Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc
Chương 126: Chinh phạt đế quốc ottoman







Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.510 (Mậu Tuất, 1418). Mùa xuân, tháng 3. Bán đảo Tiểu Á.




Tiểu Á hay Anatolia (tiếng Hy Lạp : Ανατολία, có nghĩa là ‘Mặt trời mọc’) là một bán đảo thuộc Á châu, nằm giáp với Âu châu ở phía tây bắc, với Hắc Hải ở phía bắc, Địa Trung Hải ở phía nam, biển Aegean ở phía tây, và vùng đất châu Á rộng lớn ở phía đông.



Lúc này, chủ nhân của bán đảo Tiểu Á là Đế quốc Ottoman của người Thổ. Sultan của Đế quốc Ottoman là Mehmed I Çelebi được tôn xưng là ‘Vị lập quốc thứ hai của Đế quốc Ottoman’, mặc dù lúc này Đế quốc Ottoman yếu hơn thời vua cha là Bayezid I nhiều. Thời trước, khi Bayezid I còn trị vì, Đế quốc Ottoman chiếm lĩnh hầu hết bán đảo Tiểu Á và cả một phần vùng đất Balkan thuộc Âu châu, bao vây Đế quốc Byzantine bên trong thành Constantinople (Đế quốc Byzantine chỉ còn lại khu vực thành Constantinople, dân số chỉ khoảng 50.000 người). Nhưng đến năm 1402, khi Timur của Hãn quốc Chagatai xua quân Mông Cổ tây chinh, tấn công Đế quốc Ottoman thì quân Thổ đại bại ở Angora (nay là Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ), đại quân Thổ tan vỡ, Sultan Bayezid I bị Timur bắt sống. Năm sau, Bayezid I chết trong nhà ngục, bắt đầu thời kỳ nội chiến của Đế quốc Ottoman. Bốn vị hoàng tử con của Bayezid I đã mỗi người chiếm giữ một vùng lĩnh địa, làm Đế quốc phân liệt, rồi đưa quân đánh nhau để tranh ngôi, gây ra thời kỳ nội chiến tàn khốc kéo dài suốt 10 năm. Bọn họ là Musa và Mehmed Çelebi chia nhau kiểm soát Amasya, Isa chiếm giữ Bursa, và Suleyman chiếm giữ Rumelia (phần đất Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Âu châu).



Đến năm 1405, Isa bị đánh bại và Mehmed Çelebi kiểm soát được Bursa, một thành phố quan trọng và cũng là kinh đô của Đế quốc Ottoman, nằm bên cạnh eo biển Dardanelles ngăn cách Âu châu với Á châu. Năm 1410, Musa đánh thắng Suleyman, xưng bá cả vùng Rumelia và bắt đầu chiếm dần các lĩnh địa khác ở bán đảo Balkan. Đế quốc Ottoman còn lại hai vị hoàng tử cùng tranh giành ngôi vị Sultan. Năm 1413, Mehmed Çelebi liên kết với quân Byzantine, đã giành thắng lợi vang dội trước quân Musa ở Camurli. Mehmed Çelebi chính thức lên ngôi, trở thành Sultan của người Thổ, xưng hiệu là Mehmed I Çelebi cai trị cả vùng Tiểu Á và Rumelia.



Năm 1416, Belreddin nổi dậy ở bán đảo Karaburun. Cuộc nổi dậy này thu hút được sự ủng hộ đông đảo của dân chúng trong vùng. Quân khởi nghĩa phát triển đến hơn 1 vạn người, và đã giành được một số thắng lợi nhỏ trước quân triều đình Ottoman. Cuộc nổi dậy này đã phần nào làm suy yếu Đế quốc. Belreddin tên đầy đủ là Sheikh Mahmoud Bin Bin Abdulaziz Badraldin Israel, một giáo sĩ tiến bộ, nổi dậy đấu tranh để dân chúng không phải đóng thuế quá cao. Ông không chỉ là một giáo sĩ có uy tín, mà còn là phò mã của vương triều Mamluk ở Ai Cập (vợ ông là Cazibe Hatun, một công chúa Mamluk). Theo lịch sử, cuộc nổi dậy thất bại, những chiến hữu của Belreddin đều bị xử tử, còn ông bị giải về treo cổ ở Serez vào năm 1420. Nhưng lúc này (năm 1418), cuộc chiến vẫn còn đang diễn ra ở bán đảo Karaburun. Chính vì chiến tranh liên miên hơn chục năm nay, nên quốc lực của Đế quốc Ottoman không còn thật sự hùng mạnh nữa. Cũng do vậy mà khi Vương triều Latium quật khởi ở phía tây thì quân Ottoman vẫn án binh bất động, phòng giữ bờ cõi của mình và đàn áp các cuộc nổi dậy trong nước.




Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Tuất (1418), đại quân Thần Thánh Đế quốc tế cờ xuất chinh. Các đạo lục quân vượt biên giới Syria (đất Syria thời Trung Cổ, rộng hơn lĩnh thổ nước Syria ngày nay) tiến vào lĩnh thổ Đế quốc Ottoman ở phía bắc. Trong khi đó thì các chiến hạm của Hắc Long Hạm đội kéo đến phong tỏa eo biển Dardanelles, pháo kích vào các thành thị, pháo đài ở hai bên bờ eo biển, ngăn hẳn phần Rumelia với bán đảo Tiểu Á. Kinh đô Bursa bị pháo kích rất dữ dội. Các chiến hạm của Hắc Long Hạm đội tràn ngập cả eo biển, nhiều lần dàn trận như muốn chiếm lấy một vùng bờ biển để tổ chức đổ bộ. Sultan Mehmed I Çelebi phải vội tập trung binh lực từ các nơi về bảo vệ Bursa, trong đó có một bộ phận không nhỏ chia ra phòng ngự khu vực bờ biển, ngăn không cho địch quân đổ bộ. Đồng thời, Mehmed I Çelebi còn phái một sứ đoàn đến Sinai xin thần phục Thần Thánh Đế quốc, nhưng bị bọn Đinh An Bình từ chối. Sau cuộc đại điển ‘vạn quốc lai triều’, những ai không đến Gia Định triều cống thì sẽ không được Đế quốc công nhận. Trước đó, Giang Phong đã quyết định thống trị khu vực Tiểu Á và Rumelia theo mô hình Jerusalem và Syria, nên Đế quốc Ottoman phải kết thúc. Hơn nữa, nếu như Đế quốc Ottoman thần phục thì công huân ở đâu ra. Bọn Đinh An Bình đều là những kẻ hiếu chiến kia mà.



Lộ lục quân của Thần Thánh Đế quốc do Đinh An Bình đích thân thống suất, gồm 16 đạo quân Đế quốc (6 đạo trú đóng ở Sinai trước đây và 10 đạo từ nam Thiên Trúc mới chuyển đến) với 48 vạn người, thêm vào đó có 2 vạn kỵ binh Mamluk, 10 vạn bộ binh Ai Cập và 1 vạn kỵ binh A Lạp Bá trợ chiến. Quân đội Mamluk, Ai Cập và A Lạp Bá sẽ đóng vai trò dân binh, hỗ trợ quân đội Đế quốc chiến đấu cũng như phòng thủ các vùng đất chiếm được.



Các vùng đất phía đông bán đảo Tiểu Á tuy trên danh nghĩa thuộc về Đế quốc Ottoman, nhưng thực tế có vô số tiểu bộ lạc sinh sống trên đấy, vì nộp cống cho Đế quốc Ottoman nên được xem là thuộc lĩnh thổ Ottoman. Cũng vì thế mà 16 năm trước, Timur đã xâm chiếm vùng này rất dễ dàng, đại quân Mông Cổ tiến thẳng một mạch đến tận Angora (tức Ankara) mới gặp phải quân đội Ottoman chặn đánh.



Giờ đây, Sultan Mehmed I Çelebi đang phải lo phòng thủ kinh đô Bursa, vùng này gần như bỏ ngõ. Đinh An Bình tiến quân theo đường tiến quân của người Mông Cổ trước đây, tiến đến đâu là công thành bạt trại đến đó. Các đội kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá được thả đi cướp phá các tiểu bộ lạc trong vùng quân đội đi qua. Đinh An Bình cho bọn họ tự do tác chiến, tùy ý xử lý chiến lợi phẩm, nên cả bọn đều rất hăng hái, tiến đến đâu là cứ như ‘hoàng trùng quá cảnh’, cướp sạch, phá sạch, giết sạch đến đó, thực hiện ‘tam quang chính sách’ đến mức triệt để. Thời Trung Cổ, quân đội cướp phá là chuyện bình thường. Chẳng hạn như có một cuộc Thập tự chinh đi ngang qua Constantinople, đã nhân tiện phá thành, sau khi cướp phá xong còn phóng hỏa đốt thành, khiến cho văn vật bị hủy, sự phồn vinh thịnh vượng của Constantinople từ đó cũng chấm dứt, sau này Đế quốc Byzantine chỉ còn lại chút hơi tàn.




Đại quân tiến công thuận lợi ngoài cả sự tưởng tượng của Đinh An Bình. Vạn lý hành quân mà chẳng có một cuộc giao tranh đáng kể nào. Những cuộc giao chiến thảm liệt chủ yếu là các cuộc cướp phá của kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá. Đại quân đông đến 610.000 người, thần công đại pháo gần vạn, mỗi khi nã pháo công thành thì cả nửa bầu trời rực hồng lửa đạn, thành trì kiên cố đến đâu cũng bị phá hủy dễ dàng, những tiểu đội quân Thổ làm sao dám ngăn cản. Đại quân tiến về phía tây, các bộ lạc Thổ cũng vội chạy về phía tây, bị dồn đuổi dần về phía Bursa. Những bộ lạc nào chậm chân thì trở thành mục tiêu của kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá. Bọn họ ai nấy đều rủng rỉnh kim tệ trong túi. Chiến lợi phẩm thu được, bọn họ đều bán lại cho những đội thương nhân đi phía sau đại quân, đổi lấy kim tệ cho nhẹ nhàng. Hành trang phải càng nhẹ nhàng thì mới càng dễ dàng cướp phá, càng có nhiều chiến lợi phẩm hơn.



Dù vậy, cũng có không ít tù trưởng các tiểu bộ lạc mang cả quân dân ra đầu hàng Đế quốc. Đinh An Bình không chấp nhận cho Đế quốc Ottoman đầu hàng, nhưng đối với các tiểu bộ lạc thì sẵn sàng mở rộng cửa đón chào. Đinh An Bình cứ khuyên trên địa đồ những vùng đất nhất định, rồi giao cho các bộ lạc này cai quản, tự trị, giống như các tiểu vương quốc A Lạp Bá vậy. Những bộ lạc bỏ chạy về phía tây đa phần là các bộ lạc lớn, có quan hệ thân mật với triều đình Ottoman. Những bộ lạc đầu hàng, không chỉ lo di cư đến vùng đất được giao, mà còn đua nhau đóng góp kỵ binh tham chiến. Bọn họ xin với Đinh An Bình cho kỵ binh Thổ được gia nhập đội ngũ của kỵ binh Mamluk và A Lạp Bá. Đến khi đại quân đến được Angora thì kỵ binh Thổ theo quân đã đông đến hơn 2 vạn người.



Đến Angora, Đinh An Bình cho đại quân cắm trại lại đấy, tạm thời nghỉ ngơi chỉnh quân. Nơi đây là chiến trường xưa kia giữa quân Thổ của Bayezid I và quân Mông Cổ của Timur. Đinh An Bình rất hy vọng quân Thổ lại chọn nơi đây là địa điểm quyết chiến, bởi sau một lần thảm bại, dẫn đến Đế quốc tan rã, tất sẽ tạo nên ám ảnh trong lòng quân dân Ottoman. Chỉ đáng tiếc là sau mấy ngày mà vẫn không thấy có động tĩnh gì từ phía triều đình Ottoman. Bọn họ chỉ lo cố thủ Bursa mà thôi.


Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương