Dưới Nắng Trời Châu Âu
Chương 13: Phần Lan: HELSINKI - Đi rồi nhớ

TÔI CÓ MẤY NGƯỜI ĐỒNG nghiệp Đức đi Bắc Âu về khen lấy khen để Stockholm và Oslo, nhưng khi tôi hỏi về Helsinki họ đều lắc đầu và bảo chưa đi mà đánh giá vì “thành phố đó không có gì đặc biệt.” Thật ra nếu chưa đi mà đánh giá như vậy thì tôi thấy oan và tội nghiệp cho Helsinki quá, vì mỗi người đều có tiêu chuẩn riêng cho những điều mà họ cho là đặc biệt. Dẫu vậy, tôi vẫn không dám kì vọng quá nhiều vào thành phố này và tới Helsinki không bằng tất cả niềm háo hức, nhưng khi trở về, lại da diết nhớ mong.

Helsinki vào những đầu tháng Chín, thời tiết rất đẹp và vô cùng dễ chịu. Nắng trải dài trên những vòm cây và nước lóng lánh một màu óng ả. Helsinki đẹp, cái đẹp dịu dàng của một cô thôn nữ, không kiêu sa mà vẫn nồng nàn. Những ngày ở đây, tôi may mắn có được sự quan tâm, yêu thương và quý mến của Sara, Thảo và Dung. Dù mới chỉ gặp tôi lần đầu nhưng những cô gái Hải Phòng tốt bụng ấy đã tiếp đón tôi bằng tất cả sự chân thành. Sara thậm chí còn xin nghỉ việc suốt cả một tuần để đưa tôi đi chơi, nào là Helsinki, Tampere, Turku, Tallinn… Sau này khi về lại Đức, thỉnh thoảng tôi vẫn thường hay ngồi một mình, nhớ lại và mỉm cười về những ngày tươi đẹp ở đất nước phương Bắc ấy.

Tôi nhớ những buổi chiều cùng Sara hẹn hò với Vy và Nhàn rồi cùng nhau lang thang trên những con phố trải dài ở Helsinki, ghé thăm Nhà thờ Trắng – biểu tượng của thành phố, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đức Carl Ludwig Engel. Bên trong nhà thờ tương đối giản dị và không có nhiều bố cục đặc biệt như những nhà thờ mà tôi thường thấy ở các thành phố Châu Âu khác nhưng màu trắng phía bên ngoài đã tạo nên nét nổi bật của nhà thờ này. Ngay cạnh nhà thờ là Quảng trường Senaatintori, vào những ngày nắng đẹp mọi người tập trung ở đây khá nhiều. Dường như từ lâu nơi này đã là điểm hẹn của du khách thập phương, ngay giữa quảng trường là Đài tưởng niệm Sa hoàng Alexander II, người có công rất lớn đối với Phần Lan. Bằng những cải cách của mình, ông là người đã cho ra đời tiền tệ riêng cho đất nước Phần Lan cũng như đưa tiếng Phần Lan thành ngôn ngữ quốc gia ngang hàng với Thụy Điển. Để tỏ lòng biết ơn ông, người Phần Lan đã cho xây dựng đài tưởng niệm ngay ở quảng trường Senaatintori vào năm 1894 – 13 năm sau ngày ông bị ám sát.

Cách Nhà thờ Trắng không xa là Nhà thờ Đỏ (vì được xây bằng gạch đỏ) có kiến trúc bên trong tuyệt vời với những trụ cột đá được làm bằng đá granite vàng. Vào thời điểm xây dựng nhà thờ này, nó là biểu tượng về sự thống trị của Nga trên đất nước Phần Lan và đây cũng là nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn nhất Tây Âu. Chúng tôi đi dạo dọc quanh Nhà thờ Đỏ, nhìn xuống bến cảng với những chiếc thuyền bé nhỏ xinh xinh nằm phơi mình trong nắng rồi rẽ  vào khu chợ trời, thưởng thức món Kalalautanen. Đây là một trong những đặc sản phổ biến ở Helsinki, có rau, khoai tây chiên ăn kèm với hai món cá Muikku và Lohi. Sara và tôi gọi chung một đĩa mà vẫn ăn không hết mặc dù rất ngon. Lúc đó tôi không hiểu tại sao ngày xưa ông Tổng thống Pháp Jaques Chirac lại “hết long” chê ẩm thực của Phần Lan đến nỗi người Phần Lan tự ái và “không thèm” bỏ phiếu cho Pháp trong cuộc tranh cử quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh năm 2012 và Anh đã thắng cuộc trong lần tranh cử ấy.

Có một điều ở Helsinki khiến tôi rất thích đó là thành phố này có rất nhiều đảo, mỗi một hòn đảo đều mang một vẻ đẹp riêng nhưng nổi bật nhất vẫn là đảo Suomenlinna. Chỉ cách Helsinki 15 phút đi thuyền Suomenlinna là một pháo đài lớn do người Thụy Điển xây dựng từ năm 1784 để bảo vệ trước sự tấn công của Nga vì lúc đó Phần Lan vẫn còn là một phần của Thụy Điển. Khắp quần đảo đều tràn ngập màu xanh của cây cối, mọi người có thể cắm trại, nướng thịt, tắm nắng hay chỉ đơn giản là nằm thư giãn đọc sách trong không gian thơ mộng. Ngoài những căn hầm còn sót lại ở đây, Suomenlinna còn là nơi lý tưởng để chụp ảnh cưới của các bạn trẻ.

Những giọt nắng đầu tháng Chín ở Suomenlinna không quá gay gắt, tôi thả lỏng mình trôi theo những dòng nước đang cuộc chảy phía dưới rồi trèo lên những mỏn đá hoang sơ. Những bông hoa vàng nằm sát trên triền cỏ dường như cũng đang cố khoe vẻ đẹp của mình trước biển. Phía dưới chân tôi, sóng lặng lẽ vỗ về bên triền cát, tôi khẽ mỉm cười, chợt nhớ tới bài thơ viết hồi 23 tuổi khi ví mình là cát, còn người yêu là sóng với lời nhắn nhủ thiết tha, chân thành:

“Biển chiều vẫn hát

Khúc nhạc đồng giao

Ơi sóng dạt dào

Chớ đừng tan nhé…”

Nhưng cuối cùng anh vẫn tan và trôi về với biển, để lại tôi – một hạt cát mong manh, bé nhỏ giữa đời…

Nếu Soumenlinna là hòn đảo được cho là hấp dẫn nhất Helsinki thì Seurasaari cũng khoác lên mình một vẻ đẹp cũng không kém phần sang trọng. Đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu trắng dài 200m và chỉ có chuyến xe buýt thứ 24 đi từ trung tâm tới nơi này. Khi dạo trên hòn đảo này tôi có cảm giác như mình đang đi trong một cánh rừng thu nhỏ vì cây cối ở đây khá nhiều và chỉ có hai bãi tắm. Người dân ở Helsinki tới đây chạy bộ nhiều, khách du lịch hầu như là rất ít nên đôi khi tôi có cảm giác Seurasaari giống như một hòn đảo hoang sơ, nhưng nó là chốn bình yên cho những ai thích lặng lẽ giữa biển trời thiên nhiên.

Có một điều không chỉ ở Helsinki nói riêng mà cả Phần Lan nói chung, đó là đất nước này luôn luôn sử dụng song hành hai thứ ngôn ngữ là tiếng Phần Lan và tiếng Thụy Điển. Trong trường học, học sinh Phần Lan học tiếng Thụy Điển. trên đường phố thì các biển chỉ dẫn cũng đều bắt buộc phải có tiềng Thụy Điển ngay bên dưới tiếng Phần Lan mặc dù chỉ có 5% số lượng người Phần Lan sử dụng ngôn ngữ này. Trong khi đó ở Thụy Điển thì họ chỉ sử dụng ngôn ngữ của đất nước họ mà thôi. Tôi đem thắc mắc này ra hỏi Sara thì được cô bé trả lời rằng trước đây một phần của Phần Lan bị lệ thuộc vào Thụy Điển, tiếng Phần Lan khi đó chỉ là ngôn ngữ thứ hai, rất nhiều trẻ em Phần Lan sinh ra và lớn lên ở đó đều phải học tiếng Thụy Điển, sau này khi Phần Lan giành độc lập, người Phần Lan vẫn muốn tiếp tục sử dụng tiếng Thụy Điển để nếu các em ấy có “tìm về cội nguồn” thì cũng sẽ đỡ vất vả. 

Những ngày ở Helsinki là những ngày thú vị trong chuyến đi Bắc Âu của tôi, tôi sẽ không quên những ngày lang thang trên đảo, những chuyến tàu từ Tampere – Helsinki – Turku. Nói đến Tampere và Turku, đó là hai thành phố tương đối lớn ở Phần Lan nhưng tôi chưa thấy cái sân bay nào bé như sân bay Tampere đến nỗi tôi nói đùa với Sara rằng nếu ai sợ lạc ở sân bay thì phải đến Tampere. Còn Turku là thành phố nằm bên bờ song Aura trước đây là thủ đô của Phần Lan và cũng là thành phố cổ nhất đất nước này, được mệnh danh là thành phố văn hóa Châu Âu năm 2011 nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy Helsinki là đẹp nhất.

Ngày cuối cùng trước khi tạm biệt Helsinki, Sara dẫn tôi đi tắm hơi. Đây là điều bắt buộc làm khi tới Phần Lan. Thật ra trong khu nhà của Sara cũng có một phòng tắm hơi dành cho những người dân sống trong khu nhà trọ đó, nhưng do phải đăng kí giờ trước nên Sara đưa tôi ra trung tâm luôn vì sau đó chúng tôi có hẹn với gia đình Việt. Người con dâu xứ Thanh ấy đã đãi chúng tôi món phở Nam Định ngon tuyệt vời mà sau này nghĩ lại tôi vẫn nhớ. Đôi khi người ta yêu một mảnh đất nào đó không nhất thiết vì phong cảnh, mà có khi là tình người ấm áp, và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi thấy Helsinki luôn xa mà gần trong kí ức.

Tôi rời Helsinki vào lúc 6h sáng để kịp cho chuyến tàu sang Tallinn, ngồi trên chuyến xe buýt về bến cảng, nhìn những sợi nắng ban mai phủ trên những ngôi nhà và lấp lánh trên biển, tôi thấy nhớ Helsinki cồn cào dù thời điểm ấy tôi vẫn chưa thực sự rời xa Helsinki. Trước khi tới Helsinki, bạn tôi bảo: “Hết chỗ đi rồi hay sao mà qua cái xứ ấy?” nhưng qua Helsinki rồi, tôi mới biết mình đã không sai khi đặt chân tới nơi này. Nắng, gió và mùi hương của biển cùng những tiếng cười trong vắt của những người bạn nơi này sẽ còn in đậm mãi trong ký ức của tôi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương