Hỏa thần: Cửu Hà long xà (BẢN DỊCH)
Chapter 33 quyển 5: Lý Lôi Thôi tầm bảo

Tiết 4:

Trước đây Lý Lôi Thôi chạy nạn tới Thiên Tân Vệ, nâng nửa cái chén bể ăn xin dọc đường, sau đó lượm cái đòn gánh múc nước sông mà sống, một nắng hai sương đưa nước cho người, đòn gánh đè cong eo còn phải cười xòa, chớ nhìn y sức lớn không ăn mệt, nếu bị du côn vô lại bới lông tìm vết đánh cho một trận, rắm cũng không dám thả một cái. Lời nói khó nghe, mệt mỏi làm cả đời, ngay cả tiền mua quan tài đều không tích lũy được, chết rồi thì chỉ còn mệnh cho chó trong đất hoang ăn. Mà hôm nay lại có chuyển biến, cùng Đậu Chiêm Long đi tìm bảo phát tài, Lý Lôi Thôi y có thể thêm kiến thức, xe cũng không đẩy cho tốt, bước đi nghênh ngang, một bước ba lắc, nhưng mà trang phục đồ đạc trên người quá khó coi, hãy nhớ y là một người múc nước sông đưa nước, ăn mặc như tên khất cái thối xin cơm, đầu tóc rối bù, áo quần toàn mụn vá, lại huênh hoang như kiểu đại gia, tựa như vai hề trên sân khấu, khiến người đi đường không khỏi nhao nhao ghé mắt.

Đậu Chiêm Long thấy thế không khỏi lắc đầu, ông không muốn khiến người khác chú ý, để tránh khỏi bởi vì cái nhỏ đánh mất cái lớn, đành phải mang Lý Lôi Thôi đi cắt tóc cạo râu trước, lại mua cho y bộ đồ, mặc dù không phải tơ lụa, nhưng ít nhất sạch sẽ chỉnh tề. Tục ngữ nói “người phối xiêm y ngựa phối yên, chó mang lục lạc chạy rất hăng”, Lý Lôi Thôi vốn là đại hán Sơn Đông cao lớn cường tráng, mấy năm nay múc sông đưa nước cũng luyện ra dáng người eo nhỏ vai rộng, chải chuốt từ đầu đến chân cũng ra dáng ra hình, giờ cũng càng oai phong hơn. Nhưng y phạm tham tiền, cuối cùng vẫn không vứt được tâm tư của người nghèo, không nỡ vứt bộ đồ cũ, thế là bao thành một đoàn vác ở sau lưng, tương lai cũng còn có thứ để thay. Sau khi thu xếp gọn gàng mọi thứ, hai người ăn cơm ở Dụ Hưng Lâu gần đấy. Đậu Chiêm Long kêu tiểu nhị tìm chỗ ngồi trên lầu, gọi một bầu trà thơm trước, lại gọi thêm vài món ăn, cá lóc hoa hầm, ruột heo ram mặn, hải sâm xào hành, chân giò thủy tinh, tất cả đều là món ngon, cộng thêm một cân sủi cảo thịt ba tiên chiên giòn, đây là món tủ của Dụ Hưng Lâu, còn có một bầu rượu nóng, bảo Lý Lôi Thôi uống ít thôi, để tránh lỡ lầm đại sự. Lý Lôi Thôi nhìn rượu thịt trên bàn thực sự không kiềm nổi nữa, liên tục rơi nước mắt, tại sao vậy chứ? Cho tới bây giờ chưa từng thấy qua món ngon như thế, tát mình một cái thấy rất đau, thì ra không phải là nằm mơ, nếu là trước kia tới nghĩ cũng không dám nghĩ, đây không phải là lấn tổ sao? Lau nước mắt buông lỏng lưng quần, bây giờ mới bắt đầu ăn. Đậu Chiêm Long không động đũa, vừa rít tẩu thuốc vừa nhìn Lý Lôi Thôi lang thôn hổ yết. Lý Lôi Thôi lại không thèm quan tâm tới Đậu Chiêm Long, dùng đũa còn thấy không đủ, trực tiếp duỗi tay bốc nhét vào miệng, chân giò rồi tới miếng cá, ruột heo bọc hải sâm, ăn vô cùng nhiệt tình. Chỉ một lúc sau, tiểu nhị lại bưng lên một đĩa đồ ăn, màu xanh lục trong veo, vừa nhìn là thấy sang trọng. Lý Lôi Thôi lấy ra kỹ năng “ăn một nghía hai mắt nhìn ba”, ăn trông nồi ngồi trông chén, còn chưa đặt đĩa xuống đã nghển cổ trừng mắt nhìn xem, đặt ở giữa đĩa là ruột cải trắng, vẫn còn nguyên vẹn không chặt không cắt, thầm nghĩ không thú vị, cải trắng bọn tôi ăn không ít, sao mà đã nghiền bằng thịt cá đầy bàn được? Lại thấy Đậu Chiêm Long đặt tẩu thuốc xuống bàn, ung dung cầm đũa lên, gắp miếng cải trắng lên nhai kỹ nuốt chậm ăn nó. Lý Lôi Thôi thật sự buồn bực, Đậu Chiêm Long tìm bảo đúng là cổ quái, nhiều món ngon như vậy mà không ăn, lại đi ăn miếng cải trắng?

Sau khi ăn uống no đủ, Lý Lôi Thôi đưa tay lau miệng, ợ một cái hỏi: “Đậu gia, đâu nghe nói mấy người tìm bảo các ông để thể ăn mặn đâu, ông ăn hết đĩa cải trắng, thì có đỡ đói không?”

Đậu Chiêm Long thấy trong đĩa còn miếng cải trắng, bèn đẩy tới trước Lý Lôi Thôi, để y nếm thử món “cải trắng lột” này. Lý Lôi Thôi nhìn miếng cải trắng ấy, ngược lại cũng rất tươi ngon, lá không rách, mép không héo, xanh xanh trắng trắng trông như phỉ thúy, đúng là đẹp mắt, nhưng đẹp thì có tác dụng gì? Dù nói thế nào thì nó cũng là cải trắng thôi mà? Có thể so được với giò chắc? Y cầm lên bỏ vào miệng, lập tức trợn tròn mắt, lá cải trắng này vừa vào miệng là tan, dư vị vô cùng, còn ngon hơn thịt cá nhiều, hối hận vừa rồi mắt vụng sao không ăn nhiều mấy miếng. Y cũng không biết rằng “cải trắng lột” là bản lĩnh giữ nhà của Dụ Hưng Lâu, món này bù được cho cả bàn tiệc linh đình. Nhìn như đơn giản nhưng rất phức tạp để làm nó, trước tiên dùng gà vịt thịt cá, tôm ốc sò hến ninh thành nồi nước luộc, lại làm nóng một chảo mỡ vịt, chọn loại cải trắng Giao Châu thượng đẳng, chỉ để lại những lá non nhất bên trong, còn lại ném hết không cần, gác trên nồi nước luộc để xông, tới khi nào thấy trên lá có nước thì bỏ xuống xào trong chảo mỡ vịt, lửa cũng phải vừa thôi, không thể chiên quá lâu, chưa bỏ xuống được bao lâu thì cho ra nồi ngay, lại đặt lên nước luộc để xông, xông xong lại chiên, cứ nhiều lần như vị cho tới khi mùi nước luộc được ninh vào hết, thì mới cho vào “nhã khí” để bưng lên bàn. Cải trắng lột của Dụ Hưng Lâu giống như Đậu Chiêm Long, chỉ nhìn ra là một người ngoài dưới quê cưỡi lừa ngậm thuốc, nhưng thật ra lại là chân nhân bất lộ tướng, có năng lực lên trời xuống đất, mở núi thăm biển. Có điều Đậu Chiêm Long không muốn nói nhiều với Lý Lôi Thôi, cái này gọi là đàn gảy tai trâu, làm trễ nải thời gian, cho y nếm một miếng để thêm kiến thức là được rồi, bởi vì Lý Lôi Thôi nằm mơ cũng không mơ tới cải trắng còn có thể ăn như vậy, có nói thì y cũng không hiểu được. Lý Lôi Thôi nói: “Đậu gia, đầu tôi đã cắt, râu cũng đã cạo, đồ cũng đã đổi, bụng cũng đã lấp đầy, ông còn mang tôi đi tìm bảo phát tài, nói thật, lúc cha tôi còn sống còn không đối xử với tôi tốt như thế, tôi xin dập đầu với ông vậy.”

Đậu Chiêm Long khoát tay: “Ăn mặc thì có gì để nói, đây đều không đáng nhắc tới, chờ Phân Thủy Kiếm ở cửa sông Tam Xá tới tay, đủ cho cậu ăn cả tám đời.” Nói xong lại móc ra một thỏi bạc, dặn Lý Lôi Thôi đi tới lò rèn một chuyến, mua một cái móc sắt có phẩm chất như lời ông nói, giờ có làm cũng không kịp, thế nên đi mua là được rồi. Lý Lôi Thôi nhận lời, nhét bạc ôm đòn gánh chạy xuống lầu, y cũng không ngốc, Đậu Chiêm Long là người đi trên giang hồ, trên đấy người tốt không nhiều, nhưng người xấu lại nhiều lắm, ai biết có phải Đậu Chiêm Long muốn đuổi y đi không, lỡ đâu ông ta nhân lúc y đi mua móc sắt, cầm đòn gánh chuồn mất, tới lúc ấy tài còn chưa phát mà bát ăn cơm đã mất rồi, cái này gọi là “mưu kế cả đời, giàu theo lương tâm”.

Lại nói tiếp, Lý Lôi Thôi chạy đi mua một cái móc sắt mang về Dụ Hưng Lâu cho Đậu Chiêm Long. Ông ta cũng không rảnh rỗi, phân phó tiểu nhị chuẩn bị một gói gà quay, vịt muối, móng heo, một chồng bánh rán hành và một vò rượu. Hai người vẫn một người cưỡi lừa một người đẩy xe, đi thẳng tới chòi canh.

Chòi canh của thành Thiên Tân không có trống, nhưng lại treo một chiếc chuồng đồng, bởi vì tiếng chuông truyền đi xa, một ngày chuông vang một trăm lẻ tám lần, sáng năm mươi tư lần, tối năm mươi tư lần, cũng có phách nhịp, nên có câu “nhanh mười tám, chậm mười tám, không nhanh không chậm lại mười tám”. Lầu trên cổng thành chia làm ba tầng, tầng một lấy gạch xanh xây nên bệ thành hình vuông, bốn phía mỗi bên đào ra một cái cửa động xuyên tâm hình vòm, đối diện với bốn cửa thành của thành Thiên Tân, người ngựa đi đường có thể đi xuyên qua dưới đấy; lầu hai thờ cúng nhiều thần minh như Quan Âm Bồ Tát, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân vân vân; lầu ba tự như đầu thành, treo một chiếc chuông đồng. Danh hiệu của chòi canh gác là “áo da cũ”, vì sao lại lấy cái tên này? Trước đây người trông coi chòi canh đều là cựu quân nhân, cũng không có gì khổ cực, chỉ là một ngày đập chuông hai lần, ban đêm đánh canh, lại không được mấy đồng tiền. Những người tuần tra ban đêm gõ mõ cầm canh trên ấy, theo lệ sẽ được quan phủ phát cho một cái áo bằng da, vậy nên dân chúng Thiên Tân Vệ gọi quân canh giữ chòi canh là “áo da cũ”.

Đậu Chiêm Long mang Lý Lôi Thôi đi tới chòi canh, nói là tới lầu hai thắp nhang tạ thần, bày rượu thịt ra mời mấy người tuần đêm ngấu nghiến, còn nhét cho mỗi người một thỏi bạc lớn, đây là khao thưởng thêm. Quân trông giữ bình thường không có lợi lộc gì, thấy rượu thịt và bạc, mừng rỡ như muốn cắn người, cúi đầu khom lưng với Đậu Chiêm Long, luôn miệng nói cám ơn. Đậu Chiêm Long nói năm đó từng ước một điều ước, dây thừng móc câu treo chuông đồng đã dùng nhiều năm như vậy, chưa biết chừng ngày nào đó sẽ đứt mất, vì vậy ông mời người chế tạo một cái móc sắt thượng hạng, muốn thay cho dây thừng móc cũ, đây cũng là một việc làm công đức, chỉ mong trên dưới dàn xếp, cho thỏa tâm nguyện của ông. Mấy quân coi giữ uống đến không biết gì, còn được rất nhiều bạc, ăn đồ của người ta, cầm đồ của người ta, sao còn không biết lý lẽ, huống hồ lại là một chuyện tốt, không cảm thấy việc này có gì không ổn, mọi người cùng ra tay, thay dây thừng móc câu cho Đậu Chiêm Long.

Như vậy Đậu Chiêm Long lại được một bộ dây thừng móc câu. Lý Lôi Thôi không hiểu ra sao, lại là rượu thịt lại là bạc, chỉ để đổi lấy dây thừng móc câu treo chuông đồng. Phải nói cái chuông lớn trên chòi canh này lớn thiệt, trên mặt đúc thụy thú Vân Long, bên trong là hoa sen bao phủ, dây thừng móc câu treo chuông đồng lại khó coi hơn, tuy nói đủ to cũng đủ rắn chắc, nhưng mà vì lâu lắm rồi nên đã phai màu, còn xù lên, chỉ như dây cỏ hai đồng một nó, thứ này thì có tác dụng gì?

Đậu Chiêm Long vào Nam ra Bắc tìm bảo khắp nơi, sao mà làm mua bán lỗ vốn được? Dây thừng móc trên chòi canh của thành Thiên Tân rất không tầm thường, có người nói trước đây trong chòi canh có một cái trống lớn, nhưng mà tiếng trống truyền đi không xa, đến cửa thành là không nghe được, quan phủ quyết định đổi thành chuông đồng. Nhưng cũng bất thường thật sự, chuông đồng kiểu gì cũng không đúc được, đúc được nửa là sẽ bị nứt. Ngay lúc đó Huyện thái gia thờ cúng Khôi đại cô -- một bà tử đỉnh tiên, chuẩn bị đại lễ tới cửa thỉnh giáo, Khôi đại cô ra một chủ ý cho quan phủ, nhưng phải nói là biện pháp này quá thất đức, chọn một đôi đồng nam đồng nữ ném vào nước đồng, chuông đồng nhất định có thể đúc được thành công. Huyện thái gia sốt ruột nộp kết quả, vừa sợ dân chúng đồn đãi, nói cái gì mà làm quan tham lam hủ bại vô đức, chọc giận trời xanh, thế cho nên ngay cả cái chuông đồng cũng không đúc nổi, lời này nếu như bị truyền đi, thì ông có làm quan được nữa không? Bèn ra lệnh cho thuộc hạ người đến ổ cá nheo mua hai đứa bé, ném vào trong nồi nước đồng lớn, trong nháy mắt đã không còn nữa, đúng là vô cùng thê thảm. Khoan hãy nói, giống như lời Khôi đại cô bảo, sau khi dùng tà pháp này, chuông đồng đã được đúc thành. Cha mẹ đứa trẻ nghe tiếng chuông, giống như bị dao đâm vào tim, hôm sau thắt cổ tự tử ở cửa động dưới chòi canh. Từ hôm ấy chòi canh thành nơi có quỷ, các bách tính xa gần mà nghe được tiếng chuông ấy, thì cứ nghe thấy tiếng vọng từ “giày”, bởi vì lúc ném hai đứa bé vào trong nồi nước đồng, cô bé đánh rơi một chiếc giày, cho nên bám dai như đỉa, vẫn còn đang tìm chiếc giày kia. Huyện thái gia nghe được lời đồn đãi này thì đúng ngồi không yên, tới dưới chòi canh nghe tiếng chuông, lại không nghe ra được từ “giày” kia mà lại nghe ra tiếng “giết” thê lương, lập tức kinh hãi không kịp thở, hai chân đạp một cái đi gặp Diêm Vương. Quan viên kế nhiệm được cao nhân chỉ điểm, đổi dây xích treo chuông thành sợi dây đay, từ ấy nơi đây mới thái bình. Cũng bởi vì sợi dây đay này không phải sợi dây tầm thường, mà là một sợi cỏ rồng, phạm phải giới luật của trời bị giáng chức xuống treo chuông, nên mới trấn được âm hồn. Phân Thủy Kiếm là bảo vật trấn sông, kiếm khí chém người trong vô hình, thân thể máu thịt không lại gần được, để lấy được bảo thì phải dùng sợi dây thừng móc câu này.

Hiện giờ đã gom đủ “đòn gánh, dây thừng mốc cau, dưa hấu, cờ lệnh”, nhưng Đậu Chiêm Long cũng không tới cửa sông Tam Xá tìm bảo, theo lời của ông ta thì Phân Thủy Kiếm có long binh trong thủy phủ canh gác, còn phải chuẩn bị âm binh quỷ tướng trợ trận, mới đảm bảo không có sơ sót nào.

Lý Lôi Thôi lại cảm thấy lời Đậu Chiêm Long nói không thể tưởng tượng nổi, “đòn gánh, dây thừng mốc cau, dưa hấu, cờ lệnh” dễ tìm, đều là đồ trên cõi dương, nhưng âm binh quỷ tướng thì phải mời như thế nào?

 

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương