Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
-
Chương 16: Tiến quân lã tống
Lã Tống. Nguyên bản phải gọi là Lữ Tống, phiên âm sang Latinh là Luzong, người Việt quen gọi Lữ thành Lã, như Lữ Bố - Lã Bố.
Đó là một nhóm quần đảo, trong đó hòn đảo lớn nhất còn lớn hơn cả Đại Việt, nằm cách Đại Việt ước khoảng 1.400 kilômét (khoảng cách Đà Nẵng – Manila là 1.378 kilômét). Khoảng cách cũng không xa lắm. Các hải thuyền chỉ mất từ 7 đến 10 ngày là đến nơi, còn nếu thuận gió, thời gian sẽ có thể rút ngắn hơn.
Quần đảo Lã Tống chính là lãnh thổ của Philippine hiện nay. Philippine là một quốc gia không có lịch sử tiền thực dân. Trước khi Tây Ban Nha đến chiếm nơi này làm thuộc địa, Philippine chưa có một cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội thống nhất. Các đảo này có dân cư thưa thớt, với tổ chức chính trị lấy cơ sở là làng và họ hàng thân thuộc. Ngày nay người ta gọi kiểu tổ chức như thế là bộ lạc và thị tộc. Khi Tây Ban Nha đến, người bản địa tiếp cận với xã hội văn minh hơn, công việc của Tây Ban Nha ở Philippine tuy cũng là thực dân, nhưng có ý nghĩa khai hóa thực sự đối với dân bản địa. Sau khi Tây Ban Nha thất trận trước quân Mỹ vào năm 1898, thì Philippine trở thành thuộc địa, sau đó thành một Thịnh vương chung của Mỹ. Đến năm 1946 thì tách ra, tuyên bố độc lập.
(chú : mọi người vẫn hiểu lầm rằng Mỹ quốc có 50 bang, thật ra chỉ có 46 bang, còn lại Massachusetts, Virginia, Pennsylvania và Kentucky là Thịnh vượng chung; ngoài ra còn 2 Thịnh vượng chung ở hải ngoại nữa là Puerto Rico và Quần đảo Bắc Mariana. Trước đây Philippine cũng từng là 1 Thịnh vượng chung như thế. Quan hệ giữa Thịnh vượng chung với chính phủ Liên bang cũng giống như quan hệ giữa Anh và Úc. Thịnh vượng chung có thể tiến hành trưng cầu dân ý để lựa chọn 1 trong 3 tình trạng : trở thành 1 bang chính thức của Mỹ, duy trì tình trạng hiện tại, hoặc tuyên bố độc lập. Philippine trước đây đã lựa chọn độc lập. Puerto Rico đã nhiều lần trưng cầu dân ý nhưng kết quả vẫn là duy trì tình trạng hiện tại, và họ đang tiếp tục chuẩn bị trưng cầu dân ý để có thể trở thành 1 bang của Mỹ).
Nói tóm lại, Lã Tống lúc này đây vẫn còn là một vùng đất lạc hậu, dân chúng sống trong xã hội thị tộc và bộ lạc. Và Giang Phong quyết định đem văn minh đến với nơi này.
Dưới sự chỉ dẫn của hướng đạo đoàn, Hạm đội thuận lợi tiến đến bên bờ vịnh Mã Ni (tên Giang Phong đặt, tức vịnh Manila hiện nay). Vì quần đảo Lã Tống còn nổi danh là mỗi năm đều bị mấy cơn bão lớn đi qua, do đó Giang Phong đã chọn bờ vịnh Mã Ni để xây dựng thành thị, bởi nó là nơi an toàn nhất trên đảo. Suốt mấy trăm năm lịch sử, Manila chỉ bị tàn phá hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, do bom đạn, đó là bằng chứng tốt nhất chứng minh vị trí ưu việt của nó.
Lúc này, Mã Ni có một khu dân cư nhỏ, do Vương quốc Chà Và (người Hán gọi là Trảo Oa, tiếng Latinh là Java) kiểm soát, dùng làm nơi tiếp tế cho các thương thuyền đến làm ăn buôn bán với Trung Hoa ở phía bắc. Nguyên Vương quốc Chà Và (Majapahit) lúc này đang nội chiến, giữa vua kiểm soát phía tây và anh rể kiểm soát phía đông (cuộc chiến kéo dài từ năm 1401 đến 1406, kết quả Tây Java thắng).
Khi thấy Hạm đội xuất hiện, thủ quân đều rất kinh hoàng, trên bờ hỗn loạn vô cùng, một số bắt đầu trở thành đào quân, lẩn trốn vào rừng. Toàn thể quân dân ở đây chỉ có vài nghìn, trong đó quân đội chưa đến 500, trong vịnh có một số chiến thuyền, là chiến thuyền chứ không phải chiến hạm, bởi chiếc lớn nhất cũng chỉ dài chưa đến 20 mét. Với lực lượng như thế, không thể nào chống cự nổi những đại chiến hạm của đối phương.
Giang Phong truyền lệnh các chiếm hạm cập vào bến, sau đó cho Định Hải quân đổ bộ lên bờ. Định Hải Tướng quân Triệu Phong cử 2.000 quân vào chiếm lấy khu dân cư, khống chế cư dân ở đó. Còn y đích thân chỉ huy đại đội sĩ binh truy sát thủ quân. Một vạn quân đội vũ khí tinh lương truy sát chưa đến 500 địch quân, hoàn toàn không có gì khó khăn. Giang Phong cũng không yêu cầu phải tiêu diệt tất cả, chỉ cần chiếm đất là được rồi. Do đó có một số trốn thoát vào rừng cũng không thành vấn đề.
Sau đó, 5.000 dân phu cũng đổ bộ, rồi vận chuyển vật tư từ chiến hạm lên bờ. Giang Phong chọn vị trí kiến thiết thành thị ở bên bờ vịnh, ngay cửa sông Mã Ni (tên Giang Phong đặt, tên thật là sông Pasig). Xây dựng thành thị gần sông sẽ không lo thiếu nước. Sinh sống trên đảo, nước là một tài nguyên cực kỳ quan trọng. Các vật tư mang theo trên chiến hạm, ngoài lương thực còn có một số lượng lớn sắt thép và thạch nê (tức xi măng). Đó là những thành tựu gần đây của Thái Học Viện. Quá trình luyện thép tuy tạo ra thép có chất lượng không tốt so với các phương pháp hiện đại, nhưng so với thời bấy giờ thì chất và lượng đều ưu việt. Còn thạch nê chất lượng lại cực tốt, còn tốt hơn cả xi măng thời hiện đại, có lẽ sử dụng nguyên liệu tốt và không bị thâu công giảm liệu chăng. Giang Phong đã từng cho xây dựng một tòa tiểu cung điện bốn tầng bằng bê tông cốt thép ở Thái Học Viện, kết quả rất tốt.
Quân đội kéo đến làm cư dân tại đấy kinh sợ vô cùng, không hề dám chống cự. Toàn khu dân cư chỉ có hơn 500 hộ với khoảng 3.000 nhân khẩu. Giang Phong cho tập trung toàn bộ những người khỏe mạnh đi làm dân phu, rồi xem thái độ bọn họ thế nào sẽ quyết định. Giang Phong chỉ cần thuận dân, không thể để lại những phần tử bất ổn định. Thế là có thêm được hơn 1.600 dân phu nữa.
Khi đã chuyển hết vật tư lên bờ và dựng xong các lều trại để ở tạm, Giang Phong cử 2.000 người đi khai thác đá. Lã Tống có nhiều núi, thậm chí có cả núi lửa, nên không thiếu đá. Thêm vào đó là 1.000 người khai thác cát và 1.000 người khai thác gỗ. Số còn lại lo việc sửa sang mặt bằng cho thành thị mới, vận chuyển vận tư và một số ít lo việc ăn uống cho tất cả mọi người. Ngoài ra còn có một toán thuật sĩ dưới sự hộ tống của quân đội đi các nơi tìm kiếm quặng mỏ. Trước mắt, Giang Phong cần có mỏ đất sét, núi đá vôi và mỏ sắt.
Triệu Phong dẫn quân đi đánh chiếm các nơi trong vùng, thường xuyên đưa về tù binh, và đều được Giang Phong cho chuyển thành dân phu. Chỉ sau 10 ngày, bọn Giang Phong đã kiểm soát hoàn toàn khu vực vịnh Mã Ni, cùng lưu vực Lâm Hải Hồ (tên thật là Laguna de Bay, là hồ nước ngọt lớn thứ ba tại Đông Nam Á, diện tích 911,36 kilômét vuông, cách vịnh Manila chỉ khoảng 20 kilômét). Trong khu vực đó không còn tồn tại một thị tộc hay bộ lạc nào, tất cả đều đã được sát nhập vào thế lực của Giang Phong.
Hạm đội chỉ lưu một phần ở lại vịnh Mã Ni, các thuyền vận chuyển cùng một số chiến hạm hộ tống đã quay về Đại Việt, tiếp tục vận chuyển vật tư sang Lã Tống. Do chuyến đầu tiên chở rất nhiều người, nên vật tư mang theo không nhiều lắm, đặc biệt là những thứ nặng như sắt thép.
Thành thị của Giang Phong không được xây dựng theo kiểu truyền thống, tức là có một bức tường thành bao quanh, phía ngoài còn có hộ thành hà. Trước mắt, Giang Phong không có ý định xây tường thành, bởi vì sau này sẽ còn mở rộng, mở rộng ra nhiều lần nữa. Hiện tại chỉ xây dựng một phần, đủ chỗ cho 1 vạn hộ sinh sống. Dân phu được lệnh san phẳng một khu vực vuông vức dài rộng mỗi bề 5 dặm (tức 2 kilômét). Tiếp đó là sử dụng cát, đá, thạch nê kiến tạo hai đại lộ rộng 10 trượng (tức 40 mét) nằm song song nhau dẫn thẳng ra bờ vịnh. Sử dụng thạch nê làm đường, mặt đường phẳng lì nhìn đẹp mắt hơn lát đá nhiều, xe ngựa chạy cũng rất êm. Sau đó, từ hai đại lộ mở ra các đường ngang và đường dọc, vuông góc nhau như bàn cờ. Hai bên đường được chia thành các lô nhỏ, sẽ là các khu nhà sau này. Giang Phong không có học quy hoạch đô thị, nhưng ít ra cũng từng nhìn thấy các khu dân cư thời hiện đại ra sao. Ngoài đại lộ và đường, Giang Phong còn chú trọng xây dựng hệ thống thoát nước cho thành thị. Giang Phong không muốn thành thị của mình lại rơi vào cảnh hễ mưa là ngập, đến nỗi cả thành thị chỉ còn có một điểm ngập duy nhất là ‘toàn thành phố’. Cũng may có thạch nê nên việc này cũng không khó khăn gì.
Sau một thời gian khai thác, có đủ cát đá, đặc biệt là đã nung được một lượng lớn gạch ngói, các khu nhà đầu tiên bắt đầu được xây dựng. Theo quy hoạch của Giang Phong, nhà dân được xây dựng theo hình thức ‘nhà vườn’, tức vừa có nhà, vừa có vườn. Mỗi lô có diện tích 5 mét x 12 mét, trong đó phía trước là căn nhà hai tầng rộng 5 mét x 8 mét, phần còn lại phía sau là khoảng sân rộng 5 mét x 4 mét. Trong thành thị mà có một khoảng sân như thế là quá tốt rồi.
Sau một tháng, các khu khai thác đất sét, đá vôi được kiến thiết hoàn tất. Một xưởng sản xuất thạch nê cũng được xây dựng. Lúc này chỉ còn phải vận chuyển sắt thép từ Hải Tân sang mà thôi. Tuy đã tìm ra mỏ quặng sắt, nhưng muốn tiến hành khai thác không hề dễ dàng. Công việc vẫn đang khẩn trương tiến hành.
Sau hai tháng, 1 vạn căn nhà được xây dựng xong, toàn bộ đều là những căn nhà vườn hai tầng, nhà phía trước, vườn phía sau. Thành thị đã bắt đầu có hình có dáng. Giang Phong lại phải suy nghĩ đặt cho nó một cái tên. Dùng tên Mã Ni nghe không hay, kém văn hoa, bị toàn thể thuộc hạ nhất trí phản đối.
__________________________________________________ _____________
Bà con có thể coi bản đồ để biết tình hình khu vực Đông nam á lúc bấy giờ. Tui chỉ tìm được bản đồ thế kỷ 13, nhưng đại khái thế kỷ 14, 15 cũng như thế, chỉ có Chiêm Thành bị mất ít đất.
Nhìn vào bản đồ, nhìn thấy Đại Việt thật là thảm. Thời kỳ đó Đại Việt thật yếu. Đầu thời Trần, tuy đánh thắng quân Nguyên, nhưng sau 3 cuộc chiến tranh lớn, kinh tế đất nước tan hoang cả. Đến giữa thời Trần, Đại Việt yếu đi, thường xuyên bị Chiêm Thành và Ai Lao sang cướp phá, chỉ có thể bị động phòng ngự (đem quân đánh đuổi ra khỏi đất nước, nhưng quân đội không hề ra khỏi biên giới). Đến cuối thời Trần, Chiêm Thành vài năm lại sang cướp phá, 4 lần chiếm lĩnh Thăng Long, cũng may quân Chiêm chỉ sang cướp phá rồi rút về, nước Chiêm lại thường xuyên nội chiến vì tranh ngôi, nếu không có khi Đại Việt mất nước.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook