Giữa Sắc Trắng Thuần Khiết
-
Chương 3
Câu nói này của Trần Kính Dư đến quá đột ngột, nhưng thứ thực sự khiến cho tôi trở tay không kịp chính là tôi không biết cô ấy nói "hận cô ấy" là muốn nhắc đến chuyện nào.
Cô ấy có quá nhiều chuyện có thể khiến cho tôi hận cô ấy.
Lúc còn nhỏ cứ xụ mặt, rõ ràng còn là một đứa trẻ chưa bao lớn nhưng cứ muốn tu thân, trị quốc, bình thiên hạ.
Tôi tìm cô ấy chơi, cô ấy lại cứ ôm khư khư quyển sách, cực kỳ nhàm chán.
Sau khi hiểu chuyện, lại tập trung trí lực nghĩ cách tác hợp cho tôi và Ngô Ứng Đường.
Tôi công khai kháng nghị mấy lần, cô ấy lại cảm thấy tôi là vì ngại ngùng, không hiểu phong tình hệt như một khúc gỗ.
Vất vả biết bao nhiêu mới đến được Cambridge, hai năm đầu dường như toàn ở trong thư viện, ký túc xá, phòng học, ba điểm một đường thẳng.
Năm thứ ba cứ thế chạy thẳng đến nước Đức, Cambrigde cũng không thèm, việc học cũng chẳng quan tâm, tôi cũng bỏ mặc.
Trước khi cô ấy đến nước Đức, từng cầm tập bản đồ Trung Quốc đến tìm tôi, cương quyết kêu tôi trong khoảng 1141.8174 km2 tìm ra tỉnh này, tìm ra nơi kia.
Tôi chỉ cho cô ấy từng chỗ một.
Cô ấy lập tức vui mừng mỉm cười, nói: "Lục An, cậu nhất định phải một mực nhớ kỹ những nơi này."
Cô ấy nói tôi phải một mực ghi nhớ lãnh thổ Trung Quốc, tôi lập tức nhớ kỹ.
Cô ấy kêu tôi phải nhớ tiếng Trung Quốc và chữ Hán, tôi cũng nhớ kỹ.
Cô ấy ở Đức viết thư cho tôi, viết về trang bị vũ khí hiện đại của nước Đức, viết về sự sụp đổ của nước Cộng hòa Weimar và sự thành lập của đế quốc Đức, viết về những đồng bào Hoàng Phổ mà cô ấy gặp được lúc ở trường quân đội.
Thứ cuối cùng cô ấy nói với tôi, chính là thành tích học tập và ngày về nước.
"Chuyện có lợi cho đất nước, dù có chết cũng sẽ không tránh né." Sau khi tôi lên năm hai đại học lập tức nhớ kỹ, vẫn luôn không dám quên.
Cô ấy yêu cầu tôi làm nhiều chuyện như vậy, bản thân lại không có chút trách nhiệm nào.
Cô ấy dạy tôi cổ văn, nói: "Nhà giáo là người truyền đạo, dạy học và giải đáp thắc mắc." Nhưng tôi còn chưa kịp hiểu rõ về Trung Quốc rộng lớn thì cô ấy đã nghỉ học rồi.
Tôi hận cô ấy không chịu trách nhiệm, chán ghét cô ấy thích gì làm nấy, nhưng cũng biết ơn cô ấy đã dạy tôi đạo lý.
Nghĩ đến đây, tôi lắc đầu, chân thành nói: "Mình không hề hận cậu."
Trần Kính Dư tự giễu, mỉm cười: "Vậy à?"
Phản ứng như vậy của cô ấy, khiến cho tôi lập tức hiểu ra "hận" này của cô ấy là muốn nói đến chuyện gì, trong lòng âm thầm cảm thấy may mắn vì trước đó không nói nhiều lời, đồng thời ngoài mặt an ủi cô ấy: "Có một số chuyện thân bất do kỷ.
Cậu đã làm rất tốt rồi."
Thay vì cô ấy hỏi tôi có hận cô ấy hay không thì chi bằng nói cô ấy đang hận chính mình.
Sau khi học xong trường quân đội ở Đức quay về nước, cô ấy đã đọc rất nhiều binh thư.
Tất cả nhiệt huyết đều đổ vào việc báo quốc, lại bởi vì nguyên nhân trong nhà mà không thể lên chiến trường, chỉ có thể ở hậu phương làm sĩ quan hậu cần hoặc tham mưu.
Trần Kính Dư không nói nữa.
Cô ấy kéo tôi đi vào trong một nhà hàng, người chủ đi đến, dẫn cô ấy thẳng qua phòng hai, ngồi ở phòng số một, hỏi tôi: "Muốn ăn gì?"
Tôi không hiểu ý của cô ấy: "Bây giờ không phải đi báo danh trước à?"
"Dù sao cũng phải ăn cơm rồi hẵng nói tiếp.
Vịt rang muối ở đây cũng xem như chính tông.
Sau khi mình đến Trường Sa đã từng bị đám người Phong Đễ, Văn Trọng Phu lừa đến đây một lần, thưởng thức qua mùi vị, tuy không so được với các đầu bếp lớn ở Kim Lăng Xuân, nhưng mà vẫn có thể hoài niệm hương vị quê nhà."
"Thật ra, buổi trưa mình có ăn cơm rồi.
Ứng Đường đưa mình mấy đồng đại dương.
Mình ăn mỳ hoành thánh."
Trần Kính Dư hơi ngạc nhiên, liếc nhìn tôi một cái: "Mì hoành thánh Trường Sa?" Cô ấy biết tôi không ăn cay được, sau khi thấy tôi gật đầu, trong mắt lại mang theo ý cười: "Nhập gia tùy tục, ha?"
Câu nói phía sau càng giống như đang trêu chọc hơn.
Tôi không ăn cay được, bát mỳ hoành thánh kia dĩ nhiên cũng không ăn được.
Không ăn được, thì có nghĩa là chưa được no.
Cô ấy biết rõ điều này, vẫn cương quyết chọn mấy món ăn thanh đạm.
Tôi đang định ngăn cô ấy, gọi ít món ăn thôi thì phó quan của cô ấy lại khuyên tôi, nói: "Vị trưởng quan này, trưởng quan của chúng tôi, ngoại trừ lần vừa mới đến Trường Sa bị lừa kia thì bình thường sinh hoạt rất tiết kiệm, tuyệt đối không hề phô trương, lãng phí.
Đây là lần duy nhất cô ấy tự đến kiểu nhà hàng như thế này.
Cô ấy chiếu cố cô, vì muốn đón tiếp cô.
Cô cứ nhận đi."
Trần Kính Dư tiết kiệm là sự thật.
Cô ấy thương nước, thương dân, lòng mang thiên hạ, đạo đức tốt, thẳng như tùng trúc.
Trước khi chiến đấu, lúc ở Cambridge, ở Nam Kinh, cô ấy vì nể mặt cha, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện xã giao.
Khi chiến tranh bùng nổ thì không còn như vậy nữa.
Tôi biết cô ấy là vì muốn tốt cho mình, sợ tôi sau khi về nước không thích ứng được, đặc biệt đến để cải thiện cơm nước cho tôi, dùng lời của người Trung Quốc nói, tục xưng là "bày tiệc mời khách".
Từ nhỏ, cô ấy đã tốt với tôi.
Tôi hiểu rõ chuyện này.
Tôi không có cách nào từ chối, chỉ có thể cười một tiếng, chấp nhận, lại tiếp tục nhớ đến lời cô ấy mới nói với phó quan, khó hiểu hỏi: "Lúc nãy cậu nói, cậu là bị lừa đến chỗ này à? Chuyện này là thế nào vậy? Cậu mà cũng bị xẩy chân à?"
Trần Kính Dư còn chưa kịp lên tiếng thì phó quan của cô ấy lại lanh mồm lanh miệng: "Còn không phải do đám người Phong Đễ, Văn Trọng Phu gian xảo sao? Thấy trưởng quan của chúng tôi mới đến, sư đoàn trưởng đã cho cô ấy phụ trách phòng bị vật tư, nên mượn danh nghĩa quyên góp vật tư để lấy lòng trưởng quan của chúng tôi.
Một đám tham quan, bày bừa lãng phí."
Phó quan của cô ấy vô cùng căm phẫn.
Tôi buồn cười hỏi: "Phong Đễ, Văn Trọng Phu là ai vậy?"
"Tư lệnh Cảnh giới Trường Sa, Cục trưởng Cục Cảnh sát tỉnh Hồ Nam."
Tôi đã hiểu: "Chức quan lớn đó, nhân vật tầm cỡ."
"Nhưng mà, đó là vì tôi họ Trần." Trần Kính Dư rũ mắt: "Nếu chỉ là một thiếu tá tham mưu hữu danh vô thực thì họ sẽ chẳng thèm để vào mắt."
Chúng tôi chỉ mới ăn được một nửa, đã nghe thấy cảnh báo phòng không vang lên suốt lúc đó.
Tiếng đầu tiên, tôi còn sửng sốt một chút, nghe tiếng động này réo vang chói tai.
Tiếng thứ hai còn chưa kịp vang lên, tôi đã bị Trần Kính Dư kéo một cái lảo đảo.
Cô ấy hô lớn: "Không kích, không kích, chạy đi!"
Nhưng không có ai để ý đến cô ấy.
Ông chủ còn cười ha ha: "Trưởng quan mới đến Trường Sa nhỉ?"
Trần Kính Dư mặc kệ ông ta, thuận tay lướt qua người ở gần cô ấy nhất, đẩy ra ngoài tiệm: "Chạy đi, không kích, không nghe thấy sao!"
Thật ra, tôi và cô ấy đều hiểu ý của chủ quán.
Sau khi Hợp Phì, Từ Châu liên tiếp bị bao vây, quân Nhật chiếm được sân bay tiền tuyến và số lượng lương thực tiếp tế rất lớn, sau khi quân ta liên tục thất bại lùi bước trong chiến tranh Vũ Hán, quân Nhật rảnh rỗi đến hậu phương quấy rối, vây đánh, vốn dĩ Trường Sa là nơi thường bị oanh tạc nhiều nhất, nhưng mười lần cảnh báo phòng không thì hết chín lần đều là phi cơ trinh sát.
Câu chuyện sói đến, mọi người đều tin, nhưng sói đến quá nhiều thì không còn ai tin nữa.
Bây giờ chính là như vậy.
Trong thời gian hai tháng ngắn ngủi tôi ở Trùng Khánh, người dân Sơn Thành cũng giống như họ.
Sau khi Trần Khánh Dư đẩy người ở gần cô ấy nhất ra khỏi đây thì nắm tay tôi.
Phó quan của cô ấy rất trung thành, che chở cho cô ấy rút lui ra bên ngoài.
Người trong quán thờ ơ, người đi bên ngoài cũng chẳng có ai chạy trốn.
Chủ quán còn tưởng rằng chúng tôi muốn ăn quỵt, đuổi theo ra ngoài, hô lớn: "Trưởng quan, tiền cơm!"
Cảnh báo phòng không lại vang lên một lần nữa.
Chúng tôi vừa mới chạy ra bên ngoài, thì cách đó không xa bỗng có tiếng oanh tạc, tiếng nổ vô cùng lớn.
Trong nháy mắt, ngọn lửa bốc lên trời, tiếp theo là tiếng động cơ máy bay ném bom của quân Nhật, từ xa đến gần, "xoành xoạch" rung chuyển trời đất.
Lúc này, người đi đường mới bối rồi, hoảng hốt chạy loạn khắp nơi.
Thật ra, những người chạy loạn một cách mù quáng như thế này chính là mục tiêu lớn nhất.
Trần Kính Dư kêu lên hai tiếng "nằm xuống".
Giọng nói đều bị vùi lấp trong những âm thanh hỗn loạn.
Bây giờ, di tản đến hầm trú ẩn hoặc nơi an toàn đã không còn kịp nữa.
Trần Kính Dư chỉ có thể nằm xuống tại chỗ, bảo vệ tôi bên dưới.
Sau khi tôi nằm xuống, cô ấy lấy cả người che chở cho tôi.
Tôi chỉ mới học quân sự được hai tháng, nhưng lý luận và thực tiễn đều nắm chắc, biết cô ấy bảo vệ như thế này, nếu như thật sự có ném bom thì những mảnh bom văng ra và phần lớn lực xung kích chắc chắn đều sẽ rơi lên người cô ấy.
Phó quan của cô ấy nằm xuống ở bên cạnh, muốn che chở cho cô ấy, nhưng lại sợ đè tôi ở phía bên dưới, chỉ có thể lo lắng mà không làm được gì.
Cánh tay kia hơi đặt lên người cô ấy, sau khi bị Trần Kính Dư liếc một cái mới lấy ra.
Quân Nhật ném ở phía xa hai trái bom, sau đó bay thẳng đi.
Chỗ này của chúng tôi không bị ném bom.
Sau khi tiếng cảnh báo ngừng lại, Trần Kính Dư đứng dậy, cũng kéo tôi lên, cúi đầu giúp tôi phủi đất cát trên người.
Lúc cô ấy phủi đất cho tôi, cũng vô cùng cẩn thận, mặt mũi nghiêm túc, phủi từng chút, từng chút một, một chút xíu bụi đất cũng không bỏ qua.
Tôi cười, nói: "Trần Kính Dư, cậu cũng quá thích sạch sẽ rồi đó."
Trần Kính Dư vừa phủi đất vừa nói với tôi: "Thời kỳ chiến tranh không so được với lúc trước, chi phí ăn mặc đều phải tiết kiệm, nhưng quần áo cũng nên sạch sẽ.
Quần áo sạch sẽ, nhìn cũng thấy thoải mái."
Tôi nhìn bộ quân phục màu vàng xanh trên người một chút: "Không phải cậu cảm thấy nó xấu sao?"
"Có xấu hơn nữa thì cũng là quân phục.
Quần áo ngày thường còn phải giặt sạch sẽ, huống chi là nó."
Trần Kính Dư phủi sạch bụi trên người tôi xong mới phủi cho cô ấy.
Phó quan của cô ấy muốn đến hỗ trợ, nhưng cũng không dám chạm vào cô ấy, chỉ có thể cởi găng tay trắng ra, đưa cho cô ấy: "Trưởng quan, cô dùng cái này đi..."
Trần Kính Dư nhìn một chút, không nhận: "Đeo vào đi, tay tôi bẩn rồi."
Đợi cô ấy phủi đất cát xong, lại xoay người nhìn quán ăn, dặn dò phó quan đi tính tiền.
Tôi đứng bên cạnh, cùng đợi với cô ấy.
Trần Kính Dư đột nhiên hỏi tôi: "Còn ăn nữa không?"
Thật ra, chúng tôi đã ăn no rồi, cộng thêm đợt phong ba lúc nãy, làm gì còn tinh thần nghĩ đến ăn uống.
Bây giờ, tôi chỉ muốn nhanh chóng đi báo danh.
Trần Kính Dư gật đầu, đợi sau khi phó quan đi ra thì kéo tôi lên xe: "Vậy thì đi thôi.".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook