Hai Đứa Trẻ Vô Tư
Chương 47: Lần này có thể mê tín

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Cuộc sống hàng ngày của các ông lão, bà lão ở Quảng Châu rất thảnh thơi, an nhàn; sáng sớm thức dậy rồi uống trà, nếu có thêm mấy lồng bánh thì có thể ngồi nhấm nháp hơn hai tiếng. Nhiếp Duy Sơn lái xe điện đi giao thức ăn, trên đường đã trông thấy vô số cảnh tượng như vậy qua những tấm cửa kính, hắn nghĩ thầm, đợi đến khi ông Nhiếp ra viện rảnh rỗi rồi thì chắc cũng trải qua như vậy.

Mũ bảo hiểm không che được ánh mặt trời là bao, đi một đoạn đường đã bắt đầu toát mồ hôi, hắn cứ qua qua lại lại giữa các phố lớn ngõ nhỏ, sau khi giao xong đồ ăn thì tìm một bóng cây để dừng lại nghỉ ngơi, lấy điện thoại ra xem thời gian thì phát hiện có một tin nhắn.

Doãn Thiên Dương nhắn tới: “Bọn tớ đã có danh sách đấu vòng loại, tớ tham gia chạy cự li dài, không cùng tổ với Tần Triển.”

Thời gian nhận được tin đã là bốn mươi phút trước nhưng Doãn Thiên Dương lại không thúc giục câu nào, xem ra huấn luyện rất bận rộn. Nhiếp Duy Sơn dựa vào thân cây, gõ chữ: “Đấu vòng loại xong sẽ chính thức bắt đầu giải đấu à?”

Nhắn xong đang chuẩn bị bỏ đi thì ai ngờ Doãn Thiên Dương đã nhắn lại ngay tức khắc: “Đấu vòng loại xong thì được về nhà rồi!”

Tập huấn chia ra làm hai giai đoạn, giai đoạn thứ hai tiến hành đấu vòng loại, bởi vì có khá nhiều trường học tham dự nên vòng đấu loại phải tiến hành trong mấy ngày, đấu vòng loại xong thì tập huấn cũng kết thúc, sau khi về trường thì chuẩn bị đợt kiểm tra mùa xuân, tiếp đó mới là chính thức bắt đầu giải đấu.

Nhiếp Duy Sơn tính thử thời gian, có phần bất đắc dĩ, rồi trả lời: “Về nhà thì tốt, Thiên Đao nhớ cậu đến nỗi chẳng thèm ăn thịt.”

Chắc hẳn Doãn Thiên Dương đang giữ khư khư điện thoại trong tay, chẳng mấy chốc đã nhắn lại: “Thế còn cậu?”

“Tớ vẫn ổn, chỉ muốn ăn thịt thôi.” Nhiếp Duy Sơn gõ xong tin này thì đút điện thoại vào túi rồi đi, nếu còn chậm trễ thì thế nào về tiệm cũng bị quản lý mắng. Yên của chiếc xe điện bị mặt trời chiếu cho nóng ran, vừa ngồi lên là đã thấy sướng đến tê người, hắn phóng xe đi, dùng hết tốc lực để trở về.

Giờ ăn trưa là bận rộn nhất, không có chút thời gian nào để thở, đợi đến khi có thể dừng lại ăn miếng cơm uống ngụm nước thì đã gần bốn giờ chiều. Nhiếp Duy Sơn rời khỏi McDonald’s, mua chút đồ ăn rồi về nhà, trong nhà Nhiếp Phong đang nằm nghỉ ngơi trên giường, trên bàn được đặt thuốc và nước.

Nghe thấy tiếng động, Nhiếp Phong hơi nhổm dậy hỏi: “Còn chưa ăn cơm à?”

“Vâng, giờ con ăn.” Nhiếp Duy Sơn cởi áo ra rồi đi vào nhà bếp, để trần thân trên đứng rửa rau trước bồn, trên người dính dấp mồ hôi khó chịu nên hắn tiện tay hất luôn nước lên ngực và vai, rửa đồ xong thì hắn vừa thái vừa hỏi, “Cơm sáng nay con làm bố ăn chưa ạ?”

Trước khi đi làm hắn đã nấu sẵn cơm, buổi trưa chỉ cần hâm lại là ăn được, Nhiếp Phong trả lời: “Ăn rồi, thuốc cũng uống rồi.”

“Thế hôm nay bố có cảm thấy đỡ hơn chút nào không?” Nước trong nồi đã sôi, Nhiếp Duy Sơn cho mì và rau vào rồi đậy nắp lại đun. Đợi đến khi nắp vung bị hơi nước đẩy lên thì lại đổ thêm chút nước lạnh, cứ làm đi làm lại như thế ba lần thì nấu xong.

Trộn thêm nước tương và tương ớt xong hắn bê bát mì ra, rồi ngồi trước bàn nước ăn ngấu ăn nghiến. Nhiếp Phong xuống giường rót nước cho hắn, đoạn nói: “Bố không sao, con ăn từ từ thôi.”

Hắn không giảm bớt tốc độ ăn, thứ nhất là vì đói bụng, còn thứ hai là bởi không có thời gian, hắn vừa nhai mì vừa lúng búng nói: “Bệnh này của bố không vội được, cứ nghỉ ngơi bồi dưỡng, nếu cảm thấy nhàm chán thì tìm thứ gì đó mà khắc, nhưng đừng nhọc sức quá, giết thời gian là được rồi.”

Nhiếp Phong thở dài: “Con đừng bận tâm về bố, buổi sáng con đi giao thức ăn đúng không? Sẽ làm đến đêm luôn à?”

“Dạ không, bán thời gian thôi, đại khái là làm theo giờ.” Nhiếp Duy Sơn bê bát lên ăn nốt gắp mì cuối cùng, ăn xong thì lau miệng, “Buổi chiều con định đi dạo phố, không phải quanh đây có mấy trung tâm bán quần áo đấy à.”

Nhiếp Phong hỏi: “Con định bày quầy hàng đúng không?”

Nhiếp Duy Sơn cười nói: “Được đó ông Nhiếp, đoán ngay ra được.” Hắn thấy Nhiếp Phong định cằn nhằn thì tranh nói trước: “Tiền bố kiếm được đều trả nợ hết, tuy con có đem theo ít tiền nhưng miệng ăn núi lở, mà số nợ của bố còn đi kèm cả lãi suất nữa kìa, với lại từ nay Nhĩ Ký không thể giúp bố được nữa rồi.”

Nhiếp Phong hoảng hốt, không phải lo vì vấn đề có giúp hay không mà là nghĩ tới Nhĩ Ký đã xảy ra chuyện gì đó. Nhiếp Duy Sơn giải thích: “Không có chuyện gì cả, chỉ là ông nội đã lớn tuổi, một mình trông cửa hàng thì quá vất vả, cũng không lo lắng được hết, mà việc làm ăn của phố đồ cổ cũng không khá khẩm lắm nên dứt khoát đóng luôn.”

Nhiếp Phong hỏi: “Ông nội vẫn ổn cả chứ?”

“Rất tốt ạ, chỉ thỉnh thoảng ho khan mấy tiếng, giờ thím ba đang ép ông cai thuốc lá.” Nhiếp Duy Sơn nói rồi đi rửa bát, rửa xong thì mặc quần áo rồi chuẩn bị đi, “Cơm tối thì đợi con về rồi ăn, bố ngủ tiếp một lát đi.”

Trước cửa mấy trung tâm bán quần áo đầy ắp người, người ra người vào quả thật khó mà di chuyển được bước chân. Nhiếp Duy Sơn cao lớn, sau khi vào được bên trong thì đưa mắt nhìn phía mặt tiền của các cửa hàng, cứ thế nhìn quanh hết tất cả một lượt.

Những người chuyên đến nhập hàng đều tìm đến mấy cửa hàng cố định, chọn hàng, định giá, rồi đặt hàng và vận chuyển, mọi thứ đều được tiến hành theo quy trình thông thường, hắn không có hứng thú và hiểu biết về quần áo phụ nữ nên không muốn lãng phí thời gian, chỉ tìm cửa hàng trang sức mà hỏi thăm.

So sánh hàng hóa ở ba cửa hàng, cuối cùng hắn chọn lấy hàng ở nơi có giá thấp nhất, sau đó đặt mua một túi bạt khăn quàng cổ và một lượng lớn vòng trang sức. Đang là mùa xuân nên những chiếc khăn quàng được bán trên thị trường đều tương đối nhẹ và mỏng, một túi bạt cũng được khá nhiều, hắn xách túi rời khỏi trung tâm rồi đi thẳng về nhà.

Hai bố con ngồi trên giường gấp khăn quàng cổ, gấp gọn thành từng cuộn không chiếm diện tích rồi lấy một chiếc khăn vuông buộc nơ lại, coi như đã xong phần đóng gói bao bì.

Bốn bàn tay làm công việc này như đang chơi đùa, không nói tới các góc của mỗi chiếc khăn được cuộn tròn như được cắt mà những chiếc nơ kia quả thật như được thắt lại bằng máy, hình dạng kích thước đều tăm tắp.

Nhiếp Duy Sơn rất hài lòng: “Các quầy hàng bày bên ngoài trung tâm bán năm đồng một chiếc, đều là khăn quàng dày dặn mùa đông, loại này còn rẻ hơn, nhập hàng cũng chẳng mất bao nhiêu.”

Nhiếp Phong gật đầu, nói như dỗ dành con trai: “Sau khi đóng gói lại thế này thì có thể bán được năm mươi đồng.”

“Bố cũng gian quá đấy.” Nhiếp Duy Sơn được dỗ thì phấn khởi, rồi không kìm được mà cảm thấy vui vẻ, vui xong thì hỏi, “Có những điểm tham quan nào vậy ạ, không gần đây cũng được.”

Nhiếp Phong lấy bản đồ ra khoanh mấy nơi rồi nói: “Nói chung du khách nơi khác tới đây đều đến những chỗ này.”

“Được ạ, mai con sẽ đi dạo tham quan, hôm nay ngủ sớm một chút.” Cả ngày hôm nay Nhiếp Duy Sơn đã đi đi lại lại mấy vòng, mồ hôi cũng sắp chảy thành suối, buổi tối hắn ra chợ mua lạc và nhãn về nấu cháo bổ máu cho Nhiếp Phong, sau khi hai bố con ăn cơm xong thì đi nghỉ ngơi sớm.

Ở phía bên kia thì lại có người đang mất ngủ, đó là Nhiếp Dĩnh Vũ.

Cậu ta đã xin nghỉ ba ngày cho Nhiếp Duy Sơn thành công nhưng vẫn cứ lo lắng sẽ bị bại lộ, dù sao cậu ta lớn đến ngần này rồi nhưng đây vẫn là lần đầu tiên nói dối lừa giáo viên. Cả ngày ngồi học trên lớp cứ nơm nớp lo sợ, về nhà rồi thì đến cả sức giở sách cũng không có.

Một đêm trôi qua, Nhiếp Duy Sơn dậy rất sớm, hắn cho khăn quàng và vòng trang sức vào trong túi rồi cầm theo bình nước ra khỏi nhà. Lần này, từ ngã tư đường hắn ngồi xe đi về hướng ngược lại so với ga tàu hỏa, càng đi phố xá càng sầm uất, sau khi xuống xe hắn đi theo bản đồ mà đến quần thể kiến trúc Sa Diện(*), việc đầu tiên là phải chụp mấy bức ảnh.

*Quần thể kiến trúc Sa Diện: Sa Diện là hình ảnh thu nhỏ của lịch sử tô giới và lịch sử cận đại Trung Quốc, những kiến trúc mang phong cách Châu Âu trên đảo Sa Diện hình thành nên “bảo tàng” với kiến trúc mở độc đáo được khai thác thành khu thắng cảnh 5A cấp quốc gia. (Thông tin thêm.)

Nói là quần thể kiến trúc chứ thật ra cũng không chiếm quá nhiều không gian, có một quảng trường nhỏ nằm giữa các tòa nhà, bao xung quanh là các cây cổ thụ, còn ở các góc thì được đặt những băng ghế, Nhiếp Duy Sơn đến nơi sớm nên lúc này vẫn chưa có quá nhiều du khách, hắn đi tản bộ xung quanh rồi chợt dừng bước trước một tác phẩm điêu khắc.

Bức tượng kia là hình ảnh một người phụ nữ dẫn theo mấy đứa trẻ, hắn nhớ tới khi còn nhỏ trường học tổ chức các buổi hoạt động xã hội, giáo viên chủ nhiệm cũng dẫn bọn họ qua đường giống y như vậy. Từ tiểu học Doãn Thiên Dương đã thích chạy nhảy lung tung, cô giáo chỉ cần nhắc miệng những người khác xếp thành hàng là được nhưng nhất định phải tự mình nắm tay Doãn Thiên Dương.

Hiện giờ bàn tay nho nhỏ của Doãn Thiên Dương đã lớn lên, ngón tay thon dài bóc vỏ trứng gà một cách rất thành thạo, sau khi bóc xong hai quả thì ăn liền tù tì đến nghẹn cả họng, uống một ngụm sữa đậu nành rồi cậu nói: “Bà ngoại tôi làm bánh xốp mứt táo ngon cực, tay nghề của bác gái ở nhà ăn còn hơi kém, sau khi về tôi sẽ mang tới cho các ông.”

Tần Triển đang ăn cháo nếp cẩm, cậu ta cho dưa muối vào trong bát rồi húp sùm sụp hết cả bát, đoạn nói: “Sắp rồi, sắp rồi, kết thúc đấu vòng loại là chúng ta rút!”

Ăn cơm trong nhà ăn xong thì lại tới nhà thể chất huấn luyện, gần đến thời gian đấu loại thì cường độ huấn luyện được giảm bớt đôi chút, trở lại mức độ bình thường trước đây. Chạy một vòng để làm nóng người, làm nóng người xong thì nghe theo sự chỉ huy của huấn luyện viên, có lẽ là từ lúc bắt đầu tập huấn tới nay quá vất vả nên bây giờ khi khối lượng bài huấn luyện trở lại như cũ thì ai cũng cảm thấy vô cùng thoải mái.

Sau khi buổi huấn luyện kết thúc thì chưa giải tán ngay, huấn luyện viên cầm BIB số(*) và lịch thi đấu tới, Tần Triển dựa theo số mà phát xuống cho mọi người rồi nói: “Mỗi người có một lịch thi đấu, hai ngày tới phải ghi nhớ thời gian thi đấu của mình, BIB số phải giữ cẩn thận, nếu làm mất sẽ bị loại bỏ tư cách thi đấu.”

(*)BIB số: là số báo danh được in cho mỗi vận động viên, mỗi BIB thường được gắn chip định vị để theo dõi và đo lường quãng đường chạy.

1

Các thành viên trong đội sau khi nhận được lịch thi đấu cũng bắt đầu tìm lịch thi của mình, tìm được rồi thì lại nhìn xem có những ai cùng tổ thi đấu, trong lúc nhất thời tiếng trò chuyện vang lên rôm rả. Doãn Thiên Dương chỉ nhìn đồng hồ, người cùng tổ với cậu đều là học sinh trường khác, năm nay cậu mới tới nên chẳng quen biết ai.

Tần Triển phát đồ xong mới có thời gian nhìn lịch thi của mình, bỗng vỗ đùi mắng: “Lại chung tổ với thằng oắt kia! Lần này tôi phải ôm quyết tâm dù chạy xong bị bại liệt cũng được để hành chết nó!”

“Ừ! Hành chết nó!” Doãn Thiên Dương phụ họa theo, phụ họa xong thì hỏi, “Thằng oắt kia là ai vậy?”

Tần Triển đứng thẳng người rồi khoác vai Doãn Thiên Dương, nói như thì thầm: “Đây là đội trưởng đội điền kinh của trường Thể thao thành phố này, cùng tôi tạo nên câu chuyện ngược luyến tình thâm, đoán chừng kiếp trước tôi là ba nó, đánh gãy chân chó của nó nên kiếp này đi thi đấu mới gặp phải nó, hết lần này đến lần khác cứ như chó điên đuổi theo phía sau tôi.”

Doãn Thiên Dương rất tò mò, bèn hỏi: “Không phải thi đấu thì đuổi theo phía trước à?”

Một đồng đội khác nói: “Người khác cũng đuổi nhưng không đuổi kịp anh Triển, người này thì khác, cậu ta đã đuổi kịp mấy lần rồi, huy chương bạc của anh Triển đều là vì cậu ta cả, đây là mối thù cướp vàng.”

“Hay thật đấy, các ông xem giúp tôi xem trong tổ có con “hắc mã” nào không?” Hôm nay Doãn Thiên Dương không la hét cũng không gây ồn ào mà còn có phần ngoan ngoãn, tới gần ngày thi đấu trong vô thức cậu bỗng trở nên yên phận.

“Để tôi xem thử, không ai là tôi không biết.” Tần Triển cầm lịch thi đấu của đối phương, “Trương Bằng, chạy cự li ngắn rất giỏi, sao tự dưng lần này lại thi chạy cự li dài thế này. Vu Mộng Bác, năm ngoái cậu ta đã một mét chín hai rồi, sao năm nay vẫn còn tập điền kinh vậy, chuyển sang chơi bóng rổ luôn đi chứ. Đậu Nhạc thì là kiểu không quan trọng thắng thua, thi chơi cho vui thôi.”

Nhìn hết một lượt từ trên xuống dưới xong, cậu ta lại ôm Doãn Thiên Dương rồi truyền kinh nghiệm: “Ông không cần phải lo thực lực của những người khác như thế nào, chỉ cần phát huy tối đa khả năng của bản thân là được, đây chỉ là đấu vòng loại, qua đấu vòng loại mới có cơ hội tiến vào giải đấu, cứ yên tâm chạy, ông làm được.”

Doãn Thiên Dương gật đầu: “Tiểu Sơn nói tôi có thể làm được tốt hơn nữa.”

Tần Triển sờ sờ cằm: “Lời anh Sơn thì ông cũng không cần tin hết đâu, kể cả ông có không làm gì thì không khéo anh ấy cũng cảm thấy ông là nhà vô địch Olympic.”

“Không đến mức đấy chứ.” Doãn Thiên Dương ngẩng mặt bắt đầu cười, chỉ khen hai câu đã thấy vui sướng, vui sướng xong thì lại cầm lịch thi đấu xem tiếp, “Đội trưởng này, lần này hai chúng ta không thi chung hạng mục nào, cũng không chung một tổ.”

Tần Triển nói: “Các cuộc thi đấu lớn không được tham gia quá nhiều hạng mục, trận đấu trước chỉ coi như chạy chơi thôi.”

Lời vừa dứt thì cả hai đồng thời quay đầu, sau khi nhìn nhau thì nói với vẻ kích động: “Vậy thì chúng ta có thể cổ vũ cho nhau rồi!”

Doãn Thiên Dương bừng bừng khí thế, khoác một tay lên vai Tần Triển rồi quơ quơ, đoạn nói: “Đến lúc tôi ra thi đấu thì ông hô: Thiên Dương! Thiên Dương! Giương cánh bay lượn!”

“Không thành vấn đề!” Tần Triển vỗ trán, “Đến lúc tôi chạy thì ông hô: “Tần Triển! Tần Triển! Long uy hổ đảm!”

(*)“Giương cánh bay lượn” là tên một boardgame, còn “Long uy hổ đảm” là tên tiếng Trung của bộ phim Die hard.

Cầm BIB số và lịch thi đấu trong tay thì có cảm giác ngày thi đấu đã gần ngay trước mắt, Doãn Thiên Dương quay về ký túc xá muốn gọi điện cho Nhiếp Duy Sơn để đòi mấy câu cổ vũ, nhưng lại nghĩ đối phương đang ở trên lớp chắc không tiện nên đành cố gắng nhẫn nhịn.

Lượng du khách qua lại dần dần tăng lên, Nhiếp Duy Sơn cũng bắt đầu bày quầy hàng lưu động bán khăn quàng và vòng trang sức, một cái ba mươi, hai cái năm mươi, bởi vì chi phí ban đầu rất thấp nên chỉ cần bán bốn, năm chiếc là đã có thể lãi hơn một trăm.

“Người đẹp ơi, đến Quảng Châu chơi à?” Hắn nhập gia tùy tục, không gọi là “em gái” nữa mà chuyển sang gọi là “người đẹp”, lại cười với người ta một cái thì không ai là không dừng chân, “Xem khăn quàng đi, mua tặng bạn bè làm quà lưu niệm, có lợi hơn so với đồ mỹ nghệ ở các khu tham quan, lại còn thiết thực.”

Ở khu quần thể kiến trúc Sa Diện này bán được hơn hai mươi chiếc, gần đến trưa thì đổi địa điểm, hắn ngồi xe đến nhà thờ Thánh Tâm(*), sau khi xuống xe thì phải đi bộ thêm một đoạn nữa, lúc này hắn mới phát hiện xung quanh nhà thờ có một vài khu chợ nhỏ.

(*)Nhà thờ Thánh Tâm:

2

Bên ngoài nhà thờ Thánh tâm có bán các loại vòng hoa giả, giá cả lại gần tương đương với khăn quàng cổ của hắn, du khách nghe thấy thế thì bất chợt nảy ra suy nghĩ so sánh, cảm thấy mua khăn quàng thì phù hợp hơn.

Nhiếp Duy Sơn không ở lại quá lâu, bán đủ năm trăm đồng thì đi luôn, trước khi đi còn chụp lại một tấm ảnh định khi nào quay về sẽ khoe với Doãn Thiên Dương, dù sao cái tên Doãn Thiên Dương thiếu hiểu biết kia mới chỉ từng đi chùa miếu, chẳng có phong cách Tây gì cả.

Trạm cuối cùng là đường thương mại Bắc Kinh, ở đây tập trung rất nhiều trung tâm thương mại và nhà hàng, lượng người qua lại cũng rất lớn, túi của hắn đã nhẹ đi nhiều nên đeo trên người cũng được thoải mái hơn không ít.

Trên đường cửa hàng san sát nhau, người đi đường tấp nập, Nhiếp Duy Sơn bày bán nốt chỗ khăn quàng và trang sức còn lại xong thì đi dạo loanh quanh không mục đích.

“Cơm nội tạng heo mà cũng đắt hàng như vậy à.” Việc buôn bán của các quán ăn ven đường rất tốt, hắn bèn cảm thán một câu, vừa liếc sang thì bỗng trông thấy một cửa hàng bán đồ ngọt nhỏ, cửa vào rất hẹp.

Đi vào rồi tìm vị trí ngồi xuống, ông chủ hỏi: “Chàng đẹp trai, dùng một bát sữa hai lớp(*) đặc trưng của tiệm nhé?”

(*)Sữa hai lớp: là một món tráng miệng được làm từ sữa, lòng trắng trứng và đường của Quảng Châu; có tác dụng chăm sóc da và bổ phổi.

3

Nhiếp Duy Sơn không để tâm lắm nên cứ thế gọi một phần sữa hai lớp, bát đựng nho nhỏ, nếu đây là tào phớ thì chỉ cần một hớp là hắn uống hết. Cầm thìa múc một miếng, vừa vào miệng là cảm nhận được ngay vị ngọt và mùi thơm nồng đậm của sữa.

Nhìn qua cánh cửa nhỏ hẹp ra phố đi bộ bên ngoài là có thể trông thấy một gốc đa xanh um rậm rạp, thu lại ánh mắt, hắn nhìn đến chỗ ngồi trống trơn trước mặt lại cảm thấy thiếu mất một dáng người.

Hắn nhớ Doãn Thiên Dương.

Muốn gọi một cuộc điện thoại kêu Doãn Thiên Dương tới, để Doãn Thiên Dương ngồi đối diện hắn ăn một bát sữa hai lớp.

Thế nhưng giữa bọn họ lại cách nhau hơn một nghìn kilomet.

Nhiếp Duy Sơn lấy điện thoại ra xem ảnh, không phải xem những tấm được chụp hai ngày nay mà lướt nhanh tới những tấm ảnh chụp màn hình video mấy ngày trước. Trong bức ảnh Doãn Thiên Dương ngồi dựa vào giá bóng rổ màu xanh lam, mái tóc xoã tung hơi lộn xộn, áo thể thao trên người xộc xệch, phần da trắng ở vai và cổ cùng với khuôn mặt ửng đỏ tạo thành sự chênh lệch rõ ràng.

Hắn thoát ra rồi gõ tin nhắn: “Dương nhi, cậu từng ăn sữa hai lớp chưa?”

Sau khi đợi năm phút, Doãn Thiên Dương trả lời: “Chưa thì phải, loãng hay đặc?”

“Đặc.”

“À tớ nhớ rồi, hình như đã từng ăn, ngọt chết đi được.”

“Cũng tàm tạm.”

“Căng tin trường chúng ta có sữa hai lớp à? Hay là pha thêm nước rồi?”

“Có lẽ vậy, cảm thấy mùi vị thiêu thiếu.”

“Đợi tớ về sẽ dẫn cậu đến tiệm này ăn, đảm bảo làm cậu ngọt chết luôn.”

Nhiếp Duy Sơn bê bát lên đổ nốt phần sữa còn lại vào miệng rồi tính tiền rời đi. Hắn bị ngọt đến khé cổ nhưng trong lòng lại cảm thấy trống rỗng, hắn châm một điếu thuốc, rồi lại cảm thấy mỗi một hơi hút vào càng khiến trong lòng trở nên trống trải hơn.

Thành phố này vừa mới mẻ vừa xa lạ, có thức ăn hắn ăn không quen, cũng có những gốc đại thụ hắn yêu thích, hắn không thích tiếng Quảng Đông dù nghe thế nào cũng không hiểu, nhưng đến khi nghe được một tiếng phổ thông không đúng chuẩn thì lại cảm thấy người nơi này thật thân thiết.

Dạo bước qua Sa Diện yên tĩnh, xung quanh nhà thờ Thánh Tâm ồn ào, rồi đường Bắc Kinh phồn hoa nhộn nhịp, rốt cuộc lúc này Nhiếp Duy Sơn mới cảm thấy mỏi mệt, dần dần hắn bước chậm lại rồi bỗng nhiên trông thấy một mái hiên cao cao kiểu Trung Quốc.

Thì ra giữa phố xá sầm uất còn ẩn giấu một ngôi chùa lớn.

Lư hương đặt trước điện được cắm đầy hương, hai buồng hai bên là nơi bán đồ lễ, Nhiếp Duy Sơn đi vào bên trong điện chính rồi chắp hai tay trước ngực vái lạy. Khoảng sân phía sau cũng rất rộng, ở đó có những người giải xăm và xem chữ, vốn hắn không tin thần phật nhưng lại không kìm được lòng hiếu kỳ, vì vậy quyết định xếp hàng xem chữ.

Người xem là một ông lão có phần kỳ lạ, ông ta hỏi: “Giải từ đơn hay là xem tên?”

“Xem tên cũng được ạ?” Nhiếp Duy Sơn có chút vui mừng, rồi lấy bút lông viết lên giấy tên của hắn và Doãn Thiên Dương. Mắt của ông lão không tốt lắm, cầm tờ giấy rồi phủi phủi hai ba cái mới nhìn rõ được, sau đó ông ta cúi đầu vừa viết vừa nói, lời vừa dứt thì giấy cũng viết xong, cuối cùng ông ta gấp tờ giấy thành hình tấm bùa rồi đưa cho Nhiếp Duy Sơn.

Nhiếp Duy Sơn cất thật cẩn thận rồi chuẩn bị quay về.

Bôn ba cả một ngày nên bữa tối thịnh soạn hơn hẳn, trên đường về hắn mua vịt quay, còn phá lệ mua thêm một bình rượu trắng cho Nhiếp Phong. Hai bố con ngồi trong phòng khách nho nhỏ ăn cơm tối, có mấy lần Nhiếp Phong như muốn nói gì nhưng lại thôi, nhìn trông có vẻ bứt rứt không yên.

“Bố, bố thương con cái đi, có chuyện gì thì cứ nói.” Nhiếp Duy Sơn cũng uống hai chén, “Mà thôi, bố đừng nói thì hơn, con cũng biết bố muốn nói gì rồi, vẫn lại là cảm thấy con vất vả rồi đau lòng gì đó.”

Hắn nói tiếp: “Nhưng không cần đâu ạ, những ngày này con như đi dạo chơi thôi, so với lên cầu vượt đua moto thì thú vị hơn nhiều. Thật ra việc học sinh đi làm bán thời gian có rất nhiều, chỉ có điều con là tự mình ra ngoài lăn lộn nhưng bản chất thì giống nhau, đều là muốn kiếm chút tiền. Con không quen bị quản lý nên không thích đi làm công cho người ta, vậy thì đành phải tự mình tốn sức đi mày mò thôi.”

Nhiếp Phong nuốt lời vào trong bụng, không định nói thêm gì làm con trai thấy phiền, bèn hỏi: “Hôm nay đi những đâu vậy?”

Nhiếp Duy Sơn trả lời: “Sa Diện, nhà thờ Thánh Tâm, đường Bắc Kinh. Ngày đầu tiên đi nhiều nơi một chút thử xem chỗ nào buôn bán tốt nhất, mấy ngày sau thì chỉ việc đi thẳng tới đó, cũng gần như là khảo sát thị trường.”

“Mệt không?” Nhiếp Phong gắp miếng đùi vịt quay vào trong bát Nhiếp Duy Sơn.

“Nói thật thì rất mệt ạ.” Nhiếp Duy Sơn gặm hai ba miếng là đùi vịt chỉ còn trơ xương, đoạn nói đùa, “Ăn xong rồi đếm ít tiền để thư giãn chút vậy.”

Ngày hôm đó bán được gần hai nghìn với chi phí không quá một trăm tệ, Nhiếp Duy Sơn đi tắm rửa để xua tan mệt mỏi, sau đó thay một bộ áo phông quần thể thao sạch sẽ chuẩn bị ra ngoài. Nhiếp Phong nói: “Mệt thì nghỉ sớm chút đi, đã bận rộn cả ngày rồi.”

Nhiếp Duy Sơn không quay đầu lại, cầm chìa khóa mở cửa: “Con coi như đi du lịch ngắm cảnh thôi, nếu không thì con quá lỗ vốn rồi.”

Hắn cảm thấy thi thoảng phải chống đối Nhiếp Phong mấy câu chứ nếu quá hiểu ý người thì lại thành ra xa lạ, quan trọng nhất là còn làm tăng cảm giác áy náy của Nhiếp Phong. Quan hệ giữa bố con với nhau hắn không muốn như vậy, nhàm chán.

Ở đây mấy ngày đã tương đối quen thuộc, Nhiếp Duy Sơn không đi về phía ngã tư mà đi dạo về hướng ngược lại, hắn còn chưa từng tới đó lần nào. Dọc theo đường đi vẫn là quang cảnh ấy, những quán cơm nhỏ và các cửa hàng hoa quả, tiệm cắt tóc và hiệu sách báo, những con phố cũ đổ nát ở phía Nam và phía Bắc không giống nhau lắm, sự đổ nát của phương Bắc rất đơn giản, rất trần trụi, tựa như đang nói “Ông đây hư hỏng như thế đấy”.

Ở phía Nam thì không giống, những tòa nhà cũ nát lại thêm vỉa hè gập ghềnh, mấp mô, tất cả đều được ẩn giấu phía sau hàng cây xanh um tùm, mờ mờ ảo ảo, uyển chuyển thướt tha, giống như một cô gái xinh đẹp không chịu thừa nhận bản thân đã già, cho dù sắc đẹp đã phai mờ thì cũng phải cắm một cây trâm, cài một bông hoa để thoạt nhìn vẫn là dáng vẻ xinh đẹp ấy.

Dần dần bước chân đi tới một ngã tư nhỏ, hắn băng qua đường rồi lại tiếp tục đi không ngừng nghỉ, hai bên đã không còn tòa nhà dân cư nào, đường phố cũng mới hơn một chút. Lại đi hết con đường trước mặt thì ngay phía trước xuất hiện một công viên.

Nhiếp Duy Sơn đi vào dạo quanh công viên, đi dạo mệt rồi thì tìm một ghế tựa ngồi xuống, vừa đúng lúc ngắm nhìn ánh hoàng hôn. Vào giờ này ở trên trường đáng lẽ đang là giờ tự học buổi tối, nên ít nhất phải sau tám giờ hắn mới có thể gọi điện cho Doãn Thiên Dương thì mới không bị lộ.

Nhưng hắn không đợi được, nhìn mặt hồ xanh biếc và bầu trời đỏ hồng trước mắt hắn ấn vào dãy số kia, ngay lập tức bên kia đã nhận điện. Giọng nói ngạc nhiên xen lẫn vui mừng của Doãn Thiên Dương truyền tới: “Sao cậu lại gọi cho tớ vào giờ này?! Tớ đã nhịn cả ngày vì sợ quấy rầy cậu lên lớp đấy!”

Nhiếp Duy Sơn hơi nghiêng đầu mỉm cười rồi nói dối: “Chắc Kiến Cương lại đi dạy bù nên giờ tự học chẳng có ai trông, tớ đang ở sau thư viện hóng gió đây, tiện thể hỏi thăm cậu một chút.”

Doãn Thiên Dương phấn khởi nói: “Hôm nay bọn tớ được phát BIB số và lịch thi đấu, tớ còn cùng Tần Triển nghĩ ra khẩu hiệu cổ vũ nữa, cậu đoán xem khẩu hiệu của tớ là gì, gợi ý: Thiên Dương! Thiên Dương!”

Nhiếp Duy Sơn nói tiếp: “Vui sướng hân hoan(*)?”

(*)Gốc là “hỉ khí dương dương”.

“Vui sướng hân hoan cái quần què! Là giương cánh bay lượn!” Doãn Thiên Dương nằm trên giường cười lăn lộn, hai chân khua khoắng loạn xạ, “Nhiệm vụ huấn luyện được giảm bớt, mấy người kia thấy không đủ đô nên đi đá bóng cả rồi, chỉ còn tớ ở ký túc xá.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Cậu ở ký túc xá làm gì, chơi cờ caro à?”

Doãn Thiên Dương có đánh chết cũng không thừa nhận: “Tớ đổi sang chơi nổ kim hoa(*) rồi!” Nói xong thì âm thanh cũng hạ thấp xuống, có phần rầu rĩ, “Thật ra tớ chẳng muốn làm gì cả, tớ nhớ cậu quá đi.”

(*)Nổ kim hoa là trò chơi dân gian bằng bài Tây.

“Haiz, tiền đồ.” Nhiếp Duy Sơn thở dài, thở xong thì nở một nụ cười giống như cam chịu, “Tớ cũng rất nhớ cậu.”

Trong lòng Doãn Thiên Dương cảm thấy vừa mềm vừa nóng, nghe ra được Nhiếp Duy Sơn đang nghiêm túc nói nhớ cậu, bèn đùa: “Nhớ tớ thì cậu ăn kẹo dẻo đi á, dù gì tớ để lại cũng là cho cậu lưu niệm mà, còn tớ thì nhớ cậu cũng chả có gì để ăn, chỉ có thể mò mẫm mấy viên Thị Tử Hoàng và vòng Đa Bảo, người ngoài không biết lại tưởng tớ bị bệnh tay chân miệng mất.”

Nhiếp Duy Sơn bị lời của đối phương chọc cho cười phá lên, ngồi trên ghế giậm chân thình thình, đến khi cười đủ rồi thì đưa tay ôm bụng, lại đụng phải món đồ để trong túi. Hắn lấy ra xem, là phần giải chữ lúc ở trong chùa.

Trên dải giấy dài, tên của Nhiếp Duy Sơn và Doãn Thiên Dương được viết song song ngay trên đầu, bên dưới là nội dung giải chữ của ông lão kia. Nhiếp Duy Sơn thì thầm vào điện thoại: “Người tên Sơn, con đường gập ghềnh mà lạnh lẽo, khó đi lại cô độc. Nếu như may mắn được người tên Dương làm bạn, ánh sáng chiếu rọi trở nên ấm áp, cây cối rậm rạp và sông suối tràn đầy, mọi sự đều sẽ thuận lợi.”

Doãn Thiên Dương hoang mang: “Cậu nói cái gì đấy, học thuộc lòng à?”

Nhiếp Duy Sơn không trả lời, lại tiếp tục thì thầm: “Người tên Dương, treo cao giữa trời không nơi nương tựa, ngày ngày lên xuống bận rộn không ngơi nghỉ. Một ngày nào đó gặp được người tên Sơn, sẽ như cá gặp nước, từ đó vui sướng thỏa thích, có thể nhận được sự che chở vô hạn.”

Doãn Thiên Dương cuống lên: “Cậu nói tiếng người đi!”

Nhiếp Duy Sơn ngẩng đầu, lúc này mới nhìn thấy biển tên của công viên —— công viên Thảo Noãn.

Hắn nói với giọng ẩn chứa ý cười: “Tớ nói cỏ mọc oanh bay, sông xuân nước ấm, cậu và tớ —— “

Doãn Thiên Dương hỏi: “Tớ và cậu làm sao?”

Lật tờ giấy lại, hắn đọc bốn chữ được viết to ở mặt sau lên: “Một đôi trời sinh.”

(*)Câu “cỏ mọc oanh bay, sông xuân nước ấm” gốc là “thảo trường oanh phi, xuân giang thủy noãn”.

Hết chương 47.

Hiện tại đã thay đổi tài khoản ACB, anh em vui lòng không ck vào tk cũ nữa để tránh mất tiền oan nha!!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương