Hoa Tư Dẫn
-
Chương 46
Ngày hôm sau chúng tôi rời Bối Trung, Chấp Túc đi theo còn được, nhưng Bách Lý Tấn một mực đòi đi theo thì quả rất thú vị.
Tôi và Quân Vỹ dự định giữa đường tìm cách bỏ rơi Chấp Túc và đám hộ vệ, cho nên biện pháp cuối cùng nghĩ ra là để Bách Lý Tấn đeo mặt nạ đóng giả tôi, còn tôi đeo mặt nạ đóng giả anh ta, ra khỏi Bối Trung đoàn sẽ chia làm hai ngả, Bách Lý Tấn đưa Chấp Túc, Tiểu Hoàng và đám hộ vệ tìm một lý do nào đó đi về hướng bắc, về hướng bắc, lại tiếp về hướng bắc, còn tôi và Quân Vỹ cưỡi ngựa truy phong đi Hạo thành, kinh đô Trần quốc gặp Quân sư phụ.
Lúc đầu Bách Lý Tấn phản đối rất dữ, nhưng ngoài anh ta chỉ có cách để Tiểu Hoàng đóng giả tôi, nếu vậy quả là quá khó.
Chuyện hành thích Trần vương tôi đã suy nghĩ rất nhiều, làm người phải giữ chữ tín, tôi được Quân sư phụ tái sinh trở lại nhân gian, sau khi chết vẫn có thể viên tròn ước nguyện mà suốt cả cuộc đời trước luôn day dứt tiếc nuối, cho nên bất luận thế nào cũng không thể nuốt lời, cho nên nhất định phải hành thích Trần vương.
Mộ Ngôn là tướng quân nước Trần, tôi biết, từ thượng cổ lương tướng trung thần có người trung thành với xã tắc, có người trung thành với quân vương, nhưng quả thực không thể đoán Mộ Ngôn thuộc loại nào, không dám hình dung chàng sẽ thế nào nếu biết tôi sẽ giết quân vương của chàng.
Ở đời có khi chuyện càng đơn giản càng khiến người ta đau đầu. Bất luận suy tính thế nào, đều khẳng định là thật thà chỉ có đường chết, muốn vẹn toàn cả hai, chuyện này chỉ có thể giấu Mộ Ngôn. Tôi nghĩ chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng này là đời này tôi không nợ ai nữa, từ đó có thể theo chàng suốt đời đến tận chân trời góc bể.
Trên đường một lần nữa nghe tin thừa tướng Khương quốc Bùi Ý bị giết, dư luận xôn xao, cơ hồ thiên hạ đều cho rằng chuyện do nước Triệu gây ra, bàn tán rất nhiều, rằng Triệu vương bản tính nham hiểm, hành xử hà khắc. Trước giết Tô Dự, sau giết Bùi Ý, lòng lang dạ sói.
Những lời đồn đó từ đâu ra đại khái có thể đoán được, Bùi Ý thực ra là bị Công Nghi Huân giết, Công Nghi Phỉ nói đó vốn là nhiệm vụ của chàng ta, tất cả đều vì nước Trần, xem ra Tô Dự bắt đầu báo thù.
Ngày trước Khương vu cho Triệu giết Tô Dự, lúc này Trần giết Khương thừa tướng, lại tung ra tin đồn như vậy nhất định khiến Khương rối loạn, dễ cho rằng đó là đòn báo thù của Triệu, đâu có ngờ người đứng sau âm mưu này lại chính là nước Trần từng được thiên tử phong thưởng.
Mộ Ngôn đi Triệu chuyến này có lẽ là phụng mật lệnh của Tô Dự liên minh với Triệu vương, chắc chắn sẽ tiết lộ với Triệu chuyện Khương vu oan cho Triệu, từ đó xúi bẩy Triệu gây chiến với Khương, có lẽ không lâu nữa, chiến tranh Triệu, Khương sẽ khai hỏa.
Theo tôi, chọc vào người khó chọc còn nguy hiểm hơn yêu người không nên yêu, Bùi Ý cả gan chọc vào Tô Dự, quả nhiên bị mất mạng.
Trần thế tử Tô Dự, con người luôn khiến thiên hạ xoay như chong chóng, đằng sau tiếng thơm nhân hậu hiền đức che giấu bao thủ đoạn hiểm ác, vậy mà trên thiên tử dưới lê dân, ai cũng cho là thanh liêm chính trực, trượng nghĩa, thủ tín, đóng kịch giỏi như vậy quả thật là bậc quân vương bẩm sinh, nước Vệ bị diệt dưới tay anh ta tôi tâm phục khẩu phục.
Nhưng nói vậy thôi, lúc đó Vệ đã hủ bại đến thế, bị diệt bởi tay ai tôi cũng tâm phục khẩu phục.
Phóng ngựa đi hai ngày đường, qua bao nhiêu cảnh vật làng quê, cuối cùng đến Hạo thành. Thành ngoại có sông bao quanh, rộng mười trượng, hai bên bờ trồng liễu, mùa hè nắng gắt liễu soi mình tỏa bóng xuống sông, thỉnh thoảng có tiếng ve trong lá. Một toà thành thơ mộng như vậy, đâu đâu cũng một cảnh tượng du nhàn, trên đường phố thỉnh thoảng lại thấy những công tử nhà giầu phóng đãng tay cầm lồng chim dẫn theo vài ba nô tài đùa giỡn trêu chọc con gái nhà lành.
Quân Vỹ rất không tán đồng, cho rằng nhất định chúng tôi đi sai phương hướng, làm gì có kinh đô nào phóng túng như vậy, thực ra có lẽ anh ta chưa từng trải. Hạo thành kinh đô Trần quốc, một trong những kinh đô phồn thịnh nhất đại lục, nói trắng ra là người ta thế này là che mắt thiên hạ, sức mạnh ẩn dưới vẻ phù hoa hào nhoáng bên ngoài, trông càng phong lưu phóng đãng, ý chí càng kiên định khó lay.
Quân Vỹ nói đùa, nói vậy nghĩa là nơi ý chí kiên định khó lay nhất đại lục có lẽ là kỹ viện. Tôi lại thấy biết đâu đấy, sao dám khẳng định không phải thế.
Quân sư phụ chờ chúng tôi ở Tứ Hải Lầu, lữ quán lớn nhất Hạo thành, sư phụ cho rằng ở nơi hỗn tạp, rồng, rắn chen nhau như vậy mới dễ che mắt thiên hạ,
Chúng tôi được biết, thì ra động tĩnh mới của Trần vương thất chỉ là lễ mừng thọ Trần vương, lúc đó bá quan vào cung chúc tụng, tương đối dễ trà trộn vào, nhưng rút cục sư phụ định bố trí thế nào, tôi và Quân Vỹ cũng chưa biết, chỉ đoán là đây chính là nguyên do sư phụ từ núi Quân Vu cách xa ngàn dặm đích thân lặn lội đến đây.
Đang đêm Quân sư phụ gọi tôi và Quân Vỹ đến phòng, vốn tưởng bàn chuyện cơ mật gì, không ngờ sư phụ dùng dao rạch nhẹ ngón tay tôi, thản nhiên uống mấy giọt máu của tôi pha với nước trà lạnh, giống như Tống Ngưng đã làm ngày trước.
Không biết sư phụ định làm gì, tôi và Quân Vỹ băn khoăn nhìn nhau, đột nhiên nghe thấy sư phụ hỏi: "Lai lịch Hoa Tư dẫn thế nào, chắc hai con đã nghe nói?". Thấy tôi và Quân Vỹ lắc đầu, sư phụ hơi ngừng lại, bỏ chiếc cốc trong tay xuống, chậm rãi giải thích: "Viên giao châu được phong ấn Hoa Tư dẫn thế gian chỉ có độc nhất một viên, không phải là thánh vật gì của Quân Vu giáo, mà là di vật của sư phụ ta để lại cho ta. Sư phụ của ta có lẽ hai con cũng từng nghe, mang họ kép Mộ Dung, tên là An.
Tôi sững người. Mộ Dung An. Đã sớm nghe danh sư xuất cao đồ, cao nhân như Quân sư phụ mặc dù từng nghĩ sư phụ của ông ắt phải là bậc cao nhân, nhưng nghĩ trăm lần cũng không thể nghĩ ra lại chính là Mộ Dung An.
Cái tên đã trở thành truyền kỳ, phàm những người liên quan đến bí thuật không ai không biết. Một trong những bí thuật sĩ cao minh nhất đông lục, có một tư dung siêu phàm trác việt vượt hết thảy thế gian, sư phụ Huệ Nhất tiên sinh của tôi đã từng vinh hạnh được gặp, ca tụng là nhan sắc tuyệt thế.
Ngồi lặng mãi mới cất lên lời, tôi kinh ngạc hỏi: "Nghe đồn Mộ Dung An chết hai mươi năm trước trong trận chiến Lịch Khâu giữa hai nước Khương - Trần, không biết năm đó có phải Mộ Dung An bị Trần vương hãm hại?".
Ông nhắm mắt, rất lâu sau, giọng mơ hồ vang lên: "Trần vương Tô Hoành là sư đệ của ta". Tôi lại lần nữa chấn động.
Trong đêm thu bóng nguyệt chan chứa, Quân sư phụ để cho chúng tôi nhìn thấy Hoa Tư điệu của ông, nói về quá vãng đã chôn vùi hơn hai mươi năm trước, cũng là nguyên nhân ông nhất quyết hành thích Trần vương.
Giọng ông khe khẽ, vang lên trong ánh nến yếu ớt: "Chuyện năm xưa sư phụ chưa bao giờ nói với ta, người biết chuyện chỉ cảm thấy Tô Hoành còn trẻ tuổi, sư phụ ta đã sai, nhưng họ quên mất một điều, sư phụ là một vong hồn, không quan tâm đến đạo đức nhân luân, còn Tô Hoành năm xưa tuy tuổi còn trẻ nhưng chưa chắc trong lòng đã không hiểu rõ, ta không tin định mệnh, nhưng rất nhiều năm sau hồi tưởng lại cũng không khỏi cảm thấy, gặp Tô Hoành có lẽ là hung mệnh của sư phụ ta...".
Trong tiếng nhạc trầm trầm, từng cảnh trong câu chuyện Quân sư phụ vừa nói tới hiện ra trước mắt tôi, chuyện bắt đầu từ một đêm giữa hạ hai mươi nhăm năm trước.
Tôi nhìn thấy một rừng phong lụi tàn, trăng sáng treo trên trời cao, tỏa ánh rạng ngời. Nhưng rừng phong dưới ánh trăng lại đượm màu chết chóc yêu ma, tháng sáu vốn là mùa lá phong nảy nở tươi xanh, nhưng ở đây thân khô cành héo, lá úa vàng lay lắt trên cành, có gió thổi lại không thấy rung lay.
Cả khu rừng im lìm như chết, không tiếng chim, không tiếng côn trùng, không sinh khí.
Tôi đang nghi ngờ trước mắt là bức tranh hay là cảnh thực, bỗng thấy một thiếu niên áo đen cưỡi tuấn mã màu đen phi như bay vào rừng phong, móng ngựa đạp xào xạo trên lớp lớp lá khô tích tụ, quạ đêm không biết từ đâu kêu oang oác, rào rào rơi xuống như lá rụng.
Tiếng vó ngựa rầm rập vang lên phía sau chàng thiếu niên, tiếng vó ngựa dồn dập truy bức gần tới nơi, mấy mũi tên vút qua lá phong cắm vào thân cây, con tuấn mã của chàng thiếu niên đột nhiên giương vó hí vang một tiếng, có lẽ bị trúng tên. Tôi nhìn mà sởn da gà, cảm thấy thiếu niên bị truy đuổi cùng đường, chắc chắn phải chết, trong rừng bất chợt vang lên tiếng lục lạc tinh tang.
Tiếng vó ngựa phi gấp, tiếng tên lao vun vút, tiếng lục lạc tinh tang, cảnh tượng trước mắt giống như ảo giác. Càng lạ lùng hơn, cùng với tiếng lục lạc tinh tang mỗi lúc càng rõ càng tiến càng gần, rừng phong tàn im lặng như chết trong chớp mắt như được hồi sinh, như một bức tranh thủy mặc trải ra, rễ đâm tua tủa bên dưới đám lá mục, trên cành nảy chồi xanh, cảnh tiêu điều từ từ chìm xuống, cả rừng phong lập tức sống lại tràn trề sinh khí.
Sương mù từ mặt đất bốc lên, lẩn quất trong lá cây, trên không truyền đến tiếng cười trong như tiếng chuông bạc, một cái bóng màu đỏ thoáng vút trong sương mù, nhanh đến không kịp nhận ra, chỉ có tiếng lục lạc tinh tang vang vọng, tiếng ngựa hí, tiếng người kêu thảm loạn trong màn sương, lát sau tất cả đã yên tĩnh không một tiếng động. Sương mù tan dần, một thiếu nữ áo đỏ lộng lẫy tay cầm trường kiếm đứng trên cành phong, xung quanh hàng đàn bướm đỏ bay dập dờn.
Thiếu niên áo đen ngồi trên lưng ngựa, hơi ngửa mặt nhìn ân nhân cứu mạng, dưới ánh trăng, đôi đồng tử đen in bóng áo đỏ, cặp mày thanh, mắt hạnh đào, trên trán in hình con bướm đỏ giương cánh. Mái tóc đen thướt tha, dưới gấu váy đỏ lộ ra đôi chân trần trắng như tuyết, trên cổ chân nhỏ nhắn đeo chuỗi lục lạc bằng bạc sáng loáng.
Kiếm trong tay vẫn nhỏ máu, cô không bận tâm, nghiêng đầu liếc qua những xác chết ngổn ngang trên mặt đất, ánh mắt dừng lại trên đôi mắt đẹp của thiếu niên đang lặng lẽ nhìn mình: "Ngươi là ai? Tại sao lại đến đây?".
Khóe mắt hơi nhếch lên, tươi cười, lời nói ra lại lạnh như băng: "Lẽ nào ngươi không biết, tự tiện xông vào rừng lá đỏ Phương Sơn ắt phải chết?".
Thiếu niên thúc ngựa tiến lên hai bước, ánh mắt liếc qua gót chân trần của cô: "Cho dù là đêm mùa hạ, cô nương đi chân trần thế này, e sẽ bị cảm lạnh".
Bướm đỏ đã bay mất từ lúc nào, trường kiếm cũng không thấy đâu, tiếng lục lạc lại vang lên trong không trung, gót hồng đã đậu trên đầu tuấn mã chàng thiếu niên đang cưỡi, tuấn mã vẫn đứng yên.
Cô hơi cúi xuống, tay phải nâng cằm chàng thiếu niên: "Ngươi không sợ ư?".
Chàng hơi ngẩng đầu, nhìn cô: "Tại sao ta phải sợ?".
Cô ngây ra một lúc rồi bật cười: "Thật là một nam nhi thú vị, ngươi nói thế khiến ta không muốn giết ngươi nữa".
Chàng trai thấy mình được an toàn vẫn không đổi sắc mặt, ánh mắt một lần nữa liếc qua gót chân trần của cô: "Cô không đi giày".
Cô nghiêng đầu: "Thế thì sao?".
Ánh trăng chiếu lên khuôn mặt nghiêm trang hơi lạnh của chàng thiếu niên, giọng nói nhẹ như tuyết bay gió thoảng: "Trông cô thế này, cô định đi đâu?", hơi dừng lại: "... Để tôi đưa cô về nhà".
Thiếu niên thúc ngựa phóng về phía tay cô vừa chỉ, rừng phong phía sau chớp mắt lại trở về cảnh tượng chết chóc ban đầu. Vó ngựa vừa vút qua, một thiếu niên áo xanh từ sau cây phong chỗ cô gái vừa đứng ló ra, tay cầm đôi giày lụa thêu màu đỏ, khẽ thở dài, nhìn kỹ nhận ra đó chính là Quân sư phụ lúc tuổi đôi mươi.
Thời gian vụt trôi, thì ra cô gái áo đỏ đó chính là Mộ Dung An, còn thiếu niên áo đen chắc là Trần vương Tô Hoành thuở thiếu niên. Chăm chú xem cảnh đó, hai mươi tư năm trước Tô Hoành mười sáu tuổi, đúng rồi, lúc đó ông ta vẫn chưa là Trần vương, mà là Trần quốc Hoành công tử.
Nghe nói tự cổ chí kim, phàm những trang giai nhân tuyệt sắc tình trường đều trắc trở, nhưng Mộ Dung An mà sử sách ghi chép cơ hồ không bị vướng vào oan nghiệt đó, trái lại chính những trang nam nhi gặp cô, tình lộ ai ấy đều trở nên truân chuyên, trắc trở.
Trong số đó người nghĩ quẩn nhất phải kể đến tứ công tử Trang Kế của Hạ quốc. Không nhớ rõ bộ dã sử nào ghi chép, nói Trang Kế muốn cưới Mộ Dung An, sự không thành, đành ôm hận mà chết, mẫu thân chàng muốn xin Mộ Dung An một món tóc để táng theo chàng, nhưng vị công tử đã chết vì mình là ai Mộ Dung An cũng không biết.
Sử sách chỉ dừng ở đó, vốn tưởng chỉ là truyền thuyết dân gian không đáng tin, lúc này thông qua Hoa Tư điệu của Quân sư phụ mới thấy hóa ra chuyện có thật.
Ba tháng sau khi Trang Kế công tử qua đời, Mộ Dung An xuất hiện ở lầu xanh lớn nhất Hạo thành, mỗi ngày đều tiếp hai vị khách, khách lên lầu thù tạc họa thơ thưởng nguyệt không cần ngàn kim vạn bạc, nhưng nhất thiết phải kể cho cô nghe một câu chuyện tình. Bởi vong hồn trở lại trần thế đương nhiên không hiểu thế thái nhân luân, điều đó nói lên cái chết của Trang Kế công tử đã làm cô xúc động, ít nhất cũng khiến cô bắt đầu hiểu chữ tình rốt cuộc là gì?
Nhưng tình duyên của Mộ Dung An và Tô Hoành một khi đã bén không gì ngăn được, có ai ngờ, một con người lãnh đạm kiêu ngạo như Tô Hoành lại đến lầu xanh, gọi đích danh Mộ Dung An, mặc dù lầu chủ nói rõ, cô gái này hơi đặc biệt, không bán thân không bán nghệ, cô đến nơi này thuần túy chỉ vì muốn kiểm nghiệm khổ ải của nhân sinh...
Mộ Dung An trí nhớ không tốt. Khi Tô Hoành vén rèm bước vào mặc dù dung quang chẳng khác lần gặp ban đầu, ngoài không cưỡi tuấn mã đen, thậm chí xiêm áo cũng giống hệt đêm đó, nhưng cô ngẩn người không nhận ra chàng, vẫn ung dung co gối ngồi trên ghế quý phi, thần thái khoan thai, không nhìn khách thêm một lần: "Đêm nay chàng đến là để kể chuyện cho ta? Chàng mang đến câu chuyện thế nào?".
Mắt cô vẫn nhìn đi nơi khác: "Ta biết một chàng công tử yêu một cô gái, mắc bệnh tương tư mà chết, câu chuyện của chàng liệu có ly kỳ như thế?".
Chàng để cốc trà xuống bàn, "Chuyện đó có gì ly kỳ, chẳng qua là một người yếu đuối, vì không được thỏa mãn tham vọng, chết bất đắc kỳ tử mà thôi".
Cô ngẩn người, cuối cùng quay lại nhìn chàng: "Vậy chàng đến đây không phải để kể chuyện ư?".
Chàng nhìn qua cửa sổ, một khuôn mặt nhìn nghiêng vô cùng tuấn tú, thong thả nói: "Nàng nói đúng, ta xưa nay không biết kể chuyện. Chỉ là hai tháng trước ta không cẩn thận xông vào một khu rừng phong, được một cô gái áo đỏ cứu mạng, về sau chúng tôi chia tay, ta không thể nào tìm thấy nàng. Ta đến đây để hỏi có lẽ nàng biết cô gái ta cần tìm ở đâu?".
Mắt cô lộ vẻ mơ màng, chăm chú nhìn chàng một lát, nhếch môi cười: "Là chàng sao?".
Chàng không nói.
Cô hơi nghiêng đầu, như hồ nghi, tôi không nhận ra động tác của cô, khi định thần đã thấy cô chân trần đứng trước mặt chàng, giống như lần đầu họ gặp nhau, cô cúi xuống nhìn chàng, trước khi mở miệng còn giả bộ suy nghĩ nghiêm túc: "Chàng tìm ta... chàng tìm ta... là muốn gì?".
Chàng bình tĩnh ngẩng đầu: "Nàng nói xem?".
Nhìn cô hình như băn khoăn thật, chàng chậm rãi nói: "Một người đàn ông trăm phương ngàn kế tìm một cô gái, ngoài muốn có được cô ấy, còn có thể vì cái gì?".
Cô như giật mình: "Có được cô ấy? Chàng định làm gì để có được cô ấy?".
Nụ cười tinh nghịch dâng lên trong mắt chàng: "Cho nên ta đến thỉnh giáo nàng, phải làm thế nào để có được cô ấy".
Cô quả thật sững ra một lát, lát sau, cuối cùng hiểu ra chàng định nói gì, nụ cười hiện dần trong mắt: "Thật thú vị!".
Dưới ánh đèn, con bướm đỏ trên trán lạnh lẽo yêu mị, ánh mắt cô dừng lại trên bàn tay thanh tú của chàng: "Nếu chàng đánh bại cô ấy, đương nhiên sẽ có được cô ấy. Ngoài ra không còn cách nào khác".
Tôi thầm nghĩ, thôi rồi, lại một cuộc đấu võ kén chồng. Nhưng cái gọi là đấu võ chẳng qua cũng chỉ là chinh phục và bị chinh phục. Thực ra, tại sao nhất thiết phải lấy người chinh phục mình, lấy người mình chinh phục cũng tốt chứ sao, như vậy nếu xảy ra bạo lực gia đình mình cũng không đến nỗi rơi vào thế hạ phong.
Nhưng rõ ràng Mộ Dung An không nghĩ thế, có lẽ chỉ là một cách thoái thác, cô vốn không muốn lấy ai, chắc chắn những lời từ chối đó chính là nguyên nhân mấy người đàn ông không thể có được như cô, như Trang Kế công tử, bởi không ai có thể thắng cô.
Đêm hôm đó Tô Hoành không nói gì ra về, cũng không rút kiếm thử với cô vài chiêu. Nhìn bóng chàng rời đi, Mộ Dung An thản nhiên giơ tay vuốt trán, môi lạnh lùng cười khẩy một tiếng, có lẽ cô cho rằng Trần quốc Hoành công tử thực ra cũng chỉ thế mà thôi.
Mộ Dung An là người thế nào, cả đông lục không ai tường tận, trước đây tôi chỉ biết qua những truyền thuyết thiên hạ truyền tụng về cô, các đạo sĩ cho rằng may mà cô quá siêu phàm khó bắt chước, nếu không đã có vô khối thiếu nữ sùng bái cô mà đi lệch đường. Text được lấy tại TruyệnFULL.vn
Bây giờ nhìn thấy việc làm của cô, cảm thấy mối lo của các đạo sĩ là thừa.
Quân sư phụ nói gặp Tô Hoành là hung mệnh của Mộ Dung An nhưng xem đến đây cảm thấy tất cả đều trái ngược.
Mộ Dung An thần thái ung dung, người đắm đuối mê muội lại là Tô Hoành. Thì ra vốn tưởng hai người sẽ âm thầm nảy sinh tình cảm do tình sư phụ, đệ tử sớm tối bên nhau, bây giờ xem ra giả thiết đó đã bị lung lay.
Nửa năm sau Tô Hoành trở thành đệ tử của Mộ Dung An. Một ân nhân của Mộ Dung An đưa Tô Hoành đến rừng lá đỏ Phương Sơn bái sư, nói rõ muốn học kiếm thuật của Mộ Dung An.
Tôi không biết chuyện này rốt cuộc là do Tô Hoành cố ý bày ra hay là duyên phận. Quân sư phụ lại không nói, nhưng lần thứ ba gặp lại, nhìn thấy Tô Hoành xuất hiện trong rừng lá đỏ, Mộ Dung An rõ ràng sững người, lát sau mỉm cười, "Lại là ngươi".
Cô vốn là một hồn ma sinh ra từ sát khí ngưng tụ trên chiến trường cổ, bao nhiêu năm nhân sự như phù vân lướt qua trước mắt, rất ít người khiến cô nhớ được, nhưng cô lại nhớ được Tô Hoành, không chỉ nhớ chàng, xem ra còn nhớ những lời chàng nói đêm đó.
Dưới vầng trăng tròn, Mộ Dung An vẫn tư thái ung dung đứng dưới một cây phong khô héo, hứng thú nhìn đệ tử mới nhập môn trước mặt: "Mặc dù có câu băng vốn từ nước mà thành nhưng lạnh hơn nước, xanh vốn từ lam nhưng đậm hơn lam, đệ tử không nghĩ chỉ cần bái ta làm sư là sẽ có ngày thắng được ta đấy chứ?".
Thiếu niên áo chùng đen đi lướt qua cô, đến chỗ sâu trong rừng phong, bóng đổ dài dưới trăng, giọng nói thanh lạnh tản trong gió: "Sư phụ nghĩ nhiều rồi". Kính cẩn tới mức có vẻ như trước nay chàng ta chỉ coi cô là sư phụ, con người ngang nhiên hỏi cô làm thế nào để có được cô nửa năm trước cơ hồ chưa từng tồn tại.
Trên Phương Sơn, sau khu rừng lá đỏ kỳ dị đó có một thiên động, có sơn thủy bốn mùa xanh tươi, có cổ thụ um tùm râm mát, một ngôi lầu trúc thấp thoáng dưới bóng cây, chính là biệt cư của Mộ Dung An.
Từ khi bái sư, Tô Hoành cư xử đất đúng đạo, ngôn hành nghiêm cẩn, đối với Mộ Dung An rất mực lễ độ, ngoài ăn ngủ, hầu như chỉ chuyên tâm luyện kiếm pháp, như một đồ đệ tôn sư trọng đạo, say mê kiếm thuật, tư chất thông minh lại chuyên cần nỗ lực.
Tôi nghi ngờ có lúc Mộ Dung An như đang thăm dò Tô Hoành, có lẽ cô không biết thiếu niên đó nghĩ gì, hoặc là thái độ một người tại sao trước sau lại khác xa như vậy. Trước đây tôi có nghe Quân Vỹ kể một câu chuyện, cũng là sư phụ và đệ tử, kể rằng một buổi tối, đệ tử luyện kiếm trở về nhìn thấy sư phụ nằm ngủ dưới bóng cây, đệ tử không thể kìm lòng đã mạo phạm sư phụ, sau đó bắt đầu một mối tình nồng nàn dai dẳng.
Nhưng rõ ràng Tô Hoành kìm chế hơn nhiều so với đệ tử đó, có một thời gian Mộ Dung An ngày nào cũng ngủ trưa ở trong khu rừng chàng luyện kiếm, còn đặc biệt cho đặt một chiếc giường mây ở chỗ chàng thường ngồi nghỉ khi luyện tập mỏi mệt, chàng lại bỏ đi chỗ khác như một người có giáo dưỡng, không hề có biểu hiện bất kính nào đối với sư phụ.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook