Đồng Đạo
Chương 7

Người dịch: Nguyễn Bá Long

Nhà xuất bản: NXB Văn học

Shared by: CCG -

Luật sư Ethan Rapley rời khỏi căn phòng áp mái tối tăm của mình, tắm rửa, cạo râu, nhỏ chút thuốc mắt vào hai con mắt đỏ mọng và vừa uống một ly cà phê đặc vừa tìm chiếc áo khoác màu xanh nước biển còn tạm sạch để mặc đi vào khu trung tâm thành phố.

Đã mười sáu ngày nay ông ta không đến văn phòng. Không ai nhớ đến ông ta và ông ta cũng chẳng nhớ đến bất kỳ ai ở đó. Họ gửi fax đến khi cần, và ông ta cũng trả lời bằng fax. Ông ta viết những báo cáo tóm tắt, những bản ghi nhớ và những khuyến nghị mà Hãng cần phải có để tồn tại, và ông ta làm việc này cho những người mà mình khinh bỉ. Đôi khi, ông ta cũng buộc phải thắt cavát để tiếp một khách hàng hay dự một cuộc hội họp ghê tởm nào đó với các đồng cổ đông. Ông ta căm ghét cái phòng làm việc của mình; căm ghét mọi người, thậm chí là cả những người mà ông ta không mấy quen biết; căm ghét các cuốn sách và mọi thứ hồ sơ trên bàn làm việc. Ông ta căm ghét những tấm ảnh treo trên tường phòng làm việc, ghét mọi thứ mùi - mùi cà phê ở hành lang, mùi mực gần cái máy photocopy, mùi nước hoa của các cô thư ký. Mọi thứ.

Vậy mà ông ta đã thấy mình gần như mỉm cười trên quãng đường chạy dọc theo bờ biển cuối chiều hôm đó, và gật đầu với một người quen cũ trong khi bước đi khá nhanh trên phố Vieux Marche, và cũng đã thực sự nói đôi câu với ngưòi nhân viên lễ tân, một cô gái mà một phần tiền lương là do ông ta trả nhưng lại không thể nào nhớ nổi tên họ của cô ta.

Trong phòng họp là một đám đông lộn xộn; hầu hết là các luật sư từ các văn phòng ở gần đó, một hay hai thẩm phán và một vài nhân viên tòa án. Lúc này đã là sau năm giờ chiều, và bầu không khí là thoải mái và vui vẻ. Khói xìgà ngập trong phòng.

Rapley tìm thấy rượu để trên một cái bàn ở cuối phòng, và vừa nói chuyện với Vitrano vừa rót một ly Scotch, cố tỏ ra vẻ thoải mái. Đầu phòng đằng kia, cả đống nước khoáng và nước giải khát có ga chẳng được ai màng tới.

“Cứ thế này suốt cả buổi chiều đấy,” Vitrano nói trong khi họ nhìn vào đám người và lắng nghe những lời trao đổi ồn ào. “Ngay sau khi có tin là cứ nhộn cả lên.”

Tin về Patrick đã loang trong cộng đồng pháp lý ở dọc bờ biển này trong một khoảng thời gian chỉ tính bằng phút. Đám luật sư thường ưa bàn tán, thêm thắt, và chuyện đi chuyện lại với một tốc độ kinh hoàng. Người ta nghe thấy những lời đồn đại, thu thập, và rồi thêm bớt. Hắn nặng chừng sáu mươi cân, nói được năm thứ tiếng. Tiền đã thấy. Tiền đã biệt tăm. Hắn sống trong cảnh nghèo túng. Hay là trong một biệt thự gì đó? Hắn sống có một mình. Hắn có một người vợ mới và ba đứa con. Họ biết tiền đang ở đâu. Họ không hề có một dấu vết gì. Thôi thì đủ cả.

Sau cùng thì tất cả những lời đồn đại đều nhắm vào khoản tiền kia. Khi đám bạn bè và những người tò mò tụ tập trong căn phòng họp bàn tán chuyện này chuyện nọ, tất cả rồi đều trở lại chuyện chỗ tiền kia. Trong đám đông này thì không có gì có thể được coi là bí mật. Từ cả mấy năm nay, mọi người đều biết là Hãng này có một phần ba trong số chín mươi triệu đôla bị mất. Và chỉ một cơ hội mỏng manh nhất của việc thu lại được số tiền đó cũng đủ đưa lại một đám bạn bè và những người tò mò đến uống với nhau một vài ly, cùng một câu chuyện, một lời đồn, một tin tức mới nhất và một câu nói muôn thuở, “Mẹ kiếp, tôi hy vọng là họ tìm ra chỗ tiền.”

Rapley mất hút vào trong đám đông với ly rượu thứ ba. Bogan nhấm nháp chút nước khoáng và nói chuyện với một vị thẩm phán. Vitrano đi vòng quanh, ra sức xác nhận hay phủ nhận chuyện này chuyện nọ. Havarac đứng trong một góc phòng với một tay phóng viên tòa án có tuổi, người đột nhiên cảm thấy ông ta là một kẻ không đến nỗi khờ khạo.

Rượu vẫn tràn trề khi màn đêm buông xuống. Những hy vọng tăng lên mãi và cùng với đó là cả những lời tầm phào được nhai đi nhai lại.

Patrick thật sự là tất cả tin tức trên truyền hình tối hôm đó của vùng bờ biển này. Không có mấy tin gì khác được đề cập đến. Đó là hình ảnh Mast và Parrish ngồi cứng người trước một loạt micrô, như thể là họ bị lôi tới đó trái với ý muốn của mình. Hình ảnh cận cảnh khung cửa ra vào phía trước của hãng luật kia, mà không có bình luận của bất kỳ ai trong đó. Một chút tư liệu về ngôi mộ của Patrick, cùng với những khả năng ảm đạm về điều gì đã có thể xảy ra đối với cái người xấu số đang nằm trong đó. Một chút hình ảnh thoáng qua về vụ tai nạn bốn năm về trước, quang cảnh hiện trường và xác chiếc Chevy Blazer cháy nham nhở của Patrick Lanigan. Không có bình luận nào của người vợ, của FBI, của cảnh sát trưởng hay của những người trong cuộc, nhưng lại quá nhiều những phỏng đoán phóng túng của các phóng viên.

Tin này cũng được đưa đậm ở New Orleans, Mobile, Jackson và thậm chí là Memphis. CNN đã nhặt được tin này vào khoảng giữa buổi tối và phát trên toàn quốc trong khoảng một giờ trước khi phát ra nước ngoài. Một câu chuyện thật ly kỳ tới mức không thể cưỡng lại được.

Lúc đó là gần bảy giờ sáng, giờ Thụy Sĩ, khi Eva thấy những hình ảnh này trong phòng khách sạn. Nàng đã ngủ thiếp đi sau lúc nửa đêm mà không tắt TV, và gà gà gật gật suốt đêm để chờ đợi tin tức về Patrick. Nàng mệt mỏi và sợ hãi. Nàng những muốn trở về nhà nhưng biết là không thể được.

Patrick còn sống. Hắn đã hứa với nàng cả trăm lần là họ sẽ không giết hắn nếu như họ có tìm được hắn. Và đó là lần đầu tiên nàng tin hắn.

Hắn đã nói với họ đến đâu ? Đó là vấn đề.

Hắn bị đánh đập đến thế nào ?

Nàng thầm thì một lời cầu nguyện và tạ ơn Chúa rằng Patrick vẫn còn sống.

Thế rồi, nàng lập một danh mục những việc phải làm.

*

**

Dưới cái nhìn hờ hững của hai người lính gác và sự giúp đỡ chút đỉnh của Luis, một anh chàng hộ lý người Puéctô Ricô, Patrick lê từng bước dọc theo hành lang với cặp chân để trần, mình mặc độc một chiếc quần cộc màu trắng của lính. Những vết thương của hắn cần tiếp xúc với không khí - chứ không phải là quần áo hay những lớp băng lúc này. Chỉ dầu xoa và ôxy. Hai bắp chân và đùi vẫn đau, còn đầu gối và cổ chân thì như muốn rụng sau mỗi bước đi.

Mẹ kiếp, hắn muốn cái đầu được tỉnh táo. Hắn sẵn sàng với nỗi đau đớn của các vết bỏng bởi vì nó làm cho đầu óc hắn tỉnh ra. Chỉ có Chúa mới biết những thứ hóa chất tệ hại gì đã được tiêm vào trong máu hắn suốt ba ngày qua.

Cuộc tra tấn kia là cả một đám sương mù dày đặc, khủng khiếp, nhưng giờ đây đang bắt đầu tan đi. Khi các hóa chất được phân giải và bị thải ra ngoài, hắn bắt đầu nhớ lại những tiếng kêu đau đớn đó. Hắn đã nói với họ những gì về chỗ tiền kia nhỉ ?

Hắn dựa vào bậu cửa sổ trong căngtin để trống chờ người hộ lý đi lấy ly nước mát. Biển ở cách xa chừng một dặm, và trong khoảng giữa từ nơi hắn đang đứng tới mép biển là những dãy trại lính. Hắn đang ở trong một thứ căn cứ quân sự gì đó.

Đúng, hắn đã thú nhận là chỗ tiền kia vẫn còn, hắn nhớ bởi vì những cú điện giật đã ngừng lại khoảnh khắc khi những lời này bật ra. Thế rồi, bây giờ nhớ lại thì dường như hắn đã ngất đi bởi vì rất lâu sau đó hắn mới tỉnh lại khi bị dội nước lạnh vào mặt. Hắn nhớ là dòng nước đó dễ chịu như thế nào, nhưng bọn họ không để cho hắn được uống.

Các nhà băng. Hắn suýt nữa đã mất mạng vì những cái tên của mấy cái nhà băng trời đánh nào đó. Với dòng điện khốc nghiệt quấn quanh người, hắn đã phải lần lại dấu vết của đống tiền đó, từ lúc đánh cắp nó khỏi Ngân hàng liên hiệp xứ Wales ở Bahama, tới một nhà băng ở Manta, rồi tới Panama, nơi mà không ai có thể tìm ra nó.

Một khi họ đã tóm hắn rồi thì hắn không còn biết tiền đang ở đâu nữa. Nó vẫn còn đó, tất cả, cộng với các khoản lãi suất, chắc chắn là hắn đã nói với bọn họ như vậy, giờ thì hắn nhớ, nhớ rất rõ bởi vì hắn đã tính, mẹ kiếp — họ biết là mình đánh cắp, biết là mình không thể nào tiêu tán hết được chín mươi triệu đôla trong vòng bốn năm - thế nhưng thật sự là hắn không biết chính xác số tiền đó ở đâu trong lúc da thịt hắn đang bị thiêu đốt.

Ngưòi hộ lý đưa cho hắn một lon xôđa và hắn nói cảm ơn bằng tiếng Bồ Đào Nha. Tại sao hắn lại nói bằng thứ tiếng này nhỉ?

Thế rồi, tất cả tối sầm lại, sau khi dấu vết của khoản tiền ngừng ở đó. “Ngừng ngay!” Ai đó từ góc phòng quát lên, một người mà hắn không hề nhìn thấy. Họ nghĩ là họ đã giết chết hắn với dòng điện kia.

Hắn không biết là đã bất tỉnh trong bao lâu. Rồi hắn tỉnh lại nhưng không nhìn thấy gì cả; mồ hôi, các thứ thuốc và những tiếng gào thét đã làm cho hắn trở nên mù lòa. Hay là do tấm vải bịt mắt ? Bây giờ thì hắn nhớ rằng đó có thể là một tấm vải bịt mắt, bởi vì bọn họ hình như sắp sửa dùng một trò tra tấn ác độc mới. Có thể là chặt đứt một phần thân thể. Và hắn đang nằm đó, trần truồng.

Một mũi tiêm nữa vào cánh tay. Đột nhiên tim hắn đập rộn lên và da thịt nhoi nhói. Kẻ tra tấn đã trở lại với cái đồ chơi nhỏ bé trên tay hắn. Patrick lại nhìn được. Nào, ai giữ tiền? Anh ta hỏi.

Patrick uống một ngụm xôđa. Ngưòi hộ lý tha thẩn gần đó, mỉm cười vẻ dễ chịu theo lối mà anh ta vẫn đối xử với mọi bệnh nhân. Hắn đột nhiên thấy muốn ói, mặc dù đã ăn rất ít. Đầu hắn nhẹ bẫng và quay cuồng, nhưng hắn vẫn cố đứng vững để máu có thể lưu thông và hắn có thể vẫn còn suy nghĩ được. Hắn tập trung nhìn vào một chiếc tàu đánh cá xa xa phía chân trời.

Họ đã làm cho hắn ngất đi mấy lần, muốn được biết những cái tên. Hắn đã gào lên. Họ đã gắn một cực điện vào bìu hắn và nỗi đau tăng lên một cách khủng khiếp, Thế rồi, hắn lại ngất đi.

Patrick không thể nhớ nổi. Hắn tuyệt nhiên không nhớ nổi giai đoạn cuối cùng của cuộc tra tấn. Thân thể hắn nóng như thiêu. Hắn đã cận kề bên cái chết. Hắn đã gọi tên nàng, nhưng có phải chỉ là gọi thầm hay không ? Giờ đây nàng đang ở đâu ?

Hắn buông rơi lon xôđa và vội đưa tay ôm choàng lấy người hộ lý.

*

**

Stephano đợi cho đến một giờ sáng trước khi rời khỏi nhà. Lão lái chiếc xe của vợ chạy dọc đoạn phố tối trước nhà, giơ tay vẫy chào hai tay nhân viên đặc biệt đang ngồi trong một chiếc xe van đậu ở ngã tư. Lão lái chậm lại để họ có thể quay xe và bám theo. Cho tới lúc lão vượt qua cầu Arlington Memorial thì ít nhất cũng có hai chiếc xe “hộ tống” phía sau.

Đoàn xe nhỏ này băng qua những phố vắng ngắt tới Georgetown. Stephano có cái lợi thế là biết bản thân mình đang đi đâu. Lão quặt phải đột ngột từ phố K vào phố Wisconsin và rẽ vào phố M. Lão đậu xe bất hợp lệ một cách nhanh nhẹn, và đi bộ nửa khúc phố tới khách sạn Holiday Inn.

Lão dùng thang máy đi lên tầng ba, nơi Guy đang đợi trong một căn hộ sang trọng. Lần đầu tiên trở về Mỹ sau nhiều tháng trời nhưng anh ta đã ngủ rất ít trong ba ngày qua. Stephano cũng nôn nóng không kém.

Có sáu cuộn băng, tất cả đều được dán tên và đặt gọn gàng trên bàn, cạnh một cái máy ghi âm chạy bằng pin. "Các phòng kế bên đều trống không,” Guy vừa nói vừa chỉ tay về cả hai phía. “Bởi vậy, ông có thể nghe với âm lượng đủ lớn.”

“Tôi nghĩ chắc là ghê sợ lắm,” Stephano nói, mắt liếc nhìn đống băng.

“Khủng khiếp. Tôi sẽ không bao giờ làm trò này nữa.”

“Bây giờ thì anh có thể đi.”

“Tốt quá. Tôi sẽ ở bên dưới trong trường hợp ông cần đến.”

Guy ra khỏi phòng. Stephano gọi một cú điện thoại, và một phút sau đó, Benny Aricia gõ cửa. Họ gọi cà phê đen, và dành cả phần còn lại của đêm hôm đó để nghe những tiếng gào thét của Patrick trong cánh rừng ở Paragoay.

Đó là giờ phút thư thái nhất của Benny.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương