Gá Duyên
-
Chương 1
“Trộm.
Trộm.
Bắt lấy nó!”
Tiếng la hét làm Ngân giật mình, hai tay đang bê nồi canh thừa đổ xuống lỗ cống nhỏ xíu cũng khựng lại.
Một đứa trẻ thấp bé va vào cô thật mạnh khiến nồi canh lớn trên tay cô đổ kềnh ra đất.
Ngân hoảng hốt bế bổng đứa bé, nhảy lùi ra sau, tránh nước canh nóng chảy vào chân.
Nồi canh lăn trên đất vài vòng rồi đập vào chân bà bán bánh giò đang chạy đến.
Bà bán bánh giò xông tới, xách cổ đứa bé ra khỏi người Ngân, tát liên tiếp ba cái vào mặt nó.
“Thằng lỏi con, dám ăn trộm của bà hả? Bà đánh chết mày.”
Đứa bé ngã sõng soài xuống đất.
Cơ thể nó chỉ cách nước canh nóng không tới năm centimet làm Ngân sợ hãi.
Cô bước tới chặn cái tát tiếp theo giúp thằng bé.
“Có chuyện gì vậy bác? Sao lại đánh trẻ con vậy?”
“Cô Ngân đừng có lo chuyện bao đồng.
Thằng nhãi này trộm bánh của tôi.
Tôi phải đánh cho nó chừa thói trộm cắp đi.”
Chợ trưa vắng người, lác đác vài người đi chợ muộn dừng xe hóng hớt.
Có người gật đầu ủng hộ bà bán bánh giò đánh kẻ trộm, có người lắc đầu nhìn đứa bé đầy thương tiếc.
Đứa bé cúi gằm mặt, nép sau lưng Ngân - người duy nhất bênh vực nó.
Ngân hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện thì biết đứa bé này là ăn xin, đói quá nên trộm bánh, chưa kịp ăn đã bị bắt ngay tại trận.
Ngân quan sát bộ dạng xơ xác, bẩn thỉu của đứa bé.
Đứa bé để tóc ngắn, chân tay gầy gò, quần áo sờn rách cũ kỹ, nhìn không ra là con trai hay con gái.
Đôi mắt trắng đen rõ ràng của nó làm Ngân khựng lại hai giây.
Cô thở dài, bước lên chắn trước mặt đứa bé.
“Chỉ là một chiếc bánh thôi mà bác.
Bác tha cho nó đi.”
“Cô cũng phơi mặt còng lưng bán hàng từ tờ mờ sáng, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ.
Một hay nhiều chiếc bánh cũng là tiền của tôi vất vả kiếm được.
Đám trộm cắp vặt này, cô giúp được một đứa, chứ có giúp được hết đâu.
Cô đừng can thiệp vào, để tôi xử thằng ôn con này.” Bà bán bánh giò sấn sổ gạt Ngân ra, muốn xách cổ đứa bé lên.
“Thôi, thôi, bác tha cho nó đi.
Coi như bác nể mặt em.” Ngân dúi tiền vào tay bà ta.
“Đây, để em gửi tiền chiếc bánh.”
Bà bán bánh giò giật phắt tờ mười nghìn trên tay Ngân, bĩu môi chê cô.
“Lương thiện rởm đời.
Coi chừng cô nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà đấy.”
Bà bán bánh giò quầy quả rời đi.
Ngân và đứa bé nhìn nhau chằm chằm.
Cô thở dài, nói khẽ.
“Lần sau cháu đừng ăn trộm nữa.
Làm ăn xin ở trong chợ này mà trộm cắp là bị quản chợ bắt lên đồn công an đấy.”
Đứa bé rùng mình, dáo dác nhìn xung quanh đầy cảnh giác.
“Thôi, cháu đi nhanh đi.” Ngân ra hiệu với đứa bé rồi cầm nồi canh trên đất, quay về quầy hàng rong của mình, tiếp tục thu dọn bát đĩa, bàn ghế.
Nơi bác hàng trong chợ có hai dạng, một là có ki-ốt buôn bán cả ngày, hai là chung tiền thuê với người khác, bán hàng buổi sáng hoặc bán hàng buổi chiều.
Ngân bán bún ốc ở chợ từ năm giờ sáng đến mười hai giờ trưa.
Sau khi bán hết hàng, đồ đạc được thu dọn gọn vào một thùng xe đẩy, gửi vào kho gần đó.
Buôn có bạn bán có phường khiến gánh hàng rong bún ốc của cô luôn đắt khách, chưa từng ế hàng buổi nào.
Hiện tại Ngân đã bán hết hàng, đang rửa bát, thu dọn đồ đạc để trả chỗ cho người thuê địa điểm bán hàng buổi chiều.
Một bàn tay đen nhẻm thò vào chậu rửa bát làm Ngân kinh ngạc.
Cô nhìn đứa bé ngồi xổm bên cạnh mình.
“Quầy bán bún ốc của cô rất nhỏ, cô không thuê người rửa bát thuê.”
“Cháu chỉ rửa bát hôm nay thôi.” Đứa bé nhìn cô, giọng hơi run nhưng vẫn nói rõ ràng từng chữ.
“Cảm ơn cô đã giúp cháu.”
Thái độ lịch sự của đứa bé làm Ngân ngạc nhiên.
Cô tò mò hỏi.
“Cháu tên gì?”
“Nhóc.” Đứa bé ngừng vài giây rồi bổ sung.
“Mọi người đều gọi cháu là nhóc.”
“Cháu mấy tuổi rồi?”
“Chín tuổi.”
“Bố mẹ cháu đâu?”
Đứa bé không trả lời, động tác rửa bát nhanh nhẹn, nhuần nhuyễn.
“Nhìn cháu rất lạ.
Cô nhớ mặt toàn bộ đám nhóc ăn xin hoạt động trong chợ.
Cô chưa từng gặp cháu.”
“Cháu không phải ăn xin.”
Ngân nhướng mày, nhìn đứa bé khó hiểu.
“Cô không nghe bà béo kia gọi cháu là gì à?”
Ngân bất ngờ trước miệng lưỡi sắc bén của một đứa trẻ chín tuổi.
Cô cười xòa, thành thật khuyên nhủ.
“Bởi vì có rất nhiều người thiện tâm vào chợ mua hàng nên ăn xin trong chợ sẽ không chết đói.
Ngược lại, trộm cắp trong chợ, may mắn thì bị túm lên công an vào trại giáo dưỡng, xui thì bị đánh gãy chân gãy tay, dập xương vỡ mật.”
Đầu đứa bé cúi thấp hơn.
Ngân cũng không rõ lời nói đao to búa lớn của cô có lọt tai nó hay không, bởi vì tiếng động dọn dẹp của các quầy hàng xung quanh làm Ngân phải đẩy nhanh tốc độ dọn dẹp.
Bận rộn thu dọn, Ngân bỏ quên sự có mặt của đứa bé.
Chỉ đến khi một người cao to, xăm trổ kín hai cánh tay đứng chắn trước mặt Ngân, cô mới biết lời chửi xéo của bà bán bánh giò ứng nghiệm thế nào.
“Buôn bán đắt hàng nhỉ.
Ngày nào cũng hết hàng sớm thế này thì tiền tiêu sao hết.”
“Ôi, anh Hải cứ đùa em.
Nồi bún ốc của em bán trầy trật từ tờ mờ sáng đến tận trưa mới được hai phần ba.
Ngày nào cũng phải ăn bún ế trừ cơm, lấy đâu ra tiền lời hả anh.” Ngân nhanh nhẹn đứng dậy, lau tay vào tạp dề đã ố vàng mặc trên người, chỉ tay về lỗ cống gần đó.
“Anh Hải không tin thì xem đi.
Nước canh đổ bỏ vẫn lênh láng ở kia kìa.”
Anh Hải là đầu gấu phụ trách bảo kê khu vực bán hàng rong trong chợ.
Cứ mỗi tháng, gã lại đánh một vòng trong chợ, moi tiền người bán hàng.
Bán hàng rong trong chợ, ngoài tiền thuê chỗ ngồi, còn phải đóng phế bảo kê cho đám anh chị đầu gấu.
Quản chợ thu tiền thuê địa điểm, công an thu phí an ninh, đầu gấu thu phế bảo kê.
Người bán hàng kiếm được mười đồng thì bị cướp mất bảy đồng.
Không đóng đủ tiền sẽ bị quấy phá, chẳng thể buôn bán được.
Ngân luôn nộp đủ tiền phí cho đám đầu gấu này.
Chỉ là, cô cũng như các dân buôn bán khác, luôn cố gắng khéo léo xin bớt được đồng nào là hay đồng nấy.
Anh Hải liếc mắt nhìn lỗ cống đầy nước mỡ, khịt mũi không vui.
“Có phải cô em biết hôm nay anh đến chơi nên cố tình đổ dầu mỡ ra đường không đấy hả? Mắt anh tinh lắm, đừng tưởng trò mèo này gạt được anh.”
Gã véo mặt Ngân, ánh mắt liếm láp khắp cơ thể cô, lộ rõ dục vọng bẩn thỉu.
Người ta nói gái một con trông mòn con mắt, Ngân mới bước sang tuổi ba mươi mốt, công việc dù vất vả cực nhọc, quần áo bên ngoài là hàng chợ rẻ tiền cũng không giấu được vẻ mặn mà, xinh đẹp của cô.
Mỗi lần Hải đến thu phế bảo kê, gã cũng phải động chạm tay chân với cô.
Khi thì véo má, khi thì xoa vai, đôi lúc thô thiển vỗ mông Ngân.
Vì miếng cơm, Ngân nhịn.
Cô uyển chuyển cúi đầu, giả bộ lục tìm tiền trong chiếc túi ở tạp dề để tránh thoát bàn tay to đang sờ soạng mặt mình.
“Dạ, để em lấy tiền gửi anh.
A, sao lại không có?” Ngân hoảng hốt la lên, sục sạo đám tiền lẻ trong chiếc túi lớn, vén tạp dề, cuống quýt tìm túi tiền đeo bên hông.
Khi bán hàng, Ngân luôn cất tiền chẵn vào túi đeo hông, tiền lẻ nhét ở tạp dề.
Tại sao bây giờ không thấy?
Ngân xoay quanh, lật tung đồ đạc đã sắp gọn trong thùng xe để tìm kiếm, xem có bị rơi túi tiền đâu đó không? Đến khi chân cô đá vào chậu rửa bát đầy bọt xà phòng mới sực nhớ ra một chuyện.
“Đứa bé kia đâu rồi?” Ngân la lên hoảng hốt.
“Nó vẫn đang rửa bát ở đây mà.”
Cô mải dọn dẹp nên để mặc đứa bé kia ngồi bên chậu rửa bát.
Cô xoay đi xoay lại dọn xong hết bàn ghế, xoong nồi thì Hải đầu gấu xuất hiện.
Hiện tại đứa bé chạy mất lúc nào không hay và túi tiền chẵn của cô cũng không cánh mà bay.
Liệu có phải…
“Thằng lỏi kia trộm mất túi tiền của cô rồi chứ gì?” Bà bán bánh giò gánh hàng đi ngang qua, thản nhiên suy đoán sau khi hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra.
“Không thể nào…” Ngân bối rối phủ nhận.
“Ngày thường cô cho đám nhóc ăn xin bát bún, cái bánh thì tôi không nói, riêng hôm nay cô bênh thằng lỏi ăn trộm kia là tôi biết sớm muộn cô cũng bị nó chơi cho một vố mà.” Bà bán bánh giò cười hả hê, ngúng nguẩy gánh hàng rời đi thật nhanh.
Ngân tái mặt trước lời nói xách mé.
“Tách.” Bật lửa bật lên đốm lửa đỏ.
Gã Hải châm điếu thuốc, rít mạnh một hơi rồi phun khói vào mặt Ngân.
“Tháng này cô em khất tiền ba lần rồi.
Hôm nay bày trò bị mất tiền để lừa anh mày đấy hả?”
“Không, không.
Em thật sự không tìm thấy túi tiền.
Chỗ tiền lẻ này không đủ nộp cho anh.” Ngân móc nắm tiền lẻ trong túi tạp dề ra cho Hải kiểm tra, rối rít giải thích.
“Em không có lừa anh.
Ba lần trước khất tiền anh là vì thằng cu nhà em nằm viện suốt, tiền đi chợ dồn lại đóng viện phí.
Hôm nay là ngày hẹn nộp tiền cho anh, em đã chuẩn bị đầy đủ… Mất túi tiền là thật.
Không phải giả bộ để lừa anh.”
“Cô em nhìn thằng này có giống thằng ngu không hả?” Hải đột ngột chộp cổ Ngân, cắt đứt màn giải thích của cô.
Động tác hung ác của Hải dọa sợ người xung quanh.
Mọi người hối hả dọn quầy hàng rời đi hoặc tránh né nhìn đi chỗ khác, không ai có ý định giúp đỡ Ngân.
Dây vào đám đầu gấu bảo kê chợ là tự đạp đổ bát cơm của mình.
Thái độ thân ai nấy lo làm đám đầu gấu càng được nước lấn tới, càng lớn gan bắt nạt, đe dọa người bán hàng.
Mặt Ngân tím đỏ vì bị bóp cổ.
Cô cố gỡ tay Hải để có thể hít thở.
Động tác vùng vẫy làm mùi mồ hôi từ người Ngân bay tới chỗ Hải.
Gã vốn thích vẻ ngoài mặn mà của Ngân, mùi mồ hôi kết hợp hương phụ nữ tỏa ra từ cô càng kích thích gã.
“Để anh đây kiểm tra xem cô em giấu tiền ở chỗ nào.” Gã kéo Ngân đến gần, một tay bóp cổ để cố định cơ thể, một tay vuốt dọc cánh tay Ngân, thò vào bên trong tạp dề, sờ soạng khắp nơi.
Mắt Ngân trợn to vì ghê tởm.
Cô vung tay cào cấu gã để tránh thoát.
Móng tay cô cào mạnh vào mặt gã.
Gã điên tiết buông cổ Ngân, tát thẳng vào mặt cô.
Cổ tay Hải bị giữ chặt bởi một lực rất lớn.
Gã chưa kịp phản ứng thì be sườn nhận một cùi chỏ, chân bị quét mạnh làm cơ thể mất trọng tâm, ngã rầm xuống đất.
Ngân bị kéo mạnh sang bên phải, đập vào một lồng ngực cứng rắn, tránh được cái tát đau đớn.
“Có bị thương ở đâu không?” Người vừa giải cứu Ngân nhíu mày, cúi đầu nhìn cô.
Ngân lắc đầu theo bản năng.
“Gã đánh thím chưa?”
Ngân tiếp tục lắc đầu rồi sực nhớ ra một chuyện.
Cô luống cuống túm tay Đức, kéo về phía sau, nói thật nhanh.
“Bác đừng đánh người.
Ngày mai em còn muốn bán hàng.”
Đức cao hơn Ngân một cái đầu, khi nhìn cô ở khoảng cách gần sẽ phải cúi đầu.
Bờ vai rộng kết hợp với gương mặt chữ điền, hắn chỉ cần chuyên chú nhìn Ngân là cô đã thấy hơi sợ, không dám nói lời thừa.
“Có chuyện gì vậy?” Đức hỏi.
“Hôm nay là ngày đóng tiền phế.
Em không đủ tiền đóng nên…”
“Bao nhiêu tiền?” Đức cắt ngang.
Ngân báo ra một con số.
Đức nhìn lướt qua người Ngân, xác định cô không bị thương, sau đó quay người nhìn Hải.
Hải đã đứng dậy, đang xoay cổ tay đau nhức.
Ánh mắt của Đức làm gã dựng tóc gáy.
“Không phải tao đã cảnh báo mày không được quấy rối em dâu tao hay sao hả?”
Giọng nói bình thản, từ tốn từng chữ của Đức càng làm Hải đề phòng hơn.
Gã gồng người trả lời.
“Tao chỉ thu phế thôi.
Anh em bọn tao cũng cần phải ăn cơm để sống.
Không ai rảnh rỗi bảo vệ miễn phí khu chợ này.
Cô em này, ờ, được rồi, em dâu mày đã khất tiền tháng này ba lần rồi.
Anh em tao nể mặt mày nên vẫn để cô ta bán hàng ở đây.
Mày cũng đừng được nước lấn tới, ăn luôn tiền phế của bọn tao chứ.”
Ngoài miệng kể khổ nhưng trong lòng Hải chửi rủa không ngừng.
Có anh chồng nào bênh em dâu chằm chằm thế này không? Lần nào Ngân bị gã sàm sỡ hoặc đe dọa, Đức cũng xuất hiện bảo vệ như hung thần ác quỷ.
Chỉ có thằng ngu mới tin Ngân là em dâu đơn thuần của Đức.
Đặc biệt là cô em dâu góa chồng mơn mởn như miếng thịt ngọt nước.
“Tiền đây.
Cầm lấy rồi biến đi.” Đức ném tiền vào người Hải, hất đầu ra lệnh.
Hải chộp lấy tiền.
Số tiền trên tay nhiều hơn tiền phế nên gã nhanh chóng cắp đít rời đi.
Đầu gấu như gã, cần nhất là mặt mũi và tiền.
Đức đánh gã trước mặt mọi người, gã phải gọi người đến đánh lại để giữ mặt mũi.
Nhưng mười lần đánh nhau là mười lần thua.
Cả đám bị hốt lên đồn công an.
Đức nhanh chóng dùng tiền thoát ra ngoài.
Hải cùng đám anh em là người chịu thiệt.
Đức chi tiền sòng phẳng và hào phóng, Đức không phải đấu gấu như Hải, chỉ cần Hải không ra tay trước, Đức cũng không chơi bạo lực.
Vậy nên, chỉ cần Hải thu đủ tiền phế bảo kê là gã sẽ sảng khoái rời đi.
Hải rời đi, những người bán hàng xung quanh cũng gấp gáp dọn hàng, không còn hóng hớt nữa.
Đức thúc giục Ngân.
“Thím đứng ngây ra đấy làm gì? Dọn nhanh còn về.”
“Về nhà, em lấy tiền gửi bác.” Giọng Ngân chắc nịch.
Đức gật đầu, không từ chối.
Ngân có nguyên tắc sòng phẳng tiền nong.
Cô không muốn nợ tiền người khác.
Hắn tôn trọng suy nghĩ này.
Ngân vừa dọn hàng vừa tìm kiếm túi tiền.
Cô không tin đứa bé kia trộm tiền của cô.
Đức nhanh chóng nhận ra sự khác lạ của Ngân, liền hỏi.
“Có chuyện gì vậy? Thím giấu tôi chuyện gì à?”
Đức hiểu sự cứng đầu và sòng phẳng tiền bạc của Ngân thì Ngân cũng hiểu tính Đức.
Giấu giếm với Đức là chuyện đừng nên nghĩ tới.
Ngân thành thật kể lại chuyện đứa bé trộm bánh giò và túi tiền biến mất.
“Thím nhớ mặt đứa bé kia không?”
“Bác định làm gì? Muốn bắt nó, đánh cho một trận à?” Ngân nhíu mày, giọng nói không thoải mái.
“Chúng ta không có bằng chứng nó trộm tiền.
Em không muốn đổ oan cho nó.
Có lẽ em làm rơi túi tiền đâu đó trong đồ đạc.
Để em tìm kỹ lại xem sao.”
Có Đức hỗ trợ, công việc dọn dẹp và tìm kiếm diễn ra rất nhanh.
Hắn vừa khóa thùng xe hàng vừa kết luận.
“Tôi đã kiểm tra toàn bộ đồ đạc bán hàng, không có túi tiền bị lẫn vào trong đó.”
Ngân thở dài, gật đầu, không nói thêm lời nào nữa.
“Có phải đứa nhóc kia có nét nào giống nhóc Mốc nên thím mềm lòng giúp đỡ nó không?” Đức hỏi.
Ngân liếc nhìn Đức, hiểu hắn ám chỉ chuyện gì.
Cô mím môi, không trả lời.
“Nhóc Mốc cũng thật vất vả khi phải chăm sóc một người mẹ khờ khạo như thím.”
Ngân vừa tức vừa buồn cười.
Cô lườm Đức.
Đừng tưởng cô không hiểu ông anh chồng đang xỉa xói cô ngu ngốc, để một đứa bé trộm mất khoản tiền lớn mà vẫn mở miệng bênh vực nó.
“Về thôi.” Đức ngồi lên xe máy, giục Ngân.
Hắn nói thêm.
“Tôi biết hôm nay xe của thím mang đi sửa, chưa lấy về nên mới cố tình tạt ngang qua chợ cho thím đi nhờ xe.
Thím không cần nghĩ nhiều.
Người nhà với nhau, thím bớt khách sáo cho dễ sống.”
Ngân yên lặng ngồi lên xe máy, nhìn chằm chằm phần gáy rám nắng của Đức.
Từ sau khi chuyện kia xảy ra, người anh chồng này luôn cố tình chăm sóc cô như đang đền tội.
Ngân không thích nhận sự giúp đỡ này, đã rất nhiều lần uyển chuyển từ chối sự chăm nom của Đức nhưng không thành công.
Đức cố chấp chẳng khác gì Ngân.
Xe chạy khoảng hai mươi phút trong yên lặng.
Vừa về tới nhà, đón chào Ngân là cảnh tượng đồ đạc của cô bị mẹ chồng ném ra khỏi nhà..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook