Giống Rồng
Chương 17-5: Giương cao ngọn cờ người Nam Việt

Súng mang Thôi Thị rời khỏi quân doanh đi về phía Nam, dọc theo bờ tây sông Đáy về tới Động Đỗ. Chỗ đất này, chính Súng và các anh em đã nhiều lần giành giật từng bao lương, từng mũi giáo với quân lính triều đình từ bờ đông sông Đáy. Cũng chính tại chỗ này, Phạm Đan đã từng bắt được cả Dương Thanh và Triệu Cường thuở mới từ đất Man Hoàng về Trường Châu chiếm đất.

Từ Suối Yến đi vào phía trong động nay đã đổi khác rất nhiều, lính tráng thường xuyên cởi bỏ giáp phục, mang theo vợ con xuống núi dựng nhà ở phía hai bên suối. Chử Thị vợ của Phạm Đan lập dịch trạm ở bờ đông sông Đáy để giao thương với đất đồng bằng, chẳng thế mà bao nhiêu sản vật xứ Man Hoàng đều được đem đổi lấy lương thực một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Sau này vùng đất xung quanh Động Đỗ trở thành cứ địa vững trãi, nguồn cấp lương thảo chủ lực cho đội quân Dương – Đỗ.

Trời đã về cuối đông, dòng suối Yến hiền hòa và dịu êm, từng chuyến đò ngược xuôi tấp nập chở theo biết bao nhiêu cân thóc, hạt gạo từ Động Đỗ ra chiến trường phía Đông, phía Bắc. Chử Thị từ trong dịch trạm nhìn về phía xa xăm, mặt trời đỏ tía, gió bấc hiu hiu, nàng ngồi lặng lẽ se từng sợi chỉ, đường kim may cho Phạm Đan một chiếc áo ấm để kịp gửi cho Phạm Đan trước khi chiến đấu với quân Hàn một trận đánh thật lớn. Trong dịch trạm có một đám quân nhu đang chuẩn bị chở lương ra Vũ Bình tiếp tế cho đội quân của Dương Chí Liệt ngoan cường chống lại sức địch còn rất hung hăng khi chiếm được thành Đỗ Động. 

Chử Minh, con trai của nàng sau sáu năm, nay cậu bé đã trở thành một thiếu niên khôi ngô. Cậu cầm đầu một toán thiếu niên thường xuyên đò dọc thuyền ngang theo dòng sông Đáy để thám thính đám dân buôn, điều tra bọn ấy xem kẻ thẳng người ngay để báo cho đám hộ vệ dịch trạm. Nhiều lần Minh bắt được đến cả chục tên do thám giao cho quân lính ở phía tây Động Đỗ xử tội. Ma Cao Dực nhiều lần ghé tới quân doanh ở Động Đỗ thường có ý khen Minh tặng cho Minh và em trai rất nhiều sừng trâu và ngà voi.

Em trai của Minh là Phạm Đình, cậu bé năm nay lên mười, cậu bé này là một cậu bé cứng đầu, không phải một người thuần tính như Chử Minh. Ấy thế nên mấy lần Chử Thị mang Phạm Đình gửi cho tướng Đào Tung trấn giữ cửa biển Đại An nhưng họ Đào mấy lần đều lắc đầu ngao ngán. Phụng Quán có ý muốn dạy dỗ Đình cũng sai tướng Đổng Hùng mang về dạy bảo nhưng giữa đường đi về đất Trường Yên thì cậu ta nhảy xuống sông tự mình tìm về với mẹ và anh trai.

Sau đó Nguyễn Bẻm được lệnh đến dịch trạm cùng quân lính cởi bỏ mũ giáp trồng dâu nuôi tằm cùng xới đất làm ruộng cả trăm mẫu đất xung quanh dịch trạm mới nhận Phạm Đình làm học trò. Nguyễn Bẻm tính tình bộc trực nhưng lại tềnh toàng, Bẻm cũng hay trêu trọc trẻ con nhưng lại được đám trẻ con xung quanh suối Yến rất yêu mến.

Chẳng là có lần Ma Cao Dực mang hai tải sừng trâu và ngà voi sai đám ngụ binh cư nông mang đi bán. Bẻm định mang tặng cho hai anh em họ Phạm, nhưng Bẻm chợt nhớ đến nhà ấy có một thằng nhỏ cứng đầu nên mới nghĩ ra cách để dạy cho Đình một bài học.

Bẻm lựa lúc hai anh em Minh, Đình ở dịch trạm, tướng quân họ Nguyễn sai lính đi dặn dò các nhà ven suối Yến trước, sau đó mang theo hai chục chiếc sừng trâu đến dịch trạm nói chuyện với Chử Thị. Thị bấy giờ đi vắng không có ở nhà. Minh ân cần hỏi han vị tướng người Trường Châu. Bẻm liền nói nhỏ vào tai Minh điều gì đó, Minh khẽ gật đầu đồng ý.

Bẻm quay ra nói với hai đứa trẻ:

- Bao sừng trâu này ta có ý tặng cho hai đứa em gái của các cháu, nhưng hai đứa còn nhỏ nên ta định mang lại cho mẹ các cháu để bán, đổi lấy lương thực cho quân ta.

Đình mặt câng câng, cọ hai hàm răng vào nhau như để Bẻm chú ý đến nó. Bẻm quay ra cười với Đình:

- Cháu là Phạm Đình phải không?

Phạm Đình trề môi, mắt mở to nhìn Bẻm rồi gật đầu. Chử Minh vỗ lưng nhắc nó tỏ ra lễ phép hơn với người lớn. Đình lập tức vênh váo:

- Cháu là Phạm Đình, con trai của Nhất Dạ Trạch Thủy tướng quân Phạm Đan, người bắt sống được Dương tù trưởng và Phong Châu mục Triệu Cường ở suối Yến này.

Lời nói huênh hoang của đứa trẻ lên mười khiến Bẻm cau mày rồi quay ra hỏi Đình:

- Ta nghe Phạm Đình bán hàng khéo léo, người ta bán giá bốn giá năm, Đình cháu đứng cạnh bán giá sáu giá bảy mà hết phăng có phải chăng?

Đình chống tay dưới hông đáp:

- Phải.

Bẻm cúi thấp người vỗ vào vai cậu bé:

- Tốt lắm. Vậy chỗ sừng này ta nhờ cháu bán hết cho ta. Ta sẽ mua tặng cho cháu món đồ mà cháu thích nhất. 

Đình không tỏ ra có chút hào hứng như những đứa trẻ khác, mặt cậu bé vẫn lạnh tanh, cậu bé đáp lời:

- Không cần. Con trai của tướng tài đâu cần mấy đồng bạc lẻ. Chỉ có vợ của tướng mới cần bạc để mua quân lương thôi.

Bẻm vỗ tay tán thưởng:

- Hay lắm. Mà cháu nghe ta dặn đây. Mang đi bán, cháu gặp ai thì giao là "Sừng này chẳng của mẹ cha. Mà ông Nguyễn Bẻm bán cho mọi người." Nói như vậy mọi người sẽ nể ta mà mua sừng, sẽ nhanh hết hơn.

Cậu bé lẩm nhẩm trong miệng vài lần cho nhớ rồi nghe lời đi ngay. Vốn cậu ta chẳng ngại ngùng chuyện bán mua nên cậu ta nằng nặc đòi anh nó cho nó đi một mình. Phạm Đình cầm một mái chèo, dùng một chiếc thuyền độc mộc đi dọc cửa suối Yến đến tận chân Động Đỗ, cậu vừa chèo lái vừa giao:

"Sừng này là của mẹ cha.

Trâu to trên núi ai ra mua nào."

Suốt dọc sông cậu bé khàn cổ lớn tiếng lênh đênh trên con thuyền độc mộc mà chỉ bán được có hai chiếc sừng. Cậu nghĩ trong đầu chắc do mọi người đi làm đồng chưa về nên không có ai. Cậu lại xua đò trở về dịch trạm đợi cho đến sẩm tối thấy mọi người xung quanh dịch trạm ai nấy trở về nhà, cậu bé lại lẽo đẽo mang đò và mái chèo đi theo hai bờ suối Yến để giao bán chỗ sừng trâu ấy. 

Cậu bé giao theo hai câu khi chiều cậu giao nhưng có vẻ mọi người vẫn hờ hững, cậu lại giao thêm hai câu mà mọi khi anh trai cậu lúc đi cùng cậu vẫn thường giao:

"Phạm gia có bán sừng nào

Ai ơi làm lược thì vào mua đây."

Giã họng mà chẳng bán được thêm chiếc nào, cậu đói lả trên chiếc đò. Cậu ghé vào một căn nhà bên bờ suối Yến để xin bát cơm nguội. Chủ nhà ấy là một người phụ nữ không chồng, thấy Đình đói lả cũng thương xót mang ra một bát cơm suộm màu. Cậu bé cầm bát cơm màu tối trong chiếc bát mẻ và đôi đũa tre đã cũ. Cậu bé trộm nhìn rồi hỏi người phụ nữ:

- Bác gì ơi. Bác có mắm không? Cho cháu xin chút đển ăn cho đỡ nhạt.

- Không có đâu. Thời buổi này có cơm ăn là tốt rồi. Có ít cá tôm bác đem bán lấy tiền đong gạo chứ không giữ lại làm mắm.

Cậu ta sụng sịu, ghè bát xuống nền đất cứng. Chiếc bát vỡ vụn, cơm bắn tung tóe lên mặt. Người phụ nữ hốt hoảng:

- Ôi. Cháu ơi. Cháu làm rơi vỡ bát của bác rồi. Nhà bác có mỗi cái bát duy nhất đấy thôi.

Đình quay ra mặt lầm lì nói:

- Nhà cháu đầy. Cháu không ăn cơm nguội nhà bác đâu. Gạo thì thâm xì, chẳng có mùi vị gì. Ai mà ăn nổi.

- Mày nói gì? Đã xin ăn lại còn lớn tiếng quát nạt bà đây hả. Đừng có cậy là con tướng, con tá mà hênh hoang ở đây. Nghe cái giọng điệu giao bán sừng trâu mà bà đã ngứa tai, thương mày nhóc con đói lả chứ không thì bà đã xé xác mày ra rồi. 

Bà cô già quay ra nổi khùng với cậu bé. Đình chẳng biết được cái tính khó ở của người phụ nữ ấy nổi tiếng đến nỗi nỗi cho đến tận bây giờ cô ta vẫn chưa có một mảnh tình. Những lời mắng nhiếc, những câu chửi bới từ khuôn miệng khi nãy vẫn còn ân cần với cậu bé cứ thế ám ảnh Phạm Đình. Đình cũng chẳng phải của vừa, cậu ta vừa chạy ra phía bờ suối vừa quay vào nửa câu cãi một với bà cô già ấy.

Đình đói bụng nằm lễnh đễnh trên con thuyền xuôi nước về sông Đáy. Cậu lẩm nhẩm lại lời giao mà Nguyễn Bẻm nói với cậu. Lời nói gió bay, tiếng của cậu lanh lảnh, bỗng từ hai bờ suối mọi người í ới gọi nhau ra suối xin mua sừng trâu của cậu bé. Cậu lại còn được một cụ già mang cho một bát cơm nóng cùng với cá khô. Cậu đánh một bát thật no, ăn xong sừng trâu cũng đã bán hết.

Cậu vội vàng mang theo số bạc vụn về tới dịch trạm. Chử Thị đã ngồi sẵn với Nguyễn Bẻm ở đó. Cậu bé cúi đầu chào hai người, Bẻm thấy mặt mũi Đình nhem nhuốc liền mở vòng tay đón lấy cậu bé vào lòng:

- Nay bán được nhiều có vui không cháu?

- Có. Nhưng sợ.

- Sợ gì? Có tiền rồi thì phải vui chứ. Cháu có giao theo lời ta dặn không?

- Không.

- Thế sao mà bán được.

- Thì không bán được nên cháu mới đọc lẩm nhẩm, ai dè mọi người nghe thấy.

- Đấy. Phải nghe lời ta.

Chử Thị thêm lời:

- Thế dọc đường có chuyện gì hay sao?

- Có bà cô già khó tính khó nết, chửi mắng con

Nguyễn Bẻm cười lớn:

- Cháu có thích nghe người khác mắng chửi hay không?

- Không. Điên à.

Chử Thị tét vào mông Đình một cái. Cậu bé co người suýt soa. Bẻm nói thêm:

- Cháu cứ theo ta. Rồi ta sẽ bày thêm cho cháu nhiều điều hay hơn. Sau này muốn bán gì cũng được, mà cũng không phải sợ người khác chửi mắng mình.

Cậu bé nhìn mẹ, vòng tay ấm áp và âu yếm của Nguyễn Bẻm trong lúc cậu bé vẫn đang còn lởn vởn những câu mắng chửi khi nãy của người phụ nữ già kia làm cho cậu bé cảm thấy đỡ tủi thân hơn. Từ bấy giờ, cậu bé theo Nguyễn Bẻm luyện binh, chăm chỉ rèn đọc sách kinh thư chỉ có cái tính nết ương bướng của cậu bé thì vẫn không hề thay đổi.

Lại kể vể buổi chiều đông trước ngày Phạm Đan lâm trận lớn đánh nhau với họ Hàn, Chử Thị đang ngồi may áo để gửi đám quân nhu thì có tiếng gọi lớn khiến nàng đâm kim trúng ngón tay trỏ, máu chảy thành hai giọt dính trên ngực áo. Chử Thị ngước mắt lên nhìn thì trông thấy Súng và Thôi Thị đang đứng ở bực cửa dịch trạm. Hớt ha hớt hải, Súng vội vàng xin bát canh ấm uống cho đỡ đói và rét.

Chử Thị hỏi han quân tình và người con gái đi cùng, Súng thẳng thắn đáp lời và giới thiệu cho Chử Thị về gia thế cô gái đi cùng. Hai người trò chuyện một lát thì đám quân nhu rục rịch rời dịch trạm. Nàng nhớ đến chiếc áo còn đang may dở gói ghém vội vàng để gửi cho chồng.

Súng nhìn qua một lượt dịch trạm, nhìn vào bên trong thấy Phạm Đình cùng hai đứa trẻ đang nô nghịch liền gọi bọn chúng ra. Trông thấy Súng tập tễnh, Chử Thị an ủi:

- Chân chú bị như vậy, cứ nghỉ ngơi ở đây một thời gian. Đánh xong trận lớn sắp tới, chắc anh nhà chị cũng được lãnh một huyện ở Giao Châu, bấy giờ khỏi cái chân rồi để chị bảo anh nhà chị sắp xếp cho chú một chỗ trong huyện nha. Rồi cũng lo mà cưới vợ đi.

Súng gãi đầu gãi tai, mặt đỏ ửng:

- Ai lấy em đâu mà chị.

- Thế đây còn gì. Cô ấy xinh xắn, chú còn định chê sao?

Cô gái kia chẳng nói chẳng rằng, Súng cũng lặng im chẳng nói thêm lời nào. Gió đông heo hắt thổi mỗi ngày một lớn, năm căn nhà phía bờ đông sông Đáy trống tếch trống toác ôi sao mà giá buốt. Đám quân nhu cũng đã rời đi, Chử Thị cũng kịp gửi cho Phạm Đan chiếc ao mà nàng vừa mới may xong, nàng chỉ mong sau sau đêm nay, trời sẽ không còn lạnh để cho Phạm Đan cùng nghĩa quân người Việt sớm thắng trận trở về.

Chử Minh vừa đi thám thính xung quanh, quanh dịch trạm trong vòng hơn chục dặm không còn lấy một bóng thanh niên trai tráng. Chẳng vậy mà Phạm Đình mấy ngày nay ở nhà không lui tới chỗ tướng quân Nguyễn Bẻm nữa. Minh vẫn ghé mà trong gian nhà tranh ở phía sau bụi tre gần bãi sông chỉ còn cái xác nhà tềnh toàng, đám trẻ con hay đến nhà Bẻm vốn là học trò như Phạm Đình cũng chỉ có thằng Duân, thằng Hưng đến để dọn dẹp cho căn nhà khỏi gió bụi.

Ngoài bãi sông chỉ có hai cụ ông đầu bạc hoa râm đang ngồi trên đám có xanh phía dốc xuống bến đò bên cạnh có ấm trà đã nguội từ bao giờ. Đó là hai người cha của hai chú lái đò, họ cũng đi theo Nguyễn Bẻm cầm giáo mác xông pha chiến trường. Mấy con đò nhỏ mọi khi xôn xao tấp nập nay cũng chỉ còn lác đác một hai chiếc với bàn tay của các dì các cô cùng bọn trẻ con xóm chài đang cố kéo lên những mẻ lưới nặng trĩu đầy thân cá bạc, tôm lớn nhảy tanh tách.

Hai bờ sông mọi ngày những giọng âm trầm, những câu ca dao đối đáp giữa các chú, các anh hòa cùng những lời thánh thót, trong trẻo hôm nay cũng chỉ còn tiếng nhí nháu của mấy chị mấy cô đang cắp nách chiếc sảo thu hái lá dâu, hạt đậu để nay mai trời nắng lên sẽ mang phơi cho ráo. 

Thi thoảng lại có một toán quân chạy dọc bờ sông từ phía Trường Châu, giày rơm, khăn vấn tóc củ hành, người đóng khố, người mặc chiếc quần ống thấp ống cao, hoặc là cởi trần hoặc có chiếc áo vá đụm vá vai, mang trên mình mảnh áo tơi bằng dạ đang cầm giáo mác vội vã đi về phía bắc. Dẫu ngoài trời giá rét căm căm nhưng không ngăn được những ý chí sục sôi, những trái tim lửa cháy muốn cùng nghĩa quân đánh một trận cho đám quan tướng Tống Bình người Hoa Hạ phải cút xéo khỏi đất Nam này.

Chử Minh cùng đám thiếu niên đi dò thám vẫy tay chào họ gửi những lời chúc thắng trận trở về. Minh nghe lời mẹ mang theo vải đỏ cắt thành thật nhiều sợi dây buộc và thật nhiều hạt đậu, hễ có đám quân hành quân đi qua thì tặng mỗi người lính một sợi dây buộc màu đỏ và chín hạt đậu tượng trưng, với hy vọng thắng trận trở về.

Trời đã sẩm tối, Chử Minh trở về dịch trạm, trong trạm chẳng có lấy một bóng khách qua đường, chỉ có tiếng Phạm Đình đang hò hét bên trong đánh trận giả cùng với Súng và hai em. Chử Thị đang gói ghém đồ đạc và nấu sẵn một nồi cháo lớn. Nàng trông thấy con trai trở về thì dặn dò rằng:

- Con trai! Sắp xảy ra trận chiến lớn, chắc quân lính của bác Nguyễn Bẻm đi hết cả rồi phải không. Cũng kịp may vụ này hạt đậu được, ấy là điềm báo cho chiến thắng sắp tới của quân ta. Con hãy bảo đội của con đến đây ăn bữa cháo ở dịch trạm rồi chuẩn bị qua bên kia sông tránh trận càn quét khốc liệt sắp tới.

Chử Minh xoa tay cho khỏi buốt giá rồi lấy một bát cháo ngồi cạnh bếp lửa đang lom đom cho khỏi tê buốt. Ăn xong bát cháo đậu ngon lành, Minh lập tức đi gọi đội của cậu đến rồi bàn bạc đầu cuối để mang theo dân vùng này vượt sông, đi theo dòng suối Yến tới Động Đỗ trên lưng chừng núi cao lánh nạn.

Canh hai, toàn bộ đám dân ở phía bờ đông sông Đáy đã chuẩn bị xong tư trang, lương thực chờ sẵn ở bãi sông. Một đoàn quân chừng hơn một nghìn người từ phía Động Đỗ đi tới giúp đỡ người dân qua sông vượt núi sang bên kia núi, tiếng nói cười í ới thôi thúc quân dân đồng lòng. 

Chẳng mấy chốc mà dân lánh nạn đã kịp qua sông hết thảy. Lương thực, đồ đoàn ngược dòng suối Yến lênh đênh ngược về Động Đỗ, người trên mặt nước, người trên bờ hơi ấm lan tỏa xóa tan đi cái giá buốt của trời đông năm ấy.

Chỉ trong một đêm phía bờ đông tấp nập nay đã hoang vu đến lạ kỳ, những căn nhà mọi ngày tiếng cười nói quây quần được thay vào đó là một vài lính gác của nghĩa quân họ Dương. Bãi sông, bến đò cũng đã đóng cửa từ ban tối. Mọi động tĩnh đều được kiểm soát một cách nghiêm ngặt. Kẻ ra người vào không chót lọt được lấy một người.

Lúc bấy giờ, quân đội họ Dương ở Trường Châu do Đỗ Phụng Quán chỉ huy đã bắt đầu phản công vào những cứ điểm ở vùng đồng bằng Giao Châu. Phía sau Trường Châu là châu Ái, Dương Thanh đã sai tám nghìn lính giữ chặt các cửa ải đi vào đất Trường Yên, cửa biển Đại An. Đỗ Sĩ Giao nhận lệnh trở về Tạc Khẩu cũng đã kịp dặn dò các tướng ở các huyện Thái Bình, Vũ Bình đang đồn trú ở trong các núi cao, động lớn chỉ chờ lệnh giết giặc.

Ở Tống bình khi ấy, Trần Khôn thảo hịch, Hàn Ước ban khắp ba quân, khí thế lên cao lắm. Các ngả Phong Châu, Vũ Bình, Luy Lâu, Cổ Loa đều có tin thắng trận báo về. Trần Khôn mừng rỡ gửi cho họ Hàn bài thơ rằng:

"An Nam đô hộ phủ nhà Đường

Ai oán phận nghèo nỗi xót thương

Giặc cỏ bao năm không tủi hổ

Hàn Công độ thế cứu dân thường"

Lời thơ lan tỏa trong quân lính Tống Bình, chẳng mấy chốc tới tai quân đội Đỗ Dương. Ở Tạc Khẩu, Sĩ Giao nghe quân báo về mà lòng nóng như lửa đốt, tính tới tính lui Sĩ Giao cùng hai tướng Đào Tung, Hà Bình Xuyên bàn bạc kế sách rồi dâng lên Dương Thanh. Trong đêm, Dương Thanh từ Câu Lậu sớm chuẩn y kế sách lệnh toàn quân theo kế sách họ Đỗ, các tướng dưới quyền Chí Liệt ở các châu cơ mi phía tây bắc được tự quyết kế sách. Các tướng nắm đội quân phía tây Tống Bình được theo kế hoạch ban đầu do Đặng Hoài chỉ huy.

Sáng sớm ngày Tân Mão, trời gió heo may khô nứt da nứt thịt, những ngọn cờ phần phật bay cao. Sĩ Giao mở cờ trong bụng liền sai quân sửa soạn mũ áo, bắt một tên tù binh người Hoa Hạ đứng trước toàn quân, Sĩ Giao ban lệnh:

"Hỡi toàn quân!

Giao Châu đang thế loạn.

Hàn Ước đang ngạo nghễ.

Dân Nam ta đói khổ

Ấy là tội lớn ở Tống Bình

Những kẻ khua trống, đánh chiêng

Mị dân ta bằng những lời giả dối, điêu ngoa

Dương chủ tướng giương ngọn cờ đầu

Họ Vương gương sau còn đó

Bấy nhiêu lần dẹp bỏ tham quan

Nhưng thế giặc khi ấy còn thịnh

Chưa thể toàn tâm toàn ý cứu dân

Nay Tống Bình hỗn độn bòng bong

Dương chủ tướng một lần nữa đứng lên

Giữ chắc lá cờ tiên phong giết giặc thù

Nhiều đêm trăn trở nỗi nhục quốc thể

Bao công luyện binh chỉ mong chờ ngày giết giặc

Nay ta dâng đầu kẻ thù tế đất trời

Tế anh linh những bậc tiền nhân

Trận này đánh cho kinh thiên động địa

Sống lại những oai hùng người Việt

Làm rạng rỡ những trang vàng lịch sử

Hỡi tướng sĩ ba quân, thề một lòng đánh giặc trả thù xưa."

Ba quân đồng thanh lớn tiếng lời nói năm nào:

"Việt thắng Đường, Dương thắng Lý! Quyết giết giặc trả thù xưa!"

Sĩ Giao rút kiếm sắc nhọn nhìn trời cao rồi chém mạnh xuống sàn. Đầu giặc rơi khí thế ba quân cao ngun ngút. Ầm vang Tạc Khẩu ba tiếng "Giết quân Hàn!"

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương