Khiêm thức dậy với những quyết định mới, sau đó phát hiện ra mình không thực hiện được cái nào.

Đầu tiên là Kiều không chạy bộ như ngày thường.

Tiếp theo, ở trên lớp, đám bạn học đều lén nhìn về phía Kiều trong lúc bàn ra tán vào về cả cô lẫn cả chuyện gia đình của cô.

Khiêm tìm hiểu mới biết rằng ngay hôm qua đã có người gửi confession kể chuyện trong gia đình Kiều, về mẹ Kiều, sau đó về cả danh sách bạn trai lẫn bạn là con trai của Kiều suốt năm cấp 1 và cấp 2. Mọi thông tin trong đó không được xác thực, lời lẽ còn rất gay gắt và có xu hướng phóng đại sự việc nhưng số người đọc dễ bị dắt mũi dường như thường đông hơn số người đọc biết sử dụng bộ não đúng cách.

Nhìn qua thì có vẻ như không khí xung quanh Kiều vẫn bình thường, nhưng rõ ràng là mọi người đều né tránh cô. Nga ngồi cùng bàn dù vẫn an ủi Kiều, nhưng mọi thứ đều gượng gạo không được như trước, không cùng đi vệ sinh, không cùng đi canteen. Người ngoài đều thấy rõ ràng Nga muốn tránh xa Kiều, nhưng thực tế Khiêm biết rằng bản thân Kiều mới là người đang né tránh các mối quan hệ.

Bởi chính cậu ở trên lớp không hề nhận được một cái nhìn nào của cô dù chỉ là lướt qua, kể cả trong lớp lẫn ngoài đường. Cậu đã thử cố bắt chuyện với Kiều nhưng bị lơ toàn tập bằng vẻ mặt cực kì khó chịu, khi trở về nhà cả hai cũng chẳng hề có tin nhắn qua lại.

Sau đó vài hôm, Khiêm xin mẹ chuyển lớp học thêm - cùng lớp Tiếng Anh và Toán với Kiều.

Ban đầu đôi mắt của Kiều chỉ hơi ánh lên vài tia ngạc nhiên, rất nhanh sau đó đã trở về trạng thái xa cách như trước.

Ngoài ra cậu còn chuyển lịch chạy bộ của mình từ buổi sáng xuống buổi chiều, vào đúng thời điểm Kiều cũng đang tập chạy một mình.

Mỗi lần như vậy, Kiều không hề chào hỏi hay nhìn cậu. Nhưng dần dà cậu thấy thay vì chạy hết hai vòng rồi ngồi nghỉ cho đến lúc cậu chạy đủ bốn vòng, thì mỗi ngày Kiều cố chạy nhiều hơn một ít, cứ như vậy cho đến lúc cả hai có thể cùng nhau chạy đủ bốn vòng. Thi thoảng Khiêm sẽ thử chìa cho cô một chai nước, nhưng Kiều chỉ đưa mặt quay đi nơi khác.

Cuối cùng thì ngày đại hội thể thao cũng tới. Chiều hôm đó học sinh toàn trường quây kín sân vận động lẫn nhà đa năng của trường để xem thi đấu.

Trường THPT Hoàng Lâm vốn là trường dân lập với diện tích khuôn viên rất rộng, đủ để sở hữu sân thể thao ngoài trời lẫn nhà đa năng chuyên sử dụng cho các bộ môn thi đấu trong nhà như bóng bàn, cầu lông, bơi lội... Hai môn cần đấu loại mất nhiều thời gian như bóng đá và bóng rổ đều đã loại xong hết các đội yếu mấy ngày trước, chỉ để lại hai đội mạnh cho vòng chung kết hôm nay.
2

Trong khi học sinh chia nhau ra, đám thì ở nhà đa năng đang tiếp diễn các nội dung thi như bóng bàn, cầu lông, đám thì ngồi ở khán đài quanh sân vận động để xem trận bóng cực kì căng thẳng giữa lớp 12N và 11N - hai lớp nát điển hình của khối 11 và khối 12... thì đám học sinh lớp 12B ngồi hết cả lũ để xem thi đấu ngoài sân vận động xem bóng đá.

Vốn lớp 12B không có người tham gia hai nội dung này nên cả đám cũng chẳng quan tâm lớp nào thắng lớp nào thua. Khi sáng đội đánh cầu lông và bóng bàn của 12B đã bị loại sạch nên ai cũng bàng quan ngồi xem đá bóng vì kết quả ra sao cũng chẳng liên quan đến mình. Có lẽ niềm hi vọng duy nhất của lớp lúc này nên đặt vào nội dung chạy tiếp sức và chạy 100 mét đang diễn ra song song cùng thời gian với trận bóng chung kết, nhưng dường như vì đã thất vọng quá nhiều, mà trông xuống hai cô gái thấp bé được cô giáo bốc random là Nga và Kiều cho môn chạy tiếp sức thì cả đám cũng chẳng mong ước gì thêm.

Sân chạy của trường khá rộng, bao gồm tám đường chạy với hình bầu dục bao quanh sân bóng đá. Do đây là bộ môn thi đấu bắt buộc nên số học sinh xuống sân đông tới mức không đếm xuể với hơn 40 lớp, mỗi lớp bốn người tham dự. Vì vậy ban tổ chức chia làm sáu lượt thi, mỗi khối hai lượt và tính theo thời gian chạy để tìm ra lớp đạt hạng nhất.

Khiêm vừa xuống sân thì bị mấy thằng bạn cũ lớp 12N vỗ vai khuyên nhủ: "Ê người anh em, lớp mày đút túi mấy giải cờ vua cờ tướng rồi thì cố quá mấy cái giải này làm gì?"

Khiêm nhìn thằng bạn cùng lớp cũ, mỉm cười hỏi thăm: "Vừa thắng chung kết bóng rổ xong, còn sức chạy không đấy?"

Tên kia vuốt mồ hôi trên trán, tự tin nói: "Tao vẫn còn dư sức. Mày lo cho mày đi, vào lớp chọn học nhiều quá có khi teo hết chân tay rồi."

"Đợi kết quả mới biết được." Khiêm thu lại nụ cười.

Thầy cô thông báo trên loa thứ tự thi đấu, yêu cầu học sinh vào vị trí. Theo sắp xếp thì khối 10 thi đầu tiên, kế tiếp là khối 11, còn khối 12 ở cuối.


Nga đứng cạnh Kiều, dường như vì lo lắng nên liên tục lẩm bẩm: "Trước giờ tao có giỏi mấy vụ chạy nhảy này đâu chứ? Được một đoạn là tụt huyết áp muốn lăn ra đất rồi."

Long cùng lớp đứng cạnh nghe vậy lập tức xỉa xói: "Gớm mẹ, gọi đi chạy thử mẹ cứ chối đây đẩy ấy, không luyện tập thì không chạy nổi là đúng rồi. Khởi động thì qua loa."

Nga bị chê trách lập tức đáp lời: "Mày không phải tao làm sao mày hiểu được? Tao thật sự thật sự có vấn đề đấy, người ngợm không thích hợp để vận động, thiếu máu lên não hay gì đấy, giờ khởi động lát chẳng có sức để mà chạy. Ôi, nói mày cũng không hiểu được đâu, rồi mày lại bảo tao không cố gắng. Thêm nữa là bố mẹ tao chỉ muốn tao cắm đầu vào học thôi, còn nói mấy cái thể dục thể thao này là vô bổ."

"Nói thế thì chịu rồi. Vậy nên lúc xếp cũng không dám xếp mày chạy giữa hay chạy cuối. Lát nữa mày chạy đầu đấy, làm gì thì làm cứ cố chạy hết vòng cho tao, còn lại để tao với Khiêm lo gồng gánh." Long bất lực dặn dò.

"Biết rồi biết rồi. Căng thẳng thế làm gì? Định lấy giải nhất à?"

"Chẳng biết giải gì, ít nhất cũng nên cố chứ? Chẳng lẽ cứ thấy không được là không làm? Nên nhớ lớp mình chưa có giải thể chất nào đâu đấy."

Nga xua xua tay: "Thì làm hình thức thôi."

Khiêm đứng cạnh Kiều nghe Nga và Long nói qua nói lại, lẳng lặng khởi động, tuyệt nhiên không lên tiếng.

Trên sân hiện đang là lượt thi của khối 10, dễ thấy đám con gái khi không có sự chuẩn bị trước đều chạy rất èo uột, phần lớn đều chạy chưa được nửa vòng sân đã phải ngừng lại để thở vì chạy cố quá. Nga thấy vậy tâm lí còn kém hơn trước, Khiêm lúc này mới nhẹ giọng nhắc nhở: "Nga chạy đầu tiên không cần cố quá như họ, cứ chạy từ từ hoàn thành vòng chạy là được rồi, chỉ cần không dừng lại là được."

Nga cũng không có cách nào khác ngoài gật đầu.

Nội dung chạy bền hai nam hai nữ phía ban tổ chức đưa ra là 4x400m, tổng đường chạy là 1600 mét, tính ra là bằng chạy bốn vòng. Những người có thể lực tốt đôi khi cũng không hiểu nổi tại sao lại tồn tại những người không chạy nổi nửa vòng, nhưng Khiêm lại rất kiên nhẫn cho Nga một vài lời khuyên về động tác cũng như cách giữ hơi thở.

Tới lượt thi đấu của khối 12, Nga là người đại diện chạy đầu tiên của 12B. Đám học sinh 12B ngồi xem cứ nghĩ Nga sẽ là thảm họa, nhưng không ngờ cũng có vài ba đứa chạy khởi đầu chậm ngang với Nga. Chỉ là, đường chạy chưa được một phần tư mà Nga cứ vậy tụt lại so với đám con gái khác, gương mặt tái nhợt. Long đứng đợi sẵn ở vạch tiếp sức nhìn vị trí của Nga mà sốt ruột không thôi.

Khi Nga vừa trao tín gậy cho Long, cô nàng lập tức rời khỏi khu vực sân chạy, cả người cứ lung lay thiếu điều muốn lăn đùng ra ngất xỉu. Dù không chạy nhanh nhưng nhờ lời khuyên của Khiêm mà đoạn cuối Nga không bị chạy yếu đi như những người khác, may mắn không bị người dẫn đầu bỏ quá xa. Do ngay sau lượt chạy của Long đã tới lượt Kiều nên cô lập tức vào vị trí, không thể nán lại với Nga lâu.

Đến lượt Long, tuy cậu ta không yếu như Nga nhưng so với con trai lớp bên cũng chẳng phải là một chân chạy xuất sắc. Lúc cậu ta trao gậy cho Kiều, đã có tới sáu người chạy vượt qua... trên tổng bảy người thi đấu.

Đám học sinh 12B trên khán đài thấy Kiều vừa nhận gậy liền ồ lên đầy thất vọng: "Còn gì nữa đâu mà xem nhỉ? Cho Kiều tham gia mấy cái trò nữ sinh thanh lịch may ra còn được giải."

"Đang xếp cuối rồi, cách người dẫn đầu cả nửa vòng sân đấy! Khiêm làm sao gánh được nổi đám này."

Thế nhưng lời bàn tán chưa tới được câu thứ ba, ai ai cũng đều nhận ra tốc độ của Kiều nhanh một cách bất thường. Cơ thể nhỏ nhắn với sải chân chẳng quá dài của cô cứ vậy vượt qua từng người, từng người một. Cứ mỗi đứa con gái bị cô vượt qua lại cuống cuồng đuổi theo nhưng phát hiện ra chạy không lại, chẳng biết vì sức chạy yếu đi hay Kiều càng chạy càng nhanh mà khoảng cách càng lúc càng xa.

Tới khi Kiều trao tín gậy cho Khiêm, phía trước cả hai chỉ còn ba đối thủ.

Khiêm thấy rõ kẻ chạy nhanh nhất đang bỏ xa cậu gần nửa vòng sân do có ưu thế từ ba người chạy trước đó, nhưng từ lúc bắt đầu những nhịp chạy đầu tiên cậu đã chẳng quan tâm.


Cả thân mình lao về phía trước, các cơ bắp dưới lớp da thịt tràn đầy sức sống.

Dưới tốc độ chạy của Khiêm, mọi đối thủ khác như bị tua chậm.

Người đang dẫn đầu đang khấp khởi vui mừng vì lúc nhận gậy đã thấy kẻ ngay sau mình bị bỏ xa vài mét, đột nhiên thoáng thấy một bóng hình cao lớn chạy vụt qua với tốc độ của một con mãnh thú, sau đó kéo khoảng cách đôi bên thêm vào mét. Thế là cậu ta nghĩ do mình chưa chạy nghiêm túc để bị vượt, quyết tâm dồn sức tăng tốc lên.

Tới khi thấy con mãnh thú kia chạm vạch đích rồi, cậu ta mới nhận ra mình có tăng hai ba lần tốc độ cũng chẳng có tác dụng gì.

Học sinh lớp 12B trên khán đài giật mình hò reo khi thấy lớp mình về đích đầu tiên trong tổng bảy lớp, khi ấy mới nhớ ra cả đám còn chưa kịp hô "cố lên" lần nào vì mấy đứa lớp bên hô to át vía quá.

Nga vì không tin được lớp mình về đích đầu tiên, ngạc nhiên xen lẫn sung sướng hạnh phúc ôm chặt lấy Kiều mà gào thét, thằng Long thấy vậy cũng chạy đến ôm ấp Khiêm.

Lúc Long vừa buông móng vuốt ra khỏi người Khiêm, bất chợt cậu thấy một bóng dáng nhỏ bé cũng chạy tới ôm cậu trong một thoáng rất nhanh rồi buông ra.

Khiêm muốn ôm ngược lại Kiều, và muốn được nói chuyện với cô, nhưng rất nhanh sau đó đã phải đối mặt với đám bạn cùng lớp nhào vào chúc mừng, sau đó là chuẩn bị cho nội dung thi chạy 100 mét.

Ngay sau khi kết thúc thi chạy 100 mét với kết quả về đích đầu tiên của mình, Khiêm nhìn quanh tìm Kiều nhưng không thấy cô đâu.

Thật ra việc Kiều không ở trong tầm mắt của Khiêm vẫn là chuyện mà cậu phải thường xuyên trải qua. Nhưng sau một cái ôm thì có vẻ như mong muốn này của cậu mãnh liệt hơn thường ngày.

Khiêm chạy qua vài nơi với mong ngóng sẽ vô tình bắt gặp Kiều, và với không khí đại hội thể thao nhộn nhịp dưới sân trường và các sân thi đấu thì cậu phát hiện ra bóng hình của Kiều thấp thoáng dãy học - nơi hiện tại chẳng có học sinh nào lui tới. Và người đang kéo cô đi là thầy Hưng.

Lúc Khiêm chạy đến nơi thì thấy thầy Hưng vẫn đang điên cuồng lôi kéo hai cánh tay yếu ớt của Kiều trên một đoạn hành lang vắng vẻ, vừa đi vừa chửi mắng việc gì đó, có vẻ như là việc Kiều vừa ôm cậu.

Lần này thì Khiêm tới tặng thầy Hưng một cú đấm, thành công hoá vai thành anh hùng giải cứu mỹ nhân tới lần thứ ba.

"Lại là em hả Khiêm? Em với Kiều đang quen nhau đúng không?" Thầy Hưng trừng mắt hỏi khi đang ngã ngồi dưới đất.

Mặc dù chỉ là học sinh nhưng dáng người của Khiêm cũng chẳng thua kém thầy Hưng là bao, thậm chí còn cao hơn một chút. Cậu thừa tự tin nếu phải đánh nhau với người phía trước.

"Em có quen bạn ấy hay không thì thầy cũng không được đối xử với học sinh của mình như vậy."

Thầy Hưng cười gằn, liếc nhìn Kiều ở phía sau lưng Khiêm nói: "Thầy định nói chuyện với Kiều một lúc thôi, em ấy cứ cố tỏ vẻ gì chẳng biết nữa. Chứ em nghĩ thầy định làm gì Kiều ở chỗ như này? Với lại," Gã quệt tay lên chút máu hơi bị rỉ ra ở khoé môi, nói, "Em biết tấn công giáo viên sẽ bị thế nào không?"

"Em giúp bạn Kiều tự vệ chính đáng thôi." Khiêm vừa đáp vừa xoa nhẹ cổ tay mình. Hình như vừa rồi cậu đánh mạnh quá nên hơi đau tay.

Thầy Hưng có vẻ như biết việc này nếu để lộ ra sẽ không hay, vậy là gắng gượng đứng dậy nói: "Từ mai em không cần tới CLB Bóng Rổ nữa đâu, đừng nghĩ em là chủ chốt thì thầy cần em. Cơ hội trên sân của em từ nay coi như hết, vậy nhé."


"Em cảm ơn thầy." Khiêm mỉm cười nói.

Cậu biết gã nói được làm được, nói gì thì nói vẫn là người nhà của thầy hiệu trưởng cơ mà.

Thầy Hưng vừa loạng choạng rời đi, Khiêm nghe thấy tiếng Kiều vang lên từ sau lưng: "Lại là cậu hả?"

Khiêm quay lại, đáp: "Ừ."

"Sao cậu luôn xuất hiện thế?"

"Vì..." Khiêm cảm thấy khó khăn khi chuẩn bị tiết lộ điều mình luôn giấu, vậy nhưng cậu đã quyết định.

"Vì tớ luôn nhìn cậu mà."

Có lẽ Kiều nhất thời không phân tích được chữ "luôn" của cậu là từ khi nào. Nhưng cũng dễ hiểu khi có ai đó luôn xuất hiện khi bản thân cần sự giúp đỡ, chỉ đơn giản vì người ta có để ý.

"Có gì để cậu phải để ý tớ? Cái mặt này à?" Kiều nhỏ giọng hỏi.

"Cái đấy thì chắc chắn rồi." Khiêm gián tiếp khen cô xinh đẹp, "Nhưng đấy là điều duy nhất cậu biết về cậu hả?"

"Thế còn gì nữa? Tâm hồn đẹp như đám con trai hay lấy ra để ca ngợi khi cô gái ấy không quá xinh đẹp à?"

"Ừ." Khiêm đáp mà chẳng quan tâm cô có tin hay không.

"Rồi cậu muốn gì ở tớ?" Kiều hỏi.

"Tớ có nói muốn gì đâu. Cho cậu biết vậy thôi."

Kiều nghe vậy thì cau mày, mắt rũ xuống, bàn tay trái nắm chặt lấy cánh tay phải, như thể đang suy nghĩ về quyết định gì đó trọng đại lắm.

"Cái cảm giác này khó chịu quá." Kiều chợt nói.

Khiêm không rõ Kiều đang nói về chuyện gì, thế nhưng cậu cũng thấy khó chịu. Vậy nên cậu đáp: "Ừ, khó chịu thật."

Nói rồi Khiêm vươn tay kéo tay trái của Kiều ra, để lộ phần thịt bị kẻ đi nắm đến ửng đỏ.

"Đau lắm không?" Khiêm hỏi.

Nếu Kiều thực sự không muốn bắt chuyện với cậu, có lẽ cô nên đáp rằng không đau để kết thúc câu chuyện.

Nhưng Kiều nói: "Đau lắm."

Khiêm dùng ngón tay thô ráp do tập thể thao trong nhiều năm xoa nhẹ lên phần da màu hồng nhạt gần khuỷu tay Kiều, một cách tự nhiên và bình thản dù trong lòng cậu đang có thật nhiều dòng cảm xúc chạy ngược xuôi.


Qua một lúc, Kiều ngẩng đầu, nhìn vào mắt cậu: "Rốt cuộc cậu có thích tớ không?"

Đáp lại ánh mắt đầy mong chờ của Kiều, Khiêm không nhanh không chậm đáp: "Có."

"Rồi sao nữa?" Kiều có vẻ hơi sốt ruột.

"Thì là có thôi."

Có vẻ bị câu trả lời của Khiên làm cho tụt hứng, đôi vai của Kiều hơi rũ xuống, hàng lông mày cau chặt lại như không biết phải làm thế nào.

Âm thanh hỗn độn náo nhiệt từ tiếng hò reo của học sinh lẫn với tiếng thầy cô nói trên loa phát thanh từ xa truyền tới khiến không khí chẳng có giây phút nào yên lặng nhẹ nhàng. Dường như âm thanh ấy cũng rối rắm y hệt tâm trạng của Khiêm lúc này vậy.

Sau cùng, Kiều nói với cậu: "Cậu tỏ tình với tớ đi."

Khiêm không ngờ mình đã dùng từng ấy thời gian cố gắng giữ và chờ đợi Kiều nói câu này trước, rốt cuộc cô lại dùng câu này để điều khiển cậu. Dù không đúng theo dự định, nhưng Khiêm vẫn mỉm cười thuận theo: "Được. Nhưng cậu phải dạy tớ. Nói thế nào nhỉ?"

"Nói cậu thích tớ trước, rồi hỏi yêu nhau không." Kiều hướng dẫn qua loa.

Khiêm thực hành y hệt: "Tớ thích cậu. Yêu nhau không?"

Kiều nhanh chóng gật đầu: "Được, tớ với cậu sẽ làm người yêu, nhưng tớ có điều kiện. Một vài điều kiện. Đầu tiên là cậu lúc nào cũng phải ở bên tớ. Nếu cậu cần đi đâu đó thì cậu phải báo cho tớ. Mười phút báo một lần. Tốt nhất là năm phút một lần. Nếu tớ không cho cậu đi thì cậu không được đi. Cậu phải luôn xuất hiện khi tớ cần, và phải trả lời tin nhắn của tớ nhanh nhất có thể, muộn nhất là 30 giây. Cậu không được có đứa bạn nào là con gái ngoài tớ. Không được nói chuyện với đứa con gái nào khác ngoài tớ. Trong mắt cậu chỉ được phép có tớ. Cậu phải luôn chiều chuộng tớ, dỗ dành tớ, nhường tớ, dù tớ sai thì lúc nào tớ cũng đúng. Dù tớ tức giận hay cáu gắt và đuổi cậu đi cậu cũng không được đi. Cậu phải cho tớ biết mật khẩu điện thoại và tất cả các tài khoản của cậu, trong điện thoại cũng không được phép lưu ảnh hay xem ảnh của đứa con gái khác, bấm like càng không. Dù tớ không nói với cậu là tớ cần gì nhưng cậu phải tự hiểu tớ cần gì, nếu tớ nói không nhưng ý là có thì cậu phải tự hiểu là có, nếu tớ nói có nhưng ý tớ là không thì cậu phải tự hiểu là không, và nếu cậu không đoán đúng thì tớ sẽ dỗi. Và cuối cùng là cậu phải còn tem nữa. Tớ sẽ không chịu nổi nếu biết người tớ yêu đã mất tem, nếu không thì mỗi ngày tớ sẽ chỉ nghĩ về người yêu cũ của cậu thôi, tớ sẽ phát điên. Chắc là vậy. À, cái này đáng lẽ tớ nên nói đầu tiên mới đúng. Hoặc nếu cậu đủ tự tin có thể che giấu việc cậu đã mất tem ở bất kì đâu và chắc chắn là sau này tớ sẽ không thể nào biết thì cậu có thể giấu tớ việc này. Nhưng chỉ những việc quá khứ đó thôi, trong tương lai cậu tuyệt đối không được nói dối tớ. Bổ sung là nếu trong trường hợp tớ với cậu có tương lai gì đó."
3

Từng lời nói được thốt ra bằng một cách nghiêm túc và toxic nhất như thể mong người đối diện sẽ biết khó mà từ chối.

Khiêm thấy đây không phải là đèn đỏ nữa, mà là đèn cấm đi hoặc là biển báo "phía trước nguy hiểm mời đi lối khác" mới đúng.
1

Nhưng những kẻ luôn mong mỏi được nếm trải tình yêu đâu thể nào biết sự đáng sợ của việc bị người mình yêu kiểm soát và quan tâm thái quá. Chỉ có kẻ đầy kinh nghiệm tình trường mới hoảng hốt bỏ chạy, còn cậu chẳng có kinh nghiệm gì cả.

Khiêm không có kinh nghiệm, dù rằng cậu biết mẹ ghét bố nhưng vẫn phát điên vì không biết bố đi đâu mà 3 giờ sáng vẫn chưa về và không có một lời nhắn. Cậu biết bố nói cần đi công việc vào ngày sinh nhật của mẹ và bà không bao giờ tin ông đi vì công việc.

Khiêm không có kinh nghiệm, dù cậu biết bố thẳng thừng từ chối cho mẹ mật khẩu điện thoại khiến bà trằn trọc trộm điện thoại của ông và dò mật khẩu suốt đêm. Cậu biết mẹ gắn camera ngoài cửa chẳng vì mong muốn doạ bọn trộm mà chỉ để check liên tục mỗi khi bà đi công tác xa chỉ có bố ở nhà.

Nhưng sau tất cả sự điên khùng ấy thì mẹ không có vẻ gì như là yêu bố cả.

Tình yêu làm người ta điên điên khùng khùng, và họ điên điên khùng khùng kể cả khi thứ họ giữ khư khư thậm chí không phải là tình yêu mà chỉ là sự ràng buộc xuất phát từ mong muốn sở hữu.

Một tia lý trí sót lại, Khiêm thốt ra từng lời chậm rãi: "Đổi lại tớ được gì?"

Như thể không ngờ Khiêm sẽ hỏi câu này thay vì nói cô bị thần kinh và từ chối thẳng thừng, đôi mắt Kiều mở lớn, ngạc nhiên.

"Chỉ có tớ thôi." Kiều đáp.

"Được, tớ đồng ý." Khiêm gật đầu.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương