Hành Trình Nhận Cáo Mệnh Của Mẹ Chồng Nhà Nông
-
4: Tiếng Nói
Tiếc rằng chồng của nguyên thân vẫn còn đang ở trong phòng ngủ, nàng không dám làm bất kỳ hành động bất thường nào, chỉ đành dằn mong muốn lại, thở dài chờ tới giờ ăn.
Con cái lần lượt tới đông đủ, Trúc Lan chỉ muốn trốn đi cho xong.
Nàng không muốn biết nên giao tiếp với họ thế nào, thà đứng nhìn từ xa còn hơn.
Lý thị đã chuẩn bị điểm tâm tươm tất, Trúc Lan nghiêm mặt ngồi ở vị trí của nguyên thân.
Ở đây có hai bàn, nam riêng nữ riêng, chỉ có hai món là dưa muối và cháo củ cải, ở bàn dành cho nữ thì nàng phải là người chia món chính.
Nàng thật lòng tự hỏi mình sẽ sống sao ở nông thôn cổ đại trong khi chẳng biết tí gì về làm ruộng.
Suy nghĩ đó làm Trúc Lan tạm chấp nhận việc làm mẹ chồng, ít nhất còn có người hầu kẻ hạ, có tiếng nói nhất trong gia đình.
Đám trẻ ngước mắt nhìn bát cháo ít ỏi.
Trúc Lan thở dài, xới cho mỗi người một bát.
Ăn cơm là một điều quá đỗi xa xỉ ở niên đại này.
Con cả Chu Xương Lễ ngồi bàn bên nhíu mày: "Nương, sao cha vẫn chưa dậy thế ạ? Ông ấy không khỏe trong người hay sao?"
Bấy giờ Trúc Lan mới sực nhớ ra chồng của nguyên thân vẫn chưa ra khỏi phòng, nhíu mày.
Bảo nàng đi xem là điều không thể, đến giờ nàng vẫn chưa nghĩ ra nên hành xử với chồng của nguyên thân thế nào: "Thằng cả vào xem đi!"
Chu Xương Lễ đáp: "Vâng!"
Trúc Lan cầm bát cháo càng chẳng muốn ăn hơn.
Theo những gì nàng thấy được trong trí nhớ, hòa ly là chuyện không tưởng.
Tại một nơi xa lạ giữa thời buổi phân chia giai cấp khắt khe ở cổ đại, chẳng biết mai này sẽ ra sao, cho dù bầu không khí trong lành mát mẻ quả thật rất đáng tận hưởng thì cũng chẳng còn lòng dạ nào để ăn uống chứ đừng nói là húp bát cháo nhạt nhẽo.
Chẳng mấy chốc Chu Xương Lễ đã quay lại: "Nương ơi, cha thấy không khỏe nên muốn nằm thêm chốc nữa."
Trúc Lan thở phào nhẹ nhõm, thật may khi không phải gặp chồng của nguyên thân.
Nàng nhại lại giọng nguyên thân: "Được, các con cũng mau ăn đi, ăn xong ai ra đồng thì ra đồng, ai đi học thì đi học."
Những người khác không có ý kiến.
Nông thôn mà, thấy không được khỏe hay cảm vặt cũng là chuyện bình thường, riết rồi cũng quen.
Trong bữa sáng, Trúc Lan chỉ ăn một bát cháo, lòng có tâm sự nên cũng không muốn ăn nhiều.
Lý thị ngước lên nhìn cái đĩa bắp đằng trước mẹ chồng, trong lòng vô cùng vui mừng: "Nương không ăn ạ?"
Khóe miệng Trúc Lan co rúm, ánh mắt ấy cứ như muốn ăn trọn nó vậy.
Nàng cũng cảm nhận được cái nhìn ấm ức bồi hồi muốn giãi bày của con dâu thứ Triệu thị, bụng càng khó chịu hơn: "Ăn chứ, ăn chứ, ngày nào ta cũng trông món này mà.
Không ăn thì ta cất đi thôi, đừng ai quan tâm làm gì."
Lý thị ngậm miệng, Triệu thị cũng nhìn sang nơi khác.
Trúc Lan: "..."
Cuộc sống gì mà khốn đốn thế này!
Mắt không thấy, tâm không phiền.
Sau khi làm mặt lạnh rời khỏi bàn ăn, Trúc Lan không về nhà mà ngồi bên giếng nhìn Triệu thị đang dọn bàn sau bữa sáng trong phòng ăn, tâm trạng bực bội dịu đi đôi phần.
Ít nhất nàng không cần phải làm việc, nhỉ?
Trúc Lan vẫn ngồi đó đến tận khi con cả dẫn đứa thứ hai ra đồng, đứa út đi học, cả mảnh vườn trở nên vắng lặng.
"Nương ơi, người sao thế? Người mệt ạ?"
Chu Tuyết Hàm đã quan sát nương mình cả buổi sáng.
Người mẹ lúc nào cũng tràn trề sức sống xưa giờ sáng nay lại cứ than ngắn thở dài, còn hay thẫn thờ, trông rất kỳ lạ.
Cô bé chần chừ không dám đi tới nãy giờ, nghe hai tẩu tử thì thầm nói chuyện mới lo lắng đi qua hỏi han.
Trúc Lan hoàn hồn, lúc nãy nàng đang tiếp tục sửa sang lại trí nhớ.
Tiểu khuê nữ của nguyên thân đúng là xinh xắn, tóc được búi theo kiểu song nha kế, gương mặt có phần bụ bẫm, đôi mắt to tròn chớp chớp nom vô cùng đáng yêu.
Ngặt nỗi tâm trạng Trúc Lan đang rối như tơ vò, nàng phẩy tay: "Nương đang nghĩ vài chuyện thôi, không mệt gì cả.
Qua đây với nương nào."
Chu Tuyết Hàm vui vẻ đáp, giọng giòn giã vui tai: "Dạ!"
Trúc Lan thì chẳng vui mừng được như thế.
Nàng cứ ngỡ mình xuyên vào thời không song song nên mới chưa nghe tên vương triều bao giờ, ai ngờ sau khi sửa sang trí nhớ xong lại phát hiện mình đu mốt, xuyên vào một cuốn tiểu thuyết!.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook