Đừng Học Tiến Sĩ Sẽ Hết Độc Thân
-
C41: Từ lúc rời xa người xương tủy tôi như rệu rã
"I have been in such a pickle since I saw you last that, I fear me, will never out of my bones." - The Tempest (Act 5, Scene 1)
----------
Thợ gõ: Dờ
Giữa mùi hương của canh gà và món cá ba đuôi kho, có tiếng động cơ xe điện ba bánh vang lên ở cửa, bố mẹ của Văn Địch đã về rồi.
Văn Địch đi từ ngoài sân vào trong nhà ăn, nhìn thấy tay trái của bố xách một miếng thịt sườn, tay phải thì xách một cái đùi cừu, ông đang rảo bước vào trong nhà. Mẹ cậu thì đang dỡ hàng trên xe xuống, túi ni lông đựng bánh ma hoa, bánh viên chiên và bánh xốp vừng. Hóa ra hai người đi mua đồ mừng năm mới.
Bố của Văn Địch là một người đàn ông trung niên rất trầm tính, thấy con trai về nhà cũng chỉ gật đầu với cậu, lúc dừng chân lại thì nói một câu: "Về lúc nào đấy? Đồ đạc có nặng không?"
"Không ạ."
Mẹ cậu thì khác, vừa liếc nhìn thấy Văn Địch là vứt ngay bọc bánh ma hoa lên bàn, dang rộng hai tay, vỗ từ đầu xuống chân con trai. Giống như tất cả những bà mẹ trên thế giới này, bà cao giọng than thở: "Gầy đi rồi, gầy đi rồi."
Văn Địch buộc phải giải thích về giá cả trong nhà ăn trường học một lần nữa. Trong lúc đó, bố cậu đã chuyển hết đồ năm mới vào cái nhà kho nhỏ đằng sau bếp, tiếp tục bưng đồ ăn lên. Cá ba đuôi đen thui, vừa nhìn đã biết là dùng lại dầu cũ. Ông ấy nhíu mày: "Đã nói với bà con bao nhiêu lần rồi, đợi bố mẹ về rồi hãy rán."
Bố của Văn Địch chỉ học hết lớp 9 rồi vào trường dạy nghề đầu bếp, có giấy chứng nhận đầu bếp cấp 2. Lúc đầu, ông đi làm thuê trong bếp của một quán ăn trên huyện, sau đó việc làm ăn không tốt, quán ăn đã phá sản, thế là ông cũng mất việc. Trong nhà không có tiền vốn để mở quán cơm, tính tới tính lui chỉ đủ tiền mua một cái xe đẩy để làm ăn nhỏ lẻ, thế là ông bắt đầu mở hàng bán đồ ăn sáng. Mười mấy năm làm bánh nướng với quẩy, kỹ năng nấu nướng học được khi xưa không có chỗ phát huy, ông chỉ có cơ hội thể hiện vào dịp năm mới.
Các món ăn lên đủ, cơm cũng xới xong, nhà chú Văn Địch cũng đã trở về. Cả hai chú thím đều lên Nam Kinh làm thuê, con nhỏ cũng học tập ở trên đó, đó là kiểu gia đình thường thấy ở nông thôn. Em họ đang học lớp 12, vừa gặp Văn Địch là chú cậu đã xách thằng bé ra để dạy dỗ, bảo nó hãy học tập Văn Địch.
"Tiểu Địch à, cháu dạy nó cách học giỏi đi. Thằng bé này học Toán không giỏi, làm Văn cũng kém lắm, thi cuối học kỳ xếp hạng hơn 100," Chú cậu trách mắng con trai: "Đến ngày nghỉ là cắm mặt vào cái điện thoại, sắp thi đại học rồi mà thế đấy!"
Thím của Văn Địch lập tức bảo vệ con trai: "Năm mới năm me, ông mắng nó làm gì. Chúng nó học hành cũng vất vả lắm chứ."
"Bây giờ không chịu khổ thì mai sau đi làm công nhân xưởng bánh mới khổ!" Chú cậu chỉ vào con trai: "Suốt ngày đòi kiếm nhiều tiền, đại học còn không đỗ thì mơ mộng cái gì!"
Học sinh sắp thi đại học nhăn nhó, tỏ ra bất bình: "Anh ấy đỗ đại học T mà bây giờ cũng đâu có giàu."
Văn Địch tự dưng bị trúng đạn lạc, rất là oan uổng.
Chú của Văn Địch rất bất mãn với hành vi bàn lùi giáo dục của con trai: "Bây giờ nghèo không có nghĩa là tương lai vẫn nghèo, xuất phát điểm là đại học hàng đầu vẫn rất khác biệt. Quan hệ của con, tầm nhìn của con, đều cao hơn người khác. Đừng mơ tưởng làm streamer trò chơi gì đó nữa, cái đó không thể phát triển lâu dài được, có nghe không!"
Văn Địch gãi đầu. Cậu đã nghe cuộc nói chuyện này mòn cả tai từ thời trung học rồi. Cậu cũng từng nghĩ, lên đại học T rồi sẽ được mở mang tầm mắt, tìm được cao thủ để ôm đùi. Nhưng mấy năm nay, đùi đâu chẳng thấy, chỉ thấy lòng tự tin sụp đổ như đống đổ nát sau chiến tranh.
Đúng là có cao thủ thật, nhưng vì sao mà người ta phải dẫn dắt cậu chứ. Cao thủ sẽ đứng cùng với cao thủ, cậu chỉ là một sinh viên bình thường mà thôi.
Hơn nữa, lẽ nào Vưu Quân hô mưa gọi gió trong giới tài chính thì cậu cũng được đi ké, trở thành trạng nguyên đầu ngành? Đầu tiên cậu vẫn cần kinh nghiệm thực tập và năng lực về lĩnh vực này, cậu chẳng liên quan gì đến ngành ngân hàng đầu tư, muốn trèo cao cũng không trèo được.
Chú cậu vẫn còn đang bực dọc, muốn con trai phải học tập theo Văn Địch, lại còn nhắc đến chuyện năm xưa Văn Địch từng thức trắng đêm học bài. Cậu chỉ mong họ mau chóng đổi đề tài nói chuyện, đừng níu mãi không buông cái cuộc đời học sinh trong quá khứ của cậu nữa.
Sau đó thím chêm một câu: "Tiểu Địch có bạn gái chưa?"
Lời này vừa nói ra, ông bà nội, bố mẹ và chú thím, sáu cặp mắt đều chiếu vào cậu như đèn pha. Cái tay cầm đũa của Văn Địch run lên... Mau đổi về chủ đề cũ đi!
"26 tuổi rồi mà không yêu đương gì cả," Thím nói: "Thằng bạn hàng xóm lên chức bố rồi đấy, đứa con gái trông trắng trẻo mập mạp lắm."
Văn Địch nghẹn miếng cơm không nuốt xuống được, "Không tìm được ai phù hợp ạ."
Lý do qua loa này hiển nhiên không thể thuyết phục được bà nội: "Lớn tướng rồi, đừng ôm tiêu chuẩn cao quá."
"Bây giờ bọn con kết hôn muộn lắm." Văn Địch ám chỉ, "Rất nhiều người vẫn còn chưa kết hôn."
Bà nội vỗ đùi: "Không thể thế được! Sao lại không sinh con chứ!"
Ông nội chỉ cúi đầu ăn cơm, thấy cháu trai có vẻ khó xử thì nghĩ nó có nỗi khổ tâm, thế là có lòng an ủi: "Điều kiện nhà mình không tốt, con gái nhà người ta không ưng phải không? Nếu cháu thích cô nào, bố cháu sẽ bán cái quán đi, ông cũng cho tiền dành dụm, kiểu gì cũng gom góp đủ tiền sính lễ cho cháu."
Văn Địch trả lời ỡm ờ, lấy sự nghiệp học hành ra để làm cớ: "Bây giờ còn chưa tốt nghiệp, công việc cũng chưa ổn định, kết hôn cái gì chứ."
"Cứ yêu đi rồi tính," Thím nói: "Anh họ con cưới từ hồi cấp ba, nhà cũng là do gia đình xây cho, tốt nghiệp xong là có con luôn rồi."
Văn Địch lục lọi trong đầu xem đó là người họ hàng nào, cô dì chú bác quá nhiều, sau khi lên thành phố thì không còn liên lạc, ký ức cũng dần phai mờ. Mỗi khi về nhà đón năm mới, cậu phải nhận mặt lại một lần nữa.
Có lẽ là nhận ra con trai khó xử, mẹ Văn Địch bắt đầu nói: "Bây giờ không giống với thời của chúng ta nữa, bọn trẻ có tính toán của riêng mình, chúng ta đừng nên can dự thì hơn."
Ông nội không đồng tình lắm: "Thời đại có thay đổi thì vẫn phải sinh con đẻ cái chứ?"
Tùng Đài và Bắc Kinh như hai thế giới khác nhau, Văn Địch gãi đầu, quyết định giữ im lặng.
Ăn xong bữa cơm tối buồn bực, bà nội xuống bếp rửa bát, ông nội ra ao gánh nước - bởi vì xót tiền nước, rửa bát rửa rau đều dùng nước đi gánh về, chỉ có nước sôi để nguội cả nhà uống mới dùng nước máy. Chú thím đi giám sát con trai làm bài tập, bố cậu nhào bột ở trong nhà ăn để ngày mai làm bánh nướng.
Văn Địch ngồi trong sân, nương nhờ ánh sáng từ cửa phòng bếp để nhặt rau muống với mẹ. Mẹ cậu nhìn xung quanh, ai cũng bận việc người nấy, thế là nhỏ giọng nói với con trai: "Ông bà con chỉ lải nhải mấy hôm thôi, con đừng để bụng. Không muốn yêu đương thì thôi, duyên phận không phải là thứ muốn có là được."
Văn Địch chớp mắt, đáp "vâng" một tiếng. Cảm giác khó chịu trên bàn cơm như đã được ủi phẳng bằng một chiếc bàn ủi ấm áp.
Cậu không ngạc nhiên khi mẹ mình nói như vậy. Lúc cậu học cấp ba, đang làm bài tập ở nhà thì mẹ đi vào đưa trái cây, thỉnh thoảng bà sẽ chen lời cho vui, hỏi xem cái đường bổ trợ này là gì. Văn Địch giải thích một chút là bà ấy hiểu ngay, tốc độ phản ứng không thua gì một học sinh trường trọng điểm của tỉnh. Có điều, bà ấy học cấp hai xong thì bỏ học đi làm, ở một quán ăn chỉ cần tính tổng tiền bánh quẩy và bánh nướng thì sự thông minh ấy không hề có đất dụng võ.
Mấy năm gần đây thịnh hành "thảo luận đề thi", "người giải đề ở thị trấn nhỏ", "chỉnh đốn văn phòng", bà ấy đều theo dõi hết, lặng lẽ xem người ta thảo luận với nhau trong khu bình luận, "Người già mà, cả đời này không ra khỏi cái huyện, không biết thời thế đã thay đổi rồi, họ không theo được cách sống của các con, con nghe tai này ra tai kia là được."
"Chỉ nói nhiều mấy câu thôi, không sao đâu mẹ," Văn Địch nói: "Bố mẹ không bắt con đi xem mắt là con đã cảm ơn trời đất rồi."
Mẹ cậu ném bó rau muống vào trong rổ, cười nói: "Mẹ đã đăng ký trang xem mắt trên mạng cho con đấy."
Văn Địch giật mình. Khen hơi sớm rồi, cậu hơi chủ quan về tình hình hiện tại, lẽ nào người duy nhất trong nhà ủng hộ cậu cũng phản bội tổ chức rồi sao?
"Trang mạng này hay lắm." Mẹ cậu nghiêm túc, "Lúc con điền thông tin cá nhân thì nó sẽ nhìn vào điều kiện để chấm điểm, điểm càng cao thì càng có thể gặp được người xuất sắc."
"Tàn khốc quá," Văn Địch nói: "Vậy con được mấy điểm?"
"5 điểm."
"Cao nhất là bao nhiêu?
"10 điểm."
Văn Địch buông rau trong tay xuống rồi ôm lấy ngực. Cậu không biết đây là lần thứ mấy bị trúng đạn trong ngày hôm nay nữa, cả đời này cậu chưa từng phải nhận điểm số không đạt: "Con kém đến vậy sao?"
"Điểm số ấy không cố định," Mẹ cậu nói: "Mẹ điền thông tin cá nhân của con xong, con được 8 điểm mà."
"Vậy thì tại sao..."
"Đến khi điền xong hoàn cảnh gia đình thì biến thành 5 điểm."
Văn Địch nghẹn họng.
"Cho nên, mẹ sẽ không can dự vào cuộc sống của con." Bà ấy nắm lấy cánh tay cậu, "Con nhìn thấy nhiều thứ hơn bố mẹ, đi được xa hơn bố mẹ, khi nhìn nhận một vấn đề nào đó thì cũng thấu tình đạt lý hơn."
"Vậy cũng còn tùy," Văn Địch nói: "Bố mẹ có nhiều kinh nghiệm sống hơn mà."
"Sống lâu không có nghĩa là có nhiều kinh nghiệm hơn." Mẹ nói: "Nhiều khi nó giống như gan càng nhiễm mỡ thì huyết áp càng cao ấy."
Văn Địch cúi đầu cười, vặt lá khỏi cọng rau. Một lát sau, cậu đột nhiên nói: "Mẹ, mẹ lên mạng đã từng thấy con trai yêu con trai, con gái yêu con gái chưa?"
"Thấy rồi chứ," Mẹ cậu nói rất tự nhiên: "Mẹ còn theo dõi mấy tài khoản như vậy đấy."
"Mẹ có thấy họ kỳ cục không?"
"Không, yêu nhau thì ở bên nhau, có gì mà kỳ cục."
"Mẹ có thành kiến với đồng tính luyến ái không?"
"Mỗi người có cách sống riêng, mẹ thấy thế nào cũng được." Mẹ cậu nói, ngẫm nghĩ rồi bổ sung: "Nếu không phải con nhà mình thì mẹ chẳng có ý kiến gì cả."
Văn Địch mỉm cười, đứng dậy cầm chổi quét rau trên đất: "Mai có mở quán không mẹ?"
"Mở đến 9 giờ," Mẹ cậu nói: "Sau đó thì đóng cửa, nghỉ đến mùng 6."
"Con đến giúp bố mẹ nhé." Văn Địch nói.
"Hiếm khi mới về nhà, giúp cái gì mà giúp," Mẹ nói: "Được nghỉ thì cứ nghỉ ngơi đi."
"Lúc trước con vẫn phụ một tay mà," Văn Địch nói: "Tính hóa đơn, đếm tiền, dù sao thì ở nhà cũng rảnh rỗi."
Mẹ câu gật đầu: "Vậy được, mai mẹ gọi con dậy."
Văn Địch đồng ý, vừa đặt đầu xuống gối là ngủ ngay. Ngày hôm sau, mẹ cậu gọi dậy lúc trời còn tối đen. Văn Địch day mắt, ngáp dài một cái rồi ngồi lên cái xe ba bánh. Đường đất xóc nảy, đi được một lúc thì cậu tỉnh táo hoàn toàn.
Lúc còn học tiểu học, Văn Địch cũng thường phụ bán hàng. Cậu rất ưa nhìn, miệng thì dẻo, đứng một chỗ rao bán bánh kếp hành, rất có hiệu quả đánh động lòng yêu thương của các cô các thím. Sau khi lên cấp hai, cậu đột nhiên cảm thấy đứng rao hàng giữa đường rất không lịch sự, bố mẹ có gọi cũng không muốn đi nữa.
Bao năm trôi qua, hàng xe đẩy đã biến thành một cửa hàng nhỏ. Không có chỗ ngồi, chỉ có thể mua mang về. Trước cửa hàng là một cái bàn sắt rất lớn, bên trên bày lồng hấp, đĩa sắt đựng bánh nướng và bánh túi lá hẹ. Bên trong cửa hàng là nồi dầu, thớt, lò nướng điện, máy đánh trứng.
Văn Địch đứng mỉm cười bên cạnh cái bàn sắt để chào hỏi từng vị khách ghé thăm.
"Cái gì? Nhà tôi không dùng dầu cũ đâu, toàn là dầu đậu nành tươi đấy!"
"Cái này ấy à, đây là là bánh ma hoa đường đỏ, làm bằng bột bắp nên dẻo lắm."
"Tào phớ mặn với ngọt đều ngon, có cần thêm rau thơm không?"
"Không cần, cho thêm nhiều hành, ít dầu vừng."
"Xong ngay!" Văn Địch quay vào trong quán để báo tên món, đột nhiên cảm thấy có gì đó sai sai. Cậu quay phắt đầu lại, nhìn thấy Biên Thành đang đứng trước cửa quán. Anh đang nhìn thực đơn trên tấm bìa các tông màu đỏ, nghiêm túc nghiên cứu giá cả của từng món.
"Sao anh lại ở đây!"
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook