Dưới Nắng Trời Châu Âu
-
Chương 9: Hà Lan: AMSTERDAM - Mộc mạc, trữ tình
THÁNG NĂM Ở CHÂU ÂU vẫn đang là mùa xuân nên thời tiết còn se lạnh. Mặc chiếc áo khoác mỏng, tôi và cô em họ lên chiếc xe buýt tới Amsterdam. Hai đứa dựa vào nhau ngủ một giấc ngon lành cho đến khi bị đánh thức bởi tiếng xì xào của những người đi cùng. Tôi dụi mắt và nhìn ra bên ngoài, một rừng hoa tulip rực rỡ đủ màu sắc trải dài suốt một quãng đường dài.
Hà Lan từ lâu đã nổi tiếng với những cối xay gió và những từng tulip đẹp mê hồn nhưng lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt rừng hoa đủ màu sắc, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Cứ đi được một đoạn tôi lại thấy những cánh đồng hoa lúc đỏ, lúc tím, lúc vàng, lúc đủ màu xen lẫn vào nhau. Những người trông coi những rừng hoa ấy chắc phải mất công lắm khi gieo những mầm trên mỗi luống hoa, để cho những người “qua đường” như chúng tôi được ngắm thỏa thích.
Khi xe dừng lại ở trước cửa nhà ga Amsterdam, ấn tượng đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là “thành phố gì mà bẩn thế, toàn rác là rác”. Không biết có phải vì đọc được nỗi thất vọng trong mắt tôi hay không mà người tài xế nhẹ nhàng giải thích rằng hôm qua là ngày cả đất nước Hà Lan ăn mừng sinh nhật Nữ Hoàng của họ nên người dân từ các tỉnh đổ về ăn uống, tiệc tùng, xả nhiều rác mà những người lao công chưa kịp dọn hết. Trên các ngôi nhà, những lá cờ Tổ quốc vẫn đang nối đuôi nhau bay bay trong gió. Tôi liền thở phào nhẹ nhõm.
Amsterdam làm một thành phố nhỏ nhưng rất đẹp. Có những đoạn đường cực kỳ đông đúc nhưng mọi người thân thiện, không ai càu nhàu hay tỏ ra khó chịu khi chẳng may va chạm vào nhau. Mọi người cùng tận hưởng một ngày nghỉ thong thả. Đi dọc theo những con kênh tôi, mới thấy có lẽ người ta không ngoa khi ví Amsterdam là Venice ở phương Bắc. Tôi không biết có mấy chục cây cầu bắc qua dòng sông Amsel và những con kênh xanh biếc, cứ đi qua một cây cầu là tôi lại dừng lại và chụp một bức ảnh làm kỉ niệm. Những cây cầu nhìn xa có vẻ giống nhau, vì bên cạnh thành cầu nào cũng toàn xe đạp là xe đạp nhưng khi tới gần thì mỗi cây cầu lại có một vẻ đẹp riêng.
Trên những cây cầu, xe đạp dựng san sát nhau. Lúc đầu, tôi nghĩ người ta dựng để làm cảnh nhưng hỏi ra mới biết người dân ở đây ưa dùng xe đạp để bảo vệ môi trường. Tôi hỏi cô em gái đi cùng: “Không biết người ta khóa xe như thế này, để qua đêm có bị mất không nhỉ?” Em tôi vu vơ đáp: “Chắc chẳng ai lấy đâu!” Sau này, bạn tôi kể rằng chuyện mất xe đạp ở Amsterdam tuy không là cơm bữa, nhưng cũng là cơm tuần, lúc đó tôi mới hiểu tại sao trên đường đến nhà ga thành phố, chúng tôi lại thấy có một trụ sở trông gửi xe đạp hoành tráng như vậy.
Có thể nói rằng, đường Dam là trục đường chính với những hình ảnh được coi là không thể thiếu của Amsterdam. Tôi thấy một cảm giác dễ chịu khi đi bộ dọc theo những ngôi nhà và những khu phố với rất nhiều cây xanh và những con kênh bé nhỏ xinh đẹp. Những chiếc thuyền gỗ lớn nhỏ đưa du khách dạo chơi dọc theo kênh, tôi chỉ đứng trên ngắm họ thôi mà cũng thấy thật bình yên. Dường như tôi thấy Amsterdam sống thật chậm, chậm trong từng nhịp thở và chậm trong cả những bước chân của kẻ đến, người đi. Một Amsterdam bình yên như thế, có lẽ chẳng ai nỡ bước quá nhanh.
Ở Amsterdam, những ngôi nhà trông rất giống nhau, việc tìm nhà ở đây có lẽ sẽ vất vả. Nhưng nếu nhìn kỹ thì mỗi ngôi nhà đều mang một vẻ đẹp riêng, tuy nhà nào cũng có những ô cửa xinh xinh giống nhau, nhưng ban công lại được thiết kế theo nhiều kiểu khác nhau. Nhà ở Amsterdam thường cao nhưng rất nhỏ, tôi rất thích ngắm những ngôi nhà nằm sát bên bờ kênh.
Bảo tàng Madame Tussauds là nơi trưng bày các tượng sáp người nổi tiếng: từ các nhân vật lịch sử, hoàng tộc đến những người nổi tiếng, ngôi sao điện ảnh, âm nhạc, thể thao cổ đại và đương đại. Đặc điểm nổi bật là những bức tượng này đều giống y chang bản gốc. Người ta có thể mua vé vào đây tha hồ chụp hình, cứ như thể được đứng cạnh người nổi tiếng ngoài đời vậy. Tòa nhà này là phiên bản của tòa nhà Madame Tussauds ở London.
Chúng tôi dừng chân ở Nhà thờ cổ Oude Kerk. Đây là nhà thờ lâu đời nhất của Amsterdam được xây dựng từ thế kỷ XV trên cơ sở một nhà thờ nhỏ có trước đó ba thế kỷ. Nhà thờ này bây giờ chỉ để cho khách tham quan. Điểm đặc biệt của nhà thờ là những ô cửa sổ cao, những bia mộ, mái vòm và những vật dụng trang trí từ thời Trung cổ. Phía dưới sàn nhà ghép bằng những tảng đá dài 2.500 huyệt mộ có khắc tên người chết hay đơn giản những con số.
Nhắc tới Amsterdam, người ta cũng không thể không nhắc đến phố đèn đỏ - nơi được cả thế giới biết đến là khu công khai hoạt động mại dâm hợp pháp, tồn tại từ thế kỷ XIV. Phố đèn đỏ được người Hà Lan gọi bằng tên: Gái bán hoa ngoài cửa sổ. Đây cũng là khu vực cổ nhất ở Amsterdam. Ban ngày, cuộc sống ở đây rất vắng vẻ, người ta không nghĩ là mình đang ở phố đèn đỏ, chỉ khi các cô gái đứng bên cửa sổ chào hàng thì họ mới nhận ra. Càng về khuya, khu phố càng náo nhiệt hơn, những tấm rèm bắt đầu được khép lại. Người ta không cho chụp hình ở đây, bởi thế nên khách du lịch chỉ có thể chụp trộm nhưng thông thường các cô gái cũng rất tinh mắt, khi họ phát hiện ra khách du lịch đưa máy ảnh lên thì họ lủi trốn sau tấm rèm, có những cô còn phản ứng bằng cách quát tháo, chửi bới.
Tôi trở lại Amsterdam một năm sau đó, cũng vào những ngày tháng Tư nắng đẹp cùng với những người bạn thân của mình. Amsterdam vẹn nguyên như thế, vẫn là những con kênh xanh xanh, những chiếc thuyền chở khách đi dạo, vẫn những cửa hàng lưu niệm lớn nhỏ nối đuôi nhau với những đôi guốc gỗ xinh xắn. Tôi cũng mua một đôi guốc nhỏ về làm quà cho cô em. Người ta kể lại rằng, khi xưa người Hà Lan đi guốc để đề phòng bò dẫm vào khi đi vắt sữa và cũng để tránh cho đôi chân khỏi bị ướt nếu phải đi qua đầm lầy. Nhưng bây giờ thì trong bất cứ cửa hàng lưu niệm nào người ta cũng thấy những đôi guốc gỗ lớn nhỏ được trưng bày. Thậm chí, trên những con phố lớn để khách du lịch có thể ngồi vào đó để chụp hình.
Cũng một lần trở lại Amsterdam này, chúng tôi được một người bạn sống nhiều năm ở Leiden dẫn đi thăm vườn hoa Keukenhof. Từ Amsterdam, đi xe lửa tới Leiden chỉ khoảng hơn 30 phút và sau đó đi xe buýt thêm một đoạn nữa là tới vườn hoa trứ danh này. Với diện tích khá lớn nên để đi xem cả khu vườn này, người ta có thể mất đến một ngày. Những bông hoa đua sắc màu rực rỡ nhưng nổi bật nhất vẫn là những rừng tulip với đủ mọi sắc màu ngút ngàn. Khách du lịch cũng có thể đi du thuyền trên những con kênh nhỏ hay thuê xe đạp để tham quan rừng hoa ngay bên cạnh đó. Trong công viên hoa này còn có cả những ngôi nhà kính. Bạn có thể vào đó chiêm ngưỡng những bông hoa lan nhiều màu sắc hay xem cách người ta dạy cắm hoa. Thật đáng tiếc nếu bạn đến Hà Lan mà bỏ qua vườn hoa danh tiếng này. Đôi khi, tôi cũng hay tự hỏi: “Amsterdam sẽ thế nào nếu như không có hoa tulip?” Thật khó có câu trả lời, bởi dường như khi nhắc tới Amsterdam là người ta nghĩ ngay đến hoa tulip và ngược lại.
Rời Amsterdam vào buổi chiều nắng đẹp, sau những ngày lang thang nơi ấy, tôi vẫn còn luyến tiếc thủ đô này vô cùng. Amsterdam in đậm trong ký ức tôi về những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng bên những con kênh xanh xanh với những chiếc cầu thơ mộng nối đuôi nhau, những con đường với những bàn chân bước chậm và nhẹ nhàng. Amsterdam với tôi không chỉ là thủ đô của Hà Lan mà còn là một thành phố thơ mộng, lãng mạn và đầy quyến rũ.
Hà Lan từ lâu đã nổi tiếng với những cối xay gió và những từng tulip đẹp mê hồn nhưng lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt rừng hoa đủ màu sắc, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Cứ đi được một đoạn tôi lại thấy những cánh đồng hoa lúc đỏ, lúc tím, lúc vàng, lúc đủ màu xen lẫn vào nhau. Những người trông coi những rừng hoa ấy chắc phải mất công lắm khi gieo những mầm trên mỗi luống hoa, để cho những người “qua đường” như chúng tôi được ngắm thỏa thích.
Khi xe dừng lại ở trước cửa nhà ga Amsterdam, ấn tượng đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là “thành phố gì mà bẩn thế, toàn rác là rác”. Không biết có phải vì đọc được nỗi thất vọng trong mắt tôi hay không mà người tài xế nhẹ nhàng giải thích rằng hôm qua là ngày cả đất nước Hà Lan ăn mừng sinh nhật Nữ Hoàng của họ nên người dân từ các tỉnh đổ về ăn uống, tiệc tùng, xả nhiều rác mà những người lao công chưa kịp dọn hết. Trên các ngôi nhà, những lá cờ Tổ quốc vẫn đang nối đuôi nhau bay bay trong gió. Tôi liền thở phào nhẹ nhõm.
Amsterdam làm một thành phố nhỏ nhưng rất đẹp. Có những đoạn đường cực kỳ đông đúc nhưng mọi người thân thiện, không ai càu nhàu hay tỏ ra khó chịu khi chẳng may va chạm vào nhau. Mọi người cùng tận hưởng một ngày nghỉ thong thả. Đi dọc theo những con kênh tôi, mới thấy có lẽ người ta không ngoa khi ví Amsterdam là Venice ở phương Bắc. Tôi không biết có mấy chục cây cầu bắc qua dòng sông Amsel và những con kênh xanh biếc, cứ đi qua một cây cầu là tôi lại dừng lại và chụp một bức ảnh làm kỉ niệm. Những cây cầu nhìn xa có vẻ giống nhau, vì bên cạnh thành cầu nào cũng toàn xe đạp là xe đạp nhưng khi tới gần thì mỗi cây cầu lại có một vẻ đẹp riêng.
Trên những cây cầu, xe đạp dựng san sát nhau. Lúc đầu, tôi nghĩ người ta dựng để làm cảnh nhưng hỏi ra mới biết người dân ở đây ưa dùng xe đạp để bảo vệ môi trường. Tôi hỏi cô em gái đi cùng: “Không biết người ta khóa xe như thế này, để qua đêm có bị mất không nhỉ?” Em tôi vu vơ đáp: “Chắc chẳng ai lấy đâu!” Sau này, bạn tôi kể rằng chuyện mất xe đạp ở Amsterdam tuy không là cơm bữa, nhưng cũng là cơm tuần, lúc đó tôi mới hiểu tại sao trên đường đến nhà ga thành phố, chúng tôi lại thấy có một trụ sở trông gửi xe đạp hoành tráng như vậy.
Có thể nói rằng, đường Dam là trục đường chính với những hình ảnh được coi là không thể thiếu của Amsterdam. Tôi thấy một cảm giác dễ chịu khi đi bộ dọc theo những ngôi nhà và những khu phố với rất nhiều cây xanh và những con kênh bé nhỏ xinh đẹp. Những chiếc thuyền gỗ lớn nhỏ đưa du khách dạo chơi dọc theo kênh, tôi chỉ đứng trên ngắm họ thôi mà cũng thấy thật bình yên. Dường như tôi thấy Amsterdam sống thật chậm, chậm trong từng nhịp thở và chậm trong cả những bước chân của kẻ đến, người đi. Một Amsterdam bình yên như thế, có lẽ chẳng ai nỡ bước quá nhanh.
Ở Amsterdam, những ngôi nhà trông rất giống nhau, việc tìm nhà ở đây có lẽ sẽ vất vả. Nhưng nếu nhìn kỹ thì mỗi ngôi nhà đều mang một vẻ đẹp riêng, tuy nhà nào cũng có những ô cửa xinh xinh giống nhau, nhưng ban công lại được thiết kế theo nhiều kiểu khác nhau. Nhà ở Amsterdam thường cao nhưng rất nhỏ, tôi rất thích ngắm những ngôi nhà nằm sát bên bờ kênh.
Bảo tàng Madame Tussauds là nơi trưng bày các tượng sáp người nổi tiếng: từ các nhân vật lịch sử, hoàng tộc đến những người nổi tiếng, ngôi sao điện ảnh, âm nhạc, thể thao cổ đại và đương đại. Đặc điểm nổi bật là những bức tượng này đều giống y chang bản gốc. Người ta có thể mua vé vào đây tha hồ chụp hình, cứ như thể được đứng cạnh người nổi tiếng ngoài đời vậy. Tòa nhà này là phiên bản của tòa nhà Madame Tussauds ở London.
Chúng tôi dừng chân ở Nhà thờ cổ Oude Kerk. Đây là nhà thờ lâu đời nhất của Amsterdam được xây dựng từ thế kỷ XV trên cơ sở một nhà thờ nhỏ có trước đó ba thế kỷ. Nhà thờ này bây giờ chỉ để cho khách tham quan. Điểm đặc biệt của nhà thờ là những ô cửa sổ cao, những bia mộ, mái vòm và những vật dụng trang trí từ thời Trung cổ. Phía dưới sàn nhà ghép bằng những tảng đá dài 2.500 huyệt mộ có khắc tên người chết hay đơn giản những con số.
Nhắc tới Amsterdam, người ta cũng không thể không nhắc đến phố đèn đỏ - nơi được cả thế giới biết đến là khu công khai hoạt động mại dâm hợp pháp, tồn tại từ thế kỷ XIV. Phố đèn đỏ được người Hà Lan gọi bằng tên: Gái bán hoa ngoài cửa sổ. Đây cũng là khu vực cổ nhất ở Amsterdam. Ban ngày, cuộc sống ở đây rất vắng vẻ, người ta không nghĩ là mình đang ở phố đèn đỏ, chỉ khi các cô gái đứng bên cửa sổ chào hàng thì họ mới nhận ra. Càng về khuya, khu phố càng náo nhiệt hơn, những tấm rèm bắt đầu được khép lại. Người ta không cho chụp hình ở đây, bởi thế nên khách du lịch chỉ có thể chụp trộm nhưng thông thường các cô gái cũng rất tinh mắt, khi họ phát hiện ra khách du lịch đưa máy ảnh lên thì họ lủi trốn sau tấm rèm, có những cô còn phản ứng bằng cách quát tháo, chửi bới.
Tôi trở lại Amsterdam một năm sau đó, cũng vào những ngày tháng Tư nắng đẹp cùng với những người bạn thân của mình. Amsterdam vẹn nguyên như thế, vẫn là những con kênh xanh xanh, những chiếc thuyền chở khách đi dạo, vẫn những cửa hàng lưu niệm lớn nhỏ nối đuôi nhau với những đôi guốc gỗ xinh xắn. Tôi cũng mua một đôi guốc nhỏ về làm quà cho cô em. Người ta kể lại rằng, khi xưa người Hà Lan đi guốc để đề phòng bò dẫm vào khi đi vắt sữa và cũng để tránh cho đôi chân khỏi bị ướt nếu phải đi qua đầm lầy. Nhưng bây giờ thì trong bất cứ cửa hàng lưu niệm nào người ta cũng thấy những đôi guốc gỗ lớn nhỏ được trưng bày. Thậm chí, trên những con phố lớn để khách du lịch có thể ngồi vào đó để chụp hình.
Cũng một lần trở lại Amsterdam này, chúng tôi được một người bạn sống nhiều năm ở Leiden dẫn đi thăm vườn hoa Keukenhof. Từ Amsterdam, đi xe lửa tới Leiden chỉ khoảng hơn 30 phút và sau đó đi xe buýt thêm một đoạn nữa là tới vườn hoa trứ danh này. Với diện tích khá lớn nên để đi xem cả khu vườn này, người ta có thể mất đến một ngày. Những bông hoa đua sắc màu rực rỡ nhưng nổi bật nhất vẫn là những rừng tulip với đủ mọi sắc màu ngút ngàn. Khách du lịch cũng có thể đi du thuyền trên những con kênh nhỏ hay thuê xe đạp để tham quan rừng hoa ngay bên cạnh đó. Trong công viên hoa này còn có cả những ngôi nhà kính. Bạn có thể vào đó chiêm ngưỡng những bông hoa lan nhiều màu sắc hay xem cách người ta dạy cắm hoa. Thật đáng tiếc nếu bạn đến Hà Lan mà bỏ qua vườn hoa danh tiếng này. Đôi khi, tôi cũng hay tự hỏi: “Amsterdam sẽ thế nào nếu như không có hoa tulip?” Thật khó có câu trả lời, bởi dường như khi nhắc tới Amsterdam là người ta nghĩ ngay đến hoa tulip và ngược lại.
Rời Amsterdam vào buổi chiều nắng đẹp, sau những ngày lang thang nơi ấy, tôi vẫn còn luyến tiếc thủ đô này vô cùng. Amsterdam in đậm trong ký ức tôi về những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng bên những con kênh xanh xanh với những chiếc cầu thơ mộng nối đuôi nhau, những con đường với những bàn chân bước chậm và nhẹ nhàng. Amsterdam với tôi không chỉ là thủ đô của Hà Lan mà còn là một thành phố thơ mộng, lãng mạn và đầy quyến rũ.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook