Đơn Phương Thất Bại
-
C12: Ông Bác
Trên mâm cơm trong phòng khách bày một bát nước rau, một đĩa rau luộc (trông khá giống rau muống nhưng không phải), một đĩa trứng tráng không có hành (tuyệt vời - Kiều nghĩ thế) và một đĩa thịt chân giò luộc, đều là những món Kiều có thể ăn được.
Một mâm cơm đơn giản nhưng có vẻ vẫn làm Kiều thấy đói, kể ra thì vừa rồi cô hối lộ cho con Ê, không, là Cậu Vàng mới đúng, ăn hết phần cơm của cô rồi. Vả lại cũng đã lâu cô không ngồi mâm ăn cơm canh thế này.
Ông bác mời cả hai ngồi xuống, chợt như nhớ ra điều gì đó rồi nói: "Ôi chết, tôi tưởng có một người thôi, không ngờ là có hai người. Để tôi đi lấy thêm bát."
Kiều đang ngồi cạnh Khiêm cùng một phía của bộ bàn ghế gỗ, phía còn lại là ông bác và Cậu Vàng. Lúc ông bác đi vào bếp, Cậu Vàng chạy theo để lại Khiêm và Kiều ngồi lại ở cái ghế dài không quá rộng rãi, Kiều thấy chuyện đang xảy ra càng lúc càng kì cục.
Không gian của căn nhà trong ngõ tĩnh lặng đến mức nghe được cả tiếng kim đồng hồ kêu lạch cạch mỗi giây trôi qua. Kiều thấy hơi bồn chồn nên nhỏ giọng trách móc: "Cậu thấy mình ở lại khác nào ăn chực không?"
"Sao lại gọi là ăn chực, rõ ràng ông ấy làm cơm mời mà." Khiêm thản nhiên sắp đũa đặt ở chỗ ông bác và Kiều.
"Cậu không thấy lạ à? Sao cậu lại đồng ý ở lại ăn cơm đấy Khiêm? Ngồi đây ngại chết."
Khiêm nói: "Có gì đâu mà lạ? Thì chưa ăn cơm nên ở lại chứ gì. Cậu ăn chưa? Sao vẫn ở lại?"
"Cậu đèo tớ mà? Về kiểu gì? Tớ ăn rồi!" Kiều khe khẽ kêu ca.
Nhưng mà bụng Kiều tự nhiên sôi lên, cô liếc nhìn cái đồng hồ trên phía trên cánh cửa thấy cũng đã ngót nghét một giờ chiều, quá giờ cơm rồi, đói là phải thôi.
Khiêm im lặng không nói gì, ông bác quay lại với một thứ trông không giống cái bát để ăn cơm lắm, nó có kích thước to hơn bát cơm bình thường và nhỏ hơn bát tô đựng canh.
Ông bác chạy loanh quanh bật quạt trần, sau đó ngại ngùng nói: "Ngại quá ngại quá, nhà tôi chẳng bao giờ có khách nên không đủ bát. À mà ngày xưa hồi còn nợ nần cũng hay có khách tới đấy, nhưng mà người ta đến để đập bát chứ không phải ăn bát, ha ha. Hai cô cậu ăn hai cái bát này đi, để tôi ăn bằng cái thố này."
Ông cụ đưa cho mỗi người một cái bát, trông hoạ tiết của chúng cứ như là bát cặp. Ông bác thấy Kiều nhìn nhìn thì giải thích: "Bát đôi của tôi với bà nhà đấy, hai đứa dùng tạm nhé."
"..."
Khiêm nghe vậy lập tức ho nhẹ một cái, Kiều cũng thấy chân tay ngứa ngáy, không biết để đâu bèn đưa lên gãi gãi tai.
Thấy bát đũa đã đầy đủ, Khiêm chủ động xới cơm, đưa bát tới từng người. Kiều đón lấy bát cơm từ tay Khiêm, không tránh được chạm vào ngón tay cậu ta. Nóng đến bỏng tay.
Ông bác lấy quả chanh đã cắt sẵn vắt vào trong bát nước rau luộc và dùng muôi khuấy lên khiến màu xanh đục dần trở thành màu vàng và trong hơn.
Kiều cầm đũa, nhìn đĩa rau vừa cọng vừa lá trông như cỏ dại ngập ngừng hỏi: "Ông ơi rau gì đây ạ?"
Ông bác nghe vậy hỏi lại: "Cô nhóc này nhà ở đâu, mà không biết đây là rau rút?"
"Cháu ở Hà Nội, cách nhà ông có hai cây số thôi ạ."
Dù đã được giải đáp nhưng Kiều vẫn phải quay sang nhỏ giọng hỏi Khiêm: "Rau rút có tồn tại thật không vậy?"
"Có mà. Ăn ngon lắm." Khiêm nói xong gắp một miếng rau làm mẫu.
Kiều nghe vậy mới dám ăn thử một miếng rau, thấy cọng rau giòn giòn, vị hơi lạ nhưng mà có cảm giác ăn bon mồm như đồ ăn vặt.
"Ô, tôi cũng ở Hà Nội, ăn rau này mấy chục năm nay rồi." Ông bác vừa nói vừa làm vẻ mặt khó hiểu, "Mà hai cô cậu tên gì ấy nhở? Học lớp mấy rồi? Từ nãy đến giờ vẫn chưa hỏi tên."
"Cháu là Kiều ạ, lớp 12."
"Cháu tên Khiêm, cùng lớp với bạn này."
"Yêu nhau à?" Ông bác hỏi.
"Dạ không phải ạ." Kiều đáp nhanh.
"Ừm... thôi hai cô cậu ăn cơm đi. Cơm canh đạm bạc, hai cô cậu cứ tự nhiên nhé."
Ông bác vừa nói vừa nhét cho Cậu Vàng một miếng thịt, Kiều thấy vậy khuyên nhủ: "Ông ơi vừa rồi ở nhà nó ăn hết một suất cơm lớn rồi đấy ạ, nguyên cái đùi gà..."
"Ôi..." Trước khi ông bác định làm gì thì Cậu Vàng đã đớp xong miếng thịt và nuốt chửng. "Bảo sao Cậu Vàng ở với cô Kiều có hai tuần mà đã béo thế này rồi! Lông thơm quá, dùng sữa tắm gì đấy hả Cậu Vàng?"
Thấy ông bác bắt đầu xao nhãng việc ăn cơm quay ra chơi với chó, Kiều cũng không xen ngang mà chỉ tập trung ăn cơm vì thật sự cũng hơi đói. Vả lại bát nước rau vắt chanh kia ngon một cách lạ kì cho một buổi trưa nắng nóng.
Thi thoảng cô liếc sang bên cạnh thấy Khiêm ăn cơm rất ngoan ngoãn, trông có vẻ là chưa ăn trưa thật vì cô thấy cậu ta tự xới thêm bát thứ hai rồi. Còn Kiều do ngại ngùng nên ăn khá khép nép, không dám phát ra tiếng động.
"Cơm canh ăn có vừa miệng không hả hai cô cậu?" Ông bác hỏi.
"Ngon lắm ạ. Một mình ông nấu hết ạ?" Khiêm hỏi.
"Không tôi thì ai? Cậu Vàng này chẳng nhờ vả được cái gì cả." Ông nói rồi điểm ngón tay lên cái mũi đen bóng ươn ướt của nó.
"Ông ở nhà một mình thế này, nhỡ có chuyện như thế xảy ra thì làm thế nào?"
"Ôi dào ơi, không ở một mình thì ở với ai bây giờ? Quanh đây cũng nhiều ông bà ở một mình như tôi lắm, nhưng mấy ông bà ấy may mắn là có con cái tháng qua thăm đôi ba lần, tôi thì chỉ gọi điện được thôi. Với lại Cậu Vàng đây thây. Chó cũng là người mà. Lúc tôi ngã, nó sủa to lắm đấy, tôi nghe người ta bảo vậy."
"Ông mới ra viện sao không mua đồ ăn, mà phải tự nấu thế này?" Khiêm hỏi.
"Thôi tôi không ăn đồ bên ngoài đâu, nhiều hoá chất lắm. Nấu nướng tốn mấy thời gian đâu, vừa rẻ vừa ngon. Với lại tôi trông thế thôi chứ vẫn còn khoẻ lắm, cậu thấy ngày nào tôi cũng chạy bộ đấy thôi."
Ông bác kể kể nói nói, nhìn qua thấy Kiều vừa cắn đũa vừa nhìn quanh nhà, ông bác lại nhiệt tình giới thiệu: "Nhà tôi ngày xưa to lắm, nhưng phải bán bớt đất để trả nợ nên còn nhỏ thế này thôi. Nhưng giờ ở một mình thấy nhà nhỏ cũng tốt, rộng quá chẳng để làm gì, dọn mệt. Thằng bé nó cũng sửa sang lại nhà cho tôi mấy lần, tôi thấy nhà đẹp lắm rồi."
"Vâng, cháu cũng thấy đẹp ạ."
Kiều trả lời lịch sự, dù đương nhiên cô biết nó chẳng thể đẹp được như căn nhà bốn tầng rộng rãi hiện đại của cô. Ti vi nhà cô mua từ sáu năm trước còn hiện đại hơn cái trước mặt, quạt cây kiểu cũ, tủ lạnh kiểu cũ...
Nhưng càng so sánh, Kiều lại càng thấy chẳng đúng lắm. Trông ông bác kia ở một mình với con chó mà vẫn vui vẻ phấn khởi, còn Kiều ở nhà cao cửa rộng một mình, chưa thấy vui lần nào.
Lúc bàn cơm đã bị ăn sạch sẽ, Khiêm chủ động đứng dậy bê mâm nói sẽ rửa bát. Kiều thấy mình là con gái, đã không nấu cơm còn không rửa bát nữa thì hơi kì nên cũng đứng dậy theo Khiêm vào bếp.
Căn bếp ở đây cũng nhỏ nốt, không có nhiều thứ linh tinh kiểu lò vi sóng lò nướng và tủ kệ như nhà cô, chỉ có những thứ cần thiết: bếp và bồn rửa bát.
Vừa rồi Kiều nói sẽ rửa bát, Khiêm nhận tráng bát, cả hai cứ vậy thực hiện công việc.
Kiều có cảm giác từ khi Khiêm bước vào, căn bếp nhỏ bé đi kha khá. Dường như sự xuất hiện của Khiêm còn khiến nơi bồn rửa bát này trở nên chật hẹp vì nó hơi nhỏ cho hai người đứng, vả lại độ cao của cái bồn vừa xinh với chiều cao của Kiều, nhưng Khiêm thì phải cúi người xuống mới cầm nổi cái bát để đưa ra vòi rửa.
"Cũng không nhiều bát lắm, cậu để đấy tôi rửa cũng được." Kiều thấy dáng vẻ Khiêm hơi chật vật nên thật lòng khuyên nhủ.
"Tớ làm được mà."
Không khí này có vẻ hơi nguy hiểm với Kiều. Một nơi nhỏ bé, chỉ có hai người, bên cạnh lại còn là chàng trai mình để ý, cùng nhau rửa bát, Kiều còn nghe thấy tiếng Khiêm huýt sáo khe khẽ.
Tên này biết huýt sáo à? Bài gì nghe quen thế nhỉ?
Một người rửa một người tráng, dăm ba cái bát, tốc độ nhanh không tưởng. Tới lúc Khiêm úp chiếc bát cuối cùng lên chạn, đột nhiên Kiều thấy hụt hẫng như thể cái bát đó là dấu chấm hết cho mọi thứ vậy.
Không muốn về nhà.
Nước ở đâu đột nhiên vẽ thành một vòng quanh viền mắt, Kiều vội vàng mở vòi nước xả vào lòng bàn tay rồi hất lên khiến cả gương mặt sũng nước.
Khiêm hơi giật mình, hỏi: "Cậu làm gì đấy?"
"Rửa mặt." Kiều đáp.
"Làm gì mà vội thế?"
"Giờ về thôi nhỉ?" Kiều nói lảng sang chuyện khác.
Cả hai bước ra thấy ông bác đang ngồi uống nước chè, trong lòng là Cậu Vàng đang thiu thiu ngủ.
Khiêm ngó qua đánh tiếng với ông bác: "Ông ơi. Cháu xin phép ông cháu về đây ạ."
"Ừ ừ, cảm ơn hai cô cậu nhé. Hôm nay có hai cô cậu qua chơi tôi vui quá." Ông bác đứng dậy ra mở cổng.
"Thỉnh thoảng cháu sẽ qua chơi với ông." Khiêm mỉm cười đáp, nụ cười không công nghiệp như bình thường.
"Vậy thì tốt quá. Nhớ đấy nhé."
Trước khi ông bác đóng cổng, Kiều thầm quyết tâm, ngồi thấp xuống xoè hai tay về phía con chó trắng nói: "Ê Cậu Vàng, qua đây. Về nhà với tao không?"
Con chó từng dùng đôi mắt đen láy nhìn cô chằm chằm, vẫy đuôi thân thiện với cô, tỏ vẻ như thể cô là tất cả của nó lúc này chỉ đứng im dưới chân ông bác, cái đuôi vẫy vẫy qua lại nhưng không hề có ý định bước qua.
Ông bác nói: "Con này á, chỉ có cầm đồ ăn trong tay mới dụ được nó thôi."
"Thế hả ông." Kiều đáp rồi đứng dậy, hơi cúi đầu, "Chào ông cháu về nhé ạ."
"Ừ ừ, hai cô cậu đi đường cẩn thận."
Ngồi sau lưng Khiêm trên chiếc xe điện, Kiều nghĩ, vốn ban đầu cô đặt tên cho nó là Ê vì cô biết nó đã tự có một cái tên riêng, và rồi nó cũng trở về với chủ cũ nên chỉ đặt tạm vậy thôi, nào có nghĩ lúc phải trả nó về nhà lại buồn như vậy.
Sau đó cô liếc nhìn về phía trước, phát hiện ở giữa cô và cậu ta không còn con chó nào, cũng không có cái balo chắn ngang. Bờ vai của cậu ta cao và rộng, trông vô cùng đáng tin cậy.
Nhưng, không như thằng Minh lớp bên, có vẻ như Khiêm không ưa cô cho lắm. Rõ ràng vừa rồi lúc qua nhà để lai cô tới nhà ông bác, ánh mắt đầu tiên của Khiêm nhìn cô đã chẳng mấy thân thiện. Có lẽ do cậu ta đã thấy cô ngả đầu vào lòng Minh khi ở sân trường. Nhưng nói đúng ra thì Khiêm cũng không quá thân thiện với cô từ trước cả lúc đó, giờ chỉ có không thân thiện hơn thôi.
Sau đó Kiều nghĩ, không ưa cô thì cũng tốt, đỡ như Minh, vừa ngả đầu vào lòng cậu ta đã bị bắt chịu trách nhiệm.
Tấm lưng khoẻ khoắn trước mắt như một hình ảnh thôi miên, Kiều không nhịn được, cuối cùng nghiêng đầu dựa lên bả vai của Khiêm.
Mùi hương dễ chịu, nhiệt độ dễ chịu.
Khiêm gần như không có phản ứng.
Khi về đến nhà, Kiều nhấc đầu mình ra khỏi cậu ta, liếc mắt thấy trên đó để lại một vệt nước nho nhỏ không đáng kể. Mong cậu ta không để ý, nếu có thì mong cậu ta sẽ không nghĩ rằng đó là nước dãi.
Xe vừa dừng trước cổng nhà, một bà hàng xóm đi ngang qua thấy cô lập tức hô hào bắt chuyện: "A Kiều đấy à? Hôm nay lại là anh nào đưa về đây? Lâu lâu cô mới thấy mặt mày, trông càng ngày càng giống mẹ ấy nhỉ."
Kiều vừa nghe, cảm giác khó chịu cuộn trào trong ngực. Cô chỉ nói đúng ba chữ "cháu chào cô", sau đó nói "bye bye" với Khiêm rồi tự ngăn mình với thế giới bên ngoài bằng cánh cổng sắt to và nặng.
Vừa vào phòng riêng, Kiều vội vã lấy từ trong balo ra cái tai nghe đã lâu không dùng đeo lên tai, mở bài hát mới mới nào đó trong bảng danh sách nhạc thịnh hành rồi thả người xuống đệm giường.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook