Hồi Đáo Lê Triều
-
3: Tương Ngộ
Quan đại thần Nguyễn Đức Trung trở về phủ sau buổi chầu sáng.
Thay y phục xong ngài ngồi uống trà tại thư phòng.
Thu Đào đứng nấp ngoài cửa, trộm nhìn vị quan đại thần có công lớn với đất nước được sử sách lưu danh, cô bồi hồi xúc động, làm sao cô dám tin ở nơi đây, vào lúc này, con người ấy lại chính là cha ruột của mình.
Nghe ngoài cửa có tiếng động, Nguyễn đại nhân nhìn ra và cười hiền từ:
- Thu Đào, con vào đây cho cha xem! Con đã khoẻ chưa?
Thu Đào rụt rè bước vào, tim đánh trống trong lồng ngực.
Nguyễn đại nhân nhìn con gái ánh mắt chất chứa nỗi lo lắng:
- Con vẫn không nhớ ra gì sao? Sao con lại sợ cha như người xa lạ vậy?
Thu Đào cảm động trước người cha hiền từ.
Nàng ái ngại lắm vì mình vốn không phải là Thu Đào, biết nói sao đây để ông chấp nhận con gái mình đã chết, Thu Đào bây giờ thật ra là Trần Trà My đến từ năm 2022.
Ôi thật điên rồ làm sao?
Nhưng trước mắt, nàng chỉ biết sống cuộc đời tiếp theo của Thu Đào, mọi chuyện đành tuỳ cơ ứng biến.
Thu Đào nhìn cha trấn an:
- Cha đừng lo, con vẫn đang khoẻ mạnh đây.
Có thể một thời gian sau con sẽ từ từ nhớ lại!
Nguyễn đại nhân xoa đầu đứa con gái tội nghiệp, ông chẳng còn biết nói gì.
Lúc đó, bác Ký - lão quản gia trong phủ bước vào, chấp tay trước ngực vái chào Nguyễn Đại nhân rồi thưa:
- Bẩm đại nhân, Ngô phu nhân và công tử đến, đang chờ ở phòng khách!
Nói xong bác Ký có ghé sát vào tai Nguyễn đại nhân để nói nhỏ vài điều.
Nghe xong, Nguyễn Đức Trung đại nhân đưa mắt sang nhìn Thu Đào một lần, rồi dặn dò bác quản gia:
- Đi báo với Ngô phu nhân ta sẽ ra ngay!
Bác quản gia vừa đi khỏi, Nguyễn đại nhân nói với Thu Đào:
- Con cứ về phòng, nếu cần cha sẽ gọi ra để gặp Ngô phu nhân một lúc, cho nên con đừng đi đâu xa đấy!
Thu Đào "dạ" một tiếng rồi về phòng theo lời cha dặn.
Phủ đệ của một vị quan đại thần đúng là có khác, rộng lớn khoảng ba hecta nếu tính theo đơn vị đo lường thời hiện đại.
Thu Đào vừa đi vừa ngắm nhìn không chán mắt.
Quả đúng là văn hóa thời kỳ này ưa chuộng lối kiến trúc tứ hợp viện, xây theo hình chữ nhật, cổng vào ở phía trước, hai cạnh dài trái và phải của hình chữ nhật là hai dãy phòng ở của gia chủ, phòng sách, phòng của gia nhân, nhà kho vv..
Giữa lòng hình chữ nhật là một hồ nhỏ do gia chủ cố ý tạo ra để trồng sen, nuôi cá cảnh.
Ven bờ hồ còn có ba gốc dương liễu to, cành liễu thướt tha rủ xuống như những bức rèm trên mặt nước.
Phía sau khu nhà hình chữ nhật còn có một vườn hoa nhỏ và đình hóng mát, vài ngày trước Thu Đào và Thu Hằng đã ngồi đó trò chuyện.
Trời nắng dịu, đứng dưới gốc dương liễu ngắm hoa sen đang nở thật không có gì thích thú bằng.
Nhìn quanh không có ai, Thu Đào hít một hơi sâu và vươn vai một cái thật dài, cô nhắm mắt, ngửa mặt lên trời, hai tay dang rộng ra như muốn ôm lấy cảnh vật xinh tươi trước mặt.
Tõm! - Một viên đá rơi xuống mặt hồ đúng ngay chỗ Thu Đào đứng, nước bắn lên ướt cả mặt.
Nàng giật mình nhìn xung quanh xem chuyện gì.
Ở bờ hồ bên kia, một chàng trai trẻ ăn mặc gọn gàng, áo màu xanh da trời nhạt, quán kích (*) trên búi tóc cũng màu xanh nhạt trông rất hài hòa.
Nụ cười của chàng rất đẹp tuy có chút tinh nghịch trong đó, và quan trọng hơn hết, Thu Đào trông chàng rất quen mặt, cảm giác rất thân thương thoáng qua, làm nàng cố lục tìm trong trí nhớ xem đã gặp chàng ở đâu.
Chàng cất tiếng nói phá vỡ bầu không khí im lặng, và kéo Thu Đào quay lại sau những dòng suy nghĩ:
- Đại tiểu thư nổi tiếng đoan trang, xinh đẹp, thông minh hay chữ của phủ Nguyễn đại nhân đây sao? Ta lại thích bộ dạng phóng khoáng như nam nhân này của nàng hơn đấy!
Thu Đào lúc này mới giật thót vì ý thức được mình đang đứng dang hai tay chân giữa trời đất, ở thời phong kiến này chắc đây là hình ảnh độc lạ, bị ai nhìn thấy có lẽ sẽ ế chồng!
Chấn chỉnh lại tư thế, Thu Đào xếp hai tay trước bụng nghiêng nhẹ người cuối chào, theo cái cách mấy hôm nay nàng thấy những người ở đây hay làm, nhưng nó vụn về đến buồn cười.
Nàng cố gắng vận dụng hết vốn cổ ngữ trang trọng rồi nói:
- Chẳng hay tôn giá đây là?
Chàng trai đưa tay ra hiệu rằng không cần khách sáo:
- Ấy, ta chỉ là một người bình thường, sẵn dịp cùng Ngô phu nhân đến thăm phủ đệ, không cần đa lễ!
Nghe nói có liên quan đến Ngô phu nhân đang đến thăm nhà, Thu Đào thầm nghĩ Ngô phu nhân và người này được cha trân trọng đón tiếp, phần nhiều cũng là người nhà quan lại, vì vậy nên cẩn thận ngôn hành thì hơn.
Thu Đào nói:
- Lúc nãy tiểu nữ không biết có công tử ở đây nên không ý tứ, xin người đừng chê cười.
Chàng trai đáp:
- Ta tình cờ đến thăm phủ đệ, lúc nãy trông thấy cô nương đây xinh đẹp đáng yêu nên đã có ý trêu đùa một chút, xin cô nương bỏ qua cho!
Lời khen không chút ngại ngần của chàng làm Thu Đào ngượng đỏ mặt.
Đang lúng túng chưa biết phải nói sao thì lại nghe tiếng bước chân sau lưng.
Thu Đào xoay lưng lại xem là ai.
Cùng lúc đó chàng trai áo xanh lam đưa ngón tay lên môi ra hiệu "suỵt" - ý muốn những người đang đối diện với Thu Đào không cần nói ra thân phận của mình.
Về phần Thu Đào, khi quay đầu lại nhìn thì giật thót cả người, vì trước mắt nàng là gương mặt khiến trái tim này đau đớn trong suốt thời gian vừa qua.
Vẫn là anh, vẫn là nét lạnh lùng kiêu hãnh của một chàng trai phong độ tài năng.
Chỉ có điều, với trang phục cổ trên người, nhìn anh có thêm cả khí chất uy nghi nữa.
- Cái quái gì thế này?
Thu Đào tự hỏi và cứ đứng ngây người nhìn vào chàng.
Kỳ lạ hơn nữa là chàng cũng đáp lại với ánh mắt chứa đựng thâm tình.
Vâng, đứng giữa Ngô phu nhân và Nguyễn đại nhân, xét về ngoại hình, thì đó là Sỹ Thành, người làm trái tim nàng chưa bao giờ nguôi đau khổ suốt những ngày qua.
- Nàng đã khoẻ chưa? - chàng trai giống Sỹ Thành như đúc cất tiếng hỏi.
Đứng trước mối tình đầu mấy ai không xao động trong lòng? Thu Đào đang bị cảm giác bất ngờ cộng với nghẹn ngào u uất bủa vây nên cứ đứng yên như tượng.
Mãi một lúc sau mới lấy lại bĩnh tĩnh, hành lễ chào rồi thưa:
- Tiểu nữ hoàn toàn khoẻ mạnh, đa tạ công tử có lời hỏi thăm!
Chàng lại nói tiếp:
- Mong nàng mau chóng khoẻ lại, còn cùng chúng ta học cưỡi ngựa bắn cung, nàng đâu dễ dàng chịu thua chúng ta đúng không?
Thu Đào nghe nói đến đây cảm thấy ngạc nhiên lắm, tự hỏi:
- Cái cô tiểu thư Thu Đào này sao thích toàn những trò đàn ông vậy ta?
Rồi nàng trả lời:
- Tiểu nữ không biết những thứ này, e là không thể cùng người so tài được đâu!
Chàng trai tỏ vẻ ngạc nhiên, đưa mắt sang nhìn Nguyễn đại nhân như cần một lời giải thích.
Nguyễn đại nhân cũng chỉ đành thở dài xác nhận:
- Quả thật tiểu nữ của lão phu đã không còn nhớ được gì, không còn là Thu Đào của trước kia nữa!
Lúc này, chàng trai áo xanh lam trêu ghẹo Thu Đào lúc nãy tiến đến trước mặt nàng cười lém lỉnh:
- Có vẻ như ở đây ta là người ít phải buồn nhất, vì không bị nàng quên lãng, nhưng từ đây nàng phải nhớ kỹ ta đấy.
Bổn công tử là cháu gọi Ngô phu nhân đây là dì ruột, Lê Tuấn!
Chàng trai giống Sỹ Thành không giấu nổi tâm trạng ngậm ngùi:
- Còn ta thì không ngờ hôm nay lại phải nhắc nàng về tên của ta!
Lê Tuấn vốn không thích dài dòng, và có lẽ bởi chàng không hiểu được câu chuyện giữa Thu Đào và em trai trước kia, nên đã nói luôn:
- Lê Hạo, biểu đệ của ta.
Nàng thấy sao mỹ nhân? Không tuấn tú bằng ta đúng không?
Câu pha trò của Lê Tuấn khiến tất cả mọi người bật cười.
Thu Đào cũng không chịu thua nhìn Lê Tuấn nói:
- Người tuấn tú thường rất đào hoa, nữ nhi thông minh không nên tin tưởng!
Nói xong Thu Đào tự cười khúc khích, nhưng xung quanh im lặng đáng sợ khiến nàng chột dạ tắt ngay nụ cười rồi nhìn quanh quan sát.
Nguyễn đại nhân mặt tái nhợt nhắc nhở con gái:
- Thu Đào, con không được vô lễ!
Lê Tuấn ra hiệu cho Nguyễn đại nhân rằng ông cứ yên tâm, chàng không hề để ý.
Xong nói với Thu Đào:
- Rồi nàng sẽ thích nam tử đào hoa cho mà xem!
Thu Đào định trả lời nhưng thấy cha lắc đầu ý bảo "không nên", nàng đành chịu thua anh chàng tự tin thái hóa này.
Lê Hạo hiểu được tình ý của Lê Tuấn, trong mắt chàng chất chứa nét u sầu.
Và diễn biến tâm trạng của chàng luôn bị Ngô phu nhân theo dõi từ đầu, không bỏ sót chi tiết nào.
* * *
Trường Quốc Tử Giám, trong một phòng học đặc biệt chỉ có năm học trò.
Tư nghiệp (*) - Ngô Sĩ Liên đại nhân đích thân giảng dạy cho năm nhân vật này.
Đúng ngọ, lớp học kết thúc, Ngô Tư Nghiệp toan chấp tay hành lễ chào thì Lê Tuấn khẽ lắc đầu ra hiệu miễn lễ.
Như hiểu ý, Ngô đại nhân vẫn theo khuôn phép ngày thường căn dặn:
- Hôm nay đến đây thôi, các các vị điện hạ, tiểu thư nhớ đọc thuộc hết hai bài thơ hôm nay, ngày mai hạ thần sẽ kiểm tra.
Hạ thần cáo lui!
Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân đứng cạnh hoàng tử thứ hai của Lê Thái Tông - Lê Khắc Xương bước lên chắp tay đáp lễ Ngô đại nhân:
- Tư nghiệp đại nhân miễn lễ! Đi thong thả!
Ngô đại nhân đưa mắt nhìn Lê Tuấn khẽ nghiên đầu chào rồi ra ngoài.
Lạng Sơn Vương nhìn sang Thu Hằng nói:
- Hôm nay Thu Đào vẫn chưa thể đến học, xem ra tam đệ của ta phí công đến đây rồi!
Nói xong Nghi Dân nhìn Lê Tuấn cười trêu ghẹo.
Thu Hằng e thẹn trả lời, nhưng chốc chốc cứ liếc sang Lê Hạo để dò xét phản ứng của chàng:
- Tỷ tỷ từ sau bạo bệnh tính tình hiếu động ham chơi, không còn thích học chữ nghĩa, tiểu nữ có thử qua nhưng dường như Thu Đào chỉ đọc được những chữ đơn giản, không biết có còn theo kịp chúng ta không!
Lê Tuấn vì muốn Thu Đào tiếp tục đến lớp nên diện cớ:
- Nếu chữ nghĩa đã không giỏi thì càng phải học cùng chúng ta, ta sẽ giúp cho nàng ấy tiến bộ!
Lê Khắc Xương thấy Lê Tuấn có ý với Thu Đào thì đắc ý nhìn Lạng Sơn Vương.
Lạng Sơn Vương hiểu ý em liền nắm bắt cơ hội dò xét:
- Thì ra anh hùng vướng phải ánh mắt mỹ nhân!
Nói xong Lê Tuấn và Lạng Sơn Vương, Lê Khắc Xương phá lên cười sảng khoái.
Chỉ có Lê Hạo cười gượng gạo, ánh mắt chất chứa ưu tư:
- Chỉ cần là tam ca thật lòng, đối với nữ nhân nào cũng là đại phúc!
Lê Tuấn thích thú vỗ vai Lê Hạo:
- Cảm ơn đệ đệ tốt dù cùng nàng thanh mai trúc mã cũng không động lòng.
Nhường lại mỹ nhân cho ta!
Nói xong lại phá lên cười.
Thu Hằng nghe qua câu chuyện đã hiểu ngay từ đây Lê Hạo xem như đã đoạn tuyệt với Thu Đào.
Nàng phấn khởi trong lòng lắm, nhưng xem thái độ của Lê Hạo, nàng biết để bước vào trái tim chàng như Thu Đào trước kia đã từng làm được thì vẫn là điều rất khó khăn.
Lê Khắc Xương nhìn Lê Tuấn, giọng cố tỏ ra bình thường nhưng khó giấu được nét cung kính:
- Tam đệ! Ta và đại ca còn việc triều chính, xin phép cáo từ!
Lê Tuấn trả lời:
- Ta thật là kẻ nhàn hạ, không được như các vị biểu huynh luôn bận rộn chính sự! Thôi các huynh cứ đi, ta đến Huy Văn Tự với Lê Hạo.
Tiểu đệ cũng xin cáo từ!
Lê Tuấn nói xong dáng vẻ châm chọc cúi đầu chào hai người anh, làm Lạng Sơn Vương và Lê Khắc Xương có chút hốt hoảng chấp tay đáp lễ.
Thu Hằng là cô gái thông minh và tinh tế, tuy chỉ được giới thiệu là biểu huynh của Lê Hạo, nhưng qua phong cách lễ nghi hoàng gia và sự thoãi mái tự nhiên khi tiếp chuyện với ba vị hoàng tử đương triều của Lê Tuấn, nàng chắc chắn đây hẳn là một vị vương tôn quý tử đang cố che giấu thân phận.
Nghĩ vậy, Thu Hằng luôn cung kính lễ nghi, tránh thất lễ mà phải đắc tội với bậc tôn quý.
* * *
Lại nói về duyên cớ vì sao Lê Tuấn lại chú ý đến đại tiểu thư Thu Đào - Con gái của Điện tiền chỉ huy sứ Nguyễn Đức Trung.
Mùa Xuân năm 1456, nhận thấy Bang Cơ đã 16 tuổi, cũng là lúc nên lập hậu phi, sớm có hoàng tôn để Đông cung có chủ, tránh được những tranh đấu đẫm máu như thời Lê Thái Tông, Tuyên Từ thái hậu hối thúc nhà vua sớm lập hoàng hậu, hay ít nhất cũng là nạp vài cung tần.
Lúc đó, các quan lại và hoàng thân quốc thích tranh nhau tiến cử khuê nữ của mình cho hoàng đế.
Nguyễn Đức Trung đại nhân cũng không ngoại lệ, ngài luôn rất tự hào có hai vị tiểu thư xinh đẹp tài năng, nay có cơ hội giúp con gái bay lên cao thành phượng hoàng, lại rất có lợi cho quan lộ, vì vậy đã cho vẽ chân dung của Thu Hằng và Thu Đào mang đến Nội Phủ Giám (*) ứng tuyển.
Lê Nhân Tông lúc đó nổi tiếng là vị vua cần chính (*), lại chưa phải lòng nữ nhi nào nên không quá để tâm việc tuyển tú, chỉ mặc cho thái hậu sắp đặt.
Thái giám thân cận Đào Biểu cũng mong hoàng đế sớm có cung phi hầu hạ nên hết lòng thúc giục.
Một đêm nọ, Đào Biểu ôm hơn mười bức tranh chân dung các tiểu thư con nhà quan lại đến, khẩn khoản mong nhà vua dành chút thời gian xem qua.
Nhưng trong lúc bận rộn phê duyệt tấu chương, Nhân Tông đã quên mất, bỏ mặc Đào Biểu đứng ngủ gật bên cạnh, trong lúc mơ màng Đào Biểu đã đánh rơi một bức tranh trúng ngay đầu vua, bèn hốt hoảng quỳ xuống xin tội.
Vốn là vị vua nhân từ luôn xem thái giám thân cận là bậc cha anh, chàng chỉ cười hiền từ, nhặt bức tranh lên thuận tay để lên bàn, xong lệnh cho Đào Biểu:
- Đào công công, Trẫm biết ngươi muốn tốt cho Trẫm, nhưng đã khuya rồi, cho phép ngươi về nghỉ ngơi, cứ để các bức họa lại đây.
Trẫm hứa với ngươi sẽ xem hết trong vòng ba ngày!
Đào Biểu vui mừng lạy tạ:
- Đạ hoàng thượng ân điển, chỉ cần người mau chóng lập cung tần là thái hậu và thần sẽ hết sức vui mừng!
Đào Biểu khấu đầu rồi lui ra.
Nhân Tông lắc đầu cười thay cho thái hậu và Đào Biểu, lúc nào cũng nghĩ việc mau chóng có hoàng tôn.
Khoảng giờ Sửu (*), nến sắp tàn chỉ còn ánh sáng yếu ớt.
Một cơn gió lạnh thổi vào làm tắt đi vài ngọn nến.
Căn phòng chìm vào bóng tối mờ ảo.
Lê Nhân Tông thấy mình đang đứng trong một vườn hoa nhỏ, tay cầm chiếc ô đứng nhìn về cửa sổ của một căn phòng.
Một mỹ nhân đang ngồi trong đó, ánh mắt hướng về chàng mỉm cười, bất giác chàng nhận ra đây chính là nữ tử kiếp này mình sẽ hết lòng thương yêu, bèn vui mừng nói:
- Ta đợi nàng đủ lâu rồi đấy!
Bổng nhiên Đào Biểu xuất hiện sau lưng, vỗ vào vai chàng nói:
- Hoàng thượng, đã đến giờ Dần (*), mời hoàng thượng tỉnh dậy chuẩn bị thượng triều!
Nhân Tông mở choàng mắt tỉnh dậy, hóa ra là một giấc mơ..
Nhưng lạ thay, thấy Đào Biểu mỉm cười nhìn xuống bàn nên chàng mới nhìn lại.
Bức tranh vẽ Thu Đào - Người con gái trong giấc mơ của chàng - đang mở ra đặt ngay ngắn trên bàn, và có lẽ chàng đã gục đầu ngủ trên bức tranh ấy cả đêm qua.
* * * Hết chương 3----
Chú thích:
1.
(*) Quán kích: Chiếc mũ nhỏ dùng đội trên búi tóc của nam giới thời nhà Lê.
2.
(*) Tư nghiệp: Chức vụ như hiệu phó của một trường học.
3.
(*) Cần chính: Chỉ một vị vua chăm lo việc nước.
4.
(*) Giờ Sửu: 1h đến 3h sáng.
5.
(*) Giờ Dần: 3h đến 5h sáng.
6.
(*) Biểu huynh, biểu đệ: Anh em họ
/BOOK].
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook