Hỏa thần: Cửu Hà long xà (BẢN DỊCH)
-
Chapter 1 Quyển 1: Súng bắn Mỹ Nhân Đài
LINK FANPAGE CỦA BỌN MÌNH: https://www.facebook.com/tutienteam/
ỦNG HỘ BỌN MÌNH BẰNG CÁCH LIKE VÀ SHARE PAGE NHÉ, BỌN MÌNH SẼ CÓ THÊM ĐỘNG LỰC RA CHAP NHIỀU HƠN CHO MỌI NGƯỜI ĐỌC Ạ ^^
Tam Xá hà khẩu xuất kỳ nhân,
Lục bả chân hỏa phi tại thân;
Cửu hà hạ sao đa dị sĩ,
Đẳng nhàn chi bối chẩm xưng thần?
Tạm dịch:
Cửa sông Tam Xá có kỳ nhân,
Sáu ngọn chân hỏa khoác lên thân;
Cửu hà hạ sao* nhiều dị sĩ,
Kẻ hèn sao mà dám xưng thần?
*Cửu hà hạ sao: Tức chín sông đổ ra một biển, cách gọi chung nhiều nhánh nhỏ sông Hoàng Hà thời cổ đại.
Vài câu tàn từ dẫn cho bộ “Hỏa Thần: Cửu hà long xà”. Nơi được nhắc tới phía Đông giáp Bột Hải, ngày xưa gọi là Trần Đường Quan. Về sau biển rút để lại bờ, Minh Thành Tổ Chu Đệ lại xây thành lập Vệ Sở* ở đây, đóng quân tồn lương, đổi tên thành Thiên Tân Vệ. Cách thành phố Bắc Kinh hai trăm bốn mươi dặm, là nơi kiểm soát kênh đào từ Nam tới Bắc, cùng các cửa ngõ của hai đường thủy và bộ; nơi đây trăm nghề hội tụ, là nơi có tiền của dồi dào bậc nhất, cho dù nghèo hay giàu cũng có thể kiếm được miếng ăn ở nơi này. Có bản lĩnh thì ăn thịt, không thì húp cháo, chỉ cần không tiếc ra sức, chắc chắn sẽ không chết đói. Nếu muốn tạo dựng tên tuổi để được ăn ngon uống ngon, không có năng lực khiến người khác khuất phục thì không làm được, như ông bà xưa có nói ‘phải có ngón nghề riêng’.
*Vệ sở: Chế độ quân đội thời Minh
Từ cuối đời Thanh tới nay, người tài ba của Thiên Tân Vệ được xưng là “Thất Tuyệt Bát Quái”, ví dụ như Đỗ Đại Bưu khiêng đỉnh, Trần Mắt Thẹo súng vàng, Vương Bảo bán nước, Thiếu Gia Ngốc lưu manh côn đồ, Tôn Tiểu Thối đào mồ quật mả, Dương Già Thiên biết ảo thuật, Lý Miệng Rộng chuyên ma chay, Trương Mù đi âm người, Thường Đuôi Sam giữ cửa thành, Tịnh Nhai Vương kể chuyện, Phùng Què đặt cược, Bạch Tứ Hổ cướp đường, Lý Lôi Thôi đào sông, Hoàng Trị An đổ rác, Thập Tam Đao cạo đầu, Dạ Lý Hoan kỹ nữ, Liên Hóa Thanh diễn xiếc, Kim Mặt Rỗ bán thuốc lậu, Thạch Quả Phụ hay khóc, Diêm Lão Thí mài dao mài kéo, Hoa Nhát Gan bán hàng rong, Cao Trực Nhãn khuân vác, Mao Diễm Ngọc cưỡi lừa gỗ*, v.v… ai nấy đều có bản lĩnh riêng, trong đó có chính có tà, có thiện có ác, có người bản địa sinh trưởng nơi đây, cũng có người tới Thiên Tân Vệ xông pha, cuối cùng thành danh nơi Cửu Hà hạ sao. Thời đại khác nhau, thế nên người cũng khác nhau, trước sau mấy nhóm người, để kể hết thì không chỉ mỗi mười lăm vị.
*Cưỡi lừa gỗ: Cực hình cho phụ nữ thời xưa.
Vậy mới nói “con người chia tam lục cửu đẳng, miếng thịt thì năm hoa bảy tầng”, trên người có người, núi cao còn có núi cao hơn, kỳ nhân dị sĩ Thiên Tân Vệ liên tục xuất hiện, trên “Thất Tuyệt Bát Quái” còn có “Tứ Thần Tam Yêu”, đây không phải danh hiệu tự phong, mà là bách tính dân gian đặt cho họ. “Tứ Thần” là bốn đại kỳ nhân từ cuối triều nhà Thanh tới những năm 50, 60 của thế kỷ XX, sự tích của bốn người ấy rắc rối phức tạp, người xưa thường thích gom chuyện của họ lại để cùng nói chung, vì thế mới được gọi chung là “Tứ Thần”, theo thứ tự là: Đậu Chiêm Long biệt tài tầm bảo, Thôi Lão Đạo hàng yêu bắt quái, Quách Đắc Hữu phá nhiều kỳ án và Lưu Hoành Thuận truy hung bắt tặc. Tùy tiện nói về một người nào cũng có thể viết ra một bộ sách dày. “Tam Yêu” sẽ được lần lượt chỉ ra trong sách, nếu nói đủ, thì sẽ có một chủ đề chung tên “Tứ Thần đấu Tam Yêu”. “Hỏa Thần” chỉ là một cuốn trong đó, nói riêng về Đồn trưởng Đồn cảnh sát Miếu Hỏa Thần – Phi mao thối Lưu Hoành Thuận.
Anh chàng Lưu gia này tính nóng như lửa, ghét ác như thù, trời sinh có đôi chân chạy cực nhanh, cả đời phá được rất nhiều án lớn, bắt vô số kẻ xấu hung ác, dân gian tương truyền người này là Hỏa Thần Gia hạ giới. Sở Cảnh sát Miếu Hỏa Thần nơi anh công tác ở cửa sông Tam Xá (sông có ba nhánh rẽ), nơi Lộ thủy và Vệ thủy hợp dòng, chảy về Đông nhập vào biển, hai màu nước không lẫn vào nhau, có trong có đục. Khi kể chuyện phải kể rõ, không thể tin lời xàm mà nói bậy được, tại sao trên cửa sông Tam Xá phải có miếu Hỏa Thần? Bởi vì trước đây trên bờ sông có ‘thôn Miếu Hỏa Thần’, trong thôn không có người họ khác, nhà nhà họ Lưu, đa số đều có quan hệ họ hàng, dựa vào tay nghề làm pháo kiếm sống. Trong quá khứ pháo đốt vô cùng phổ biến, ngày lễ ngày tết, hôn tang gả cưới, buôn bán khai trương, gác đòn dông nhập trạch, ngay cả hòa thượng lão đạo khai mở lễ làm phép cũng phải dùng, hôn sự dùng pháo hỉ, tang lễ thì dùng pháo tang. Xưởng pháo trong thôn đã nhiều còn sát liền nhau, pháo lớn pháo nhỏ, pháo dài pháo ngắn, pháo bắn cao, pháo bắn xa, muốn gì có nấy, việc buôn bán rất chi là phát đạt. Sở dĩ nghề làm pháo tập trung sống ở đây, duyên cớ là vì đất ở nơi đây đều nhiễm mặn, trồng hoa màu gì cũng không mọc, duy chỉ có diêm tiêu*. Để làm thuốc nổ cần có một là lưu huỳnh, hai diêm tiêu và ba là than củi, hỏa dược được làm từ diêm tiêu của nơi này, tiếng pháo đốt vô cùng giòn vang, đồng thời nơi này gần nước, dễ dàng phòng cháy.
*Diêm tiêu: Tên gọi khác của quặng nát tri ka li.
Trừ có tay nghề làm pháo tốt ra, người của thôn Miếu Hỏa Thần còn có rất nhiều người luyện võ, trước kia luyện võ chú trọng đến môn phái sư thừa, chia thành năm tông mười ba phái tám mươi mốt môn hộ, Nam quyền Bắc cước, đao thương gậy gộc gì đều có sư thừa truyền thụ, nhưng kỹ năng ở nơi này không thuộc về bất kỳ một tông phái nào, lại càng không ở trong 81 môn hộ, nói dễ nghe chút là tự lập môn hộ, còn nói thẳng thì là thứ võ mèo cào không môn không phái, vậy mà công phu lại không kém. Các thôn dân khi có việc thì làm việc, rảnh rang thì luyện võ, lúc đầu chỉ vì chống lại cường đạo, sau đó lại dùng kĩ năng này vào việc làm pháo, khi làm thao tác nhanh nhẹn, chú ý lực đạo, từng chiêu từng thức đều được khống chế rất tốt. Vì vậy thuốc nổ trong dây pháo của thôn Miếu Hỏa Thần được nhồi rất đều, vỏ pháo quấn chặt, bắt lửa nhanh, vừa giòn lại còn vang, không văng tung tóe. Lại ở gần các kênh đào nên nên thủy vận tiện lợi, từ Bắc Kinh cho tới Giang Nam, tiêu thụ khắp nơi, có thể nói là nổi danh xa gần. Trước kia có một câu đối, vế trên là “Nam Thông Châu Bắc Thông Châu Nam Bắc Thông Châu thông Nam Bắc”, đúng là nói về Đại Vận Hà này, Bắc Thông Châu ở Bắc Kinh, Nam Thông Châu ở Giang Tô*, giữa hai Thông Châu đều dựa vào kênh đào mậu dịch qua lại, có thể nói là được trời ưu ái. Bởi vì làm buôn bán liên quan tới cửa chữ Hỏa*, người trong thôn góp tiền xây một ngôi miếu Hỏa Thần bên cạnh cửa sông Tam Xá, cung phụng tượng thần của Hỏa Đức Chân Quân, để cầu làm ăn phát tài và bình an.
*Cả Bắc Kinh và Giang Tô đều có thành phố nhỏ tên Thông Châu, do đó mới tạo nên câu đối như trên.
*Cửa chữ Hỏa tức những nghề liên quan đến lửa.
Hỏa Đức Chân Quân là vị thần quản lửa, tên phổ biến trong dân gian là Hỏa Thần Gia. Có người nói Hỏa Thần là hóa thân của Toại Nhân thị - một trong Tam Hoàng. Toại Nhân thị sáng tạo ra lửa loại bỏ thịt sống, được người đời sau gọi là “Hỏa Tổ”; có người nói Hỏa Thần Gia là Chúc Dung, Chúc Dung không phải tên người mà là danh hiệu, hay còn gọi là Hỏa Chính, chức quan cai quản lửa ở Thượng Cổ; cũng có người nói ông là Giới Tử Thôi trung quân báo quốc, chết vì cứu mẹ trong biển lửa năm xưa; còn có người dứt khoát nói Hỏa Thần Gia là Na Tra Tam Thái tử, bởi vì tượng được đắp trong miếu đội mũ vàng giáp vàng, ba đầu sáu tay, dưới chân đạp đôi Phong Hỏa Luân.
Dù sao cách nói nào cũng có, cũng đều nói ra được đạo lý căn nguyên, đều có lý của riêng mình, không biết được đâu mới là nguồn chính. Có điều dân chúng bình thường cũng không dám cung phụng Hỏa Thần Gia trong nhà, bởi vì trước kia đa số phòng ở đều được làm từ gỗ, sợ nhất gặp hỏa hoạn, tục ngữ có câu “Lửa cháy coi như xong đời”, nhà có tiền đến đâu cũng không chịu nổi một cây đuốc, có dập cũng không kịp, nháy mắt tan thành mây khói. Trong dân gian cung phụng Táo Vương Gia hoặc Thần Tài vẫn là chiếm đa số, đối với Hỏa Thần Gia thì vẫn luôn kính trọng chứ không gần gũi, sợ né tránh không kịp, trốn cũng trốn chẳng xong, sao dám mời về nhà?
Thật ra trong dân gian có không ít nghề thờ cúng Hỏa Thần Gia, làm pháo là một trong số đó, còn lại ví dụ như đốt lò nung, luyện sắt, bán than, ủ rượu, v.v… phàm là mượn lửa kiếm sống thì đều thuộc cửa chữ Hỏa, phải cầu Hỏa Thần Gia phù hộ. Miếu Hỏa Thần ở các nơi cũng không giống nhau, phong tục khác nhau nên tượng thần cung phụng trong miếu cũng khác nhau. Chúng ta không đề cập tới nơi khác, chỉ nói ngôi Miếu Hỏa Thần ở cửa sông Tam Xá này, miếu thờ không lớn nhưng không mất trang nghiêm, gạch đỏ ngói đỏ, đình đỏ trụ đỏ, nhìn từ xa hệt như một biển lửa. Trên bệ thờ trong đại điện có một vị thần ba đầu sáu tay ngồi ngay ngắn, xích diện hồng nhan, báo đầu hỏa nhãn, trong mỗi sáu tay là một ngọn lửa âm dương, anh minh thần vũ, uy phong lẫm liệt. Bốn Hỏa Thú bên dưới, một là Phún Hỏa Long, cả người là lớp giáp vảy vàng, mặt có màu trắng; hai là Tị Hỏa Trư, mặt heo xanh nhợt nhạt, người mặc áo bào đen, đầu đội mũ heo; ba là Thực Hỏa Hầu, mỏ nhọn tai vểnh, như là con khỉ, mặc áo bào màu vàng; bốn là Vi Hỏa Hổ, ăn mặc kiểu võ tướng áo trắng, đầu độ mũ hình hổ. Hai bên trái phải là hai Hỏa đồng tử, chia nhau cầm hai Hỏa khí là Hỏa kiếm và Hỏa xà, trước cửa có Tướng quân canh điện, phía sau có Lão quân coi đèn.
Nghe đâu Đồn trưởng Đồn cảnh sát Miếu Hỏa Thần Lưu Hoành Thuận, chính là vị Chân Thần trong miếu hạ giới, thôi đi, bạn nghĩ trên đời này đơn giản đều là phàm phu tục tử hai tay hai chân, hai bả vai đỡ lấy một cái đầu, ăn hoa màu ngũ cốc, một Đồn trưởng Đồn cảnh sát có tài có đức gì mà dám xưng là Hỏa Thần Gia?
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook