Đức Phật Và Nàng
Chương 57: Bản án chữ “A” màu đỏ

Lòng đầy bất an, nhưng đám lính tỏ ra là họ đang làm việc công, trịnh trọng thông báo với chúng tôi, quan lớn có lệnh tập trung dân chúng toàn thành tại quảng trường để tuyên bố những vấn đề qua trọng về an ninh, trị an. Chị Adoly tỏ ra không mấy quan tâm việc nhà quan đó, càu nhàu mãi: vì sao các vị cứ thích chuyện bé xé ra to, động một cái là binh đao, khiến người dân chẳng được sống yên ổn. Thời cổ đại không có phát thanh truyền hình, nên muốn thông báo, tuyên bố điều gì, chỉ có thể tập hợp dân chúng theo cách này. Nghĩ vậy, tôi cũng bớt lo hơn.

Adoly và tôi xếp đồ vào trong nhà, rồi theo đám lính trở lại khu chợ. Chợ phiên mới đây còn náo nhiệt là vậy, thoáng chốc đã khác hẳn. Các sạp hàng đã được thu dọn từ bao giờ, ngó sang khu vực nhốt gia súc, nào ngựa nào lừa, con nào con nấy lặc lè đồ đạc, hàng hóa chất ngất trên lưng. Dân chúng toàn thành Subash như thể đều tập trung tại đây, hàng nghìn người chen chân trên quảng trường. Không ít trong số họ tay vẫn xách làn, có lẽ họ từ khu chợ đến thẳng đây, chưa kịp về nhà. Tôi không thấy Bạch Chấn và Lữ Quang trên bục cao phía trước, chỉ có Lữ Soạn và một nhóm người ở đó.

Tôi cảm thấy có điều gì không ổn, định bụng rời khỏi đó, nhưng đã bị mấy tên lính đứng sau giữ lại rồi nói xin thứ lỗi, rồi cứ thế xốc tay tôi kéo về phía khán đài. Chị Adoly kêu gào phản đối, bị mấy tên lính khác trói lại. Tôi không thể sử dụng súng gây mê vì rất nhiều người đang có mặt tại đó, biết rằng phản kháng cũng vô ích, tôi gắng kìm chế, nghiêm mặt, chầm chậm bước về phía Lữ Soạn. Lòng như lửa đốt, mới yên ổn được có một tuần, Lữ Quang lại muốn giở trò gì nữa đây!

Lữ Soạn sững lại khi thấy tôi điềm tĩnh bước về phía hắn, vẻ mặt hắn đổi sắc, trở nên khó coi hơn.

Hắn gật đầu ra hiệu cho đám đông yên lặng, sau đó lớn tiếng: - Thưa bà con, hôm nay tập trung quý vị tại đây là để chúng ta được cùng nhau chúc mừng đại pháp sư Kumarajiva nhân dịp ngài kết thúc tuần trăng mật.

Hắn ngừng lại, chờ người bên cạnh phiên dịch xong, lại tiếp tục:

- Sau hôn lễ, pháp sư kiên trì giữ vợ yêu trong nhà, nên mọi người chưa có dịp được chiêm ngưỡng dung mạo của phu nhân. Hôm nay, ta mời phu nhân tới đây để mọi người được thấy mặt, phu nhân hiện đang sống trong căn nhà của pháp sư tại thành Subash, từ nay xin cậy nhờ bà con quan tâm nhiều hơn đến gia đình pháp sư và phu nhân.

Tôi trút nỗi bực tức ngùn ngụt vào ánh mắt đẩy về phía Lữ Soạn. Thì ra Lữ Quang vẫn chưa chịu buông tha cho Rajiva. Sau hôn lễ, Rajiva không hề chán nản, suy sụp như Lữ Quang mong muốn, trái lại, chàng đã tập trung toàn bộ tinh thần, sức lực vào việc khôi phục hoạt động thường nhật của chùa Cakra. Các tăng sư trong chùa vẫn một mực kính trọng chàng, không mảy may xem thường. Kết quả này đi ngược lại hoàn toàn với ý đồ ban đầu của Lữ Quang. Còn về phần tôi, vì tôi đã được sắc phong là công chúa Khâu Tử, nên cha con Lữ Quang không thể tùy tiện ra tay với tôi. Bởi vậy, bọn họ chỉ có thể lợi dụng sức mạnh của đám đông, bêu riếu tôi trước quần chúng, muốn mượn bia miệng thế gian để ép Rajiva hoàn tục, hoặc cũng có thể là hắn muốn ép buộc chúng tôi phải rời khỏi Khâu Tử.

Đám đông quả nhiên đã bị kích động, la ó ầm ĩ. Trong số họ, hẳn là có không ít người đã từng đến tham dự hôn lễ của tôi, nhưng vì hôm đó tôi trùm chăn che mặt, nên không ai nhận ra. Vả lại tâm điểm của đêm đó là việc Lữ Quang ép các nhà sư uống rượu, sự phẫn nộ của đám đông đã dồn hết lên ông ta. Giờ đây, khi tôi lộ diện, sự phẫn nộ đó đã chuyển sang tôi, chẳng thế né tránh. Tôi đứng đó, yên lặng. Trong tình cảnh này, tôi chẳng thể biện hộ gì được. Trước đám đông, nếu bất cẩn lỡ lời, khiến mọi người hiểu nhầm, sẽ ảnh hưởng rất tồi tệ đến danh tiếng của Rajiva.

- Phu nhân chính là người khiến pháp sư phá giới. Phu nhân dịu dàng, hiền thục và cũng rất biết cách chiều chồng. Ngày thành hôn, pháp sư kiên trì không phá giới, nhưng với sức quyến rũ mê hồn, phu nhân đã đánh thức bản năng đàn ông của pháp sư, khiến ngài chẳng thể khống chế nổi bản thân.

- Ngươi…

Tôi quắc mắt đáp trả vẻ cười cợt nham hiểm của Lữ Soạn. Chưa kịp lên tiếng phản đối đã bị ném thứ gì đó vào đầu. Quay lại, tôi thấy một mẩu bánh. Tuy không đau, nhưng tôi cảm thấy ấm ức và tủi thân vô cùng. Tôi cảm thấy lạnh người trước ánh mắt hằn học từ bốn phía. Tôi giống như nhân vật Hester Prynne trong cuốn tiểu thuyết “Chữ A màu đỏ” của Nathaniel Hawthorne. Ánh nhìn sắc nhọn của đám đông như khắc trước ngực tôi một chữ A vô hình. Tôi hiểu rằng kết hôn với một nhà sư sẽ phải nhận lấy sự chỉ trích, tôi tưởng rằng mình có thể chịu đựng được. Nhưng, khi thực sự đối mặt với thời khắc đó, tôi chẳng thể kìm chế nổi nỗi buồn tủi và ấm ức. Đám đông ném vào người tôi nhiều thứ khác, tôi cắn răng chịu đựng, mặc cho họ ném. Tôi không thể lên tiếng, vì đám đông đã bị Lữ Soạn kích động, biện bạch lúc này chỉ càng khiến họ thêm tức giận. Tôi tự nhủ lòng, Lữ Soạn không thể giam giữ tôi ở đây mãi được, chịu khó chịu đựng một chút rồi sẽ qua thôi. Con đường phía trước còn rất dài, chúng tôi đã thề nguyền sẽ cùng nhau vượt qua tất cả, bởi vậy, lúc này tôi không thể gục ngã.

- Dừng lại!

Có tiếng hét vang đầy phẫn uất, đám đông rẽ lối. Là chàng! Chàng chạy như bay về phía tôi, hổn hà hổn hển, mặt biến sắc vì lo lắng. Tôi vội vã đưa mắt ra hiệu cho chàng đừng lại gần tôi. Với tình hình như hiện nay, chàng đến cũng không giải quyết được vấn đề gì, ngược lại sẽ gây bất lợi cho chàng.

Chàng mặc kệ ám hiệu của tôi, vẫn sải bước nhảy lên khán đài, dang rộng hai tay, che chắn cho tôi. Đám đông lập tức ngưng bặt những tiếng bàn luận ồn ào, những cánh tay đang chực ném đồ về phía tôi cũng chững lại. Đứng phía sau chàng, không thấy rõ biểu cảm của gương mặt chàng, chỉ thấy chàng chắp tay hành lễ, cất giọng trầm ấm, từng lời rành rọt:

- Thưa các vị thí chủ, phá giới, kết hôn là tội lỗi của Rajiva. Mọi người muốn trút oán giận, ta xin một mình chịu hết, không liên can đến vợ ta.

Vợ ta ư?

Chàng dõng dạc cất lên hai tiếng “vợ ta” trước đám đông! Nước mắt chực trào ra, tôi ra sức ngăn lại. Chàng có biết lời tuyên bố ấy sẽ khiến chàng phải chịu ô danh, bị người đời phê phán suốt hơn một nghìn năm hay không?

- Pháp sư hết lòng bảo vệ vợ yêu, thật đáng ngưỡng mộ!

Lữ Soạn cất giọng cười mỉa mai:

- Pháp sư vẫn còn nặng lòng trần, cũng khó trách ngài quyến luyến niềm hoan lạc của người đời.

Đầu ngẩng cao, lưng vươn thẳng, Rajiva đứng đó, ngạo nghễ kiêu hãnh, giọng nói quyết đoán:

- Nhà sư lấy vợ, quả là chuyện khó có thể chấp nhận. Nhưng Rajiva đã thề trước Phật tổ, rằng sẽ chung sống với người con gái này trọn đời, cô ấy chính là vợ của ta, ta không bao giờ phụ nàng. Còn về chuyện Rajiva không giữ nghiêm giới luật, ta tự cảm thấy hổ thẹn với Phật tổ. Ta bằng lòng xuống địa ngục A Tì, vĩnh viễn chẳng thể tái sinh. Nhưng Rajiva vẫn nuôi khát vọng lớn lao, truyền bá đạo Phật khắp cõi Đại thiên Thế giới, phổ độ, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi nạn kiếp.

Chàng ngừng lại, xoay người, nhìn tôi, nụ cười mãn nguyện rạng rỡ bên khóe môi. Rồi khi quay lại đối diện với đám đông, giọng nói đã được đẩy lên một cung bậc cao hơn:

- Khi tâm nguyện đã hoàn thành, vợ chồng Rajiva sẽ cùng nhau xuống địa ngục, quyết không chớp mắt sợ hãi. Bóng dáng cao lớn của chàng che chắn cả một vùng trời. Tôi cười, sao tôi có thể nấp sau lưng chàng! Tôi bước lên, đứng cạnh chàng, đan tay mình vào tay chàng, ngẩng cao đầu. Khoảnh khắc đó, niềm hạnh phúc ngập tràn trong lòng tôi. Xuống địa ngục thì sao? Bất kể nơi đâu có chàng, với em, cũng sẽ là thiên đường.

Đám đông dưới kia nhất loạt tròn xoe mắt, dường như họ không biết phải phản ứng ra sao trước vẻ bình thản của chúng tôi. Yên lặng hồi lâu, tôi đưa mắt quan sát Lữ Soạn, bộ mặt hầm hầm tức giận của hắn bỗng nhiên giãn ra và hắn khẽ gật đầu. Theo chiều mắt hắn, tôi nhận ra một kẻ đứng lẫn trong đám đông, đang giơ tay lên và ném vật gì đó về phía chúng tôi.

Rajiva thốt lên đau đớn, chàng lảo đảo. Một cục đá. Kẻ đó tuy vận trang phục Khâu Tử, nhưng rõ ràng không phải người Khâu Tử. Tôi giận sôi người, thì ra, Lữ Soạn đã cho quân trà trộn vào đám đông, bày trò kích động. Phải chăng những thứ ném vào chúng tôi đều là do người của hắn ra tay?

Hành động đó quả nhiên đã phát huy tác dụng khơi mào. Đám đông rộ lên những tiếng la ó, chúng tôi bị bao vây giữa hàng trăm hàng nghìn cặp mắt khinh miệt, giận dữ, tưởng chừng không thở nổi. Người ta ném ngày càng nhiều thứ vào người chúng tôi. Rajiva quay lưng về phía đám đông, dang rộng hai tay che chắn cho tôi. Nép dưới cánh tay chàng, tôi âm thầm rút súng gây mê. Tôi có thể nhẫn nhịn để người ta ném đồ vào mình, nhưng Rajiva không thể được. Chàng là bậc danh sư, chàng phải giữ gìn sự tôn nghiêm của mình trước người đời. Chuyện xảy ra trong chùa khi trước, tôi đã gắng nhẫn nhịn, vì nếu nhằm vào Lữ Quang, sẽ ảnh hưởng đến cục diện chính trị. Lữ Soạn chỉ là đồng bọn, nhằm vào hắn sẽ không nguy hiểm gì nhiều.

Lữ Soạn hả hê nhìn chúng tôi, định mở miệng nói điều gì đó, bỗng hai mắt trợn ngược, vẻ mặt kinh hãi, chỉ giây lát sau, cả người hắn đã đổ kềnh xuống, bụi đất tung bay.

- Lữ tướng quân!

Thuộc hạ của hắn hốt hoảng chạy đến, lật người lại, lay mạnh hồi lâu vẫn không thấy có phản ứng gì. Đám đông xôn xao, tình thế trở nên hết sức bất ổn.

Rajiva quay lại nhìn tôi, vẻ băn khoăn, nghi hoặc. Tôi khẽ gật đầu ra hiệu. Chàng dường như không lí giải nổi, nên chỉ biết giữ chặt lấy tôi. Một cánh tay đặt lên vai tôi khiến tôi giật mình, né sang bên. Thì ra là Pusyseda, nụ cười gượng gạo trên môi cậu, hơi thở hổn hển, mũ áo xộc xệch. - Xin bà con trật tự, lắng nghe tôi nói. Pusyseda khua tay, ra sức kêu gọi đám đông giữ trật tự. Có lẽ nhờ thân phận quốc sư, đám đông dần bặt tiếng, ai nấy đều dồn sự chú ý vào cậu ta. - Thưa bà con, đây là ý chỉ của Phật tổ. Pusyseda đưa mắt đảo quanh một lượt, cất giọng sang sảng:

- Phật tổ cũng thấy bất bình, nên muốn cảnh cáo Lữ tướng quân không nên ức hiếp người khác quá đáng. Ngày pháp sư thành thân, những vị nào tới tham dự, chắc hẳn vẫn nhớ, pháp sư đã bị ép buộc ra sao?

Pusyseda sải bước trên khán đài, vung tay hướng về đám đông, nói lớn:

- Pháp sư là người giàu lòng từ bi, hôn ước đã được lập trước sự chứng giám của Phật tổ, pháp sư đâu dám trái lời. Hơn nữa, ngài lại một lòng hướng Phật, truyền bá Phật pháp phổ độ chúng sinh vẫn luôn là lý tưởng lớn lao, là tâm nguyện khôn nguôi canh cánh bên lòng. Khâu Tử chúng ta có được một pháp sư hết lòng phụng sự Phật pháp, hết lòng vì muôn dân như vậy, chúng ta phải lấy làm vui sướng, hãnh diện mới phải chứ!

Gương mặt của quần chúng đã trở nên khoan hòa hơn, không ít người gật đầu đồng tình. Tôi vừa quan sát vừa ngơ ngẩn, phản xạ của cậu ta mới nhạy bén làm sao! Bài hùng biện ngẫu hứng trước những người dân Khâu Tử - vốn một lòng tín Phật ấy, chắc chắn sẽ giúp Rajiva lấy lại thanh danh.

- Còn cô gái này…

Pusyseda đột nhiên quay lại, chỉ vào tay tôi.

- Cô ấy không chỉ là công chúa Akieyemoti – con gái nuôi của Nhà vua, cô ấy còn là tiên nữ, được Phật tổ cử xuống, giúp pháp sư vượt qua kiếp nạn này. Bởi vậy, Phật tổ không đành lòng thấy họ phải chịu áp bức, mới hiển linh làm phép để cảnh báo mọi người. Kẻ nào còn nuôi dã tâm hãm hại vợ chồng pháp sư…

Cậu ta ngừng lại, đưa mắt hết lượt những người có mặt tại đó, rồi dừng lại tại nơi mà Lữ Soạn đang nằm sóng soài, bất động, tỏ vẻ lo ngại:

- Không biết Phật tổ sẽ trừng phạt kẻ đó nghiêm khắc đến thế nào?

Pusydesa ngồi phía đối diện, quan sát tôi bôi thuốc cho Rajiva dưới ánh đèn dầu lập lòa. Tôi nhìn vết thâm tím trên cánh tay và trên trán chàng mà xót xa, nhưng Rajiva vẫn bình thản lạ lùng.

- Những lời nói của đệ hôm nay tuy đã cứu nguy cho chúng ta, nhưng đó là những lời nói dối, từ nay không được nhắc lại nữa.

Rajiva cất giọng nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc với em trai. Tôi ngạc nhiên, đưa mắt nhìn chàng.

- Sao lại nói dối? Pusyseda bật dậy: - Ngải Tình rõ ràng là tiên nữ kia mà! Chỉ tại cái tên Lữ Soạn đó không biết trời cao đất dày là gì, cả gan xúc phạm hai người trước đám đông. Huynh có thể nhịn được, nhưng đệ thì không.

- Tôi…

Tôi ngập ngừng, không biết có nên nói cho cậu ấy biết thân thế thật sự của tôi hay không. Nhưng Rajiva đã kịp ấn nhẹ vào tay tôi. - Đệ nhiều lần tuyên bố trước đám đông, Ngải Tình là tiên nữ, làm vậy sẽ đẩy nàng vào chỗ nguy hiểm.

Rajiva chậm rãi nói:

- Nếu Lữ Quang biết Ngải Tình có được sức mạnh thần kỳ, nhất là biết dự báo tương lai, rất có thể hắn sẽ lợi dụng nàng.

- Điều này…

Pusyseda sững sờ không biết phải nói sao, mãi mới thở dài, cất lời xin lỗi:

- Chỉ tại đệ nhất thời hồ đồ, không biết suy nghĩ thấu đáo.

- Ngải Tình, Lữ Soạn sẽ thế nào? Rajiva quay lại hỏi tôi. - Hắn trúng thuốc mê, sẽ bất tỉnh một ngày một đêm, sau đó sẽ tỉnh lại, thuốc này không để lại di chứng gì cả.

Chàng gật đầu, trầm tư giây lát rồi nắm chặt tay tôi:

- Từ nay không được hành sự thiếu suy nghĩ như vậy nữa.

Tôi gật đầu, nghĩ lại mới thấy quả là rất nguy hiểm. Nếu Pusyseda không tới kịp, tôi thật sự không biết phải xử trí ra sao. Ngoài ngõ đột ngột rộ lên tiếng chó sủa inh ỏi, tiếng bước chân rầm rầm từ xa vọng lại, dường như sắp có cả một đoàn người ngựa kéo tới đây. Ba người chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng đứng lên. Cánh cổng bật mở, những bước chân dồn dập ào vào sân nhà, dẫn đầu đoàn người là Lữ Quang, với bộ mặt tái nhợt vì lo lắng, phía sau là đám cháu con Lữ Thiệu, Lữ Long, có cả Đỗ Tấn và Bạch Chấn. Căn nhà nhỏ bé bỗng chốc chật kín người. Bạch Chấn đứng cạnh Lữ Quang, dùng ánh mắt sắc lạnh “trao đổi” với Pusyseda.

Không đợi chúng tôi hành lễ, Lữ Quang vội chắp tay thi lễ với Rajiva:

- Thưa pháp sư, không được ta cho phép mà thằng con hỗn xược của ta tự ý gây chuyện xằng bậy, đắc tội với pháp sư, nó thật đáng chết!

Có thể thấy Lữ Quang đã phải gắng gượng thế nào đẻ tỏ ra nhún nhường, quỵ lụy:

- Kính mong pháp sư mở lượng hải hà, cứu mạng con trai ta. Nó đã hôn mê suốt mấy canh giờ, ngự y tìm đủ mọi cách vẫn chẳng thể giúp nó tỉnh lại. Cứ tiếp tục như vậy, tính mạng của nó nguy mất.

Rajiva chăm chú nhìn Lữ Quang, vẻ mặt bình thản. Chờ khi ông ta nói xong, mới chắp tay lại:

- Tiểu tướng quân không…

- Lữ tướng quân, Phật tổ giáng tội, sao có thể muốn cứu là cứu được ngay!

Pusyseda ngắt lời Rajiva, lạnh lùng đáp lời. Lữ Quang ngẩng lên, chắp tay thành khẩn, lấy hơi, hỏi:

- Vậy theo quốc sư, phải làm thế nào mới cứu được con ta?

- Sở dĩ Phật tổ giáng tội là vì hai nguyên nhân: một là, Ngài không muốn đại ca tôi hoàn tục, hai là Ngài không đành lòng để vợ chồng họ phân ly. Nếu Lữ tướng quân có thể buông tay, không gây khó dễ cho họ nữa, chắc chắn con trai ngài sẽ được Phật tổ phù hộ.

- Được, ta chấp thuận yêu cầu của quốc sư.

Những đường gân xanh giần giật trên cổ Lữ Quang, ông ta lạnh lùng hỏi: - Nhưng phải làm sao để con ta tỉnh lại? Pusyseda nhìn Rajiva đầy ẩn ý, rồi quay sang Lữ Quang, khẽ cúi người:

- Đại ca tôi sẽ tập hợp các nhà sư lại, cùng niệm chú cầu phúc cho tướng quân Lữ Soạn, nhất định Phật tổ sẽ thấu hiểu. Chỉ một ngày một đêm là con trai tướng quân sẽ tỉnh lại.

- Nếu giờ này ngày mai con ta vẫn không tỉnh lại thì sao?

- Chỉ cần tướng quân giữ lời hứa, Pusyseda nguyện lấy đầu mình ra đảm bảo.

- Được! Nếu giờ này ngày mai con trai ta tỉnh lại, ta nhất định sẽ tuân thủ lời hứa. Lữ Quang đưa tay ra hiệu mời Rajiva:

- Xin mời pháp sư!

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương