Dữ Quỷ Vi Thê
Quyển 3 - Chương 186: Ẩn môn

“Từ môn đời thứ một trăm, đại đệ tử Ngụy Thời đứng hàng thứ sáu, mười tám tuổi, rất có triển vọng.”

Đang đi trước, ông Từ rốt cuộc nhớ tới mình còn chưa trả lại một phách kia cho Ngụy Thời, nên đành phải vòng trở lại. Tuy rằng anh đã đuổi hết đống oan hồn lệ quỷ ông đưa tới, nhưng mà đây vẫn là nghĩa địa, chỉ trong chốc lát, bên cạnh Ngụy Thời có không ít quỷ hồn tụ lại.

Bọn chúng hình như đang kiêng kị cái gì nên không có tới gần người Ngụy Thời.

Ngụy Thời ngồi xếp bằng dưới đất, đang ngẩn người chán chết. Anh gãi gãi cằm mình, vừa rồi hình như anh mất đi ý thức một thời gian ngắn. Rốt cuộc có chuyện gì xảy ra khiến sắc mặt ông Từ thay đổi, thậm chí còn bỏ lại đồ đệ là anh ở nghĩa địa đầy rẫy quỷ hồn, còn quên trả lại một phách kia cho anh.

Ngụy Thời mơ mơ màng màng, cảm thấy bên cạnh mình dường như có một hơi thở quen thuộc.

Đáng tiếc, nó chỉ xuất hiện trong chốc lát, rồi lại biến mất.

Ngụy Thời nhìn thấy ông Từ trở về, lười biếng nâng tay lên, “Ơ, trở lại rồi à.”

Ông Từ tặng anh cái liếc mắt đầy vẻ xem thường. Hồi nãy quá kích động, không cẩn thận xoắn mạnh chòm râu làm đứt ba bốn cọng, khiến ông đau lòng, vân vê mãi mấy cọng lông le que, nhìn vài lần rồi mới cẩn thận lấy một cái túi ra, đổ ra mấy thứ bên trong, rồi sau đó mới đưa một phách kia của Ngụy Thời trở về vị trí cũ.

Mặc kệ là lấy phách, hay trả phách lại, đều là công việc cần sự cẩn thận tuyệt đối.

Một khi ông Từ bắt đầu làm chính sự, nét mặt già nua của ông lập tức nghiêm túc lại. Ngụy Thời nhắm mắt, ông Từ đổ chút máu trong cái bình nhỏ kia ra, nhưng nó không có rơi xuống đất mà lại lơ lửng giữa không trung. Ông Từ vừa niệm chú vừa cẩn thận dùng pháp lực đưa chút máu kia đến ấn đường Ngụy Thời.

Máu đó bám trên ấn đường Ngụy Thời, một hồi lâu sau mới từ từ thấm vào, cùng lúc đó khí đen giống như động vật kia cũng bắt đầu chui vào ấn đường Ngụy Thời, chỉ để lại vết hồng hồng ở nơi đó.

Ông Từ nhìn vết hồng kia, nhíu mày.

Sau khi hai người trở về, bởi vì nguyên nhân hồn phách Ngụy Thời rời thể mà tinh thần cực kỳ mỏi mệt. Không biết ông Từ là đuối lý hay là vì nguyên nhân gì, lại rộng lượng cho anh một ngày nghỉ. Ngụy Thời ngủ cả ngày sau đó ăn hai viên thuốc an hồn định phách xong, lại trở nên vui vẻ.

Ông Từ suy nghĩ một chút vẫn cảm thấy nên đem chuyện xảy ra đêm qua nói cho Ngụy Thời biết. Vừa nãy ông có thăm dò một chút, hiển nhiên Ngụy Thời vẫn còn tỉnh tỉnh mê mê không nhớ rõ chuyện tối qua, cũng không biết trên người anh hóa ra có mộtsinh hồn đang bám vào.

Hai cái hồn phách xài chung một cơ thể, thật sự không thể tưởng tượng được.

Nhưng mà Ngụy Thời ngược lại nói bên cạnh mình có một quỷ con khoảng bốn năm tuổi, là do bữa nào đó anh đi qua nghĩa địa, gặp phải quỷ đả tường,  không biết xảy ra chuyện gì mà quỷ con này đi theo bên cạnh anh, hơn nữa còn xuất quỷ nhập thần, bình thường không thấy được, thỉnh thoảng nó mới xuất hiện.

Lúc ông Từ nghe được, cảm thấy khóe mắt mình nháy liên tiếp. Đồ đệ này thật sự ghê gớm nha, xài chung thân thể với sinh hồn thì cũng được đi, lại còn nuôi quỷ con. Khó trách cậu ta có thể thông âm gặp quỷ, mấy chuyện này là sao đây. Ông Từ thật sự cảm thấy mình thu nhầm đồ đệ rồi, phiền phức về sau chỉ e là nhiều chứ không ít, nhưng lại nghĩ nợ nhiều thì khỏi chán, cứ như vậy đi.

Ông Từ cho là mình đã nghĩ kỹ mọi việc, sau đó liền kể cho Ngụy Thời nghe chuyện xảy ra đêm đó. Ngụy Thời nghe xong trợn mắt há hốc mồm, vẫn chưa tin được, sau khi xác nhận mấy lần, anh sờ sờ cằm, lại nhìn tay mình, “Ông già, ông nói tôi là một xác hai hồn?”

Vẻ mặt ông Từ nghiêm túc, gật gật đầu.

Biểu tình Ngụy Thời cũng nghiêm túc, chuyện này nếu như không tốt, vậy có khả năng không biết khi nào anh sẽ bị sinh hồn đang bám trên người mình chiếm đoạt thân thể, đến lúc đó bản thân sẽ biến thành cô hồn dã quỷ, phải ở lại dương gian cho đến khi số tận mới có thể xuống âm phủ đi đầu thai.

Sinh hồn này rốt cuộc xuất hiện lúc nào? Tại sao anh không hề có ấn tượng gì? Chuyện này phải điều tra rõ ràng, chỉ cần biết thân phận sinh hồn, vậy nhất định có thể tìm ra biện pháp đuổi nó về thân thể của nó. Vật ở đâu trả về nơi ấy mới là cách giải quyết tốt nhất, Ngụy Thời cẩn thận suy nghĩ, cảm thấy mình từ nhỏ đến lớn đều sinh hoạt trong vòng nhỏ, nếu muốn tìm thì hẳn sẽ không quá khó khăn.

Sinh hồn rời xác, thân thể cũng không có tổn hại. Đa phần là hôn mê hoặc sống đời sống thực vật. Sau này trở về phải thăm dò kỹ càng một chút, xem trong mười dặm có ai mắc bệnh giống như vậy, rồi nghĩ cách tiếp cận, sau cùng là đưa sinh hồn trở về cơ thể, hồn phách vốn nằm trong cơ thể, bẩm sinh đã hút lẫn nhau, chắc là không khó mấy.

Sau khi biết chuyện, mấy ngày sau mặt Ngụy Thời nhăn nhăn nhó nhó, hiển nhiên tâm tình không tốt.

Thấy anh tâm tình không tốt, ông Từ cũng không dám vuốt râu cọp. Đồ đệ hợp ý này của ông, đừng nhìn bộ dạng cậu ta nho nhã lịch sự, thật ra tính tình cậu ta rất nóng, thủ đoạn cực kỳ lợi hại. Nếu dám chọc cho cậu dựng lông lên thì chuyện gì cậu ta cũng dám làm.

Không ngờ vài ngày sau tâm tình Ngụy Thời đột nhiên khá lên.

Ông Từ cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi anh, “Thằng nhóc, bây đột nhiên nghĩ thông rồi hả?”

Ngụy Thời vừa vẽ bùa, cũng không ngẩng đầu lên mà trả lời, “Tôi coi hắn như là nhân cách thứ hai của mình, không có lý do gì mà nhân cách thứ nhất như tôi đấu không lại kẻ thứ hai như hắn, nếu hắn không nghe lời, ” Giọng nói Ngụy Thời trầm xuống, lạnh lùng, “Sớm muộn gì cũng có một ngày tôi bắt được hắn rồi tiêu diệt.”

Ông Từ không nói gì.

Học hành nghiêm túc, ngày trôi qua thật nhanh, không lâu sau thì đến ngày đại học khai giảng. Giống như những gì anh dự định, Ngụy Thời thi đậu vào trường y, thành tích Ngụy Ninh không tốt như Ngụy Thời, đi thành phố B học,  La Chí Dũng cũng thi đậu vào một trường sư phạm.

Chỉ tiếc cho Lưu Nhiên, cô thi đậu vào cùng trường với Ngụy Thời, nhưng lại vì chuyển xảy ra không lâu trước đó, khiến cho đầu óc có chút vấn đề. Ba Lưu chỉ có thể xin nhà trường bảo lưu kết quả một năm, còn chuyện qua một năm sau cô có thể khôi phục lại bộ dáng cũ hay không thì để từ từ xem sao.

Một ngày trước khi Ngụy Thời quay về thôn Ngụy, ông Từ chính thức để cho Ngụy Thời thực hiện nghi thức bái sư.

Trước đó, ông ra ngoài một mình đâu chừng cả ngày, chuẩn bị một số thứ, đến buổi tối, ông gọi Ngụy Thời vào phòng. Ngụy Thời đi vào, đã cảm thấy bên trong âm khí dày đặc, trong phòng bày một cái bàn dài. Bức tường phía sau bàn có treo hai bức tranh, một vẽ một người đàn ông trung niên mặc bộ đạo bào cũ rích, một tay cầm kiếm gỗ đào, một tay cầm cây tật lê, ánh mắt dữ tợn trừng thẳng, rất có uy thế. Bức còn lại vẽ người đàn ông trung niên ấy, ở giữa bầy quỷ chém giết không ngừng, chân ông giẫm lên tứ chi bị đứt rời của chúng, máu chảy thành sông, đàn quỷ khóc gào khiến người run rẩy.

Ông Từ chỉ người đàn ông ở trên bức họa ấy nói vớiNgụy Thời, “Đây là tổ sư gia của môn phái chúng ta.”

Sau đó ông kể lại lịch sử hình thành và tồn tại của môn phái bọn họ.

Sở dĩ môn phái bọn họ gọi là Từ môn là bởi vì tổ sư gia mang họ Từ. Ông Từ không phải  là hậu nhân của tổ sư gia, chỉ là vừa khéo ông cũng mang họ Từ. Môn phái bọn họ chẳng phải là đạo môn chính tông. Tổ sư gia tên là Từ Diễn, xuất thân nghèo khó, thấp kém nên chưa từng vào bất kỳ môn phái nào, mà nhờ việc hành tẩu thiên hạ, tính tình lại thích sưu tập những bí pháp thiên môn tà thuật và mấy phương pháp đường ngang ngõ tắt mà dân gian thường dùng, thêm vào bản thân ông có thiên phú, hiểu rõ đạo lý, cuối cùng tự lập một phái.

Vì thế cho nên môn phái ông không được đạo gia chính tông thừa nhận. Tổ sư gia cũng không thèm để ý, chỉ đơn giản tạo nên một môn phái cho riêng mình gọi là Từ môn, lần lượt thu mấy người đệ tử. Cứ thế mà trải qua không biết bao nhiêu năm, có không biết bao nhiêu môn phái đã từng hưng thịnh bị bao phủ trong dòng nước lũ, chịu không nổi một cơn sóng nhỏ, chỉ qua có mấy đời truyền thừa đã đoạn tuyệt. Nhưng Từ môn này vẫn tiếp tục tồn tại, tuy rằng tuy rằng nhân số chưa bao giờ hưng thịnh, đa phần chỉ có vài ba người.

Ông Từ ưỡn ngực, tự hào mà nói, Từ môn chúng ta đặc biệt nhất là thu thập mọi thứ, muốn học cái gì thì học cái ấy. Mấy cái cấm kỵ hạn chế của đạo môn chính tông hay Mao sơn phái chẳng có nghĩa lý chi cả.

Đương nhiên đó không phải là thứ quan trọng nhất, bản lĩnh mạnh nhất của Từ môn là sát quỷ thuật do tổ sư gia tự tay truyền xuống, mấy đạo gia cùng môn phái Mao sơn khác ít có người bì kịp. Ông Từ cầm cây tật lê trong tay, trông rất giống cây tật lê tổ sư gia cầm ở trong bức họa, vẻ mặt tiếc nuối nói, đáng tiếc từ khi tổ sư gia rời thế, ngàn năm trôi qua, cũng chỉ có một đệ tử Từ môn có thể chân chính sử dụng hết uy lực của pháp khí mà tổ sư gia lưu lại.

Ngụy Thời nhìn cây tật lê kia, “Ông già, ông cũng không thể?”

Khóe miệng ông Từ giật giật, hừ lạnh một tiếng, “Ông đây chỉ kém thiên tài có xíu xiu thôi!”

Ngụy Thời nghe xong, chỉ cười mà không nói.

Dầu hoả trong phòng bật sáng lên, ông Từ dùng lá bùa vàng nhóm lửa đốt cây nến trắng trên bàn. Sau khi thắp hết mười một cây nến trắng, Ngụy Thời phát hiện ra trong phòng lạnh hơn. Từ bốn phương tám hướng có rất nhiều người tiến lại, bọn họ lờ mờ đứng ở góc phòng, im lặng nhìn ông Từ và Ngụy Thời, Ngụy Thời run một chút, lưng chảy đầy mồ hôi.

Ông Từ chỉ vào những quỷ hồn đó nói với Ngụy Thời, “Bọn họ tới đây xem lễ.”

Ngụy Thời quỳ gối trên nền đất lạnh như băng, quỷ hồn chung quanh rất nhiều, âm khí lại nặng. Mặt đất ẩm ướt, mới quỳ có một chút, mà đầu gối đã truyền đến mấy đợt đau đớn, nhưng Ngụy Thời vẫn không nhúc nhích, tay anh cầm ba cây nhang, giơ lên cao quá đầu, mà ông Từ ở bên cạnh liên tục đọc nghi lễ bái sư của Từ môn.

Trước Ngụy Thời, ông Từ tổng cộng thu sáu đệ tử, nhưng chân chính hành lễ bái sư chỉ có bốn người, những người khác đều là trên danh nghĩa, không nhập vào danh lục của Từ môn.

Ông Từ cực kỳ cung kính cầm một cuốn sổ có bìa đang dần hóa đen ở trên bàn dài, bên trong viết chi chít chữ, ông lật đến trang cuối cùng, lấy ra một cái bút lông và một cái nghiên mực, sau đó nhìn Ngụy Thời. Ngụy Thời vươn tay, lấy dao cứa một đường nhỏ nơi cổ tay, máu theo làn da trắng nõn rơi xuống nghiên mực.

Ngụy Thời dùng máu của mình để mài mực.

Nước mực tản ra mùi hương ngọt lịm. Ông Từ cầm bút lông, ngòi bút thấm nhẹ chút mực, tay kia cầm cuốn sổ bắt đầu viết tên. Ngụy Thời nhìn thấy chữ trên cuốn sổ nọ thuộc kiểu viết phồn thể thẳng đứng, nhìn như đã trải qua không biết bao nhiêu năm tháng, lại có phần giống như mới vừa viết xong, văn tự không chút phai màu. Đừng nhìn tướng mạo ông Từ dung tục, mỗi bút mỗi nét đều phong lưu tao nhã.

“Từ môn đời thứ một trăm, đại đệ tử Ngụy Thời đứng hàng thứ sáu, mười tám tuổi, rất có triển vọng.”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương