Hồng Lâu Mộng
-
Chương 99: Giữ phép công bọn hầu ác cùng nhau phá lệ
Giữ phép công bọn hầu ác cùng nhau phá lệ
Xem tin báo ông cậu già đâm ra lo phiền
Phượng Thư thấy Giả mẫu và Tiết phu nhân nghĩ đến Đại Ngọc mà đau lòng, liền nói:
- Cháu có câu chuyện buồn cười nói cho bà và cô nghe.
Chưa kể chuyện chị ta đã cười trước, rồi nói:
- Bà và cô thử nghĩ xem câu chuyện này ở đâu? Chính là chuyện của cô dâu chú rể mới nhà ta đấy.
Giả mẫu nói:
- Làm sao rồi?
Phượng Thư giơ tay ra:
- Một người ngồi như thế này, một người đứng như thế này, một người ngoảnh đi như thế này, một người xoay lại như thế này, một người lại...
Nói đến đó Giả mẫu đã cười ồ lên và bảo:
- Mày nói rõ đi thôi! Đó không phải chuyện hai vợ chồng nhà nó, mà chỉ là mày chọc cho người ta khó chịu đấy.
Tiết phu nhân cũng cười, nói:
- Cháu cứ nói thẳng đi thôi, đừng làm trò nữa.
Phượng Thư mới nói:
- Cháu vừa đến nhà chú Bảo, nghe có tiếng mấy người đang cười, cháu tưởng là ai, khi nhòm vào song cửa, thì ra em Bảo đang ngồi bên cạnh giường; chú Bảo đang đứng dưới đất. Chú Bảo cứ nắm ống áo em Bảo mà nói: "Chị Bảo! Sao chị không biết nói nữa? Chị chỉ nói một câu thì nhất định bệnh tôi khỏi hẳn." Em Bảo cứ ngoảnh mặt tránh mãi. Chú Bảo lại vái rồi nắm lấy tay áo em Bảo. Em Bảo hoảng lên, giật một cái, chú Bảo vì mới ốm dậy, chân còn yếu, liền ngã đè lên mình em Bảo. Em Bảo cuống quít đỏ mặt lên, và nói: "Cậu bây giờ lại càng lẩn thẩn hơn trước…"
Nói đến đó Tiết phu nhân và Giả mẫu đều cười rũ rượi.
Phượng Thư lại nói:
- Chú Bảo đứng dậy, cười nói: "May ngã một cái mới làm cho tiếng nói của chị bật ra được?"
Tiết phu nhân cười, nói:
- Đó là con Bảo quái gở như thế thôi. Điều đó có can gì? Đã là vợ chồng thì cười cười nói nói có sợ gì. Nó lại không thấy anh Liễn và cháu à?
Phượng Thư mặt đỏ, nói:
- Cô nói gì thế? Cháu nói câu chuyện vui để cho cô đỡ buồn, mà cô lại đem cháu ra làm trò cười.
Giả mẫu cũng cười, nói:
- Phải như thế mới được. Vợ chồng tuy cần hòa thuận, nhưng cũng phải có chừng mực. Ta yêu con Bảo chỉ vì có cái đức tính tôn trọng ấy. Ta vẫn lo thằng Bảo còn điên điên, dại dại, nay cháu thấy thế, thì ra nó đã tỉnh táo hơn trước nhiều rồi. Cháu thử nói xem có chuyện gì buồn cười nữa không?
Phượng Thư nói:
- Mai đây chú Bảo làm lễ hợp hôn, rồi bà thông gia bế cháu ngoại, lúc bấy giờ không phải là chuyện buồn cười nữa hay sao.
Giả mẫu cười nói:
- Ta với dì còn đang tưởng nhớ em Lâm cháu, mày đến chọc chúng ta cười đã đành, sao lại còn văng tục ra nữa. Mày không để cho chúng ta tưởng nhớ em Lâm à? Mày đừng có hí hửng cho lắm, em Lâm giận mày đấy. Sau này mày đừng vào vườn một mình, coi chừng nó nắm lấy, nó không nghe cho đâu!
Phượng Thư cười nói:
- Khi gần chết, cô ta nghiến răng nghiến lợi chỉ giận chú Bảo, chứ có giận cháu đâu.
Giả mẫu và Tiết phu nhân nghe nói, vẫn cho là chuyện đùa, nên không để ý, rồi nói:
- Thôi cháu đừng có vơ quàng vơ xiên nữa, ra bảo các ông ngoài ấy chọn ngày tốt để làm lễ hợp hoan cho Bảo Ngọc thôi.
Phượng Thư vâng lời, nói chuyện một lúc nữa, rồi ra ngoài bảo người xem ngày tốt, để bày cỗ bàn, hát xướng và mời khách. Bệnh Bảo Ngọc tuy đã lành, có lúc Bảo Thoa cao hứng, dở sách ra bàn luận với chồng về việc sách vở. Cái gì Bảo Ngọc thường thấy thì nhớ được, còn nói về trí thông minh thì khác trước xa. Chính anh ta cũng không hiểu ra sao. Bảo Thoa biết vì mất ngọc thông linh nên mới như thế. Chỉ có Tập Nhân vẫn thường nói:
- Tại sao mà khiếu thông minh của cậu trước kia mất đâu cả? Đáng lẽ ra cậu quên cái tật xấu kia đi thì tốt hơn, đằng này, tính khí vẫn như cũ, mà sao riêng về đạo lý lại mù mờ như thế?
Bảo Ngọc nghe nói, cũng không giận, chỉ cười hì hì. Có lúc Bảo Ngọc cứ tùy ý chơi đùa, may nhờ Bảo Thoa khuyên lơn, cũng đỡ phóng túng ít nhiều. Tập Nhân đỡ phải nói năng, chỉ biết hết sức hầu hạ. Các a hoàn khác ngày thường vốn mến phục đức tính hiền hậu của Bảo Thoa, nên thảy đều vui vẻ yên lặng.
Nhưng Bảo Ngọc vốn không ưa động không ưa tĩnh, thường cứ muốn vào vườn chơi. Bọn Giả mẫu sợ anh ta cảm nắng cảm lạnh, lại sợ anh ta nhìn cảnh thương tình. Tuy linh cữu Đại Ngọc đã đem để vào cái am ngoài thành, nhưng quán Tiêu Tương vẫn còn đó; người mất nhà còn, tránh sao khỏi gây nên bệnh cũ? Vì thế mọi người không cho anh ta vào vườn. Đã thế trong số các chị em, Bảo Cầm đã về nhà Tiết phu nhân rồi, Tương Vân thì vì Sử hầu vào kinh, gọi về nhà, mà lại gần ngày về nhà chồng, nên chỉ có lần ăn cưới Bảo Ngọc, và lần bày tiệc rượu mừng là đến và cũng chỉ ở bên nhà Giả mẫu. Vì nghĩ rằng Bảo Ngọc đã lấy vợ, mà mình cũng sắp về nhà chồng, cho nên cô ta không cười đùa như trước. Có lúc cô ta đến chơi, thì cũng chỉ nói chuyện với Bảo Thoa; khi gặp Bảo Ngọc chẳng qua chỉ chào hỏi mà thôi. Hình Tụ Yên thì sau khi Nghênh Xuân về nhà chồng rồi, liền về ở với Hình phu nhân. Chị em họ Lý cũng đều ra ngoài, đôi khi đến chơi với thím Lý, cũng chẳng qua đến chỗ các bà và bọn chị em, chào hỏi xong, liền đến chỗ Lý Hoàn, ở một vài hôm rồi về ngay. Vì thế ở trong vườn bây giờ chỉ có Lý Hoàn, Thám Xuân và Tích Xuân.
Giả mẫu muốn đưa cả bọn Lý Hoàn ra, nhưng vì sau khi Nguyên phi qua đời, trong nhà việc này việc khác xảy ra luôn, không lúc nào rảnh mà lo việc ấy. Hiện nay khí trời ngày một nóng thêm, trong vườn còn ở được, nên chờ đến mùa thu sẽ dời.
Giả Chính đem theo mấy người giúp việc giấy tờ từ kinh đi. Ngày đi đêm nghỉ. Đến tỉnh Giang Tây, yết kiến quan trên xong, Giả Chính đến nơi làm việc làm lễ nhận ấn, lập tức điều tra các kho lương thực trong các châu, các huyện. Giả Chính xưa nay làm quan ở kinh, chức lang trung cũng là chức quan rảnh. Dù có lúc ra làm quan ở ngoài nhưng lại là giáo chức, không liên quan gì đến việc cai trị. Vì thế những điều xấu xa như khấu bớt lương gạo, bóp nặn dân đen, tuy có nghe người ta bàn tán, nhưng bản thân chưa hề trải qua, chỉ một lòng muốn làm ông quan tốt. Ông ta liền cùng bọn giúp việc bàn bạc, yết thị nghiêm cấm những điều xấu xa kia, và hiểu thị hễ tra ra thì sẽ trình quan trên trị tội. Ban đầu mới đến, quả nhiên bọn lại dịch đều sợ, liền dùng đủ cách để xoi bói, kiếm chác, nhưng lại gặp phải Giả Chính là người cố chấp. Bọn người nhà theo hầu Giả Chính lúc ở kinh không hề được chút lợi lộc gì cả, trông mong mãi mới được chủ nhà bổ nhậm quan ngoài, bèn mượn tiếng để vay nợ sắm sửa áo quần cho có thể diện. Họ cứ nghĩ hễ đến chỗ làm quan là sẽ kiếm chác dễ dàng. Không ngờ Giả Chính có cái thói ngây ngô, thật thà muốn trừng trị những thói tệ, các quan châu huyện đưa lễ vật đến ông ta nhất thiết không nhận. Bọn thư biện trong bụng tính thầm: "Mình chỉ gắng nửa tháng nữa là áo quần cầm hết, mà nợ họ cũng giục gấp, biết làm thế nào? Mình thấy rõ những đồng bạc trắng xóa trước mặt mà không sao nắm được." Bọn lính lệ cũng nói:
- Các ông chẳng mất vốn mất lãi gì, chứ bọn chúng tôi mới thật là oan! Bỏ ra bao nhiêu tiền, lo một chức canh cửa, nay đã hơn một tháng, chằng hề vớ được một đồng xu, chắc chắn theo hầu vị chủ này không làm gì mà được vốn. Ngày mai chúng tôi kéo cả bè lên xin nghỉ hết.
Ngày hôm sau bọn lính hầu quả nhiên đến họp đủ mặt và xin nghỉ. Giả Chính chẳng biết ra sao, liền nói:
- Muốn đến cũng do các anh, muốn đi cũng do các anh, đã chê ở đây không tốt thì cứ tùy ý thôi.
Bọn lính hầu vùng vằng hờn giận đi ra, chỉ còn lại bọn người nhà. Họ liền bàn với nhau:
- Người đi được thì đi rồi, còn bọn mình không đi được, cũng phải nghĩ cách gì chứ!
Trong đó có một người coi cửa, tên gọi Lý Thập nói:
- Các anh chẳng biết nhẫn nại gì hết, có việc gì mà hoảng lên thế? Vì trước có người đầu xâu của họ ở đấy không lẽ tôi lại ra lo thay cho họ. Bây giờ họ đều đói chạy hết cả rồi. Các anh hãy xem cái bản lĩnh của tôi đây, thế nào ông chủ cũng phải theo tôi cho mà xem. Nhưng các anh phải đồng lòng, cùng giúp nhau kiếm ít tiền về nhà mà tiêu. Nếu các anh không theo tôi, tôi cũng mặc, tôi cũng chẳng cần gì các anh!
Mọi người đều nói:
- Ông Thập này! Ông chủ đang tin ông hơn, nếu ông để mặc thì chúng tôi chết mất.
Lý Thập nói:
- Đừng có cái lối thấy tôi giơ mặt ra, được tiền được bạc rồi lại bảo tôi ăn phần hơn. Cái trò rối từ trong nhà rối ra khó coi lắm đấy.
Mọi người đều nói:
- Ông cứ yên tâm, làm gì có việc ấy. Dầu cho chẳng được bao lăm, còn hơn là cứ phải moi tiền lưng ra.
Đang nói thì thấy người thư biện ở phòng lương thực chạy đến tìm ông Hai Chu. Lý Thập ngồi trên ghế, vắt chân chữ ngũ, ưỡn bụng ra, nói:
- Tìm ông ta làm gì?
Người thư biện buông tay xuống, cười lấy lòng mà nói:
- Ông lớn tới nhậm chức đã hơn một tháng, các quan châu huyện thấy giấy cáo thị của ông lớn nghiêm ngặt, biết rằng khó lòng nói chuyện, cho nên đến bây giờ còn chưa mở kho. Nếu quá hạn vận tải, thì các ông đến đây làm gì?
- Anh đừng có nói bậy! Ông lớn ta là người có căn cơ, đã nói thế nào là làm thế ấy. Hai hôm nay đáng lẽ ra đã gửi công văn đi thúc giục rồi, vì tôi nói hãy hoãn lại ít hôm, cho nên mới tạm dừng lại. Vậy thì anh tìm ông Hai Chu để làm gì?
- Cũng chỉ là dò xem việc gửi công văn thúc giục ra sao thôi, có việc gì khác đâu.
- Lại nói bậy! Vừa rồi tôi nói gửi công văn thúc giục, rồi anh cũng luôn miệng nói nhảm. Đừng có cái thói thầm thầm thụt thụt đến bàn việc gì đó. Tôi sẽ trình với quan đánh anh và đuổi anh đi đấy.
- Nhà tôi ở nha môn đây đã ba đời, cũng có ít nhiều thể diện với người ngoài; trong nhà cũng đủ ăn, có thể giữ gìn khuôn phép hầu hạ quan lớn cho đến khi ngài thăng quan tiến chức chứ không đến nỗi như những kẻ chờ có gạo mà bỏ vào nồi ấy.
Rồi anh ta chào:
- Chào ông Hai, tôi đi đây.
Lý Thập đứng dậy, cười vui vẻ nói:
- Ông này thật không biết đùa! Người ta vừa nói mấy câu đã nóng mặt.
- Không phải tôi nóng mặt, nếu tôi nói gì nữa, lại không liên lụy đến thanh danh của ông Hai à?
Lý Thập lại gần nắm tay người thư biện nói:
- Ông họ gì?
- Không dám, tôi họ Thiềm, tên là Hội, lúc nhỏ cũng có ở kinh mấy năm.
- Ông Thiềm này! Tôi nghe tiếng ông đã lâu, anh em chúng tôi đều như nhau cả. Có việc gì, chiều tới, chúng ta nói chuyện.
- Ai chẳng biết ông Lý là người biết việc, ông vừa dọa tôi một tiếng mà tôi đã khiếp run lên đấy.
Nói xong, hai người cùng cười rồi chia tay nhau.
Đêm ấy Lý Thập cùng người thư biện bàn bạc lầm rầm đến nửa đêm. Hôm thứ hai, Lý Thập tìm lời để dò Giả Chính, bị ông ta mắng cho một trận nên thân. Cách hôm sau Giả Chính có việc đi chào khách dặn dò người nhà chờ sẵn. Mọi người vâng lời. Chờ một lúc lâu, đồng hồ đã đánh ba tiếng, trên công đường không thấy trống đánh, gọi mãi mới có người tới. Giả Chính từ trong bước ra, chỉ có một người nha dịch đi dẹp đường. Giả Chính cũng không hỏi, từ dưới thềm, bước lên kiệu ngồi, chờ bọn phu kiệu một hồi lâu mới đủ người khênh kiệu ra trước cửa nha môn, pháo chỉ nổ một tiếng. Tất cả bọn nhạc công chỉ có một người đánh trống và một người thổi kèn.
Giả Chính nổi giận, nói:
- Mọi hôm còn khá, sao hôm nay không ai đến như thế?
Ngước mắt nhìn bọn coi việc thì kẻ trước người sau, rời rạc không ra hàng ngũ gì cả. Giả Chính đành phải miễn cưỡng đi chào khách, rồi về, truyền gọi bọn làm lo buổi hầu đến định đánh. Người nói vì không có mũ; người nói vì áo lính đem cầm mất; lại có người nói, ba hôm nay không có cơm ăn nên khênh không được. Giả Chính tức giận đánh mấy người, rồi cũng cho qua. Cách mấy hôm, người đầu bếp lên lấy tiền, Giả Chính đem số bạc ở nhà đến, giao cho anh ta. Sau đó cảm thấy mọi việc không vừa ý, so với lúc ở kinh thì khó khăn hơn nhiều, ông ta không biết làm thế nào, liền gọi Lý Thập đến hỏi:
- Bọn người theo ta đến đây, sao đều thay đổi tính cách như thế? Anh phải trông nom chứ. Hiện nay số bạc đưa đến, đã tiêu hết rồi. Bạc lương trong kho thì đang còn chậm, phải sai người về kinh lấy.
Lý Thập thưa:
- Hôm nào tôi chẳng nhắc nhở họ! Nhưng không biết tại sao bọn họ lại thờ ơ, làm tôi cũng không có cách nào, ông lớn bảo về nhà lấy bạc thì lấy bao nhiêu? Bây giờ nghe nói ở nhà quan tiết độ mấy hôm nay làm lễ sinh nhật, các quan phủ, quan đạo đều đưa lễ mừng hàng ngàn vạn lạng bạc. Đây ta định mừng bao nhiêu?
- Sao không nói sớm?
- Ông lớn là người rất sáng suốt. Chúng ta mới bắt đầu đến đây lại không năng đi lại với các quan khác, ai chịu tin cho mình biết? Họ chỉ trông cho ông lớn đừng đi mừng quan tiết độ, để mong giành chức quan của ông lớn.
- Nói nhảm! Chức quan của ta là do hoàng thượng trao cho, không lẽ vì việc ta không đi mừng sinh nhật quan tiết độ mà họ có thể cách chức ta à?
- Ông lớn nói cũng đúng. Nhưng kinh đô cách đây xa lắm, trăm việc đều do quan tiết độ tâu lên, ông ta nói tốt thì được tốt ông ta nói xấu thì phải chịu xấu. Đến khi rõ việc ra thì đã chậm rồi. Ngay cả cụ và bà lớn ai chẳng muốn cho ông lớn làm quan tỉnh ngoài vẻ vang hiển hách?
Giả Chính nghe mấy câu ấy, trong bụng cũng đã hiểu, liền nói:
- Ta định hỏi anh sao anh không nói trước?
- Tôi vốn không dám nói, nay ông lớn đã hỏi đến, không nói thì ra tôi không có lương tâm mà nói ra thì sợ ông lớn lại nổi giận.
- Cốt sao anh nói cho có lý.
- Bọn thơ lại và nha dịch, đều mất tiền để mua việc làm ở nha môn này, ai lại không nghĩ đến việc phát tài, ai lại không phải nuôi sống gia đình kia chứ? Từ khi ông lớn nhậm chức tới nay, chưa hề thấy làm việc gì cho nước nhà, mà đã nghe người ta bàn tán đầy đường.
- Dân gian nói những gì?
- Dân gian nói: "Đại phàm các quan mới nhậm chức, cáo thị càng nghiêm ngặt thì càng nghĩ đến cách xoay tiền. Vì các quan châu huyện sợ hãi sẽ phải đưa tiền bạc nhiều." Lúc thu lương thực, bọn nha dịch cứ nói, theo lệnh cấm của quan đạo mới, không dám lấy tiền, nhưng họ lại dây dưa làm khó dễ. Nhân dân ở hương thôn chỉ muốn mất một ít tiền để mau xong việc. Vì thế họ không khen ông lớn là tốt mà lại cho là không am hiểu dân tình. Như quan lớn nọ người họ ta 13 là người ông lớn rất thân, chẳng mấy năm đã leo lên chức cao nhất. Đó cũng chỉ vì ông ta thông hiểu cách làm việc, biết làm cho trên hòa dưới thuận đó thôi.
Giả Chính nghe đến đấy, quát:
- Nói nhảm! Ta mà không thông hiểu cách làm việc à? Nếu nói trên hòa dưới thuận thì bảo ta cũng như họ, cũng phường mèo chuột chung giường hay sao?
- Tôi vì hết lòng trung thực không chút giấu giếm mới dám nói ra. Nếu ông lớn cứ thế mà làm, đến khi công chẳng thành, danh chẳng đạt, lại bảo là tôi không có lương tâm. Thực ra tôi có dám giấu ông lớn gì đâu?
- Theo anh nên thế nào?
- Cũng chẳng có gì khác, ông lớn nên nhân khi còn khỏe mạnh, trong nhà có người giúp đỡ, cụ bà còn sáng suốt, mà chăm lo lấy việc mình là hơn. Nếu không thì không đầy một năm nữa, tiền nhà cũng hết, mà từ trên đến dưới ai cũng oán giận, sẽ cho rằng ông lớn làm quan ngoài, tất nhiên là kiếm được tiền mà thu giấu đi để tiêu riêng. Nhỡ ra gặp một vài việc khó khăn thì ai còn chịu giúp ông lớn nữa. Lúc bấy giờ không những không làm được việc gì, có ăn năn cũng không kịp.
- Cứ như anh thì ta phải làm ông quan tham nhũng à? Việc mất mạng không quan hệ bằng bôi nhọ công nghiệp của ông cha mới được hay sao?
- Ông lớn là người rất sáng suốt, lại không thấy mấy vị quan phạm tội năm xưa hay sao? Mấy vị đó đều thân với ông lớn, ông lớn thường nói họ làm quan thanh liêm giờ đây thanh danh của họ ra sao rồi? Lại có mấy vị thân thích, xưa nay ông lớn cứ nói họ là không tốt. Thế mà tới nay người thì đổi đến nơi tốt người thì thăng chức. Cho nên cốt làm sao cho khéo là được. Ông lớn nên biết: Cũng phải lo cho dân mà cũng phải lo cho chức quan của mình. Nếu như ý ông lớn, không cho phép các quan châu huyện được một đồng tiền, thì những công việc bên ngoài ai lo cho? Chỉ cốt sao bề ngoài ông lớn vẫn giữ được tiếng thanh liêm, còn những việc quanh co ở bên trong cứ mặc chúng tôi lo liệu không can ngại gì đến ông lớn cả. Chúng tôi đã theo hầu chủ, thì thế nào cũng phải đem hết lương tâm ra mà làm việc.
Giả Chính bị Lý Thập nói cho một hồi, trong bụng bối rối, liền nói:
- Ta cần phải giữ gìn tính mệnh. Các anh mà gây chuyện ra thì ta không biết đến đâu.
Nói xong, ông ta vào phòng trong.
Từ đó, Lý Thập làm mưa làm gió, cấu kết trong ngoài kéo bè kéo cánh lừa phỉnh Giả Chính làm việc, quả nhiên việc gì cũng chu đáo, việc gì cũng vừa lòng. Vì thế Giả Chính chẳng những không nghi, mà lại tin cậy. Lúc đó cũng có mấy nơi phát giác, nhưng quan trên thấy Giả Chính chất phác trung hậu, nên cũng không tra xét. Riêng có bọn môn khách giúp việc giấy tờ là nhìn xa thấy rộng, gặp dịp cũng có đem lời khuyên can. Nhưng Giả Chính không tin, nên cũng có người từ việc mà đi; cũng có người thân thiết với Giả Chính thì ở trong giúp đỡ. Nhờ vậy việc chuyên chở xong xuôi, không bị thiệt hại và quá thời hạn.
Một hôm, Giả Chính rảnh việc, ngồi trong phòng xem sách. Bỗng phòng công văn trình lên một bức thư, ngoài bì đề là: "Công văn của quan Tổng chế trấn thủ các xứ ở Hải Môn đệ gởi nha môn quan lương đạo tỉnh Giang Tây". Giả Chính mở ra xem thấy viết:
"Kim Lăng bạn cũ, lân lý tình sâu. Năm trước khi về làm việc ở kinh, mừng được gần gũi bên cạnh, lòng yêu rủ tới, hứa kết Châu Trần, đến nay cảm kích không quên. Chỉ vì được điều ra làm quan miền ven biển, chưa dám vội vã nài xin, trong dạ băn khoăn, than thở vì nỗi không có duyên gặp gỡ. Nay nghe ngựa xe xa tới, thực là thỏa dạ bình sinh. Đương định sang mừng, thì thơ tiên đến trước. Chốn biên đình thêm phần rạng rỡ, kẻ vũ phu này xiết đỗi đội ơn. Tuy cách bể khơi, cũng nhờ phúc âm. Mong không bỏ nơi thấp hèn, dây leo nương tựa. Cháu bé đã dược đoái thương, thục nữ vẫn nghe nết tốt. Nếu dược nhận lời, xin nhờ người mối. Đường sá dầu xa, nước sông cũng tiện; dám đâu trăm cỗ rước dâu, xin dọn thuyền tiên để đợi. Thư tiên một bức, kính chúc thăng quan và cầu xin y ước. Đang khi cầm bút, khôn xiết mong chờ.
Em là Chu Quỳnh cúi đầu."
Giả Chính xem xong, nghĩ bụng: "Nhân duyên con cái, quả nhiên là có tiền định. Năm trước vì thấy ông ta làm quan ở kinh, lại là người làng, xưa nay thân thiết với nhau, lại thấy thằng con xinh xắn nên ở trong tiệc rượu đã nói đến chuyện này. Nhưng vì chưa nhất định, nên cũng không nói với người nhà. Sau đó ông ta được điều đi làm quan ở miền ven biển, hai bên cũng không nói đến nữa. Không ngờ nay mình thăng nhậm đến đây, ông ta lại viết thư đến hỏi. Ta xem đôi bên cũng môn đăng hộ đối mà con ông ta cùng với Thám Xuân thì cũng vừa đôi. Nhưng vì ta chưa đưa gia quyến đến đây, đành phải viết thư bàn với người nhà đã."
Giả Chính đang lưỡng lự thì thấy ngoài cửa lại đưa vào một công văn, mời lên tỉnh họp bàn công việc. Giả Chính đành phải sắp xếp lên tỉnh, chờ quan tiết độ sai phái. Một hôm ở tỉnh rảnh việc ngồi trong công quán, thấy trên bàn chồng nhiều giấy báo tin tức việc quan, Giả Chính lấy xem hết. Xem đến một tờ thuộc bộ hình, thấy viết như thế này: "Xin báo về việc tên hành thương là Tiết bàn quê ở Kim Lăng... " Giả Chính giật nẩy mình: "Nguy to? Đã đệ án lên rồi!" Liền chú ý xem tiếp thì ra việc Tiết Bàn đánh chết Trương Tam, đút lót cho bọn nhân chứng, bịa đặt ngộ sát. Giả Chính vỗ bàn nói:
- Thôi, thế là hết!
Lại xem xuống phần dưới, thấy viết:
- Theo tờ tư của viên kinh doanh tiết độ sứ: "Nguyên Tiết Bàn vốn người Kim Lăng, đi qua huyện Thái Bình, nghỉ ở hàng nhà họ Lý mà không quen biết gì với người bán rượu ở hàng ấy là Trương Tam cả. Ngày tháng năm nọ, Tiết Bàn bảo chủ hàng dọn rượu để cùng uống với Ngô Lương, người ở huyện Thái Bình. Tiết Bà bảo Trương Tam lấy rượu, nhưng chê không ngon, bắt đổi thứ tốt, Trương Tam nói: "Rượu đã mua rồi… không thể đổi được" Tiết Bàn thấy anh ta ương ngạnh, cầm bát rượu hắt vào giữa mặt, không ngờ hắt mạnh quá, lại vừa gặp khi Trương Tam đang cuối xuống nhặt đũa, thành ra nhỡ tay, đập đúng thóp Trương Tam. Y đầu chảy máu, một chốc thì chết. Chủ hàng là họ Lý tới chữa không kịp, liền tin cho mẹ Trương Tam biết. Mẹ anh ta đến xem, thấy con đã chết, liền trình lý dịch địa phương, lên huyện trình báo. Viên tri huyện trước tới khám nghiệm. Người khám thương tích nói bị thương một chỗ, xương vỡ một tấc ba phân, và một chỗ bện sườn, rồi tư lên phủ xét lại. Quan phủ cho rằng Tiết Bàn thực vì hắt rượu nhỡ tay, ném bát đánh lầm, làm chết Trương Tam, chiếu theo tội ngộ sát, cho phép nộp tiền chuộc tội, theo luật đấu sát. Chúng tôi xét kỹ những lời khai của các người làm chứng và bà con người chết, trước sau không ăn khớp nhau. Lại tra luật đấu sát có ghi chú: "Tranh nhau gọi là đấu, đánh nhau gọi là ẩu". Phải thật không có tranh nhau, đánh nhau gì mà bất thình linh bị chết thì mới khép vào án ngộ sát được, Vậy nên giao cho quan tiết độ ở đấy xét rõ sự tình định án cho đúng mà trình lên. Nay cứ tờ sớ của quan tiết độ, thì Tiết Bàn vì Trương Tam không chịu đổi rượu, liền nắm lấy tay Trương Tam và đánh một đấm vào bên sườn. Trương Tam mắng lại, bị Tiết Bàn ném bát rượu, làm bị thương nặng ở thóp, xương nát óc chết tươi tức khắc. Như thế thì cái chết của Trương Tam là do Tiết Bàn dùng bát rượu đánh bị thương nặng mà gây nên. Cần phải bắt Tiết Bàn đền mạng, chiếu luật đấu sát, khép Tiết Bàn vào tội giảo giám hậu Ngô lương khép tội trượng đồ. Các quan phủ huyện xét hỏi không thật, xin nên... " Dưới bài báo này chua: "Bài này chưa hết".
Giả Chính vì Tiết phu nhân nhờ mình nên đã xin với tên tri huyện. Nếu họ xin chiếu chỉ nhà vua xét hỏi việc này sẽ liên lụy đến mình, ông ta lo lắng, liền tìm tờ báo tiếp sau đó mở xem, thì lại không đúng, đành cứ lục đi lục lại, xem hết chồng báo rút cục chẳng có tờ nào tiếp theo tờ báo đã đọc, trong bụng bối rối ngờ vực càng thêm lo sợ, ông ta đang bực mình thì thấy Lý Thập đi vào nói:
- Mời ông lớn vào hầu, trong nha môn đã đánh hai hồi trống.
Giả Chính vẫn cứ ngơ ngác như không nghe gì cả. Lý Thập lại mời lần nữa. Giả Chính nói:
- Việc này biết xử trí ra sao?
Lý Thập nói:
- Ông lớn có điều gì lo nghĩ thế?
Giả Chính đem việc xem báo nói cho anh ta nghe.
Lý Thập nói:
- Ông lớn cứ yên tâm, nếu trong bộ định thế là còn nhẹ cho cậu Tiết đấy! Khi ở kinh, tôi nghe nói cậu Tiết ở trong hàng rượu gọi một số đàn bà con gái đến, uống rượu say rồi gây chuyện, đánh anh hầu rượu chết tươi. Tôi lại nghe nói chẳng những đã nhờ quan huyện, mà còn nhờ cậu Hai Liễn, tung ra một số tiền, thông đồng với các nha môn. Không biết tại sao mà ở bộ không làm cho xong. Nay việc dù vỡ lở, quan bênh vực cho nhau, nhiều lắm chỉ phạm cái tội xét không đúng, bị cách chức là cùng, đời nào họ chịu nhận câu chuyện ăn tiền ấy? Ông lớn không cần lo lắng làm gì, để chúng tôi dò xem, đừng làm nhỡ việc quan trên.
Giả Chính nói:
- Các anh làm gì mà biết? Tiếc thay cho quan tri huyện chỉ vì một chút tình mà làm mất cả chức quan còn không biết có mang tội hay không?
- Bây giờ lo nghĩ cũng vô ích, ngoài kia người ta chờ chực đã lâu rồi, mời ông lớn đi ngay thôi.
_________________
Xem tin báo ông cậu già đâm ra lo phiền
Phượng Thư thấy Giả mẫu và Tiết phu nhân nghĩ đến Đại Ngọc mà đau lòng, liền nói:
- Cháu có câu chuyện buồn cười nói cho bà và cô nghe.
Chưa kể chuyện chị ta đã cười trước, rồi nói:
- Bà và cô thử nghĩ xem câu chuyện này ở đâu? Chính là chuyện của cô dâu chú rể mới nhà ta đấy.
Giả mẫu nói:
- Làm sao rồi?
Phượng Thư giơ tay ra:
- Một người ngồi như thế này, một người đứng như thế này, một người ngoảnh đi như thế này, một người xoay lại như thế này, một người lại...
Nói đến đó Giả mẫu đã cười ồ lên và bảo:
- Mày nói rõ đi thôi! Đó không phải chuyện hai vợ chồng nhà nó, mà chỉ là mày chọc cho người ta khó chịu đấy.
Tiết phu nhân cũng cười, nói:
- Cháu cứ nói thẳng đi thôi, đừng làm trò nữa.
Phượng Thư mới nói:
- Cháu vừa đến nhà chú Bảo, nghe có tiếng mấy người đang cười, cháu tưởng là ai, khi nhòm vào song cửa, thì ra em Bảo đang ngồi bên cạnh giường; chú Bảo đang đứng dưới đất. Chú Bảo cứ nắm ống áo em Bảo mà nói: "Chị Bảo! Sao chị không biết nói nữa? Chị chỉ nói một câu thì nhất định bệnh tôi khỏi hẳn." Em Bảo cứ ngoảnh mặt tránh mãi. Chú Bảo lại vái rồi nắm lấy tay áo em Bảo. Em Bảo hoảng lên, giật một cái, chú Bảo vì mới ốm dậy, chân còn yếu, liền ngã đè lên mình em Bảo. Em Bảo cuống quít đỏ mặt lên, và nói: "Cậu bây giờ lại càng lẩn thẩn hơn trước…"
Nói đến đó Tiết phu nhân và Giả mẫu đều cười rũ rượi.
Phượng Thư lại nói:
- Chú Bảo đứng dậy, cười nói: "May ngã một cái mới làm cho tiếng nói của chị bật ra được?"
Tiết phu nhân cười, nói:
- Đó là con Bảo quái gở như thế thôi. Điều đó có can gì? Đã là vợ chồng thì cười cười nói nói có sợ gì. Nó lại không thấy anh Liễn và cháu à?
Phượng Thư mặt đỏ, nói:
- Cô nói gì thế? Cháu nói câu chuyện vui để cho cô đỡ buồn, mà cô lại đem cháu ra làm trò cười.
Giả mẫu cũng cười, nói:
- Phải như thế mới được. Vợ chồng tuy cần hòa thuận, nhưng cũng phải có chừng mực. Ta yêu con Bảo chỉ vì có cái đức tính tôn trọng ấy. Ta vẫn lo thằng Bảo còn điên điên, dại dại, nay cháu thấy thế, thì ra nó đã tỉnh táo hơn trước nhiều rồi. Cháu thử nói xem có chuyện gì buồn cười nữa không?
Phượng Thư nói:
- Mai đây chú Bảo làm lễ hợp hôn, rồi bà thông gia bế cháu ngoại, lúc bấy giờ không phải là chuyện buồn cười nữa hay sao.
Giả mẫu cười nói:
- Ta với dì còn đang tưởng nhớ em Lâm cháu, mày đến chọc chúng ta cười đã đành, sao lại còn văng tục ra nữa. Mày không để cho chúng ta tưởng nhớ em Lâm à? Mày đừng có hí hửng cho lắm, em Lâm giận mày đấy. Sau này mày đừng vào vườn một mình, coi chừng nó nắm lấy, nó không nghe cho đâu!
Phượng Thư cười nói:
- Khi gần chết, cô ta nghiến răng nghiến lợi chỉ giận chú Bảo, chứ có giận cháu đâu.
Giả mẫu và Tiết phu nhân nghe nói, vẫn cho là chuyện đùa, nên không để ý, rồi nói:
- Thôi cháu đừng có vơ quàng vơ xiên nữa, ra bảo các ông ngoài ấy chọn ngày tốt để làm lễ hợp hoan cho Bảo Ngọc thôi.
Phượng Thư vâng lời, nói chuyện một lúc nữa, rồi ra ngoài bảo người xem ngày tốt, để bày cỗ bàn, hát xướng và mời khách. Bệnh Bảo Ngọc tuy đã lành, có lúc Bảo Thoa cao hứng, dở sách ra bàn luận với chồng về việc sách vở. Cái gì Bảo Ngọc thường thấy thì nhớ được, còn nói về trí thông minh thì khác trước xa. Chính anh ta cũng không hiểu ra sao. Bảo Thoa biết vì mất ngọc thông linh nên mới như thế. Chỉ có Tập Nhân vẫn thường nói:
- Tại sao mà khiếu thông minh của cậu trước kia mất đâu cả? Đáng lẽ ra cậu quên cái tật xấu kia đi thì tốt hơn, đằng này, tính khí vẫn như cũ, mà sao riêng về đạo lý lại mù mờ như thế?
Bảo Ngọc nghe nói, cũng không giận, chỉ cười hì hì. Có lúc Bảo Ngọc cứ tùy ý chơi đùa, may nhờ Bảo Thoa khuyên lơn, cũng đỡ phóng túng ít nhiều. Tập Nhân đỡ phải nói năng, chỉ biết hết sức hầu hạ. Các a hoàn khác ngày thường vốn mến phục đức tính hiền hậu của Bảo Thoa, nên thảy đều vui vẻ yên lặng.
Nhưng Bảo Ngọc vốn không ưa động không ưa tĩnh, thường cứ muốn vào vườn chơi. Bọn Giả mẫu sợ anh ta cảm nắng cảm lạnh, lại sợ anh ta nhìn cảnh thương tình. Tuy linh cữu Đại Ngọc đã đem để vào cái am ngoài thành, nhưng quán Tiêu Tương vẫn còn đó; người mất nhà còn, tránh sao khỏi gây nên bệnh cũ? Vì thế mọi người không cho anh ta vào vườn. Đã thế trong số các chị em, Bảo Cầm đã về nhà Tiết phu nhân rồi, Tương Vân thì vì Sử hầu vào kinh, gọi về nhà, mà lại gần ngày về nhà chồng, nên chỉ có lần ăn cưới Bảo Ngọc, và lần bày tiệc rượu mừng là đến và cũng chỉ ở bên nhà Giả mẫu. Vì nghĩ rằng Bảo Ngọc đã lấy vợ, mà mình cũng sắp về nhà chồng, cho nên cô ta không cười đùa như trước. Có lúc cô ta đến chơi, thì cũng chỉ nói chuyện với Bảo Thoa; khi gặp Bảo Ngọc chẳng qua chỉ chào hỏi mà thôi. Hình Tụ Yên thì sau khi Nghênh Xuân về nhà chồng rồi, liền về ở với Hình phu nhân. Chị em họ Lý cũng đều ra ngoài, đôi khi đến chơi với thím Lý, cũng chẳng qua đến chỗ các bà và bọn chị em, chào hỏi xong, liền đến chỗ Lý Hoàn, ở một vài hôm rồi về ngay. Vì thế ở trong vườn bây giờ chỉ có Lý Hoàn, Thám Xuân và Tích Xuân.
Giả mẫu muốn đưa cả bọn Lý Hoàn ra, nhưng vì sau khi Nguyên phi qua đời, trong nhà việc này việc khác xảy ra luôn, không lúc nào rảnh mà lo việc ấy. Hiện nay khí trời ngày một nóng thêm, trong vườn còn ở được, nên chờ đến mùa thu sẽ dời.
Giả Chính đem theo mấy người giúp việc giấy tờ từ kinh đi. Ngày đi đêm nghỉ. Đến tỉnh Giang Tây, yết kiến quan trên xong, Giả Chính đến nơi làm việc làm lễ nhận ấn, lập tức điều tra các kho lương thực trong các châu, các huyện. Giả Chính xưa nay làm quan ở kinh, chức lang trung cũng là chức quan rảnh. Dù có lúc ra làm quan ở ngoài nhưng lại là giáo chức, không liên quan gì đến việc cai trị. Vì thế những điều xấu xa như khấu bớt lương gạo, bóp nặn dân đen, tuy có nghe người ta bàn tán, nhưng bản thân chưa hề trải qua, chỉ một lòng muốn làm ông quan tốt. Ông ta liền cùng bọn giúp việc bàn bạc, yết thị nghiêm cấm những điều xấu xa kia, và hiểu thị hễ tra ra thì sẽ trình quan trên trị tội. Ban đầu mới đến, quả nhiên bọn lại dịch đều sợ, liền dùng đủ cách để xoi bói, kiếm chác, nhưng lại gặp phải Giả Chính là người cố chấp. Bọn người nhà theo hầu Giả Chính lúc ở kinh không hề được chút lợi lộc gì cả, trông mong mãi mới được chủ nhà bổ nhậm quan ngoài, bèn mượn tiếng để vay nợ sắm sửa áo quần cho có thể diện. Họ cứ nghĩ hễ đến chỗ làm quan là sẽ kiếm chác dễ dàng. Không ngờ Giả Chính có cái thói ngây ngô, thật thà muốn trừng trị những thói tệ, các quan châu huyện đưa lễ vật đến ông ta nhất thiết không nhận. Bọn thư biện trong bụng tính thầm: "Mình chỉ gắng nửa tháng nữa là áo quần cầm hết, mà nợ họ cũng giục gấp, biết làm thế nào? Mình thấy rõ những đồng bạc trắng xóa trước mặt mà không sao nắm được." Bọn lính lệ cũng nói:
- Các ông chẳng mất vốn mất lãi gì, chứ bọn chúng tôi mới thật là oan! Bỏ ra bao nhiêu tiền, lo một chức canh cửa, nay đã hơn một tháng, chằng hề vớ được một đồng xu, chắc chắn theo hầu vị chủ này không làm gì mà được vốn. Ngày mai chúng tôi kéo cả bè lên xin nghỉ hết.
Ngày hôm sau bọn lính hầu quả nhiên đến họp đủ mặt và xin nghỉ. Giả Chính chẳng biết ra sao, liền nói:
- Muốn đến cũng do các anh, muốn đi cũng do các anh, đã chê ở đây không tốt thì cứ tùy ý thôi.
Bọn lính hầu vùng vằng hờn giận đi ra, chỉ còn lại bọn người nhà. Họ liền bàn với nhau:
- Người đi được thì đi rồi, còn bọn mình không đi được, cũng phải nghĩ cách gì chứ!
Trong đó có một người coi cửa, tên gọi Lý Thập nói:
- Các anh chẳng biết nhẫn nại gì hết, có việc gì mà hoảng lên thế? Vì trước có người đầu xâu của họ ở đấy không lẽ tôi lại ra lo thay cho họ. Bây giờ họ đều đói chạy hết cả rồi. Các anh hãy xem cái bản lĩnh của tôi đây, thế nào ông chủ cũng phải theo tôi cho mà xem. Nhưng các anh phải đồng lòng, cùng giúp nhau kiếm ít tiền về nhà mà tiêu. Nếu các anh không theo tôi, tôi cũng mặc, tôi cũng chẳng cần gì các anh!
Mọi người đều nói:
- Ông Thập này! Ông chủ đang tin ông hơn, nếu ông để mặc thì chúng tôi chết mất.
Lý Thập nói:
- Đừng có cái lối thấy tôi giơ mặt ra, được tiền được bạc rồi lại bảo tôi ăn phần hơn. Cái trò rối từ trong nhà rối ra khó coi lắm đấy.
Mọi người đều nói:
- Ông cứ yên tâm, làm gì có việc ấy. Dầu cho chẳng được bao lăm, còn hơn là cứ phải moi tiền lưng ra.
Đang nói thì thấy người thư biện ở phòng lương thực chạy đến tìm ông Hai Chu. Lý Thập ngồi trên ghế, vắt chân chữ ngũ, ưỡn bụng ra, nói:
- Tìm ông ta làm gì?
Người thư biện buông tay xuống, cười lấy lòng mà nói:
- Ông lớn tới nhậm chức đã hơn một tháng, các quan châu huyện thấy giấy cáo thị của ông lớn nghiêm ngặt, biết rằng khó lòng nói chuyện, cho nên đến bây giờ còn chưa mở kho. Nếu quá hạn vận tải, thì các ông đến đây làm gì?
- Anh đừng có nói bậy! Ông lớn ta là người có căn cơ, đã nói thế nào là làm thế ấy. Hai hôm nay đáng lẽ ra đã gửi công văn đi thúc giục rồi, vì tôi nói hãy hoãn lại ít hôm, cho nên mới tạm dừng lại. Vậy thì anh tìm ông Hai Chu để làm gì?
- Cũng chỉ là dò xem việc gửi công văn thúc giục ra sao thôi, có việc gì khác đâu.
- Lại nói bậy! Vừa rồi tôi nói gửi công văn thúc giục, rồi anh cũng luôn miệng nói nhảm. Đừng có cái thói thầm thầm thụt thụt đến bàn việc gì đó. Tôi sẽ trình với quan đánh anh và đuổi anh đi đấy.
- Nhà tôi ở nha môn đây đã ba đời, cũng có ít nhiều thể diện với người ngoài; trong nhà cũng đủ ăn, có thể giữ gìn khuôn phép hầu hạ quan lớn cho đến khi ngài thăng quan tiến chức chứ không đến nỗi như những kẻ chờ có gạo mà bỏ vào nồi ấy.
Rồi anh ta chào:
- Chào ông Hai, tôi đi đây.
Lý Thập đứng dậy, cười vui vẻ nói:
- Ông này thật không biết đùa! Người ta vừa nói mấy câu đã nóng mặt.
- Không phải tôi nóng mặt, nếu tôi nói gì nữa, lại không liên lụy đến thanh danh của ông Hai à?
Lý Thập lại gần nắm tay người thư biện nói:
- Ông họ gì?
- Không dám, tôi họ Thiềm, tên là Hội, lúc nhỏ cũng có ở kinh mấy năm.
- Ông Thiềm này! Tôi nghe tiếng ông đã lâu, anh em chúng tôi đều như nhau cả. Có việc gì, chiều tới, chúng ta nói chuyện.
- Ai chẳng biết ông Lý là người biết việc, ông vừa dọa tôi một tiếng mà tôi đã khiếp run lên đấy.
Nói xong, hai người cùng cười rồi chia tay nhau.
Đêm ấy Lý Thập cùng người thư biện bàn bạc lầm rầm đến nửa đêm. Hôm thứ hai, Lý Thập tìm lời để dò Giả Chính, bị ông ta mắng cho một trận nên thân. Cách hôm sau Giả Chính có việc đi chào khách dặn dò người nhà chờ sẵn. Mọi người vâng lời. Chờ một lúc lâu, đồng hồ đã đánh ba tiếng, trên công đường không thấy trống đánh, gọi mãi mới có người tới. Giả Chính từ trong bước ra, chỉ có một người nha dịch đi dẹp đường. Giả Chính cũng không hỏi, từ dưới thềm, bước lên kiệu ngồi, chờ bọn phu kiệu một hồi lâu mới đủ người khênh kiệu ra trước cửa nha môn, pháo chỉ nổ một tiếng. Tất cả bọn nhạc công chỉ có một người đánh trống và một người thổi kèn.
Giả Chính nổi giận, nói:
- Mọi hôm còn khá, sao hôm nay không ai đến như thế?
Ngước mắt nhìn bọn coi việc thì kẻ trước người sau, rời rạc không ra hàng ngũ gì cả. Giả Chính đành phải miễn cưỡng đi chào khách, rồi về, truyền gọi bọn làm lo buổi hầu đến định đánh. Người nói vì không có mũ; người nói vì áo lính đem cầm mất; lại có người nói, ba hôm nay không có cơm ăn nên khênh không được. Giả Chính tức giận đánh mấy người, rồi cũng cho qua. Cách mấy hôm, người đầu bếp lên lấy tiền, Giả Chính đem số bạc ở nhà đến, giao cho anh ta. Sau đó cảm thấy mọi việc không vừa ý, so với lúc ở kinh thì khó khăn hơn nhiều, ông ta không biết làm thế nào, liền gọi Lý Thập đến hỏi:
- Bọn người theo ta đến đây, sao đều thay đổi tính cách như thế? Anh phải trông nom chứ. Hiện nay số bạc đưa đến, đã tiêu hết rồi. Bạc lương trong kho thì đang còn chậm, phải sai người về kinh lấy.
Lý Thập thưa:
- Hôm nào tôi chẳng nhắc nhở họ! Nhưng không biết tại sao bọn họ lại thờ ơ, làm tôi cũng không có cách nào, ông lớn bảo về nhà lấy bạc thì lấy bao nhiêu? Bây giờ nghe nói ở nhà quan tiết độ mấy hôm nay làm lễ sinh nhật, các quan phủ, quan đạo đều đưa lễ mừng hàng ngàn vạn lạng bạc. Đây ta định mừng bao nhiêu?
- Sao không nói sớm?
- Ông lớn là người rất sáng suốt. Chúng ta mới bắt đầu đến đây lại không năng đi lại với các quan khác, ai chịu tin cho mình biết? Họ chỉ trông cho ông lớn đừng đi mừng quan tiết độ, để mong giành chức quan của ông lớn.
- Nói nhảm! Chức quan của ta là do hoàng thượng trao cho, không lẽ vì việc ta không đi mừng sinh nhật quan tiết độ mà họ có thể cách chức ta à?
- Ông lớn nói cũng đúng. Nhưng kinh đô cách đây xa lắm, trăm việc đều do quan tiết độ tâu lên, ông ta nói tốt thì được tốt ông ta nói xấu thì phải chịu xấu. Đến khi rõ việc ra thì đã chậm rồi. Ngay cả cụ và bà lớn ai chẳng muốn cho ông lớn làm quan tỉnh ngoài vẻ vang hiển hách?
Giả Chính nghe mấy câu ấy, trong bụng cũng đã hiểu, liền nói:
- Ta định hỏi anh sao anh không nói trước?
- Tôi vốn không dám nói, nay ông lớn đã hỏi đến, không nói thì ra tôi không có lương tâm mà nói ra thì sợ ông lớn lại nổi giận.
- Cốt sao anh nói cho có lý.
- Bọn thơ lại và nha dịch, đều mất tiền để mua việc làm ở nha môn này, ai lại không nghĩ đến việc phát tài, ai lại không phải nuôi sống gia đình kia chứ? Từ khi ông lớn nhậm chức tới nay, chưa hề thấy làm việc gì cho nước nhà, mà đã nghe người ta bàn tán đầy đường.
- Dân gian nói những gì?
- Dân gian nói: "Đại phàm các quan mới nhậm chức, cáo thị càng nghiêm ngặt thì càng nghĩ đến cách xoay tiền. Vì các quan châu huyện sợ hãi sẽ phải đưa tiền bạc nhiều." Lúc thu lương thực, bọn nha dịch cứ nói, theo lệnh cấm của quan đạo mới, không dám lấy tiền, nhưng họ lại dây dưa làm khó dễ. Nhân dân ở hương thôn chỉ muốn mất một ít tiền để mau xong việc. Vì thế họ không khen ông lớn là tốt mà lại cho là không am hiểu dân tình. Như quan lớn nọ người họ ta 13 là người ông lớn rất thân, chẳng mấy năm đã leo lên chức cao nhất. Đó cũng chỉ vì ông ta thông hiểu cách làm việc, biết làm cho trên hòa dưới thuận đó thôi.
Giả Chính nghe đến đấy, quát:
- Nói nhảm! Ta mà không thông hiểu cách làm việc à? Nếu nói trên hòa dưới thuận thì bảo ta cũng như họ, cũng phường mèo chuột chung giường hay sao?
- Tôi vì hết lòng trung thực không chút giấu giếm mới dám nói ra. Nếu ông lớn cứ thế mà làm, đến khi công chẳng thành, danh chẳng đạt, lại bảo là tôi không có lương tâm. Thực ra tôi có dám giấu ông lớn gì đâu?
- Theo anh nên thế nào?
- Cũng chẳng có gì khác, ông lớn nên nhân khi còn khỏe mạnh, trong nhà có người giúp đỡ, cụ bà còn sáng suốt, mà chăm lo lấy việc mình là hơn. Nếu không thì không đầy một năm nữa, tiền nhà cũng hết, mà từ trên đến dưới ai cũng oán giận, sẽ cho rằng ông lớn làm quan ngoài, tất nhiên là kiếm được tiền mà thu giấu đi để tiêu riêng. Nhỡ ra gặp một vài việc khó khăn thì ai còn chịu giúp ông lớn nữa. Lúc bấy giờ không những không làm được việc gì, có ăn năn cũng không kịp.
- Cứ như anh thì ta phải làm ông quan tham nhũng à? Việc mất mạng không quan hệ bằng bôi nhọ công nghiệp của ông cha mới được hay sao?
- Ông lớn là người rất sáng suốt, lại không thấy mấy vị quan phạm tội năm xưa hay sao? Mấy vị đó đều thân với ông lớn, ông lớn thường nói họ làm quan thanh liêm giờ đây thanh danh của họ ra sao rồi? Lại có mấy vị thân thích, xưa nay ông lớn cứ nói họ là không tốt. Thế mà tới nay người thì đổi đến nơi tốt người thì thăng chức. Cho nên cốt làm sao cho khéo là được. Ông lớn nên biết: Cũng phải lo cho dân mà cũng phải lo cho chức quan của mình. Nếu như ý ông lớn, không cho phép các quan châu huyện được một đồng tiền, thì những công việc bên ngoài ai lo cho? Chỉ cốt sao bề ngoài ông lớn vẫn giữ được tiếng thanh liêm, còn những việc quanh co ở bên trong cứ mặc chúng tôi lo liệu không can ngại gì đến ông lớn cả. Chúng tôi đã theo hầu chủ, thì thế nào cũng phải đem hết lương tâm ra mà làm việc.
Giả Chính bị Lý Thập nói cho một hồi, trong bụng bối rối, liền nói:
- Ta cần phải giữ gìn tính mệnh. Các anh mà gây chuyện ra thì ta không biết đến đâu.
Nói xong, ông ta vào phòng trong.
Từ đó, Lý Thập làm mưa làm gió, cấu kết trong ngoài kéo bè kéo cánh lừa phỉnh Giả Chính làm việc, quả nhiên việc gì cũng chu đáo, việc gì cũng vừa lòng. Vì thế Giả Chính chẳng những không nghi, mà lại tin cậy. Lúc đó cũng có mấy nơi phát giác, nhưng quan trên thấy Giả Chính chất phác trung hậu, nên cũng không tra xét. Riêng có bọn môn khách giúp việc giấy tờ là nhìn xa thấy rộng, gặp dịp cũng có đem lời khuyên can. Nhưng Giả Chính không tin, nên cũng có người từ việc mà đi; cũng có người thân thiết với Giả Chính thì ở trong giúp đỡ. Nhờ vậy việc chuyên chở xong xuôi, không bị thiệt hại và quá thời hạn.
Một hôm, Giả Chính rảnh việc, ngồi trong phòng xem sách. Bỗng phòng công văn trình lên một bức thư, ngoài bì đề là: "Công văn của quan Tổng chế trấn thủ các xứ ở Hải Môn đệ gởi nha môn quan lương đạo tỉnh Giang Tây". Giả Chính mở ra xem thấy viết:
"Kim Lăng bạn cũ, lân lý tình sâu. Năm trước khi về làm việc ở kinh, mừng được gần gũi bên cạnh, lòng yêu rủ tới, hứa kết Châu Trần, đến nay cảm kích không quên. Chỉ vì được điều ra làm quan miền ven biển, chưa dám vội vã nài xin, trong dạ băn khoăn, than thở vì nỗi không có duyên gặp gỡ. Nay nghe ngựa xe xa tới, thực là thỏa dạ bình sinh. Đương định sang mừng, thì thơ tiên đến trước. Chốn biên đình thêm phần rạng rỡ, kẻ vũ phu này xiết đỗi đội ơn. Tuy cách bể khơi, cũng nhờ phúc âm. Mong không bỏ nơi thấp hèn, dây leo nương tựa. Cháu bé đã dược đoái thương, thục nữ vẫn nghe nết tốt. Nếu dược nhận lời, xin nhờ người mối. Đường sá dầu xa, nước sông cũng tiện; dám đâu trăm cỗ rước dâu, xin dọn thuyền tiên để đợi. Thư tiên một bức, kính chúc thăng quan và cầu xin y ước. Đang khi cầm bút, khôn xiết mong chờ.
Em là Chu Quỳnh cúi đầu."
Giả Chính xem xong, nghĩ bụng: "Nhân duyên con cái, quả nhiên là có tiền định. Năm trước vì thấy ông ta làm quan ở kinh, lại là người làng, xưa nay thân thiết với nhau, lại thấy thằng con xinh xắn nên ở trong tiệc rượu đã nói đến chuyện này. Nhưng vì chưa nhất định, nên cũng không nói với người nhà. Sau đó ông ta được điều đi làm quan ở miền ven biển, hai bên cũng không nói đến nữa. Không ngờ nay mình thăng nhậm đến đây, ông ta lại viết thư đến hỏi. Ta xem đôi bên cũng môn đăng hộ đối mà con ông ta cùng với Thám Xuân thì cũng vừa đôi. Nhưng vì ta chưa đưa gia quyến đến đây, đành phải viết thư bàn với người nhà đã."
Giả Chính đang lưỡng lự thì thấy ngoài cửa lại đưa vào một công văn, mời lên tỉnh họp bàn công việc. Giả Chính đành phải sắp xếp lên tỉnh, chờ quan tiết độ sai phái. Một hôm ở tỉnh rảnh việc ngồi trong công quán, thấy trên bàn chồng nhiều giấy báo tin tức việc quan, Giả Chính lấy xem hết. Xem đến một tờ thuộc bộ hình, thấy viết như thế này: "Xin báo về việc tên hành thương là Tiết bàn quê ở Kim Lăng... " Giả Chính giật nẩy mình: "Nguy to? Đã đệ án lên rồi!" Liền chú ý xem tiếp thì ra việc Tiết Bàn đánh chết Trương Tam, đút lót cho bọn nhân chứng, bịa đặt ngộ sát. Giả Chính vỗ bàn nói:
- Thôi, thế là hết!
Lại xem xuống phần dưới, thấy viết:
- Theo tờ tư của viên kinh doanh tiết độ sứ: "Nguyên Tiết Bàn vốn người Kim Lăng, đi qua huyện Thái Bình, nghỉ ở hàng nhà họ Lý mà không quen biết gì với người bán rượu ở hàng ấy là Trương Tam cả. Ngày tháng năm nọ, Tiết Bàn bảo chủ hàng dọn rượu để cùng uống với Ngô Lương, người ở huyện Thái Bình. Tiết Bà bảo Trương Tam lấy rượu, nhưng chê không ngon, bắt đổi thứ tốt, Trương Tam nói: "Rượu đã mua rồi… không thể đổi được" Tiết Bàn thấy anh ta ương ngạnh, cầm bát rượu hắt vào giữa mặt, không ngờ hắt mạnh quá, lại vừa gặp khi Trương Tam đang cuối xuống nhặt đũa, thành ra nhỡ tay, đập đúng thóp Trương Tam. Y đầu chảy máu, một chốc thì chết. Chủ hàng là họ Lý tới chữa không kịp, liền tin cho mẹ Trương Tam biết. Mẹ anh ta đến xem, thấy con đã chết, liền trình lý dịch địa phương, lên huyện trình báo. Viên tri huyện trước tới khám nghiệm. Người khám thương tích nói bị thương một chỗ, xương vỡ một tấc ba phân, và một chỗ bện sườn, rồi tư lên phủ xét lại. Quan phủ cho rằng Tiết Bàn thực vì hắt rượu nhỡ tay, ném bát đánh lầm, làm chết Trương Tam, chiếu theo tội ngộ sát, cho phép nộp tiền chuộc tội, theo luật đấu sát. Chúng tôi xét kỹ những lời khai của các người làm chứng và bà con người chết, trước sau không ăn khớp nhau. Lại tra luật đấu sát có ghi chú: "Tranh nhau gọi là đấu, đánh nhau gọi là ẩu". Phải thật không có tranh nhau, đánh nhau gì mà bất thình linh bị chết thì mới khép vào án ngộ sát được, Vậy nên giao cho quan tiết độ ở đấy xét rõ sự tình định án cho đúng mà trình lên. Nay cứ tờ sớ của quan tiết độ, thì Tiết Bàn vì Trương Tam không chịu đổi rượu, liền nắm lấy tay Trương Tam và đánh một đấm vào bên sườn. Trương Tam mắng lại, bị Tiết Bàn ném bát rượu, làm bị thương nặng ở thóp, xương nát óc chết tươi tức khắc. Như thế thì cái chết của Trương Tam là do Tiết Bàn dùng bát rượu đánh bị thương nặng mà gây nên. Cần phải bắt Tiết Bàn đền mạng, chiếu luật đấu sát, khép Tiết Bàn vào tội giảo giám hậu Ngô lương khép tội trượng đồ. Các quan phủ huyện xét hỏi không thật, xin nên... " Dưới bài báo này chua: "Bài này chưa hết".
Giả Chính vì Tiết phu nhân nhờ mình nên đã xin với tên tri huyện. Nếu họ xin chiếu chỉ nhà vua xét hỏi việc này sẽ liên lụy đến mình, ông ta lo lắng, liền tìm tờ báo tiếp sau đó mở xem, thì lại không đúng, đành cứ lục đi lục lại, xem hết chồng báo rút cục chẳng có tờ nào tiếp theo tờ báo đã đọc, trong bụng bối rối ngờ vực càng thêm lo sợ, ông ta đang bực mình thì thấy Lý Thập đi vào nói:
- Mời ông lớn vào hầu, trong nha môn đã đánh hai hồi trống.
Giả Chính vẫn cứ ngơ ngác như không nghe gì cả. Lý Thập lại mời lần nữa. Giả Chính nói:
- Việc này biết xử trí ra sao?
Lý Thập nói:
- Ông lớn có điều gì lo nghĩ thế?
Giả Chính đem việc xem báo nói cho anh ta nghe.
Lý Thập nói:
- Ông lớn cứ yên tâm, nếu trong bộ định thế là còn nhẹ cho cậu Tiết đấy! Khi ở kinh, tôi nghe nói cậu Tiết ở trong hàng rượu gọi một số đàn bà con gái đến, uống rượu say rồi gây chuyện, đánh anh hầu rượu chết tươi. Tôi lại nghe nói chẳng những đã nhờ quan huyện, mà còn nhờ cậu Hai Liễn, tung ra một số tiền, thông đồng với các nha môn. Không biết tại sao mà ở bộ không làm cho xong. Nay việc dù vỡ lở, quan bênh vực cho nhau, nhiều lắm chỉ phạm cái tội xét không đúng, bị cách chức là cùng, đời nào họ chịu nhận câu chuyện ăn tiền ấy? Ông lớn không cần lo lắng làm gì, để chúng tôi dò xem, đừng làm nhỡ việc quan trên.
Giả Chính nói:
- Các anh làm gì mà biết? Tiếc thay cho quan tri huyện chỉ vì một chút tình mà làm mất cả chức quan còn không biết có mang tội hay không?
- Bây giờ lo nghĩ cũng vô ích, ngoài kia người ta chờ chực đã lâu rồi, mời ông lớn đi ngay thôi.
_________________
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook