- Đi đâu? Thằng Phú...

Bỗng bà đấm mạnh vào vai của Thuần:

- Mày ác lắm! Mày ở lại mà không cho nó cùng ở, để nó bỏ đi mất, đi biệt rồi!

Thuần hoảng hốt:

- Mà nó đi đâu?

- Phải rồi, đến ngày đi chôn nó mà mày cũng không về, nên làm sao mày cứu nó ở lại được!

Như nghe một tiếng sét đánh mang tai, Thuần kêu to:

- Bác nói gì, ai chết?

Thuần tốc chạy thẳng vào nhà và khựng lại khi thấy trên bàn thờ mới là bức ảnh chân dung của Phú!

- Trời ơi!

Giọng bà Lụa lạc đi:

- Nó chết đã mấy tháng nay rồi, tại sao mày không hay?

Thuần hỏi lại:

- Bác nói sao? Phú chết bao giờ?

- Còn hai ngày nữa là đủ bốn mươi chín ngày.

Thuần lẩm nhẩm tính rồi kêu lên lần nữa:

- Không thể nào! Chính con mới vừa nhận thư của nó cách nay mấy ngày...

Anh móc cái thư trong túi nhìn lại cả dấu bưu điện đi và đến rồi đưa cho bà Lụa xem:

- Ngày gửi chỉ cách đây mười ngày, còn ngày nhận thì ba bữa trước. Như vậy sao bác nói Phú chết gần hai tháng?

Nghe Thuần nhắc, bà Lụa mới nín khóc, bà cầm lấy lá thư nhìn thật kỹ, có lẽ nhằm kiểm tra lại nét chữ, xem có nhầm lẫn gì không. Nhưng hoàn toàn đúng nét chữ của Phú khó mà lẫn lộn với ai, dẫu cho có viết tháo hay cách nào thì thoạt trông qua bà mẹ đã nhận ra ngay.

Khi cơn xúc động hạ bớt, bà Lụa kể cho Thuần nghe mọi chuyện, mà trong đó có một chi tiết vừa nghe qua Thuần đã kêu lên ngay:

- Bác nói Phú đi cùng với ba cô gái rồi bị nạn?

Bà Lụa gật đầu:

- Trước hôm mất, có một cô gái tên là Hạnh nói là từ Sài Gòn ra thăm nó, thằng Phú dẫn vô giới thiệu với bác và còn mời ở lại ăn cơm nữa. Nhưng cô gái ấy từ chối, nói là phải về nhà người quen ngay, bởi đang có hai người chị đang

đợi cơm. Thế rồi thằng Phú lấy xe đưa cô ấy về, nghe nói là ở gần Lăng Cô. Và hôm sau bác hay tin nó chết ở chỗ đó!

- Lăng Cô?

Thuần lẩm nhẩm trong miệng hai từ đó vài lần, hình như anh đang cố nhớ ra điều gì đó... Rồi chợt Thuần reo lên:

- Đúng rồi!

Bà Lụa ngạc nhiên:

- Con nói cái gì đúng?

- Lúc con ra đây hồi năm rồi, chính Phú đã kể cho con nghe, nó có quen một cô gái ở Lăng Cô, nhưng cô ấy đã chết cách đó mấy năm.

Bà Lụa xác nhận:

- Đúng, đó là con Hoa Lê, người yêu của nó. Chính cái chết của con nhỏ này mà khiến cho thằng Phú mất ăn mất ngủ cả năm trời. Nhưng chuyện đó với chuyện cái chết của nó có gì liên quan nhau đâu?

Thuần thừ người ra một lúc, rồi chợt nói:

- Con ngờ ngợ chuyện này... Mà bác nói Phú chết khi đi chung xe với mấy cô gái rồi xe bị rơi xuống vực lúc qua đèo Hải Vân?

- Bác nghe dân quanh đó nói vậy. Nhưng khi tìm xác thì chỉ thấy mỗi mình thằng Phú, bác chẳng thấy dấu vết gì của bạn nó.

- Bác biết nhà của cô Hoa Lê ở đâu không?

Bà Lụa nhẹ lắc đầu:

- Bác có nghe nói là ở ngay cuối làng chài, nhưng do già cả rồi nên bác đâu có dịp tới đó.

- Hoa Lê... nhất định con sẽ tìm ra!

Thuần vừa nói vừa vụt đứng lên định đi. Bà Lụa ngạc nhiên:

- Con mới ra, sao không ở lại với nó, mà tính đi đâu?

- Dạ, con đi tìm nhà cô Hoa Lê!

- Để làm gì?

- Con ngờ ngợ thế nào ấy...

Muốn tìm cách ngăn, nhưng trước sự cương quyết của Thuần, bà Lụa chỉ lắc đầu nhìn theo bóng của anh ta khuất ở ngoài cổng.

Thuần gọi một chiếc xe ôm, bảo chở về hướng đèo Hải Vân. Khi đến khúc quanh nhìn xuống Lăng Cô, anh bảo:

- Nếu có thể được thì anh đợi tôi trên này, tôi ra thăm một người quen bên Lăng, chừng hơn tiếng đồng hồ. Lúc về tôi sẽ trả cả tiền đợi cho anh.

Người chạy xe ôm vui vẻ:

- Cậu cứ đi, tôi ngồi ở quán nước ven đường kia uống cà phê đợi. Chứ giờ này xách xe không chạy về Huế thì cũng phí mà lát nữa khi cậu về cũng khó mà đón xe ở đoạn này.

Thuần một mình qua làng chài Lăng Cô. Anh lần mò hỏi thăm nhà Hoa Lê thì thật bất ngờ, hầu như ai cũng biết. Một bà già chỉ hướng cho Thuần:

- Cậu đi theo lối này, qua hết hơn chục cột phơi lưới thì thấy căn nhà sơn màu xanh nằm cheo leo gần bờ biển, đó là nhà của con Hoa Lê. Nhưng cậu kiếm nó làm gì, khi con bé đã chết lâu rồi?

Thuần lúng túng:

- Dạ... cháu muốn... tìm người nhà cô ấy.

Bà cụ thở dài:

- Có còn ai đâu mà tìm!

Thuần trố mắt nhìn:

- Sao vậy bác? Thế cha mẹ, anh em cô ấy?

- Nhà đó chỉ có hai mẹ con. Sau khi Hoa Lê chết được một năm thì do đau buồn nên bà mẹ cũng ngã bệnh nặng, bỏ vào chân đèo ở một mình. Từ đó căn nhà này bỏ hoang, không ai ở. Mãi cho đến khi cách đây gần hai tháng thì bỗng có ba cô gái lạ, từ Sài Gòn ra, họ cũng tìm tới ngôi nhà của Hoa Lê, nói là bạn thân, do không biết tin Hoa Lê chết nên ra thăm. Họ cũng gặp tôi, nhờ tôi cho vào ở nhờ nhà không chủ đó, do lỡ độ đường. Tôi thấy không có gì trở ngại nên để cho họ vào ở. Không ngờ...

Ngừng lại một lúc, rồi bà tiếp lời, làm cho thuần giật bắn người:

- Ngày hôm sau một trong ba cô gái đó đi đâu trở về, có dẫn theo một chàng trai. Họ vào nhà một lúc rồi cùng kéo nhau đi. Nghe nói họ cùng lên một chiếc xe hơi đậu chờ sẵn trên đèo. Thế rồi chỉ nửa tiếng sau, tôi nghe tin cả bọn họ đều tử nạn, do xe lạc tay lái, rơi xuống vực!

Bà cụ kể trong nước mắt, khiến Thuần cũng rưng rưng. Rồi bà tiếp lời:

- Hình như mấy người con gái lạ đó còn để nguyên hành lý trong nhà con Hoa Lê.

Không đợi nghe thêm, Thuần vội chạy tới chỗ ngôi nhà. Cổng chỉ chốt chớ không khoá, cửa bên trong cũng thế. Nên Thuần vô nhà khá dễ. Anh cũng tìm được ngay một chiếc xách tay khá lớn nằm ở góc nhà. Trong giỏ xách ngoài một số quần áo nữ, còn có một quyển sổ xinh xắn, ngoài bìa có ghi mấy chữ khá nắn nót: Hạnh tứ nương.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương