Giống Rồng
Chương 7-4: Ngạc kình loạn đả, đầm long tướng xuất binh

Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ bảy:

Hội Phong Châu, Quỷ động Man rơi lệ.

Phủ Trường Châu, Đầm long tướng hàng Dương.

Chương 7.4 Ngạc kình loạn đả, đầm long tướng xuất binh

Trong động trời tối đen như mực, quân của Phạm Đan dạt ra phía ngoài động nấu nướng, luyện võ. Thi thoảng lại có tiếng như thể có người rên rỉ từ phía lòng động hắt lên. Dương tù trưởng nói đám lính bình tâm, chờ đợi Gã quỷ đến. Dương tù trưởng dùng miệng ngậm chặt chiếc răng hổ đeo trên trước ngực, dựa vào chút sáng le lói từ cửa động hắt vào mà cắt đứt sợi trói cho tên lính ngồi sát cạnh.

Dương tù trưởng ra hiệu cho đám lính im lặng, vờ như rên rỉ đau đớn. Thiên thanh tù trưởng nhắm mắt vào lắng nghe những âm thanh từ phía động hắt ra. Tiếng áo giáp, vũ khí từ phía trên động dội xuống. Dương tù trưởng chắc bẩm chỗ trên đó đám lính kia lưu giữ giáp phục, vũ khí. Lại có âm thanh thóc lúa đang được xúc đi từ dưới âm ti vọng lên.

Dương tù trưởng cười lớn khiến Phạm Đan thất kinh chạy vào động. Đan tỏ vẻ không vui, lệnh đám người Dương tù trưởng giữ im lặng.

Nửa canh giờ sau, tiếng chân của nghìn người từ vách núi phía tây vọng vào hang. Dương tù trưởng sai hai chục tên lính lẻn lên động trên bắt trói chục người đang giữ giáp mũ, quân khí xông thẳng ra ngoài động. Phạm Đan không kịp trở tay, hô hào quân đánh giết. Hai bên mặc giáp phục vũ khí giống nhau, không biết địch ta đánh lộn lẫn nhau.

Phạm Đan sai lính chạy trốn theo sườn núi phía Tây. Đoạn đi đến rừng thông gặp người cao lớn từ sườn núi phía tây dẫn theo năm nghìn lính từ trên núi, dưới núi xông ra đánh tan tác. Đan đánh với Gã Quỷ hai mươi hiệp, thấy uy lực không sánh được, Đan trượt theo dốc, chân tay, áo quần rách tả tơi chạy.

Dương tù trưởng cầm thương lưỡi đồng đen, mặc giáp sắt, đội mũ lông vàng oai vệ từ cửa Động bước ra, giọng ầm ầm sấm đổ:

- Chúng ta là bạn. Không phải thù. Người đó chính là Gã Quỷ Đỗ Tồn Thăng, người anh em của Đỗ quân sư. Mong vị tướng quân xin dừng bước. Đã khiến Phạm tướng quân kinh hãi. Ta là Dương Thanh. Dương Chí Liệt chính là trai thứ của ta.

Phạm Đan ôm lấy chân tay máu chảy ướt thẫm giáp phục nheo mắt nhìn lên phía trên núi. Đắn đo một hồi, chàng cất giọng hỏi:

- Sao nhà ngươi biết chúng ta là quân lính của Chí Liệt.

- Giáp phục, cờ xí, chuôi gươm, lưỡi giáo đều là chữ Dương, nét bộ «Chính» nổi hơn cả. Chắc chắn đó là quân họ Dương. Phải không Tồn Thăng.

Gã Quỷ giương dao quắm lớn chỉ về phía Phạm Đan. Mặt giương giương đắc ý, giọng nói hồ hởi:

- Đúng vậy. Cái tên Chí Liệt đó, nhà ngươi cứ hỏi hắn thì sẽ biết Gã Quỷ Dương Diện, từng đánh với hắn biết bao trận. Người này chính là Dương Thanh thiên thanh tướng chủ. Bọn ta vào động Man đã hơn hai năm nay, nghe tin có đám lính họ Dương đánh huyện Vũ Bình cướp huyện thành nên dẫn binh tới lấy danh nghĩa giúp triều đình, nhưng thực chất là mưu đoạt Vũ Bình cùng thiếu chủ.

Dương Thanh sai người xuống dìu viên tướng Phạm Đan lên núi. Tướng chủ tự tay lấy mật gấu ngâm cùng cao xoa cho chàng. Đan lấy làm cảm phục, bái lạy Dương Thanh. Dương Thanh dặn dò:

- Thuốc này do lang y Lý Lang Mộc chế tạo. Quân lính miền núi bọn ta thường xuyên bị thú rừng cắn rách da rách thịt, núi non hiểm trở bị ngã, gãy chân gãy tay rất nhiều. Nhờ có y thuật cao thâm của Lang Mộc mà cơn đau nhanh dứt, rách thịt liền ngay.

- Đã từng nghe tấm lòng nhân nghĩa của Dương tướng quân. Chí Liệt thiếu chủ cùng quân sư Sĩ Giao thường kể về ngài. Hào sảng, trượng nghĩa, lấy dũng mãnh át vía quân thù, lấy tâm đức mà trị lòng người. Nay gặp đây, quả nhiên vinh hạnh. Đã vô tình làm tổn thương đến tướng chủ. Mong chủ tướng thứ tội.

- Một mình giữ kho lương trên động núi cao, phía trước là tiền quân, phía sau là cường địch. Một người biết dụng mưu kế, cương quyết rắn giỏi như Phạm Đan đây mới có thể khiến Sĩ Giao an tâm giao phó.

- Tiểu tướng chỉ làm theo lệnh của quân sư. Ngày dẫn người giả làm lái buôn đi đến các ngã ba sông, chợ phố dò thám tình hình. Ngày qua tự ý mang người đi cướp được chút lương thảo thì gặp anh Cường đây. Hai bên giao đấu, để cho tên Đỗ Phụng Quán đuổi bắt kịp, đành phải bỏ của lấy người chạy về giữ động. Suốt tuần lễ Chí Liệt thiếu chủ đánh thành Đỗ Động nhưng viên tướng thủ thành Thi Nguyên quyết tâm giữ thành. Bây giờ lương thảo trong quân đã cạn. Quân tiếp tế từ các châu quận phía nam rục rịch áp sát. Phía tây đất Man Hoàng nghe nói người đất đó có ý không theo họ Lý Tống Bình mà chưa liên hệ được. Nay được biết chính là tướng chủ nằm gai nếm mật chờ thời. Biết được tin này chắc chắn, Chí Liệt thiếu chủ sẽ mừng lắm.

- Chẳng hay tên Thi Nguyên đó bản lĩnh thế nào?

- Thi Nguyên là người Đỗ Động, đệ tử chân truyền của Liêu gia thập thất quái chiêu. Những chiêu thức Liêu gia khó có ai có thể chế ngự được. Chí Liệt có trong tay cháu ruột của Liêu Công, thân thuộc đám môn khách đất Vũ Bình, mang nợ thù gia nên theo thiếu chủ quyết diệt Thi Nguyên đó.

- Quả nhiên Chí Liệt được những anh tài như người anh em đây, ắt sẽ thành chuyện lớn. Nhà anh vừa nói Đỗ Phụng Quán đất Trường Châu hay sao. Ta nghe nói trước hắn là bộ tướng dưới quyền Đỗ Đại, lập công lớn được ta phong làm bổ đầu huyện Chu Diên.

- Bẩm tướng chủ. Đúng là như vậy. Phụng Quán vốn là cháu ruột thứ sử Trường Châu, từng xung quân cho Dương tướng chủ dẹp giặc Chà Và xâm lấn cửa Đại An nên được phong chức ở Diên huyện. Sau này Quế Trọng Vũ giết Đỗ Đại, Quế nghe danh Phụng Quán, lấy xích đao của Đỗ Đại, ngựa trắng Tuyết Vũ tặng cho Quán tỏ ý muốn mộ tài, mong Quán dốc sức nắm binh mã Trường Châu giữ vững bờ cõi phía nam và phía tây giáp Ai Lao. Bấy giờ, Phụng Quán chạy về Trường Châu lánh nạn, thứ sử Trường Châu khuyên Quán hàng Trọng Vũ để giữ lấy cái đầu cho cả gia đình, Quán đành thuận theo lời bác, nhận xích đao, Tuyết Vũ giữ binh mã Trường Châu.

Dương Thanh nhắc lại chuyện cũ Phụng Quán uống rượu say đánh nhau với Đỗ Đại suốt đêm, đánh đến độ Xích đao cùn lưỡi, chiếc đao của Quán nát nhừ, gân cốt mỏi rã rời hai người mới nằm cạnh nhau ngủ ba ngày ba đêm. Phạm Đan nghe Dương Thanh kể câu chuyện liền bày kế cho Dương Thanh hòng bắt sống Phụng Quán đầu hàng Cướp lấy quận Văn Dương, lấy ba tòa thành cùng kho lương thảo khí giới.

Ba ngày sau, Dương Thanh sai người đi theo lối cũ về miền Man Động báo tiếp tế quân lương, binh khí. Chỉ trong vòng hai ngày, một ngàn binh kỵ, hai nghìn lính bản bộ hộ tống theo năm nghìn thạch lương đi theo đường nam núi Tản tới sát thành Đỗ Động. Thi Nguyên nghe tin có lương tiếp tế, quân binh Man Động tới giúp liền cho sứ giả đến hỏi han. Người cầm đầu đám người Man tên Dực, họ Ma Cao, xưa nay vốn là động chủ xứ Man Hoàng nói cho sứ giả của Thi Nguyên rằng dân Man nghe lệnh triều đình, mang binh kỵ, lính giáp cùng quân lương tiếp tế cho Vũ Bình đang bị quân phản loạn ngày đêm khiêu chiến, hòng cướp thành. Thi Nguyên nghe tin lấy làm mừng, cho người bí mật báo Tống Bình lo liệu miền châu thổ phía nam, đất Vũ Bình đã có thêm binh Man Hoàng cứu giúp.

Đặng Hoài, Lý Toàn, Do Độc ba người đó không hay tin Dương tù trưởng dẫn quân đi theo khe động phía nam đã đến được nam Vũ Bình nên lúc đó đội quân Phong Châu hợp với hai đạo binh mã của dân Man Hoàng đã đóng trại binh tại huyện Thái Bình. Lý Do Độc sai người viết thư hỏi Thi Nguyên về binh tình, lương thảo. Nguyên đáp lại "Binh thiếu, lương ít, quân phản loạn lên đến vạn người, khó lòng giữ được thành. Mong tướng quân cùng bộ tướng phát lệnh tiếp lương, chuyển thêm càng nhiều binh tướng để chống lại sức địch vạn người."

Do Độc bàn với Lý Toàn, Toàn bày kế dâng lương thảo cho Nguyên, cùng đó là hai nghìn binh mã vào thành. Cứ thuận theo thế trận mà hành xử. Nếu Nguyên chiếm thế thượng phong thì theo họ Thi, nếu Thi yếu thế, lấy lý do chuẩn bị cự địch đánh Phong Châu mà rút quân về. Do Độc theo lời Lý Toàn, sai hai nghìn lính chở theo một nghìn thạch lương tiếp tế cho Vũ Bình. Thi Nguyên nghe tin càng thêm mừng, tiếp tục sai quân báo tin cho Tống Bình.

Trong lúc Vũ Bình nguy cấp, Lý Nguyên Gia vẫn còn đang mải mê phòng bị quân phản loạn liên tục quấy nhiễu ở các thôn xóm phía nam. Có tin quân Phong Châu, Man Hoàng tiếp viện kịp thời cho Vũ Bình, Nguyên Gia như mở cờ trong bụng. Nguyên Gia sai đám tướng Triệu Cam, Giả Thường, Long Trạch trấn áp các vùng châu thổ phía nam, chỉ trong thời gian ngắn mà chiếm lại hết đất huyện Chu Diên, Võ An, đất châu thổ phía nam kéo dài đến tận bắc Trường Châu, những nơi vốn là mầm mống của đám quân phản loạn. Số người bị bắt, giết lên đến tám chín nghìn người, binh mã đầu hàng lên đến hơn vạn người.

Bấy giờ thứ sử Trường Châu là Đỗ Cảnh Tung đang còn bối rối trước lệnh điều động quân binh của họ Lý. Đám nho sĩ dưới trướng bàn với Tung rằng Giao Châu các ngả nay đã yên, trước Đỗ thứ sử mang tám nghìn quân để tỏ lòng với họ Lý nhưng lại chần chừ không tiến quân. Nay Tống Bình đã định yên đám quân phản loạn vùng châu thổ, chi bằng Đỗ thứ sử viết lá thư gửi cho Đoàn Uyển, một mặt dò thám binh tình châu Ái, mặt khác thử lòng hắn có ý đồ từ phía sau đất Trường Châu.

Uyển đáp lời chỉ muốn giữ đất châu Ái, e dè đám người đất Ai Lao, Chà Và, Lâm Ấp chiếm đất châu Hoan, đánh úp Ái Châu, bấy giờ chẳng thể trở tay kịp. Uyển lại tặng ba nghìn binh mã, hai trăm ngựa khỏe cùng quân lương khí giới.

Cảnh Tung thấy Uyển rụt cổ như rùa trong lòng mỉa mai, tặng Uyển tứ đỉnh hình rùa đặt tứ trấn Ái Châu để tỏ lòng cảm tạ. Tung còn sai người tuyển lấy ba ba gái đẹp dâng cho Uyển để mừng sinh nhật tuổi ba mươi ba của Uyển. Đám quan lại Ái Châu cho là Tung có ý xúc phạm Uyển nên mới tặng rùa, ba ba cho hắn mà không dám nói với Uyển sợ Uyển trách phạt.

Đỗ Tồn Thành bấy giờ đương ở châu Ái, biết tin vùng châu thổ đám quân mà chàng từng theo giúp bị Tống Bình dẹp loạn nên buồn bực, suốt mấy tuần lễ không vào thành phủ bàn việc quân cùng Đoàn Uyển. Nghe chuyện Trường Châu xin binh, tặng rùa đá, gái đẹp cho Uyển nên ra mặt càn đám nho chỉ biết đọc sách mà hiểu sai ý tốt của Trường Châu:

- Trường Châu là đất phía đông nam Tống Bình, có cửa biển lớn, dân thương qua lại tấp lập, giặc Chà Và, cướp biển nhiều năm nay nhòm ngó nên không dám cất binh đi dẹp loạn xứ khác. Nay ta tặng binh mã, ngựa khỏe, quân lương cũng là giúp cho Tống Bình bớt đi cái lo vùng duyên hải, Ái Châu cũng giảm bớt được áp lực điều động từ Tống Bình. Nay chúng có ý muốn lấy lòng quan sứ mà động binh cứu đất huyện Tống Bình, thu phục dân Man động mà mượn ta chút binh mã. Châu Ái góp chút binh cốt cũng là dẹp yên xứ đó, nhổ đi cái gai trong mắt Ái Châu bấy lâu. Binh mã ta không phải động đến, còn đó sau lưng ta đám Hoan Diễn không chủ, bè phái bấy lâu đang sục sôi muốn băm vằm chiếm đất Ái Châu để mở rộng ảnh hưởng của chúng. Phần lớn binh mã ta đã giữ lại đất châu Ái đủ sức để đánh bại mọi cuộc tấn công từ bọn ấy. Đó chính là cái lợi cho châu Ái. Đất châu Ái xưa nay chưa được trấn yểm nên dân tứ xứ chạy đến, cướp giặc bốn phương cũng nhiều. Nay người ta dâng một trong tứ linh, trấn yểm bốn phương cũng là điều đáng mừng. Đoàn Uyển thứ sử, từ khi Đỗ Thị qua đời cũng sinh ra bệnh tật hao yếu. Từ khi có đám đàn bà đó mà tinh thần phấn chấn, việc công thông hạnh chẳng phải là điều đáng để vui sao. Các người chỉ có nho sách mà không thấu hết được lẽ tình, bàn tán qua lại như đám đàn bà ngồi lê ngoài chợ Cửu Chân kia thôi sao. Thật là là nguy hại cho dân, cho bản thân các ngươi lắm thay.

Uyển nghe Tồn Thành mắng khéo đám nho sĩ mà hả dạ lắm. Uyển từ bấy vui thú cùng đám đàn bà không ngơi dứt. Đứa đàn bà cạnh Uyển ngày ngày hầu hạ, nuông chiều hắn, nịnh nọt Uyển tăng thêm binh mã tiếp viện cho Trường Châu dẹp loạn. Thành lập tức cưỡi ngựa tới phủ mời Uyển uống rượu.

Đang lúc say sưa, đứa đàn bà đó đang mặc áo yếm lưng trần, đôi chân trần nõn nà từng điệu hoan ca. Mái tóc dài xõa buông che kín đến giữa lưng, đôi tay mềm mại uyển chuyển trong từng bước nhảy cho hai người thưởng ngoạn. Thành cầm ly rượu, hắt vào người ả, áo yếm ướt đầm đìa. Ả nghĩ Thành đang trêu ghẹo mà lấy bình rượu rót từ cổ xuống qua ngực áo, đong đưa ngả nghiêng như muốn ghẹo hai vị quan tướng. Thành rút gươm chỉ thẳng vào mặt ả:

- Con đàn bà láo toét. Lũ tiện nhân Trường Châu. Mày đừng hòng lấy hoa mướp hòng che mắt chim ưng, lấy lời ong bướm để dụ lòng quân tử Ngay từ đầu ta đã biết, đám người Trường Châu các ngươi dám cả gan cho người mua chuộc đám người châu Diễn, chỉ trực chờ quân Ái Châu rời đi không phòng bị để chiếm đất chia nhau. Lại sai người đút lót bọn cao nguyên Ai Lao, đánh phá mấy châu huyện phía tây để giữ chân bọn ta, không đánh úp Trường Châu từ phía sau. Bụng các ngươi đừng hòng qua mắt ta.

Đỗ Tồn Thành cắt cổ đứa đàn bà trước mặt Uyển. Đoàn Uyển kinh hãi, trong lòng bất an ngày ngày chỉ quanh quẩn trong phủ ngắm cảnh, nhìn hoa, đánh cờ với bọn nô tỳ, không dám ra đến ngoài phủ. Khi triệu kiến đám quan tướng bàn quân tình thì ngồi sau bức màn mà không dám lộ mặt ra. Có người đồn rằng hắn bị bệnh giang mai vì vui chơi quá độ với đám đàn bà Trường Châu, nên không dám nhìn mọi người sợ bị chê cười.

Tồn Thành sau khi chém chết ả đàn bà cùng ba mươi hai đứa con gái khác sai lính chia ra làm ba mang tặng đầu ấy cho đám châu mục các cơ mi phía tây, bọn thổ hào Hoan Diễn cùng thứ sử Trường Châu. Đám châu mục cơ mi phía tây biết ý đồ bị bại lộ đành mang quân rút về các động núi Ai Lao. Bọn thổ hào Hoan Diễn cũng không dám động tĩnh vùng quan ải phía nam châu Ái. Đỗ Cảnh Tung lúng túng cho gọi binh tướng đang bắc chinh trở về, sai người hạ độc đám lính Ái Châu đi theo đề phòng phản trắc. Tung cho sứ đến Ái Châu dâng vàng bạc lụa là để đáp lời cảm tạ, lại tặng thêm tứ long, tứ ly, tứ phượng hoàng cho bốn trấn Ái Châu để Đoàn Uyển nguôi lòng. Trường Châu lung lạc, Cảnh Tung đành phải gọi Phụng Quán trở về.

Đỗ Phụng Quán mang quân lính đóng ở thành Hoa Lư, ba nghìn lính châu Ái đi tiên phong đóng ở đầm nước lớn phía tây. Quân lính tiên phong báo về có dấu quân binh đi qua, lại có nhiều bè gỗ lớn để lại trong đầm. Quân lính Ái Châu không quen phong thổ, bị cảm tả, sốt rét rất nhiều. Nhiều tên sáng đi hành quân ăn quả rừng, bắt cá dưới đầm lên để nướng ăn, chiều tối trở về ăn bát cháo loãng liền sùi bọt mép, mắt trợn ngược, chân tay co giật, giẫy đùng đùng ra chết. Phụng Quán gọi tên giám quân Giảo Mục đến bàn:

- Ta nghe nói đám lính động Man đi đến đâu để lại độc thủy, chướng khí. Chẳng hay liệu có phải đám Man Hoàng dẫn binh đi qua chỗ đất đầm đó mà khiến quân ta ra như vậy.

Giảo Mục là người động Man, ngày trẻ đi theo Đỗ Anh Hàn xuống đồng bằng phá trị sở, sau trốn chạy đến Trường Châu, làm người ở cho dân buôn họ Chu ở cảng biển Đại An. Sau một lần giết chết tên cướp biển khét tướng vùng đó là Đô Ti Tặc Hải được xung làm sai nha huyện Vô Công. Được họ Chu đút lót bọn quan trong phủ thứ sử Trường châu, Giảo Mục được chuyển sang làm giám quân Trường Châu. Vốn thông thuộc tục người Man, Giảo Mục cho là có người âm mưu hạ độc chứ không phải đám quân lính Man Hoàng.

Phụng Quán sinh nghi ngờ, cho thầy lang đến xem bệnh tình quân lính. Lang đó nói rằng:

- Đây là độc dược. Trong miệng những quân lính bị ngộ độc đều có thứ lá màu tím đỏ được nấu chín. Đó chính loại cây thầu dầu, chỉ mọc ở huyện Tứ Mang (Mộc Châu bây giờ). Chỉ cần nuốt phải lá cây, nhẹ thì bị đau đầu choáng váng, phải nằm yên bất động đến bảy tám ngày. Nặng thì sùi bọt mép lăn ra chết ngay.

Phụng Quán cho gọi tay quân nhu đến, hắn nói quân lương thiếu túng, phải sai người đi hái rau, lượm quả trên núi để ăn. Có chỗ đất rộng rậm rạp nhiều loại cây màu tím đỏ nên sai người hái về nấu thử không may đó lại là rau độc.

Phụng Quán sai Giảo Mục vào trong bếp, kho lương để thám thính tình hình, nhìn trên dưới xếp hàng chỉ còn chừng ba mươi thạch lương, thịt lợn, thịt ngựa còn vài tảng treo trên bếp cao. Chồng chất rau tươi, hoa quả để ngổn ngang riêng một bên gác. Giảo Mục thấy có vài cọng rau tím đỏ còn vương dưới đống củi khô trong những chiếc tải lớn, được khâu chỉn chu như những bao quân lương.

Giảo Mục kể lại cho Phụng Quán. Quán tức giận lôi hai tên cầm đầu bếp lính chém đầu thị uy. Đỗ Phụng Quán trước ba quân an lòng binh. Quán dâng thư gửi người bác thứ sử Trường Châu, trong thư Quán mang hết tâm can hạ quyết tâm mang lính đi đánh địch lập công danh, khẳng định vị thế của Trường Châu tại đất An Nam.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương