From Hanoi
-
Chương 4-1
Chớm đông, có những ngày thời tiết trở nên rất kỳ cục, buổi sáng thì rét căm căm, đến trưa chiều lại hưng hửng nắng, không khí chưa lạnh quá như khi đã vào đông hẳn, nhưng cũng không còn những ngày nắng hanh oi ả đặc trưng của miền nhiệt đới.
Kiểu thời tiết ẩm ương ấy làm con người trở nên rất bứt rứt và khó chịu, suốt buổi trưa ngày thứ tư tôi uể oải vật vờ như một cỗ máy sắp hết điện, đến bốn giờ chiều vừa hết ca, việc đầu tiên tôi làm là chạy lên tầng xả nước tắm rửa ngay cho sảng khoái đầu óc.
Khi đang lấy khăn bông lau đầu thì tôi nhận được tin nhắn của Lan, cô nói hai mươi phút nữa là học xong tiếng Anh và hỏi tôi đã chuẩn bị ra bến xe buýt chưa.
Đọc tin nhắn xong, tôi đặt điện thoại xuống cạnh ghế và thở dài, được gặp Lan đương nhiên tôi rất mừng, nhưng tôi sợ cái cảm giác trái tim mình đập mạnh liên hồi và toàn thân trở nên run rẩy khi đứng trước mặt cô. Tôi sợ tiếp tục thế này thì tôi sẽ phát sinh tình cảm với cô mất, không có tương lai nào cho hai chúng tôi cả.
Vừa lau đầu tôi vừa phân vân, hai phương án đi và không đi cứ nhảy nhót loạn xạ trong đầu, mà tôi không thể dứt khoát ngả về cái nào được.
Khi chỉ còn khoảng năm phút nữa là đến giờ hẹn, tôi tặc lưỡi một cái và tự trấn an mình: “Kệ mẹ cuộc đời. Cứ đi chơi đã, đến đâu thì đến…”
Tôi diện bộ đồ đẹp nhất của mình và bước đi gấp gáp đến điểm hẹn gặp Lan, không biết từ lúc nào tuyến xe buýt 09 lên bờ hồ đã trở thành chuyến xe riêng của chúng tôi, còn hai chiếc ghế ngay gần cửa sau đã trở thành không gian riêng tư của hai đứa.
Đây là lần đầu tiên Lan đến điểm đón xe trước tôi, cô đang mải mê nhắn tin trên điện thoại nên không biết tôi đang tiến lại gần.
Định làm Lan bất ngờ nhưng hóa ra tôi lại bị bất ngờ trước, khi còn cách cô hai bước chân thì có một mùi nước hoa dịu nhẹ phảng phất hương chanh tươi tỏa ra từ Lan làm tôi ngạc nhiên đến mức phải thốt lên: “Ôi! Hôm nay cậu dùng nước hoa gì mà thơm thế??”
“Cậu thấy thế nào, thơm không?!” Cô ngước lên nhìn tôi và cười rạng rỡ. “Là nước hoa Cacharel Promesse, hôm trước tớ lượn lờ đi tìm mua nước hoa với bạn, thấy chai nước hoa màu tím này dễ thương, mùi lại trẻ trung nên mua về dùng thử xem sao. Sáng nay tớ ra đường gặp mấy người, ai cũng khen thơm thế và hỏi nước hoa gì đấy… Cậu nói cũng đúng, dù sao tớ cũng còn trẻ mà, mười năm nữa dùng Chanel 05 sẽ phù hợp hơn!”
“Ừ. Thơm lắm! Tuyệt lắm!” Tôi tấm tắc khen. “Mùi hương này rất hợp với cậu.”
* * *
Chủ đề cho buổi đi dạo của chúng tôi ngày hôm nay là về đại lễ một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức vào năm sau để kỷ niệm tròn một nghìn năm kể từ khi kinh đô Thăng Long chính thức là thủ đô của đất nước, Lan kể cho tôi nghe về rất nhiều công trình chào mừng đại lễ, tiêu biểu như là con đường gốm sứ hay bảo tàng Hà Nội…
Khi ngồi hóng mát ở trước tượng đài Lý Thái Tổ - vị vua đã đưa ra quyết định dời đô lịch sử đó, Lan kể cho tôi nghe về vụ cá cược nổi tiếng trị giá một trăm tỉ đồng liên quan đến tòa nhà KeangNam ở khu Mỹ Đình, chẳng là một số cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng đã gửi thư ngỏ đến lãnh đạo công ty và đưa ra ý tưởng ký cam kết thực hiện công trình, nếu hoàn thành công trình đúng đại lễ của thủ đô thì họ sẽ tặng công ty một trăm tỷ đồng.
“Chẳng biết nội tình câu chuyện thế nào…” Tôi nói sau vài phút ngẫm nghĩ. “Nhưng nghe bọn họ cá cược một trăm tỉ đồng dễ dàng cứ như bọn mình cược một bữa ăn sáng ấy nhỉ! Cậu có chắc là đọc đúng số tiền không đấy?”
Dường như Lan không nghe thấy lời tôi nói, cô đang mải nhìn ra mặt hồ.
Tôi vỗ vai cô: “Này, cậu nghe tớ hỏi không đấy?”
“Ơi…” Lan giật mình. “À… ừ, cậu vừa hỏi gì cơ?”
“Tớ đang hỏi là cậu có đọc đúng số tiền không?”
“Có… có chứ, tớ chắc chắn mà.”
Hình như cô bạn của tôi hôm nay có tâm sự gì đấy, từ lúc lên đây đến giờ cô tỏ ra rất lơ đãng và nói chuyện rất thiếu tập trung.
“Có chuyện gì làm cậu suy nghĩ à?” Tôi hỏi. “Tớ thấy cậu như người mất hồn ấy!”
“À không… Có sao đâu. Tớ bình thường mà.”
“Hay cậu mới thấy thần rùa nổi lên à?”
“Không.” Cô cười xòa. “Thôi… đừng trêu tớ nữa. Mình đứng dậy đi dạo tiếp đi.”
Chúng tôi im lặng đi cạnh nhau một vòng quanh bờ hồ như tất cả những tuần trước đây, tôi gợi ra một hai câu chuyện nhưng Lan không nhập tâm lắm, có lúc tôi cố tình đi tụt lại đằng sau cả chục bước chân mà cô không hề phát hiện ra. Đúng là cô bạn tôi hôm nay có tâm sự rồi, nhưng cô không chủ động nói ra thì tôi cũng không gặng hỏi.
Sau khi đi hết một vòng quanh hồ, Lan chợt quay sang hỏi tôi một câu rất lạ lùng: “Một nghìn năm đã trôi qua, rồi một nghìn năm nữa đang đến, một nghìn năm nữa mọi thứ sẽ ra sao cậu nhỉ? Lúc đấy Hà Nội sẽ thế nào, Hồ Gươm sẽ thế nào, tớ và cậu sẽ thế nào?”
“Cậu hỏi khó quá đấy!” Tôi nói. “Tớ chỉ trả lời được câu cuối cùng thôi, một nghìn năm nữa thì tớ với cậu thành cát bụi hết rồi.”
“Biết đâu lúc đấy mình lại tái sinh thì sao, lại đi dạo với nhau ở bờ hồ này thì sao, cậu chẳng đang tìm hiểu về Phật giáo đúng không? Phật bảo có luân hồi mà!” Cô tiếp tục tỏ ra kỳ lạ. “Cậu nói tớ nghe đi, cậu có tin những chuyện ấy không?”
“Tớ nhớ lần trước cậu chê triết gia là những người chuyên làm mọi thứ phức tạp lên mà.” Tôi hỏi vặn vẹo. “Sao hôm nay lại bận tâm chuyện này thế?”
“Thì… ai rồi cũng có lúc nghĩ đến cái chết mà.” Lan nói và rủ tôi ngồi xuống nghỉ chân ở một hàng ghế đá cạnh cây lộc vừng cổ thụ có đến chín gốc.
“Và cậu đang nghĩ…” Tôi nói ngay khi hai đứa ngồi xuống. “Liệu có khi nào một nghìn năm nữa bọn mình sẽ quay lại trong một sinh mạng mới và tiếp tục đi dạo quanh đây?”
“Đến giờ tớ cũng không hoàn toàn tin có kiếp trước kiếp sau lắm, có nhiều câu chuyện luân hồi nổi tiếng thế giới, như chuyện của Shanti Devi, nhưng tớ chưa được thấy tận mắt nên còn hoài nghi. Tớ cho rằng suy nghĩ từ não mà ra, khi ta chết thì não sẽ chết, làm sao còn cái gì được...” Cô múa tay, hình như cô thiếu vốn từ để diễn đạt chủ đề này. “Hôm trước tớ đi ngang qua tòa nhà KeangNam mà ban nãy mình nhắc đến ấy, tớ chợt nghĩ đến triết lý sắc tức là không, không tức là sắc trong đạo Phật, tớ thấy tòa nhà ấy thật quá đi chứ, sao đạo Phật bảo mọi thứ trên đời đều là không.”
“Tớ hiểu ý cậu, theo tớ hiểu, Phật giáo không phải là chủ nghĩa hư vô, đạo Phật nhìn mọi thứ trong tổng thể thành trụ hoại không. Tòa nhà ấy nó được tạo nên, rồi sẽ có ngày nó sẽ bị hư hoại, rồi lại trở về không. Con người cũng thế, sinh ra lớn lên, rồi già đi, rồi bệnh tật, rồi trở về cát bụi theo quy luật vô thường.”
“Nhưng chẳng lẽ vì thấy thế mà ta sống theo kiểu buông xuôi mặc kệ, tớ lấy ví dụ nhé, chị cậu muốn cậu học kinh tế vì chị có thể xin cho cậu vào làm ngân hàng, cơ hội việc làm ấy hấp dẫn quá đi chứ, nhất là trong thời buổi việc làm khó khăn này, tớ hiểu tại sao chị cậu lại muốn áp đặt với cậu như thế, tớ nghĩ mình sẽ không thể buông xuôi mọi thứ, kệ cho mọi thứ là sắc sắc không không. Mình phải tranh đấu để mà tồn tại trong cuộc đời này chứ đúng không?”
“Cậu nói đúng.” Tôi nói. “Nhưng có bao giờ cậu có cảm thấy cậu sống trong vị thế rất bị động, cậu đang bị những tham lam, những sân hận và ngu si ấy kéo mình đi theo không, nó dẫn dắt cậu đi và định nghĩa cuộc đời cậu, ắt hẳn có lúc cậu cũng lờ mờ nhận ra điều ấy, rằng cuộc đời cậu khi nhìn lại chẳng là gì ngoài một tổ hợp của những tham sân si. Dưới nhãn quan phật giáo, những chúng sinh như chúng ta sẽ bị những động lực như thế lôi kéo và sẽ ngụp lặn trong biển luân hồi hết kiếp này đến kiếp khác một cách vô cùng mệt mỏi. Có lúc may mắn thì được hưởng lạc thú, có lúc xui xẻo thì sống mà như bị đọa đầy, nhưng tựu trung lại, đó là một hành trình mệt mỏi.”
“Vậy giải pháp là gì?” Lan nói. “Từ bỏ tất cả và xuất gia tu hành sống đời cô độc hay sao?”
“Phật giảng dạy rất nhiều con đường diệt khổ, tùy theo căn cơ hoàn cảnh của từng người. Cậu thấy mọi người hay tụng kinh niệm Phật không, đấy cũng là một giải pháp, hay tu thiền, đấy cũng là một giải pháp.”
“Tớ không bao giờ nghĩ mình có thể đi tu được đâu. Cuộc sống tu hành là một cái gì đó quá buồn chán và tẻ nhạt với tớ.” Lan lắc đầu.
“Tớ cũng chỉ tìm hiểu đạo phật về mặt lý thuyết thôi, còn thực hành thì tớ cũng chịu.” Tôi nói. “Tớ còn nhiều tham sân si lắm, ăn chay là thấy khó nhằn lắm rồi, lúc này đây tớ đang đói và thèm món gà luộc chấm muối chanh chết đi được ấy.”
Lan bật cười với lời bộc bạch của tôi.
“Tóm lại đối với tớ lúc này thì…” Lan nói. “Kiếp sau thì để kiếp sau tính đi. Cậu biết không, có một câu tiếng Anh rất hay thế này: You only live once - Bạn chỉ sống một lần duy nhất thôi. Thế nên với tớ, ngày nào còn được hít thở, còn đuợc thấy ánh sáng mặt trời, còn được ở bên cạnh gia đình thân yêu là tớ thấy mãn nguyện lắm rồi.”
“Vậy mình có nên kiếm gì đó ăn uống để chào mừng sự sống duy nhất một lần này không?” Tôi nháy mắt với Lan. “Hôm nay đi bộ nhiều tớ khát khô cổ họng rồi.”
“Một lời gợi ý rất hay.” Lan nói. “Hôm nay mình không ăn kem nữa, chịu khó đi bộ lên phố Tô Tịch ăn quà vặt với tớ nhé!”
Chúng tôi cùng đi bộ lên phố Tô Tịch, con phố này nằm hơi khuất trên đường Hàng Gai. Phố dài khoảng một trăm mét, từ đầu phố đến cuối phố có đến gần chục cửa hàng hoa quả dầm nằm san sát nhau.
Nhắc lại chuyện này tôi mới phát hiện ra một điều khá thú vị, đó là tình bạn của tôi và Lan toàn gắn liền với những quán ăn ngon ở Hà Nội.
Lan dẫn tôi vào một quán ăn vặt quen thuộc của cô, trong khi cô gọi đồ, tôi đứng nhìn những chiếc lọ thủy tinh to và những chậu lớn toàn trái cây mà hoa hết cả mắt.
“Cậu thích ăn loại nào nhất?” Tôi hỏi lơ ngơ.
“Tớ á, tớ thích ăn sấu nhất, sấu làm được nhiều đồ ăn vặt lắm. Ô mai sấu, sấu ngâm đường, sấu dầm muối ớt, rồi thì sấu ngâm ớt đường, sấu xào gừng đường, nhiều loại lắm...” Lan đáp.
Gọi hai cốc hoa quả dầm xong, Lan ngắm nghía mấy chậu ô mai trái cây, rồi cô lấy xiên tre xiên vào trái sấu chín vàng đã được tẩm ướp đưa lên miệng tôi: “Này, cậu thử ăn đi, ngon lắm, chút cuối của thu Hà Nội đấy!”
Tôi sung sướng nhận món quà từ cô, năm ngón tay thiên thần của Lan đút cho ăn thì còn món nào trên đời này có thể ngon hơn được nữa.
Tôi ngậm trái sấu trong miệng đến khi cảm nhận đủ hết các vị ngọt, chua và cay của trái sấu rồi mới nhai. Khi nhai trái sấu ban đầu thấy dẻo dẻo, khi cắn lại thấy giòn giòn, tôi xuýt xoa khen món ăn vặt này ngon lành và tinh tế.
Lan cười và khuyên tôi nên tập ăn quà vặt đi, những món ăn vặt này nhìn bề ngoài tưởng là đơn giản nhưng hoàn toàn xứng đáng được gọi là một nghệ thuật đấy.
Trong khi ngồi ghế cóc vỉa hè chờ đợi, tôi để ý thấy chủ quán lấy từ tủ lạnh ra hai cốc thủy tinh bên trong có hàng chục loại quả, nào là dưa hấu, xoài, dưa vàng, mít, nhãn… được xếp theo trình tự màu sắc xanh, đỏ, vàng rất hấp dẫn bắt mắt. Đầu tiên họ rưới lên cốc quả một ít sữa đặc và nước cốt dừa, sau đó cho một ít đá xay mịn lên trên.
“Sự đặc biệt của loại đồ uống này là không dùng đường mà chỉ cho sữa vào để làm tăng vị ngọt, nên món ăn sẽ có vị ngọt mát và thơm ngậy.” Lan giảng giải cho tôi hiểu.
Món ăn thơm ngon và mát lành làm cho tâm trạng Lan khá lên, ăn được chừng nửa cốc cô bắt đầu giãi bày tâm sự với tôi: “Tối qua tớ định gọi điện cho cậu, tớ chẳng biết tâm sự cùng ai, có mấy đứa bạn thân thì đi xa học hành lập nghiệp hết rồi.”
Tôi cắm cúi chén nốt quả nhãn cuối cùng trong cốc rồi ngồi thẳng dậy nhìn cô: “Cậu nói đi, tớ đang nghe đây.”
“Chuyện gia đình ấy mà. Tolstoy nói thế nào nhỉ, Những gia đình hạnh phúc thì đều giống nhau, nhưng bất hạnh thì mỗi nhà một kiểu…” Lan buồn rầu nói. “Thật ra gia đình tớ có điều kiện nhưng cũng nhiều chuyện lộn xộn lắm.”
“Thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà…”
“Cậu biết không, hồi xưa bố tớ từng đi ngoại tình đấy…” Cô nói. “Chuyện ấy làm mẹ tớ buồn lắm, bà suy sụp rất nhanh, thậm chí còn có dấu hiệu bị trầm cảm ấy, sau đợt đấy mẹ tớ phải đi gặp bác sĩ tâm lý để họ tư vấn chữa bệnh. Rồi nhờ mọi người trong nhà tham gia ý kiến nên bố tớ mới thôi không qua lại với người ta nữa…”
“Thật sao? Thế chuyện hôm qua cũng là…”
“Không, không phải chuyện ấy, chuyện ngoại tình là từ lâu lắm rồi, hồi tớ còn bé tí cơ, nhưng đàn ông có tiền ai cũng vậy hả cậu…”
“Chắc không phải đâu, tớ thấy nhiều người thành đạt vẫn chung thủy mà.” Tôi nói, trong thâm tâm chỉ muốn nắm chặt lấy bàn tay Lan đang đặt trên bàn để động viên.
“Chuyện tối qua là thế này.” Lan nói tiếp. “Bố tớ uống rượu say ở đâu đó trước khi về, hình như chuyện kinh doanh trục trặc nên ông rất bực bội trong người, lúc đầu mẹ càu nhàu thì bố không nói gì, nhưng nói một lúc bố tớ điên lên đập luôn cốc nước xuống đất, vỡ choang một cái, mảnh thủy tinh văng cả vào chân em tớ, rồi quát mẹ tớ là đàn bà biết gì mà nói, rồi bới móc mấy chuyện nhỏ nhặt trong nhà. Tớ thấy sợ lắm ấy, tớ sợ lắm cậu ạ, cậu biết không, sau này tớ làm vợ chắc chồng nói gì tớ nghe ấy thôi, tớ sợ cảnh vợ chồng đánh cãi chửi nhau lắm…”
“Bố cậu có hay nóng tính thế không?”
“Không, thật ra…” Cô lý nhí. “Cũng lâu lắm rồi tớ mới chứng kiến cảnh ấy, chỉ lúc nào say quá thì bố tớ mới vậy. Mai tỉnh rượu bố tớ lại xin lỗi thôi. Lúc ấy thấy chán chán nên tớ dắt xe ra đường đi dạo, định gọi điện cho cậu nhưng rồi lại thôi, cậu ở xa quá, mà lúc ấy cũng muộn rồi…”
Tôi rót nước lọc ra hai cốc nhựa cho chúng tôi tráng miệng.
“Lúc ấy tớ cũng đang lang thang với Vũ ở gần chỗ cậu đấy.” Tôi nói. “Kể ra cậu gọi tớ hay mình tình cờ gặp nhau ở đoạn đường góc phố nào đó thì hay biết mấy.”
“Khó lắm.” Lan cúi gằm mặt xuống, chọc chọc chiếc thìa nhôm vào cốc một cách vô nghĩa. “Con đường bọn mình đi chỉ là hai con đường song song thôi, chẳng bao giờ mà gặp nhau được.”
Tôi đang đưa cốc nước lọc lên miệng mà chết cứng người, tôi hiểu ý tứ của cô trong câu nói ấy.
“Tớ nghĩ…” Tôi ấp úng nói. “Tớ nghĩ cậu nên gạt những chuyện nhỏ nhặt ấy sang một bên để dồn sức lực tâm trí cho kỳ thi tiếng Anh. Cậu đã bỏ nhiều công sức để ôn thi, không nên xao nhãng vào lúc này. Tập đơn giản hóa mọi chuyện đi cho dễ sống.”
“Nhiều khi tớ thấy lấy chồng là một canh bạc rất rủi ro nhé. Cậu có nghĩ vậy không?”
“Sao cậu lại nói thế?”
“Thì như anh chị em trong gia đình chẳng hạn, lớn lên với nhau từ bé mà đôi khi vẫn không thể hiểu hết được con người của nhau, nói gì đến việc lấy một người mà mỗi ngày chỉ gặp nhau có mấy tiếng làm chồng.”
“Ý cậu muốn nói về bạn trai cậu à? Đó là một người đáng ngưỡng mộ đấy chứ!?” Tôi nói. “Tớ nghĩ nhiều cô gái ghen tị với cậu vì được người yêu chở đi học bằng Lexus đấy!”
“Cậu nghĩ vậy à?” Lan nói. “Nhưng đôi khi, trực giác nói với tớ có một điều gì đó chưa chắc chắn tuyệt đối trong quan hệ của bọn tớ. Những món quà anh ấy tặng tớ rất đắt tiền, nhưng tớ vẫn thấy nó thiếu một cái gì đó, một cái gì đó rất khó gọi tên, tớ cảm thấy mơ hồ như vậy.”
“Cái gì mà khó hiểu vậy chứ?”
“Tớ không biết nữa, nói thế nào nhỉ, như kiểu nó là sự chú tâm ấy, con gái bọn tớ đơn giản lắm, không cần phải là hàng hiệu gì cả, đôi khi thứ bọn tớ cần chỉ là những sự quan tâm nho nhỏ đúng lúc thôi. Có thể anh ấy thiếu một chút tinh ý.”
“Tớ lại thấy cậu đang hơi cả nghĩ đấy. Có thể do lo lắng căng thẳng vì sắp thi tiếng Anh mà cậu sinh ra nhạy cảm thái quá rồi.”
“Ừm, cũng có thể…” Lan ậm ừ cho qua chuyện, rồi cô nói tiếp: “Mà Kiên này, đi chơi với tớ cậu thấy thế nào?”
“Tớ á?” Tôi nói. “Tớ thấy rất vui, được biết thêm nhiều chuyện hơn, cũng được ăn uống nhiều hơn, hình như đợt này tớ lên một cân rồi đấy.”
Lan phì cười, cô nhìn tôi trìu mến và nói một câu nghe thật mát lòng mát dạ: “Chẳng hiểu sao đi chơi với cậu tớ luôn tìm được sự thanh thản. Cậu luôn có thể làm tớ vui khi tớ buồn, chưa ai làm được việc ấy cho tớ đâu.”
Tớ cũng có cảm nhận y như cậu vậy, tôi ngắm cô và thầm nghĩ.
Ăn xong Lan giành thanh toán với tôi vì cô còn mua thêm một ít đồ cho em trai và mấy đứa em họ. Sau đó chúng tôi đi ngược lại phố Hàng Gai, qua phố Cầu Gỗ rồi rẽ vào phố Đinh Liệt, đến chỗ giao với phố Hàng Đào thì chia tay.
Khi đến góc phố quen thuộc ấy Lan tỏ ra rất quyến luyến, cô nói muốn đi chơi đâu đó gần Hà Nội để thay đổi không khí.
“Lâu lắm rồi tớ không đi du lịch bụi.” Lan nói.
“Nhưng cậu sắp thi IELTS rồi mà.” Tôi nói. “Đi chơi có ảnh hưởng gì không đấy?”
“Không sao đâu mà.” Lan nài nỉ. “Tớ biết đột nhiên rủ cậu đi chơi thế này thật là điên khùng, nhưng tớ muốn đi chơi một chút cho thư thả đầu óc, học hành ôn luyện hai năm nay cũng là đủ rồi.”
“Không, tớ không thấy phiền hà gì cả, về độ điên khùng cậu còn thua Trang nhiều lắm.” Tôi cười hì hì. “Chỉ là đề xuất đột ngột thế này thì biết đi đâu bây giờ?”
“Hay đi Bát Tràng đi, chỗ ấy gần mình đi xe máy được.” Lan nói. “Phải hơn mười năm rồi tớ không quay lại đấy.”
Cô đề xuất đi bằng chiếc Vespa của cô, nhưng tôi bảo xe ga đi dạo quanh thành phố thì thích, chứ đi đường trường thế để tôi mượn con xe số cà tàng ở quán đi hợp lý hơn. Lan cười tươi đồng ý và hẹn sáng sớm ngày mai gặp nhau.
Đưa một tiểu thư như Lan đi chơi bằng xe máy thì hơi vất vả cho cô, tôi thầm nghĩ và sực nhớ ra một chuyện, tôi bèn gọi với theo cô lúc này đã đi được một đoạn: “À… Lan ơi! Lan ơi!”
Lúc ấy Lan đã đi được khoảng năm mét, cô quay lại nhìn tôi ngơ ngác: “Sao thế cậu… còn việc gì nữa à?”
“Mấy lần tớ định hỏi cậu việc này mà toàn quên.” Tôi hỏi. “Sao đợt trước cậu không dừng xe ô tô trước cổng trường mà phải đi lên một đoạn rồi đi bộ ngược lại thế??”
“À… việc ấy hả…” Lan bất ngờ với câu hỏi của tôi. “Là…”
Cô lúng túng như gà mắc tóc mất nửa phút mới nói được: “Là… cũng không có vấn đề gì cả, là tớ ngại tí thôi, mấy bạn trong lớp toàn đi xe máy, có bạn tỉnh lẻ phải chen lấn trên xe buýt hết hơi mới đến được trường, nếu đỗ ô tô trước cổng trường tớ thấy ngại ngại sao ấy…”
“Có sao đâu nhỉ?” Tôi thắc mắc. “Cậu có nghĩ ngợi nhiều quá không?!”
“Ừ thì… thật ra cũng chẳng có gì, chủ yếu là… cậu hiểu tớ đúng không, tính tớ không thích phô trương.” Cô nhoẻn miệng cười ngượng nghịu, có lẽ câu hỏi làm sao dung hòa được chiếc xe Lexus với những người bạn thân nghèo khó đã thật sự khiến cô khó nghĩ.
Hóa ra là như vậy, phải thế chứ, tôi đã linh cảm không sai mà, nếu biết để ý kỹ thì ta sẽ tìm thấy đằng sau những chi tiết nho nhỏ là những câu chuyện rất thú vị và rất đáng nghe.
Tối hôm đó tôi là một nhân viên trông quán rất thiếu trách nhiệm, tâm hồn tôi dường như không còn gắn với thể xác nữa, nó đã bay bổng về lại góc phố thân thương chiều nay rồi, tôi đã xem nhiều cuộc thi hoa hậu, nhưng những câu trả lời ứng xử của những người đẹp đã đăng quang - với riêng tôi mà nói - đều thua hết câu trả lời của Lan trong buổi chiều cuối thu này rồi.
Tôi bồi hồi xao xuyến không thể yên vị được một chỗ, cứ đứng lên rồi lại ngồi xuống, ngồi xuống chưa ấm ghế đã lại đứng lên. Câu trả lời của cô, gương mặt hiền dịu của cô, đôi mắt nai của cô đã chinh phục hoàn toàn trái tim tôi rồi.
Kiểu thời tiết ẩm ương ấy làm con người trở nên rất bứt rứt và khó chịu, suốt buổi trưa ngày thứ tư tôi uể oải vật vờ như một cỗ máy sắp hết điện, đến bốn giờ chiều vừa hết ca, việc đầu tiên tôi làm là chạy lên tầng xả nước tắm rửa ngay cho sảng khoái đầu óc.
Khi đang lấy khăn bông lau đầu thì tôi nhận được tin nhắn của Lan, cô nói hai mươi phút nữa là học xong tiếng Anh và hỏi tôi đã chuẩn bị ra bến xe buýt chưa.
Đọc tin nhắn xong, tôi đặt điện thoại xuống cạnh ghế và thở dài, được gặp Lan đương nhiên tôi rất mừng, nhưng tôi sợ cái cảm giác trái tim mình đập mạnh liên hồi và toàn thân trở nên run rẩy khi đứng trước mặt cô. Tôi sợ tiếp tục thế này thì tôi sẽ phát sinh tình cảm với cô mất, không có tương lai nào cho hai chúng tôi cả.
Vừa lau đầu tôi vừa phân vân, hai phương án đi và không đi cứ nhảy nhót loạn xạ trong đầu, mà tôi không thể dứt khoát ngả về cái nào được.
Khi chỉ còn khoảng năm phút nữa là đến giờ hẹn, tôi tặc lưỡi một cái và tự trấn an mình: “Kệ mẹ cuộc đời. Cứ đi chơi đã, đến đâu thì đến…”
Tôi diện bộ đồ đẹp nhất của mình và bước đi gấp gáp đến điểm hẹn gặp Lan, không biết từ lúc nào tuyến xe buýt 09 lên bờ hồ đã trở thành chuyến xe riêng của chúng tôi, còn hai chiếc ghế ngay gần cửa sau đã trở thành không gian riêng tư của hai đứa.
Đây là lần đầu tiên Lan đến điểm đón xe trước tôi, cô đang mải mê nhắn tin trên điện thoại nên không biết tôi đang tiến lại gần.
Định làm Lan bất ngờ nhưng hóa ra tôi lại bị bất ngờ trước, khi còn cách cô hai bước chân thì có một mùi nước hoa dịu nhẹ phảng phất hương chanh tươi tỏa ra từ Lan làm tôi ngạc nhiên đến mức phải thốt lên: “Ôi! Hôm nay cậu dùng nước hoa gì mà thơm thế??”
“Cậu thấy thế nào, thơm không?!” Cô ngước lên nhìn tôi và cười rạng rỡ. “Là nước hoa Cacharel Promesse, hôm trước tớ lượn lờ đi tìm mua nước hoa với bạn, thấy chai nước hoa màu tím này dễ thương, mùi lại trẻ trung nên mua về dùng thử xem sao. Sáng nay tớ ra đường gặp mấy người, ai cũng khen thơm thế và hỏi nước hoa gì đấy… Cậu nói cũng đúng, dù sao tớ cũng còn trẻ mà, mười năm nữa dùng Chanel 05 sẽ phù hợp hơn!”
“Ừ. Thơm lắm! Tuyệt lắm!” Tôi tấm tắc khen. “Mùi hương này rất hợp với cậu.”
* * *
Chủ đề cho buổi đi dạo của chúng tôi ngày hôm nay là về đại lễ một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức vào năm sau để kỷ niệm tròn một nghìn năm kể từ khi kinh đô Thăng Long chính thức là thủ đô của đất nước, Lan kể cho tôi nghe về rất nhiều công trình chào mừng đại lễ, tiêu biểu như là con đường gốm sứ hay bảo tàng Hà Nội…
Khi ngồi hóng mát ở trước tượng đài Lý Thái Tổ - vị vua đã đưa ra quyết định dời đô lịch sử đó, Lan kể cho tôi nghe về vụ cá cược nổi tiếng trị giá một trăm tỉ đồng liên quan đến tòa nhà KeangNam ở khu Mỹ Đình, chẳng là một số cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng đã gửi thư ngỏ đến lãnh đạo công ty và đưa ra ý tưởng ký cam kết thực hiện công trình, nếu hoàn thành công trình đúng đại lễ của thủ đô thì họ sẽ tặng công ty một trăm tỷ đồng.
“Chẳng biết nội tình câu chuyện thế nào…” Tôi nói sau vài phút ngẫm nghĩ. “Nhưng nghe bọn họ cá cược một trăm tỉ đồng dễ dàng cứ như bọn mình cược một bữa ăn sáng ấy nhỉ! Cậu có chắc là đọc đúng số tiền không đấy?”
Dường như Lan không nghe thấy lời tôi nói, cô đang mải nhìn ra mặt hồ.
Tôi vỗ vai cô: “Này, cậu nghe tớ hỏi không đấy?”
“Ơi…” Lan giật mình. “À… ừ, cậu vừa hỏi gì cơ?”
“Tớ đang hỏi là cậu có đọc đúng số tiền không?”
“Có… có chứ, tớ chắc chắn mà.”
Hình như cô bạn của tôi hôm nay có tâm sự gì đấy, từ lúc lên đây đến giờ cô tỏ ra rất lơ đãng và nói chuyện rất thiếu tập trung.
“Có chuyện gì làm cậu suy nghĩ à?” Tôi hỏi. “Tớ thấy cậu như người mất hồn ấy!”
“À không… Có sao đâu. Tớ bình thường mà.”
“Hay cậu mới thấy thần rùa nổi lên à?”
“Không.” Cô cười xòa. “Thôi… đừng trêu tớ nữa. Mình đứng dậy đi dạo tiếp đi.”
Chúng tôi im lặng đi cạnh nhau một vòng quanh bờ hồ như tất cả những tuần trước đây, tôi gợi ra một hai câu chuyện nhưng Lan không nhập tâm lắm, có lúc tôi cố tình đi tụt lại đằng sau cả chục bước chân mà cô không hề phát hiện ra. Đúng là cô bạn tôi hôm nay có tâm sự rồi, nhưng cô không chủ động nói ra thì tôi cũng không gặng hỏi.
Sau khi đi hết một vòng quanh hồ, Lan chợt quay sang hỏi tôi một câu rất lạ lùng: “Một nghìn năm đã trôi qua, rồi một nghìn năm nữa đang đến, một nghìn năm nữa mọi thứ sẽ ra sao cậu nhỉ? Lúc đấy Hà Nội sẽ thế nào, Hồ Gươm sẽ thế nào, tớ và cậu sẽ thế nào?”
“Cậu hỏi khó quá đấy!” Tôi nói. “Tớ chỉ trả lời được câu cuối cùng thôi, một nghìn năm nữa thì tớ với cậu thành cát bụi hết rồi.”
“Biết đâu lúc đấy mình lại tái sinh thì sao, lại đi dạo với nhau ở bờ hồ này thì sao, cậu chẳng đang tìm hiểu về Phật giáo đúng không? Phật bảo có luân hồi mà!” Cô tiếp tục tỏ ra kỳ lạ. “Cậu nói tớ nghe đi, cậu có tin những chuyện ấy không?”
“Tớ nhớ lần trước cậu chê triết gia là những người chuyên làm mọi thứ phức tạp lên mà.” Tôi hỏi vặn vẹo. “Sao hôm nay lại bận tâm chuyện này thế?”
“Thì… ai rồi cũng có lúc nghĩ đến cái chết mà.” Lan nói và rủ tôi ngồi xuống nghỉ chân ở một hàng ghế đá cạnh cây lộc vừng cổ thụ có đến chín gốc.
“Và cậu đang nghĩ…” Tôi nói ngay khi hai đứa ngồi xuống. “Liệu có khi nào một nghìn năm nữa bọn mình sẽ quay lại trong một sinh mạng mới và tiếp tục đi dạo quanh đây?”
“Đến giờ tớ cũng không hoàn toàn tin có kiếp trước kiếp sau lắm, có nhiều câu chuyện luân hồi nổi tiếng thế giới, như chuyện của Shanti Devi, nhưng tớ chưa được thấy tận mắt nên còn hoài nghi. Tớ cho rằng suy nghĩ từ não mà ra, khi ta chết thì não sẽ chết, làm sao còn cái gì được...” Cô múa tay, hình như cô thiếu vốn từ để diễn đạt chủ đề này. “Hôm trước tớ đi ngang qua tòa nhà KeangNam mà ban nãy mình nhắc đến ấy, tớ chợt nghĩ đến triết lý sắc tức là không, không tức là sắc trong đạo Phật, tớ thấy tòa nhà ấy thật quá đi chứ, sao đạo Phật bảo mọi thứ trên đời đều là không.”
“Tớ hiểu ý cậu, theo tớ hiểu, Phật giáo không phải là chủ nghĩa hư vô, đạo Phật nhìn mọi thứ trong tổng thể thành trụ hoại không. Tòa nhà ấy nó được tạo nên, rồi sẽ có ngày nó sẽ bị hư hoại, rồi lại trở về không. Con người cũng thế, sinh ra lớn lên, rồi già đi, rồi bệnh tật, rồi trở về cát bụi theo quy luật vô thường.”
“Nhưng chẳng lẽ vì thấy thế mà ta sống theo kiểu buông xuôi mặc kệ, tớ lấy ví dụ nhé, chị cậu muốn cậu học kinh tế vì chị có thể xin cho cậu vào làm ngân hàng, cơ hội việc làm ấy hấp dẫn quá đi chứ, nhất là trong thời buổi việc làm khó khăn này, tớ hiểu tại sao chị cậu lại muốn áp đặt với cậu như thế, tớ nghĩ mình sẽ không thể buông xuôi mọi thứ, kệ cho mọi thứ là sắc sắc không không. Mình phải tranh đấu để mà tồn tại trong cuộc đời này chứ đúng không?”
“Cậu nói đúng.” Tôi nói. “Nhưng có bao giờ cậu có cảm thấy cậu sống trong vị thế rất bị động, cậu đang bị những tham lam, những sân hận và ngu si ấy kéo mình đi theo không, nó dẫn dắt cậu đi và định nghĩa cuộc đời cậu, ắt hẳn có lúc cậu cũng lờ mờ nhận ra điều ấy, rằng cuộc đời cậu khi nhìn lại chẳng là gì ngoài một tổ hợp của những tham sân si. Dưới nhãn quan phật giáo, những chúng sinh như chúng ta sẽ bị những động lực như thế lôi kéo và sẽ ngụp lặn trong biển luân hồi hết kiếp này đến kiếp khác một cách vô cùng mệt mỏi. Có lúc may mắn thì được hưởng lạc thú, có lúc xui xẻo thì sống mà như bị đọa đầy, nhưng tựu trung lại, đó là một hành trình mệt mỏi.”
“Vậy giải pháp là gì?” Lan nói. “Từ bỏ tất cả và xuất gia tu hành sống đời cô độc hay sao?”
“Phật giảng dạy rất nhiều con đường diệt khổ, tùy theo căn cơ hoàn cảnh của từng người. Cậu thấy mọi người hay tụng kinh niệm Phật không, đấy cũng là một giải pháp, hay tu thiền, đấy cũng là một giải pháp.”
“Tớ không bao giờ nghĩ mình có thể đi tu được đâu. Cuộc sống tu hành là một cái gì đó quá buồn chán và tẻ nhạt với tớ.” Lan lắc đầu.
“Tớ cũng chỉ tìm hiểu đạo phật về mặt lý thuyết thôi, còn thực hành thì tớ cũng chịu.” Tôi nói. “Tớ còn nhiều tham sân si lắm, ăn chay là thấy khó nhằn lắm rồi, lúc này đây tớ đang đói và thèm món gà luộc chấm muối chanh chết đi được ấy.”
Lan bật cười với lời bộc bạch của tôi.
“Tóm lại đối với tớ lúc này thì…” Lan nói. “Kiếp sau thì để kiếp sau tính đi. Cậu biết không, có một câu tiếng Anh rất hay thế này: You only live once - Bạn chỉ sống một lần duy nhất thôi. Thế nên với tớ, ngày nào còn được hít thở, còn đuợc thấy ánh sáng mặt trời, còn được ở bên cạnh gia đình thân yêu là tớ thấy mãn nguyện lắm rồi.”
“Vậy mình có nên kiếm gì đó ăn uống để chào mừng sự sống duy nhất một lần này không?” Tôi nháy mắt với Lan. “Hôm nay đi bộ nhiều tớ khát khô cổ họng rồi.”
“Một lời gợi ý rất hay.” Lan nói. “Hôm nay mình không ăn kem nữa, chịu khó đi bộ lên phố Tô Tịch ăn quà vặt với tớ nhé!”
Chúng tôi cùng đi bộ lên phố Tô Tịch, con phố này nằm hơi khuất trên đường Hàng Gai. Phố dài khoảng một trăm mét, từ đầu phố đến cuối phố có đến gần chục cửa hàng hoa quả dầm nằm san sát nhau.
Nhắc lại chuyện này tôi mới phát hiện ra một điều khá thú vị, đó là tình bạn của tôi và Lan toàn gắn liền với những quán ăn ngon ở Hà Nội.
Lan dẫn tôi vào một quán ăn vặt quen thuộc của cô, trong khi cô gọi đồ, tôi đứng nhìn những chiếc lọ thủy tinh to và những chậu lớn toàn trái cây mà hoa hết cả mắt.
“Cậu thích ăn loại nào nhất?” Tôi hỏi lơ ngơ.
“Tớ á, tớ thích ăn sấu nhất, sấu làm được nhiều đồ ăn vặt lắm. Ô mai sấu, sấu ngâm đường, sấu dầm muối ớt, rồi thì sấu ngâm ớt đường, sấu xào gừng đường, nhiều loại lắm...” Lan đáp.
Gọi hai cốc hoa quả dầm xong, Lan ngắm nghía mấy chậu ô mai trái cây, rồi cô lấy xiên tre xiên vào trái sấu chín vàng đã được tẩm ướp đưa lên miệng tôi: “Này, cậu thử ăn đi, ngon lắm, chút cuối của thu Hà Nội đấy!”
Tôi sung sướng nhận món quà từ cô, năm ngón tay thiên thần của Lan đút cho ăn thì còn món nào trên đời này có thể ngon hơn được nữa.
Tôi ngậm trái sấu trong miệng đến khi cảm nhận đủ hết các vị ngọt, chua và cay của trái sấu rồi mới nhai. Khi nhai trái sấu ban đầu thấy dẻo dẻo, khi cắn lại thấy giòn giòn, tôi xuýt xoa khen món ăn vặt này ngon lành và tinh tế.
Lan cười và khuyên tôi nên tập ăn quà vặt đi, những món ăn vặt này nhìn bề ngoài tưởng là đơn giản nhưng hoàn toàn xứng đáng được gọi là một nghệ thuật đấy.
Trong khi ngồi ghế cóc vỉa hè chờ đợi, tôi để ý thấy chủ quán lấy từ tủ lạnh ra hai cốc thủy tinh bên trong có hàng chục loại quả, nào là dưa hấu, xoài, dưa vàng, mít, nhãn… được xếp theo trình tự màu sắc xanh, đỏ, vàng rất hấp dẫn bắt mắt. Đầu tiên họ rưới lên cốc quả một ít sữa đặc và nước cốt dừa, sau đó cho một ít đá xay mịn lên trên.
“Sự đặc biệt của loại đồ uống này là không dùng đường mà chỉ cho sữa vào để làm tăng vị ngọt, nên món ăn sẽ có vị ngọt mát và thơm ngậy.” Lan giảng giải cho tôi hiểu.
Món ăn thơm ngon và mát lành làm cho tâm trạng Lan khá lên, ăn được chừng nửa cốc cô bắt đầu giãi bày tâm sự với tôi: “Tối qua tớ định gọi điện cho cậu, tớ chẳng biết tâm sự cùng ai, có mấy đứa bạn thân thì đi xa học hành lập nghiệp hết rồi.”
Tôi cắm cúi chén nốt quả nhãn cuối cùng trong cốc rồi ngồi thẳng dậy nhìn cô: “Cậu nói đi, tớ đang nghe đây.”
“Chuyện gia đình ấy mà. Tolstoy nói thế nào nhỉ, Những gia đình hạnh phúc thì đều giống nhau, nhưng bất hạnh thì mỗi nhà một kiểu…” Lan buồn rầu nói. “Thật ra gia đình tớ có điều kiện nhưng cũng nhiều chuyện lộn xộn lắm.”
“Thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà…”
“Cậu biết không, hồi xưa bố tớ từng đi ngoại tình đấy…” Cô nói. “Chuyện ấy làm mẹ tớ buồn lắm, bà suy sụp rất nhanh, thậm chí còn có dấu hiệu bị trầm cảm ấy, sau đợt đấy mẹ tớ phải đi gặp bác sĩ tâm lý để họ tư vấn chữa bệnh. Rồi nhờ mọi người trong nhà tham gia ý kiến nên bố tớ mới thôi không qua lại với người ta nữa…”
“Thật sao? Thế chuyện hôm qua cũng là…”
“Không, không phải chuyện ấy, chuyện ngoại tình là từ lâu lắm rồi, hồi tớ còn bé tí cơ, nhưng đàn ông có tiền ai cũng vậy hả cậu…”
“Chắc không phải đâu, tớ thấy nhiều người thành đạt vẫn chung thủy mà.” Tôi nói, trong thâm tâm chỉ muốn nắm chặt lấy bàn tay Lan đang đặt trên bàn để động viên.
“Chuyện tối qua là thế này.” Lan nói tiếp. “Bố tớ uống rượu say ở đâu đó trước khi về, hình như chuyện kinh doanh trục trặc nên ông rất bực bội trong người, lúc đầu mẹ càu nhàu thì bố không nói gì, nhưng nói một lúc bố tớ điên lên đập luôn cốc nước xuống đất, vỡ choang một cái, mảnh thủy tinh văng cả vào chân em tớ, rồi quát mẹ tớ là đàn bà biết gì mà nói, rồi bới móc mấy chuyện nhỏ nhặt trong nhà. Tớ thấy sợ lắm ấy, tớ sợ lắm cậu ạ, cậu biết không, sau này tớ làm vợ chắc chồng nói gì tớ nghe ấy thôi, tớ sợ cảnh vợ chồng đánh cãi chửi nhau lắm…”
“Bố cậu có hay nóng tính thế không?”
“Không, thật ra…” Cô lý nhí. “Cũng lâu lắm rồi tớ mới chứng kiến cảnh ấy, chỉ lúc nào say quá thì bố tớ mới vậy. Mai tỉnh rượu bố tớ lại xin lỗi thôi. Lúc ấy thấy chán chán nên tớ dắt xe ra đường đi dạo, định gọi điện cho cậu nhưng rồi lại thôi, cậu ở xa quá, mà lúc ấy cũng muộn rồi…”
Tôi rót nước lọc ra hai cốc nhựa cho chúng tôi tráng miệng.
“Lúc ấy tớ cũng đang lang thang với Vũ ở gần chỗ cậu đấy.” Tôi nói. “Kể ra cậu gọi tớ hay mình tình cờ gặp nhau ở đoạn đường góc phố nào đó thì hay biết mấy.”
“Khó lắm.” Lan cúi gằm mặt xuống, chọc chọc chiếc thìa nhôm vào cốc một cách vô nghĩa. “Con đường bọn mình đi chỉ là hai con đường song song thôi, chẳng bao giờ mà gặp nhau được.”
Tôi đang đưa cốc nước lọc lên miệng mà chết cứng người, tôi hiểu ý tứ của cô trong câu nói ấy.
“Tớ nghĩ…” Tôi ấp úng nói. “Tớ nghĩ cậu nên gạt những chuyện nhỏ nhặt ấy sang một bên để dồn sức lực tâm trí cho kỳ thi tiếng Anh. Cậu đã bỏ nhiều công sức để ôn thi, không nên xao nhãng vào lúc này. Tập đơn giản hóa mọi chuyện đi cho dễ sống.”
“Nhiều khi tớ thấy lấy chồng là một canh bạc rất rủi ro nhé. Cậu có nghĩ vậy không?”
“Sao cậu lại nói thế?”
“Thì như anh chị em trong gia đình chẳng hạn, lớn lên với nhau từ bé mà đôi khi vẫn không thể hiểu hết được con người của nhau, nói gì đến việc lấy một người mà mỗi ngày chỉ gặp nhau có mấy tiếng làm chồng.”
“Ý cậu muốn nói về bạn trai cậu à? Đó là một người đáng ngưỡng mộ đấy chứ!?” Tôi nói. “Tớ nghĩ nhiều cô gái ghen tị với cậu vì được người yêu chở đi học bằng Lexus đấy!”
“Cậu nghĩ vậy à?” Lan nói. “Nhưng đôi khi, trực giác nói với tớ có một điều gì đó chưa chắc chắn tuyệt đối trong quan hệ của bọn tớ. Những món quà anh ấy tặng tớ rất đắt tiền, nhưng tớ vẫn thấy nó thiếu một cái gì đó, một cái gì đó rất khó gọi tên, tớ cảm thấy mơ hồ như vậy.”
“Cái gì mà khó hiểu vậy chứ?”
“Tớ không biết nữa, nói thế nào nhỉ, như kiểu nó là sự chú tâm ấy, con gái bọn tớ đơn giản lắm, không cần phải là hàng hiệu gì cả, đôi khi thứ bọn tớ cần chỉ là những sự quan tâm nho nhỏ đúng lúc thôi. Có thể anh ấy thiếu một chút tinh ý.”
“Tớ lại thấy cậu đang hơi cả nghĩ đấy. Có thể do lo lắng căng thẳng vì sắp thi tiếng Anh mà cậu sinh ra nhạy cảm thái quá rồi.”
“Ừm, cũng có thể…” Lan ậm ừ cho qua chuyện, rồi cô nói tiếp: “Mà Kiên này, đi chơi với tớ cậu thấy thế nào?”
“Tớ á?” Tôi nói. “Tớ thấy rất vui, được biết thêm nhiều chuyện hơn, cũng được ăn uống nhiều hơn, hình như đợt này tớ lên một cân rồi đấy.”
Lan phì cười, cô nhìn tôi trìu mến và nói một câu nghe thật mát lòng mát dạ: “Chẳng hiểu sao đi chơi với cậu tớ luôn tìm được sự thanh thản. Cậu luôn có thể làm tớ vui khi tớ buồn, chưa ai làm được việc ấy cho tớ đâu.”
Tớ cũng có cảm nhận y như cậu vậy, tôi ngắm cô và thầm nghĩ.
Ăn xong Lan giành thanh toán với tôi vì cô còn mua thêm một ít đồ cho em trai và mấy đứa em họ. Sau đó chúng tôi đi ngược lại phố Hàng Gai, qua phố Cầu Gỗ rồi rẽ vào phố Đinh Liệt, đến chỗ giao với phố Hàng Đào thì chia tay.
Khi đến góc phố quen thuộc ấy Lan tỏ ra rất quyến luyến, cô nói muốn đi chơi đâu đó gần Hà Nội để thay đổi không khí.
“Lâu lắm rồi tớ không đi du lịch bụi.” Lan nói.
“Nhưng cậu sắp thi IELTS rồi mà.” Tôi nói. “Đi chơi có ảnh hưởng gì không đấy?”
“Không sao đâu mà.” Lan nài nỉ. “Tớ biết đột nhiên rủ cậu đi chơi thế này thật là điên khùng, nhưng tớ muốn đi chơi một chút cho thư thả đầu óc, học hành ôn luyện hai năm nay cũng là đủ rồi.”
“Không, tớ không thấy phiền hà gì cả, về độ điên khùng cậu còn thua Trang nhiều lắm.” Tôi cười hì hì. “Chỉ là đề xuất đột ngột thế này thì biết đi đâu bây giờ?”
“Hay đi Bát Tràng đi, chỗ ấy gần mình đi xe máy được.” Lan nói. “Phải hơn mười năm rồi tớ không quay lại đấy.”
Cô đề xuất đi bằng chiếc Vespa của cô, nhưng tôi bảo xe ga đi dạo quanh thành phố thì thích, chứ đi đường trường thế để tôi mượn con xe số cà tàng ở quán đi hợp lý hơn. Lan cười tươi đồng ý và hẹn sáng sớm ngày mai gặp nhau.
Đưa một tiểu thư như Lan đi chơi bằng xe máy thì hơi vất vả cho cô, tôi thầm nghĩ và sực nhớ ra một chuyện, tôi bèn gọi với theo cô lúc này đã đi được một đoạn: “À… Lan ơi! Lan ơi!”
Lúc ấy Lan đã đi được khoảng năm mét, cô quay lại nhìn tôi ngơ ngác: “Sao thế cậu… còn việc gì nữa à?”
“Mấy lần tớ định hỏi cậu việc này mà toàn quên.” Tôi hỏi. “Sao đợt trước cậu không dừng xe ô tô trước cổng trường mà phải đi lên một đoạn rồi đi bộ ngược lại thế??”
“À… việc ấy hả…” Lan bất ngờ với câu hỏi của tôi. “Là…”
Cô lúng túng như gà mắc tóc mất nửa phút mới nói được: “Là… cũng không có vấn đề gì cả, là tớ ngại tí thôi, mấy bạn trong lớp toàn đi xe máy, có bạn tỉnh lẻ phải chen lấn trên xe buýt hết hơi mới đến được trường, nếu đỗ ô tô trước cổng trường tớ thấy ngại ngại sao ấy…”
“Có sao đâu nhỉ?” Tôi thắc mắc. “Cậu có nghĩ ngợi nhiều quá không?!”
“Ừ thì… thật ra cũng chẳng có gì, chủ yếu là… cậu hiểu tớ đúng không, tính tớ không thích phô trương.” Cô nhoẻn miệng cười ngượng nghịu, có lẽ câu hỏi làm sao dung hòa được chiếc xe Lexus với những người bạn thân nghèo khó đã thật sự khiến cô khó nghĩ.
Hóa ra là như vậy, phải thế chứ, tôi đã linh cảm không sai mà, nếu biết để ý kỹ thì ta sẽ tìm thấy đằng sau những chi tiết nho nhỏ là những câu chuyện rất thú vị và rất đáng nghe.
Tối hôm đó tôi là một nhân viên trông quán rất thiếu trách nhiệm, tâm hồn tôi dường như không còn gắn với thể xác nữa, nó đã bay bổng về lại góc phố thân thương chiều nay rồi, tôi đã xem nhiều cuộc thi hoa hậu, nhưng những câu trả lời ứng xử của những người đẹp đã đăng quang - với riêng tôi mà nói - đều thua hết câu trả lời của Lan trong buổi chiều cuối thu này rồi.
Tôi bồi hồi xao xuyến không thể yên vị được một chỗ, cứ đứng lên rồi lại ngồi xuống, ngồi xuống chưa ấm ghế đã lại đứng lên. Câu trả lời của cô, gương mặt hiền dịu của cô, đôi mắt nai của cô đã chinh phục hoàn toàn trái tim tôi rồi.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook