Kể từ sau ngày hôm ấy, tôi và con Vy đều tranh thủ một ít thời gian trong ngày để đến chơi với con Maxi và cho nó ăn.

Chúng tôi lót lại cái ổ cho nó và làm thêm một cái mái che ở bên trên, như vậy nó sẽ không còn thấy lạnh vào những ngày trời mưa nữa.

Trông thấy chúng tôi hay đến chăm sóc con chó, một bà lão sống gần đó đến hỏi han vài thứ.

Rồi bà mời chúng tôi vào nhà uống nước và kể cho chúng tôi biết đôi chút về con Maxi.
- Ông Thuấn, người chủ trước của con chó - Bà ấy nói - Sống ở đây cũng hơn ba chục năm rồi.

Không ai biết ông ấy từ đâu tới, người nói là chạy giặc, người đồn là trốn nợ, nhưng cụ thể thì không ai rõ, mà ông ấy cũng không nói.

Ông ấy khá trầm tính và cô độc.

Kể ra thì cuộc đời ông ấy khổ lắm chứ chẳng sung sướng gì.

Hồi mới tới, ông ấy còn dẫn theo vợ và một đứa con gái nhỏ nữa.

Ông ấy dựng một cái chòi nhỏ ở đó, - Bà lão chỉ vào cái hiệu sách - Rồi cả nhà ba người cùng chung sống bên trong.

Hai vợ chồng cặm cụi làm đủ nghề kiếm sống, phải để đứa con gái ở nhà một mình rồi nhờ hàng xóm trông hộ.

Nói chung là hồi đó ai cũng khổ, ai cũng bận, có quan tâm thì cũng chẳng để mắt cả ngày được.

Thế là đứa nhỏ đi lạc mất, cô Thuấn ngồi khóc lóc ba ngày ba đêm, còn ông Thuấn thì cũng chẳng còn tâm trí làm lụng gì, chỉ ở nhà với vợ.

Nhưng sau đó ông ấy cũng đi làm lại, cô vợ thì qua một thời gian tinh thần cũng khá lên.

Rồi cô Thuấn lại có bầu, hai vợ chồng lấy hết tiền để dành để xây một cái nhà nhỏ và mở một quầy báo.


Lúc đó thiếu tiền, hai người còn phải chạy lòng vòng khắp nơi để mượn nữa.

Cô Thuấn ở nhà trông sạp báo với may quần áo, như vậy cũng đỡ khổ.

Sau đó, bọn họ sinh được một đứa con gái dễ thương lắm, nhưng cô Thuấn chỉ vừa kịp nhìn thấy đứa nhỏ là tắt thở.

Từ đó tới giờ cũng gần ba chục năm nên không ai nhớ tên cô ấy, - Bà thở dài - Mỗi khi nhắc tới chỉ gọi là cô Thuấn.

Rồi ông Thuấn cứ vậy mà nuôi con, chạy hết nhà này đến nhà kia xin sữa, nhìn thương lắm.

Lúc đầu, ông ấy vừa đi làm vừa mang đứa nhỏ theo, nhưng cứ như vậy khiến con bé bị bịnh miết.

Ông ấy mở một quán nước ở trước nhà, bên cạnh quầy báo, như vậy đứa nhỏ cũng đỡ khổ, nhưng được một thời gian thì lại dẹp đi vì ế quá.

Sau đó, ông mở một hàng sách cũ, lúc này thì cuộc sống của ông mới khá lên một chút.

Rồi từ cái hàng sách cũ, ông cũng gom góp đủ tiền để nhập thêm sách mới về bán.

Ông bán được lắm, mới hai năm mà đã trả hết nợ, rồi hai năm nữa là đủ tiền để sửa lại cái nhà, gần giống với cái nhà mà hai đứa đang nhìn thấy đằng kia.

- Bà nhấp một ngụm nước rồi nói tiếp - Cô con gái lớn lên cũng ngoan, nó tên gì nhỉ - Bà khẽ nhăn trán để suy nghĩ - À, nó tên Xuân, vì được sinh vào mùa Xuân.

Con bé biết nghe lời với lễ phép lắm, sáng nào cũng phụ ba nó đem báo đi bán, cả xóm ai cũng thương.

Nhiều lúc bà với mấy người trong xóm thấy tội nên cho nó tiền, nhưng nó không nhận, còn cho kẹo thì nó cười hì hì - Bà lão cười - Nhận lấy rồi vòng tay lại cảm ơn.

Mà con bé học cũng rất giỏi nữa, đám con nít trong xóm chả có đứa nào học lại nó.


Học xong cấp ba, hình như nó học trường của mấy đứa luôn thì phải, - Bà nhìn vào bảng tên con Vy và nói - Nó thi Đại Học gì trong ở Sài Gòn đó, nhưng không đậu.

Xong nó xin xét điểm vào trường Thủy Sản rồi học ở đây luôn.

Ở đây, con bé vẫn đứng nhất trường, - Bà nói - Suốt bốn năm liền, năm nào nó cũng được học bổng.

Rồi nó ra trường và nhanh chóng tìm được một công việc ổn định.

Được một hai năm gì đó thì con bé làm quen được một anh Tây, sau thời gian tìm hiểu thì anh này tới nhà gặp ông Thuấn để hỏi cưới con bé.

Nhìn anh này cũng đẹp trai, cao ráo và hiền lành nên ông đồng ý.

- Bà lại uống một ngụm nước, trầm ngâm một lát rồi nói tiếp - Khoảng ba bốn năm trước, anh này có việc phải rời khỏi Việt Nam và muốn con bé đi cùng, nhưng con bé thì không chịu xa ba nó.

Tối đó, bà nghe ông Thuấn la nó dữ lắm.

Từ khi chuyển tới đây, đó là lần đầu tiên ông ấy lớn tiếng như vậy.

Bà chỉ tình cờ đi ngang qua thôi, nhưng bởi vậy mới biết được là lúc trước nó cố tình thi rớt để ở lại Nha Trang.

Cuối cùng, con bé cũng chịu theo chồng nó đi nước ngoài, còn ông Thuấn thì lủi thủi ở nhà một mình từ đó.

Đi được một hai năm, nó có ghé về thăm ba nó một lần.

Nghe nói cuộc sống của nó cũng tốt lắm, nó còn gửi cho ba nó một đống tiền nữa.

Thế là ông ấy không bán sách báo nữa, nhưng vẫn giữa nguyên cái cửa hàng của mình như cũ, không xê xích bất cứ thứ gì trong đó cả.


Buổi sáng thì ông ấy lau chùi sạch sẽ từng cuốn sách một rồi đi uống cà phê tới tận trưa mới về, buổi chiều thì ông ấy ngồi trước nhà đọc sách cho tới chiều tối, và ngày nào cũng vậy.

Khoảng một năm trước, ông ấy xách ở đâu về con chó đó.

Lúc mới về nhìn nó ghê lắm chứ không như bây giờ, người thì còi cọc, lở loét tùm lum, lông thì bị trụi gần hết.

Mấy ông xóm trong tưởng ông ấy định làm thịt con chó nên cứ qua hỏi xin chút mồi, xong toàn bị ông ấy xách chổi đuổi đi.

Thực ra thì mọi người cũng đùa thôi, - Bà lão cười nói - Thấy ông ấy cô đơn quá nên lâu lâu cũng kiếm chuyện cho vui, chứ nếu muốn ăn thật thì nó không còn gặp được hai đứa đâu.

Ông ấy nuôi hay lắm, chỉ mới ba bốn tháng mà con chó mập ra hẳn, lông lá cũng bắt đầu mọc lại, tới giờ thì dài được như thế kia.

Nó thơm lắm chứ không như mấy con chó khác, ngày nào ông ấy cũng tắm cho nó, xong mới tắm cho mình.

Đám nhóc trong xóm thích ôm con chó lắm, mỗi ngày phải hít hít vài cái thì mới ăn ngon, ngủ ngon được.

Sáng thì ông ấy dắt nó đi lòng vòng ngoài biển rồi dắt về để trước nhà, tối thì lại dắt nó vào trong.

Ông ăn cái gì thì nó cũng ăn cái đó, ông đi đâu thì nó đi theo đó, ông ngủ ở đâu thì nó ngủ ở đó, hai chủ tớ cứ thế sống qua ngày.

Tưởng cuộc sống của ông ấy cuối cùng cũng coi như khổ tận cam lai - Bà lắc đầu thở dài - Ngờ đâu hai tháng trước tự nhiên bị trúng gió, nằm ngay đơ trước nhà.

Lúc đó buổi trưa, mọi người đang nghỉ ngơi thì nghe tiếng chó sủa inh ỏi nên mới biết.

Ông ấy được đưa đi bệnh viện nhưng không qua được, trước lúc mất cũng không được nhìn mặt đứa con gái yêu của mình lần cuối.

Con Xuân về không kịp gặp ba, nó khóc quá trời, nhưng rồi cũng phải đi.

Con bé muốn đem con chó theo nhưng không được, mỗi lần ẵm nó lên là nó lại giãy đành đạch, còn cắn con bé một cái.

Rồi con chó cứ nằm trước cửa như vậy tới giờ.


Lúc đầu nó còn dễ chịu, ai cho đồ nó cũng ăn.

Nhưng càng ngày nó càng hung dữ, ai tới gần là nó lại gầm gừ như muốn cắn, nhất là mấy ông đưa chủ của nó đi bệnh viện.

Rồi đồ người ta cho nó cũng không ăn nữa.

Đồ ăn dọn ra để đó không được phải dọn vô, dần dần mọi người cũng mặc kệ nó.

- Bà thở dài một hơi nữa - May mà có mấy đứa, chứ không cũng không biết nó nhịn thêm được bao lâu.
Nghe tiếng sụt sịt từ mũi con Vy, tôi lấy khăn giấy trong cặp của nó đưa cho nó.

Chúng tôi ngồi lại và nghe bà kể một ít chuyện nữa rồi xin phép ra về khi chiều muộn.

Trong lúc chờ tôi lấy xe, con Vy đi ra trước để ngồi với con Maxi.

Khi tôi dắt chiếc xe ngang qua cánh cửa nhà bà lão, bà giữ tay tôi lại và nói:
- Dù có như thế nào, cháu cũng phải đối xử tốt với con bé, đừng để nó buồn đó.
- Dạ, - Tôi gãi gãi đầu nói - Cháu biết rồi.
Bà lão nhìn tôi cười và đưa ngón tay cái lên.

Bà nhờ tôi đem cái tô của con Maxi vào cho bà, sáng bà sẽ chuẩn bị đồ ăn để chúng tôi đem ra cho nó.

Bà sợ chúng tôi tốn tiền mua đồ ăn.
- À phải rồi, - Tôi quay lại nhìn bà và nói - Con chó trước đây tên gì vậy bà?
- Hả, nó không có tên.

||||| Truyện đề cử: Lam Yên, Triền Miên Trói Buộc! |||||
- Dạ, vậy ông Thuấn hay gọi nó là gì ạ?
- Thì cứ gọi là chó thôi.

- Bà lão nhìn tôi cười..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương