Ép Hôn Lấy Chồng Tàn Tật
-
39: Cơn Ác Mộng
Mấy ngày hôm nay, Ngọc thấy cả người mình chìm trong cảm xúc mệt mỏi.
Có những lúc hốt hoảng giữa đêm khuya, đến nỗi tỉnh dậy khi mồ hôi đã ướt đẫm.
Có những lúc đang đi học hay đi làm cũng chợt bần thần cả người.
Bà Diệp nói cô bị ám ảnh quá mức, sau khi đi khám ở bệnh viện thì được kê cho một vài liều thuốc an thần về nhà tĩnh dưỡng.
Khi đẩy cửa nhà, Ngọc nghe thấy tiếng nước tí tách vang lên trong phòng ngủ, mùi máu gay mũi tanh nồng cứ phảng phất trong phòng.
Bà Diệp vừa mới xuống xe cùng cô đã biến đâu mất, chỉ còn mình Ngọc mất phương hướng trong căn phòng rộng lớn.
Lăm lăm chiếc túi xách ở trên tay, Ngọc từ từ mở cánh cửa phòng chìm trong bóng tối ra.
Mùi máu tươi càng ngày càng nồng.
Ban nãy trời vừa mới sáng tỏ, mà bên ngoài đêm đã xuống từ bao giờ chẳng rõ.
Ánh trăng lồng qua khe cửa, một bóng người xoay lưng về phía Ngọc.
Hắn ta cao lớn, ngồi xổm dưới đất đang đâm vào thứ gì đó, tạo nên vài âm thanh ghê người.
Ngọc co rúm lại, gần như quên cả phản kháng.
Cô thấy người kia từ từ quay lại, đối diện với ánh mắt bàng hoàng của mình.
– Anh Nguyên!
Ngọc hét lên một tiếng, tay cô đập vào một người đang nằm kế bên.
Người đó cũng choàng dậy, đè chăn cho cô.
Đêm vẫn sâu thẳm, nhưng không còn căn phòng tối nhầy nhụa với mùi máu, không còn gương mặt man rợ kia.
Ngọc can đảm mở mắt, xua tan cảm giác sợ hãi vì cơn ác mộng.
Thì ra chỉ là giấc mơ.
Bên cô chỉ có tiếng lò sưởi chạy rầm rì và giọng nói lo lắng của Nguyên:
– Sao thế? Em nằm mơ thấy gì à?
– Em mơ thấy anh, đáng sợ lắm.
– Anh làm gì đâu mà đáng sợ? – Nguyên cười tếu đáp lại để hạ bớt không khi căng thẳng.
Ngọc mím môi không đáp, cô vẫn nhớ rõ ràng giấc mơ vừa rồi.
Khi người đàn ông kia quay lại, thứ cô thấy là khuôn mặt của Nguyên.
Đôi mắt anh đục ngầu, và máu thì bắn đầy trên mặt.
Anh lúc đó không còn sự ấm áp thường nhật, chỉ khiến cho cô sợ hãi, cảm giác sợ hãi đến từ linh hồn.
Tuy không phải người mê tín, nhưng Ngọc vẫn không yên tâm chút nào cả.
Người ta nói những người phụ nữ bước vào một mối quan hệ thường lo được lo mất.
Có lẽ cô cũng vậy.
– Mấy ngày hôm nay anh cẩn thận một chút, nhất là lúc nào ra ngoài.
Chú Minh với thím Thanh bây giờ cứ nhìn thấy anh là kích động.
Em sợ họ làm ra cái gì đó…
Điều Ngọc lo lắng chẳng phải thừa thãi, tính riêng bà Thanh đã là người khó đối phó ở trong nhà này.
Bà ấy chẳng nói lý gì cả, ngay khi Tùng bị giải đi, không thèm quan tâm con trai mình mắc tội gì.
Điều đầu tiên bà ấy làm là gào rú lên, chỉ trích Nguyên vì tài sản hãm hại em trai, mắng nhiếc Ngọc làm khốc hại tình cảm gia đình.
Ngọc và bà Diệp phải mất chín trâu hai hổ mới kéo được thím Thanh ra khỏi người Nguyên.
Lúc ấy, một bên mặt anh bị bà cào rách, đến giờ cô nhớ lại vẫn thấy đau lòng.
Còn chú Minh, người chú ăn chơi trác táng không thèm lo gì cho gia đình đã trở về từ hôm qua.
Ông ấy chỉ bỏ lại cho Nguyên một câu:
– Con hơn cha là nhà có phúc.
Giờ mày còn tống cả em mày vào tù cơ à?
Nguyên chỉ thong dong đáp lại chú:
– Cháu cũng cảm thấy thế đó ạ.
Nếu ngày xưa bố cháu nhẫn tâm hơn một chút thì chuyện này đã không xảy ra rồi, nói đúng hơn là không còn cơ hội để xảy ra.
– Miệng lưỡi khá lắm.
Nhớ lại không khí căng thẳng giữa hai người, Ngọc nhận ra người chú này cũng là một đống lửa âm ỉ cháy, sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào.
Nguyên những lúc thế này vẫn là chỗ dựa vững chắc.
Anh để cô tựa đầu vào vai mình, khẽ xoa:
– Giờ là bốn giờ sáng, hai tiếng nữa mình chuyển nhà rồi.
Sau này chúng ta không cần phải đau đầu vì nhà kia nữa.
Dạo này em nhạy cảm quá.
Hay mai anh đưa em đi khám xem nhé.
– Thôi, anh cứ lo việc của công ty đi.
Em với mẹ đi là được rồi.
Mẹ dạo này cũng hay đau đầu, mấy hôm nữa có thì giờ em đưa mẹ đi khám rồi có gì về nói với anh.
– Cũng được.
Mấy hôm nữa Tuấn Kiệt cũng nghỉ phép, để anh bảo nó đưa hai người đi.
– Cậu ấy là công an cũng bận mà.
Đâu thể lúc nào cũng làm phiền được.
– Nó thích vậy, không cần bận lòng đâu, nó cũng chẳng thiếu thời gian mà.
Hai người cứ thế nằm trong chăn nói chuyện với nhau hết câu này đến câu kia, cho đến khi trời bắt đầu sáng hẳn.
Con gà cảnh của bà Diệp gáy sang sảng, Ngọc cũng rời giường.
Bà Diệp và Nguyên đã chào tạm biệt ông Nghiêm từ tối hôm qua.
Khi nghe con dâu và cháu trai đến chào, hoặc cũng có thể do Tùng vừa mới bị bắt, ông Nghiêm như già đi mười tuổi.
Ông không chống gậy, mà cứ đập đầu gậy xuống ghế than:
– Tại sao mọi chuyện lại trở thành như thế này? Rõ ràng chúng nó là người nhà, là một gia đình.
– Nhưng thôi, đều là nghiệp cả.
Đều là nghiệp cả.
Ba mươi năm hơn sống chung một mái nhà, sau hết thảy chỉ còn tiếng thở dài bất lực ấy.
Một số đồ đạc quan trọng đã chuyển sang mới từ hôm nọ, tính ra hôm nay ba người cũng chẳng phải thu dọn gì cả, chỉ đơn giản chọn ngày làm thủ tục mà thôi.
Ngọc nhìn Nguyên đứng tần ngần trước căn phòng khách, biết rằng anh đang nhớ những kỷ niệm ngày xưa.
– Nếu anh thấy buồn, hay chúng ta không đi nữa?
– Ngốc thế.
Ai chẳng buồn chứ.
Nhưng mà anh thấy, anh cũng không thấy nuối tiếc nơi này như anh từng nghĩ.
Ngọc luồn tay mình vào tay người đàn ông:
– Sau này anh ở đâu, chúng ta có kỷ niệm đẹp đẽ ở đó.
Chúng ta sẽ có một mái nhà thật sự.
– Ừm.
Mọi người trong nhà đã lục tục dậy, cứ ngó nghiêng sang bên này.
Không ít lần cô nghe thấy người làm bàn tán rằng nhà mình đấu không lại gia đình thím Thanh nên mới phải bỏ đi.
Chứ bình thường ai ngu dốt từ bỏ cả căn biệt thự xa hoa này chứ? Ngọc chỉ cười trừ, để mặc bọn họ nghĩ thế nào thì nghĩ.
– Có cần báo với ông chủ không ạ? – Thím Duyên len lén hỏi bà Diệp.
– Thôi, bố tôi lớn tuổi rồi đừng kinh động ông.
Mọi người giúp tôi chăm sóc ông thật tốt là được.
Bà vừa nói xong thì chú Phước lái xe bước vào, giúp bà khệ nệ ôm mấy bức tượng đồ cổ ra ngoài.
Bà Diệp vội kêu lên:
– Cẩn thận trật khớp đó, nặng lắm.
– Không sao, thân già này của tôi vẫn còn dẻo dai lắm.
Hai người cùng nhìn nhau cười, Ngọc theo dõi từ nãy giờ, thấy nụ cười này của họ trông rất lạ.
Cô nhớ lại mấy lần bà Diệp còn nói chuyện riêng với chú Phước rất vui vẻ.
– Mẹ không phải là…?
Cô bỏ ngỏ câu hỏi, quay sang nhìn Nguyên.
Có lẽ anh đã biết rồi, cứ cười tủm tỉm.
– Mẹ anh hồi bố còn sống cũng vui vẻ như thế này.
Ngọc nghe thế đã hiểu.
Cô cũng không hỏi thêm mà chạy đến đỡ một bức tượng cho chú Phước.
Tất nhiên ông rối rít từ chối mà Ngọc vẫn cương quyết ôm ra.
Bà Diệp nhắc:
– Cứ để nó xách cho ông đi.
Tuổi trẻ sức rộng lo gì.
Còn Nguyên nữa, đứng đó để vợ con một mình vác nặng hả?
– Đây con ra đây.
– Đến ôm đồ anh cũng tranh với em nữa hả?
– Mẹ nói chứ anh đâu muốn đâu.
Hai người cứ câu qua câu lại cho đến khi ra khỏi cổng.
Đặt toàn bộ đồ đạc lên chiếc xe của công ty dọn nhà xong, Ngọc mới quay lại nhìn về căn biệt thự mà mình đã sinh sống trong suốt hai tháng qua.
Có lẽ cô sẽ nhớ nơi gắn bó với bao nhiêu kỉ niệm này nhưng không hề tiếc nuối nó.
Rời khỏi cái lồng trói buộc này, tất cả mọi người đều có cuộc sống mới muôn màu muôn vẻ.
Thật tốt..
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook