Nhà ga Santa Lucia của Venice là một công trình thấp và trang nhã làm từ đá xám và bê tông. Nó được thiết kế theo phong cách tối giản hiện đại, với mặt tiền để trống không có ký hiệu nào ngoại trừ một biểu tượng - hai chữ cái FS có cánh - biểu tượng của hệ thống đường sắt bang, Ferrovie dello Stato.

Vì nhà ga nằm ở cực tây con kênh Đại Vận Hà[1] nên hành khách đến Venice chỉ cần bước một bước ra khỏi nhà ga là thấy minh hoàn toàn ngập chìm trong cảnh quan, mùi vị và âm thanh đặc trưng của Venice.

[1]Đại Vận Hà (Grand Canal) ở Venice, Ý, là dòng kênh lớn tạo thành hành lang giao thông đường thủy chính tại thành phố này. Kênh ăn thông vào đầm nước gần Santa Lucia, đầu kia dẫn vào quảng trường St. Mark. Phần giữa kênh tạo thành một hình chữ S ngược lớn chạy qua các quận trung tâm của Venice.

Với Langdon, mùi mặn mòi của một làn gió đại dương trong lành đẫm vị món pizza trắng của những người bán hàng rong trên phố bên ngoài nhà ga luôn là thứ đến với anh trước tiên. Hôm nay, gió từ phía đông thổi vào không khí cả mùi dầu diesel từ hàng dài taxi nước trống không đang đỗ gần đó, phía trên mặt kênh. Hàng chục chủ thuyền vẫy tay và hét mời du khách, hy vọng kéo được một vị khách lên taxi, thuyền đáy bằng, phà, hay xuồng cao tốc cá nhân.

Cảnh nhộn nhạo trên mặt nước, Langdon thầm nghĩ, mắt nhìn cảnh “kẹt xe nổi”. Ít nhiều, cảnh tắc nghẽn hẳn sẽ khiến người ta phát điên ở Boston nhưng lại rất thú vị tại Venice.

Bên kia kênh một tầm ném đá, mái vòm màu xanh đồng mang tính biểu tượng của nhà thờ San Simeone Piccolo vươn cao trên bầu trời về chiều. Nhà thờ này là một trong những công trình có kiến trúc pha trộn nhiều nhất ở châu Âu. Mái vòm dốc một cách khác thường cùng thánh đuờng hình tròn theo phong cách Byzantine, trong khi cổng vào điện thờ bằng đá cẩm thạch có cột đỡ rõ ràng lại theo khuôn mẫu lối vảo kiểu Hy Lạp cổ điển của đền Patheon tại Rome. Trên đỉnh lối vảo chính là phần trán tường ngoạn mục bằng đá cẩm thạch đẽo nối tính tế, mô tả nhiều vị thánh tử đạo.

Venice là một bảo tàng ngoài trời, Langdon nghĩ, ánh mắt anh nhìn xuống dòng nước kênh vỗ ì oạp vào bậc cấp nhà thờ. Một bảo tàng đang từ từ chìm xuống. Mặc dù vậy, khả năng ngập lụt dường như không đáng kể so với mối đe dọa mà Langdon sợ rằng lúc này vẫn đang ẩn nấp bên dưới thành phố này.

Và không ai có ý tưởng gì...

Bài thơ ở mặt sau chiếc mặt nạ người chết của Dante vẫn còn trong tâm trí Langdon, và anh thắc mắc liệu nhũng dòng thơ sẽ dẫn họ tới đâu. Anh vẫn giữ bản chép lại bài thơ trong túi áo, nhưng còn chiếc mặt nạ thạch cao - theo gợi ý của Sienna - Langdon đã bọc vào giấy báo và bí mật cất bên trong một tủ khóa tự phục vụ ở ga tàu. Mặc dù đó là chỗ cất giữ rất không hợp lý đối với một hiện vật quý giá, nhưng hộc tủ chắc chắn vẫn an toàn hơn so với việc cứ mang theo chiếc mặt nạ thạch cao vô giá đi khắp thành phố toàn nước là nước này.

"Robert?", Sienna vượt lên trước cùng với Ferris, ra hiệu về phía chiếc taxi nước, "Chúng ta không có nhiều thời gian".

Langdon vội đi nhanh về phía họ, mặc dù là người say mê kiến trúc, anh gần như vẫn không thể tin đuợc khi phải trải qua một chuyến đi vội vàng dọc theo Đại Vận Hà. Có lẽ không trải nghiệm nào tại Venice thú vị hơn việc ngồi trên phà vaporetto tuyến số 1- loại xe buýt nước không mái che chính của thành phố - nhất là buổi tối và ngồi ở phía trước khi những thánh đưòng và cung điện tràn ngập ánh sáng trôi về phía sau.

Hôm nay không có phà rồi, Langdon nghĩ. Những xe buýt dưới nước này có tiếng là chậm, và taxi nước sẽ là lựa chọn nhanh hơn. Nhưng thật không may, vào thời điểm này, đoàn nguời đứng xếp hàng chờ taxi bên ngoài nhà ga có vẻ như dài vô tận.

Ferris, thấy rõ là không có lòng dạ nào chờ đợi, nhanh chóng đứng ra giải quyết vấn đề. Với một tập tiền mặt hậu hĩnh ông ta nhanh chóng gọi được một chiếc limousine nước - chiếc Veneziano Convertible bằng gỗ gụ Nam Phi hào nhoáng. Mặc dù chiếc thuyền trang nhã này sang quá mức cần thiết nhưng chuyến đi sẽ nhanh chóng và bảo đảm riêng tư – chỉ mất mười lăm phút chạy dọc Đại Vận Hà tới Quảng trường St. Mark.

Người lái thuyền của họ là một anh chàng điển trai mặc bộ đồ hiệu Armani may đo. Trông anh ta giống một tài tử điện ảnh hơn là lái tàu, nhưng nói cho cùng, đây là Venice, mảnh đất của nét thanh lịch Ý.

"Maurizio Pimponi", anh chàng giới thiệu, nháy mắt với Sienna trong khi chào đón cả nhóm lên thuyền. "Vang trắng Prosecco? Rượu chanh Limoncello? Hay sâm panh?"

"Không, cảm ơn", Sienna đáp và nói nhanh như bắn liên thanh bằng tiếng Ý để hướng dẫn anh ta đưa họ tới Quảng trường St. Mark càng nhanh càng tốt.

"Chắc chắn rồi!” Maurizio nháy mắt lần nữa. "Thuyền của tôi là chiếc nhanh nhất ở Venezia…”

Khi Langdon và hai người kia ngồi xuống những chiếc ghế bọc vải nhung ở phần khoang không mái che, Maurizio cho động cơ Volvo Penta của thuyền chạy ngược, đưa nó lùi xa bờ một cách thành thục. Sau đó anh ta đánh tay lái sang phải và rồ máy lao tới, lách chiếc thuyền lớn của mình qua cả đám thuyền đáy bằng, khiến cho rất nhiều chủ thuyền mặc sơ mi kẻ vung tay bực bội khi những chiếc thuyền đen bóng bảnh bao của họ nhấp nhô chao đảo do đợt sóng anh ta tạo ra.

“Xin lỗi nhé”, Maurizio lên tỉếng cáo lỗi. “Khách VIP.”

Chỉ trong vài giây, Maurizio đã thoát ra khỏi đám đông tắc nghẽn ở ga Santa Lucia và lao băng băng về phía đông, dọc theo Đại Vận Hà. Khi họ tăng tốc bên dưới vòm cầu Ponte degli Scalzi[2], Langdon ngửi thấy hương vị ngọt ngào đặc trưng của món mì xào mực ống seppie al nero - loại mì giữ nguyên sắc đen của chính con mực tuyệt hảo của địa phương - đang ngào ngạt bay ra từ các nhà hàng có mái vòm dọc bờ kênh. Khi họ vòng theo một khúc quành của con kênh, nhà thờ mái vòm đồ sộ San Geremia hiện ra trước mắt.

[2]Ponte degli Scalzi: ( nghĩa đen là “cầu Tu sĩ chân trần”) là một trong bốn cây cầu bắc qua Đại Vận Hà ở Venice. Cầu nối quận Santa Croce ở phía nam với Cannaregio ở phía bắc. Cầu do Eugenio Miozzi thiết kế, xây bằng đá, hoàn thành năm 1934, thay thế cho một cây cầu sắt.

“Saint Lucia", Langdon thì thẩm, đọc rõ tên vị thánh còn khắc bên hông nhà thờ. "Xương của những người mù lòa.”

"Anh nói sao cơ?", Sienna ngó lại, hy vọng Langdon có thể đoán ra thêm điều gì đó về bài thơ bí ẩn.

"Không có gì", Langdon nói. “Ý nghĩ lạ lùng. Có lẽ không có gì.” Anh chỉ về phía nhà thờ. "Hãy nhìn dòng chữ khắc? Thánh Lucia được chôn cất ở đó. Thỉnh thoảng tôi có giảng về nghệ thuật viết thánh truyện - nghệ thuật khắc họa các vị thánh Thiên Chúa giáo, và tôi vừa chợt nghĩ ra Thánh Lucia là thánh bảo trợ của người mù."

“À, Thánh Lucia!", Maurizio xen vào, vẻ háo hức muốn góp truyện."Vị thánh của ngươi mù! Các vị có biết chuyện không?” Ông chủ thuyền ngoảnh nhìn lại họ và hét to át cả tiếng động cơ. “Lucia đẹp đến mức tất cả đàn ông đều thèm khát nàng. Cho nên, để giữ mình thanh khiết vì Chúa và bảo vệ trinh bạch, Lucia đã tự móc mắt mình.”

Sỉenna xuýt xoa. "Đó là hết lòng."

“Để thưởng cho sự hy sinh của nàng", Maurizio nói thêm, “Chúa ban cho nàng một đôi mắt còn đẹp hơn nữa!".

Sienna nhìn Langdon. "Anh ta biết rõ chuyện đó vô lý đúng không?"

"Chúa khiến người ta tin bằng những cách thức huyền bí.” Langdon nhận xét, hình dung ra hai mươi bức vẽ theo trường phái Thợ Cả[3] nổi tiếng mô tả Thánh Lucia bưng cặp nhãn cầu của mình trên một chiếc đĩa phẳng.

[3]Nguyên văn: “Old Master", chỉ một họa sĩ châu Ảu truớc năm 1800, được đào tạo bài bản, là người đứng đầu một phường của các họa sĩ địa phương và có thể làm việc độc lập.

Có rất nhiều khảo dị về câu chuyện Thánh Lucia, nhưng tất cả đều nhắc đến việc Lucia tự móc đôi mắt khiến người ta thèm khát của mình và đặt lên một chiếc đĩa phằng để đưa cho người theo đuổi nàng một cách cuồng si và khảng khái tuyên bố: "Đây, anh đã có thứ anh thèm muốn… và giờ tôi cầu xin anh để cho tôi được yên!". Điều kỳ lạ là chính Kinh Thánh đã khơi nguồn cảm hứng cho hành động tự hủy hoại mình của Lucia, mãi mãi gắn kết nàng với lời răn nổi tiếng của Chúa Jesus: "Nếu mắt con làm dịp tội[4], con hãy moi đôi mắt đó và vứt đi".

[4]Theo Kinh Phúc m: Mc 9, 40-49 (Hl 41-50).

Moi, Langdon ngẫm nghĩ, nhận ra cũng chính từ này được dùng trong bài thơ. Hãy tìm gã tổng trấn bội bạc của Venice, kẻ …moi xương cả người mù lòa.

Cảm thấy khó hiểu với sự trùng hợp này, anh băn khoăn không biết liệu cỏ phải đây là một ẩn ý rằng Thánh Lucỉa chính là người mù lòa được nhắc đến trong bài thơ không.

“Maurizio", Langdon gọi to, tay chỉ nhà thờ San Geremia. “Hài cốt của thánh Lucia ở trong nhà thờ đó phải không?"

"Đúng rồi, một ít thôi". Mauricio nói trong khi điều khiển thuyền bằng một tay rất điệu nghệ và ngoái lại nhìn các vị khách của mình, chẳng cần để tâm đến thuyền bè đi lại phía trước. “Nhưng hầu như là không còn. Thánh Lucia rất được yêu kính nên di cốt của bà phân tán ở nhiều nhà thờ trên khắp thế giới. Người dân Venice yêu kính Thánh Lucia nhất, dĩ nhiên rồi, và vì thế chúng tôi tưởng niệm..."

"Maurizio", Ferris gọi to. "Thánh Lucia bị mù, anh thì không. Nhìn đằng trước kìa!"

Maurizio cười rất thoải mái và đánh tay lái vừa kịp để khéo léo tránh đâm phải một chiếc thuyền vừa sáp tới.

Sienna chăm chú nhìn Langdon. "Anh đã hiểu được gì rồi? Gã tổng trấn moi xương cả người mùa lòa à?"

Langdon mím môi. "Anh không dám chắc."

Anh nhanh chóng kể cho Sienna và Ferris câu chuyện về thánh tích của Thánh Lucia - di cốt của bà - được xem là câu chuyên lạ lùng nhất trong số truyện về các vị thánh. Người ta cho rằng, khi nàng Luda xinh đẹp khước từ những lời tán tỉnh của một kẻ quyền thế theo đuổi, gã này đã tố giác nàng và nàng bị thiêu sống, nhưng theo truyền thuyết, thân xác nàng không cháy. Vì da thịt nàng không bắt lửa nên người ta tin rằng di hài của nàng có quyền năng đặc biệt và bất kỳ ai sở hữu được chúng đều có một tuổi thọ kéo dài.

"Hài cốt có phép thần thông ư?", Sienna hỏi.

"Phải, người ta tin như vậy, và đó là lý do di hài của bà phân tán khắp thế giới. Trong suốt hai thiên niên kỷ, những nhà lãnh đạo uy quyền đều tìm cách né tránh tuổi già và cái chết bằng việc sở hữu hài cốt của thánh Lucia. Xương của bà bị đánh cắp, rồi lại bị nẫng tay trên, được hoàn trả về chỗ cũ, và bị chia nhỏ nhiều lần hơn bất kỳ vị thánh nào khác. Xương của bà đã qua tay ít nhất cả tá những nhân vật uy quyền nhất trong lịch sử.

“Bao gồm cả một gã tổng trấn bội bạc à?”, Sienna hỏi.

Hãy tìm gã tổng trấn bội bạc của Venice, kẻ cắt rời những chiếc đầu ngựa…và moi xương cả người mù lòa.

“Rất có thể”. Langdon nói, lúc này đã nhận ra rằng Hỏa ngục của Dante có nhắc đến Thánh Lucia rất rõ. Lucia là một trong ba người phụ nữ được ban phước đã giúp gọi Virgil tới giúp Dante thoát khỏi địa ngục. Hai nguời phụ nữ kia là Đức mẹ Đồng trinh Mary và nàng Beatrice yêu dấu của Dante, nhưng Dante đặt Thánh Lucia ở vị trí cao nhất trong số họ.

“Nếu anh đúng trong chi tiết này”, Sienna nói, giọng đầy phấn khích, “thì cũng chính gã tổng trấn bội bạc đã cắt rời những đầu ngựa…”

“Và còn đánh cắp xương của Thánh Lucia nữa”, Langdon kết luận.

Sienna gật đầu. “Điều đó sẽ thu hẹp bản danh sách của chúng ta đáng kể đấy.” Cô đưa mắt nhìn Ferris. “Anh có chắc điện thoại của anh không hoạt động không? Chúng ta có thể tìm kiếm trên mạng về…”

“Chết ngắc rồi”, Ferris nói. “Tôi vừa kiểm tra. Rất tiếc.”

“Chúng ta sắp đến đó bây giờ.” Langdon nói. “Tôi tin chắc chúng ta có thể tìm được câu trả lời gì đó tại Thánh đường St.Mark”

St.Mark là mảnh ghép duy nhất mà Langdon thấy chắc chắn trong câu đố. Bảo quán mạ vàng của tri thức thánh thiêng. Langdon hy vọng thánh đường sẽ hé lộ nhân dạng của vị tổng trấn bí ẩn…và từ đó, nếu may mắn, sẽ là tòa cung điện cụ thể mà Zobrist đã lựa chọn để tung ra đại dịch của hắn. Vì ở đây, trong bóng tối, con quái vật của địa phủ chờ đợi.

Langdon cố gắng gạt khỏi tâm trí mình bất kỳ hình ảnh nào về đại dịch, nhưng chẳng có tác dụng gì. Anh hay tự hỏi thành phố lạ thường này trông như thế nào vào thời kì hoàng kim của nó lúc là trung tâm thương mại của châu Âu, trước khi trận đại dịch hạch làm thành phố suy yếu đến mức nó bị người Ottoman chinh phục, rồi đến Napoleon.Theo những thông tín thu thập được, không còn thành phố nào trên thế gỉới đẹp hơn thế, sự giàu có và văn hóa của dân cư nơi đây lả không thể so sánh được.

Nhưng thật mỉa mai, chính thị hiếu sính những thứ xa xỉ nước ngoài của người dân ở đây đã đưa tai họa đến - bệnh dịch hạch chết người từ Trung Quốc tràn đến Venice trên lưng những con chuột bám theo các thương thuyền. Đại địch từng tiêu diệt hai phần ba dân số Trung Quốc đã tràn đến châu Âu và nhanh chóng tàn sát một phần ba dân số ở đây - trẻ cũng như già, giàu cũng như nghèo.

Langdon đã đọc những mô tả về cuộc sống ở Venice trong thời kỳ dịch hạch bùng phát. Không có nhiều đất khô để an táng người chết, những xác người sưng tấy trôi nổi trên các dòng kênh, một số khu vực tắc nghẽn xác chết đến mức các công nhân phải làm việc như những phu kéo gỗ và đẩy các xác chết ra biển. Dường như những lời cầu nguyện không thể xoa dịu cơn cuồng nộ của đại dịch. Đến khi các quan chức của thành phố nhận ra chính lũ chuột gây ra bệnh dịch thì đã quá muộn, nhưng Venice vẫn ban hành một sắc lệnh, theo đó mọi con tàu đều phải buông neo ngoài khơi đủ bốn mươi ngày trước khi được phép bốc dỡ hàng hóa. Đến hôm nay, con số bốn mươi - quaranta trong tiếng Ý vẫn như là một lời nhắc hãi hùng về nguổn gốc của từ quarantine[5].

[5]Từ tiếng Anh có nghĩa: Cách ly để kiểm dịch.

Khi thuyền của họ tăng tốc vượt qua một khúc quành nữa trên có một tấm vải bạt đỏ thường thấy trong dịp lễ hội phất phơ làn gió nhẹ, kéo sự chú ý của Langdon khỏi những ý nghĩ u ám về cái chết để hướng đến một tòa nhà ba tầng trang nhã bên trái anh.

SÒNG BẠC VENEZIA: XÚC CẢM VÔ HẠN.

Langdon chưa bao giờ hiểu hết các ngôn từ trên băng rôn sòng bạc, nhưng tòa nhà theo phong cách Phục Hưng ấn tượng chính là một phần trong cảnh quan Venice kể từ thế kỷ XVI. Từng nổi tiếng là một biệt thự tư nhân, giờ đây nó chính là sòng bạc sang trọng. Vào năm 1883, đây còn là nơi chứng kiến cái chết vì đột quỵ của nhà soạn nhạc Richard Wagner ngay sau khi ông soạn xong vở opera Parsifal.

Kế bên phải sòng bạc là một mặt tiền trát vữa nhám theo phong cách Baroque có treo một băng rôn còn lớn hơn, màu xanh dương thẫm, ghi rõ CA' PESARO: PHÒNG TRIỂN LÃM QUỐC TẾ NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI. Nhiều năm trước, Langdon đã từng vào trong này và xem kiệt tác Nụ hôn của Gustav Klimt khi tác phẩm được mượn từ Vienna. Tác phẩm diễn dịch bằng vàng lá chói lọi của Klimt mô tả cặp tinh nhân quấn lấy nhau đã khơi gợi trong anh một cảm xúc mãnh liệt, và cho tới hôm nay, Langdon vẫn biết ơn Phòng triển lãm Ca' Pesaro của Venice vì đã đánh thức niềm say mê suốt đời của anh dành cho nghệ thuật hiện đại.

Maurizio cho thuyền chạy tới, giờ lao nhanh hơn vào dòng kênh rộng.

Phía trước, cây cầu Rialto nổi tiếng đứng sừng sững ở vị trí nửa quãng đường tới Quảng trường St. Mark. Khi họ tới gần, chuẩn bị vọt qua dưới gầm cầu, Langdon nhìn lên và thấy một bóng người đơn độc đứng bất động bên lan can, nhìn chòng chọc xuống họ với gương mặt u ám.

Bộ mặt đó vừa quen thuộc vừa đáng sợ.

Theo bản năng, Langdon lùi lại.

Bộ mặt đó xám xịt và dài thuỗn, có đôi mắt lạnh lẽo chết chóc với một cái mũi mỏ chim dài.

Chiếc thuyền vừa lướt qua phía dưới bóng người hắc ám thì Langdon nhận ra đó chỉ là một du khách đang khoe món đồ mới mua được - một trong hàng trăm chiếc mặt nạ dịch hạch được bán ra mỗi ngày tại chợ Rialto gần đó.

Tuy nhiên, ngày hôm nay, thứ phục sức kia dường như rất ma quái.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương