Hỏa thần: Cửu Hà long xà (BẢN DỊCH)
Chapter 31 quyển 5: Lý Lôi Thôi tầm bảo

 

Xưa hay có câu “lời nói không truyền sáu tai”, hai vị nói chuyện bên bờ sông, không nghĩ tới bên cạnh còn có người, nên để cho Lý Lôi Thôi nằm trong túp lều nghe được.

Một người trong đó nói: “Bát Gia, chốc lát Hoa Quang Thiên Vương sẽ đi qua đường này, sao tôi và anh không nhân cơ hội quỳ lạy xin thưởng nhỉ?”

Bát Gia nói: “Hắc Gia, trên người chúng ta có vảy có mai, há có thể vào được mắt thần của Hoa Quang thượng giới?”

Hắc Gia nói: “Anh và tôi nói nhiều lời hay, cứ luôn khẩn cầu, tôn thần tất nhiên sẽ khai ân.”

Bát Gia nói: “Chúng ta lại không hiếu kính gì, chỉ nói lời hay thôi thì có được không?”

Hắc Gia nói: “Hoa Quang Thiên Vương là Mã Vương Gia, Mã Vương Gia ba con mắt đúng là nói về vị này, chỉ cần tâng bốc đúng chỗ, chắc chắn Thiên Vương sẽ có thưởng. Nhưng mà Hoa Quang Thiên Vương tới nhanh đi cũng nhanh, cái này phải xem tạo hóa của chúng ta, lanh mồm lanh miệng mới kịp xin thưởng được.”

Bát Gia nói: “Chân tôi chậm nhưng miệng tôi thì không, anh nghe tôi nói đây này, nói phía Nam có một Lạt Ma tới, trong tay cầm tháp mục năm cân, phía Bắc tới một người câm, bên hông treo cái kèn đồng…”

Lý Lôi Thôi hiểu ra, hai vị nói chuyện bên bờ sông giữa đêm hôm khuya khoắt này không phải người, cái gì mà một người mang vảy một người đeo mai, một người Hắc Gia một người Bát Gia, chẳng lẽ là cá đen và rùa? Nghĩ tới đây, Lý Lôi Thôi nằm trên cỏ giật mình, túp lều của y thấp bé đơn sơ, phải cong eo dẩu đít thì mới chui vào được, ở lối vào đậy nửa tấm gỗ rách làm cửa, trải rơm rạ ra làm giường, chỉ là một nơi để ngả lưng, lúc này bỗng nhiên bật dậy, cái trán đập thẳng vào nóc túp lều khiến nó thủng một lỗ, đầu thò ra ngoài, nhưng thấy trăng sáng sao thưa, chỉ nghe tiếng nước sông chảy ào ào, làm gì còn động tĩnh nào khác. Có lẽ hai tên trong sông bị y dọa sợ chạy mất rồi, cũng có thể do y đói quá đầu óc mê muội nằm mơ, không biết đâu là thật đâu là ảo. Lý Lôi Thôi nghèo độc thân một mình, lại là người sợ đói, sợ nghèo không sợ chết, ỷ vào gan lớn đi ra ngoài nhòm xem, bên bờ sông chẳng có gì cả. Y vẫn ôm chút hi vọng suy nghĩ: “Dù có hay không ai tới trước được trước, nhỡ đâu nó là thật, ta sẽ đi dập đầu với Hoa Quang Thiên Vương, không cầu đại phú đại quý, chỉ cầu tôn thần chỉ cho một con đường sống, để ta đừng đi xin cơm là được.”

Lý Lôi Thôi đợi một lúc lâu bên bờ sông, tới khi trời sắp sáng thì đúng là có một vị tới thật. Xem trang phục tựa như là một lão nông dưới quê qua đường, đẩy một xe đồ ăn vội vào thành rao bán. Lý Lôi Thôi lại cho rằng đây là Hoa Quang thượng giới, bèn vội vã tiến lên quỳ phịch xuống đất, cúi đầu bái lạy.

Người bán đồ ngây ra hồi lâu, không biết đây là muốn xin cơm hay là moi tiền, sau khi hiểu được có ý gì thì chỉ cảm thấy dở khóc dở cười, nói Lý Lôi Thôi nhận sai rồi: “Tôi chỉ là một nông dân bán đồ ăn, nào phải là Hoa Quang Thiên Vương gì?” Lý Lôi Thôi không chịu, ôm đùi không cho người ta đi, dập đầu như giã tỏi, nói ra một đống lời hay, không ngừng gọi tổ tông ông nội, nói lão Lý tôi từ Sơn Đông chạy nạn đến đây, chỉ biết bơi mà không biết gì khác, côn đồ trên địa phương lại không cho người ngoài xuống sông đánh cá, chỉ đành phải xin cơm sống qua ngày, ăn bữa nay lo bữa mai, nói không chừng ngày nào đó sẽ chết đói giữa đường, chỉ mong tôn thần thưởng cho bát cơm, chỉ cho một con đường sống, không cầu phát nhiều tài, có được bát cơm ăn không đói chết là được. Người bán đồ tranh thủ đi lúc còn sớm, trời chưa sáng đã phải đốt đèn chuyển thức ăn tới chợ, thời ấy chợ bán thức ăn lớn nhất thành Thiên Tân ở khu vực cầu Đông Phù, cách trong thành không xa, giao thông thủy bộ thuận tiện, người Thiên Tân chú trọng ăn “cá tươi rau mướt”, rau dưa phải được mới nhổ lên, còn dính giọt nước thì mới dễ bán, Lý Lôi Thôi cứ ở đây nài nỉ, nếu trì hoãn nữa thì đồ ăn sẽ hết tươi mất, vậy thì sẽ không bán được nhiều tiền, ông ta nóng lòng vào thành, lại bị Lý Lôi Thôi quấn lấy không còn cách nào, vì thoát thân , chỉ đành phải thuận tay nhặt lên một thứ bên bờ sông, lúc này mới đuổi Lý Lôi Thôi đi được. Lý Lôi Thôi dập đầu tạ ân, vội vàng chạy về túp lều, đốt một ngọn nến cẩn thận quan sát thứ trong tay. Vừa nhìn thì trợn tròn mắt, không vàng không bạc, không đồng không sắt, chỉ là một cây gậy gỗ rách. Y lấy một miếng vải rách tỉ mỉ lau nó bảy tám lần, nhưng chỉ là một cây gậy gỗ mục, không phải tử đàn không phải hoa lê, cũng chẳng phải loại gỗ đáng tiền gì, để thông cống ngầm thì quá ngắn, để chống cửa thì quá dài, vất trên đường cũng chả có ai nhặt, cái này thì có tác dụng gì? Lý Lôi Thôi lật qua lật lại, vẫn luôn nghĩ tới lúc trời sáng choang mà vẫn không nghĩ ra được căn nguyên gì, gấp đến độ cắn rụng răng, vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy con sông bên ngoài túp lều, lại nhìn cây gỗ trong tay, không khỏi bừng tỉnh: “Đúng thế, ta có thế múc sông đưa nước, bán sức kiếm cơm, Hoa Quang Thiên Vương chỉ điểm ta làm nghề này, nói không chừng có ngày múc được vàng cũng nên!” Vì vậy y khắc hai cái lỗ ở hai đầu cây cột, làm thành cái đòn gánh, lại tìm hai cái thùng nước cũ đi đưa nước cho từng nhà.

Ở thời kỳ xưa nghề đưa nước vừa khổ vừa mệt không sai, lại còn không phải ai muốn làm cũng được, bởi vì múc nước sông lên rồi không trực tiếp đi đưa cho từng nhà luôn, mà là phải rót vào trong xe trước, xe nước có loại lớn loại nhỏ, có loại chỉ một bánh, cũng có loại hai bánh, trên xe đều có két nước, đẩy xe tới cửa phố, lại đổ nước trong két vào thùng, sau đó lại gánh nước tới từng nhờ, chuyện ai đưa nước tới phố nào đã được phân chia từ sớm, không thể đoạt mối của nhau. Lý Lôi Thôi ôm đòn gánh cầu ông cầu bà xung quanh, nói hết lời với người cũng làm nghề này mới ăn được chén cơm này.

Miền đất phúc Thiên Tân Vệ này, suy cho cùng vẫn là ngồi kiệu ít, khiêng kiệu nhiều, dân nghèo vì một miếng cơm ăn, quanh năm đi sớm về tối bận việc, bằng lòng bán sức lực. Ai cũng muốn đi ra ngoài vấp phải kim nguyên bảo té cái đùng, nhưng người giàu lên sau một đêm chân chính lại có mấy người? Một năm bốn mùa Lý Lôi Thôi đều kiếm mấy đồng tiền cố định này để điền no bụng, chỉ tới lúc mùng hai Tết mới kiếm được chút ít tiền ngoài, bởi vì dựa theo phong tục của Thiên Tân Vệ, ngày hôm ấy phải “đón Thần Tài”, mấy người đưa nước trừ đưa nước ra thì còn được cho một bó củi, nói là củi nhưng thật ra chỉ là thân cây đay hoặc là cây cao lương, cột chặt rồi dán lên một tấm giấy đỏ, trên đấy viết năm chữ to “Cây vàng lớn chân chính”, âm gần của ‘chai’ là ‘cai’*, để dính chút may mắn, trước khi vào cửa phải hét câu “đưa tiền nước cho ngài”, có ai hát hay thì hát cho một bài hát mừng, chủ nhà mà vui thì sẽ thưởng thêm cho hai ba hào, nếu gặp trúng phú hộ có tiền, nói không chừng còn được thưởng một hai đồng Đại Dương nữa, mấy người móc sông bán sức như bọn họ toàn dựa vào ngày này để phát tài.

Lý Lôi Thôi múc sông, đưa nước sôi và nước sông ở Thiên Tân Vệ, duy trì như vậy bao nhiêu năm, chưa từng coi cái đòn gánh này như đồ tốt, đưa nước xong trở về dựng thẳng trước cửa túp lều, mặc cho nó dầm mưa dãi nắng đón gió, y lại không biết cái gậy gỗ rách này lại có lai lịch lớn. Vận chuyển đường thủy ở Cửu Hà hạ sao phát triển, buồm mái khắp nơi, sông thời ấy có xây một cột cờ lớn, bên trên treo cờ Cửu Long, là cờ trấn sông do triều đình ngự tứ, sau đấy bởi vì chiến loạn nên gãy mất, đoạn trước bị rớt vào trong sông đã nhiều năm, bị dòng nước cuốn tới bờ sông, lại trời xui đất khiến trở thành đòn gánh múc sông của Lý Lôi Thôi.

Lý Lôi Thôi là tên bán sức, đồ nhà quê tới từ nông thôn, sao mà nhận ra được đây là cột cờ, càng không nghĩ ra thứ này có thể làm gì được, thế nên đành dùng nó như đòn gánh, y không biết không sao cả, nhưng lại có người nhận ra được, ai thế ta? Một trong Tứ Đại Kỳ Nhân của Thiên Tân Vệ, Đậu Chiêm Long biết xem trăm bảo!

Lại nói vào một sáng sớm, Lý Lôi Thôi đang đi đưa nước cho từng nhà, Đậu Chiêm Long cưỡi lừa đi ngang qua. Lý Lôi Thôi không biết Đậu Chiêm Long, thấy người tới phong trần mệt mỏi, hình dáng diện mạo quỷ dị nên không khỏi nhìn thêm. Không trách Lý Lôi Thôi thấy lạ, Đậu Chiêm Long không giống với người khác, nhìn lúc nào cũng hơn bốn mươi tuổi, mũi ưng miệng ếch, một đôi mắt cú, hai đồng tử nhấp nháy phát sáng, từ trong ra ngoài đều lộ vẻ khôn khéo. Trên người mặc đồ vải thô, mặc dù không chú trọng ăn mặc lắm nhưng trên ngón cái có đeo chiếc nhẫn ngọc**, trên khuyết áo treo lược chải râu bằng ngà, miếng tiền cổ rủ xuống bên hông, đúng là cách ăn mặc của người có tiền. Trên tay cầm cái tẩu không ngắn, cán tẩu được làm từ gỗ đen, phần trên làm từ từ đồng trắng và cái miệng làm từ phỉ thúy. Không nói cái khác chỉ nói khối phỉ thúy này, không hề có màu khác, vừa nhìn là biết đáng tiền, xanh biếc như là hồ nước, ngậm vào miệng trán đều ánh xanh luôn, đem đi bán cũng mua được hai tòa nhà. Con lừa đen dưới thân ông ta cũng không phải vật phàm, lớp lông đen nhánh óng mượt như là sa tanh, mũi hồng hồng bốn chân màu trắng, cũng không phải vật ngu ngốc lê bước cụp tai.

Đậu Chiêm Long đi tới bên cạnh Lý Lôi Thôi, nghiêng người bước xuống lừa, nói một tiếng quấy rầy: “Tôi là người qua đường, trời vật khô hanh, khát nước vô cùng, muốn xin ông chén nước uống.”

Lý Lôi Thôi không mang theo bát, buông hai thùng nước đang gánh xuống, bảo Đậu Chiêm Long lấy tay vốc lên uống. Đậu Chiêm Long uống xong không đi, lau miệng nói với Lý Lôi Thôi: “Thật không dám giấu giếm, tôi đang tìm một cái đòn gánh vừa tay, nhìn cái của cậu thì thấy rất thích, chi bằng tôi cho cậu tiền, cậu đưa nó cho tôi được không.”

Lý Lôi Thôi lắc đầu nguầy nguậy, mặc dù gánh nước không kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn là công cụ kiếm cơm của y, độ dài độ thô đều thích hợp, dùng vô cùng tiện tay, chỉ vì hai ba đồng mà bán cho người khác, còn phải làm một cái mới nữa, có dễ dùng dễ xài không thì không nói, như vậy chẳng phải sẽ trì hoãn công việc sao? Lại nói ông có tiền đi đâu mua mà chả được, cần gì muốn cái của tôi? Đây không phải là cố ý quấy rầy sao?

Đậu Chiêm Long lại cố ý muốn mua, vừa nói vừa lấy ra miếng khối bạc vụn, cái gọi là “bạc vụn” cũng không phải đập vỡ cả nén bạc, mà phải đến tiệm bạc để cắt, trong tiệm có cây kéo chuyên môn, cắt nhiều hay cắt ít cũng có quy củ nữa, cắt hết rồi bào đi phần thừa, sau đó đặt lên cân tiểu ly, cân xem bao nhiêu lượng. Khối bạc Đậu Chiêm Long móc ra ít nhất cũng phải hai lượng. Lý Lôi Thôi trợn to mắt, y cho rằng người mua đòn gánh của y cùng lắm là trả bảy tám đồng thôi, ai ngờ lại tận hai lượng bạc lận, đòn gánh gì mà giá trị nhiều tiền thế? Nghe người này nói năng gọn gàng, cũng không phải người ngốc, vì sao lại bỏ ra nhiều tiền như thế chỉ để mua một cái đòn gánh rách?

Đậu Chiêm Long thấy Lý Lôi Thôi trợn mắt không nói gì, cho rằng y chê tiền ít, lại móc ra thêm một thỏi bạc, còn lớn hơn khối lúc nãy không ít, phải hơn bảy tám lượng. Lý Lôi Thôi người nghèo chí ngắn nhưng không ngu, có ai sẽ vì một cái đòn gánh mà trả nhiều bạc vậy không? Y là người nghèo, người nghèo biết cách mua đồ nhất, ví dụ như đi qua một cái sạp, nhìn thấy bày không ít thứ, nào là quạt, khăn tay, thước gõ, ấm trà, hẳn là một tiên sinh kể chuyện gặp thời thế đổi thay, đem hết của cải đi bán. Y liếc mắt nhìn trúng cây quạt ấy, cũng không thể trực tiếp hỏi giá được, đầu tiên y phải hỏi chiếc khăn này giá bao nhiêu, cái ấm này bán thế nào, hỏi hết một lượt rồi cuối cùng mới hỏi về cây quạt, cái này gọi là “dương đông kích tây”, chỉ vì tiêu ít tiền hơn. Lý Lôi Thôi nghĩ thầm: “Người cưỡi lừa này lai lịch khó lường, tung tích kỳ lạ, không biết tại sao lại chọn trúng cái đòn gánh của ta, hay đây là một người tìm bảo, biết đây là đòn gánh mà Hoa Quang Thiên Vương thưởng cho?”

*Chai là cách đọc của sài, còn cai là cách đọc của tài.

**Nhẫn ngọc: Từ gốc của nó là “Ban chỉ” vốn là nhẫn ngọc đeo trên ngón cái lúc bắn tên, sau trở thành đồ trang sức của quý tộc hay kẻ có quyền thế.

 

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương