Gá Duyên
-
Chương 33
Ngày đầu tiên Ngân đưa Đức và Mốc về quê, bà Mẫn kéo cô vào phòng và hỏi han tình huống.
“Con thật sự sống với cậu ta cả đời hả Ngân? Đầu óc cậu ta…”
Bà Mẫn ngừng nói, nhìn ra cửa phòng, thấy được một góc nhỏ trong phòng khách.
Mốc ngồi khoanh chân trên ghế, nhận bánh kẹo từ bà Ba.
Đức nấp sau thành ghế, thập thò nhìn bánh kẹo trên tay Mốc.
Bà Ba gọi tên là hắn thụp người xuống như một con rùa chui vào mai, khi nào tiếng cười lanh lảnh của Mốc vang lên là hắn lại ngóc đầu ngó nghiêng nhìn xung quanh.
Ngân mỉm cười trước các biểu hiện đề phòng của Đức mỗi khi đến một nơi xa lạ.
Cô vỗ tay trấn an mẹ.
“Đợi vài hôm, anh ấy quen với mọi người là ổn.
Anh Đức hiền lắm.”
Đôi mắt già nua của bà Mẫn xệ xuống vì lo buồn, giọng nói khàn khàn vì đã khóc quá nhiều gần đây.
“Con đừng đánh trống lảng.
Trả lời mẹ! Con tính ở với cậu ta cả đời đấy à?”
“Cứ thuận theo tự nhiên đi mẹ.
Nếu không có anh Đức cứu mạng thằng Mốc thì… con trai con bị làm sao, con cũng không sống được tiếp.
Là mẹ con con nợ anh ấy.”
“Nhưng cậu ta là thằng điên!”
“Một người điên lương thiện.” Ngân nhoẻn cười bổ sung lời bà Mẫn.
Cô ôm lấy mẹ, vỗ về tấm lưng gầy yếu.
“Con gái lâu nay để mẹ bận lòng lo nghĩ là con bất hiếu.
Con lớn rồi, có thể gánh vác gia đình.
Mẹ, tin con, được không?”
Được con gái ôm, bà Mẫn cảm nhận rõ đứa con gái bé bỏng giờ đây đã lớn, nó to hơn bà rất nhiều, có thể dùng hai tay bao lấy cơ thể bà.
Đôi mắt già nua ầng ậng nước mắt, giọng lạc đi vì khóc.
“Tôi không tin chị thì tin ai.
Ông ấy rời đi sớm, để tôi thui thủi trên cõi đời này… Tôi chỉ còn mình chị và thằng Mốc… Chỉ là… chỉ là, tôi giỏi lắm sống với chị thêm vài năm nữa là phải xuống với ông ấy.
Chị là phụ nữ, một mình chị chèo chống nuôi một đứa trẻ, một kẻ điên, đến khi trái nắng trở trời thì ai chăm chị hả? Chị tái giá, lấy một người khỏe mạnh, tôi mới yên tâm nhắm mắt…”
“Mẹ sẽ sống lâu trăm tuổi để dự đám cưới thằng Mốc, đón cháu dâu ngoan, bế chắt ngoại đáng yêu.
Năm mới Tết đến, không được nói gở.
Bố mà nghe thấy mẹ nói gở, bố lại quở mẹ con mình đấy.”
Ngân từ tốn vỗ về cảm xúc tiêu cực của bà Mẫn.
Hai mẹ con ôm nhau, tâm sự cả buổi chiều.
Gia đình Ngân về quê sát năm mới, những ngày bận rộn tiếp theo khiến cô quên đi những muộn phiền trong gia đình nhà chồng.
Đi chợ, gói bánh chưng, chuẩn bị mâm lễ dâng lên tổ tiên, chúc Tết họ hàng… cô vừa báo hiếu muộn với bố mẹ vừa giúp Đức hòa nhập với cuộc sống mới.
Ban đầu, Đức chưa quen thuộc bà Mẫn và cô Ba, hắn thấy người là trốn vào phòng ngủ của Ngân.
Về sau, hắn và Mốc theo bà Mẫn chăm sóc động vật trong nhà, dần dần thừa nhận bà Mẫn là một người nhà.
Không còn sợ hãi, không còn la hét khi bà Mẫn đến gần.
Bà Mẫn cười nói nói.
“Con mèo mướp, đàn gà trong sân, đàn lợn ủn ỉn nhà mình có công lớn trong việc thu phục cậu Đức đấy.”
Mốc cười khanh khách, huých tay vào người Đức, trêu chọc.
“Ý bà ngoại là bác Đức là bạn của con lợn tham ăn trong chuồng phải không ạ?”
Bà Mẫn phì cười, nhìn Mốc kéo Đức chạy ra sân phơi nắng cùng mèo mướp bên hiên nhà.
Bà Mẫn không thích Đức nhưng là một người có tấm lòng nhân hậu và tin tưởng con gái nên không hề xa lánh hắn.
Bà chuẩn bị đồ ăn hay đồ chơi cho Mốc một phần, cũng chuẩn bị cho Đức một phần giống y hết.
Đầu óc đơn giản của Đức không có hiểu biết của người bình thường nhưng rất mẫn cảm với thật giả, tốt xấu.
Hắn cảm nhận được trên người bà Mẫn có sự dịu dàng giống Ngân.
Hắn không hề biết bà Mẫn đối xử với hắn như cháu ngoại, Ngân đối xử với hắn như con trai.
Thứ duy nhất hắn cảm nhận được là sự bình yên, an toàn từ hai người phụ nữ duy nhất trong nhà.
Sống ở một nơi không có tiếng cãi nhau chí chóe, không bị bỏ đói, không bị ép đến nơi có nhiều người mặc áo trắng, không khí trong lành,...!bệnh động kinh lên cơn co giật của Đức không hề tái phát.
“Cao to, khỏe mạnh, thật thà.” Cô Ba nhìn theo Đức và Mốc chạy nhảy trong sân rồi thở dài rầu rĩ.
“Phải chi đầu óc bình thường thì tốt rồi.
Con Ngân cũng đỡ khổ.”
Bà Mẫn nhìn xuống dưới bếp, nghe tiếng xoong chảo va chạm cùng mùi thức ăn bay ra ngoài, nhỏ giọng thì thầm.
“Chuyện tôi nhờ cô tới đâu rồi?”
“Yên tâm.
Qua Rằm tháng Giêng là tiến hành.”
“Phải đảm bảo con Ngân không biết là tôi ra chủ ý đấy.”
“Ha ha.” Cô Ba cười lớn.
“Có bà mẹ nào sợ con gái như bác không hả?”
Bà Mẫn chắt lưỡi.
“Con Ngân từ nhỏ hiền như bụt, chẳng hiểu sao sau khi lấy chồng thì nó đổi tính thành đanh đá, mạnh mẽ, cứng đầu cứng cổ.
Nó mà nghe lời tôi như hồi bé thì tôi cũng chẳng nhọc cái thân già này.”
Cô Ba nhìn ra khoảng sân có nắng hanh vàng, thở hắt thật dài.
“Sinh hoạt trong môi trường nhà chồng quá quắt như thế, hiền thì bị người ta ăn thịt mất thôi bác ạ.”
“Ngày xưa con Ngân đòi lấy trai thành phố, tôi đã linh tính phận nó long đong rồi, không nghĩ đến chồng mất sớm, phải bán nhà ôm con về quê sống.
Bây giờ nó để anh chồng sống cùng nhà, đầu cậu ta không tỉnh táo nhưng dù sao cũng là đàn ông tuổi tráng niên, chung chạ lâu ngày, sợ hai đứa nó phát sinh quan hệ thì người khổ nhất vẫn là con Ngân.”
Bà Mẫn dứt lời, hai người cùng thở dài, nhìn ra khoảng sân ồn ào tiếng cười của Đức và Mốc.
Mười ngày nghỉ Tết chậm rãi trôi qua.
Trong Tết, bà Mẫn đưa Mốc đi chúc Tết họ hàng và hàng xóm.
Ngân ở nhà trông Đức và tiếp khách đến chúc Tết.
Mỗi lần về nhà, Mốc sẽ khoe tiền mừng tuổi với Đức.
Phong bao lì xì màu đỏ với các hình ảnh in đẹp mắt làm Đức mê mẩn.
bà Mẫn và Ngân sớm dự định được phản ứng của hắn, hai người sẽ lì xì cho hắn mỗi khi Mốc khoe chiến lợi phẩm của mình.
Tiền mừng tuổi của Mốc nhét vào con lợn nhựa màu đỏ to như quả bóng.
Tiền mừng tuổi của Đức nhét vào con lợn nhựa màu vàng to không kém.
Hết Tết, Đức ôm lợn vàng đến trước mặt Ngân, cười chân thành.
“Cho em.”
“Đây là của anh, em không thể lấy.
Anh cất đi nhé.”
Lời từ chối của Ngân làm lông mày rậm của hắn nhíu lại thật chặt.
Bộ não ngốc nghếch mất rất lâu mới truyền đạt được suy nghĩ của bản thân.
“Cho em.
Cầm.
Ngủ cùng nhau.”
“Không được.” Ngân nghiêm mặt trả lời.
“Bây giờ còn biết mặc cả thế này, ai bảo anh ngốc hả?”
Đôi vai vững chãi xệ xuống, Đức dẩu miệng nhìn Ngân oán trách.
Tết kiêng cắt tóc nên Ngân không giúp Đức cạo râu.
Râu của hắn sum suê quanh cằm.
Mắt sâu đen nhìn thẳng vào Ngân.
Gương mặt với đường nét nam tính, hung dữ giờ đây biến thành ấm ức của một đứa trẻ khiến Ngân nhịn cười đau cả bụng.
Dù vậy, cô vẫn nghiêm khắc lắc đầu nói không.
Cô có thể thỏa mãn mọi yêu cầu của Đức, riêng chuyện ngủ cùng giường là không thể thỏa hiệp.
Đêm đầu tiên về quê, Đức ngủ với Mốc, Ngân ngủ với bà Mẫn.
Nửa đêm bà Mẫn dậy đi vệ sinh, suýt nữa giẫm vào người hắn khi xuống giường.
Hóa ra Đức thấy bất an khi đến nơi xa lạ, ban đêm lẻn vào phòng Ngân, nằm co quắp trên sàn nhà lạnh ngủ ngon lành.
Ba bốn đêm tiếp theo, Đức đều lẻn vào phòng ngủ của Ngân, nằm ngay dưới chân giường, nơi gần Ngân nhất.
Bà Mẫn chỉ biết lắc đầu cảm thán.
“May mắn cậu ta cao to khỏe mạnh, chứ người thường ăn mặc phong phanh nằm dưới sàn nhà lạnh ngắt thế này, không viêm phổi mới lạ.”
Để đối phó việc ỷ lại của Đức, ban đêm Ngân sẽ bắc ghế ngủ ngồi trong phòng ngủ của Mốc.
Giữa đêm, xác định Đức ngủ say, cô mới dám quay về phòng ngủ.
Sau ba đêm Ngân kiên trì kết hợp ban ngày Đức đã quen với hoàn cảnh xung quanh, hắn không còn ngang bướng đòi ngủ gần Ngân nữa.
Chuyện nhỏ này bị bà Mẫn ghi nhớ trong lòng.
Sau Tết, gần như cả xóm đều biết chuyện con gái bà Mẫn mang con về sống với bà, cũng biết chuyện trong nhà có đàn ông lạ.
Nhiều lời xì xào bàn tán rộ lên, đến khi Đức suýt chết đuối trong ao thì những lời bàn tán mới biến mất.
Ngày hôm đó, Ngân bận lên chợ xem xét tình hình buôn bán của người dân nơi đây.
Cô muốn bán hàng ăn trong chợ, cần tìm địa điểm mở quán.
Nhiệm vụ trông chừng Đức được giao cho Mốc.
Chơi với gà và lợn chán rồi, hôm nay Mốc chuyển sang năm con vịt đang bơi trong ao.
Thằng bé và Đức lấy sỏi ném vịt chán chê thì bắt đầu hái rau dụ vịt bơi vào bờ.
Đức loanh quanh làm phụ tá của Mốc, không may trượt chân ngã ùm xuống ao.
Hắn biết bơi khi tỉnh táo, ngốc rồi chỉ biết vùng vẫy ngoi đầu lên la hét sợ hãi.
Đúng lúc Ngân về tới cổng nhà, cô nhảy vội xuống ao, vất vả mãi mới đưa được hắn lên bờ.
Ngân quỳ bò trên đất, thở hồng hộc.
Đức vẫn ôm chặt lấy cô như phao cứu mạng, trên mặt đầm đìa nước, không biết là nước ao hay nước mắt.
Mốc sợ xanh mặt ngồi xổm trước mặt Ngân, lắp bắp giải thích.
“Con xin lỗi… Con không biết bác Đức ngốc vậy.
Bác ấy ngã ngay rìa ao, chỗ đó nước cạn… Con kéo tay bác ấy thì bị hất ra.
Con bảo bác ấy tự leo lên bờ nhưng bác ấy cứ vùng vẫy, ngày càng ra giữa ao… Hu hu mẹ ơi, con xin lỗi vì không trông bác Đức cẩn thận…”
Chuyện Đức là thằng ngốc từ đó càng được khẳng định hơn.
Một người trưởng thành ngã xuống chỗ nước cạn, không biết tự leo lên bờ, còn khóc lóc ôm chặt Ngân như một đứa trẻ khi được cứu lên, người như vậy sao tái giá được với gái một con mơn mởn xuân sắc như Ngân.
Ngân không bận tâm chiều hướng dư luận trong xóm bởi vì cô đã tìm được địa điểm bán hàng kiếm tiền nuôi gia đình.
Cô nói kế hoạch với bà Mẫn.
“Con bán bún ốc từ năm giờ sáng đến mười hai giờ trưa.
Chiều bán bánh đúc nóng từ ba giờ đến năm giờ chiều.
Tối đến vẫn dư dả thời gian dạy thằng Mốc học bài.”
Ban đầu Ngân tính nhập túi nilon đi giao giá sỉ ăn chênh lệch như trước đây nhưng nơi đây khả năng tiêu thụ túi nilon không nhiều như trên thành phố, tiền lời không đáng là bao, cô đành đổi sang bán bánh đúc.
“Tôi cũng học.” Đức giơ tay xen ngang lời Ngân.
Hắn trở nên ngốc nghếch nên không biết đọc chữ nhưng hắn thích nhìn các nét chữ xiêu vẹo của Mốc vẽ ra trên giấy.
Ngân dạy học cho Mốc xong, sẽ dạy hắn viết tên mọi người trong nhà.
Hắn thích mọi thứ liên quan đến Ngân.
Chỉ cần là cô nói, cô dạy, hắn sẽ ghi nhớ vào đầu.
Nhớ lâu được bao nhiêu không phải là điều một kẻ ngốc cần biết.
Ngân và bà Mẫn ngồi trên ghế đối diện nhau.
Mốc ngồi bên bà ngoại, vây quanh nó là một đống đồ chơi siêu nhân.
Đức vốn đang chơi cùng Mốc, không rõ đã chạy tới bên cạnh Ngân tự bao giờ.
Hắn ngồi xổm, hai tay bám vào thành ghế, ngửa đầu nhìn Ngân.
Đôi mắt sâu đen thăm thẳm nhìn cô không chớp mắt.
Tia sáng khao khát lộ rõ trong ánh nhìn.
Ngân xoa tóc hắn, gật nhẹ đầu.
Đức cười toe toét, tay lén lút chạm vào tay cô.
Cô như nhìn thấy một cái đuôi phe phẩy sau lưng hắn.
Cô chột dạ gãi mũi khi bản thân có suy nghĩ này.
Cô tiếp tục giải thích với bà Mẫn.
“Con tính bán hàng tới bảy giờ tối nhưng ở quê mình không sinh hoạt muộn như trên thành phố, bán tới năm giờ, dọn dẹp hàng quán cũng tới sáu giờ tối rồi, về nhà là vừa.”
“Phụ nữ đi đêm về hôm, không an toàn.
Con tính toán như vậy là ổn.
Cần mẹ giúp gì là phải nói, đừng có chịu đựng một mình, ốm ra là không ai trông được hai ông nhãi trong nhà đâu.” Bà Mẫn mắng lời yêu thương.
Mốc ở bên cạnh nhảy loi choi.
“Con không phải ông nhãi, không phải ông nhãi.”
Tiếng cười tràn ngập căn nhà ấm cúng.
Chuyện bán hàng của Ngân được bắt tay tiến hành rất nhanh.
Cô thuê ki-ốt nhỏ, bày được vài bàn ăn.
Hương vị bún ốc trên thành phố khác ở quê lại trở thành thương hiệu riêng của Ngân.
Lượng khách ăn bún ốc nhiều hơn bánh đúc.
Ngân học nấu bánh đúc khi còn đi làm thuê ở cửa hàng bánh cuốn.
Cô chưa từng bán món này nên khá vất vả trong việc tạo ra hương vị riêng biệt.
Chợ ở quê không giống thành phố.
Buôn bán buổi sáng đông đúc khách mua nhưng buổi chiều vắng vẻ khiến thu nhập buổi chiều thấp hơn tính toán.
Bù lại, chi tiêu ở quê không đắt đỏ như trên thành phố, công việc của Ngân dư sức nuôi gia đình.
Từ nhà đến chợ khoảng một kilomet.
Bởi vì Ngân phải chuẩn bị nguyên liệu bán bún ốc cùng bột gạo quấy bánh đúc ở nhà nên cô đóng một thùng xe đẩy, cất nguyên liệu tươi mới vào thùng xe rồi đẩy xe đến quán, hết hàng lại dọn về.
Cô Ba bĩu môi chê Ngân.
“Mày rõ rách việc.
Sắm con xe máy mà đi, cuốc bộ để hành xác à? Mày lại tiếc tiền mua xe chứ gì? Sang nhà tao lấy xe mà đi.
Chân tay tao dạo này không nghe lời đầu óc, có chạy được xe máy đâu.
Có xe máy mà vứt không một xó kia kìa.”
“Cháu cảm ơn cô Ba nhưng không cần đâu ạ.
Một kilomet đi mất bao nhiêu phút chứ.
Coi như cháu tập thể dục đi.”
“Mày cứng đầu như ông Khiêm.” Cô Ba dí tay vào trán Ngân, lườm yêu.
“Mày ra chợ bán hàng đã đủ bận rồi, mang theo thằng Đức làm gì? Để nó ở nhà đi.”
“Anh Đức ngoan lắm, không quậy phá gì đâu.
Bệnh tình của anh ấy cần tiếp xúc với nhiều người, không nên ru rú trong nhà.”
Cô Ba và bà Mẫn khuyên nhủ thế nào cũng không thuyết phục được Ngân.
Vậy là hàng ngày Đức đẩy thùng xe để nguyên liệu nấu ăn đến chợ bán hàng cùng Ngân.
Khu chợ khá lớn, gồm sáu dãy ki-ốt, giữa các ki-ốt là các gánh hàng rong buôn thúng bán mẹt.
Người đến buôn hàng về bán lại, người đến giao hàng cho chủ buôn, tấp nập từ tờ mờ sáng cho đến trưa.
Tiếng động ồn ào dần dần không còn kích động tinh thần Đức.
Hắn sẽ ngồi nghịch nước, nghịch xà phòng hoặc xem sách động thực vật ở một góc quán.
Đôi khi hắn ngẩn người nhìn sang các ki-ốt xung quanh, nhìn người đi lại mua bán mặc cả.
Đôi mắt sâu, mày kiếm, mũi cao, đôi môi dày nam tính, bộ dạng yên tĩnh của hắn không có điểm nào giống một kẻ ngốc.
Đôi lần, hắn đi loanh quanh hàng quán bên cạnh quán bún ốc của Ngân.
Đây là quê hương của Ngân, có nhiều họ hàng, người thân của cô cũng buôn bán trong chợ.
Vài người từng tiếp xúc với Đức trong dịp Tết, thấy hắn là hỏi han đôi câu, cũng để ý hắn giúp Ngân.
Ngân không muốn trói buộc Đức ở một chỗ nên thả lỏng, để hắn tự do đi xung quanh.
Cô dặn hắn.
“Anh không được đi ra khỏi cổng chợ, nhớ chưa?”
Đức gật đầu ngoan ngoãn.
“Anh nhớ số điện thoại của em chưa?”
Đức đọc vanh vách một dãy số.
Ngân nhét tiền lẻ vào túi áo hắn, cẩn thận dặn dò.
“Anh muốn mua gì thì dùng tiền này nhé.
Không đủ tiền cũng không được lấy đồ của người khác, nhớ chưa?”
Đức ưỡn ngực, vỗ túi áo bộp bộp làm Ngân bật cười.
Hắn không truyền đạt được suy nghĩ qua lời nói nhung các biểu hiện bằng động tác ngày càng thông minh.
Tất cả đều nhờ cậu con trai lém lỉnh của Ngân.
Mốc dạy mọi thứ nó biết cho Đức, cái đầu ngốc nghếch của hắn học theo Mốc như một cái máy.
Ngân nghĩ một phần nguyên nhân bệnh động kinh của Đức thuyên giảm, trí thông minh tăng lên vì hắn uống thuốc đều đặn, sinh hoạt hàng ngày bình yên hơn trước đây.
Sống giữa môi trường tràn đầy tình yêu và chân thành, kẻ ngốc cũng không còn ngốc.
Có lần, Đức đi loanh quanh, khi quay về ôm theo một đống bánh kẹo.
Như là bánh gai, bánh cốm, bánh khoai,...!toàn là các món dân dã từ những chủ ki-ốt tốt bụng xung quanh.
Họ thấy hắn thành thật lại biết giúp người.
Hắn thấy mọi người khiêng vác hàng vất vả là xắn tay áo vào phụ giúp.
Giúp xong chỉ biết cười hềnh hệch ngốc nghếch.
Người như vậy, ai nỡ bắt nạt.
Có cái bánh cái kẹo cũng cho hắn lấy thảo.
Toàn bộ bánh kẹo thu hoạch được, Đức dúi hết vào tay Ngân và nghiêm túc nói.
“Cho em.
Đêm nay ngủ cùng nhau.”
Nụ cười vui vẻ của Ngân nứt ra một đường.
Cô ho sặc sụa một trận rồi nghiêm trọng trả lời.
“Không được.”
Đức nhìn bánh trong lòng Ngân, nhìn mặt cô, lại nhìn bánh, cuối cùng dẩu miệng oán trách.
“Chưa già đã khó tính.”
Đây là câu nói quen thuộc của bà Mẫn mỗi khi cằn nhằn Ngân.
Không rõ Đức học lỏm được từ lúc nào.
Ngân tức đến bật cười.
Cô bóp miệng hắn, nghiến răng nói.
“Học cái hay không học.
Cái miệng này thiếu đòn hả?”
Đức đang ngồi xổm trước mặt Ngân, tay vụng về không biết đặt đâu.
Đánh tay cô thì hắn không nỡ, chạm vào đùi cô thì sợ bị đánh.
Mắt hắn đỏ lên vì luống cuống không biết phải làm gì.
Bộ não ngốc nghếch tua lại hình ảnh mỗi khi Mốc nịnh nọt mẹ Ngân khi phạm lỗi.
Đức đột ngột chồm người lên.
Động tác mạnh bạo làm tay Ngân trượt khỏi mặt hắn.
Hắn hôn mạnh vào miệng Ngân, lí nhí nói.
“Ngân xinh đẹp, không giận, không giận.”
Do vội vàng nên hắn bỏ sót chữ “mẹ” trong câu nói.
Lần nào Mốc hôn Ngân và nói “mẹ Ngân xinh đẹp”, cô cũng bật cười hạnh phúc, không phạt con trai.
Đức đơn giản là sao chép lại cách lấy lòng hiệu quả của đứa cháu trai.
Dĩ nhiên kết quả không được như ý muốn.
Hắn bị Ngân phạt, cả ngày hôm nay cấm rong chơi các hàng quán khác.
Nỗi ấm ức vì bị phạt oan này tắt ngúm khi sáu giờ tối, hắn lóc cóc đẩy thùng xe hàng về nhà với Ngân.
Vừa vào tới cổng nhà, nhìn thấy trong sân dựng hai chiếc xe máy lạ, linh tính mách bảo Ngân có chuyện chẳng lành.
Giữa phòng khách, bên bàn trà là bà Mẫn và cô Ba, đối diện là ông bà Thịnh xóm dưới cùng một người đàn ông trạc tuổi Đức.
Ngân biết gia đình nhà ông Thịnh.
Đó là một nhà giáo truyền thống, mấy đời đều dạy chữ, sống hiền lành, rất được người xóm trên xóm dưới quý mến.
Người đàn ông trạc tuổi Đức thấy Ngân liền mỉm cười thân thiện.
Tim Ngân chậm một nhịp vì trực giác phụ nữ rất nhạy bén, nhận ra điều khác thường.
Cô Ba đứng dậy, đến gần Ngân, đon đả nói.
“Coi kìa, con bé buôn bán cả ngày, chân tay bụi bặm quá, xin phép hai bác để cháu nó vào thay bộ đồ rồi ra tiếp chuyện.”
“Người nhà với nhau, cô Ba đừng khách sáo.” Bà Cúc, vợ ông Thịnh ôn hòa lên tiếng.
Ngân bị cô Ba kéo vào phòng.
Cô chưa kịp nói lời nào đã bị dúi cho bộ váy.
“Nhanh thay bộ này rồi ra tiếp khách.”
“Đây là…”
“Có chuyện gì cũng để nói sau.
Mày nhanh tay nhanh chân lên cho cô, đừng để khách đợi lâu.” Cô Ba thò tay muốn cởi khuy áo cho Ngân làm cô sợ hãi, lùi về sau, tay chắn trước ngực.
Cô Ba càng lấn tới, ép Ngân tới tận giường, suýt nữa hai người ngã đè lên nhau.
“Mày ngại ngùng cái gì hả? Cô Ba thay tã, dọn cứt cho mày từ tấm bé.
Cởi có cái áo cũng xấu hổ thế này thì sao lấy chồng được.”
“Lấy chồng?” Ý cô Ba là…” Ngân trợn to mắt lên hỏi, hai tay vẫn túm chặt cổ tay cô Ba, không cho người cô ruột này lột quần áo mình.
“Cô Ba mai mối cho cháu đấy hả?”.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook