Cuộc đời này chỉ có hai người, một là ba tôi, hai là anh… hai người đàn ông quan tâm tôi mà không suy nghĩ tới chuyện cần tôi báo đáp.

Sống tới từng tuổi này, trải qua bao nhiêu cực khổ, cuối cùng thì cũng tìm được cho mình một chỗ dựa vững chắc như đá trên núi.

Câu chuyện của tôi có phải gọi là “qua cơn bỉ cực tới hồi thái lai” không, thật là giống quá!
Tôi và anh tiếp tục dùng bữa, ăn đến món tráng miệng, biết rõ anh đang có tâm sự, tôi liền đứng dậy đi tới bên cạnh anh rồi ngồi xuống.


Đút cho anh một muỗng bánh ngọt vị dâu, nhìn anh ăn trông nhăn nhó, tôi cười cười khoái chí, khẽ hỏi.
– Hôm nay anh không được vui ạ?
Anh nhíu mày cố gắng nuốt hết muỗng bánh ngọt, sau đó vội vàng uống một ngụm nước cho đỡ ngán.

Nghe tôi hỏi, anh cũng không giấu giếm, liền nói với tôi.
– Có chút không vui lắm… hôm nay bà ngoại tới gặp anh… bà làm anh cảm thấy khó chịu…
– Bà xin cho tên Phú ạ?
Anh vương tay lau vết kem của bánh ngọt dính trên chóp mũi tôi, vừa lau, anh vừa nói.
– Ừm, bà xin anh nhẹ tay, xin anh đừng tuyệt tình quá với anh ruột của mình.

Bà còn quỳ xuống xin anh, còn hứa nhượng hết tài sản bà cho anh, đổi lại anh đừng ép tên Phú quá mức.

Bà nói, má mình chèn ép má tên Phú hơn mấy chục năm qua, xin anh suy nghĩ tới chuyện này mà đừng quá tay với tên Phú…
Tôi lo lắng, liền hỏi.
– Vậy… vậy anh quyết định sao?
Anh thở nhẹ ra một hơi, thái độ cực kỳ nghiêm túc, anh nói.
– Anh đang nghĩ… nghĩ nên giải quyết thế nào để sau này không phải hối hận.
Nghe anh nói như vậy, tôi cảm thấy có chút kỳ lạ.

Trước đây anh đã nói với tôi là dù cho có bất kỳ chuyện gì xảy ra, anh cũng sẽ không bỏ qua cho tên Phú.

Nhưng mà hôm nay lại khác, anh nói sẽ suy nghĩ lại… rốt cuộc là đã có chuyện gì xảy ra?
Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn anh, anh cũng biết là tôi tò mò.

Cũng không đợi tôi hỏi, anh trực tiếp nói hết mọi chuyện cho tôi nghe.
– Ba… lúc sáng ông muốn gặp anh… từ chỗ của ba… anh cũng biết được một vài chuyện trong quá khứ.

Chú Lí là bạn thân của ba, lúc sáng anh có gặp chú… chú tới là để thay ba nói rõ với anh một vài chuyện.

Về chuyện năm đó của má, dì Ba và ba… thú thật là do ba trong một lần chơi chất cấm nên đã nhìn nhầm dì thành má, sau đó mới xảy ra cớ sự như vậy.

Sau chuyện lần đó, dì có bầu anh Phú, ba đã hứa với ngoại sẽ chịu trách nhiệm với dì, đồng thời cũng hứa sẽ không để cho cả má và dì chịu thiệt thòi…
Dừng chút, anh nói tiếp lời, cảm xúc buồn rười rượi theo từng câu nói của anh.
– Dì ban đầu không chịu nhưng ngoại năm đó vì thể diện và lợi ích nên mới ép dì tới làm vợ bé của ba.

Tính của má mình thì em cũng biết rồi đó, em gái ruột với chồng mình xảy ra chuyện động trời như vậy… má giận… má đổ hết tội lỗi lên đầu dì.

Chú Lí nói, vào cái thời điểm đó, ông ngoại thiếu nợ rất nhiều, chuyện làm ăn phải dựa hết vào ba, vậy nên má mới không dám trách ba.

Uất ức trong lòng, không trách ba được nên má quay sang trách dì, chì chiết dì tới tận ngày hôm nay.

Từ nhỏ, anh sống bên cạnh má, má luôn nói với anh dì là người xấu, dì không thương anh… vậy nên chính anh cũng có suy nghĩ dì là người cố tình muốn xen vào hôn nhân của má.

Bây giờ biết rõ mọi chuyện, anh thật sự cảm thấy khó chịu, cũng thấy quá mức khó nghĩ…
Tôi hiểu rồi, hóa ra năm đó lại xảy ra một chuyện bi kịch tới như vậy.


Mà nếu nghĩ lại thì thấy những lời mà chú Lí gì đó nói cũng hợp lý lắm đó chứ.

Bởi vì ba chồng tôi có tới ba bốn người vợ, nếu như không có bà Ba thì cũng sẽ có bà Tư.

Eo ơi, bi kịch quá, nếu đổi lại tôi là anh, tôi cũng thấy khó xử, cũng thấy phiền muộn…
Xoa xoa ngón tay tôi, anh mệt mỏi, nói khẽ.
– Mặc dù chuyện năm đó là thiệt thòi cho dì, nhưng trong suốt những năm qua, những gì mà anh có, anh Phú cũng được có.

Tình thương ba chia đều cho hai anh em anh, vậy nên không thể nói là anh Phú thiếu thốn cái gì được.

Có thiếu thì cũng chỉ có thể là anh Hai thiếu, vì anh Hai là con riêng của ba, anh ấy mới là người không có mẹ bên cạnh, anh ấy mới là người thiếu thốn nhất.
Chuyện anh Hai không phải là con ruột của má chồng tôi, tôi cũng vừa được biết.

Nhưng mà nếu như không có ai nói thì tôi cũng không nghĩ là anh Hai không phải là con ruột của má, bởi vì má đối xử với anh Hai rất tốt, thương anh ấy vô cùng…
Thấy anh mang nặng tâm sự, tôi cũng không biết giúp anh bằng cách nào.

Bởi vì tôi không phải là anh, không trải qua những gì mà anh đã trải, vậy nên mọi sự đánh giá của tôi đều chỉ nằm ở mức chủ quan của một mình tôi.

Anh là người cương trực, ban đầu đã nói là không bỏ qua, nhưng bây giờ lại có sự lưỡng lự, đủ để biết anh đã phải suy nghĩ dằn vặt nhiều tới nhường nào.
Bà Ba kể từ khi biết tên Phú có khả năng sẽ vào tù vì tội trốn t.h.u-ế và đầu độc ba ruột của mình thì bà đã không còn van xin cho hắn ta nữa.

Thay vào đó, bà chọn cách âm thầm chăm sóc cho con trai kể cả khi hắn ta đang bị bắt tạm giam để điều tra án…
Nhớ tới lời kể của bà Mười Chi, sau hai ngày tôi nằm viện thì nhà họ Trần mở cuộc họp mặt lớn.

Cũng tại từ đường nhà họ Trần, tên Phú bị vạch trần hết thảy tội trạng, từ việc đầu độc hại ba ruột của mình cho tới việc hại em trai, ức hiếp em dâu.

Con Trà bị ép ly hôn với tên Phú, bị bắt phải bồi thường cho bà Mười Chi một khoảng tiền lớn để bù đắp lại chuyện má con nó hại “mẹ con” tôi.

Chuyện tôi bị hư th-ai là bằng chứng thuyết phục nhất để định tội con Trà và tên Phú, buộc các vị nắm quyền trong tộc họ phải ra quyết định gạch tên của tên Phú và bà Ba ra khỏi gia phả vĩnh viễn.

Mà trong ngày hôm đó, bà Mười Chi cũng tuyên bố thay mặt Út Lụa đệ đơn ly hôn với cậu Tư.

Quyết định này của Út Lụa làm tích thêm sự thương cảm dành cho cậu Tư.

Vậy nên trong cuộc tranh đấu gia tộc lần này, cậu Tư toàn thắng.
Ban đầu bà Mười Chi muốn tôi đóng vai Út Lụa lần cuối để đến vạch tội tên Phú và con Trà, nhưng mà tôi sống chết không muốn đi, thà là tôi ở bệnh viện cả đời chứ nhất quyết không tới đó để tuyên bố ly hôn với cậu Tư, tôi sợ là có cái huông để lại.

Mà ý tôi đã không muốn thì cậu Tư chắc chắn là chiều theo tôi, vậy nên dù rất bực mình nhưng bà Mười Chi buộc lòng phải tự ra mặt.

Lấy lý do là thay Út Lụa tới để đòi lại công bằng vì Út Lụa đau thương quá độ nên không muốn tới.

Mà tôi thấy bà Mười Chi đi là hợp lý, bà ta vừa hung dữ vừa lanh lợi, má con con Trà đâu phải đối thủ của bả đâu.

Vậy là trên mặt danh nghĩa và pháp luật thì cậu Tư với Út Lụa chính thức đường ai nấy đi, nhà ai nấy ở, kết thúc một cuộc hôn nhân vô nghĩa.
Ngoài ra thì bà Trinh mẹ của con Trà cũng bị đưa về đồn công an để điều tra về tội danh chủ mưu hành hung Thúy Kiều.

May cho bà ta là Thúy Kiều chưa ch-ết, chứ nếu cô ta mà ch-ết thì tội của bà ta còn nặng hơn nữa, có khi phải t-ử hình cũng nên.
Về phần con Trà ban đầu nó nhất quyết không chịu ly hôn với tên Phú nhưng sau khi nghe nói tên Phú sẽ bị gạch tên ra khỏi gia phả họ Trần thì cô ta cuối cùng cũng đồng ý.

Tôi cũng nghe bà Mười nói lại là nhà mẹ của con Trà tuyên bố phá sản rồi, hiện tại đang lưu lạc cầu xin giúp đỡ từ người quen, tương lai sau này sẽ vô cùng khốn khổ và chật vật.

Cũng đáng đời lắm, tự làm tự chịu, xuất phát điểm là vì tiền tài địa vị thì hậu quả nhận lại cũng chỉ có thể là như thế mà thôi…
Còn về tên Phú, hắn ta chắc chắn sẽ ngồi tù, cậu Tư tuyên bố luôn là như vậy.

Còn về thời gian ngồi bao lâu thì tôi không biết, bởi án chưa được xử, chưa biết được.


Cũng nghe cậu Tư nói lại là tên Phú tha thiết muốn gặp tôi, à không là muốn gặp Út Lụa nhưng bà Mười Chi đã từ chối thẳng thừng, bà ấy còn chửi cho bà Ba một trận vì dám tới nhà làm phiền bà ấy.

Tôi cũng tò mò ghê, không biết là tên Phú vì nhớ mong Út Lụa hay là vì hận “cô ấy” không chịu bỏ qua chuyện hư th-ai mà nhất quyết muốn gặp cho bằng được cô ấy nữa.

Mà thôi, là vì nguyên do gì thì cũng không có liên quan tới tôi, tôi sẽ không tò mò, kẻo lại rước phiền phức vào người…
Dù là nhân duyên hay nghiệt duyên thì cũng không phải phước phần của tôi, việc gì tôi phải quan tâm tò mò tới những việc không thuộc về mình?!
_______________________
Tối của ngày hôm đó, đồng hồ điểm hơn 11 giờ khuya, tôi nghe có tiếng xe hơi ở dưới sân nhà.

Giật mình tỉnh dậy, cứ tưởng là cậu Tư có việc gấp đi đâu đó nhưng lúc tôi xuống dưới nhà thì lại thấy chú Khanh tới.

Chú ấy lúc này đang ngồi với cậu Tư, hai người họ hình như có chuyện gì quan trọng cần nói với nhau thì phải.
Tôi cũng không định nghe lén người khác nói chuyện đâu, nhưng lúc chuẩn bị quay lên phòng thì lại nghe cậu Tư nhắc tới tên Phú.

Có chút tò mò, tôi liền nán lại, núp vào một góc nghe ngóng thử xem cậu Tư sẽ có quyết định như thế nào.
– Ba con cũng không muốn nhìn thấy cảnh anh em con tương tàn, con nghĩ quyết định này của con là ổn thỏa nhất rồi… Sau này mong chú giúp đỡ anh ta nếu như anh ta còn mạng để trở về.
Giọng chú Khanh nghiêm túc cất lên.
– Chú sẽ nghe theo ý của con, sẽ bảo vệ cho bà Ba, cũng sẽ chừa cho thằng Phú một con đường để sống.

Nhưng còn về chuyện con giao quyền cầm trịch họ Trần cho chú… chú nghĩ là con nên suy nghĩ lại.

Chú bây giờ cũng lớn tuổi rồi, không đảm đương nổi trọng trách đó đâu.

Hơn nữa, ba con bây giờ đang hồi phục rất tốt, biết đâu ông ấy khỏe lại thì sao hả Thịnh?
– Con đã hỏi qua ý kiến của ba, ba cũng đồng ý với quyết định này của con mà chú.

Nhà con hết phúc đức rồi, cũng đã đến lúc nên nhường vị trí lái tàu lại cho người có đủ đức độ.

Với lại dù chú có là trưởng tộc thì con cũng vẫn là con cháu nhà họ Trần mà, vẫn được hưởng ké quyền lợi của chú mà.
Chú Khanh trầm ngâm một lát, khoảng chừng vài giây sau, tôi mới nghe chú ấy hỏi.
– Con quyết định như vậy, có phải là vì chuyện năm xưa của ba con hay là do con bé Diệp An?
Rất nhanh sau đó, cậu Tư liền lên tiếng trả lời, trong lời nói có mang chút ý cười chiều chuộng.
– Là do cả hai.

Mà quan trọng là vì Diệp An không thích làm dâu má con, cô ấy nói cô ấy không có năng thiếu để làm dâu trưởng, cũng không có năng lực quán xuyến nhà cửa… con thì xót cô ấy… nên con nghĩ con quyết định thế này là hoàn toàn đúng.

Con mắc nợ Diệp An, đời này phải trả cho cô ấy, không làm khác được.
Chú Khanh cười khẽ, chú lại hỏi.
– Là con bé tốt số gặp được con hay là con tốt số khi gặp được con bé đây hả Thịnh?
– Là con tốt số mới gặp được cô ấy, cô ấy cũng chịu khổ vì con, con phải có trách nhiệm bảo vệ cô ấy.

Với lại con thương Diệp An, có chiều chuộng cô ấy cả đời này cũng không thấy đủ.

Cũng giống chú với thím, chú thương thím vậy mà, con giống chú thôi.
Phá lên cười lớn, chú Khanh gật gù vui vẻ, nói cười.
– Thằng này được, mày giống chú cái điểm này là kiếp sau có khi được làm vua làm chúa đó con.

Vợ mình thì mình chiều, chiều bao nhiêu cũng thấy không đủ… chú hiểu rồi… mày cứ yên tâm.
Nghe tới đây là tôi không có ý định nghe thêm nữa, bởi nghe thêm nữa làm gì, cái gì cần nghe cũng đã nghe, nghe nhiều biết nhiều thì lại suy nghĩ nhiều…
Bởi, bà Mười Chi ganh tị với tôi là đúng rồi, con gái bà ấy làm gì có phước kiếm được một người chồng “thê nô” như tôi.

Ý vợ là ý Trời, kiếp này của tôi coi như không uổng công đầu thai, mãn nguyện quá đi mất…
Chồng tôi đỉnh quá, xứng đáng được thưởng một đứa con gái do tôi sinh ra… á!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương