Duyên
Quyển 6 - Chương 4: Cao quá đời ghen, sạch quá đời hiềm

Đời khó dung

Lan ví chất, tiên ví tài,

Chỉ hiềm cô tịch, tính trời bẩm sinh.

Cho là ăn thịt hôi tanh,

Lụa the, là lượt coi khinh không thèm.

Biết đâu cao quá đời ghen,

Biết đâu sạch quá đời khen ru mà.

Đàn xanh, đền cổ, người già,

Uổng công trang điểm, xuân đà kém xuân!

Ngán cho cái kiếp phong trần,

Sau này cũng lại xấu dần mãi đi.

Ngọc kia bùn trát đen sì,

Vương tôn công tử còn gì là duyên.

Tào Tuyết Cần

Vào một chiều biếng nhác, pha một bình trà xanh, nhàn nhã thưởng thức. Lặng lẽ nhìn những hạt bụi bay phơ phất dưới ánh mặt trời, lọt qua khung cửa sổ, đậu xuống lòng bàn tay hay mu bàn tay, nhỏ nhoi như thế, bé mọn như thế, êm dịu như thế. Tôi tin rằng, trên đời này, muốn tìm một người cùng bạn thưởng trà rất sẵn, nhưng muốn tìm một người cùng đếm từng phút giây qua thì lại hết sức hiếm hoi. Dòng đời tất bật, biết bao người cam lòng giữ lấy hiện tại yên ổn, sinh mệnh cằn cỗi mà buông bỏ những thời cơ vừa nhìn xuống là trôi đi mất, những duyên phận hễ quay người sẽ lỡ làng nhau. Chỉ giữ lấy một chén trà trong, một người con gái bình dị, không tranh không đoạt mà qua một đời.

Đây chẳng qua là trà trong chén của tôi, một chén trà giữa thế tục, song cũng là ý tưởng tôi cam nguyện. Mỗi khi thưởng trà, lại nhớ đến một người con gái cô tịch, bị phong ấn trong cuốn "Hồng Lâu Mộng". Tựa hồ trong một đêm sáng trăng nào đó, cô sẽ từ trong sách thong thả bước ra, cùng tôi tĩnh tọa, tham ngộ một quãng thời gian bồ đề.

Trong "Hồng Lâu Mộng", những tình tiết liên quan đến Diệu Ngọc không nhiều, nhưng vỏn vẹn mấy đoạn ngắn ấy, lại khiến người ta nhớ mãi chẳng quên. Cô tới thưởng thức chén trà thế gian với một tấm lòng thanh khiết, song cuối cùng vì cao quá mà đời ghen, sạch quá nên đời hiềm. Khởi đầu của Diệu Ngọc như một đóa lan u tĩnh, trang nhã ngát hương. Nhưng kết cục của cô lại cũng như những người khác trên thế gian, sa xuống bụi trần, giống câu thơ mà cô ưa thích nhất: Cửa sắt nghìn năm dầu vững chắc, đất bùn một nắm cũng chôn vùi.

Trong "Hồng Lâu Mộng" cũng không trình bày rõ ràng về lai lịch của Diệu Ngọc. Ở hồi thứ mười tám, Lâm Chi Hiếu nói: "Bên ngoài có một ni cô để tóc tu hành, vốn là người Tô Châu, dòng dõi nhà quan. Sinh ra cô gái này từ nhỏ đã ốm yếu, mua bao nhiêu hình nhân thế mạng cũng chẳng ích gì, rốt cuộc đành để cô ta vào chùa đi tu, mới khỏi được bệnh tật, thế nên cô ta để tóc tu hành..." Một người con gái khí chất sánh lan, tài hoa như tiên làm vậy, lại vì từ nhỏ lắm bệnh, bước vào cửa Không, rồi bởi duyên phận đẩy đưa mà đến phủ Giả. Cô để tóc tu hành, có thể thấy trần duyên chưa dứt. Ưa văn chương Trang Tử, đủ thấy đã nhìn thấu thế sự, mang tư tưởng vượt ra ngoài cõi tục của ông. Cô sống giữa vườn Đại Quan rợp liễu rộ hoa, nhưng lại chỉ thích am Lũng Thúy nằm trong một góc nhỏ yên tĩnh.

Diệu Ngọc là người tịch mịch, chỉ bằng lòng giao lưu với vạn vật chúng sinh trong trầm mặc, lấy kinh Phật Phạn âm để thay thế. Có lẽ chúng ta cũng không biết được, có lúc, lòng một người có thể khô cằn tới đỗi chẳng có nổi mảy đất cho một cọng cỏ mọc, chẳng có nổi một giọt nước để tưới một đóa hoa nhỏ. Cô chính là một người như vậy, an tĩnh mà cô tịch, trú trong am Lũng Thúy. Ngắm mấy mùa hồng mai nở rồi đột ngột biến mất, không rõ tung tích, trước khi dinh thự nguy nga của phủ Giả sụp đổ. Phủ Giả rộng lớn, tuy có mấy người hợp với cô, nhưng suy cho cùng cũng không phải khăng khít. Một người là Hình Tụ Yên, thuở nhỏ từng làm hàng xóm của cô, Diệu Ngọc dạy Tụ Yên đọc sách viết chữ, giữa cô và Hình Tụ Yên chỉ có nghĩa thầy trò. Một là Tích Xuân, cô gái giản dị trong vườn Đại Quan, có lẽ vì sự đơn giản ấy, nên Diệu Ngọc mới sẵn lòng thân cận. Tiếc rằng lịch duyệt của Tích Xuân có hạn, thiếu mất vài phần linh khí, nên Diệu Ngọc chỉ có thể cùng Tích Xuân chơi cờ giảng kinh, chứ không thể giao cảm tâm hồn. Còn một người có thể tâm linh tương thông với cô, chính là Đại Ngọc, song cả hai đều là hạng cô tịch cao khiết, nên nỗi mến mộ đồng cảm ấy chỉ giấu trong đáy lòng, không tùy tiện bộc lộ. Nếu nói Diệu Ngọc còn một đoạn tình duyên dang dở, thì chính là với Bảo Ngọc. Nhưng dẫu sao cô cũng sống trong am Lũng Thúy, là một bậc cao nhân không qua lại với người đời, dù Bảo Ngọc đem lòng ái mộ cô, cũng chỉ có thể kính nhi viễn chi, thanh kiếm hồng trần này quá sắc bén, quá lạnh lẽo, hễ sơ sểnh lập tức bị thương máu chảy đầm đìa. Vì bản thân và cũng vì người mình yêu, khoảng cách chính là bến cảng an toàn. Diệu Ngọc như một đóa lan u tĩnh, bằng vẻ cao nhã và thanh khiết của mình, tô điểm thêm cho phủ Giả vài phần ý vị siêu nhiên. Ngày ấy, Giả mẫu dẫn già Lưu cùng cả đám người tới am Lũng Thúy thưởng trà. Cô mời riêng Bảo Ngọc, Đại Ngọc và Bảo Thoa tới, đem nước tuyết trên hoa mai lấy được từ chùa Huyền Mộ Bàn Hương năm năm trước ra pha trà, cùng nhau thưởng thức, còn nhấn mạnh về sự trân quý của nước tuyết này, chỉ chứa đầy một lọ hoa xanh, chôn xuống đất, xưa nay vẫn tiếc không nỡ dùng, hôm nay mới là lần thứ hai đem pha trà. Từ xưa gảy đàn viết chữ đều phải tìm tri âm, thưởng trà cũng vậy. Tấm lòng cao khiết, đương nhiên cũng phải cùng người cao khiết thưởng thức quỳnh tương ngọc dịch, mới thấm được hương thơm nhã khiết và ý vị thanh tịnh vô cùng trong chén trà. Ngay những đồ thưởng trà Diệu Ngọc lấy ra món nào món nấy cũng quý hiếm tinh xảo. Chén đựng trà cô dành cho Đại Ngọc và Bảo Thoa càng là cực phẩm nhân gian. Tuy cô thanh cao cô độc, song vẫn có lòng mến mộ hai người con gái tài mạo xuất chúng nhất vườn Đại Quan này.

Cô lấy chiếc chén ngọc xanh hằng ngày mình vẫn dùng rót trà cho Bảo Ngọc, đủ thấy thiếu nữ sáng trong như ngọc này có tình cảm với thiếu niên xương thịt thanh khiết ấy. Còn một lần nữa, Bảo Ngọc đội gió tuyết đến am Lũng Thúy xin cành hồng mai. Đại Ngọc có vẻ rất hiểu Diệu Ngọc, nói rằng nếu có người đi theo, nhất định Diệu Ngọc không cho, chỉ mình Bảo Ngọc đích thân đi mới xin được. Trước mặt hai người Bảo Thoa Đại Ngọc, Diệu Ngọc cũng chẳng tránh tị hiềm, cho Bảo Ngọc uống bằng chén của mình, đủ thấy nội tâm thanh tịnh cao khiết, chẳng cần giấu giếm. Đại Ngọc vốn thói đa nghi lại yên tâm về Diệu Ngọc như vậy, là bởi nàng hiểu nhân cách Diệu Ngọc, biết rõ tính tình cô. Song duyên phận đều có định sẵn, không phải muốn duyên phận phát triển thế nào thì nó sẽ phát triển thế đó. Diệu Ngọc và Bảo Ngọc chỉ có chút cảm tình ngày cũ, giấu kín tận đáy lòng, không thể phơi bày dưới ánh dương, một khi lộ ra, lập tức tan biến.

Hằng ngày Diệu Ngọc chỉ ở trong am Lũng Thúy thưởng trà tụng kinh, bỏ lỡ sắc xuân muôn hồng nghìn tía trong vườn Đại Quan, cũng bỏ lỡ cả thú thanh nhàn lập thi xã của các chị em. Những Đào Hoa xã, vịnh cúc hoa, ngâm hải đường, đều chẳng thấy bóng dáng vị tài nữ ấy. Thơ từ của cô chỉ tản mác dưới ngọn đèn lẻ loi quạnh quẽ, trao đổi nỗi tịch liêu với hoa sen. Song Tào Tuyết Cần vẫn để chúng ta được thưởng thức tài hoa tuyệt thế của cô, trong đoạn Đại Ngọc và Tương Vân nối thơ sầu tịch mịch ở quán Ao Tinh. Khi Tương Vân ngâm: "Cò rò bóng hạc bên ghềnh", Đại Ngọc nối: "Hồn hoa chôn chặt dưới vành trăng trong", bị Diệu Ngọc ra ngoài tản bộ ngắm trăng nghe được, nhận xét rằng tuy câu thơ hay nhưng quá đỗi thê lương, vì thơ có liên quan đến khí số con người ta, nên bước ra ngăn lại. Đoạn mời hai người về am Lũng Thúy uống trà, đồng thời viết tiếp bài thơ tức cảnh nối câu của họ: "Đỉnh vàng nghi ngút hương nồng,

Long lanh châu ngọc như lồng màu son.

...

Này chùa Lũng Thuý hồi chuông,

Đạo Hương gà đã gáy dồn xóm kia.

Vui lên buồn mãi làm chi?

Không sầu còn phải nghĩ gì vẩn vơ?

Tình riêng ta chỉ biết ta,

Thú vui sao phải nhỏ to cùng người!

Canh tàn chớ bảo mệt rồi,

Pha trà ta hãy rốn ngồi bàn thơ."

Đại Ngọc thường ngày tài tình quán tuyệt phải ca tụng Diệu Ngọc là Thi tiên. Đủ thấy viên ngọc ấy, dù phủ một lớp bụi trần qua năm tháng, cũng không che mờ được vẻ hoa lệ.

Kết cục của Diệu Ngọc trước sau vẫn là một bí ẩn, có người nói cô bị giặc cướp bắt đi, sa vào ngõ liễu tường hoa. Người lại nói, cô lưu lạc đến bến Qua Châu, má hồng phải lụy bộ xương khô, gả cho một ông già. Dù gặp phải kết cục nào, thì viên ngọc sáng ấy đã định sẵn phải rơi xuống bùn nhơ. Dường như vận mệnh luôn gia tăng hình phạt với quá khứ của con người. Diệu Ngọc từng khó chịu vì già Lưu dùng chén của mình. Không phải cô tham giàu chê nghèo, mà bởi tấm lòng cô quá đỗi cao khiết, không biết phải dùng cách nào để duy trì sự thanh khiết của nội tâm. Cô sợ mình phạm sai sót nào đó, không cẩn thận sẽ bị cuốn theo dòng nước, lòng kiêu ngạo tự tôn ấy không chấp nhận được sự khinh nhờn. Cũng như bạn xa lánh, căm ghét một sự vật nào đó, sẽ bị vận mệnh trừng phạt. Chén trà cuộc đời của Diệu Ngọc, càng uống càng lạnh, uống đến đóng băng cả cõi lòng. Một tấm lòng lạnh buốt, có lẽ chẳng cần nhiều củi lửa, để hơ ấm, chỉ cần lá đỏ mùa này. Có điều hồng trần mù mịt, biển người mênh mang, ai có thể nhặt hết lá đỏ đầy núi để sưởi ấm cho cô?

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương