Giống Rồng
Chương 12-3: Nuốt hận thù, họ Vương đánh liều cùng tôi tướng Hoa Tài

Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ mười hai

Thành Phục Hòa Lý Toàn giết sói lang.

Mất tướng tài quân châu Phong sinh loạn.

Chương 12.3 Nuốt hận thù, họ Vương đánh liều cùng tôi tướng Hoa Tài

Lời nói ôn tồn, trạm tới tận sâu trái tim non trẻ của Thủ Trừng nhưng không thay đổi được cái ý định báo thù cho Do Độc. Nàng Đinh Thị vỗ về hai cha con:

- Phận thiếp nữ nhi, chẳng dám bàn việc đại sự. Chỉ mong hai cha con giữ gìn cẩn thận. Tránh tai ương như chú ấy là thiếp mừng rồi.

Tồn Thành nhìn nàng, giọng nói nghẹn ngào:

- Chỉ tội cho nàng. Bấy lâu theo ta mà phải chịu cảnh khốn khó, bữa đói, bữa no. Duyên trời không cho ta và nàng một đứa trẻ. Nàng hãy hết mực yêu thương Thủ Trừng. Dẫu sau này có chuyện gì xảy ra với ta, với nàng hay cả con trai của ta nữa. Ba người chúng ta vẫn chung trinh giữ lấy hạnh đạo.

Đinh Thị cùng Thủ Trừng nghe lời lui ra ngoài. Đỗ Trang từ đâu chạy về báo tin:

- Tồn Thành huynh đệ. Ngày qua ta dẫn lính đi qua huyện Cửu Chân ghé vào thăm nhà của lão Lý Lang Mộc thì thấy ba gian nhà đã cháy rụi. Tất cả đã thành tro bụi. Nghe nói có đám người trong thành huyện đó đêm qua rượu say rủ nhau vào rừng kiếm hổ bắt chơi, ngủ ghé ở đó, sáng dậy đốt cháy nhà hoang đó. Bọn lính lác nói lại với ta rằng bọn ấy là cháu họ của Đoàn Uyển là Đoàn Ân và con trai Uyển là Đoàn Tù Thiên. Đoàn Ân còn nói nhà của kẻ phản loạn, ngủ lại làm tổn hại thanh danh của chúng, nên phải đốt đi trừ tẩy vận xấu.

Đỗ Tồn Thành mím chặt môi, ngón tay cái bấm rách lòng bàn tay máu chảy. Cơn giận phừng phừng đỏ lửa, vội chạy ra ngoài mặc áo giáp, cầm gậy gộc xông ra cửa. Đỗ Kiêm đi từ nha huyện về trông thấy liền cản lại hỏi chuyện. Đỗ Kiêm vỗ vai, nói lời dỗ dành Tồn Thành. Thành nhắm mắt trầm tĩnh lại mà chịu nghe lời quay vào trong trang.

Lời đồn Tồn Thành khúc mắc với đám người họ Đoàn đến tai Dương Thanh ở Trường Châu. Nhân lúc cơn hận thù trong con người họ Đỗ ấy lên tới đỉnh, Dương Thanh viết thư cho Sĩ Giao muốn dùng lời lẽ thuyết phục Thành quay lại phò tá cho họ Dương dựng nghiệp lớn.

Tồn Thành đọc thư của Sĩ Giao lời lẽ thẳng thắn mời vị hiền huynh đệ vì thù nước, nợ nhà mà quay trở về dẹp bỏ quân tham bạo. Thành đọc xong liền đốt cháy đi, nói với tên đưa thư:

- Nhà ngươi hãy về bẩm với Sĩ Giao thư ta đã đọc, cảm ơn thành ý của anh ấy. Vậy thôi.

Đỗ Sĩ Giao nhận lời đáp của Tồn Thành mà lòng giận lắm nhưng bụng thương cho Thành mà không trách cứ. Dương Thanh hiểu ra tâm ý của Thành sai người tới châu Ái tìm cách vào trang để dò xét rồi xử trí theo ý của họ Dương.

Thật chẳng may, kẻ đó bị Tồn Thành phát hiện ra, Đỗ Trang dụ hắn đến bờ sông Mã rồi giết chết hắn.

Dương Thanh nhận tin Tồn Thành giết người của mình đành phải nín lặng không nói cho Sĩ Giao hay. Đỗ Sĩ Giao nghe đám sĩ tướng bàn ra bàn vào liền ban lệnh cấm, kẻ nào xằng ngôn sẽ bị xử theo quân pháp, bấy giờ quân mới yên.

Mùa hè tháng bảy, nước sông Lô lên cao hợp với Đà Giang lũ đổ về khiến Bạch Hạc nước ngập trắng băng. Sĩ Giao sai quân sĩ dịch chuyển lên chỗ đất cao hơn về đất núi Hy Cương, quân lính phải đến chỗ cao hơn rời xa Tống Bình càng khiến việc tăng viện càng thêm khó khăn.

Sau khi quá thời hạn một tháng, tình hình Lĩnh Nam chưa chuyển biến nên Hàn Ước đành xin với triều đình và đám quan lại Kinh Nam thêm thời hạn nửa tháng. Hàn Ước điên cuồng huy động toàn quân mạnh mẽ đàn áp các cuộc phản công của nghĩa quân họ Vương.

Ở miền đồng bằng, do nước sông Cái lên cao nên các vùng châu thổ buộc lòng phải phá hệ thống đê chống lũ để giảm nhẹ sức nước sông Cái xung quanh các huyện Tống Bình, Nam Định, Long Biên, Bình Đạo.

Nước lớn tràn bờ ngập úng các cánh đồng vàng ruộm, mùa màng đến vụ phải bỏ đi và chia cắt các đạo quân phía đông của Thăng Triều, càng khiến quân của Thăng Triều thêm rối loạn.

Các cánh quân của Thăng Triều ở miền đồng bằng châu thổ không quen thổ địa, lại bị bọn dân miền nam mất mùa liên tục nhiễu nhách xin lương, cướp kho thóc khiến quân khố càng thêm thiếu hụt.

Hàn Ước được mật thám báo về liền tức tốc khởi binh bảy đạo thủy bộ đánh thẳng vào Tống Bình. Mặt châu Ung, Hàn Ước để một tướng người địa phương là Nùng Văn Thầm trấn giữ và phần nào đã an tâm vì mặt đó bị chia cắt bởi sông sâu nước lớn, mùa hạ mưa nhiều núi lở lấp hết các đạo nên Sĩ Giao có mưu lược đến mấy cũng không sao giải quyết được trong một sớm một chiều.

Phía Châu Lục đội thủy quân năm trăm chiến thuyền nhờ nước các sông lên cao mà dễ dàng đi vào trong đất châu thổ chiếm lại được rất nhiều đất từ các cánh quân đang bị chia cắt của họ Vương.

Thăng Triều sốt sắng cho gọi các tướng trở về bờ tây sông Cái, dẫu tâm không muốn nhưng cũng đành phải rút quân khỏi dải đất phía đông. Khí dũng quân lính họ Vương bị sa sút nghiêm trọng, càng khiến quân triều đình mạnh mẽ xông lên.

Họ Hàn nhanh chóng thu được hết đất châu Lục, sĩ khí quân càng lên cao, chỉ trong hai ngày đã chiếm toàn bộ huyện Chu Diên, Nam Định đất Giao Châu. Phía bắc mười mấy các châu cơ mi, đám châu mục, đô đốc các châu ấy hết loạt đầu hàng quân triều đình.

Ở Trường Châu, Dương Thanh cạn lương nên không tiếp tế được cho quân của Thăng Triều đành phải rút một đội quân hơn chín nghìn người từ miền châu thổ trở về Trường Châu để tăng cường phòng thủ.

Đỗ Sĩ Giao nghe ngóng tình hình ở Tống Bình liền sai quân đội ở châu Nam Từ, huyện Bình Đạo hơn bảy nghìn vượt lũ lui về phía tây. Toán Hoa Tài hục hặc không chịu rút quân liền bẩm với Thăng Triều:

- Quân ta đang bị yếu thế. Bỗng nhiên quân lính Trường Châu rút về ngừng cấp lương cho ta, binh lính châu Phong ở các huyện phía tây đều do Dương Chí Liệt nắm giữ nhất quyết không chịu tiến quân. Tình hình này, hai cha con họ Dương đó muốn thấy ta chết ở Tống Bình này rồi.

Thăng Triều nhận các tin báo từ các cánh quân, ngồi thất thần nhìn Toán Hoa Tài. Viên thứ sử châu Phong đặt tay lên ngực vỗ hơn ba mươi lần, ho hắng hồi lâu rồi than thở:

- Chỉ vì ta quá tin tưởng vào họ Dương đó mà ra cơ sự này. Dẫu rằng chung chí đồng lòng, rằng muốn thống nhất xứ Nam nhưng cái dã tâm của kẻ đó thật khác với ta. Hai hổ không thể cùng một núi, ta thật kinh tởm với cái âm mưu đầy sự khổ nhục ấy của hắn ta.

Toán Hoa Tài vỗ về Thăng Triều:

- Họ Dương làm như vậy nào khác chi hạ thấp mình trước anh hùng thiên hạ, tiếng xấu mang theo. Suốt bấy nhiêu năm tháng hắn nương nhờ chúng ta, sống bằng lương thực của ta, ở trên đất của ta, lại được các tướng của ta hết lòng giúp đỡ. Vậy mà giờ đây khi cùng đường lỡ bước, ta lại bị hắn lật mặt làm ra chuyện ăn cháo đá bát ấy.

Vương Thăng Triều tiến đến chỗ ngồi mà họ Vương dành riêng cho Kiều Chung Đạt ở trên điện để tỏ lòng tưởng nhớ vị tướng già ấy. Thứ sử ngồi cạnh, tay vỗ nhẹ lên tay ghế cảm giác như có họ Kiều ở đó, mà nghẹn đắng cổ họng:

- Chung Đạt ơi là Chung Đạt. Ta đã thật không phải lẽ với cha con ông. Nay chuyện ra như thế này, chí lớn chưa thành, biết làm sao đây. Chỉ vì ta u tối mà nuôi ong tay áo, lại nghe lời bọn chúng dùng kẻ trung nghĩa như đám quân tốt thí. Nay thế giặc sức ta chẳng thể chống cự, giá như có Chung Đạt và Thăng Hùng ở đây sẽ có thể giúp ta được. Một mình Toán Hoa Tài dẫu có nhiệt huyết nhưng tình thế này tướng quân vào chỗ hiểm ác kia thì có khác chi lấy trứng chọi đá. Lòng này thật đớn đau.

Toán Hoa Tài nghe những lời phân tình của thứ sử họ Vương vừa quặn từng cơn trong lòng, lại vừa ngạc nhiên hỏi:

- Dù có xông pha nơi tuyến đầu, dẫu biết rằng sẽ phải máu chảy đầu rơi cũng quyết không hai lòng. Thề đánh cho kẻ địch phải sợ hãi, phải kinh hồn bạt vía để tỏ rõ cái uy của người đất châu Phong. Đại nhân hãy an tâm, còn có tiểu tướng thì đại nhân còn có thể dựa vào. Chỉ có điều tiểu tướng còn chưa được rõ lời đại nhân than trách bản thân mình. Rằng cái chết Kiều lão tướng quân có điều chi khiến Đại nhân lại dằn vặt như thế. Chẳng phải tình thế này tất cả là do họ Dương đó trở mặt hay sao.

Vương Thăng Triều ngồi dựa sát vào lưng ghế, dôi tay sõng soài. Ánh mắt mệt mỏi, khuôn mặt hóp lại, hai chân nặng trĩu buông xuống mặt đất, nước mắt từ trong tim tự ứa ra:

"Là ta có lỗi với cha con họ. Ta nói ra lời này, Toán tướng quân hãy thật bình tĩnh. Chung Đạt biết ta có lòng lấy Tống Bình, thu đất nam ta về một mối nhưng Chung Đạt nhiều lần tỏ ý chưa muốn làm việc ấy vì cho rằng thời cơ chưa đến.

Ta nói lời đó cho Thăng Hùng và Thăng Đức. Thăng Hùng khi tỉnh khi mơ chẳng bàn đến làm chi. Nhưng Thăng Đức nói lại với ta Đức có mưu kế hòng khích tướng Chung Đạt. Thậm chí là phải dùng cái chết của con trai lão tướng ấy. Cái chết của Chung Tiềm là Thăng Đức sắp đặt, mượn gió bẻ măng mà khiêu khích mối hận thù của Chung Đạt với đám người Tống Bình.

Đến khi Dương Thanh cho Sĩ Giao đến gặp Chung Đạt cùng với ta, hắn nói Dương Chí Liệt muốn cùng ta đánh chiếm Tống Bình, ta đã nghi ngờ ý đồ của họ Dương đó. Hắn biết mưu kế của Thăng Đức nên hắn đã tiếp tay cho Thăng Đức làm ra việc hạ độc Chung Tiềm ở nhà lao Tống Bình. Họ Dương đó dùng người của hắn ta ở Tống Bình là cha con họ Tô kia mưu hại Chung Tiềm.

Sau đó biết được ý đồ của ta nên hắn đã nhân cơ hội Thăng Đức trốn đến nơi hẻo lánh hòng che mắt mọi người, họ Dương đó đã giam lỏng Thăng Đức ở đất Hoa Lư. Nay hai con trai ta đều ở trong tay chúng, mà ta chẳng thể đòi hỏi điều gì đó hơn ở họ Dương đó.

Thật là người tốt dẫu giỏi tính toán cỡ mấy cũng chẳng thể bằng kẻ gian bụng đầy mưu mẹo. Chừng ấy năm, ta đã nghĩ họ Dương ấy sẽ giúp ta hoàn thành tâm nguyện từ thời trai trẻ của ta. Chỉ vì chí hắn hơn ta mà chuyện ra như thế này."

Thăng Triều thở dài rồi đột nhiên trở người dậy gọi Toán Hoa Tài:

- Toán tướng quân. Tướng quân hãy cùng ta đánh một trận quyết sống mái với đám quân triều đình tàn bạo kia. Trước là để đáng mặt người châu Phong, mới xứng mặt anh hùng để khi gặp Chung Đạt dưới suối vàng, Chung Đạt còn nhìn mặt ta, hiểu cho ta. Sau là giữ nguyên khí tiết của đội quân người người Giao Chỉ, thà chết chứ không thể sống mà đứng ở trên máu thịt của dân nam ta. Quyết không vì cái tư lợi bản thân mà nhận ân lộc của kẻ giả nhân giả nghĩa ngoại bang, lũ người không biết đến cái đói khổ của chúng dân An Nam.

Toán Hoa Tài rút kiếm, mũi kiếm sáng lóa trước đôi mắt Thăng Triều. Kiếm chỉ phía đông, giọng nói vị tướng quân dáng người như chim hạc đĩnh đạc:

- Còn sống nghĩa là sẽ phải chờ cho đến ngày ta chết. Sống mà mang theo tiếng xấu muôn đời là cái ê nhục của ta vậy, đời sau khó lòng có thể gột rửa cho hết. Dẫu có chết cũng cho đáng mặt anh hào. Chí lớn của Đại nhân kẻ tiểu tướng không bì nổi nhưng máu này chảy trong người là của cha mẹ, ông bà ta cho ta. Tiền nhân đã phải chịu biết bao khổ cực do đám tham ác đó gây ra, thế nên ta đâu nào có lòng nào khác. Tiểu tướng xin tuân lệnh thứ sử, quyết mang hết tâm sức chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Quyết không đầu hàng.

Hai người tráng trí một lòng quyết tâm, dốc hết toàn bộ lực lượng bảy huyện Giao Châu cùng quân lính tinh nhuệ ở trị sở Tống Bình giăng trận trước tiền đồn của địch ở phía đông.

Toán Hoa Tài mang một vạn lính vượt sông Cái bất ngờ phản công quân triều đình. Khí chí cao ngút, một người giết ba, vạn quân của Toán Hoa Tài giết được vô số địch nhưng lượng quân triều đình là quá lớn khiến vạn quân của Toán Hoa Tài sớm chỉ còn một phần nhỏ nghìn người.

Hàn Ước khi đó đã đi qua trấn Hải Môn biết quân lính của Thăng Triều quyết đánh một trận sống mái nên đã không ngần ngại thúc giục các tướng tăng cường viện quân hòng một trận quét sạch đội tàn quân của Thăng Triều.

Các tướng Hà Dĩ, Tùng Bảo, Ngô Xoang, Nguyễn Thanh theo Toán Hoa Tài lần lượt bị địch hung hãn, sức lực vượt trội xông lên chém giết. Quân tiên phong hàng lối theo tiếng hô vang của chỉ huy không lung lạc trước quân địch mà rời vị trí. Kẻ nào kẻ nấy hiên ngang cầm cờ xí, giáo thương trước địch đẫu cho trăm nghìn mũi giáo mũi thương đâm trúng.

Toán Hoa Tài cùng một trăm lính tinh nhuệ liều chết xông lên đâm tới chỗ tướng tiên phong của Hàn Ước là Quách Thôi. Quách Thôi không kịp trở tay bị trúng một mũi giáo chạy vào trong hàng ngũ tốt lính. Toán Hoa Tài đuổi theo hét vang:

- Địch kia chớ chạy. Mau mau lãnh mũi huyền thương của ta.

Quách thôi ôm cánh tay sũng máu, quay lại cười mỉa mai:

- Ta nghe huyền thương là cây vũ khí lợi hại của cha con họ Dương. Bọn tiểu tốt như ngươi ngoài cái ý chí điên cuồng chó dại thì còn cái cóc khô gì mà nghĩ rằng sẽ hạ được bổn tướng quân. Hãy mở to mắt xem sức mạnh của ta đây.

Quách Thôi xé áo quấn lấy vết thương trên cánh tay, tay cầm chắc giáo dài quay lại toan hỏi tội họ Toán.

Toán Hoa Tài thúc ngựa lao tới, từ mặt đất một bàn chông nổi lên văng trúng đầu ngựa của Toán Hoa Tài, ngựa của Toán Hoa Tài ngã nhào ra đất. Toán Hoa Tài chống huyền thương đạp trúng hai viên tiểu tướng của Quách Thôi.

Ngựa chạy ráo riết khiến Toán Hoa Tài không thể chế ngự được đành phải buông cương thả chúng đi. Cùng lúc đó hai mươi tên lính dùng giáo dài đâm về phía Toán tướng quân. Hoa Tài dùng huyền thương quay người một vòng chặt gãy hết loạt giáo mác đâm tới. Chưa ngơi tay, Quách Thôi lao ngựa vượt đầu đám lính đang vây tròn Toán Hoa Tài, đâm giáo trúng giữa trán vị tướng quân trẻ tuổi.

Máu chảy che hết khuôn mặt, đôi mắt đỏ ngàu nhòe nhoẹt rơi xuống hàm én. Cố đứng vững trên đôi chân viên tướng quân ngẩng cao cổ lãnh trăm nhát kiếm, toàn thân tan tác thành nhiều mảnh.

Toàn bộ đội quân của Toán Hoa Tài tan rã, kẻ đầu hàng, người trốn chạy, đều chung số phận đã định sẵn, đó là cái chết. Hàn Ước ra lệnh nhổ bỏ tất cả mầm mống nổi loạn nên không một người nào trong hơn vạn quân lính dưới trướng Toán Hoa Tài còn sống sót.

Thăng Triều đứng nghênh địch phía bên này sông, thân mang giáp bạc, cầm đao lớn trên mặt đê sông Cái dàn ngang chờ thuyền quân triều đình tới. Từ phía bắc một đoàn người ngựa mặc áo quân đội châu Phong đi tới. Thăng Triều nhìn từ xa mở cờ trong bụng, cho ngựa chạy lên phía trước hô lớn:

- Là vị tướng quân nào đang đi tới.

Thăng Triều nheo mắt cố nhìn về phía xa, thúc ngựa chạy tới rồi đột ngột quay lại hô hào đám quân tướng:

- Hãy mau mau chặn đội quân từ phía bắc đó đang chạy tới. Đó là đám quân lính họ Triệu, không phải là quân sĩ châu Phong.

Viên phó tướng Đàm Tức liền cho quân xông lên phía trước ra sức chém giết đội quân họ Triệu. Vương Thăng Triều dẫn bảy trăm lính chạy xuôi bờ sông Cái về phía nam.

Quân lính còn lại theo lệnh của Đàm Tức quay lại chống cự. Hai bên hỗn loạn giao chiến xác người nổi lềnh bềnh bờ sông Cái, trên bờ xác người dải dọc mặt đê suốt hai dặm đường.

Thăng Triều đi được chừng mười dặm thì đoàn thuyền quân triều đình vượt sông Cái bắn tên lên trên bờ giết chết hai trăm lính.

Thăng Triều cho quân đứng khuất sau một rặng tre dài chờ quân Đường nhảy lên bờ thì lao ra chặn đánh. Thuyền cập bờ, lính của Thăng Triều xông ra chém địch.

Chém hết lượt này đến lượt khác, binh lính quân triều đình ngày càng đông khiến quân lính của Thăng Triều không thể trở tay. Thăng Triều xuống ngựa dùng kiếm cùng quân lính đâm loạn xạ, uy dũng của viên thứ sử khiến đám quân lính càng thêm chí khí, sẵn sàng liều chết đến cùng.

Từ phía tây nam một đoàn người không giáp mũ, đóng khố, áo xẻ, cầm gậy gộc, cuốc xẻng đi đến gần cuộc hỗn chiến. Dẫn đầu là một người đàn ông tuổi chạc tứ tuần, tóc vấn khăn vàng, mũi hếch, trán rô, mặc quần nâu sạm, áo đen cầm kiếm nhỏ cưỡi trên con ngựa gầy lao vào chém quân triều đình.

Quân lính của Vương thứ sử như tăng thêm ngàn sức, chống trả được sức tấn công khiến địch chạy ngược về phía bắc. Thăng Triều chống kiếm, cúi người thở dốc, mắt liếc nhìn người đàn ông đó bái tạ:

- Cảm ơn tráng sĩ đã cứu ta khỏi họa diệt vong. Chẳng hay tên họ của tráng sĩ thế nào.

Người đàn ông hở cả hàm răng cười:

- Thì giờ chẳng có. Tướng quân xin hãy chạy theo ta. Phía sau đội quân khi nãy là cả một đoàn quân khí thế rợp trời. Hãy tránh trước đã rồi biết ta là ai cũng chưa muộn.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương