Thực tế không phải phim truyền hình.

Đêm hôm đó tôi khóc, vừa lau nước mắt vừa nói với Từ Trường Sinh:

“Em sẽ ở bên cạnh anh, em không thể nói chia tay ngay lúc này được, anh xem em là cái gì chứ.”

Nhưng Từ Trường Sinh chỉ lẳng lặng nhìn tôi, lát sau, anh lấy một túi khăn ướt trong áo khoác ra lau nước mắt cho tôi.

“Nghiên Nghiên,” Anh nói rất chậm, rất chậm: “Nếu như nhận được kết quả xấu nhất, anh không hy vọng em cãi nhau quá ầm ĩ với gia đình.”

Giọng Từ Trường Sinh rất đỗi bình tĩnh, thậm chí là lý trí đến tàn khốc.

Anh tỏ ra rất ung dung nhưng lại đem đến cảm giác nghiêm túc khiến người ta á khẩu không trả lời được.

Tôi không nói gì thêm, anh cũng vậy.

*

Gần đến năm mới mà bệnh tình của Từ Trường Sinh vẫn không có chuyển biến tốt.

Tôi tìm người bạn cũng bị bệnh này hỏi xin số điện thoại của bệnh viện Hiệp Hòa rồi cùng Từ Trường Sinh đến bệnh viện đó ở Bắc Kinh khám.

Khoảng thời gian này tiếp xúc lâu có thể thấy rất nhiều người đang mắc căn bệnh ung thư này.

Trong số đó có vài người lớn tuổi hơn Từ Trường Sinh, đã chống chọi với bệnh tật rất lâu rồi.

Cũng có một số ít bé tuổi hơn anh rất nhiều. Bệnh ung thư không hề giơ cao đánh khẽ dù người ta có sống đủ rồi hay chưa sống đủ.

Tôi không thể ở lại quá lâu, phải nhanh chóng trở về Thành Đô bởi không thể xin công ty nghỉ làm quá lâu được, vì vậy anh đành phải tự đến bệnh viện.

Tối muộn ngày đó, Từ Trường Sinh gọi điện thoại cho tôi, tình hình không quá lạc quan.

Từ Trường Sinh từ tốn nói: “Anh định ngày mai đến bệnh viện ung thư Bắc Kinh lần nữa để chuyên gia khám thử, sau đó…”

Khả năng chữa trị của bệnh viện Bắc Kinh quả thật cao hơn ở Thành Đô, tôi cũng phụ họa liên tục.

Từ Trường Sinh không nói thêm về bệnh tình của mình nữa, mà cười bảo tôi:

“Hôm nay lúc đến đó, bác sĩ hỏi anh có người thân không. Anh nói mặc dù anh đến một mình nhưng anh có người thân.”

Nghe anh nói với giọng điệu thư thả như thế, hốc mắt tôi nóng lên.

Tôi không thể bỏ hết mọi thứ để đến ở bên cạnh anh được nhưng chí ít có thể giúp anh không khổ sở mỗi khi vào phòng bệnh.

Sau khi cúp máy, tôi lướt vòng bạn bè. Từ lần gặp nhau ăn bữa cơm trước, số người biết chuyện cũng đã tăng lên.

Có lẽ họ hỏi thăm Từ Trường Sinh, cũng có không ít người tìm hỏi tôi.

Có người cảm thông, cũng có người thương hại, thậm chí có những người bày tỏ cảm xúc phức tạp không thể nói thành lời.

Tôi mệt mỏi đối phó với họ, ngây ngốc một hồi thì lướt tấy tin tức mới trên vòng bạn bè.

【Súp lơ muốn ăn cá:】Tháng tháng năm năm, luôn bên cạnh anh [/hình ảnh].

【Cá không ăn súp lơ:】 Tháng tháng năm năm, luôn bên cạnh em [/hình ảnh].

Hình ảnh là một cuốn sổ đăng ký kết hôn.

Đôi vợ chồng son mặc áo sơ mi trắng, khuôn mặt tươi cười rạng rỡ.

Tôi biết chàng trai này, anh là đàn anh cùng ngành của tôi hồi đại học, tình yêu của anh và bạn gái đã đi được quãng đường dài năm năm.

Thời điểm còn đi học, tôi vẫn thường thấy anh đạp xe đạp chở cô gái ngồi phía sau, bạn gái anh hay mặc những chiếc váy vô cùng xinh xắn.

Trong vô số những sinh viên đang chen chúc tan lớp, không biết có bao nhiêu ánh mắt đã từng dừng lại.

Cả việc chụp ảnh lại và gửi cho Từ Trường Sinh rồi than thở anh thật tiếc nuối vì chúng ta không học chung đại học.

*

Trước khi Từ Trường Sinh bị bệnh, chúng tôi đã bàn về chuyện kết hôn rồi.

Nào là tiền bạc, định cư, sau này sống ở đâu, nhà sẽ sửa sang thế nào…

Hệt như mọi người vậy, chúng tôi cũng sẽ thảo luận những vấn đề như thế, cũng sẽ nghiêm túc cân nhắc xem bao lâu mới thích hợp.

Tôi nói với anh: “Em muốn nuôi mèo, em muốn nuôi Ragdoll lâu lắm rồi! Sang chảnh xinh đẹp, còn có thể chơi với em!”

Từ Trường Sinh nghiêm túc bác bỏ ý kiến của tôi: “Chó tốt hơn, có thể theo chủ nhân xuống lầu, rất trung thành, cũng sẽ không lơ là người khác.”

“Mèo không để ý đến người khác thì làm sao?” Tôi tỏ vẻ thông thạo: “Anh đã nghe đến từ li3m cẩu [1], vậy có từng nghe đến từ li3m mèo chưa?”

[1] Li3m cẩu là một cụm từ chỉ việc xu nịnh, bợ đít

Từ Trường Sinh: “…”

Anh thức thời nói: “Nghiên Nghiên nói gì cũng đúng.”

Tôi lại ngẫm nghĩ giây lát: “Vậy cả hai chúng ta đều nuôi, đỡ phải cãi cọ! Nhưng mà phải mua nhà lớn chút…”

Phải có ánh sáng mặt trời, phòng khách phải có cửa sổ sát đất lớn thật là lớn.

Phải có tối thiểu hai phòng ngủ và một phòng dành cho khách, nếu có nhiều phòng hơn thì dành một cái làm thư phòng.

Ở phòng khách phải mua một chiếc ghế sofa siêu mềm mại để cuối tuần cùng nhau xem phim chơi game.

Nghe bảo bên Thành Đô có một khu dân cư mới mở, giá cả không quá đắt đỏ, có thể chi trả nổi. Tôi định khi nào về sẽ đi xem thử.

Tôi dụi mắt thật mạnh, chẳng biết nước mắt đã hoen mi từ khi nào.

Có đôi khi tôi cảm thấy căm ghét tất cả, muốn chất vấn ông trời tại sao lại bất công như vậy, thiên vị như vậy.

Rõ ràng anh chẳng phải là thánh nhân, cũng không phải là người xấu xa gì.

Tôi cũng vậy.

*

Mặc dù là thời gian đón Tết nhưng lại không có chút bầu không khí vui vẻ gì.

Mấy ngày trước giao thừa, tôi bị Từ Trường Sinh thúc giục trở về nhà, ba mẹ cũng ân cần hỏi han tôi.

Mẹ nấu món sủi cảo tôi thích, còn kho nhiều món nóng hôi hổi, ba thì bận rộn chuẩn bị đồ Tết.

Điều khác biệt duy nhất so với trước kia là tôi không đưa Từ Trường Sinh về nhà nữa, họ cũng không hỏi tôi lý do tại sao.

Tôi rất muốn đưa anh về nhưng anh đã từ chối.

Đã bước vào giai đoạn hóa trị hai nên Từ Trường Sinh gầy hơn trước rất nhiều, trạng thái tinh thần cũng không quá tốt.

Tôi trơ mắt nhìn anh từ một trạng thái khỏe mạnh dần sa sút, chẳng thể làm được gì nữa.

Tuy anh gầy gò và nhợt nhạt nhưng vẫn tuấn tú và dịu dàng hệt trước kia.

Từ Trường Sinh nói với tôi: “Tình trạng sức khỏe của anh thế này không tiện đi lại, hơn nữa cũng không thích hợp.”

“Nghiên Nghiên à, em giúp anh chọn một ít đồ Tết cho chú dì, tránh để họ có ấn tượng không tốt với anh.”

Mẹ tôi thấy tôi mang đồ Tết về thì hứng thú xem từng món, cười bảo: “Không ngờ con chọn được loại trà ngon này, hai ngày trước ba con còn bảo…”

Tôi vùi đầu xem tài liệu và hồ sơ bệnh lý lưu trong điện thoại, buồn bực cắt ngang bà: “Không phải con chọn.”

“Từ Trường Sinh mua đấy, những thứ này đều của ảnh mua, con không tốn tiền.”

Trước nay tôi làm việc chưa bao giờ tỉ mỉ như Từ Trường Sinh, cũng không được ổn thỏa như anh.

Anh có thể sắp xếp công việc cho tôi trên mọi phương diện, còn tôi thì chỉ biết đến đâu hay đến đó, tính khí nóng nảy.

Tôi không biết sắc mặt mẹ thế nào sau khi nghe câu này, bà cũng nhanh chóng thu dọn xong rồi bảo vào bếp phụ ba tôi nấu ăn

Bữa cơm giao thừa năm này diễn ra ở nhà chúng tôi, có ông bà nội và anh chị họ.

Một đống người lớn đến nhà nhưng hiển nhiên họ đã biết đôi chút chuyện nên không ai hỏi tôi gì cả.

Tôi không muốn làm mọi người mất vui nhưng vẫn kìm lòng chẳng đặng ngồi trên ghế sofa nhắn tin nói chuyện với Từ Trường Sinh.

Ba mẹ anh ly hôn từ lâu rồi, mỗi người đều lập gia đình mới, cũng có con cái riêng của mình.

Anh thì lại ở một mình trong căn phòng thuê lạnh lẽo, không có nơi nào để đi, không biết sống thế nào.

Từ Trường Sinh trò chuyện với tôi đôi câu, sau đó đề nghị tôi đi tìm anh chị họ mở hắc [2].

[2] Nguyên văn 开黑 – Khai hắc (mở hắc) là một từ mới xuất hiện ở TQ, thông dụng trong các loại game đối chiến như DOTA, L OL,… Khi bạn chơi một game có thể chat voice, hoặc trao đổi mặt đối mặt thì được gọi là mở hắc. Ngoài ra nó cũng có nghĩa là mở phòng tối, nghĩa là một đám game thủ đã quen biết nhau tập trung lại một chỗ ngoài đời thực hoặc thông qua ứng dụng chat voice để trực tiếp chỉ huy, phối hợp với nhau. (baike) (Trong tình huống này thì chính là nghĩa 2)

“Chơi game nhé?” Giọng Từ Trường Sinh rất nhẹ nhàng: “Đây chẳng phải là phần cần thiết khi đón giao thừa sao? Mở hắc thôi.”

Năm ngoái cũng có phần này.

Kỹ thuật của Từ Trường Sinh rất tốt, tính khí cũng ôn hòa nên anh em họ của tôi ai cũng thích anh cả.

Tôi xốc lại tinh thần, đi tìm anh em họ chơi game.

Có game làm nhạc đệm, bầu không khí cũng không còn quá căng thẳng nữa. Lúc sắp đến giờ ăn cơm, Từ Trường Sinh chủ động bảo không chơi nữa.

Tôi nói với anh câu năm mới vui vẻ rồi cúp điện thoại, lại chú ý đến ánh mắt như có điều muốn nói của anh họ.

Biết tôi đang nhìn mình, anh họ nhún nhún vai, khẽ cất lời: “Ba mẹ em tìm anh nhờ làm thuyết khách… Em sẽ không thay đổi ý định, đúng không?”

Tôi yên lặng.

Sau đó trả lời anh: “Vâng.”

Bữa cơm giao thừa diễn ra khá náo nhiệt. Cơm nước xong, tôi đi vào bếp nhờ bà nội gói cho mình hai hộp sủi cảo.

Ba mẹ tôi đang vừa tán gẫu vừa đánh bài với cô chú, anh họ thì chuẩn bị ra ngoài chơi với bạn, vừa khéo tôi cũng muốn ra ngoài.

Bà nội không hỏi gì cả, giúp tôi gói sủi cảo xong lại lầm bầm: “Sủi cảo này có mấy loại nhân, cháu không hỏi thằng bé xem bây giờ có thể ăn được cái gì à?”

“Một mình thằng bé lẻ loi thật đáng thương quá…”

Tôi nhìn về phía bà nội, bà vẫn luôn thương yêu tôi như thế, bấy giờ ánh mắt nhìn tôi cũng không hề có vẻ trách cứ gì.

Tôi chẳng có tiền đồ gì cả, chỉ vì chút chuyện bé cỏn con thế này lại muốn rơi nước mắt.

Bà nội vươn bàn tay đã nhăn nheo vỗ về tôi, vẻ mặt hiền dịu và tràn ngập tình thương: “Nghiên Nghiên nhà ta còn nhỏ, quyết định chuyện gì cũng không cần gấp gáp, có phải không?”

Tôi cũng quên mất phản ứng của mình sau đó là gì nhưng chắc chắn là phức tạp đến độ khó có thể diễn tả thành lời —-

Ngay cả bản thân tôi cũng không biết phải làm thế nào mới thích hợp.

Thực tế khác với tiểu thuyết, sinh ly tử biệt, áp lực kinh tế, áp lực từ người nhà, đến tận bây giờ vẫn không cách nào khái quát đơn giản bằng cụm từ “chịu đựng cho qua” được.

Ba mẹ không có lỗi gì với tôi cả, cũng không làm gì sai. Họ chỉ hy vọng con gái mình không ở bên cạnh một người không có tương lai mà thôi.

Trong đời thực, cũng có rất nhiều người sẽ chọn rời bỏ nửa kia mắc bệnh ung thư của mình, cùng anh chạy chữa bệnh mấy tháng nay, tôi đã gặp rất nhiều rồi.

Tình cảm sẽ không ngừng bị việc khám bệnh bào mòn, dẫn đến cãi vả, mệt mỏi và đau khổ.

Cuộc sống rồi cũng sẽ bị những chuyện vặt vãnh củi gạo mắm muốn đè nặng, người ngoài nhìn vào chỉ thấy được chút vết tích.

Chứng kiến nhiều ví dụ như thế khiến chính tôi cũng không thể nào đảm bảo sau nhiều năm chữa bệnh, tôi sẽ nghĩ thế nào về quyết định ban đầu, về Từ Trường Sinh.

Con người không phải bụt.

Song chí ít thì vào thời khắc này, tôi thật tâm muốn ở bên anh chờ kết quả cuối cùng.

Dù là tốt hay xấu.

*

Tôi xách theo hộp giữ nhiệt đi đến nhà thuê.

Cầm chìa khóa mở cửa, cửa vừa mở ra đã nghe thấy giai điệu quen thuộc.

“Cơn bão chỉ mới xuất hiện, sao lại có thể đứng yên chẳng tiến lên…”

“Vượt qua không gian và thời gian, dốc hết sức mình, tôi sẽ đến bên cạnh bạn…”

“Mỉm cười đối mặt nguy hiểm…”

Bài hát này là ost của bộ phim “Ultraman”, tên là “Kỳ tích lại xuất hiện lần nữa”.

Tôi hơi sửng sốt, ngẩng đầu nhìn qua, đúng lúc Từ Trường Sinh cũng đang kinh ngạc nhìn tôi.

Đây là lần đầu tiên tôi thấy Từ Trường Sinh trước giờ luôn giữ vẻ mặt ung dung không vội vàng biến thành bộ dạng này.

“Nghiên Nghiên?”

Anh bấm dừng tivi. Người đàn ông đã hơn hai mươi tuổi đầu này, ở nhà một mình vào đêm giao thừa xem “Ultraman”.

Dù biết Từ Trường Sinh thích Ultraman, thậm chí còn phân biệt rõ những tên khác nhau của Ultraman, tôi vẫn cảm thấy vô cùng —– buồn cười.

Tôi cố tỏ ra bình thản: “Năm mới không xem xuân vãn mà xem cái này à? Ăn cơm chưa? Mau đến đây, khi nãy em cũng ăn không ngon miệng mấy.”

Tôi đặt hộp giữ nhiệt nặng trĩu lên bàn, vừa mở ra vừa nói chuyện với anh.

“Bà nội em gói lại giúp đó, nặng chết mất, em suýt thì không nhấc nổi. Còn nóng hôi hổi cả, anh nhanh đến ăn đi…”

Tôi khựng lại giây lát.

Nếu trên thế giới này thật sự có “kỳ tích lại xuất hiện một lần nữa”, vậy thì tôi hy vọng kỳ tích thuộc về Từ Trường Sinh có thể đến sớm một chút.

__

Lời tác giả:

Vốn định viết một kết thúc thực tế nhưng nghĩ lại vẫn không nỡ.

Câu chuyện của Trịnh Nghiên và Từ Trường Sinh có một phần lấy tư liệu từ đời thực, bao gồm cả người bạn trai đạp xe chở cô gái cũng vậy, đều là hình ảnh rất đỗi bình dị trong mười triệu người.

Cuộc sống khổ đau như vậy rồi, câu chuyện này ngọt ngào chút nhỏ, kết sẽ HE nhé =v=

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương