Hỏa thần: Cửu Hà long xà (BẢN DỊCH)
-
Chapter 30 quyển 5: Lý Lôi Thôi tầm bảo
Thiên thượng quần tinh củng Bắc Đẩu,
Thế gian lưu thủy tận triều đông;
Cùng thông tự cổ vô tòng định,
Thành bại đáo đầu tổng thị không.
Tạm dịch:
Trên trời bầy sao quây Bắc Đẩu,
Nước chảy trên đời toàn về Đông;
Nghèo sang tự cổ không định được,
Thành bại cuối cùng vẫn là không.
Trước ấy có kể đến chuyện Lưu Hoành Thuận đi hỏi Lý Lão Đạo, vì sao liên tục đi thu thi thể của “Toản Thiên Báo, Ngũ Đấu thánh cô, hồ ly đồng tử, mặt trắng”? Mấy tên ấy không có ai là người tốt, ai nấy tự có yêu thuật tà pháp, lại đều có liên quan tới án Ma Cổ Đạo, rốt cuộc ông có mưu đồ gì?
Lý Lão Đạo lại lập lờ nước đôi, ý kia là nên tới hỏi ông từ lâu. Thành Thiên Tân vừa có án là ông đoán được do Ma Cổ Đạo gây nên, lại nhiều lần ngóc đầu dậy, đến nay vẫn còn dư nghiệt làm loạn. Bàng môn tả đạo độc hại vạn dân, làm hư xã tắc, người người phải bị tru diệt, Lý Lão Đạo được chân truyền của Ngũ Lôi Chính Pháp Long Hổ Sơn, đối phó với Ma Cổ Đạo là việc thuộc bổn phận, nhưng mà lũ ấy ẩn náu cực sâu, giả trang thành đủ ngành đủ nghề, tam giáo cửu lưu, làm cái gì cũng có, nhiều không đếm xuể, cũng khó mà phân biệt, chỉ có thể âm thầm tìm kiếm. Ông ta liên tục kéo thi thể của Toản Thiên Báo, Ngũ Đấu thánh cô, hồ ly đồng tử, mặt trắng tới Bạch Cốt Tháp bởi vì đa số người của Ma Cổ Đạo biết tà pháp, cho nên Lý Lão Đạo hóa thi thành cốt chôn ở dưới tháp, để tránh cho sau này lại lên mầm họa.
Lưu Hoành Thuận lại không cho là đúng, người chết như đèn tắt, đèn tắt thì còn đốt lại được nhưng người chết lại khó sống lại, cảnh sát mặc đồ quan mà còn sợ có quỷ được à? Lại hỏi Lý Lão Đạo trong thành Thiên Tân có còn dư nghiệt Ma Cổ Đạo hay không.
Lý Lão Đạo nói Ma Cổ Đạo mưu toan mượn long khí của cửa sông Tam Xá để gây loạn, sao mà dễ dàng dừng tay được? Địa thế của cửa sông Tam Xá ứng với điềm cửu long quy nhất, cái gọi là giao long, thật ra là một thanh kiếm cổ chìm dưới đáy sông, có tên là “Phân Thủy Kiếm”, là bảo bối trấn sông, một khi bị người khác lấy mất hoặc là dựa thế hóa rồng, thành Thiên Tân nhất định sẽ bị nhấn chìm!
Mặc dù Lưu Hoành Thuận không tin cách nói quỷ thần gì đấy, có điều người Cửu Hà hạ sao hầu như đều nghe qua “Phân Thủy Kiếm”. Người xưa kể lại, nước cửa sông Tam Xá sâu không thấy đáy, phía dưới nối thẳng với mắt biển, có rất nhiều mạch nước ngầm, thường có người chết đuối ở đấy. Rất nhiều người cao tuổi nói, Thiên Tân Vệ phồn vinh và nuôi sống được nhiều ngành nghề như vậy, đều nhờ vào Phân Thủy Kiếm dưới đáy sông cả, đã biến cửa sông Tam Xá thành một miền đất phúc, nhưng cho tới nay chưa từng có ai nhìn thấy Phân Thủy Kiếm, chỉ có một ngoại lệ là Lý Lôi Thôi đào sông – một trong Thất Tuyệt Bát Quái.
Chuyện Lý Lôi Thôi tìm bảo ở cửa sông Tam Xá, ở đây có thể nói là người người đều biết, Lưu Hoành Thuận cũng từng có nghe thấy, chẳng qua chỉ là truyền thuyết dân gian nghe nhầm đồn bậy mà thôi, ai sẽ coi đó là thật?
Nói đến đây tôi cần thông báo trước một tí, về chuyện Lý Lôi Thôi xuống sông lấy bảo năm đó. Người này có nguyên quán ở Sơn Đông, bởi vì quê gặp binh loạn nên chạy nạn tới Thiên Tân Vệ. Hai mươi năm như một ngày, trời chưa sáng thì đã dậy, khiêng đòn gánh múc nước sông, đưa tới cửa từng nhà, miễn cưỡng kiếm lấy miếng cơm ăn. Nghề gánh nước này vừa khổ vừa mệt, không phải người quá nghèo thì chẳng ai muốn làm nghề này, đi sớm về khuya, ra ngoài thành múc nước gánh vào trong thành, mệt mỏi gãy chân gãy lưng cũng kiếm chẳng được mấy đồng tiền, cùng lắm là không chết đói mà thôi.
Trước đây có câu nói để hình dung người như Lý Lôi Thôi – “Tình nguyện trong nhà cháy cũng không muốn rơi vào kênh thối”, câu này giải nghĩa thế nào? Lý Lôi Thôi nghèo độc thân một mình, ở ven sông ngoài Bắc Môn, xây một túp lều ở đấy, muốn rách cỡ nào thì rách cỡ ấy, che gió che mưa miễn cưỡng dung thân, không sợ nhà cháy, cỏ tranh và sức tay không mất tiền, cùng lắm là dựng lại một cái, chẳng phải chuyện gì to tát. Nhưng rơi xuống kênh thối thì không được, bởi vì chỉ có một bộ quần áo này thôi. Cái quần cái áo đều do mấy mảnh vải ghép lại, vào đông giá buốt thì nhét rơm rạ vào, tới lúc trời nóng thì lại móc ra, ban ngày làm quần áo, ban đêm làm chăn, chết thì làm đồ liệm, trên đồ toàn mụn vá là mụn vá, gặp trời mưa xối xả mới giống như giặt một lần, mà còn phải mặc trên người cho khô nữa, chứ treo trên cây, lỡ có cơn gió thổi bay mất, muốn khóc cũng không khóc được. Không phải là không chê bẩn, thực sự là không đổi được. Bởi vì y suốt ngày đầu bù tóc rối, đồ rách lỗ chỗ, vì vậy được cái danh hiệu “Lý Lôi Thôi”.
Lý Lôi Thôi có thể được xưng là nhất tuyệt ở Cửu Hà hạ sao, đều bởi vì y bơi giỏi một cách thần kỳ, không biết là thủy quái phương nào nữa, có được đôi mắt cá, khi xuống sông cứ như một con cá chạch sống, có thể nằm ngủ trong nước, có thể đi ở đáy sông. Lúc Lý Lôi Thôi tới Thiên Tân Vệ thì nước Đại Thanh vẫn còn, vốn tưởng rằng dựa vào kỹ năng bơi, y có thể tay không bắt mấy con cá, kiếm được miếng cơm. Nào ngờ bất kỳ ngành nghề nào trong Thiên Tân Vệ cũng có côn đồ lũng đoạn, bên bờ sông có hang ổ của bọn côn đồ chuyên môn làm về cá, dù là cá hay tôm, chỉ cần được vớt lên từ sông thì cũng phải mang tới ổ cá, dám nói một chữ không, tụi du côn trong ổ đảm bảo sẽ đánh bạn thành quả hồ lô máu luôn, mấy con cá tôm này phải do “trại chủ” “quân sư” trong ổ giao dịch định giá cả, rồi lại chuyển cho tất cả nhà bán cá lớn nhỏ trong Thiên Tân Vệ, các ổ chia địa bàn, mỗi bên chiếm một phương mỗi bên quản một đoạn, quy cả sâm nghiêm, há cho người ngoài chen một chân vào? Lý Lôi Thôi một không hiểu quy củ, hai không có phương pháp, bị đánh không ít lần mới biết được muốn ăn chén cơm này là nằm mơ, có bản lĩnh đầy mình nhưng lại không có đất dụng võ. Y vì mạng sống, chỉ đành phải xin đông xin tây, ban ngày vào thành làm ăn mày, khi trời tối đen lại về túp lều ven sông qua đêm.
Một đêm nào đó, Lý Lôi Thôi đang nhịn cơn đói ở trong lều thì loáng thoáng nghe thấy hai người trò chuyện với nhau. Y thấy rất kỳ quái, nửa đêm canh ba ai lại tới đây làm gì? Chẳng lẽ là kẻ tặc gây án tới đây chia của? Lý Lôi Thôi không dám lên tiếng, vểnh tai lên nghe, thì ra hai vị đang nói chuyện không phải là người!
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook