Hỏa thần: Cửu Hà long xà (BẢN DỊCH)
Chapter 32 quyển 5: Lý Lôi Thôi tầm bảo

 

Lý Lôi Thôi vừa nghĩ vậy, mặc kệ Đậu Chiêm Long đào ra bao nhiêu bạc cũng không chịu bán, hai tay túm chặt lấy đòn gánh, đầu lắc nguầy nguậy như trống bỏi: “Đòn gánh là của Lý Lôi Thôi tôi, nói cho ông bán không bán là không bán, ông có ra giá cao bằng trời cũng không được, ban ngày ban mặt, lanh lảnh càn khôn mà ông còn dám cướp trắng trợn sao?”

Đậu Chiêm Long lắc đầu nói: “Cậu đúng là không hiểu chuyện, bạc tôi cho cậu đủ để mua một trăm cái đòn gánh rồi, mà còn chê ít?”

Lý Lôi Thôi nói: “Ông là người rõ ràng, nên tôi không vòng vo làm gì, tôi có nghe nói, có một Đậu Chiêm Long cưỡi lừa đen, ngang hông buộc một đồng tiền cổ, thường tìm bảo nơi Cửu Hà hạ sao, đó chính là ông phải không?”

Hay có câu “Hảo hán đừng để người nhìn thấu, nhìn thấu không đáng nửa đồng tiền”, nếu bị Lý Lôi Thôi nhận ra, Đậu Chiêm Long cũng không thể nói gì hơn, chỉ đành nói cho Lý Lôi Thôi: “Cái đòn gánh nước của cậu có lai lịch lớn, nhưng cậu không biết cách dùng, ngọc trong đá mà không biết tách, châu trong trai mà không biết mổ, chi bằng nhường cho Đậu Chiêm Long tôi, cậu muốn bao nhiêu tiền tôi cho cậu bấy nhiêu, tuyệt đối không nói nhiều.”

Lý Lôi Thôi tới từ nơi khác, nhưng đã gánh nước ở Thiên Tân Vệ không biết bao nhiêu năm, đã nghe qua danh hiệu của Đậu Chiêm Long từ lâu, có người nói không có bảo bối nào người này không nhìn ra, tai nghe đầy các loại chuyện kỳ dị, không ngờ người trước mắt thực sự là Đậu Chiêm Long, vậy còn không ghê gớm sao? Nói ông ta là Thần Tài cũng không quá đáng, một cơ hội phát tài nằm ngay trước mặt, sao có thể dễ dàng từ bỏ được? Y khoát tay chặn lời Đậu Chiêm Long: “Vậy cũng không được, trừ phi ông với tôi chia đầu chỗ tốt trong ấy, bằng không có nói ra nhân hoàng đế bảo tôi cũng không bán, nửa đời sau vẫn dùng nó gánh nước sông, mệt mỏi vất vả thế nào tôi cũng nhận.”

Đậu Chiêm Long thật sự không ngờ Lý Lôi Thôi nghèo cùng gánh nước sông lại tinh ranh như vậy, nói hoài mà không chịu nhả ra, lại nghĩ mình cũng đang cần người giúp đỡ thật, thế là gật đầu nói với Lý Lôi Thôi: “Nói cho cậu biết cũng chẳng sao, cậu có biết phía trước có cửa sông Tam Xá không?”

Lý Lôi Thôi nói: “Lời này ông hỏi thừa thật, có chuyện nói thẳng tôi cũng khỏi phải quanh co lòng vòng, tôi là người múc nước sông, sao không biết cửa sông Tam Xá được?”

Đậu Chiêm Long nói: “Nói vậy cậu cũng biết dưới cửa sông Tam Xá có Phân Thủy Kiếm phải không?”

Lý Lôi Thôi nhướng mày: “Đúng là có nghe người ta nói qua, lại không cho là thật, nếu dưới đáy sông có Phân Thủy Kiếm thật, sao không thấy có ai xuống phía dưới lấy bảo?”

Đậu Chiêm Long nói đó là do cậu không biết, người xuống sông lấy bảo không hề thiếu, thế nhưng đều có đi mà không có về, bởi vì dưới cửa sông Tam Xá thông với mắt biển, không có đòn gánh này của cậu, có bơi tốt đến đâu cũng phải vô mắt biển hết. Cậu coi nó là đòn gánh nước, nhưng thật ra nó là cán cờ rồng trấn sông sáu trăm năm. Tôi mang cậu đi cửa sống Tam Xá lấy Phân Thủy Kiếm thì cũng được thôi, chỉ là cậu phải làm theo lời tôi nói, tôi bảo cậu làm gì thì cậu phải làm đó, đến lúc ấy đừng sợ là được.

Lý Lôi Thôi liến thoắng đồng ý, chỉ cần có thể phát tài, Diêm Vương Gia tới y cũng không sợ, không đi đưa nước nữa, thùng nước cũng bỏ luôn, xách đòn gánh chạy tới cửa sông Tam Xá.

Đậu Chiêm Long vội vàng gọi Lý Lôi Thôi lại, bảo y đừng gấp, Phân Thủy Kiếm là thiên linh địa bảo, không phải hàng tầm thường, chỉ có đòn gánh này thôi thì chưa đủ, để lấy được bảo còn cần một vài món khác nữa. Lý Lôi Thôi biết Đậu Chiêm Long là tổ tông của tìm bảo, nghe theo ông ta chắc chắn sẽ phát tài, lập tức đi theo phía sau, hai người một cưỡi lừa một đi bộ, tới trưa thì đi tới bên kênh Bắc, ngang qua một ruộng dưa lớn, ven đường có cái chòi lá, nông dân trồng dưa là một ông lão, đang ngồi chơi trong chòi. Bên cạnh chòi dưa có một quả dưa lớn, to đến mức thần kỳ, dài hơn ba thước, rộng hơn hai thước, một người ôm không hết, Lý Lôi Thôi lớn như vậy nhưng chưa từng thấy quả dưa nào như thế. Đậu Chiêm Long dừng lại không đi tiếp, đốt tẩu thuốc rít vào một hơi, rồi móc ra khối bạc lớn đưa cho Lý Lôi Thôi, để y tới mua quả dưa ấy.

Lý Lôi Thôi lập tức nhận bạc, xách đòn gánh đi tới trước chòi dưa, vái lão nông xem dưa một cái rồi nói là đi bộ khát nước, muốn mua quả dưa nào lớn nhất già nhất.

Lão nông trông dưa nói cho Lý Lôi Thôi: “Tôi là người trồng dưa chứ không phải bán dưa, trong đất có dưa đấy, cậu muốn ăn quả nào thì tự hái đi, không cần trả tiền, nhưng quả dưa bên chòi này lại không được.”

Lý Lôi Thôi nói: “Không ăn không của ông, tôi trả tiền.”

Lão nông trông dưa nói: “Không phải chuyện có cho tiền hay không, quả dưa kia già rồi, không ăn được.”

Lý Lôi Thôi nói: “Ông à, tôi thích ăn dưa già, quả dưa ấy của ông để trong đất hoài cũng hư thôi, bán cho tôi là được rồi.”

Lão nông trông dưa cho rằng y nóng đến điên đầu miệng đầy mê sảng, quả dưa này vừa già vừa đã để lâu, ruột bên trong đã hỏng cả rồi, nước dưa thối chết được, ăn một miếng tởn ba ngày chưa xong, lỡ ai ăn rồi bị xấu bụng, thì ai chịu trách nhiệm bây giờ? Còn chưa nói xong Lý Lôi Thôi đã đưa bạc tới, lão nông trông dưa đã sống hơn nửa đời người, chưa từng thấy qua khối bạc nào lớn như thế, đây cũng không phải là bầu trời rớt bánh nữa, mà là rớt cả chân giò, đùi dê, gà quay, vịt nước, cả bàn mãn hán toàn tịch, tám trăm năm sau cũng chưa chắc gặp được một người nhiều tiền không có đầu óc như thế, vậy thì không còn gì để nói, có câu “Lời hay khó khuyên quỷ phải chết”, hai ta một người muốn đánh một người nguyện chịu, chính cậu cứ phải đào bạc mua quả dưa không thể ăn này, tôi tội gì mà không bán? Lão nông chỉ sợ Lý Lôi Thôi đổi ý, vội cất nén bạc vào lòng, tìm một chiếc xe cút kít nhỏ giúp Lý Lôi Thôi đặt quả dưa lớn lên ấy, rồi đưa cả xe và dưa cho Lý Lôi Thôi luôn.

Lý Lôi Thôi đẩy xe cút kít, lại đi cùng Đậu Chiêm Long tới miếu Tam Nghĩa thờ cúng tổ sư nghề cá, dùng bạc mua người quản lí nghề cá, tháo xuống một cái cờ lệnh tam giác mười hai màu từ điện thờ tổ sư, cất trong một cái túi da cá lớn. Trong sách nói cái miếu Tam Nghĩa này khác với nơi khác, miếu Tam Nghĩa tầm thường cung phụng Lưu, Quan, Trương, miếu Tam Nghĩa nơi này lại có lai lịch khác, thờ cúng ông tổ nghề cá, ở triều Minh từng được hoàng đế phong. Miếu Tam Nghĩa đối diện với Sở Cảnh sát Miếu Hỏa Thần, ở giữa ngăn cách bởi con sông, cũng ở cửa sông Tam Xá, phố cá ở trước cửa miếu, ở bên bờ sông. Cá ngư dân đánh bắt được không thể bán trực tiếp, mà phải vận chuyển đến miếu Tam Nghĩa trước. Người quản nghề cá không cần tiền, chỉ cần con cá tốt nhất trên mỗi con thuyền, đưa tới các tiệm ăn lớn, vậy thì không cần theo trọng lượng, lật qua lật lại mà bán, tiệm ăn nhất định phải mua, nếu không sẽ không có cá tốt, nếu không mua, y sẽ không cho các nhà bán cá khác buôn bán với bạn, đây chính là đường phát tài của nghề cá. Nhất định phải chờ người quản nghề cá chọn xong, buôn cá mới có thể mở cân, dân chúng khắp thành mới có cá ăn, chính là bá đạo như vậy.

Cờ lệnh của nghề cá đã tới tay, Lý Lôi Thôi nhịn không được hỏi: “Không phải chúng ta tới cửa sông Tam Xá lấy Phân Thủy Kiếm sao? Tại sao nào là dưa hấu, nào là cờ lệnh, đây là định làm gì thế?”

Đậu Chiêm Long nói dân gian đồn đãi, lai lịch của Phân Thủy Kiếm trong cửa sông Tam Xá cũng không nhỏ, có người nói năm đó Long Vương Gia đi qua nơi đây, vô ý đánh rơi kiếm xuống đáy sông. Bảo kiếm không va chạm mà tự rơi, có thể thấy đây là ý trời, Long Vương Gia không còn cách nào, chỉ đành phải từ bỏ thanh bảo kiếm này. Từ đó về sau nước ở cửa sông Tam Xá trong đục rõ ràng, màu sắc không vẩn đục. Mười hai kiếm khí trên Phân Thủy Kiếm biến ảo chợp chờn, người trần mắt thịt mà thấy được bảo quang mười hai màu, hai mắt lập tức mù, chính là vì Phân Thủy Kiếm làm. Còn có người nói Phân Thủy Kiếm không phải bảo kiếm, mà là một con rồng già đánh vào cửa sông Tam Xá điền mắt biển, người xuống sông lấy bảo đều bị con rồng ấy ăn. Dù sao cũng là thiên linh địa bảo, làm bậy là bị quỷ thần nghi kị, có chút sơ xuất thôi cũng sẽ toi mạng. Nhưng cũng không phải là không có cách, cưỡi quả dưa già này mới xuống được mắt biển, cờ lệnh mười hai màu có thể ngăn cản mười hai kiếm khí!

Lý Lôi Thôi nghe mà âm thầm líu lưỡi, lại hỏi Đậu Chiêm Long Phân Thủy Kiếm trấn mắt biển có ích lợi gì, có thể đổi được bao nhiêu vàng bạc? Nghe ý này, hẳn là trị giá mười vạn tám vạn lận phải không?

Đậu Chiêm Long cười ha ha, cái gì gọi là thiên linh địa bảo? Có Phân Thủy Kiếm trong tay, vạch núi núi mở, vạch đất đất rung, đây còn không phải là nghĩ gì được nấy, muốn gì được đó sao? Bây giờ “đòn gánh khiêng nước, dưa hấu già kênh Bắc, cờ lệnh miếu Tam Nghĩa” đều đã tới tay, chuyện lớn đã có hi vọng, chẳng qua như vậy vẫn chưa đủ, hai ta còn phải vào thành một chuyến.

 

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương